Hôm sau, trời vừa sáng, Đường Cạnh đã tỉnh dậy, ăn sáng đơn giản rồi rời khách sạn đến văn phòng sớm hơn bình thường.
Làm việc đến nửa chừng, anh chợt nghĩ tới Châu Tử Hề, đoán nàng sẽ không dậy sớm, bèn gọi điện đến dinh họ Châu, bảo vú em phục vụ nàng rời giường và chuẩn bị quần áo đồ dùng, thuận tiện truyền lời thay anh – hôm nay sẽ đưa nàng đi nhập học.
Nguyên bản, anh định đợi thêm mấy ngày nữa mới đưa vị tiểu thư này vào trường học, nhưng xảy ra trận náo loạn tối qua làm anh cứ băn khoăn đêm dài lắm mộng, thôi thì đưa đi sớm yên thân sớm vậy.
Đợi đến lúc anh hoàn thành công việc trên bàn rồi, Balwin người Mĩ góp vốn làm ăn chung với anh mới bước vào văn phòng, sai nữ thư kí đi pha cà phê, ngồi xuống xem báo.
Thấy Đường Cạnh đi ra, Baldwin cất tiếng chào anh sau tờ “China Press”: “Đường, cô Wallace lại có bài đăng mới kìa.”
Nghe vậy, Đường Cạnh đi thẳng tới bàn Baldwin, không chút khách khí thò tay rút mất tờ báo.
“Này!” Baldwin phản đối, song cũng chẳng thật sự so đo với anh, cười nhìn anh phất tay đi ra ngoài.
Phàm là người quen của Đường Cạnh đều biết anh đang theo đuổi phóng viên Polly Wallace của “China Press”, cũng biết chuyện tốt quá nửa không thành, bởi Polly nhiều tuổi hơn anh, hơn nữa còn là một bà đầm, cầm hộ chiếu Anh hành tẩu trong tô giới, đương nhiên cao sang hơn một bậc. Đường Cạnh lại chẳng quan tâm, vui vẻ nhận hết những lời trêu chọc giỡn cợt, lần nào cũng chỉ coi như thuốc bổ ấm thân.
Anh quen Polly trong một bữa tiệc đứng của câu lạc bộ Tây kiều.
Tên sao nghĩa vậy, đây là chốn tụ hội của người Tây, không có vị trí cho người Hoa. Nhưng Baldwin là một tay khéo đưa đẩy, đến Thượng Hải hành nghề còn chưa đầy một năm đã ra vào giới pháp chính như cá gặp nước. Từ quan chủ thẩm ngoại giao của Công đường Hội thẩm, Tòa án Lãnh sự, Công đường Lãnh sự đến cán bộ kiểm sát và thẩm phán Tòa án Mĩ tại Trung Quốc, gã đều quen biết hết, có vài người còn thân như anh em mặc chung cái quần. Thế là nhờ vào mối quan hệ ấy mà Đường Cạnh được luật sư Baldwin dẫn đến bữa tiệc đó. Nhưng dẫu vào được cửa thì vẫn phải chịu đủ loại ánh mắt và sắc mặt. Đường Cạnh đã sớm quen với việc này nên cũng chẳng để tâm. Ở thành phố này vốn là bản lĩnh bao nhiêu giành được bấy nhiêu, giữa ánh mắt và lợi ích, hiển nhiên cái sau thực tế hơn nhiều.
Nhưng hôm ấy thì hơi khác.
Bữa tiệc được tổ chức trong vườn hoa nhà riêng của một ai đó, cuối xuân rực rỡ nắng vàng, gió mát phả vào mặt vô cùng dễ chịu. Bàn đồ ăn, quầy bar và dàn nhạc đều được bày ở gần phòng ấm nhưng khách khứa trẻ tuổi đều thích ra ngoài bãi cỏ hơn.
Chỉ một cái liếc mắt, Đường Cạnh đã trông thấy Polly, mắt xanh, môi đỏ, mái tóc vàng óng mềm mại cắt ngắn nhất có thể, mặc một bộ váy xanh ôm sát người nom như mĩ nhân ngư, song lại hút thuốc lá, đang tán gẫu lên trời xuống biển với một nhóm đàn ông. Đây là kiểu anh thích. Anh cười với cô, cô cũng cười đáp lại, tiếc là chẳng có ai giới thiệu cho họ làm quen.
Khi ấy có một vụ án hình sự mở phiên xét xử ở tòa án Mĩ tại Trung Quốc, bị cáo là một người Mĩ tên Jones, đã bắn chết một người Trung Quốc tên là Cung Thanh. Polly là phóng viên của “China Press”, đang có dự định viết bài về vụ đó, mấy người đàn ông chung quanh nghe cô nói vậy bèn thảo luận về nó, ai nấy đều trổ hết sở trường, ra sức ân cần.
Trong đó có một người làm việc tại tòa án, hiển nhiên là chiếm trọn thế thượng phong, thuật lại từ đầu chí cuối tình hình mở phiên tòa đầu tiên.
Vụ việc thực ra đơn giản đến bất ngờ, căn cứ theo lời khai của nhân chứng bên nguyên, bị cáo Jones không thể bắt kịp chuyến đò bị hại Cung Thanh đi, đứng trên bến vẫy tay hô gọi nhưng nhà đò không để ý. Jones bèn nổi giận, rút súng bắn về phía con đò, viên đạn bắn trúng hành khách Cung Thanh trên đò.
Nhưng lời bị cáo khai lại là một phiên bản hoàn toàn khác. Jones mới tới Thượng Hải, nghe nói bang phái hoành hành ở bến đò nên mang theo một khẩu Browning cỡ nhỏ phòng thân. Trên bờ trước khi lên đò, theo thói quen khi xưa phục vụ trong hải quân, anh ta tháo băng đạn xuống đề phòng ngộ nhỡ, không khéo làm sao, một viên đạn trong đó tự dưng phát nổ. Jones bị dọa, chỉ thấy viên đạn bắn vào mặt sông cách bến đò chừng sáu mươi feet làm tóe nước, chỗ đó hoàn toàn không có thuyền đò đi qua. Thế nên sau đó anh ta lên thuyền rời bến cũng không biết là có người bị thương vì viên đạn ấy. Luật sư bào chữa tranh luận rằng viên đạn cướp cò va chạm với mặt nước bật lên nên mới làm Cung Thanh bị thương, tóm lại chỉ đơn thuần là chuyện ngoài ý muốn, hoàn toàn không phải cố ý.
“Phát súng nổ ở bến đò ven sông, viên đạn còn lại trong súng của bị cáo trùng khớp với viên đạn lấy ra từ thi thể nạn nhân, chỉ có hai chi tiết này là xác đáng. Còn viên đạn kia đi vào cơ thể người chết thế nào, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì thì hãy còn là bí ẩn.” Người nọ tổng kết.
“Nhưng ở hiện trường có năm người chứng kiến cơ mà, nếu lời khai của họ chứng thực cho nhau thì tại sao không tin được?” Polly hoài nghi.
“Đúng đó, tổng cộng có năm nhân chứng, trong đó ba người đi cùng đò với người chết, hai người còn lại làm việc ở bến đò. Lời khai của họ nhất trí, nhưng đáng tiếc đều là người Trung Quốc.” Người nọ tỏ vẻ tiếc nuối.
“Người Trung Quốc thì sao vậy?” Polly không hiểu.
“Em yêu, chắc là em không biết,” Người nọ rủ rỉ giải thích, “Người Trung Quốc nổi tiếng ngụy tạo chứng cứ trên tòa, phàm là vụ án liên quan đến nhân chứng Trung Quốc, tòa đều có dự liệu nhân chứng sẽ nói dối, đây là đặc thù của chủng tộc bọn họ.”
Chung quanh rộ lên tiếng cười hiểu ý, có người hùa theo: “Lời khai của năm người nhất trí vừa hay chứng tỏ trước đó họ đã nhúng tay vào lời khai.”
Polly nhìn về phía Đường Cạnh, cho rằng anh sẽ cảm thấy nhục nhã, phẫn nộ hoặc lúng túng, như cảm giác của cô khi nghe tên ngu xuẩn tự phụ kia gọi cô là “My dear”, kết quả phát hiện anh dường như chẳng hề nghe thấy, chỉ cúi đầu gảy thức ăn trong đĩa. Kể cũng lạ, không hiểu tại sao cô lại hơi thất vọng.
Mãi đến lúc này, Đường Cạnh mới cất tiếng, nhìn tên cán bộ tòa án kia hỏi: “Bị cáo dùng Browning à?”
“Phải.” Người nọ trả lời, tựa như đến giờ mới chú ý rằng có một người Trung Quốc ở đây.
Đường Cạnh làm lơ ánh mắt của những người chung quanh, tiếp tục hỏi: “Bị cáo từng phục vụ trong hải quân, quen mang súng theo người, lúc tháo băng đạn, một viên đạn đột ngột phát nổ, chuyện như vậy xảy ra trong tay một người đã quen với vũ khí như anh ta, rốt cuộc có bao nhiêu phần trăm khả thi?”
“Đúng là rất hi hữu nhưng cũng không phải là không thể.” Có người trả lời vậy.
Đường Cạnh gật đầu, đặt đĩa thức ăn xuống đứng dậy, nhìn mọi người: “Tôi không biết quý vị từng dùng loại súng tương tự bao giờ chưa, tôi vừa hay đang có một khẩu đây.”
Anh cởi áo ngoài, lấy từ sau lưng ra một khẩu Browning, mở chốt, sau đó vươn tay bóp cò, toàn bộ chuỗi động tác đều ung dung điềm tĩnh, nhưng cũng chẳng có lấy nửa giây trù trừ. “Đoàng” một tiếng, viên đạn bay về phía mặt cỏ, tức thì mất tăm.
