Thục Lệ tan ca rời văn phòng mới nhận ra hôm nay là rằm tháng Bảy.
Nhiều cửa hàng cửa hiệu bày mâm cỗ, hóa vàng mã, cúng cô hồn. Đã nhiều năm cô chẳng cúng kiếng, sống ở căn hộ chung cư cũ bé như hộp diêm tại Đài Bắc thì cúng kiểu gì? Mấy năm đầu vừa đến Đài Bắc, cô bày cái bàn nhỏ ở ban công, không gian quá chật, hóa vàng mã sợ thành đốt nhà, nên chỉ cúng con gà luộc và mâm tứ quả, không thắp hương, chắp tay khấn xin cả nhà bình an. Chung cư đối diện trong ngõ hẹp cũng đang cúng, song người ta không sợ hỏa hoạn, vàng mã cháy rực, một cơn gió lùa vào ngõ, tro bay tứ tán, cả con ngõ mịt mù mưa bụi màu xám. Cô nhìn đồ cúng của nhà đối diện, đầy một bàn đều là bánh quy đó. Rốt cuộc vì sao mọi người cúng bái đều thích mua bánh quy hiệu này nhỉ? Bánh quy đến từ Bạch Cung khiến cô nhớ tới đám tang em năm, vàng mã chồng chất thành gò nhỏ, được cha châm lửa, mau chóng bốc cháy. Mấy chị em gái phụ trách ném quần áo của em năm vào lửa, ngọn lửa hừng hực, tham lam hút lấy nước mắt cô. Mẹ đứng bên đống lửa gào: “Mãn Muội à, làm ma, phải quay đi tìm y nhé!” Lời ai điếu của mẹ có giai điệu, có lẽ do tham gia đoàn tụng kinh đã lâu, câu “quay đi tìm y nhé” lặp đi lặp lại, mỗi lần đều mang làn điệu khác nhau, chữ “y” càng xướng càng chói tai, ngân vang xoay vòng, giống như mũi khoan dẹt dài mảnh mà sắc bén, đục lỗ vào màng nhĩ cô. Lửa cháy mấy tiếng đồng hồ, một cơn gió mạnh thốc tới, rợp trời tro bay, mẹ không ngừng không mệt, ăn đầy miệng tro, song đan điền lại càng mở rộng, tiếng “y” càng vang dội, vọng khắp cả vùng quê. Có điều, y, y trong Bạch Cung, không thể nào nghe thấy. Bụi tro theo tiếng khóc gào gọi “y”, từ đám tang đó khởi hành, theo gió bay lượn khắp chốn, mỗi căn nhà thấp, mỗi gốc cây cau, mỗi con kênh rạch đều dính tro, nơi nơi đều nghe thấy “y”. Nhưng bụi tro tránh hẳn Bạch Cung ra, tường bao, rường cột, mái nhà hết thảy vẫn trắng tinh không một vết bẩn, rực rỡ ánh vàng.
Mặt đất ướt át, Đài Bắc hôm nay có mưa sao? Thực sự là quá bận, liên tục nghe những cuộc điện thoại khiếu nại giận dữ, luôn miệng xin lỗi, hoàn toàn không nghe thấy tiếng mưa. Ngẩng lên nhìn bầu trời, mây đen dày đặc đầy đe dọa, báo trước một trận mưa lớn khác. Cô xưa nay - rất thích nghe tiếng mưa to, ở quê mỗi trận mưa như trút, giọt mưa đập xuống đất sẽ ép nhiều loài bò sát ló mặt ra, không khí sực nức mùi cỏ xanh, rắn sọc lăn lộn trong bùn, mạng nhện đọng muôn ngàn hạt nước nhỏ. Đài Bắc đâu đâu cũng là mái tôn, mưa to oanh tạc thành phố, nổ giòn giã trên mái nhà, tạm thời vùi lấp tiếng xe cộ ồn ào. Cô từng hỏi em trai út, có nhớ thứ gì của Đài Loan không? Chị hai mua rồi gửi sang cho em. Em trai trả lời thư, không hiểu sao cứ hay nhớ tới tiếng mưa dưới quê và cả tiếng mưa Đài Bắc, nơi này không có mái tôn, ở bên trong không nghe được tiếng mưa, rất yên tĩnh, quá yên tĩnh. Tiếng mưa ư, làm sao mưa nhỉ? Cô vẫn luôn muốn dùng di động ghi âm tiếng mưa rồi gửi cho em trai út, nhưng em không thể nhận thư điện tử, cô thực tình cũng không biết cách chuyển file âm thanh từ điện thoại sang máy tính, tiếng mưa, phải gửi thế nào đây?
