“Anh từ đâu đến?”
Đó là câu hỏi đầu tiên T đặt ra cho gã. T từng cho gã bao nhiêu là thứ, một cuốn hộ chiếu Đức, một mái nhà mới, cơ hội trốn chạy, và vô số câu hỏi. Ban đầu, T hay hỏi lắm, quê anh trông như thế nào? Nhà có mấy anh chị em? Mùa hè trên đảo[1] nóng cỡ nào? Đảo có ve không? Có rắn không? Cây cối trông ra sao? Cây tên gì? Có sông ngòi hay kênh đào không? Khi nào là mùa mưa? Có lũ lụt không? Đất đai màu mỡ chứ? Trồng gì? Vì sao không thể cùng anh về dự đám tang? Vì sao anh về nhà? Vì sao không về nhà?
Những câu hỏi khiến người ta vò đầu bứt tóc, rất khó trả lời, thành ra không muốn trả lời. Né tránh, dựng chuyện nói dối, thân thế thêu dệt có nhiều sơ hở, câu trước đá câu sau, quá khứ là một cuốn tiểu thuyết viết hỏng. Viết tiểu thuyết, chương đầu tiên tập trung vào một chiếc bàn, trên bàn đặt một khẩu súng hai con dao ba quyển nhật ký, súng dù sao cũng phải bóp cò ở những chương đoạn sau, dao cũng phải róc phải gọt, mở nhật ký ra là đã giải đáp bí ẩn của câu chuyện, nhưng cuốn tiểu thuyết cuộc đời gã lộn xộn không có trật tự, viết một hồi liền quên khuấy súng dao nhật ký, mà lại cứ nhớ đến những thứ linh tinh rác rến khác trên mặt bàn bừa bộn, không ngừng viết về những manh mối chẳng quan trọng, nào áp phích dán trên tường, nào quần đùi đỏ, nào khuôn mặt trùm túi bóng. Con người hỏng rồi, tiểu thuyết cũng thối nát theo, thủng lỗ chỗ.
Gã là một kẻ từ đầu đến chân thủng lỗ chỗ, những chuyện xưa không muốn nói ra miệng, những chuyện hỗn loạn trong trí nhớ chối rằng đã quên đều nhét trong lỗ thủng trên người. Cái lỗ sẽ nứt toác bất cứ lúc nào, nhiều câu chuyện sẽ rơi ra.
Phải nói thế nào đây? Phải viết thế nào đây?
Không nói ra miệng được, đành cứ viết mãi: Tôi đến từ một vùng đất nhỏ.
Quê hương là một vùng đất nhỏ, tên Vĩnh Tĩnh, nằm ở miền Trung của đảo, đầu thế kỷ 19 người Quảng Đông đến đây khai khẩn, xây dựng xóm làng trên mảnh đất hoang bằng phẳng. Quê hương quả thực có con sông nhỏ, sông đào bằng sức người, hẳn là từa tựa kênh đào mà T nói. Con kênh trăm năm tuổi nơi đây có từ thế kỷ 18, dẫn nước sông Trạc Thủy cho nông dân tưới ruộng. Dần vỡ hoang thời kỳ đầu thường xảy ra xung đột giữa các sắc tộc, hỏa hoạn lũ lụt liên miên, nên đặt tên đất là “Tĩnh”, mong vĩnh viễn được yên tĩnh thái bình.
Địa thế bằng phẳng, không có núi đồi, phóng mắt về phía đông sẽ thấy dãy núi xanh ngắt của đảo, nhìn về phía tây không thấy cũng không nghe tiếng sông Trạc Thủy, nhưng các bậc cha chú bảo rằng cứ đi mãi về phía tây thì cuối cùng sẽ gặp eo biển Đài Loan. Cư dân làm nghề nông, năm thì mười họa mới rời khỏi mảnh đất này, chưa bao giờ leo núi hay ngắm biển. Đất đai ẩm ướt, cũng gọi là màu mỡ, trồng hoa, trầu, lúa. Trải qua công cuộc khai khẩn hàng mấy thế kỷ, đến nay vẫn giữ được cảnh quan nông thôn, toàn nhà thấp tầng, mấy gian tam hợp viện được công nhận là di tích cổ cấp quốc gia, song hiếm có khách du lịch tới thăm, phồn hoa vẫn chưa đến với nơi này.