Mấy người ngồi đó đều bị tiếng súng dọa cho nhảy dựng, vẻ mặt nhất thời cứng ngắc, còn có người sợ đến ôm đầu trốn tránh. Polly lại cười, Đường Cạnh nhìn cô, cũng cười, nhún vai tỏ vẻ tiếc nuối như đang kể một câu chuyện tiếu lâm mà chỉ hai người họ hiểu. Những người kia thấy không phải anh thấy nhục trả thù, bấy giờ mới thả lỏng, trên mặt cũng không có vẻ gì là giận dữ, chỉ mong chủ nhà xuất hiện đuổi tên Trung Quốc này đi.
Chủ nhân ngôi nhà nghe thấy tiếng súng, quả nhiên sai người qua hỏi thăm tình huống.
Polly nhanh chóng ra mặt giải thích: “Các quý ông đây chỉ đang thảo luận một vụ án mà thôi.”
Đường Cạnh lại chẳng hoảng hốt, bởi đi cùng với người chủ nhà phái tới là Baldwin chung phe với mình. Thấy khẩu súng trong tay anh, trên mặt Baldwin hiển thị rõ biểu cảm “Bỏ mẹ ông làm cái gì đấy”.
Đường Cạnh chỉ cười, cất súng đi, thủng thỉnh hỏi: “Có ai trông thấy viên đạn bay đi đâu không ạ?”
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, nhất thời im bặt.
“Không nhìn thấy mới là bình thường,” Đường Cạnh tổng kết, “Lực bắn của Browning mạnh hơn súng lục Mauser thông thường, tốc độ của đạn cũng nhanh hơn, sau khi bóp cò, bay từ họng súng ra xa sáu mươi feet chỉ mất một phần mấy một giây, lúc người bình thường nghe thấy tiếng súng vang lên, viên đạn đã sớm bay xong cả quãng đường, căn bản là không có khả năng nhìn thấy điểm rơi của nó.”
“Nhưng bị cáo Jones đích thân nổ súng bắn ra viên đạn,” Có người lập tức phản bác, “Anh ta biết đại khái phương hướng, về mặt này không giống người đứng xem.”
“Ồ? Mới nãy tôi nghe các anh thảo luận, hình như bảo là anh ta cướp cò, còn bị tiếng nổ dọa cho hết hồn,” Đường Cạnh ra vẻ nghi hoặc, chỉ vào người vừa ôm đầu trốn, “Có lẽ phản ứng không khác quý ngài này là bao. Ý anh là thực ra Jones cố ý bắn, đồng thời biết rất rõ phương hướng và đường đi của viên đạn?”
“Tôi không nói thế,” Người kia ăn quả đắng song vẫn chưa chịu thôi, “Kể cả lời khai của mấy nhân chứng Trung Quốc khớp nhau thì cũng không thể hoàn toàn chứng tỏ khi đó bị cáo cố ý ngắm bắn vào đò mà không phải là cướp cò ngoài ý muốn khi tháo băng đạn.”
“Đúng vậy, chúng ta không thể không xét đến động cơ phạm tội,” Lại có người phụ họa, “Bị cáo gọi đò bị ngó lơ, nảy sinh tức giận là chuyện có thể hiểu được nhưng còn xa mới đủ để kích thích ý đồ mưu sát.”
Trên thực tế, tất cả những ai đang ngồi đây đều biết trên đất Mĩ, vụ việc như vậy chẳng khác nào chuyện nghìn lẻ một đêm, một người đầu óc bình thường sẽ không có khả năng vì không bắt kịp chuyến đò mà nổ súng vào đò, nhưng ở đây thì rất có thể xảy ra, dù sao trên con đò ấy cũng chỉ có mấy tên dân đen người Tàu.
Nhưng Đường Cạnh chẳng định quay sang tranh luận về vấn đề đó, vẫn bình luận đúng việc: “Tôi chỉ muốn nói, dẫu căn cứ vào nguyên tắc ‘loại trừ nghi ngờ hợp lí’ và ‘suy đoán vô tội’, lời khai của bị cáo vẫn không logic, tự mâu thuẫn. Tôi tin rằng mọi người đều đã chứng kiến rốt cuộc là ai ngụy tạo chứng cứ trong vụ án này. Nói dối là bản tính của con người chứ không phải đặc thù chủng tộc.”
Nói xong câu này, dường như nên kết lại bằng một câu “I rest my case”. Đám quý ông bên cạnh còn muốn tranh luận nữa nhưng Đường Cạnh đã mặc kệ họ, đi thẳng tới trước mặt Polly, nói với cô: “Cô Wallace, có thể nể mặt nhảy cùng tôi một điệu không?”
Polly đưa tay nắm tay anh, vui vẻ nhận lời.
Hai người bèn đi sang phòng ấm khiêu vũ, Polly nhìn Đường Cạnh, nói với anh bằng tiếng Trung Quốc: “Sao anh biết tên tôi?”
Tuy phát âm còn rất ngang tai nhưng anh vẫn bất ngờ, chớp mắt rồi cười đáp: “Chủng tộc người Trung Quốc có một đặc thù – nghe lỏm.”
Polly ngửa đầu cười to, vô cùng phóng khoáng. Điểm này anh cũng thích.
“Đường Cạnh.” Anh tự giới thiệu.
“Dawn?” Đó là lần đầu tiên cô gọi anh như vậy.
Anh gật đầu, cảm thấy rất tốt.
“Anh làm nghề gì vậy?” Cô hỏi tiếp.
“Luật sư,” Anh đáp, “Rất rõ ràng.”
“Nhưng anh có súng.” Cô chỉ ra.
Anh không muốn thảo luận về chi tiết này, ôm cô sát hơn đôi chút, nói bên tai cô: “Nói cho cô biết một bí mật nhé.”
“Cái gì?” Cô không đoán ra.
“Họ cá với nhau xem tôi có thể mời được quý cô nào ở đây nhảy cùng không,” Anh trả lời, “Tôi bảo đối tác của tôi đặt tiền cược thay tôi.”
“Anh cược cửa nào?” Cô hỏi.
“Cô thấy sao?” Anh nhìn cô.
“Anh gian lận.” Cô phê bình.
Anh đặt ngón tay lên môi ra hiệu im lặng: “Tiền thắng được tôi chia cho cô một nửa, cô đừng nói ra nhé.”
Cô phá lên cười lần nữa, những người khác trong sàn nhảy đều ngó họ, chỉ duy hai người họ là chẳng mảy may bận tâm.
Vụ án kia nhanh chóng được tòa án Mĩ tại Trung Quốc thẩm tra kết án, sau cùng, thẩm phán nhận định hành vi của Jones vi phạm “Luật Hình sự Liên bang”, cấu thành tội giết người không chủ đích, xử ngồi tù ba năm, giải đến nhà tù Lãnh sự Mĩ chấp hành.
Sau khi phán quyết được đưa ra, thẩm phán chủ thẩm Sayer rất thành công gặt hái tiếng thơm công chính. Lúc nhận phỏng vấn, lão tỏ ý mình không phải đám quan chức ngoại giao chưa từng qua đào tạo luật chính quy ở Công đường Hội thẩm hay Tòa án Lãnh sự, hiểu rất rõ tầm quan trọng của quy tắc chứng cứ cơ bản, một khi vi phạm sẽ làm lay chuyển nền tảng thiết lập của toàn bộ hệ thống pháp luật.
Nói rất chi là đao to búa lớn, Đường Cạnh lại chỉ thấy buồn cười, chẳng biết việc kết tội bị cáo Jones có bao nhiêu công lao thuộc về bài báo theo dõi vụ việc của Polly đăng trên “China Press” và bao nhiêu là do sự khập khiễng tồn tại xưa nay giữa Tòa án Lãnh sự, Công đường Hội thẩm và Tòa án Mĩ tại Trung Quốc nữa.
Tóm lại thì chính nhờ chuyện này mà anh quen biết Polly. Không bao lâu sau, họ lại chạm mặt nhau trong sự kiện hàng nghìn người tranh nhau ra ngân hàng Thịnh Xương đòi rút tiền.
Khi ấy đã là giữa hè, đúng mùa giông bão. Polly phỏng vấn khách hàng gửi tiền tụ tập yêu sách trên đường, Đường Cạnh thì nhận lệnh cấp trên, mang một gánh vàng ròng vào kho bảo hiểm của ngân hàng Thịnh Xương trước hàng trăm cặp mắt đổ dồn.
Trông thấy vàng ròng bạc trắng, khổ chủ đấm ngực tự thuật lấy lại được lòng tin, bèn giải tán, hoàn toàn không biết rằng người bỏ vàng vào lúc này và tạo thế gây nên khủng hoảng lúc trước thực chất đều là của ngõ Cẩm Phong. Mà Trương Lâm Hải, chủ quản của ngõ Cẩm Phong này, thì đã thừa cơ đục nước béo cò, trở thành đại cổ đông của ngân hàng Thịnh Xương, danh chính ngôn thuận nhặt thêm thân phận nhà tài chính.
Theo lí, chuyện đến đây cũng nên kết thúc. Phóng viên bình thường đều biết rằng bất kì việc gì tra đến ngõ Cẩm Phong cũng là điểm dừng, nhưng quý cô Polly Wallace lại cố tình không biết. Người khác thì dễ giải quyết nhưng Polly là người ngoại quốc, không tiện phái tay sai dạy cho cô một bài. Thế là vấn đề phải kết thúc thế nào rơi xuống đầu Đường Cạnh.
Hai người hẹn gặp nhau tại quán cà phê, nhưng điều Polly muốn hỏi, Đường Cạnh lại không thể trả lời, buổi trò chuyện hơi có mùi mỗi người một mục đích. Kì quặc ở chỗ, Đường Cạnh lại cảm thấy rất tuyệt.
