Tuế Tuế Bình An

Chương 3


1 tháng

trướctiếp

Người ngoài đều đi cả rồi, Đồng Tuệ thay lại bộ quần áo cũ, ra ngoài giúp thu dọn bát đũa.

Em trai Đồng Thiện cũng theo giúp đỡ, gấp gáp chia sẻ tin tức: "Tỷ, tỷ phu là người đẹp trai nhất mà đệ từng gặp, người lại cao lớn, đệ gả sang đó nhất định là không thiệt!"

Đồng Tuệ chồng số bát trên mặt bàn lên nhau, nhắc nhở: "Còn chưa phải là tỷ phu đâu, đừng gọi bừa, người ngoài nghe xong lại cười cho."

Lúc này, rèm cửa được đẩy lên, Đồng Quý bê chỗ rượu và trà quả lúc nãy được bày ở bên ngoài vào nhà, liếc mắt thấy khuôn mặt ửng đỏ của em gái, cười nói: "A Mãn đừng lo lắng, hôm nay gặp người nhà họ Tiêu, xóm giềng chung quanh đều ngợi khen, hâm mộ còn không hết ấy chứ, tuyệt đối sẽ không chê cười muội."

Mặt Đồng Tuệ càng đỏ hơn, trừng mắt với huynh trưởng, rồi bê một chồng bát đi vào trong bếp.

Đồng Thiện một tay cầm nắm đũa đuổi theo: "Tỷ, ông cụ Tiêu hỏi đệ có muốn học võ không, nếu muốn có thể chuyển tới nhà họ Tiêu ở, ông ấy nói ở nhà cũng nhận rất nhiều đám trẻ ở quanh đó dạy võ nghệ, đao thương côn bổng gì ông ấy đều biết."

Đồng Tuệ sửng sốt, nhìn em trai mới mười hai tuổi, lại nhìn sang phía mẹ đang ngồi khom lưng rửa bát.

Chu Thanh cũng không ngẩng đầu lên: "Người ta nói lời khách sáo mà thôi, con đừng có tin là thật, lo ở nhà chăm chỉ đọc sách cho mẹ, bớt nghĩ mấy chuyện lung tung này đi."

Đồng Thiện: "Đọc sách mới vô dụng, Tống tiên sinh đậu tiến sĩ đó thôi mà cũng phải chuyển tới ngọn núi này, tập võ tốt xấu cũng có thể bảo vệ người nhà."

Vẻ mặt Chu Thanh bình thản: "Thời thế không thể nào loạn lạc mãi được, chắc chắn sẽ có lúc thái bình, khó được gặp được bậc đại tài như Tống tiên sinh, con phải biết quý trọng. Muốn học võ, cha con anh con đều có thể dạy con bắn tên."

Đồng Quý vỗ vòm ngực rộng của mình, khuyên em trai: "Đúng vậy, sức lực này của ta không hề thua kém nam nhi nhà họ Tiêu, đệ ở nhà một là có thể đọc sách có thể học võ, hai là cũng không chậm trễ, nếu như chuyển qua bên kia, sẽ phải ăn nhờ ở đậu, bó tay bó chân."

Đồng Thiện rốt cuộc cũng bị thuyết phục, nhưng vẫn có chút mất mát, chạy tới vườn sau xem sơn dương và ngỗng béo.

Chu Thanh nhìn về phía cháu trai: "Việc trong nhà cũng không cần cháu giúp đâu, cháu qua giúp chú cháu quét sân đi."

Đồng Quý cầm cây chổi rồi ra ngoài.

Lúc này Chu Thanh mới nhìn sang phía con gái, ánh mắt hiện ý cười, là niềm vui từ tận đáy lòng: "Nói thật, trước kia mẹ cũng lo bà mối Phương lừa chúng ta, lần này chính mắt thấy người, cuối cùng mẹ cũng có thể yên lòng gả con đi. Tuy rằng cậu Tiêu Chẩn này mặt lạnh kiệm lời, nhưng nhìn cũng đứng đắn, không phải loại người thô tục lỗ mãng."

Đồng Tuệ bỗng dưng thấy trong lòng chua xót, ôm lấy mẫu thân nói: "Quá xa, con không nỡ."