Lúc chờ xe buýt, để tránh xe đạp, cô giẫm vào vũng nước lớn trên lối đi bộ, nước đục ngập đến mắt cá chân. Nước bẩn ghê, cô tưởng tượng mưa axit ô nhiễm khói bụi trong thành phố chọc thủng giày cô, ngấm vào tất cô, gọi mời nấm mốc vào đóng quân giữa những ngón chân cô. Song cô không rời khỏi vũng nước, mùa hè nóng như thiêu như đốt, nước bẩn đâm ra lại mát rượi không ngờ. Văn phòng theo đuổi biện pháp tiết kiệm điện, hạn chế dùng điều hòa, cả ngày cô đều ngâm trong mồ hôi của mình, hai chân giẫm nước bẩn khiến cô nhớ đến tuổi thơ giẫm bùn ở quê, giẫm giẫm giẫm, có lúc sẽ giẫm phải một con rắn sọc gờ trơn tuột. Đã ngột ngạt cả ngày trong căn phòng không có điều hòa, niềm an ủi duy nhất lại là một vũng nước đen. Ở văn phòng, đồng nghiệp nam ngồi bên phải tỏa ra mùi hôi nách chua lòm, buổi trưa anh ta còn ngự ngay trên bàn làm việc chén hai hộp đậu phụ thối. Đồng nghiệp nữ ngồi bên trái cởi giày, chân liên hồi kỳ trận ném những quả tạ thum thủm, quả nào quả nấy đều chuẩn xác đánh trúng khoang mũi cô, thứ mùi ấy quả thực có sức mạnh hủy diệt nền văn minh. Vị sếp lớn mắng cô không biết biến báo vừa há miệng đã khạc ra một dòng sông lềnh bềnh rác rưởi, người cấp trên động viên cô vừa gãi mái đầu lưa thưa đã như đánh đổ cả thùng nước gạo nuôi lợn, trên cơ thể đám đông chỉ thắng mặt chửi cô không tôn trọng động vật khăm khẳm mùi khai của chó. Mùi người là hung khí, suốt cả ngày cô liên tục cảm thấy mình bị mùi hôi của con người cắt cổ. Thật ra cô không mảy may để tâm mùi hôi của chó, chó hoang dưới quê còn hôi hơn, cô luôn thích vùi mặt vào mình chó cọ tới cọ lui, hoặc nắm lấy bàn chân chó, hít hà thật sâu. Hồi nhỏ sống ở tam hợp viện, bà nội nuôi một con chó mực, hằng ngày cô phụ trách cho chó ăn, cho đến khi bà nội cầm cục gạch đập chết chó mực nấu lên ăn. Cô biết bà nội kỳ thực không hẳn thích ăn thịt chó lắm, bà nấu thịt chó là vì cô.
Nhà cô là một căn chung cư nhỏ ở Đài Bắc, ba phòng ngủ một phòng khách, chồng, con gái, con trai, thêm một con gián nữa là chật chội không kham nổi, không thể nuôi chó. Con gái thất nghiệp, con trai thôi học đại học, hằng ngày đều ở nhà chờ cô về nấu cơm tối. Cô thích chó, nhưng hôm nay lại vì chó mà lên bản tin nhanh trên mạng với tội trạng kỳ thị chó.