Thoạt tiên, Polly dùng chiến thuật vu hồi, không hỏi thăm chuyện của ngõ Cẩm Phong ngay mà tâm sự những trải nghiệm của mình khi đến đất Hoa. Cô chia sẻ với Đường Cạnh rằng ban đầu mình tới Thượng Hải thực ra là vì hiếu kì, sau đó lại tố khổ rằng tòa soạn ở đây toàn địa bàn của đàn ông, lúc mới làm kí giả, trước mặt, người trong tòa soạn đều gọi cô là Honey hoặc My dear, khi nhắc đến cô sau lưng thì chỉ bảo là that girl reporter, bài giao cho cô viết đều là tin xã hội bên lề, chẳng hạn như quý bà nào tổ chức vũ hội, quý ông nào đính hôn với quý cô nào, quan chức Lãnh sự quán mới thêm vị công tử nào, vân vân.
“Sau đó thì sao?” Đường Cạnh cũng bèn giả ngu, hỏi cô như vậy.
“Every dog has its day.” Polly tự giễu, tiếp đó nhanh chóng đổi chủ đề, kể một câu chuyện khác.
Cô nói mình đi thẳng lên bắc, leo được núi, xuống được nước, từng ngồi thuyền lán chật ních dân chạy nạn, cũng từng đi tàu hỏa chở quan tài, còn lấy thân phận phụ nữ phỏng vấn quân phiệt, cùng ăn cùng ở với phu nhân của Ngô Bội Phù, nhờ đó mà cuối cùng cũng đến lượt đám đồng nghiệp đàn ông của cô trợn mắt há hốc mà bó tay chịu trói.
Nghe xong, Đường Cạnh thật sự rất khâm phục, cũng hiểu cô có ý lấy chuyện đổi chuyện. Song anh vẫn ngậm chặt miệng không nhắc đến vai trò của mình ở ngõ Cẩm Phong, chỉ kể chuyện nguồn gốc khởi thủy Thanh Bang và Hồng Môn bắt đầu từ thủy thủ vận tải trên sông thời Minh Thanh cho bà đầm trước mặt nghe.
Câu chuyện này đương nhiên rất dài, thật sự là đặt bút ngàn chữ, lạc đề vạn dặm, nhưng đại khái anh kể cũng xem như lôi cuốn, đến đoạn cuối Thanh thì quan hệ của hai người đã chẳng còn bình thường nữa.
Bất kể người khác suy đoán thế nào, thực ra họ đều hiểu rằng đây chỉ là chuyện anh tình tôi nguyện, tận hưởng lạc thú trước mắt. Polly ghét nhất cảm giác khó xử khi say rượu tỉnh dậy vào sáng hôm sau, Đường Cạnh cũng thế. Anh nhớ Polly từng nói chờ cô nghỉ hưu về nước nhất định sẽ viết một cuốn sách về những cuộc kì ngộ ở Trung Quốc. Đối với anh, chỉ cần đóng một vai không nhiều đất diễn mà vẫn đủ thú vị trong câu chuyện đó là đã không uổng rồi.
Trở lại hiện tại, Đường Cạnh vào thang máy giở báo ra xem, thấy bài báo kí tên P. Walsh chỉ là một mẩu tin vắn trong mục xã hội, vị trí cũng không bắt mắt, điểm tin một người Trung Quốc chết trên tàu thủy Nhật Haru Maru đậu tại bến Hoa Sạn huyện Phố Đông, về nguyên nhân cái chết của người này, hai phe Trung Nhật mỗi bên một ý, không rõ chân tướng.
“China Press” là tờ báo tiếng Anh phát hành trong tô giới, đa phần là tình hình chính trị đương thời của Anh Mĩ và giá cả thị trường chứng khoán, tin bên lề trong đó cũng chỉ toàn chuyện tang ma cưới gả của tầng lớp thượng lưu ở tô giới. Đề tài vừa lạc loài mà lại chẳng được hoan nghênh như thế này phỏng chừng cũng chỉ có mình Polly chịu viết.
Đọc lướt vài câu trong bài, thang máy đã tới tầng dưới cùng. Cũng khéo sao, mở cửa lại gặp trúng Ngô Dư Bồi.
Hai người cùng gật nhẹ đầu xem như chào hỏi, có điều, trong thoáng chốc sượt vai, Đường Cạnh trông thấy tờ “Thân Báo” số ra hôm nay trong tay Ngô Dư Bồi, tiêu đề trên đó cũng tương tự – “Tái dựng vụ án Haru Maru, một báo động về tình trạng phi pháp và nỗi oan khiên trái khoáy”.
Đường Cạnh không khỏi mỉm cười, khâm phục sự nhạy bén của Polly. Cô không giống những phóng viên nước ngoài khác của “China Press”, chỉ đóng khung trong tô giới, không để ý đến sống chết của người Trung Quốc ở Hoa giới. Thế nên, quốc tịch khác nhau thì có làm sao? Nhiều tuổi hơn thì có làm sao? Cô đích xác khác những người phụ nữ khác, mà anh cũng đích xác thích cô.
Lái xe đến dinh họ Châu thì trời đã sáng bảnh từ lâu, Châu Tử Hề quả nhiên vẫn đang trên lầu chưa xuống. Đường Cạnh cũng chẳng tính ngồi yên chờ đợi, trực tiếp đi lên lầu.
Cửa khuê phòng để mở, từ xa đã có thể nhìn thấy ánh nắng chiếu vào qua cửa sổ sát đất, gió cuốn rèm cửa bay lên nom như cánh buồm. Chẳng biết tại sao mà chỉ trong một đêm, căn phòng này cũng trở nên giống hệt Châu Tử Hề, chỗ trắng cực trắng mà chỗ đen thì cực đen, cho người ta một ấn tượng cơ hồ trong suốt.
Cũng nằm trong dự liệu, hành lí vẫn chưa thu thập xong. Châu Tử Hề vừa tỉnh dậy, đang ngồi bên cửa sổ để vú em chải đầu cho. Nghe tiếng bước chân, nàng đã biết đó là Đường Cạnh, trong dinh không có ai khác đi giày da, cũng chẳng ai có thể đi thẳng lên đây như anh.
“Trường nào vậy ạ?” Nàng hỏi, không ngoái lại.
“Một trường dòng do Giáo hội Trưởng lão mở, tên là St. Andrew.” Đường Cạnh trả lời, đứng ở cửa nhìn nàng.
“Em không muốn đến đó,” Châu Tử Hề cò kè mặc cả, “Có thể đổi sang trường nữ sinh Hoằng Đạo không ạ?”
Hà Thế Hàng đã nhắc đi nhắc lại với nàng tên ngôi trường này, nàng đương nhiên sẽ không quên.
“St. Andrew tốt hơn.” Đường Cạnh chấm dứt cuộc thảo luận. Trong số mấy trường trung học dành cho nữ quyến danh môn, kì thật anh cũng không rành lắm trường nào tốt trường nào không. Sở dĩ ban đầu chọn chỗ này chỉ là vì gác cổng nghiêm ngặt, mặt mày quản lí kí túc xá lạnh lùng cứng nhắc, rất giống cai tù.
Cũng may là Châu Tử Hề bên kia không tranh cãi nữa, tết tóc xong bèn đứng dậy đi xem trang phục hầu gái chuẩn bị giúp.
Đường Cạnh thấy hai mắt nàng hơi sưng, hiển nhiên đêm qua ngủ không ngon, thậm chí còn khóc, mở miệng lần nữa giọng điệu cũng mềm hơn: “Vào trường đều phải mặc đồng phục, chỉ cần mang áo ngủ và nội y để thay là đủ rồi. Đồ dùng khác không cần quá nhiều, kí túc xá chỉ có một bàn học và một giường ngủ, mang nhiều cũng chẳng có chỗ để. Đến nơi thấy thiếu cái gì thì gọi điện về.”
“Anh đi đưa cho em à?” Châu Tử Hề hỏi ngược lại, giọng hơi mang vẻ mỉa mai.
Đường Cạnh nhìn nàng, đáp: “Trong dinh tự sẽ có người đi đưa cho em.”
Bên kia chưa chịu thôi: “Vậy hôm nay anh còn tới làm gì? Để người trong dinh đưa em đi chẳng phải là xong rồi à?”
“Tôi là người giám hộ của em, thủ tục nhập học cần chữ kí của tôi.” Đường Cạnh ăn ngay nói thật.
Châu Tử Hề lại hỏi: “Có phải anh đưa em vào thì cũng chỉ mình anh có thể đón em ra không?”
Đường Cạnh gật đầu.
“Ha,” Nàng cảm thán, “Nghe như trại thương điên ấy nhỉ.”
Đường Cạnh không có lòng dạ đâu mà đấu võ mồm với nàng, xoay người ra cửa xuống tầng, chỉ bỏ lại một câu: “Một phút, tôi đợi em dưới tầng.”
Châu Tử Hề đuổi theo ra, bám vào lan can cầu thang gọi với theo: “Em vẫn muốn đi Hoằng Đạo, có được không?”
Đường Cạnh chẳng buồn quay đầu, căn bản là phớt lờ.
Châu Tử Hề cũng không nhụt chí, quay về phòng tiếp tục thu dọn, trên mặt vẫn mang nét cười nhàn nhạt, là tự tôi sẽ có cách.
Lại rề rà thêm một hồi lâu nữa, rốt cuộc cũng đợi được quý cô tiểu thư xuống dưới, kèm theo đó là một chiếc vali da to. Đường Cạnh vốn cảm thấy hành trang nàng gọn nhẹ, đến giờ mới biết nó cũng thiên kim như nàng vậy, muốn giảm bớt đi là chuyện bất khả thi.
