Thể loại: Dân quốc, thời cuộc hỗn loạn rối ren, hào môn thế gia, nghiệp giới tinh anh, tiểu thư xinh đẹp kiêu kì quyết đoán cá tính - luật sư bang phái tài giỏi lý trí lạnh lùng, #NGƯỢC, cảm động, sâu sắc, HE
Độ dài: 26 chương + 2 NT
Tình trạng: Hoàn.
Giới thiệu:
Câu chuyện Thượng Hải những năm 20, sử thi luật pháp Dân quốc.
Đường Cạnh gặp Châu Tử Hề lần đầu tiên vào mùa hè năm 1927, tại Bến tàu Viễn dương Thượng Hải.
Khi ấy, anh hai mươi sáu tuổi, tốt nghiệp đại học Yale chuyên ngành pháp luật và chính trị, nhận chứng chỉ luật sư do bộ tư pháp Trung Hoa Dân Quốc ban hành vừa tròn một năm. Còn nàng thì mười bảy tuổi lẻ hai tháng, đi tàu từ Mĩ về chịu tang anh trai.
“Anh là người giám hộ của em ạ?” Châu Tử Hề hỏi vậy.
Đường Cạnh gật đầu, cho rằng đây chỉ là một mối quan hệ ủy thác có kỳ hạn mười tháng mà chẳng hề hay, cả quãng đời còn lại sẽ thay đổi hoàn toàn vì cuộc gặp gỡ này, mãi mãi.
***
Giữa những khối bê tông lạnh lẽo và ánh đèn Thượng Hải lấp lánh, “Cô đảo dư sinh” là nơi hai con người không còn gì để mất tìm thấy nhau – không phải để hạnh phúc, mà để tồn tại cùng nhau. Hai con người gặp nhau không phải vì định mệnh, mà vì chẳng còn đường quay lại.
Giữa Thượng Hải rối ren thập niên 1920, một nơi mà luật pháp bị nhét vào túi áo, súng lục lên nòng nhanh hơn lời tỏ tình, thì tình yêu chẳng khác gì một canh bạc.
Châu Tử Hề là cô gái đứng giữa tang lễ và bến tàu, mang đôi mắt của người đã quen với mất mát. Nàng là tiểu thư nhà họ Châu, nhìn bề ngoài như chăn ấm nệm êm từ nhỏ mà lớn lên, vô ưu vô lo nhưng thật ra rất hiểu chuyện lại trưởng thành hơn độ tuổi mười bảy.
Cha mẹ lần lượt mất sớm, nàng được anh trai đưa sang Mĩ học nội trú suốt một thời gian dài. Anh trai buộc nàng rời xa khỏi thời cuộc, khỏi những bất ổn về chính trị và kinh tế mà không ngờ cũng tước đi cơ hội cho nàng ở bên người thân duy nhất còn lại của mình. Nàng có thể được an toàn trong một lúc, nhưng tâm hồn lại phải khao khát tình thân gia đình đến suốt đời.
Rồi đến khi anh trai Châu Tử Huân ra đi mãi mãi, Châu Tử Hề về nước chịu tang mà còn chẳng kịp nhìn thấy anh lần cuối. Nàng chỉ biết từ giây phút này chỗ dựa cuối cùng của nàng đã không còn, không còn ai thật sự quan tâm đến nàng. Cả ngôi nhà mà nàng trở về cũng không còn là “nhà”, khi này phủ họ Châu đã thuộc về khối gia sản mà quá nhiều cặp mắt đang dòm ngó.
Vì di chúc của cha và sắp xếp của anh trai mà từ thời điểm này đến mười tháng sau khi vừa tròn mười tám tuổi, Châu Tử Hề sẽ kết hôn với một người đàn ông xa lạ để “giúp” nàng tiếp quản gia sản. Trong thời gian này người giám hộ cho nàng là Đường Cạnh, người được Châu Tử Huân ủy thác làm luật sư khi còn sống.
Đường Cạnh tốt nghiệp đại học Yale chuyên ngành pháp luật và chính trị, nhận chứng chỉ luật sư do bộ tư pháp Trung Hoa Dân Quốc ban hành rồi mở văn phòng luật ở Thượng Hải. Anh là hiện thân của tư tưởng luật pháp, công lý khi may mắn được tiếp nhận kiến thức văn minh hiện đại.
Nhưng giữa thời đại Dân quốc vừa hoa lệ vừa đen tối, nơi luật pháp và s úng đ ạn cùng tồn tại, nơi con người sống với hai lớp mặt nạ thì Đường Cạnh phải biến đổi cho phù hợp. Anh ngoài mặt làm luật sư nhưng trong tối chuyên lo những vụ việc không chính thống cho bang phái thời bấy giờ.
Anh có được ngày hôm nay là nhờ Trương Lâm Hải, bang chủ ngõ Cẩm Phong cung cấp học phí trong suốt quá trình, nhưng suy cho cùng vẫn là nhờ một mạng của mẹ anh, một kỹ nữ có tiếng thời xưa.
Bà có ơn với Trương soái, gửi gắm anh cho ông ta chăm sóc. Ngoài mặt Đường Cạnh được ông ta hết sức trọng dụng, gần như con nuôi của ông ta, nhưng thật ra anh hiểu mình cũng chỉ là công cụ, nhận lệnh chủ nhân mà thi hành thôi.
Là một người rất lý trí, đôi khi lạnh lùng, thậm chí đầu óc tính toán không để bản thân chịu thiệt khiến cho Đường Cạnh trở nên thực tế hơn. Anh mang trên mình trách nhiệm của tầng lớp trí thức, muốn dùng luật pháp để định hình trật tự xã hội, nhưng lại bị thực tế phũ phàng dội thẳng vào mặt.