Những năm 1970, có công ty xây dựng từ nơi khác đến Vĩnh Tĩnh, lấy được một miếng đất, động thổ xây dãy nhà phố liền kề đầu tiên tại đây. Dãy nhà gồm mười căn sát nhau, mỗi căn ba tầng, là khúc dạo đầu cho sự phồn hoa của vùng đất nhỏ. Cất nhà cao tầng rồi, nơi đây sắp phát triển rồi. Hồi đó, phần nhiều dân địa phương đều chưa từng thấy tòa nhà cao quá ba tầng, xi măng cốt thép, sàn đá mài, bồn cầu bệt giật nước, toàn là lối kiến trúc lần đầu xuất hiện ở vùng này. Một căn trong dãy nhà phố đầu tiên này chính là nơi gã lớn khôn. Đối diện với dãy nhà, căn thứ năm từ bên trái sang là nhà cũ của gã. Căn thứ sáu từ bên trái sang vốn là nhà chị cả, hiện bỏ hoang. Căn thứ bảy từ bên trái sang, trước là tiệm cho thuê băng video, giờ cháy đen thui, ban công treo biển “Bán nhà”. Tấm biển “Bán nhà” treo mấy năm trời, chữ bong tróc thành “Lối ra”[2], số điện thoại bên dưới đã lem nhem khó tài nào đọc được.
Gã nhìn tấm biển “Lối ra”, ngẩn tò te. Gã bị giam cầm nhiều năm rồi, thật sự cần lối ra, hôm nay, không ngờ gã lại quay về chốn này. Gã biết rõ hơn bất cứ ai, nơi đây không thể nào là lối ra của gã. Theo tấm biển “Lối ra” loang lổ ấy, đi hoài đi mãi, liệu có thể về bên Quần Đùi đỏ không?
Chị cả là người duy nhất ở lại, sống trong căn nhà thứ năm từ trái đếm sang, nhà cũ của gã, trước giờ không dọn đi.
Vùng đất nhỏ, chính là vùng đất quỷ tha ma bắt của gã.
Gọi là “quỷ tha ma bắt”, ý muốn nói hoang vắng, so với đại đô thị quốc tế văn minh, quê hương gã xa xôi hẻo lánh, chưa ai nghe tên. Thời kỳ kinh tế[3] cả đảo vươn lên mạnh mẽ, vùng đất nhỏ không bắt kịp tiến độ kiến thiết, hàng loạt nhân khẩu nông thôn chuyển ra bên ngoài, lớp trẻ rời quê rồi không trở về nữa, quên luôn địa danh này, bỏ lại thế hệ già yếu không rời đi được. Tên đất vốn là lời cầu chúc, giờ lại thành lời nguyền, tên sao đất vậy, tĩnh, quá tĩnh lặng.
Mùa hè năm nay miền Trung đảo khô hạn, mặt đường buổi chiều giống như bếp lò, không cần bật gas cũng có thể rán trứng rang cơm nấu cháo trên đó. Biền biệt ngần ấy năm, mọi thứ trước mắt ăn khớp với ký ức của gã, nóng ghê gớm, cái nóng buổi chiều khiến thời gian trôi chậm lại, cây ngủ trưa gió lặng lờ, nín thở lắng tại sẽ nghe thấy đất đang ngáy. Tiếng ngáy ấy là âm thanh nồng đượm khi đã ngủ say, cho đến trước khi trời đổ mưa lần sau, đất tam thời không muốn tỉnh lại. Hồi nhỏ gặp thời tiết kiểu này, gã có thể nằm dưới gốc cây đi vào giấc ngủ rất sâu, gà gáy ve ngân lợn tru rắn rít cừu kêu đều không thể đánh thức gã. Sau khi lớn lên, gã lại không ngủ được nữa. Trong tù thứ dư dả nhất là yên tĩnh, không nghe thấy mưa rơi, không nghe thấy gió thổi, không nghe thấy lá rụng. Gã nói với bác sĩ nhà tù, yên tĩnh quá, sao mà ngủ nổi chứ? Uống thuốc có tác dụng không? Gã muốn hỏi bác sĩ nhưng không nói ra miệng, uống thuốc thì sẽ nghe thấy tiếng mưa chứ? Ở quê gã, mưa gõ trên mái tôn, như thể gióng trống khua chiêng vang rền, hễ nghe thấy tiếng mưa ấy, gã chắc chắn sẽ có cách dỗ giấc.