Bỏ vali vào cốp xe, anh bảo Châu Tử Hề ngồi hàng ghế sau, lên đường đến St. Andrew. Dọc đường, anh chỉ lái xe, không nói với nàng một câu nào. Ra khỏi cổng dinh, chạy thẳng một đoạn rồi rẽ vào một khúc ngoặt, lập tức trông thấy ven đường có tiệm bánh ngọt treo biển hiệu tiếng Anh “Madeleine”. Đường Cạnh lưu ý liếc chỗ đó, lúc quay đầu trở lại thì vừa hay chạm phải ánh mắt của Châu Tử Hề trong gương chiếu hậu. Nàng nhìn anh, có vẻ cảnh giác, chờ anh đặt câu hỏi, nhưng anh không nói gì.
Cuối cùng, chính nàng lại không nhịn được hỏi một câu: “Tới nơi chưa ạ?”
Đường Cạnh lắc đầu, vẫn không lên tiếng.
Lúc này, xe mới chỉ rời khỏi dinh họ Châu mấy trăm mét, Châu Tử Hề tự biết lỡ lời, đành phải xáp lại gần hơn, một tay khoác lưng ghế lái, gác cằm lên. Tư thế này khiến Đường Cạnh có cảm giác vô cùng quái dị, cứ như gác lên vai anh vậy, rồi lại ngửi thấy mùi hương quen thuộc ấy phả tới, như có như không.
Châu Tử Hề lại như không hay biết, thò tay sờ sờ ve áo anh, nói: “Ở đây cũng có thợ may tay nghề tốt nhường này cơ à?”
“Tôi ở đây làm những chuyện không minh bạch này dù sao cũng phải có lí do chứ, em nói có đúng không?” Đường Cạnh cười lạnh, hất nhẹ tay nàng ra, nhưng lời ra khỏi miệng rồi lại cảm thấy ngạc nhiên, bản thân ấy vậy mà vẫn canh cánh trong lòng câu nàng nói tối qua.
Châu Tử Hề không cho hành vi này của anh là ngang ngược, trái lại còn cười cổ vũ: “Xem ra anh cũng chẳng vô vị cho lắm.”
Đường Cạnh nghĩ bụng, em vẫn nên thấy tôi vô vị thì hơn.
Châu Tử Hề thấy anh im im, lại tìm chủ đề khác, nàng đã biết anh thích nói cái gì: “Tối qua anh nói nếu có hai người đánh nhau ven bờ Hoàng Phố, luật sư sẽ phải giở hết các bộ luật trên đời ra tham khảo, có thật không?”
“Em còn nhớ cơ à…” Đường Cạnh cười khẽ. Câu này chẳng qua chỉ thuận miệng thì nói chứ anh và Baldwin hầu như chỉ nhận án thương mại liên quan đến nước ngoài, chuyện đánh nhau quả thật chưa từng qua tay. Chẳng có nguyên nhân gì khác, chỉ vì thù lao án thương mại nhiều hơn mà thôi.
“Em là người nghe nhiều nhớ rộng mà, cái gì từng vào tai đều sẽ nhớ được cả.” Châu Tử Hề lại chẳng chút nào khiêm tốn, vẫn đang nhoài người trên lưng ghế nhìn anh, tha thiết đợi anh nói tiếp, ngầm có ý anh đừng hòng bịp em.
“Giả dụ, một người Pháp vu khống một người Argentina ở đây,” Đường Cạnh đành phải lấy ví dụ, định lừa gạt cho qua chuyện, “Vụ án này sẽ do Công đường Hội Thẩm ở chỗ bị cáo sống thụ lí, lãnh sự của các nước liên quan sẽ tham dự xét xử. Luật sư biện hộ có thể viện dẫn ‘Bộ luật Napoléon’ và ‘Luật dân sự Tây Ban Nha’ để bào chữa.”
Người anh không hi vọng là sẽ lắng nghe lại hết sức chăm chú: “Nếu điều lệ trong hai bộ luật đó có chênh lệch thì lấy cái nào làm chuẩn?”
“Cả hai đều thuộc hệ thống dân luật, có thể dùng ‘Luật pháp La Mã’ để giải thích.” Đường Cạnh đành phải tiếp tục, đương nhiên đây chỉ là giải thích trên lí thuyết, còn thực tế vẫn phải xem tay ai to hơn.
“Vậy nếu là người Anh, người Mĩ hoặc người Trung thì sao?” Châu Tử Hề chưa chịu thôi.
Đường Cạnh thở dài, dứt khoát nói thẳng ngọn nguồn: “Mọi kiện cáo hành chính trong tô giới đều giao cho tòa án lãnh sự các nước phán xử. Còn án dân sự hình sự, nếu bị cáo là người Hoa hoặc người của nước không kí hiệp ước thì sẽ do Công đường Hội thẩm thụ lí. Trong các nước có hiệp ước, Anh Mĩ lại thiết lập tòa án chuyên trách riêng. Nếu án của người Anh không thể kết thúc ở Tòa án Lãnh sự thì có thể kháng cáo lên Tòa án Tối Cao Hoàng gia Anh tại Trung Quốc, chung thẩm ở Cơ mật viện. Án của người Mĩ thì đến Tòa án Mĩ tại Trung Quốc, nếu muốn cáo lên cao nữa thì đến Tòa án Thượng tố thứ Chín San Francisco, chung thẩm ở Tòa án Tối cao của Hoa Kì.”
Nói đến đây, nếu là người khác thì hẳn đã phát phiền nhưng Châu Tử Hề thì lại cảm thấy rất ly kỳ: “Án ở đây có thể kháng cáo lên tận San Francisco cơ á?”
“Phải, đây xem như Tòa án Liên bang ngoài lãnh thổ, tuân theo Luật Liên bang Hoa Kì, còn có Luật Đặc khu Columbia và Alaska nữa.” Đường Cạnh giải thích.
“Liên quan gì đến Alaska và Columbia?” Châu Tử Hề vẫn muốn hỏi tiếp.
“Chẳng liên quan gì hết.” Đường Cạnh chốt lại trong một câu, không muốn đi sâu hơn. Anh phát hiện ra hình như mình lại mắc bẫy cô nhóc này rồi, loáng thoáng có mùi khoe mẽ. Thực ra chưa từng có vụ án nào thật sự kháng cáo đến tận Tòa án Tối cao bờ bên kia đại dương. Ở đây phép vua còn thua lệ làng, bất kể là lãnh sự hay thẩm phán đều rất vui lòng một tay che trời.
“Đất thì đi thuê mà lại có thể như vậy…” Châu Tử Hề ngồi đằng sau cảm thán.
Đường Cạnh chỉ gật đầu, không nói gì thêm. Rất nhiều người nghĩ như vậy, bao gồm cả anh. Trên thế giới chỉ e sẽ chẳng có nơi thứ hai tương tự, vào thời đại khác cũng chẳng có nữa là suy diễn đến quốc gia khác. Thân là luật sư, án gặp được ở đây, đổi lại là chỗ khác thì có lẽ cả đời cũng chẳng tiếp xúc đến, mức độ rộng lớn của không gian sử dụng bộ luật và ngụy biện cũng không phải cái chỗ khác có thể bì kịp.
Tự dưng anh lại cảm thấy mình đang tìm lí do cho bản thân để trả lời câu hỏi của nàng đêm qua – Tại sao anh lại phải làm cái việc không minh bạch này ở đây?
Anh bất ngờ khi nhận ra mình để bụng một câu hỏi của nàng đến thế, nhưng đổi góc độ suy nghĩ khác thì lại cảm thấy buồn cười. Anh cần tìm lí do ư? Tiền chính là lí do tốt nhất. Ngày xưa kẻ phát tài làm quan, ngày nay kẻ phát tài làm luật sư, ở Bến Thượng Hải ai cũng hiểu rõ mười mươi câu nói này.
Không bao lâu sau, xe đến trường nữ sinh St. Andrew, gác cổng mở cổng gang dẫn họ vào.
Trẻ em trong trường đều là con gái, giáo viên phần lớn cũng là phụ nữ. Đường Cạnh lại không có điệu bộ của một phụ huynh bình thường, đi trong đây thường xuyên bị người ta nhìn nhiều thêm mấy cái, cảm giác vô cùng khập khiễng. Phỏng chừng Châu Tử Hề đoán được suy nghĩ của anh, chỉ cười thầm, yên tĩnh đứng một bên nghe hiệu trưởng chỉ thị, viết tên, trả lời câu hỏi, nhận sách vở đồng phục, nom dáng vẻ rất ư ngoan ngoãn.
Làm xong thủ tục nhập học và thu xếp ổn thỏa kí túc xá thì đã là giữa trưa. Đường Cạnh không muốn làm lỡ giờ ăn trưa của Châu Tử Hề, bèn dặn dò nàng ở chỗ quản giáo có số điện thoại của anh, chuẩn bị rời đi.
“Không có việc gì gấp thì đừng gọi.” Trước khi đi, anh bổ sung một câu, nửa thật nửa giả, cứ tưởng nàng sẽ đáp lại, kết quả chẳng nghe thấy gì.
Châu Tử Hề chỉ cười nhạt, đứng dưới một cây ngọc lan trước tòa nhà, dõi mắt nhìn anh ngồi vào xe, từ từ đi xa. Cho đến khi con xe Austin màu đen khuất dạng sau cánh cổng gang, nụ cười trên mặt nàng phai nhạt, nhạt đến không tìm lại được nữa.
Cảnh tượng này thực sự quen thuộc, trong quá khứ cũng từng có lần nàng đứng ở cửa trường học dõi mắt nhìn một chiếc xe con đi xa, chỉ là người lái xe đã khác.
Nếu trên trời có một đôi mắt thì sẽ thấy lúc này trong xe, Đường Cạnh đã phát hiện ra tờ báo mình tiện tay để ở ghế phó lái đã không cánh mà bay.
Anh nhỏ giọng chửi thề một câu, cũng không nghĩ nhiều, thấy ven đường có sạp báo thì tạt vào mua một tờ “China Press” và một tờ “Thân Báo” khác đọc kĩ lại.