Từ nhỏ đến lớn, nếu nàng không ở Đào Hoa Câu thì ở trong núi, chưa bao giờ tới địa phương khác.

Đồng Tuệ biết mình sớm muộn gì cũng phải gả ra ngoài, lúc trước khi định việc hôn nhân còn cảm thấy lúc ấy còn xa, giờ đã định ra ngày tổ chức hôn lễ, chỉ còn nửa tháng, Đồng Tuệ chợt thấy thời gian quá cấp bách, nỗi buồn phải xa nhà cùng với nỗi bất an khi phải chuyển tới nhà chồng xa lạ làm cho nàng cảm thấy rối bời sợ hãi.

Chu Thanh dịu dàng vỗ vỗ vai con gái: "Không sao đâu, nhớ nhà thì trở về thăm, nhà họ Tiêu còn có hai con la không phải đi bộ, về thăm nhà cũng tiện hơn."

Đồng Tuệ lau khóe mắt, tò mò hỏi: "Hai con la đó đều là của nhà họ sao?"

Nàng còn tưởng rằng mượn tạm ở đâu đó.

Chu Thanh lại tiếp tục bận rộn, vừa rửa mâm vừa giải thích: "Đúng vậy, trước đây mấy chú cháu Tiêu Chẩn đều phải sung quân, chiến sự kết thúc, triều đình chậm chạp không phát quân lương, bốn chú cháu họ mới lĩnh hai con chiến mã coi như bồi thường, sau khi về nhà lại đổi chiến mã thành con la, số ngân lượng chênh lệch mang ra đặt mua đồ gia dụng và sửa nhà. Tóm lại cuộc sống ở nhà họ Tiêu cũng khá sung túc, nhưng cũng không giàu có như người khác nghĩ, bữa nào cũng ăn thịt thì chắc chắn là không có."

Triều đình thối nát, lúc cưỡng ép trưng binh còn phát cho mỗi người ba lượng nhằm an ủi gia đình, sau này người chết trận ngay cả cái quan tài cũng không có, thất tín thất đức, sớm muộn gì cũng sẽ vong.

Đồng Tuệ đã hiểu, nàng cũng không có hy vọng xa vời làm thiếu phu nhân nhà giàu, chỉ cần ăn no mặc ấm là được.

Trong nhà ngoài sân đều được thu dọn xong xuôi, cả nhà năm người ngồi trong căn buồng phía Đông, cùng nhau ngắm nghía tấm da hươu kia.

Đồng Hữu Dư: "Là món đồ tốt, phàm là thứ gì tốt đều khiến cho kẻ xấu nhòm ngó, không nên giữ ở trong nhà."

Đồng Quý: "Lúc A Mãn xuất giá thì mang theo, mùa đông dùng làm chăn, cũng ấm áp."

Chu Thanh: "Nghĩ cũng hay đấy, nhà họ Tiêu vẫn còn ông cụ, lại thêm bà thím hai có lòng tham, ông cụ Tiêu là người hào phóng, nhưng A Mãn là bậc con cháu, nếu thực sự mang theo, có thứ tốt sao có thể không mang hiếu kính trưởng bối tuổi cao, cho dù ông cụ không nhận, nhưng bà thím hai kia cũng sẽ nghĩ cách đòi lấy. A Mãn phải chịu ấm ức, mà cũng chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt."

Đồng Tuệ: "Con không mang theo đâu, cha không chịu được lạnh, giữ lại để cha dùng đi."

Đồng Hữu Dư: "Cha có tấm đệm da thỏ rồi, không cần đâu. Như vậy đi, cha và A Quý vào thành một chuyến, đổi tấm da này thành bạc, mua thêm mấy món hồi môn cho con, số bạc còn lại con mang theo, tốt xấu gì cũng có chút tiền riêng để phòng thân."

Quyết định như vậy, ngày hôm sau Đồng Hữu Dư vào trong thôn mượn hai con la, còn cố ý gióng trống khua chiêng, để người dân trong thôn đều biết hai chú cháu họ sẽ lên thị trấn bán da hươu.

"Da hươu là thứ quý hiếm, có thể bán được mười mấy lượng bạc ấy nhỉ? Nhà mấy người phát tài rồi."