Quầy của cô phụ trách đăng ký hộ tịch, cấp đổi chứng minh thư, cấp đổi sổ hộ khẩu, xét cấp bản sao hộ tịch, nội dung công việc đơn thuần, là một công việc lý tưởng. Nói là “lý tưởng”, vì biến động ít, tiền lương ổn định, nội dung không phức tạp, chỉ cần quen việc, sự vụ phải xử lý mỗi ngày biến động không nhiều, đây là cuộc đời mà cô muốn. Mỗi ngày cô cố định dậy lúc 6 giờ, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, trước 7 giờ rưỡi nhất định phải ra khỏi nhà bắt tàu điện ngầm rồi chuyển xe buýt, trước 8 giờ rưỡi đến phòng hành chính hộ tịch, ngồi xuống pha cốc trà, mở máy tính, đợi người dân đến quầy. Dân chúng lấy số thứ tự, chờ gọi số. Tất cả đều là lẽ đương nhiên, ngăn nắp trật tự.
Nhưng những năm gần đây, “lý tưởng” mất đi trật tự, công việc rõ ràng đơn thuần đã thêm nhiều thay đổi. Những công chức thế hệ cô, thời trẻ không có cơ hội đụng đến máy tính, khi làn sóng khoa học công nghệ ập đến, đành gắng gượng học lấy tất cả các phần mềm văn bản mới. Sau khi điện tử hóa toàn diện, guồng quay công việc cũng tăng tốc, những việc trước kia phải mất mấy ngày mới có thể hoàn thành thì bây giờ sếp yêu cầu phải xử lý trong vòng một tiếng, để tránh bị nói “nhân viên công vụ hiệu suất kém”. Tốc độ thì cô có thể đẩy nhanh, nhưng thứ mà cô hoàn toàn không chống đỡ nổi là ống kính máy ảnh. Khoa học công nghệ mang đến ống kính nhan nhản khắp nơi, nhiều người dân vừa tới quầy, hễ thấy không thể có được giấy tờ mình muốn liền lập tức mở điện thoại, nói phải “thu thập chứng cứ”, cho toàn thế giới thấy công chức ở Đài Loan rốt cuộc tệ hại nhường nào. Trên tay mỗi người đều lăm lăm ống kính, ngón tay bấm một cái là có thể bắt đầu quay chụp, đe dọa nếu không nhanh chóng phục vụ sẽ cung cấp đoạn phim cho giới truyền thông phanh phui.
Lúc trước có cô gái trẻ đến giải quyết công việc, mắt to tóc dài, trông rất xinh, khiến cô nhớ tới em năm. Ánh mắt cô gái bẽn lẽn, còn chưa thấy quá nhiều chuyện như bẩn cõi trần, trong veo sáng ngời. Cô ta đến làm thủ tục nhận tiền khuyến khích sinh đẻ, do giấy tờ mang theo không đầy đủ nên không thể hoàn thành ngay hôm đó, cảm xúc mất kiểm soát, bèn ném giấy tờ trước quầy, gào to: “Tôi sắp đẻ rồi! Tôi không có tiền! Các người còn không giúp tôi!” Thật ra chỉ ầm ĩ một lát, cô và mấy đồng nghiệp đi ra khỏi quầy để vỗ về cô gái, pha cốc trà nóng, chuyện trò vài câu, tư vấn những việc cần chú ý khi sinh, chúc mừng nhé, ở cữ phải giữ gìn đấy, ăn thứ gì nhiều vào, bác sĩ khoa sản nào đỡ đẻ mát tay, nói một hồi, cô gái đã cười, đôi mắt to càng ngời sáng, bảo ngày mai lại đến. Tối hôm ấy, hình ảnh cô gái khóc bù lu bù loa đã lên thời sự ti vi, hóa ra bấy giờ nhiều người dân có mặt ở đó đều cầm điện thoại quay chụp, lập tức đăng lên mạng, cuộc sống thường nhật nhàm chán của mọi người đột nhiên gặp phải một cô gái mất kiểm soát, rốt cuộc cũng có chút kích thích, lượt xem nhanh chóng vượt chục nghìn, trên bản tin thời sự cô gái trở thành “vị khách phiền phức - thiếu nữ điên cuồng”, thậm chí bị tra ra danh tính thật. Phóng viên đến chợ truyền thống tìm được mẹ cô gái, micro và ống kính chĩa thẳng vào người mẹ đang mổ gà: “Xin hỏi bà có biết con gái sắp sinh không? Đã xem đoạn phim lan truyền trên mạng này chưa?” Phóng viên lấy máy tính xách tay phát đoạn phim cô gái la hét ở phòng hành chính hộ tịch. Người mẹ nọ hoảng sợ ra mặt, cái cổ gà nắm trong tay vừa bị dao rạch, máu chảy tong tỏng.