Thật tình muốn nghe tiếng mưa, thế nên đã trở về.
Không nghe tiếng mưa, gã nghe thấy tiếng máy may lạch xạch lạch xạch.
Đó là chị cả.
Chị cả đạp máy may miệt mài, ti vi bên cạnh đang chiếu phim nhiều tập giờ trưa, bà mẹ chồng nanh ác mới táng cho cô con dâu khốn khổ một bạt tai, có tiếng gà chiều eo óc, quạt máy quay vù vù, làng bên vọng tới tiếng pháo đì đùng. Mấy ngày liền mất ngủ, chuyển máy bay tận mấy lần, ý thức của gã rã rời, không xác định được mình đang ở đâu. Nhưng tiếng máy may rất rõ ràng, gã quả thực đã về đến vùng đất quỷ tha ma bắt này.
Vùng đất quỷ tha ma bắt, vậy thì, có ma không? Có rất nhiều ma quỷ nơi thôn dã, chúng sống trong lời kể của mọi người. Phía trước dãy nhà này có vạt rừng tre rậm rạp, người ta nói có ma nữ phất phưởng, đừng bao giờ đến gần. Ma nữ trong rừng tre là người đàn bà bị cưỡng hiếp thời kỳ Nhật thuộc, trinh tiết bị vấy bẩn còn bị nhà chồng đuổi ra khỏi cửa, bèn vào rừng tre treo cổ tự tử, từ đó thành ma, chuyên dụ dỗ đàn ông trẻ. Đêm đến chó sủa nhặng lên, hay còn gọi “chó cắn ma”, theo lời mẹ gã, chính là gia súc gặp ma, ngủ cho mau, không được mở mắt, bằng không sẽ nhìn thấy ma, thứ không nên nhìn thì chớ nhìn, cho dù nhìn thấy cũng không được nói ra, nhìn thấy thì chạy ngay, chạy mãi chạy mãi, chạy đến khi ma không đuổi kịp mới thôi. Bọn trẻ con nói, nơi nhiều ma nhất là kênh nước trăm năm cạnh ruộng, trên cây liễu hai bờ kênh có mụ ma cây, đừng bao giờ sờ lá liễu rủ, sờ một cái là sẽ bị ma ám, thi cử xơi trứng ngỗng chắc luôn, cách giải quyết duy nhất là kết hôn với ma nữ. Người ta bảo ma nữ cây liễu đều là gái ế già, chết rồi còn muốn lấy chồng, bèn ở lại trên cây liễu, chờ gã xui xẻo nào đó đến cưới. Dưới kênh có ma da, người phụ nữ đẹp bị lính Nhật làm nhục thời Nhật thuộc, nhảy giếng được cứu lên, đưa đến bệnh viện lại bị bác sĩ chà đạp, cuối cùng gieo mình xuống sông Trạc Thủy tự tận, hồn ma không the nước sông đổ ra biển mà chảy vào kênh tưới, trôi thẳng đến vùng đất nhỏ này, liền định cư không đi nữa. Lũ trẻ còn nói, rêu trong kênh là máu tươi màu xanh lục của ma chảy ra, tanh rình nhức mũi chính là mùi hôi của ma. Còn những cây nấm mọc thả dàn đôi bờ kênh, nhất thiết không được sờ, càng không được ăn, vì đó đều là núm vú của ma nữ, hễ sờ sẽ bị vận rủi đeo bám, nếu ăn vào bụng thì ruột và dạ dày trở thành nhà của ma, trong vòng bảy ngày con ngươi rỉ máu mà chết. Thấy phong bao đỏ trên đường đừng nhặt, trong đó đựng sinh thần bát tự của ma nữ, nhặt rồi phải cưới cô dâu ma.