Chí ít vào thời khắc ấy, anh chỉ coi việc này đã kết thúc. Mười tháng sẽ trôi qua rất nhanh, anh và Châu Tử Hề sẽ chẳng còn cơ hội và cũng không cần thiết phải gặp lại nữa.
Mà lúc này trong trường nữ sinh St. Andrew, Châu Tử Hề đã được quản lí dẫn đến một gian phòng ngủ lớn. Hai mặt tường song song trong phòng, một bên kê bốn bàn bốn ghế, bên còn lại là hai chiếc giường tầng bằng sắt. Giường dưới sát cửa trống không, xem ra là của nàng.
Còn tệ hơn lúc ở Mĩ nữa, nàng nghĩ bụng, khi ấy cùng lắm cũng chỉ hai người một phòng.
Châu Tử Hề không thích người, không thích một ai hết. Đương nhiên, người khác cũng không thích nàng, chẳng ai vừa mắt ai, không ai thua thiệt ai.
Nhưng quản lí đâu quan tâm nàng nghĩ thế nào, chỉ cho nàng chỗ để vali, mấy giờ tắt đèn, mấy giờ rời giường rồi xoay người rời đi, bỏ lại nàng một mình dọn dẹp.
Cửa phòng đóng lại, trong phòng tức thì yên ắng, nàng lại nhớ đến cảnh tượng đêm qua khi náu mình trong thang máy vận chuyển, trước mắt tối om, mới đầu còn có thể nghe thấy tiếng người xôn xao bên ngoài, sau đó bất chợt lắng xuống, chung quanh chỉ có tiếng mình thở cùng tiếng bước chân mỗi lúc một gần của người đàn ông bên ngoài vách ngăn. Khi ấy nàng đã tưởng rằng sự bại, chẳng ngờ đến hỏi anh cũng không buồn hỏi, tống luôn nàng vào trường nội trú. Thậm chí nàng còn chẳng xác định được anh có biết nguồn gốc của nàng và “Madeleine” hay không.
Thể nào cũng sẽ có cách, nàng tự nhủ. Nhưng rốt cuộc cách ở đâu thì lại chẳng mảy may có chút đầu mối.
Sắp xếp xong đồ đạc thì đã quá trưa, nàng đói cồn cào, cũng biết đường đến nhà ăn đi thế nào, nhưng tới nơi thì lại mất ráo cảm giác thèm ăn.
Ăn trưa, Đạo đức, Tiếng Anh.
Ăn tối, Cầu nguyện, Tự học.
Đưa mắt ra ngoài, nhìn đâu cũng là bóng người trăng trắng, đồng phục trường là xường xám màu trắng, tất chân trắng, giày da kiểu Mary Jane cũng trắng nốt, mọi người đều giống nhau.
Vóc dáng nàng mảnh mai, thường mặc trang phục dáng suông thẳng, nhưng bộ đồng phục này lại đi theo một kiểu ngoan đạo khác, nó cần những đường cong để hiển lộ.
Buổi tối trở lại kí túc xá mới được gặp mặt ba người còn lại cùng phòng, đều là khuê tú danh môn ở đất Hỗ1, một người trong đó nhan sắc nhỉnh hơn đôi phần, đang nghiêm mặt săm soi nàng.
1 Một cách gọi khác của Thượng Hải.
“Đây là cái gì?” Người đẹp kiểm tra đồ đạc trên giường trên bàn nàng, trỏ vào một lọ thủy tinh nhỏ hỏi nàng.
“Chẳng gì cả.” Châu Tử Hề đáp, ngay câu đầu tiên đã đắc tội người ta.
“Trường học có quy định không được bôi nước hoa, cậu không biết hả?” Người đẹp cũng ngoa ngoắt.
“Mắc mớ gì đến cậu?” Châu Tử Hề hỏi vặn, không nhân nhượng mảy may.
“Tôi là trưởng kí túc.” Người đẹp có ý muốn lập uy.
Châu Tử Hề cười lạnh lờ đi, nằm lên giường xem sách.
Người đẹp nổi đóa, đến chỗ trực ban mách với quản lí. Không bao lâu sau, một nữ giáo viên người Mĩ đi tới, tịch thu lọ nước hoa, dẫn Châu Tử Hề đến phòng vệ sinh cuối hành lang.
Nữ giáo viên mở nắp lọ ra, định đổ đi ngay tại chỗ.
“Đó là nước hoa của mẹ em.” Châu Tử Hề nói dối.
“Mẹ em dạy em mang nước hoa đến trường?” Nữ giáo viên chất vấn.
“Bà ấy qua đời rồi.” Châu Tử Hề trả lời, câu này thì nàng nói thật.
Người chết là lớn nhất, bất kể Tây hay Tàu cũng đều cùng quan niệm. Nghe nàng nói vậy, nữ giáo viên ngẩn người, đóng lại nắp lọ trả cho nàng, giọng nói cũng thoáng dịu đi: “Vậy thì cầm về cất đi, đừng lấy ra nữa.”
Châu Tử Hề gật đầu, đưa tay nhận lọ thủy tinh nho nhỏ kia, nắm trong lòng bàn tay. Thực ra mẹ nàng qua đời từ rất sớm, nàng căn bản chẳng nhớ được hương thơm trên váy bà thế nào, tất cả đều là chiêu trò học từ tiểu thuyết ra, nhưng thế giới lại rất thích ăn những cú lừa.
“Tôi rất thích con gái Trung Quốc, vừa lanh lợi vừa ngoan hiền.” Nữ giáo viên kia lại nói, hẳn là muốn lung lạc nàng.
Ở trường học tại Mĩ, Châu Tử Hề cũng từng nghe một câu tương tự. Nếu quả thực là vậy thì nhất định nàng chính là dị loại trong con gái Trung Quốc, bởi nàng vừa không lanh lợi, vừa không ngoan hiền.
Nhưng giờ phút này đang ăn nhờ ở đậu, nàng vẫn gật đầu nhận lời phải hay rồi quay trở về gian phòng kia.
Trong phòng ngủ, người đẹp đang ngồi trên giường, để một cô bé khác chải tóc cho mình. Một người chải tóc xong lại đổi sang một người khác. Người phòng khác muốn sang chơi thì phải đứng ngoài cửa hát một bài mới được vào.
Đại khái cũng nhờ công người đẹp kia mà mọi người qua lại trông thấy Châu Tử Hề đều nhắm mắt làm ngơ.
Châu Tử Hề hoàn toàn chẳng sao cả, chỉ cảm thấy buồn cười.
Trên giường dưới sát cửa, cuốn sách nàng đọc mới nãy hãy còn úp bìa để đó. Muốn cáo trạng thật thì mách nàng đọc dâm thư kể cũng là một tội to đấy.
Sách này nàng mang từ Mĩ về, “The rainbow” của Lawrence.
Khoảng thời gian gần đây nàng đọc cuốn này suốt, đọc từ lúc đi tàu thủy vượt biển đến giờ. Trong sách có không ít miêu tả về tình dục, nàng cũng biết là cấm kị, nhưng đoạn đọc đi đọc lại nhiều lần nhất là khi nữ chính lên đại học, có lúc thậm chí còn tưởng tượng Ursula là mình.
Nói thật thì nàng muốn lên đại học chẳng phải là vì muốn học được cái gì. Về mặt học hành, nàng thật sự vô cùng bê tha, nàng chỉ muốn đến một chỗ, chìm trong đám đông xa lạ, không có hôn ước, không ai trông coi, không người giám hộ.
Người giám hộ… Nàng không khỏi lại nghĩ đến Đường Cạnh.
Nàng còn chẳng biết anh là người ra sao, nhưng trong hai ngày một đêm vừa qua, nàng tựa hồ đã nhìn thấy một khe hở nào đó ở anh, một khe hở có cơ cho nàng len vào. Nhưng rốt cuộc là thấy lúc nào, thấy ở đâu thì nàng không sao nhớ ngay ra được.
Trước khi tắt đèn, nàng rúc trên giường xem báo. Tờ báo này cũng là lấy từ trên xe Đường Cạnh, đây là kinh nghiệm học trường nội trú lâu năm của nàng, món đồ tẻ nhạt ở bên ngoài đến cái nơi quỷ quái này đều sẽ trở nên thú vị, chẳng hạn như giá thị trường trong sàn chứng khoán, thời cuộc phương Bắc, và cả người Trung Quốc chết trên tàu Haru Maru ở bến Hoa Sạn.
Tắt đèn rồi mà nàng hãy còn suy tư những chuyện không liên quan tới mình này, chẳng cảm thấy buồn ngủ chút nào.
Phỏng chừng ban nãy nói dối nữ giáo viên quá mức chân thành nên giờ phút này nằm trong bóng tối, nàng như thật sự ngửi thấy hương thơm trên người mẹ, đăng đắng mà ngòn ngọt, đúng như mùi lọ nước hoa kia.
Thực ra kí ức về mẹ đã sớm phai nhạt khỏi tâm trí nàng, chỉ nhớ Châu Tử Huân hơn nàng khá nhiều tuổi, thuở thiếu thời nghịch ngợm lỗ mãng, mỗi lần làm hỏng thứ gì quan trọng trong nhà, sợ cha trách phạt, sẽ hãi hùng chạy đi cầu cứu mẹ. Khi sinh nàng ra, mẹ đã hơi lớn tuổi, qua kì ở cữ rồi sức khỏe vẫn bất ổn, gầy như một bóng ma, cũng chẳng có hơi đâu mà quản mấy chuyện lặt vặt này, biết cha cưng chiều nàng nhất bèn qua quýt đổ hết lên đầu nàng.
