Gã muốn kể với T, quê hương có cây, có rất nhiều cây.

Có mấy mẫu ruộng trồng cau, nhưng thu hoạch không tốt lắm, sau này đều đổi sang trồng trầu. Trường tiểu học gã từng học đã hơn trăm tuổi, trong sân trường có cây phượng, mùa hè, nhiệt độ cao thắp lửa cây phượng, đóa hoa đỏ thắm bung ra trong một đêm, bọn trẻ nhặt đài hoa và cánh hoa màu đỏ, đài hoa làm thân bướm, cánh hoa làm cánh bướm, ghép thành những con bướm. Hồi nhỏ cuối tuần thằng bé hay theo cả nhà ra ruộng nhổ cỏ tưới nước, giờ cơm trưa, mẹ ra phố mua nhục viên, bánh đúc nóng và canh đậu phụ rán, mọi người ngồi dưới cây phượng chờ mẹ, bèn cùng làm bướm từ cánh hoa phượng, làm một hồi, một đàn bướm trắng nhỏ bay tới, chị cả khẽ hô, đừng nhúc nhích, cả đám ngồi im bất động, bướm trắng đậu trên người họ, đến khi tiếng động cơ xe máy của mẹ và mùi thơm của nhục viên đưa tới, cả bọn mới xua lũ bướm bay đi tranh nhau đồ ăn. Anh trai luôn là người đầu tiên lấy được bữa trưa, còn là phần to đặc biệt, mẹ nói con trai cần thể lực, ăn thêm một chiếc nhục viên, húp thêm hai chén canh. Trong canh của anh chắc chắn có mọc và đậu phụ, còn trong canh của các chị chỉ có đậu phụ, đôi khi chỉ là canh suông. Nó cũng là con trai, song có lẽ mẹ đã nhận ra điều gì đó từ sớm, thằng út là nó cùng húp canh đậu phụ với các chị,

Cây nhội già cạnh trường cấp hai được xem là cây thần nghìn năm, dân làng buộc lên cây tấm vải đỏ viết “Nhội tía nghìn năm soi nhật nguyệt, oai thần hiển hách rọi Vĩnh Tĩnh”, bên cây có ngôi miếu nhỏ, trước miếu còn có một tấm vải đỏ khác, trên đó viết: “Đức thánh nhội sinh trưởng nghìn thu muôn đời”. Ngoài ra còn có cây muồng tím, cây đa, tre mai xanh, trước khi xây dãy nhà phố này, ngút ngàn rừng tre mai xanh. Thường ngày mẹ răn đe thằng út không được đi vào rừng tre, có hồn ma nữ tà ác chờ bắt bé trai, còn có rắn lục nọc độc rất mạnh. Nhưng tết Đoan ngọ là ngoại lệ, mẹ dẫn nó đi vào rừng tre mai xanh đối diện hái lá về gói bánh ú, nó mở to mắt nhìn chằm chằm cây tre, song không thấy ma nữ, cũng không có rắn, chỉ có xác mèo treo trên thân tre.

Gã biết T nhất định sẽ hỏi tiếp, vậy mùa đông thì sao? Mùa đông lạnh cỡ nào? Lá những cây đó có úa tàn không?