Nhà gã sau này cũng nảy nòi ra một ma nữ, xõa tóc gào thét điên cuồng, chết đuối ngay trong con kênh tưới ruộng này.
Hồi nhỏ, con chó già trong nhà chết, “mèo chết treo ngọn cây, chó chết ném dòng nước”, mẹ chạy xe máy, gã ngồi sau ôm con chó, ra kênh nước để vứt. Gã sợ ma trong kênh, cứ khóc mãi, mẹ giục gã mau ném chó xuống nước. Nước kênh tù đọng không chảy, ngập ngụa xác chó lợn chết, dưa hấu rữa, xe máy cũ, còn có nguyên một sạp trầu cau bỏ đi, thảy đều bốc mùi thối hoắc dưới nắng gắt, cả triệu con ruồi vờn bay chúc mừng, được bữa chén đẫy rồi đây. Gã nhận ra cái xác thối rữa của con chó Vàng nhà hàng xóm, khóc nức nở, không chịu ném con chó già xuống nước, nói phải chôn chó, lập bia mộ. Mẹ giật lấy con chó, quẳng đánh tõm xuống dòng nước tù, bầy ruồi tản ra, rồi lập tức bay tụ về, vo ve vo ve váng tai nói cảm ơn, còn chưa ăn xong thịt ôi mà đã dọn thịt chó tươi lên rồi.
Gã phải nói với T thế nào, rằng gã đến từ một vùng đất quỷ tha ma bắt như vậy chăng?
Gã phải nói thế nào về thân thế hoang đường của mình? Năm người chị, một người anh, ông bố chưa bao giờ nói chuyện, bà mẹ thao thao bất tuyệt, hàng xóm giết rắn, anh Cây Cau mặc quần đùi đỏ, kênh nước, đám cưới, cây nhội, Bạch Cung, hà mã, hồ bơi Vĩnh Hưng, tầng hầm, vườn khế, miếu Thành Cước Ma, Minh Nhật thư cục, tháp nước màu bạc.
Thời gian ở tù, gã thường mơ thấy Cây Cau, và cả khu mộ chó ở sân sau nhà cũ của T. Thuở bé T từng nuôi ba con chó, sau khi chúng qua đời đều chôn ở sân sau, trên bia mộ gỗ có ảnh chụp con chó lúc sinh thời, đó là cách chôn chó mà gã tưởng tượng hồi nhỏ, cuối cùng đã bắt gặp ở nước Đức. Gã cũng thường mơ thấy kênh nước vứt chó kia, song không có bóng ma, sau khi trưởng thành gã không tin cũng không sợ ma nữa. Ma không đáng sợ, con người mới tàn nhẫn nhất. Trong mơ kênh nước không hội thối, hoa sen nở rộ, nấm mọc um tùm, cây liễu với cỏ chè vè, màu sắc và nhiệt độ đều là giữa hè. Trong mơ cha đang dẫn nước cày cấy bên con kênh, dáng vẻ thiếu niên da ngăm răng trắng, là người con trai trưởng danh giá nhất xứ này. Nụ cười rạng rỡ tựa hướng dương của thiếu niên, hoa sen trông thấy cũng phải hổ thẹn.
Tiếc rằng gã đã giết T.
Nếu T vẫn hỏi bên tai, gã sẽ chỉ về phía dãy nhà, trả lời thế này: “Tôi đến từ vùng đất quỷ tha ma bắt này, đây là nhà cũ của tôi. Hôm nay là rằm tháng Bảy, ma tới rồi, tôi cũng về rồi đây.”