"Cho dù giá có giảm đi, cũng phải bán được mười lượng, tôi sẽ đi khám lang trung, lại mua thêm cho A Mãn bộ hòm xiểng, lúc chuyển đi cũng tiện."

"... Mọi người đối tốt với A Mãn thật đấy."

Xua được đám dân thôn đi, hai chú cháu trèo lên hai con la vung roi lên đường.

Đồng Tuệ bất an chờ ở nhà, chiến loạn mới kết thúc không bao lâu, người thành thật sẽ quay về trồng trọt, nhưng vẫn có không ít người vẫn tiếp tục hành nghề cướp bóc. Nàng lo lắng cha huynh trên đường gặp phải cướp.

Thị trấn cách nhà khá xa, khi nhá nhem tối hai chú cháu họ mới về đến nhà, hai người đều đeo cung thợ săn trên lưng, thân thể cường tráng, trên đường đi về cũng coi như không gặp nguy hiểm gì.

Trong thôn có người tâm tư khó dò vẫn luôn lượn lờ ở đầu thôn chờ, thấy Đồng Hữu Dư tay xách theo mấy gói giấy, Đồng Quý ôm trong lòng hai cuộn vải bông, hai con la thì chở theo hai rương gỗ mới tinh, mới tin rằng nhà họ Đồng thực sự đi bán tấm da hươu mua hết đồ khác rồi, chỉ có thể mang tâm tình phức tạp ra về.

"Phụ thân, nhị ca!" Đồng Tuệ vui vẻ đón hai người vào nhà.

Đồng Quý dỡ đồ xuống, rồi dắt hai con la đi trả. Đồng Hữu Dư ngồi cạnh một rương gỗ, vừa lau mồ hôi vừa cười nhìn con gái: "Mua cho con hai cái rương lớn, mang theo rồi đặt ở chỗ đầu giường sưởi ấy, cất quần áo chăn màn đều tiện, mà còn có khóa, tiền riêng của con có thể giấu bên trong."

Đồng Tuệ thấy sống mũi cay cay: "Gia cảnh nhà họ tốt như vậy, mấy thứ này có khi cũng có, cha giữ lại bạc để chăm sóc sức khỏe cho tốt."

Đồng Hữu Dư: "Sức khỏe của cha nào có vấn đề gì, con mang thêm chút hồi môn, sống trong nhà chồng cũng có thể ngẩng cao đầu hơn một chút."

Cha và con gái còn đang nói chuyện, Đồng Thiện đã từ trường học trở về, Đồng Hữu Dư cười đưa mấy gói giấy cho con gái: "Mấy món điểm tâm trong thành, con cầm ăn đi, cũng chia cho mẹ con nữa, bà ấy thích ăn món này."

Giờ Đồng Tuệ mới biết, phụ thân không tiêu lấy một văn tiền cho mình.

Nửa tháng chớp mắt mà qua, chẳng mấy chốc đã đến mùng bốn tháng ba.

Lần trước là dạm ngõ, có thể tổ chức qua loa, lần này con gái xuất giá, nhà họ Đồng chuẩn bị mấy bàn bàn tiệc chiêu đãi những người hàng xóm có quan hệ tốt trong thôn, cả nhà ông ngoại Đồng Tuệ cũng từ trên huyện thành tới trước một ngày.

Người dân trong thôn tặng quà là đồ thêu, có vỏ gối đỏ thẫm, có khăn có vớ có giày, còn có người tặng cây lược gỗ, trâm gỗ, chậu gỗ, thứ gì cũng có chất thành một đống nhỏ.

Ông ngoại Chu Cảnh Xuân là một lão lang trung, cũng có chút của cải, tặng cho cháu ngoại một vòng ngọc trơn bóng sáng trong, ngàn căn vạn dặn: "Trừ phi thực sự thái bình, bằng không đừng có đeo ra ngoài, biết người biết mặt không biết lòng đâu con."

Đồng Tuệ biết rõ đạo lý không nên khoe khoang, cười cảm ơn ông ngoại.

Mợ tặng cho một hộp son nước, hộp son còn có một mặt gương trang điểm soi rất rõ: "Nghe nói nhà họ Tiêu không cần nàng dâu ra đồng làm việc, vậy nên con cũng phải biết chăm chút bản thân một chút, tươi tắn xinh đẹp để cho người ta thích."