Quê T ở miền Bắc nước Đức, thành phố nhỏ Laboe bên bờ biển Baltic, sau khi vào động tuyết lớn chôn vùi tất cả, cây trụi cỏ khô, mãi đến tháng Ba, tháng Tư mới nhú chồi non. Gã nhớ cái lạnh thấu xương đó, gió rét sắc như dao, vừa thổi tới liền gọt đi chóp mũi. Lễ Giáng sinh năm đó họ về quê nhà của T, đài khí tượng nói đây là mùa đông lạnh nhất sau khi Đông Tây Đức thống nhất, nhưng bầu không khí ở bàn ăn tối còn thấu xương hơn cái lạnh bên ngoài, T và cha cả ngày không nói năng, nhịn đến bữa tối mới bắt đầu cãi vã, cha T cầm đĩa ăn ném xuống đất, đá đổ cây Giáng sinh, một mớ từ vựng tiếng Đức xa lạ quăng về phía người ngoại quốc là gã. Gã nghe không hiểu gì hết, câu chữ không thể diễn dịch lẽ ra không có sức sát thương, song giọng điệu và nước bọt đó đều là thịnh nộ, mấy từ đơn bẩn thỉu gã cũng nghe hiểu, gã xác định mình là mục tiêu nhục mạ. Mẹ T mở cửa lao ra ngoài, gã theo ra, đóng cửa lại, nhốt kín tiếng tranh cãi gay gắt trong nhà. Ngoài ngôi nhà nhỏ bên bờ biển Baltic không có đèn đường chiếu sáng, gã và mẹ T đứng trong vườn hoa, không có ánh trăng, đêm đen nuốt hết mọi thứ. Trước nhà là mênh mông biển cả màu đen, không có mảy may tiếng hải triều, âm 10 độ, gã đoán sóng biển đã đóng băng rồi thì phải? Mẹ T cố châm thuốc, gió biển lồng lộng chợt đến, liên tục nuốt chửng ngọn lửa trên bật lửa, gã giơ tay giúp che gió, điếu thuốc bén lửa. Gió đi khỏi, hết thảy đều đã chết, xích đu trong vườn hoa đã chết, cây táo đã chết, thảm cỏ đã chết, tiếng thủy triều đã chết, biển Baltic đã chết, gã cảm thấy mẹ T bên cạnh dường như cũng đã chết, đôi mắt không có ánh sáng, không có tiếng hít thở, chỉ châm thuốc nhưng không hút, rõ ràng đang khóc nhưng không có nước mắt. Gã cũng không chắc mình có còn sống chăng, chưa mặc áo khoác đã chạy ra theo, cái lạnh từ gan bàn chân luồn lên trên, đôi tay mất cảm giác, thế giới tối mịt. Thứ duy nhất còn sống là điếu thuốc kia, lặng lẽ cháy.

T đá bật cửa, tay xách va li, không ngừng ném những quả lựu đạn chửi bởi về phía người cha trong nhà. T tìm thấy tay gã trong bóng tối, nói chúng ta đi thôi, tôi không bao giờ trở về cái nơi bị nguyền rủa này nữa. Họ đội gió rét kéo va li chạy một quãng đường, gió lạnh từ khoang mũi xâm nhập cơ thể họ, chưa chạy được bao xa, cả hai đã dừng lại ôm nhau bên bờ biển, thở hồng hộc. Gã vẫn không biết hai cha con rốt cuộc vì sao cãi lộn, gã chỉ biết rằng T đang khóc.

Họ ngồi đại xuống bờ biển, lôi tất cả quần áo trong va li ra tròng lên người. T nói một tràng dài tiếng Đức, sực nhớ gã nghe không hiểu tiếng Đức mới chuyển sang tiếng Anh, rằng tôi và cha tôi dùng tiếng Đức cãi nhau ra nông nỗi này, xin lỗi, tôi quên mất phải nói tiếng Anh với anh. Chào mừng đến quê hương của tôi, Laboe. Nào, nói ba lần nhé, Laboe, Laboe, Laboe, khó đọc lắm đúng không? Chữ o đó đặt chung với chữ e, đành chịu thôi, phải phát ra một âm kỳ lạ, tiếng Đức rất kỳ lạ, sau này anh từ từ học là biết. Nơi này là Laboe, phía nam bờ bên kia là thành phố lớn Kiel. Vịnh này gọi là Kieler Förde, vịnh Kiel, sau khi ra khơi sẽ gặp biển Baltic. Đây chính là nơi tôi lớn lên, bây giờ anh không nhìn thấy, nhưng thật ra trước mặt chúng ta là một bãi cát trắng rất đẹp, tôi đã trải I qua vô số mùa hè ở đây, bơi lội, tắm nắng, cua gái, cua trai, cho đến khi tôi gặp anh. Cả mùa hè, tôi nằm dài trên bãi cát này ngắm thuyền bè trên vịnh, tôi thích nhất là ngắm tàu du lịch cỡ lớn, từ Kiel đi đến các nước Bắc Âu, sau đó đi khắp thế giới. Tôi yêu bãi cát này, nhưng tôi cũng hận bãi cát này, cát vây hãm tôi ở đây, tôi chẳng đi đâu được. Men theo bãi cát này đi mãi về bên kia, có con tàu lặn đậu trên cát, hồi nhỏ tôi thường tưởng tượng mình lái chiếc tàu lặn đó, đến khắp nơi trên thế giới chơi. May mà cuối cùng tôi bắt tàu hỏa đi Berlin, mới gặp anh.

T đã nói rất nhiều, rất lâu, không dừng lại được, vừa nói vừa khóc. Cậu ấy nói, ở đây có một hàng cây, mùa xuân bắt đầu mọc lá mới, xanh mướt tuyệt đẹp, chỉ trong một đêm cây đã chết liền sống lại. Quê anh thì sao? Có cây gì? Mùa đông cây có rụng lá không?

