Ngồi thất thần một lúc lâu mới có người mở cửa. Người bước vào là một phụ nữ trung niên với mái tóc hoa râm cùng gương mặt phúc hậu. 

Bà cất giọng nhẹ nhàng nói với Bách Tùng: “Ba mẹ con tạm thời có việc nên không thể chăm sóc con được. Con ở lại đây chơi với bà ngoại nhen.”

Kể từ ngày hôm đó, Bách Tùng sống dưới sự chăm sóc chu đáo, ân cần của bà. Và cũng không gặp lại ba mẹ nữa. 

Nói đúng hơn là cậu không gặp ba. Bởi vì mẹ cậu có về một lần sau 6 tháng ròng, nhưng ba thì không. 

Bà ngoại nói họ chỉ là bận rộn công việc quá nên không về thăm cậu được.

Nhưng mỗi tối khi cậu yên giấc, bà đều ở bên cạnh khóc rất lâu. Những lúc ấy cậu đều biết.

Bách Tùng không khóc, cũng không quấy không phải vì cậu không buồn, không nhớ. Chỉ là trước khi đi mẹ cậu có dặn phải ngoan, nghe lời bà thì mẹ sẽ về thăm thường xuyên hơn. 

Với lại biết đâu khi cậu như vậy, ba mẹ sẽ thấy cậu ngoan ngoãn, đáng yêu rồi không bận rộn nữa mà về với cậu thì sao?

***

Vết sẹo trên mặt cậu ngày một đậm hơn. Mặc cho bà ngoại đã chạy chữa khắp nơi nhưng không hiểu sao nó vẫn vậy. 

Có lần vì quá tủi thân, Bách Tùng ôm chặt bà thỏ thẻ: “Bà ơi, có phải vì con xấu xí nên ba mẹ không cần con nữa không? ”

Bà ngoại ôm cậu vào lòng rồi nói: “Không phải, sao lại như thế được. Bách Tùng của bà đáng yêu thế kia mà. Ba mẹ chỉ là bận quá thôi, chờ một thời gian nữa tụi nó sẽ về với con mà.”

Và cậu đã chờ.

Nhưng tới khi cậu 10 tuổi, họ vẫn không về. 

Khi cậu 12 tuổi, bà ngoại qua đời, họ cũng chẳng về. 

Cả ba lẫn mẹ. 

Một cậu nhóc 12 tuổi không người thân, không nơi nương tựa. Cậu phải bỏ học rồi đi làm thêm. Việc gì cậu cũng làm, chỉ cần nằm trong khả năng và có thể kiếm ra tiền thì cậu đều có thể. 

Từ khuân vác, phụ bếp đến quét dọn ở công viên chưa có gì là cậu chưa từng làm.

Số tiền tích góp được 8 năm trời cậu dốc hết tất cả mở một tiệm mì nhỏ trong hẻm sâu. 

Tuy chẳng khá giả và đôi khi tiệm cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng đối với Bách Tùng đây là cuộc sống bình yên mà bao lâu nay cậu mong ước. 

Một mình cũng được. 

Chẳng sao cả. 

Chỉ là đôi khi thấy nhớ mà thôi. 

Cũng chẳng biết đã bao lâu kể từ khi cậu gặp ba mẹ nữa. Chỉ biết giờ đây trong trí nhớ hình dáng của họ đã phai mờ. Cho dù có cố gắng cũng không thể nhớ nổi. 

Tiệm mì nhỏ này là tâm huyết lớn nhất và cũng là duy nhất của cậu. 

Cuộc sống của Bách Tùng chỉ xoay quanh nó. Tưởng chừng như đời cậu sẽ như vậy mà trôi qua, không có biến động. Cho đến khi cậu gặp một gã đàn ông kì lạ. 

Buổi sáng đầu tiên của mùa đông mang theo khí lạnh thổi qua khiến Bách Tùng thoáng rùng mình một cái. 

Cậu mặc một chiếc áo khoác mỏng màu xanh đậm, bên trong là áo thun trắng. 

Tiệm mì hôm đó cũng như mọi khi, lác đác vài người đến rồi đi. Vì là trong hẻm sâu nên hầu hết những người đến ăn đều là hàng xóm xung quanh. 

Tranh thủ lúc vắng khách, Bách Tùng ra ngồi xổm trước cửa nghịch tuyết. 

