Từ trước đến nay, Bách Tùng luôn là một người nhút nhát, sợ tiếp xúc với người lạ. Nhưng không hiểu sao với người này cậu lại không chút phòng bị, cứ thế chấp nhận cho anh bước vào vùng an toàn của mình.
Hai người họ cứ như vậy mà bắt đầu cuộc sống mới. Bách Tùng thì có thêm một người phục vụ không cần tiền lương, chỉ cần cho anh ta ăn phần mì dư trong ngày.
Đó là mong muốn của người đàn ông đó thôi. Còn với cậu, anh ta như một người bạn, ngoài ý muốn mà xuất hiện trong cuộc đời cứ ngỡ sẽ mãi mãi cô độc này.
Nếu như đối với Bách Tùng là như thế, thì với Trương Đình Văn - người đàn ông kì lạ này thì cậu lại như một tia sáng bất ngờ lóe xuống, xua tan bóng tối quanh anh.
Sáng ngày hôm ấy, cũng như mọi khi, anh lại lang thang trên từng con phố. Chẳng biết là đang tìm kiếm điều gì, mà cứ thế đi mãi, đi mãi, chẳng có lấy một phương hướng.
Nhưng có lẽ, ông trời đã thương xót nên cho kẻ lạc đường ấy một ngã rẽ khác.
Đó là khi anh nhìn thấy cậu.
Một chàng trai gầy gò, nhỏ bé đứng giữa trời tuyết trắng. Trên tay là người tuyết đang sắp hình thành.
Nếu mùa đông có bông tuyết thì cậu chính là bông tuyết đẹp nhất mà anh từng thấy.
Không cầu kỳ, không khoa trương.
Mặc cho chiếc khẩu trang che hết nửa khuôn mặt đối phương thì trái tim Đình Văn vẫn đập loạn ngay từ lần đầu gặp gỡ.
Đây có lẽ là 'duyên trời định' mà người ta hay nói cũng nên.
***
Hai tháng trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. Mới đó mà đã gần đến mùa xuân.
Trên đường phố cũng nhộn nhịp hơn, đông vui hơn và rực rỡ hơn.
Gần cuối năm nên trông ai nấy cũng vội vã, những chuyến tàu về quê cũng bắt đầu đắt khách trở lại.
Tất cả đều khiến lòng người xốn xang.
"Cậu không về quê ăn Tết à?" Đình Văn tay cầm giẻ lau, tỉ mỉ chùi chiếc bàn ăn nhỏ, không ngước lên mà hỏi BáchTùng.
“Quê tôi ở đây mà, mà dù có xa quê thì tôi cũng sẽ không về ăn Tết đâu.”
Đình Văn lúc này mới ngước lên nhìn cậu, khẽ hỏi: “Sao vậy? ”
“Ba mẹ tôi ly hôn từ khi tôi còn nhỏ, sau đó tôi sống với bà. Nhưng lúc tôi 12 tuổi thì bà cũng mất rồi. Nên giờ mà có về thì về đâu được chứ.”
Giọng Bách Tùng nhẹ nhàng như thể đang kể câu chuyện của người khác chứ không phải của chính cậu.
Rốt cuộc một người phải trải qua những chuyện gì mới có thể kể lại bi kịch của cuộc đời mình theo một cách bình thản như thế?
Đình Văn bỏ giẻ lau xuống, không lau bàn nữa mà bước tới, đặt tay lên vai cậu, nói: “Xin lỗi, lẽ ra tôi không nên hỏi mới phải.”
Đây là lần đầu tiên kể từ khi quen biết Bách Tùng kể cho anh nghe về quá khứ của cậu.
Suốt 2 tháng qua, hai người họ không nói về tiệm mì thì cũng chỉ nói những chuyện vặt vãnh, hoàn toàn không nhắc đến hoàn cảnh của đối phương.
Một người không hỏi, một người không nói.
Thật không ngờ lần đầu tiên nhắc tới lại như vậy.
Bách Tùng chỉ cười, lắc đầu không nói. Một lúc sau, như chợt nhớ ra gì đó, cậu quay sang hỏi người trước mặt nãy giờ vẫn đứng lặng thinh.
“Vậy còn anh thì sao?”
Quá khứ của anh thì sao?
Tại sao lại lang thang trong trời tuyết giá lạnh như vậy?
Một câu hỏi ẩn chứa bao nhiêu thắc mắc của Bách Tùng suốt 2 tháng. Nhưng người ta không nói nên cậu cũng ngại hỏi, thành ra tới giờ vẫn chẳng biết gì.
"Tôi hả? Giờ tôi mà về nhà thì qua cái tết này cậu sẽ chẳng thấy tôi nữa đâu." Đình Văn vừa nói vừa cười nhìn Bách Tùng. Anh cũng chẳng muốn nhớ lại chuyện lúc trước làm gì, nhưng nếu cậu đã hỏi thì tất nhiên anh sẽ trả lời.
“Sao...sao lại vậy? ”
“Bởi vì ba tôi sẽ đánh gãy chân tôi rồi nhốt tôi ở nhà, không cho tôi ra ngoài nữa đâu.”
Bách Tùng im lặng không nói gì. Cậu sợ nếu hỏi thêm sẽ chạm vào vết nứt sâu trong trái tim mà anh luôn cố che giấu.
Sở dĩ có cái suy nghĩ này là vì trước đây cậu cũng như thế.