Lúc đó gã không trả lời, viện cớ lạnh, nói tôi lạnh sắp chết rồi đây, chúng ta mau tìm một khách sạn qua đêm thôi. Hay là chúng ta đi về phía bên kia? Đi tìm chiếc tàu lặn kia, ngủ trong đó được không? Ngủ đẫy giấc trước, hôm sau lái tàu lặn đi, có thể lái đến Đài Loan.

Hiện giờ gã cuối cùng cũng về đến quê hương mình, cái vùng đất quỷ tha ma bắt này, gã muốn nói với T, mùa đông ở chốn này vẫn xanh tươi, cây không điêu tàn, cỏ không ngừng sinh trưởng. Mùa đông thời gian nắng chiếu rút ngắn lại, nhưng ban đêm không tăm tối, vì có rất nhiều ruộng cúc. Hoa là nông sản hàng hóa quan trọng của quê gã, để điều chỉnh thời kỳ sinh trưởng của hoa, nông dân trồng cúc đã lắp hàng nghìn bóng đèn trong ruộng, mô phỏng ánh sáng mặt trời vào ban đêm, nhằm ức chế hoa cúc nở rộ. Vừa chập tối, nông dân thắp đèn, ruộng các liền trở thành một biển đèn, không cần ngước đầu tìm sao trăng, làng quê nhỏ bé bình thường này đã lốm đốm ánh sao. Sản lượng hoa cúc tăng mỗi năm, nhiều nông dân lao vào trồng hoa cúc, nên diện tích ruộng cúc làm người ta phải kinh ngạc, quanh năm đều có số lượng “khủng” những bóng đèn sáng lên vào buổi tối, xua đuổi đêm đen.

Cách dãy nhà này không xa bát ngát ruộng cúc, “T à! đây là một vùng đất nhỏ không có đêm đen, cậu có tưởng tượng được không?”

Quê hương có ngần ấy cây cối hoa cỏ, nhưng thứ gã muốn kể với T nhất là cây khế.

Sáng sớm ra gã đã bắt tàu hỏa về quê, tàu chậm của Đường sắt Đài Loan (TRA), ga nào cũng dừng, Vĩnh Tĩnh cũng dừng. Ga Vĩnh Tĩnh là nhà ga không người, không có nhân viên trực, hiếm có hành khách lên tàu xuống tàu, xung quanh ga là phong cảnh nông thôn đồng bằng miền Trung đảo, nhà tôn gỉ sét, ruộng lúa hưu canh, kênh nước khô cạn. Gã rõ ràng xuất thân từ đây, vậy mà xuống tàu lại không biết Đông Nam Tây Bắc, vừa hay gặp được một ông bác vác bao ngô đi vào ga, đành hỏi bằng thứ tiếng Đài cứng nhắc, đường Vĩnh Tĩnh đi thế nào? Ông bác vừa mở miệng đã thấy vệt trầu đỏ choét, giơ tay chỉ đường, nói ông ta cũng đi đường đó tới đây, chàng trai trẻ, cậu không có di động à? Dùng bản đồ trên di động là được rồi.

Gã lắc đầu. Gã thật sự không có di động, trong tù cấm dùng điện thoại, sau khi ra tù, gã biết mọi người đều dùng di động kết nối với thế giới, nhưng gã đã mất liên lạc với thế giới, gã là con ma đã biến mất, tạm thời vẫn không muốn trở về nhân gian, nên không dùng di động.

Theo hướng ông bác chỉ, gã bắt đầu đi, quyết định không về dãy nhà đó vội, mà dạo vòng quanh quê, đi lạc lại hỏi đường. Gã sợ bị nhận ra, dù gã xa quê bấy nhiêu năm nhưng chú bác dì cậu mợ đều vẫn ở đây. Kéo mũ sùm sụp rảo bước, xác định bốn bề chẳng có ai gã mới ngẩng đầu lên. Ngang qua cung Vĩnh Hưng, trong trí nhớ là một ngôi miếu nhỏ, hóa ra là kiến trúc cung điện bề thế ba tầng. Phía trước cung Vĩnh Hưng có một khu đất trống, trước kia thường tổ chức tiệc mời và tiệc cơ động, cha dẫn gã đi dự hội miếu, lạy Tam Sơn quốc vương. Tiếp theo ngang qua cung Thanh Phúc, gã nhớ là miếu thổ địa màu nâu thấp bé, sao giờ dáng vẻ hoàn toàn không khớp với ký ức?