Cậu nhớ ngày bé bà ngoại từng đắp cho cậu một người tuyết rất lớn, còn rất đẹp. Đó là người tuyết đầu tiên và duy nhất mà cậu thấy đẹp nhất. 

Sau này, khi bà không còn, dù có bận đến đâu thì đến mùa đông cậu đều sẽ tự tay đắp tuyết. Mỗi lần đắp xong hai tay đều đỏ ửng lên, mặt đỏ và mắt cũng đỏ.

Ngay khi người tuyết nhỏ sắp hoàn thành thì trước mặt cậu bỗng xuất hiện một bóng người cao lớn.

Bách Tùng ngước lên, chưa kịp hỏi thì người kia đã cất lời. 

“Cho hỏi, quán cậu có nhận người làm không?”

Quán có nhận người làm không? 

Đây là lần đầu tiên có người hỏi cậu như thế. 

Cái quán nhỏ này mà cũng có người muốn vào làm phục vụ sao? Cũng kì lạ quá rồi.

Bách Tùng đứng dậy, nheo mắt nhìn người trước mặt. Là một người đàn ông trẻ với vẻ ngoài nhếch nhác, quần áo thì xộc xệch, gương mặt thì lấm lem bụi bẩn. Nhưng phải công nhận một điều rằng ngũ quan của anh ta rất đẹp, vẻ xộc xệch bên ngoài không thể che khuất được nét đẹp ấy. 

Người đàn ông cao hơn cậu hẳn một cái đầu nên Bách Tùng phải ngẩng lên cao rồi mới hỏi anh ta với một giọng điệu đầy nghi hoặc, có chút rụt rè: “Anh muốn vào làm hả?”

Người đàn ông gật đầu. 

Bách Tùng nhỏ giọng nói tiếp: “Nhưng anh cũng thấy tiệm tôi rồi đó, đã nhỏ còn nằm trong hẻm sâu nữa thì...”

Không đợi cậu nói hết câu người trước mặt đã chen ngang: “Tôi không cần tiền lương đâu, chỉ cần cậu cho tôi hai bữa ăn trong ngày là được rồi. À mà...tôi dễ ăn lắm, cho tôi ăn phần bán còn dư cũng được.”

“Sẽ không tốn bao nhiêu đâu mà .”

Bách Tùng nhìn người đàn ông trước mặt, lòng cậu thoáng dao động. Ánh mắt ấy, dáng vẻ ấy, làm cậu nhớ về mình của nhiều năm trước, cũng bơ vơ không nơi nương tựa, cũng chỉ muốn tìm một chỗ để dựa dẫm, dù chỉ là tạm thời. Cảm giác đồng cảm ùa về làm cậu không thể từ chối.

"Được thôi. Nếu anh không ngại, thì vào làm đi. Hai bữa ăn tôi sẽ lo cho anh, nhưng không phải đồ thừa đâu," Bách Tùng đáp, khẽ mỉm cười sau lớp khẩu trang, dù người đàn ông không thể thấy.

Người đàn ông trẻ nghe vậy, mắt sáng lên một chút, cúi đầu cám ơn rồi vội vã theo Bách Tùng vào trong tiệm. Cậu chỉ cho anh ta một chiếc ghế nhỏ và bảo ngồi xuống tạm thời, trong lúc đó cậu dọn lại căn bếp, chuẩn bị bữa trưa.

Dù có chút lấm lem bụi bẩn, nhưng từ ánh mắt người đàn ông toát lên vẻ lễ phép, chân thành. Bách Tùng không biết rõ anh ta từ đâu đến, cũng không muốn hỏi quá nhiều. Cậu hiểu rằng ai cũng có những câu chuyện riêng của mình, không phải điều gì cũng có thể nói ra được, nhất là với một người mới gặp. Cậu chỉ mong rằng có thể giúp đỡ anh ta phần nào, giống như năm xưa có người đã giúp đỡ cậu.

Buổi chiều hôm ấy, tiệm mì tuy không đông khách nhưng không khí vẫn thoải mái. Người đàn ông, có vẻ vụng về, loay hoay một lúc lâu với công việc dọn bàn nhưng không hề kêu ca. Bách Tùng im lặng quan sát anh ta từ xa, lòng nhẹ nhõm. Tiệm mì nhỏ này chưa bao giờ có nhân viên, cậu tự tay làm mọi việc, từ nấu nướng đến dọn dẹp. Nhưng có thêm một người, dù vụng về, cũng làm không gian trở nên bớt hiu quạnh hơn.

 

 

 

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play