Đến giờ nàng vẫn nhớ, hai bàn tay mẹ ôm lấy khuôn mặt nàng, nhìn thẳng vào mắt nàng, nói với nàng: “Con phải nhớ, cái đĩa men lam vẽ vàng trong thư phòng là do con lỡ tay đánh vỡ.” hoặc “Giò hoa lan trong phòng ấm kia là do con nhổ lên đứt rễ.”
Bận nào nàng cũng hồ đồ đồng ý, còn có phần đắc ý, bởi cha cưng chiều nàng thật, chiều đến thái quá, bất kể đi đâu cũng bế trên tay, đến ngồi ô tô cũng đặt nàng lên đầu gối, cho nàng xem cảnh đường phố ngoài cửa sổ xe.
Mỗi lần như thế, nàng đều nắm lấy ve áo của cha, đôi lúc còn ngắt một nhành hoa cài vào mắt khuy áo, mùa xuân là cúc non, mùa hè là nhài trắng.
Mẹ mê tín, mỗi lần nhìn thấy đều bắt rút ra, nói đeo màu vàng màu trắng lên người là không may mắn. Cha lại không cho, chỉ bởi đó là của nàng ngắt tặng ông. Khi ấy nàng đắc ý vô cùng.
Nàng nhớ Châu Tử Huân còn từng khóc lóc vì sự thiên vị này. Nàng rất bé mà anh trai thì đã là một cậu chàng mười lăm mười sáu tuổi, ăn vạ khóc nhè muốn mất mặt bao nhiêu có bấy nhiêu. Khi ấy, nàng càng thêm đắc ý.
Lớn hơn chút nữa, mẹ chết bệnh. Cuối cùng Châu Tử Huân cũng thôi khóc, thay vào đó ngậm một điếu thuốc cười lạnh, nói với nàng: “Nhìn mày xem, toàn do ông già chiều mày quá, sau này biết gả cho ai?” Khi ấy nàng vẫn đắc ý, nghĩ bụng mình còn khuya mới ế chồng.
Sau đó lại đến lượt cha, nằm trên giường bệnh vẫn bận lòng vì nàng, dặn đi dặn lại Châu Tử Huân: “Con phải chăm sóc cho Tử Hề, nó hãy còn nhỏ thế.”
Đến khi ấy, rốt cuộc nàng cũng thôi đắc ý, không ngờ đến cùng mẹ lại nói đúng thật, đeo hoa vàng hoa trắng lên người đích thực không may mắn.
Lúc cha mất, nàng vừa tròn mười tuổi. Trong trí nhớ, tang lễ được làm ở nhà tổ dưới quê, cả con đường trắng phau kéo dài. Trong tông tộc có người nói tất cả là tại bát tự nàng không tốt, mệnh khắc cha mẹ, nên sớm đưa đi xa. Về sau, Châu Tử Huân làm theo thật, đưa nàng đến trường nội trú ở Mĩ. Có lẽ anh ta đã bắt đầu đánh bạc kể từ khi ấy, thế nên mới đặc biệt để ý chuyện vận may.
Không biết là mấy giờ, hành lang tắt đèn, sau lại có nắng sớm hưng hửng. Có thế nàng mới biết mình thức trắng cả đêm, không thể không thừa nhận rằng thực ra mình có sợ.
Ở Mĩ bảy năm, tiếng Thượng Hải của nàng đã chẳng còn sõi nữa, vả lại, đám con gái rất lắm trò, mười tháng trong trường nội trú nữ sinh sẽ lấy mạng nàng mất. Nàng cũng từng nghĩ đến việc mềm mỏng thương lượng với Đường Cạnh, thẳng thắn nói với anh mình thật sự không hợp với đám đông, anh có hiểu cho chăng thì khó nói. Nhưng chung quy trong lòng hãy còn một chỗ cấn – với nàng, anh là địch, không phải bạn, ngăn cách trận tuyến.
Song, cũng chính vào giây phút ấy, rốt cuộc nàng cũng nhớ ra mình đã trông thấy khe hở nơi anh vào lúc nào – Chính là vào ban ngày ở trên xe anh, khi mình thò tay sờ ve áo anh.
Hay là, đó không phải khe hở của anh mà là của chính nàng?
Đó là một xúc cảm rất quen thuộc, sợi lanh mùa hè, lông dê xuân thu, bất kể là loại nào cũng có thể ngắt một nhành hoa cài vào mắt khuy áo, nhài trắng hoặc cúc non.
Nàng nhớ xúc cảm đó, chỉ mong có thể giống như thuở thơ bé, dùng bàn tay nhỏ nắm chặt không buông.
Trở lại văn phòng, Đường Cạnh lập tức gọi điện tới tòa soạn “China Press”, nói với người nhận máy mình muốn tìm Polly Wallace, nhận được câu trả lời rằng cô hiện không có mặt, đành phải nhờ chuyển lời nhắn mình chờ cô điện lại.
Anh biết Polly làm phóng viên rất tận tâm với nghề, thường xuyên chạy ra ngoài. Mỗi lần chờ ngắn thì nửa ngày, lâu thì ba, năm ngày, không ôm hi vọng quá lớn.
Nhưng hôm nay lại là một ngày may mắn, đợi đến chiều tối thì Polly điện lại thật.
Nghe thấy tiếng gọi rất giống phát âm từ “Dawn” ở đầu dây bên kia, Đường Cạnh tức khắc như nhìn thấy người thật, trong đầu hiện lên mái tóc vàng ngắn ngang tai của Polly, chiếc áo sơ mi kiểu nam trắng như tuyết và làn da màu sữa, giờ phút này phỏng chừng giữa ngón tay cô đang kẹp một điếu thuốc, dấu son môi dính trên đầu lọc.
“Đọc được bài mới của chị trên báo,” Anh cười nói với Polly, “Chỉ muốn hỏi có cống hiến được sức lực gì không?”
“Bị chậm hơn ‘Thân báo’ nhiều quá,” Polly hơi tiếc nuối, “Mai định đi Phố Đông phỏng vấn thực địa.”
Nghe vậy, Đường Cạnh không kìm được tưởng tượng cảnh bà đầm là cô chen chúc giữa đám tiểu thương ở bến tàu Hoa Sạn, nói thứ tiếng Trung lưu loát mà sai nhịp lạc điệu, chẳng biết sẽ tương phản thú vị đến nhường nào.
“Để tôi lái xe đưa chị đi.” Anh xung phong nhận việc.
Nào ngờ Polly lại bảo: “Đã có luật sư nhận vụ này rồi, ngày mai tôi sẽ đi cùng anh ta.”
“Ai?” Đường Cạnh hỏi, lờ mờ có dự cảm. Người chết trên Haru Maru chỉ là một người bán rong, mỗi ngày một bữa cơm chẳng biết có đủ no hay không. Gọi là mời luật sư nhưng ắt là đại diện miễn phí, hơn nữa còn là án hình sự, tự sẽ có sở kiểm sát quản lí, luật sư ra mặt chẳng khác nào vô cớ xuất binh.
“Ngô Dư Bồi.” Polly cười đáp.
Quả nhiên, Đường Cạnh nhủ thầm trong bụng, mắng khẽ một câu: “Cái thứ ngụy quân tử lừa đời lấy tiếng.”
Polly nghe không hiểu câu Trung Quốc này nhưng cũng đoán được ý đại khái.
“Đường,” Cô nhẹ nhàng khuyên anh, “Nếu cậu đồng ý cậu cũng có thể.”
Đường Cạnh nghẹn lời, bỗng vỡ lẽ tại sao mình lại ngứa mắt Ngô Dư Bồi như thế. Lừa đời lấy tiếng hay cứu dân tế thế đều là việc Ngô Dư Bồi có thể chọn nhưng anh không thể. Hôm nay của anh là do ai ban tặng thì phải phục vụ người đó, thiếu nợ thì trả tiền, đó chính là đạo lí trong bang phái này.
Mà giữa anh và Polly, có lẽ cũng chỉ vào lúc cô cần tin tức của ngõ Cẩm Phong thì mới có giao thoa đôi lát.
Nghĩ đến đây, Đường Cạnh cảm thấy nhạt nhẽo hết sức, chuyện trò thêm vài câu rồi cúp máy.
Kể cũng trùng hợp, bỏ ống nghe xuống không được bao lâu thì nữ thư kí nhận một cuộc gọi.
Đường Cạnh tiếp máy, vừa hay là từ ngõ Cẩm Phong, Kiều Sĩ Kinh báo với anh tối nay Trương soái bày rượu ở Tuyết Phương ngõ Hội Nhạc, muốn anh theo cùng.
“Mời ai đến?” Đường Cạnh hỏi.
“Mục tiên sinh.” Kiều Sĩ Kinh đáp.
Vị Mục tiên sinh này tên Mục Kiêu Dương, là môn đồ đời chữ “Ngộ” trong bang, sau Trương Lâm Hải một thế hệ, nhưng hiện nay, ngoài Trương soái ra, thuộc hạ trực tiếp dưới trướng thủ lĩnh Thanh Bang đất Hỗ cũng chính là y.
Không cần nói nhiều, Đường Cạnh cũng biết trường hợp không thể chối từ, bèn nhận lời.
Đặt điện thoại xuống rồi anh mới nhớ ra Tạ Lực hãy còn ở Tuyết Phương, cả ngày nay bận bịu, quên không đi đón, Tạ Lực cũng chẳng tới thúc giục, ắt là chơi vui đến quên trời quên đất.
Đường Cạnh không khỏi tự giễu, đây mới là việc anh nên làm, so với Ngô Dư Bồi, một người là trăng sáng trên trời, một người là cống rãnh dưới đất, gắng gượng so bì với anh ta chẳng bằng cứ để nước chảy bèo trôi.
Ban đêm, lại là ở ngõ Hội Nhạc.