Lúc ấy khi cậu mới tới đây mở tiệm mì, hàng xóm xung quanh hỏi cậu rất nhiều, cậu cũng trả lời lại hết. Nhưng càng nói thì càng nghẹn ngào, mắt đỏ hết cả lên.
Cậu thật sự rất nhớ ba, nhớ mẹ và người bà tần tảo ấy.
Nhưng lâu dần theo thời gian, Bách Tùng không như vậy nữa. Bởi vì vết thương ấy đã được cậu dán một miếng băng cá nhân rất kĩ rồi.
Nhưng người khác thì không có nghĩa là cũng như vậy.
Như thấy được sự e ngại trong ánh mắt cậu, Đình Văn khẽ cười rồi nói tiếp: “Mẹ tôi mất khi tôi 5 tuổi, rồi khi tôi 8 tuổi thì ba tôi lấy một người phụ nữ khác. Cuộc sống của tôi nếu nói là vất vả, khổ cực thì cũng không đúng. Chỉ là tôi cảm thấy bản thân luôn bị cô lập trong chính căn nhà của mình và chịu sự kiểm soát của ba tôi.”
“Thậm chí ngay cả việc chọn ngành thi đại học tôi cũng phải theo ý ông ấy. Ông ấy muốn tôi trở thành một giáo viên giống mình, muốn tôi có một công việc ổn định nhưng lại chưa từng hỏi tôi có thích nó hay không.”
“Có phải tôi ích kỉ lắm không? Nhưng tôi thật sự không thể chịu nổi nữa. Có lần tôi nói với ông ấy ước mơ của mình, cứ tưởng ông sẽ suy nghĩ lại. Ai ngờ tôi còn chưa nói hết ông ấy đã cho tôi một bạt tay rồi.”
“Ông nói nếu tôi có thể sống được với cái ước mơ vớ vẩn đó của mình thì cút đi. Thế là tối hôm đó tôi đi luôn.”
"Ước mơ của anh là gì?". Bách Tùng chợt hỏi.
Đây dường như là một định nghĩa hoàn toàn xa lạ. Bởi cậu không có ước mơ, cũng chưa từng nghĩ tới. Cái cậu lo chỉ là liệu hôm nay có bị đói hay không thôi.
“Nói ra cậu đừng cười nhé! Thật ra tôi muốn trở thành một nhạc sĩ. ”
"Anh giỏi thật đấy!" Bách Tùng ngước mắt nhìn người đối diện với một sự ngưỡng mộ không hề che giấu. Mắt cậu như chứa sao trời, đẹp một cách kì lạ.
Lớp khẩu trang bên ngoài không thể che đậy thứ ánh sáng lấp lánh ấy.
Đình Văn ngẩn người một lúc lâu mới nói tiếp: "Tôi không giỏi vậy đâu. Dù sao đó cũng chỉ là ước mơ thôi, còn làm được hay không lại là một chuyện khác".
“Vậy...vậy tại sao hôm đó? ”
“Cậu muốn hỏi sao hôm đó tôi lại lang thang như vậy đúng không? ”
Đình Văn nhìn thẳng vào mắt Bách Tùng, nụ cười vẫn đượm chút giễu cợt bản thân, như thể câu chuyện sắp kể không đáng được nói ra.
Bách Tùng khẽ gật đầu, nhưng đôi mắt của cậu không rời khỏi anh. Cậu tò mò, nhưng không phải vì phán xét. Cậu muốn hiểu hơn về người đàn ông kỳ lạ trước mặt, người đã bất ngờ bước vào cuộc đời cậu.
Đình Văn thở ra một hơi rồi mới nói tiếp: "Lúc tôi bỏ nhà đi với hy vọng thực hiện ước mơ, tôi đã mang theo một cây đàn ghi-ta. Cây đàn ấy là quà sinh nhật mẹ tôi tặng, nó theo tôi từ lúc tôi còn nhỏ xíu".
"Lúc đó tôi đem theo nó đi khắp các nơi, từ quảng trường lớn tới những con hẻm nhỏ. Tôi đàn và hát những bản nhạc mình tự sáng tác, tuy không kiếm được bao nhiêu tiền nhưng cũng đủ sống qua ngày".
"Quan trọng là tôi thấy vui thôi. Nhạc tôi sáng tác có người lắng nghe, giọng hát của tôi được người ta thưởng thức".
“Vui lắm! ”
Nhưng có lẽ ở đời không có con đường nào là bằng phẳng mãi.
Chỉ mới 2 tuần sau, không biết từ đâu xuất hiện một đám côn đồ, chúng tẩn cho anh một trận rồi phá nát cây ghi-ta cũ kĩ kia.
Với lí do là nhìn không vừa mắt.
"Hôm đó," tiếp đó giọng anh bỗng trầm xuống như thể đang nhớ lại. “Tôi vừa bị đuổi khỏi căn phòng trọ. Mấy tháng không trả nổi tiền nhà, họ không chờ được nữa. Tôi cũng không trách họ. Cuộc sống này đâu có dễ dàng gì cho ai đâu, phải không?”
Bách Tùng im lặng, không nói gì, chỉ lắng nghe.
"Tôi cũng không có nơi nào để đi. Công việc thì không có, gia đình thì...," anh cười buồn, “nói trắng ra là tôi chẳng còn gì trong tay. Cả ước mơ của mình, tôi cũng không chắc mình có còn giữ nổi.”