T này, giờ tôi cũng giống như cậu, không có tín ngưỡng tôn giáo, nhưng tôi rất muốn cho cậu xem, đây đều là những miếu thờ thuở bé tôi thường đi. Còn có cung Vĩnh An, Thành Cước Ma, cung Cam Lâm, một vùng đất bé tẹo lại có đến lắm miếu Đạo giáo. Hồi nhỏ tôi lên cơn sốt, mẹ không dẫn tôi đi bác sĩ mà đến miếu vái lạy, gọi vía, nhận lá bùa vàng tươi từ tay ông từ, châm lửa đốt bùa hòa vào nước, cho tôi uống nước bùa. Tôi đoán cậu nghe tôi kể những chuyện này sẽ há hốc miệng, từ kẽ răng rớt ra cả đống câu hỏi.

Trong ngần ấy miếu, gã muốn thăm Thành Cước Ma nhất. Đó là ngôi miếu nhỏ nơi mẹ tụng kinh, đó là ngôi miếu nhỏ nơi xem phim điện ảnh, đó là ngôi miếu nhỏ nơi giết lợn, đó là ngôi miếu nhỏ nơi nướng xúc xích, đó là ngôi miếu nhỏ nơi hôn nhau. Trong nhà tù Đức, gã thường mơ thấy ngôi miếu này. Trong giấc mơ, Thành Cước Ma luôn mở rộng, cây to sau miếu không ngừng vươn cao, mơ suốt nhiều năm, trong cõi mộng miếu biến thành miếu lớn trăm tầng, cây cao chọc trời, sân trước miếu liên tục chiếu bộ phim điện ảnh đầu tiên gã xem trong đời. Gã đã quên tên phim, nhưng nhớ là phim về kháng chiến chống Nhật. Gã ngồi trên đùi Quần Đùi Đỏ xem phim, cảm nhận được trong chiếc quần đùi đỏ có thứ thần bí gì đó từ từ cứng lên.

Gã đi đến chợ Lớn, nhiều dân quê đang bận rộn mua đồ cúng rằm tháng Bảy, nhưng sạp nhục viên khoái khẩu của gã hồi nhỏ không thấy đâu nữa, quy mô chợ nhỏ hơn thấy rõ, gã nhớ có cả trăm hàng rau hàng thịt kia mà, sao bây giờ lèo tèo vài sạp hàng, có lẽ quy mô chợ không đổi, là trí nhớ của gã teo lại chăng. Gã đi tiếp mấy con phố, nhận ra chuỗi siêu thị đã mở chi nhánh ở đây, bảng hiệu bắt mắt, bên trong có hàng hóa đến từ các nơi trên thế giới, rất nhiều ông già bà cả đều đến đây mua thức ăn. Hóa ra, siêu thị nhượng quyền mới toanh đã thay thế chợ Lớn.

Đến “Mì Ngoại Tỉnh” ăn một bát xúp thịt, kèm một bát mì tương vừng, sai vị, vừa cho vào miệng đã biết không phải do ông chủ nấu. Hóa ra, ông chủ người Tứ Xuyên đến Đài Loan sau chiến tranh lúc này ngồi trên xe lăn, bên cạnh kè kè bình oxy, mắt vô hồn. Hiện giờ người phụ trách nấu mì là anh con trai, xúp mì nhạt, tương ớt thiếu cay, đời sau không thể tái hiện mùi vị của đời trước. Ăn mì xong ra ruộng đi dạo, nhiều ruộng trầu đều không thấy nữa, bao la đất nông nghiệp hưu canh, bảng “Ruộng bán” cắm trong đất. Ruộng cúc trong trí nhớ hiện giờ là một motel bỏ hoang, không thấy hoa cúc, nhà nghỉ hoang phế, cỏ dại cao lút đầu người. Phòng học của trường tiểu học mới tinh, hoàn toàn không khớp với ký ức tuổi thơ của gã, trong thư chị hai từng kể, động đất lần đó khiến trường tiểu học ở quê xuất hiện nhiều vết nứt đáng sợ, tam hợp viện nhà bà nội bị sập, trường tiểu học được xây lại, còn tam hợp viện bị san bằng luôn. Chị hai nói trong thư, tam hợp viện cuối cùng đã biến mất, tốt thật. Biến mất, thì tuổi thơ không còn chứng cứ tồn tại, chẳng nhìn thấy gì càng dễ lãng quên. Dốc hết sức muốn khép thời niên thiếu lại, nhưng trời sẩm tối vừa nhắm mắt, tam hợp viện nhấp nháy, dãy nhà sáng trưng, mãi vẫn chưa biến mất. San bằng chí ít không có bằng chứng thực thể, gã sợ động đất, cũng nể động đất, thứ không thể sup đổ trong ký ức đã hoàn toàn bị hủy hoại chỉ trong mấy giây.

