Tạm biệt mùa thu ấm áp, khí lạnh của ngày đông lại một lần nữa tràn về trên thành phố S. 

Mới đầu đông mà đã lạnh đến kinh người. Những cơn gió bấc thổi qua mang theo cái rét giá lạnh khiến hàm răng ai đó phải đập vào nhau cầm cập mãi không thôi. Cơn mưa phùn từ sáng sớm kéo dài vẫn chưa dứt làm những bông hoa dại ven đường trông cũng chẳng còn sức sống. 

Trên đường lớn cũng vắng người hơn hẳn. Ai nấy đều mặc những chiếc áo khoác dày cộm, mũ len ấm áp và quần áo giữ ấm, quấn mình thành một cục bông tỏa khí nóng. Trông họ chẳng khác gì những người tuyết biết đi trong mùa đông lạnh giá.

Từng con đường, ngõ nhỏ ở thành phố S đều thổi lên khí lạnh khiếp người. Tuy nhiên cũng có nơi ngoại lệ.

Đó là trong một con hẻm nhỏ ít người qua lại. Từ trong con hẻm ấy tỏa ra một luồng khí ấm áp và mang theo một mùi thơm thoang thoảng của thức ăn.

Từ đâu ra thế nhỉ?

À...hóa ra là từ tiệm mì nhỏ cuối hẻm.

Đối với những người xung quanh thì đây là một tiệm mì khá đặc biệt. 

Tiệm tuy nhỏ nhưng lại mang cho người ta cảm giác thoải mái chứ không lụp xụp, bụi bẩn. Trên cửa còn có một bảng hiệu nhỏ màu xanh lá, chữ trên đó được ghi bằng tay rất đẹp: Tiệm mì Bách Tùng.

'Bách Tùng' cũng là tên chủ quán. 

Đây cũng chính là một phần làm cho tiệm mì nhỏ này trở nên đặc biệt với những người xung quanh. 

Bởi vì sao ư?

Vì người chủ quán này là một cậu trai trẻ mới 26 tuổi. 

Lâm Bách Tùng.

Tuy trẻ nhưng tay nghề của cậu thì lại chẳng chê vào đâu được. Những sợi mì cậu làm ra có màu vàng óng ánh, nước súp thì thơm lừng và những món ăn kèm đơn giản mà ngon miệng. 

Tất cả kết hợp tạo ra bát mì thơm ngon, đậm đà giúp tiệm mì nhỏ này duy trì đã được 6 năm. 

6 năm không dài không ngắn, đủ để tất cả hàng xóm xung quanh đều yêu quý, giúp đỡ và coi trọng cái tiệm nhỏ này cũng như người mở nó.

Nhưng điều kì lạ ở chỗ cậu trai trẻ này dù là lúc làm việc hay lúc bình thường cũng đều đeo lên mình chiếc khẩu trang, chưa từng gỡ ra. Sống ở đây 6 năm nhưng những người xung quanh chưa từng thấy mặt mũi cậu ra sao. 

Chỉ thấy được mỗi đôi mắt to tròn, màu nâu hạt dẻ kia thôi. 

Nhiều người nói cậu ngại người lạ, không thích tiếp xúc. Cũng có người nói mặt cậu không đẹp nên mới phải dùng khẩu trang che lại. 

Rất nhiều lời đồn đại. Nhưng sau 6 năm trôi qua cũng chẳng còn ai để ý nữa rồi, bất giác họ coi đây là lẽ đương nhiên, không bàn tới nữa. 

Nhưng điều này vẫn còn là một bí ẩn. 

..…

Lâm Bách Tùng năm nay vừa tròn 26 tuổi. Tuy vậy nhưng cậu lại rất gầy, dáng người cũng nhỏ, chỉ tầm 1m70. Điểm nổi bật duy nhất chính là làn da trắng sáng và đôi mắt màu hạt dẻ.

Hàng xóm xung quanh đều nói cậu có quá nhiều bí mật, là một con người bí ẩn. Sở dĩ có những lời như vậy đều là từ thói quen luôn đeo khẩu trang của cậu thôi. 

Nhưng thật ra cũng chẳng phải là bí mật gì. Chỉ là cậu sợ, sợ khi tháo lớp che đậy thì thứ xấu xí trên mặt sẽ làm mọi người hoảng sợ, sẽ không ai dám tới gần cậu nữa. 

Bởi trên mặt Bách Tùng có một vết sẹo rất lớn. Nó trải dài từ gò má trái tới tận khóe miệng, còn rất sâu. 

Thật xấu xí. 