Anh biết điều mà mình làm là sai, việc áp đặt một cô gái phải cưới người mình chưa từng gặp mặt, để trao lại toàn bộ sản nghiệp gia đình nàng vào tay người khác bởi vòng xoáy tranh chấp tiền bạc và quyền lực, khép lại tương lai rộng mở của nàng sau cánh cửa hôn nhân sắp đặt.
Nhưng liệu nàng có còn con đường nào khác? Mà anh, người tự tay đẩy nàng vào kết cục đó liệu có còn đường lui không?
Ban đầu Đường Cạnh đã nghĩ làm người giám hộ, anh chỉ cần đưa nàng vào trường nội trú nữ sinh ở, yên ổn trôi qua mười tháng, giao nàng ra lấy chồng là xong việc.
Không ngờ sau đó anh thực sự trở thành “người trông trẻ”, từ trông coi không để nàng chạy trốn đến những cuộc gọi than phiền vì tính cách lập dị của nàng từ cô giáo trường nữ sinh. Đường Cạnh mơ hồ nhận ra Châu Tử Hề không phải một cô tiểu thư kiêu kì mong manh, nàng quyết đoán, có cá tính rõ ràng, không chịu ngồi yên trước số phận.
Anh cũng là người chịu tổn thương vì những mối quan hệ không thể gọi tên, đặc biệt là với người cha. Có lẽ vì vậy mà giữa hai người họ hình thành nên một sợi dây liên kết vô hình, giữa những người không còn gia đình, không danh dự, không lý tưởng, những kẻ đã mất gần như tất cả.
Thời điểm bấy giờ có những vụ án pháp lý nổi đình nổi phản ánh sự phức tạp và mâu thuẫn của hệ thống pháp luật thời kỳ Dân quốc, sự can thiệp của các thế lực chính trị và ảnh hưởng của dư luận đến quá trình xét xử.
Với cương vị là một luật sư của bang phái, anh không được quyền ra mặt đứng về phe nào cụ thể, công lý không nằm trong tay người luật sư, càng không thuộc về giai cấp người lao động Trung Quốc nghèo khổ.
Đường Cạnh dẫn Châu Tử Hề ra ngoài nhiều hơn, tiếp xúc với những người khác, có người là luật sư nhưng lý tưởng trái ngược với Đường Cạnh, có người là luật sư tưởng như chính trực nhưng thật ra đã bán mình cho đồng tiền từ lâu, có người là nữ phóng viên nước ngoài chuyên lao vào giữa cuộc chiến để đưa tin thời sự thời cuộc (cũng là “crush” của Đường Cạnh trước khi quen biết Châu Tử Hề).
Anh trao đổi với nàng về những vụ án, cho nàng xem quá trình xét xử và kết cục. Có lẽ đó là những cố gắng vùng vẫy của Đường Cạnh để thuyết phục Châu Tử Hề, cũng là thuyết phục chính mình rằng, đấy chính là cách xã hội hiện tại vận hành, đầy bất công và dễ dàng bị thao túng.
Cả anh, cả nàng, họ chỉ là những nạn nhân bị chi phối bởi thời cuộc, bởi sự va chạm giữa lý tưởng phương Tây và thực tế loạn lạc tại Trung Quốc thập niên 1920, nơi lằn ranh giữa công lý và hỗn loạn bị xé nát từng ngày.
Châu Tử Hề thật ra vẫn luôn âm thầm chống đối số phận từng ngày bằng cách này hay cách khác, điều này đã thức tỉnh chút lương tri còn sót lại của Đường Cạnh, đánh thức lý tưởng tưởng như đã ngủ quên trong anh. Mối quan hệ khó gọi tên với Tử Hề vì vậy trở thành một thứ ánh sáng mong manh trong đời anh, một sự cứu chuộc dù không toàn vẹn.
***
Ngoài hai nhân vật chính và những vụ án pháp lý ly kì, chúng ta có những nhân vật phụ được xây dựng với chiều sâu tâm lý và hoàn cảnh riêng biệt, góp phần quan trọng trong việc phản ánh những khía cạnh đa dạng của xã hội bấy giờ.
Một vị đại luật sư yêu nước, một nữ phóng viên người Mỹ, một tên “x ã h ội đ en” lang bạt, một ca kĩ đam mê diễn xuất,… tất cả đều có vai trò riêng trong bức tranh toàn cảnh.
Trần Chi Dao không chỉ viết về tình yêu, mà viết về những con người sống sót, về một luật sư mang lý tưởng bị giam lỏng giữa hiện thực và một cô gái trưởng thành trong nỗi mất mát, lạnh lẽo như mặt biển không bờ.
Liệu người ta có thể giữ vững lương tri trong một thời đại như thế không? Và nếu không, thì đâu là điều cuối cùng đáng để bám lấy? Trong truyện, tình yêu không phải thuốc chữa lành tuyệt đối mà đó là một điểm tựa tuy mong manh nhưng giúp con người không hoàn toàn chìm sâu xuống đáy của sự suy đồi đạo đức.
“Cô Đảo Dư Sinh” không kể một chuyện tình ngọt ngào, không hứa hẹn một kết thúc cổ tích. Tình yêu của Đường Cạnh và Châu Tử Hề là kết quả của sự tổn thương, sự mất mát, là những tâm hồn tan vỡ tìm đến nhau nhưng lại chính là thứ duy nhất còn sót lại để con người níu lấy cuộc đời. Nó đủ để không tuyệt vọng, nhưng không bao giờ đủ để quên đi quá khứ, một tình yêu lặng lẽ giữa loạn lạc.
___