Gã đương nhiên đã thấy Bạch Cung, cột to kiểu Hy Lạp, hàng rào chạm hoa vàng óng. Sơn trắng lấp lánh dưới ánh nắng, hẳn là gần đây lại bồi thêm sơn mới. Gã đứng xa xa nhìn Bạch Cung, không đến gần. Bạch Cung vấy máu, một vở kịch xà phòng diễn dở tệ. Gã không dám lại gần, gã sợ. Bạch Cung mơ thấy trong tù mấy năm qua thật ra là Bạch Cung màu đỏ.

T thân yêu, chuyện về Bạch Cung tạm thời không kể với cậu. Tôi muốn kể về cây khế trước.

Vẫn còn đây, vườn khế vẫn còn đây. Gã đi qua con đường mòn ven ruộng, tìm thấy vườn khế thân quen. Trải qua bao sóng gió, những cây khế ấy vẫn đứng sừng sững, thân cây dường như càng to khỏe, mặt đất đầy khế chín nẫu, không ai nhặt, rào giậu liêu xiêu, chắc là đã bỏ hoang nhiều năm rồi. Trên cây khế lúc lỉu quả, gã hải một quả khế chín mọng, ngoạm miếng to, miệng ngập tràn vị chua chua ngòn ngọt, đột nhiên trở về năm bảy tuổi.

Thằng bé chơi trốn tìm với trẻ con hàng xóm, nó chạy giỏi nhất cũng nấp giỏi nhất, chẳng ai bắt được nó. Lần đó nó lao ra đằng sau dãy nhà phố, vượt qua ao cá, băng qua một vạt hoa bách nhật hồng đỏ tía, nhảy qua kênh nước lềnh bềnh chó chết lợn chết, chạy qua tam hợp viện đang phơi trấu, xộc vào nhà người nuôi ngỗng, ngang qua xưởng nước tương, chạy mãi chạy mãi, cuối cùng đến một vườn khế. Đó là biên giới mà cơ thể nhỏ bé bảy tuổi của gã khi ấy chưa bao giờ đặt chân đến, đây là đâu? Mình rốt cuộc đã chạy bao lâu?

Mình còn ở Vĩnh Tĩnh không? Mình trốn ở đây, bọn nhóc hàng xóm không thể nào tìm ra mình.

Vườn khế có rào giậu thấp tè, bên trong có vô vàn cây khế, vừa hay đang độ nở hoa, những đóa hoa nhỏ năm cánh đỏ tía ló ra từ thân cây, trông có vẻ e ấp. Trong vườn sạch bong, trên mặt đất chẳng có chiếc lá khô nào. Bên ngoài là mùa hè đổ lửa, trong này lại gió mát hay hay, không khí thoang thoảng hương quả chua ngọt. Nó chọn cây khế to khỏe nhất, trèo lên, không dám thở mạnh, sợ gây tiếng động, hôm nay nó chắc chắn lại là đứa bị tìm ra cuối cùng. Lúc đó nó cảm thấy đây là góc an toàn nhất trên thế gian này, nhất định không ai có thể tìm được nó. Đợi hoài đợi mãi, nó ngủ thiếp đi. Sau khi tỉnh dậy, nó cúi đầu nhìn, thấy đỏ đỏ.

Chàng trai đen sạm cởi trần, mặc quần đùi màu đỏ, ngồi đọc sách dưới cây khế.

Anh ngẩng đầu lên hỏi: “Cu út nhà A Sơn hả?”

Cái quần đùi đỏ không ngừng phóng to trong tầm mắt nó, dần dần chiếm cứ hết thảy suy nghĩ của nó. Nó cứ đăm đăm nhìn cái quần, không thốt nên lời.

“Ôi dào, đừng sợ, ở đây an toàn lắm, bọn nó nhất định không tìm thấy nhóc đâu.”

T thân yêu, ngay lúc đó, tôi lập tức đã phải lòng chàng trai mặc quần đùi đỏ dưới cây khế.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play