Cô trốn vào phòng tắm ở nhà, xem đi xem lại đoạn phim cô gái thét gào, nhớ tới em năm.
Hôm sau cô gái ấy không đến, từ đó trở đi cũng không thấy xuất hiện nữa.
Về sau, để ứng phó với việc người dân quay chụp “lấy chứng cứ”, quản lý văn phòng yêu cầu ngoài camera giám sát, tất cả nhân viên đều phải chủ động quay chụp để tự bảo vệ bản thân.
Hôm nay, cô đã quên mất phải quay phim lại.
Người dân ở khu chờ bỗng dưng xôn xao, có đứa bé khóc váng lên. Đúng lúc cô đang chờ photo văn bản, nghe tiếng khóc mới đi ra khỏi quầy xem rốt cuộc xảy ra chuyện gì. Thì ra là có người dẫn theo năm con chó to vào, lấy số thứ tự, chờ gọi số, vừa hay có đứa bé sợ chó thấy chó liền òa khóc. Phụ huynh của đứa bé trông thấy cô bèn yêu cầu cô giải quyết mấy con chó, nếu không con tôi thật sự sợ lắm, chẳng phải chỗ các cô là cơ quan nhà nước sao, chẳng phải chó nên để ở bên ngoài, không được vào sao? Cô lại gần trao đổi với người đàn ông dắt chó, nhưng người này lập tức lấy điện thoại ra quay cô, lớn tiếng nói: “Đây đều là chó dẫn đường cho người mù, tôi là huấn luyện viên chó dẫn đường.” Cô cho rằng đối phương là người khiếm thị, xin lỗi ngay, nào ngờ ông ta càng cao giọng: “Cái gì? Cô tưởng tôi là người mù hả? Tôi vừa nói rồi còn gì, tôi là huấn luyện viên chó dẫn đường, nếu tôi là người mù, sao tôi huấn luyện chó được? Lũ chó chỉ theo tôi, không thể để chúng ở bên ngoài, tôi sẽ khiếu nại các cô không thân thiện với chó dẫn đường.”
Người la lối, chó ở lại, trẻ con khóc lóc, cô quay về máy photo, không nghĩ quá nhiều.
Mấy tiếng sau, điện thoại chỉ đích danh muốn gặp “nữ hộ viên họ Trần” bắt đầu réo liên tục, vừa chuyển đến máy con của cô, lập tức mở miệng mắng cô sa sả. Phóng viên tìm đến, cũng yêu cầu gặp “nữ hộ tịch viên họ Trần”, micro hướng thẳng vào cô: “Xin hỏi vì sao chị bài xích chó dẫn đường?”
Hóa ra, huấn luyện viên chó dẫn đường nọ sau khi rời khỏi tức khắc đăng đoạn phim lên trang cộng đồng chó dẫn đường. Đồng nghiệp phát cho cô xem, cắt ráp mượt mà, thêm phụ đề và hiệu ứng đặc biệt, một mũi tên màu đỏ chỉ vào mặt cô, phụ đề viết “nữ hộ tịch viên họ Trần kỳ thị chó dẫn đường”. Vị huấn luyện viên rất biết cách cắt xén, khúc bản thân nói “người mù” hoàn toàn không có trong đoạn phim, còn biểu cảm cau mày của cô vào đoạn phim đã trở thành nét mặt kỳ thị. Đoạn phim quay biểu cảm bầy chó lo lắng sợ hãi, tiếp theo nhảy sang khuôn mặt lãnh đạm của cô.