Nếu như gò má bên kia cũng có vết sẹo như vậy thì chắc mỗi mùa Halloween cậu không cần phải hóa trang cũng có thể dọa cho lũ trẻ khóc thét. 

Hơn nữa bây giờ cậu còn đang mở quán ăn thì không thể để khách hàng của mình nhìn thấy bộ mặt này được. Họ sẽ không còn khẩu vị mất. 

Bách Tùng từ nhỏ đã luôn nhút nhát, ít nói, sau này lớn lên thì cũng chỉ hơn chứ không bớt. Điều này không phải do bản năng, không phải sinh ra đã vậy mà là do ảnh hưởng từ gia đình. Nơi mà cậu từng tự hào và dõng dạc nói với đám bạn mình rằng cậu có một mái ấm hạnh phúc nhất. 

Ngày bé, cậu có một gia đình nhỏ, có cha, có mẹ. Họ đều rất thương yêu, cưng chiều và còn thường gọi cậu với biệt danh là 'bé cưng' nữa.

Nhưng đáng tiếc, hạnh phúc thì ngắn mà bất hạnh lại đến quá nhanh.

Đến khi cậu 7 tuổi thì cha thất nghiệp rồi bắt đầu nghiện rượu. Ngày nào ông cũng đi uống, uống rất nhiều, tới tận tối muộn mới trở về nhà trong bộ dạng say xỉn.

Những lúc như vậy cha mẹ cậu sẽ cãi nhau một trận rất lớn. Mặc cho cậu có ở bên cạnh khóc lóc, la hét thì cũng chẳng thay đổi được gì. 

Hàng xóm xung quanh mới đầu còn qua can ngăn nhưng lâu dần điều này cũng trở nên bình thường trong mắt họ. Còn gia đình cậu thì ngày một tan nát. 

Cho đến ngày kia, Bách Tùng không nghe tiếng cha cậu cãi lại nữa, bước tới gần thì thấy trên tay ông cầm một mẩu thủy tinh nhkhắt, dưới chân là những mảnh vỡ của bình hoa không rõ từ đâu ra. 

Ông hét lớn: " Nếu ngày đó tôi không cãi cha cãi mẹ mình để lấy cô thì cuộc đời tôi sẽ không như bây giờ!!!".

“Mẹ nó, tôi thà chết quách đi cho rồi còn hơn phải sống cuộc đời như vậy! ”

Vừa dứt lời, mẩu thủy tinh cứa vào cổ ông khiến nó bắt đầu rỉ máu. Nhưng chưa đầy một giây đã có một bóng dáng nhỏ bé bất chợt lao đến xô ông ngã xuống, còn mẩu thủy tinh thì không biết cứa vào thứ gì mà trước mắt chỉ thấy một màu đỏ của máu văng tung tóe. 

Bách Tùng dần mất đi ý thức, trước khi ngất đi trước mắt cậu chỉ thấy máu, rất nhiều máu hình như đều từ cậu mà ra. Sau đó nghe tiếng khóc của mẹ và tiếng còi xe cấp cứu rồi dần chìm vào giấc ngủ. 

Bách Tùng tỉnh lại trong căn phòng xa lạ, đầu óc mơ hồ, mọi thứ dường như trở nên lạ lẫm. Trần nhà cũ kĩ thậm chí còn xuất hiện những vết úa vàng của thời gian, ánh sáng yếu ớt từ ngọn đèn không làm ấm lên được sự lạnh lẽo xung quanh. Cậu không hiểu chuyện gì đã xảy ra, chỉ cảm nhận được cái đau nhói trên mặt mình và cảm giác mất mát không nói thành lời. Đưa tay sờ lên gương mặt, Bách Tùng chạm phải lớp băng bó dày cộm, một sự thật tàn nhẫn chợt ùa về.

Vết sẹo. Một vết sẹo khắc sâu vào không chỉ gương mặt, mà còn cả trái tim non nớt của cậu.

Ngày hôm ấy đã thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi. Gia đình vốn đã chao đảo giờ càng rơi vào đổ vỡ. Sau sự việc đau lòng đó, cha cậu không từ mà biệt, bỏ đi đến nào cũng chẳng ai hay, mẹ cậu cũng không thể đối mặt với thực tại. Họ dần xa cách, như những mảnh vỡ không thể hàn gắn lại. Còn Bách Tùng, từ một cậu bé ngây thơ, đã phải trưởng thành quá sớm, chẳng còn sự vô tư hay những tiếng nói cười hồn nhiên nữa.

 

 

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play