Kiều Sĩ Kinh tới trước, đã lo liệu xong xuôi rượu thịt. Tạ Lực cũng đã được sắp xếp chỗ ngồi, đương nhiên là vì nể mặt Tư Đồ tiên sinh của An Lương Đường. Đường Cạnh thấy hắn mặt mày vẫn đỏ gay, bịn rịn khó rời với hai cô ả đêm trước như thể còn chưa tỉnh rượu thì hơi hối hận vì đã mang hắn đến đây. Anh đã được thấy nhiều ví dụ về tiêu tiền đục cốt, người gần nhất chính là Châu Tử Huân.
Đợi một lúc thì Mục Kiêu Dương đến.
Nghe nô bộc bên ngoài chào “Mục tiên sinh”, Đường Cạnh và Kiều Sĩ Kinh cùng nhau ra nghênh đón.
Hai người đi ra sân, Mục Kiêu Dương vừa xuống xe vào cổng, sau lưng chỉ có một tài xế, đến tùy tùng cũng không dẫn theo, thân bận bộ trường sam tuytsi màu xám, ống tay áo xắn lên để lộ lớp lụa lót xanh nhạt, cầm trong tay một chiếc quạt xếp gỗ đen giấy trắng, nom dung dị như một thầy đồ, trông thấy Đường Cạnh và Kiều Sĩ Kinh cũng vô cùng khách khí.
Đặc biệt là với Đường Cạnh, mỗi lần hai người gặp mặt, Đường Cạnh đều gọi y là “chú” theo đúng quy định trong bang, nhưng y khăng khăng không cho, hôm nay cũng vậy, nói Đường Cạnh xem như con nuôi của Trương soái mà y thì lại dưới Trương soái một thế hệ, gọi y là chú sẽ làm rối loạn vai vế.
Ai cũng biết Trương Lâm Hải rất so đo những thứ này, nhưng Mục Kiêu Dương đồng ý nhường nhịn như thế cũng thật hiếm thấy. Đường Cạnh không khỏi thán phục, đã sớm nghe người này hành sự lão luyện, quả nhiên ngay cả những chuyện nhỏ nhặt nhất cũng không mắc lỗi.
Ngoài ra còn có một truyền thuyết khác, nói rằng vị Mục tiên sinh này mắt rất tinh, bất kể anh là ai, chỉ cần để y xem là biết ngay anh cầu cái gì, có đáng giá hay không. Mà Mục tiên sinh lại rất khoan dung, bất kể anh có đáng hay không cũng sẽ cho chút gì đó, chỉ coi như nhiều thêm một người bạn. Về cái này Đường Cạnh cũng hơi hiếu kì, không biết trong mắt Mục Kiêu Dương, anh đang cầu cái gì, đáng để người khác trả giá bao nhiêu.
Trương soái của ngõ Cẩm Phong tất nhiên là khoan thai tới muộn, bên ngoài vang một tiếng còi xe, cả đám người lại đổ xô ra đón.
Trông thấy Trương Lâm Hải, Mục Kiêu Dương mỉm cười hỏi thăm: “Nghe nói Châu tiểu thư đã về rồi ạ? Thế bao giờ thì đại công tử học xong về nước mời chúng cháu ăn cưới đây?”
“Chắc là sang năm.” Trương Lâm Hải chỉ đáp vậy, hiển nhiên không muốn đề cập đến.
Mục Kiêu Dương rất tinh ý, cười bảo: “Vậy thì cháu phải chuẩn bị thật kĩ quà mừng rồi.” Sau đó chuyện này được gác sang một bên không nhắc lại nữa.
Đợi đến khi ngồi xuống uống rượu, trên mặt bàn chỉ toàn chuyện làm ăn, có điều, những nhà thổ quán thuốc trước kia nay đã đổi thành ngân hàng, nhà máy sợi, công ty tàu bè, đến hai môn đồ Thanh Bang lăn lộn từ đầu đường xó chợ đi lên này cũng nghiễm nhiên hóa thân thành nhà tài chính và nhà công nghiệp.
Mục Kiêu Dương làm người khiêm tốn, chẳng khoe khoang gì. Trương Lâm Hải thì lại có phần huênh hoang, chỗ nào cũng muốn đè đầu cưỡi cổ người ta.
Phần lớn những sản nghiệp đó đều qua tay Đường Cạnh, trí nhớ của anh rất tốt, nghe đến cái gọi là ba trăm ngàn con suốt trong tay Trương soái thì hiểu ngay là đã gộp cả nhà máy sợi Bảo Ích của nhà họ Châu vào. Cơ mà kể cũng đúng, chỉ cần Châu Tử Hề sống qua mười tháng này, đợi thành hôn rồi thì cái suốt của nhà máy sợi Châu thị sẽ lập tức thành cái suốt của Trương soái, hai bên cộng lại quả đúng ba trăm ngàn, chỉ có nhiều hơn chứ không có ít hơn.
Qua ba tuần rượu, lại có gã sai vặt đi vào ghé tai Đường Cạnh thông báo bên ngoài có điện thoại tìm anh.
Đường Cạnh xin phép ra ngoài, nhất thời hơi nhíu mày, nghĩ bụng chẳng lẽ lại là Châu Tử Hề, mình phạm phải thái tuế phương nào mà nhận làm một việc sao cứ như mới có thêm em bé vậy.
Đợi đến lúc ra sảnh mới biết tìm anh không phải điện thoại mà là Cẩm Linh.
Đường Cạnh hơi ngạc nhiên, không biết cô nàng đầu bảng Tuyết Phương tìm mình có việc gì. Giao thoa giữa hai người họ cùng lắm cũng chỉ có mấy câu trêu ghẹo thi thoảng của Chu Tư Niên, nói phụ nữ ở đây chỉ có Cẩm Linh là lọt được vào mắt Đường Cạnh.
Cẩm Linh lại chẳng nói gì hết, dẫn Đường Cạnh vào một căn phòng chái rồi mới mở miệng: “Tối qua chỗ em có khách, đợi đến lúc mượn được cớ ra ngoài thì anh đã đi rồi.”
“Có việc gì mà cần tìm tôi?” Đường Cạnh càng nghi hoặc hơn, anh chỉ biết Cẩm Linh họ Tô, là người Hồ Châu, dáng vẻ nom chừng mười tám, mười chín tuổi, không thích đi giày cao gót Tây Dương như những cô gái khác trong kĩ viện mà thường xỏ một đôi giày gấm thêu hoa Bình Kinh, thon thả mảnh mai, rất được trí thức săn đón.
“Đúng là có việc muốn nhờ luật sư Đường.” Cẩm Linh nói, có vẻ hơi khó xử.
“Cô nói đi.” Mới qua lại mấy câu mà Đường Cạnh đã có ý thúc giục rồi.
Cẩm Linh thấy anh mất kiên nhẫn, đành phải nói thẳng: “Chủ Nhật này có thể gọi em ra ngoài đi khách được không?”
Đường Cạnh nghe mà bật cười, xưa nay hễ có ai gọi tên chọn cô nàng, cô nàng đều làm bộ làm tịch ba phần, sao hôm nay là thành ra nông nỗi phải mở miệng chèo kéo khách thế này?
Thấy anh cười, Cẩm Linh vội giải thích: “Không cần cho em tiền, tiền nộp lên em cũng sẽ tự nghĩ cách, chỉ cần gọi một cuộc điện thoại đến đây gọi tên em đi khách là được.”
“Cô có ý gì? Chẳng lẽ định chuồn đi?” Đường Cạnh nhìn cô nàng, ánh mắt nghiền ngẫm, không biết cô gái này ngốc thật hay giả ngu. Ngõ Hội Nhạc này thực chất đều là sản nghiệp của ngõ Cẩm Phong, nói trắng ra thì là chủ thuê và bên bảo hộ Tuyết Phương, mà anh có quan hệ thế nào với ngõ Cẩm Phong thì hẳn cô cũng biết mới phải.
“Không phải không phải.” Cẩm Linh cũng cười như thể bỏ trốn là một chuyện cười lớn, không có vẻ gì là giở trò.
“Vậy là muốn làm gì?” Đường Cạnh không khỏi tò mò.
“Em…” Cẩm Linh lúng túng, “Muốn đi thử một vai diễn.”
“Thử vai?” Đường Cạnh hoàn toàn không ngờ được lại là chuyện này, cô gái trước mắt mặt mày thùy mị, trang điểm nhẹ nhàng, rất tự nhiên, chẳng biết có thể diễn được vai gì nữa.
Mặt Cẩm Linh lớt phớt ửng đỏ, dáng vẻ này trong kĩ viện kể ra cũng hiếm thấy: “Em đọc báo thấy có công ty minh tinh tuyển diễn viên, muốn đi thử một lần.”
Đường Cạnh càng ngạc nhiên hơn, lại hơi khó hiểu: “Cô hẳn là có nhân tình chứ, sao lại tìm tôi?”
Cẩm Linh cũng rất thẳng thắn, cụp mắt cười đáp: “Là vì luật sư Đường không lọt mắt người như chúng em.”
Đường Cạnh hiểu ra, đi tìm nhân tình ắt sẽ phải làm việc kia, tìm hắn thì không cần, chỉ cần nộp phần tiền theo lệ lên là đủ.
“Được rồi, cô đi đi.” Anh nói với Cẩm Linh.
“Vậy Chủ Nhật nhé ạ?” Cẩm Linh ngẩng đầu nhìn anh, trong mắt có ngờ vực, cũng có chờ mong.
“Chờ điện thoại của tôi.” Đường Cạnh trả lời, không vì điều gì khác, chỉ là đột nhiên hơi cảm động, hóa ra trong cống rãnh cũng có người coi anh là trăng sáng.
Sau khi tiệc tan, Mục Kiêu Dương vẫn rất giữ quy củ, muốn đưa Trương Lâm Hải về trước.