Những lời chửi mắng trào dâng như sóng thần: Con mụ đê tiện này. Đồ xấu xa không tôn trọng chó. Đài Loan chúng ta chính vì hạng công chức như cô nên mới không thể tiến bộ. Thứ mọt gạo. Tiền lương của cô là tôi đóng thuế nuôi đấy. Cô cuốn xéo cho tôi. Loại công chức tồi tệ. Mụ già gợi đòn. Thả chó cắn chết cô. Cô không hề có lòng đồng cảm. Thú cưng là bạn tốt nhất của loài người, cô có hiểu không hả?
Cuộc điện thoại cuối cùng cô nhận trước khi tan làm vang tiếng chó sủa ông ổng, cuối cùng là một câu “Đệch, cô tan sở liệu hồn cho tôi”.
Công việc thảy đình trệ, theo chỉ thị của sếp, viết báo cáo tường trình, mai nộp, cô biết đây thật ra là bản kiểm điểm, đánh giá thành tích năm nay chắc hẳn “toang” rồi. Vị sếp hôi miệng vỗ vỗ vai cô: “Cô Trần, cô đâu có khóc nhỉ, khá lắm.” Cô nghĩ bụng, khóc gì chứ, tôi từ nhỏ bị mắng đến lớn, chuyện này có gì đáng khóc đâu.
Xe buýt mãi vẫn không tới, cô không dằn lòng được mở điện thoại, xem đoạn phim đó lần nữa. Cô cho tạm dừng ở chỗ cận cảnh khuôn mặt mình, hóa ra mình hiện giờ trông như này à, mặt mũi lạnh lùng, mái tóc ngang vai xõa xượi, ánh mắt băng giá, hình thành sự tương phản rõ rệt với ánh mắt tha thiết của lũ chó, cũng khó trách mọi người đều tin cô chính là kẻ để tiện kỳ thị chó.
Cửa hàng trên phố đốt vàng mã, ánh mắt cô lướt qua từng bàn cúng, hầu như trên mỗi bàn đều có bánh quy của Bạch Cung, thật sự không tránh khỏi. Năm kia cô đi tour du lịch Trung Quốc, ngắm mây mù ở Hoàng Sơn, hướng dẫn viên bản địa lấy ra gói bánh quy này, hỏi có muốn nếm thử bánh quy đến từ Đài Loan của quý khách không? Vị quê nhà đấy. Các thành viên trong đoàn chẳng ai chìa tay lấy, hướng dẫn viên nói không thu tiền, chiêu đãi miễn phí, mọi người đột nhiên chen nhau giành bánh. Đi dạo trong ngõ nhỏ ở Hồng Thôn An Huy, thấy bé gái đang ăn bánh quy hiệu này. Ăn cua ở Tây Hồ, không ngờ trên bàn cũng xuất hiện bánh này. Năm ngoái cô đi Nhật Bản, tìm mua vitamin cho chồng ở hiệu dược mỹ phẩm, cũng thấy cả đống bánh này trên giá. Cô viết thư hỏi em trai út, trong nhà tù Đức có bánh quy này không? Nếu có, cô cũng sẽ không ngạc nhiên, người ta đều đang hô hào toàn cầu hóa đấy thôi?