“Cậu mau tự đi đi,” Trương Lâm Hải lại xua y, nửa thật nửa giả cười mắng, “Anh em bao năm, đừng có giở cái bài này ra với tôi. Đêm nay tôi cứ ngủ lại đây đấy, ai nhà cửa rối ren lắm bà bé đến giải quyết hết nổi như cậu đâu.”
Mục Kiêu Dương đành cười góp, chắp tay cáo từ.
Đợi Mục tiên sinh đi rồi, Trương soái cũng định đi, dù sao cũng chừng đó tuổi rồi, ông rất ít khi ngủ bên ngoài.
Kiều Sĩ Kinh bèn ra ngoài gọi tài xế, Trương Lâm Hải và Đường Cạnh cùng ra sân, bỗng nói: “Trong bang nó dưới tôi một đời, bây giờ lại tranh giành khắp chốn với tôi, cũng chẳng nghĩ xem ban đầu là ai đã cứu nó.”
“Nó” này đương nhiên chỉ Mục Kiêu Dương, Đường Cạnh không tiện xen lời, chỉ lắng nghe.
Trương Lâm Hải lại lắc đầu than thở: “Nói cho cùng vẫn là bọn tiểu bối không được tích sự gì.”
Đường Cạnh chỉ cười, biết mình vẫn không tiếp lời câu này được.
Dưới gối Trương soái có một trai một gái, tên là Tụng Nghiêu và Tụng Đình.
Con gái Trương Tụng Đình lấy chồng từ sớm, con cũng đã đẻ được một đứa rồi, chỉ là chàng rể Thiệu Lương Sinh không dùng được, hai vợ chồng đều dính vào thuốc phiện và bài bạc, có làm cho ngõ Cẩm Phong cũng chỉ giữ một chức vụ suông.
Trương Tụng Nghiêu cùng tuổi với Đường Cạnh, đi du học đổi liền mấy trường mà mãi vẫn chưa lấy được bằng.
Nghĩ đến hai đứa oan gia kia, Trương Lâm Hải lại thấy phiền muộn, lời nói càng thêm không dứt, quay sang liếc Đường Cạnh, hừ một tiếng: “Cậu cười cái gì mà cười? Có phải lại định nói câu cũ, cậu không sửa họ không?”
Đường Cạnh bèn thu lại nụ cười, cung kính đáp: “Khi đó còn nhỏ, không hiểu chuyện ạ.”
“Vậy bây giờ thì sao?” Trương Lâm Hải chợt dừng bước nhìn anh.
“Bây giờ đã lớn hơn rồi, ngài đối đãi với cháu ra sao, trong lòng cháu hiểu cả.” Đường Cạnh trả lời.
Trương Lâm Hải vẫn đang nhìn anh, vừa vặn Kiều Sĩ Kinh đi tới, thấy tư thái này cũng hơi co quắp, không biết lại có ai chạm vào vảy ngược của Trương soái. Trong lòng Đường Cạnh thì nắm chắc nên không e ngại.
Quả nhiên, Trương Lâm Hải chỉ khẽ hừ lạnh, lắc đầu cười: “Có lúc tôi cũng rất nhớ Tuệ Như, cô ấy là người hiệp nghĩa hiếm có trong phái đẹp. Kể ra cậu cũng chịu khó phấn đấu, cô ấy dưới suối vàng mà biết được hẳn cũng rất vui.”
Tuệ Như.
Đường Tuệ Như.
Đường Cạnh khẽ giật mình, dừng khựng. Đã lâu không có ai nhắc đến tên mẹ anh, lúc này nghe thấy lại có phần xa lạ.
Anh không biết mình ra đời thế nào, chỉ biết trước đây mẹ là kĩ nữ bán nghệ không bán thân trong thư ngụ, mười lăm, mười sáu tuổi đã nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương. Tài mạo nhường ấy, nói thế nào cũng phải nổi được vài năm, lại chẳng biết làm sao mà sinh ra một đứa nhỏ. Thư ngụ đương nhiên không chịu giữ, may mà Trương Lâm Hải mua bà về kèm theo cả đứa con riêng Đường Cạnh này, nuôi chung trong một căn nhà bên ngoài tên là Thuần Viên. Mẹ anh sống ở đó được bảy tám năm, cuối cùng chết trong một trận ác chiến bang phái vì chắn đạn thay Trương Lâm Hải, lúc mất chỉ mới chừng đôi mươi.
Viên đạn đó bắn vào bụng bà nhưng không xuyên qua cơ thể mà nằm lại trong người, cho phép bà kéo dài hơi tàn một hồi lâu. Cũng may mà có chút hơi tàn đó, để bà có thời gian thu xếp thỏa đáng tất cả những việc không bỏ được sau lưng.
Đường Cạnh hãy còn nhớ chiếc giường lớn bằng đồng trong Thuần Viên kia, mẹ nằm trên đó, níu Trương Lâm Hải, gắng gượng nắm tay anh qua.
“Anh phải cho nó đi học.” Bà nói với Trương soái.
Không đúng, khi ấy thủ lĩnh hãy còn cầm quyền, Trương Lâm Hải chưa phải Trương soái, cũng chưa phải chủ quản ngõ Cẩm Phong, chỉ là một nhân tài mới nổi thủ đoạn tàn nhẫn, mở quán đánh bạc và chọi gà ở tô giới, vận chuyển thuốc phiện trên sông Tô Châu, tiền trong tay càng ngày càng nhiều, môn đồ dưới trướng cũng càng ngày càng đông.
“Anh phải cho nó đi học.” Đường Tuệ Như đã nói như vậy, có lẽ là vì đau đớn nên mấy chữ này nói mà nghiến răng nghiến lợi, một tay nắm chặt cổ tay Trương Lâm Hải, móng tay dài sơn đỏ bấm nghiến vào da người đàn ông, “Con trai Đường Tuệ Như tôi về sau phải làm đại luật sư, dùng bút máy bạch kim, đồng hồ quả quýt tráng men, âu phục giày da, có xe đưa đón…” Những giây phút cuối đời, bà vẫn lải nhải mấy câu kia.
Đường Cạnh nhớ khi ấy mình đã hơn bảy tuổi, đáng ra đã là tuổi hiểu chuyện mà chẳng biết tại sao lại không nhỏ một giọt lệ nào. Anh chỉ đờ đẫn đứng đó, cảm thấy tất thảy trước mắt đều không phải sự thật – mẹ trúng đạn là giả, hi vọng hoang đường ấy càng giả hơn. So với đại luật sư, bảo anh làm đầu trâu mặt ngựa trên phố khả thi hơn nhiều, hoặc lương thiện hơn chút, làm một tiểu thương bình thường.
Thẳng đến sau cùng, anh vẫn không khóc, trái lại, Trương Lâm Hải lại rất xúc động, liên tục vỗ mu bàn tay Đường Tuệ Như, trịnh trọng nhận lời.
Mười mấy năm sau đó, bên ngoài hay đồn rằng khi còn trẻ Trương soái chơi bời quá đà tổn thương cơ thể, chuyện nam nữ đã sớm lực bất tòng tâm. Ông đắc tội rất nhiều người nên tin đồn là thật hay giả vẫn chưa biết, song có chuyện này thì thật sự rõ như ban ngày, những năm gần đây, ông cưới không ít vợ lẽ và tình nhân nhưng con cái dưới gối vẫn chỉ có hai đứa do vợ cả dưới quê sinh từ sớm, về sau không có thêm nữa.
Xem như cũng nghiêm cẩn giữ lời, Trương Lâm Hải một mực nuôi Đường Cạnh ăn học, khi còn nhỏ thì học cùng Trương Tụng Nghiêu, về sau lại cùng đi du học. Nhưng nói hai người là bạn học chẳng bằng nói Đường Cạnh là thư đồng của vị thiếu gia họ Trương này, bài tập của Tụng Nghiêu là bài tập của anh, bài văn của Tụng Nghiêu là bài văn của anh, chỉ tiếc sau đó học lên thì đã vào đại học phương Tây, thư đồng không còn tác dụng nữa.
Năm ngoái lúc Đường Cạnh tốt nghiệp về Thượng Hải, Trương Tụng Nghiêu cũng trở lại theo, thậm chí còn lấy bằng của Đường Cạnh giả làm của mình ra ngoài rêu rao, kết quả bị quan lớn trong chính phủ Quốc dân vạch trần ngay mặt, suýt nữa gây ra đại họa, cuối cùng vẫn phải nhờ Trương Lâm Hải bán mặt mũi mới được bỏ qua không nhắc đến nữa. Vất vả mãi mới giải quyết êm thấm, trong cơn giận dữ, Trương Lâm Hải đã đưa con cả ra thẳng nước ngoài.
Đôi lúc Đường Cạnh nghĩ, đây có lẽ cũng là một nguyên nhân nhỏ vì sao mình lại đi theo Trương Lâm Hải. Trương soái mà có một đứa con trai đắc lực thì rất nhiều chuyện đã khác.
Lúc này, xe đã lái đến cổng, Trương Lâm Hải cùng Kiều Sĩ Kinh ra cổng lên xe.
Xe đưa họ đi rồi, Đường Cạnh mới dẫn Tạ Lực cùng rời đi.
Trước khi đi, anh trông thấy Cẩm Linh băng qua dưới mái hiên, đại khái là phải đi tiếp khách, cô nàng đã đổi một bộ quần áo khác, song chân vẫn xỏ đôi giày gấm thêu hoa ban nãy.
Bấy giờ Đường Cạnh mới nhớ ra kiểu giày này mẹ cũng từng đi. Anh chợt cảm thấy phụ nữ trong thư ngụ đều có phần na ná nhau. Họ không phải là không thông minh, nhưng ai nấy đều chẳng biết tìm đường mà chạy, hoặc giả là vì quá thông minh nên đoán được mình không có chỗ để đi, bởi vậy mới không trốn.
Mà thực ra, anh cũng giống vậy.