Bên cạnh biển chờ xe buýt có mấy học sinh cấp ba cầm di động phát đoạn phim kia oang oang, cô nghe thấy “nữ hộ tịch viên họ Trần”, xem ra cô đúng là nổi tiếng rồi. Cô bước ra khỏi vũng nước, cố tình đến gần đám học sinh, nghe chúng chửi rủa hộ tịch viên xấu xa kỳ thị chó. Một nữ sinh trong bọn ngẩng lên nhìn cô, ánh mắt “Bà thím này lại gần bọn mình làm gì? Chân bà ta bẩn quá!”, hoàn toàn không nhận ra cô là nhân vật chính trong đoạn phim. Cô vốn lo lắng suốt một ngày ăn chửi trong điện thoại, ngoài đời thực có lẽ cũng không tránh khỏi bị “ném đá”, nhưng cô chen chúc trên xe buýt, chuyển tàu điện ngầm, đến chợ chiều mua thức ăn, rồi về nhà, không một ai nhận ra cô.
Cô bảo ông hàng thịt ở chợ chiều, cứ như hôm qua là được. Ông ta nhìn cô, cố gắng tìm kiếm khuôn mặt khách quen trong đầu, kết quả tìm kiếm bằng 0. Kỳ lạ thật, cô thường tới mua thịt cơ mà? Ông chủ này cũng vụng làm ăn quá đi.
Cô tuyệt nhiên không biết rằng mình thật ra là người không có màu sắc, trong suốt, là sự tồn tại dễ bị ngó lơ nhất giữa đám đông.
Mấy hôm trước cô thực hiện tư thế yoga giãn cơ trên sàn phòng ngủ, chồng cô đi vào phòng, hoàn toàn không nhìn thấy cô, nằm trên giường cầm máy tính bảng xem phim người lớn, quần kéo xuống đầu gối, bắt đầu “nắc”. Cô giữ nguyên tư thế chó ngửa mặt bất động, không dám thở mạnh, chẳng mấy chốc, chồng cô phát ra tiếng rên rỉ yếu ớt, lấy chăn lau. Rồi chẳng bao lâu sau, tiếng rên rỉ yếu ớt chuyển thành tiếng ngáy o o, cô yên lặng đứng dậy, không dám nhìn chồng trên giường, nhón chân đi ra cửa, thầm nghĩ, ga giường và chăn này đều phải giặt ở nhiệt độ cao thôi. Sao ông xã hoàn toàn không để ý thấy mình chứ? Mình nằm ngay trên sàn nhà cạnh giường mà! Có điều, không để ý thấy cũng tốt.
Cô rời chợ chiều, xách thịt lợn đi về nhà, điện thoại reo, cúi đầu nhìn màn hình, là em tư.
Bắt máy, em tư khóc gào: “Chị hai! Chị hai! Mau về nhà đi! Làm sao đây làm sao đây làm sao đây? Mẹ đâu mất rồi ấy!”
Cô hít sâu một hơi, nói bằng giọng điệu lạnh nhạt nhất: “Mẹ chết lâu rồi.”
Em tư không nghe cô nói, tiếp tục gào: “A lô? A lô? Chị hai! Chị hai! A lô? Mau về nhà đi! Chị có nghe thấy không? Mẹ đâu mất rồi!” Cô không biết rằng em tư vốn không nghe được câu trả lời của cô. Cô không biết mình là người không có màu sắc, ngay cả tiếng nói cũng quá đỗi mờ nhạt, âm thanh truyền qua điện thoại, nhẹ tênh, chẳng có trọng lượng, không truyền đến tại em tư. Cô cứ nói mãi: “Mẹ chết rồi. Mẹ chết rồi. Em đừng gọi nữa. Mẹ chết rồi. Chị ở Đài Bắc làm việc bận lắm, không rảnh về nhà.” Em tư hoàn toàn không nghe thấy, tiếp tục gào.
Nữ hộ tịch viên họ Trần giống như con ma, phất phơ vô hình, mọi người sẽ chủ động loại bỏ sự tồn tại của cô trong thị giác và trong thính giác. Đây thật ra là trạng thái cuộc sống mà cô mong muốn nhất, tàng hình giữa đám đông, hòa tan vào phông nền, soi gương không có bóng, đi lại không dấu chân, bay tới bay lui, vẫn chưa biến mất, song cũng không tồn tại.