Người ta đương nhiên là chỉ Tiêu Chẩn. Đồng Tuệ bị mợ trêu đỏ mặt.

Biểu ca tặng một bộ văn phòng tứ bảo*: "Mặc dù nhà chúng ta không phải người đọc sách, nhưng bình thường cũng có lúc cần viết gì đó, trong phòng có sẽ không cần đi mượn."

*Bao gồm mực, giấy, bút, nghiên.

Là một phần quà không ngờ tới nhưng lại rất thực dụng.

Biểu muội tặng một bộ đồ mùa hè bằng lụa. Đồng Tuệ rất thích, nhưng vẫn nhẹ nhàng chối từ: "Bọn tỷ sống dưới thôn không mặc được mấy thứ này, muội vẫn nên giữ lại để mình mặc đi."

Biểu muội mới mười lăm tuổi cười tươi rói: "Muội tìm thợ thêu may theo kích thước của tỷ rồi, muội cũng chẳng cao gầy như tỷ, giữ lại cũng đâu mặc được."

Đồng Tuệ bất đắc dĩ mà xoa đầu cô bé.

Một ngày náo nhiệt lại bận rộn trang hoàng nhà cửa nhoáng cái mà qua, chẳng mấy trời đã sập tối. Chu Thanh đợi trong phòng con gái thật lâu, trước đó bà đã lấy từ tay áo ra một một bình hồ lô gỗ chỉ nhỏ cỡ bàn tay, trông giống đồ chơi trẻ con.

"Đây là đồ giấu đáy hòm, con xem là biết lúc viên phòng có chuyện gì xảy ra ."

Thấy con gái vẫn còn ngơ ngác, Chu Thanh cười rồi ra ngoài, còn không quên đóng cửa lại. Đồng Tuệ vẫn còn cầm chiếc hồ lô trong tay, sửng sốt một lát, nàng quỳ gối chỗ đầu giường rồi đưa tay cài then cửa, nghiên cứu chiếc hồ lô.

Thử mấy lần, cái hồ lô chia làm hai phần lớn nhỏ, tháo cái nắp ra, bên trong giấu hai người sứ nhỏ trông rất sống động.

Đồng Tuệ cúi đầu nhìn kỹ...

Đêm đó nàng mất ngủ.

Gió xuân mơn man thổi, bầu trời quang đãng, nhà họ Đồng bị hàng xóm chung quanh vây đầy.

Đội ngũ đón dâu đến đúng giờ lành, chú rể Tiêu Chẩn cưỡi một con la đen đi đầu, ba người em trai đi theo sau, tất cả đều cưỡi la.

Theo sau nữa là bốn người đàn ông cường tráng khiêng kiệu hoa đỏ thẫm, bà mối Phương và hai người thổi kèn đi bên cạnh.

"Sao mấy anh em nhà này đều tuấn tú như vậy, tôi đang không biết nên nhìn ai đây này."

"Tôi thích cái cậu trông trẻ nhất kia, mấy người lớn hơn đều tỏa ra sát khí, có hơi hung dữ."

"Đó là vì ba người anh đều đã ra chiến trường, cậu em út còn chưa phải tòng quân."

Mấy anh em nhà họ Tiêu đã từng ra chiến trường cũng không ngại gì chuyện bị nhiều người vây xem như vậy, đi đến trước cửa nhà họ Đồng, đều nhất tề xuống la.

Nhà họ Đồng dự tính chuẩn bị ba cửa để thử thách chú rể, Đồng Hữu Dư phụ trách phần cung tiễn, Đồng Quý phụ trách vật tay, còn cậu em vợ Đồng Thiện phụ trách phần thi văn.

Tiêu Chẩn là người tập võ, hai cửa đầu dễ dàng thông qua.

Chỉ còn cửa ải của Đồng Thiện, cậu chàng mười hai tuổi bị mọi người nhìn thì đỏ mặt, tầm mắt đảo quanh, bỗng nhiên nhìn thấy Tống Tri Thời trong đám người.

Tống Tri Thời tỏ ý cổ vũ.

Đồng Thiện nhớ lại Tống đại ca đã chỉ, ngửa đầu cười nói với Tiêu Chẩn: "Đệ đọc một câu trong Kinh Thi, huynh có thể đọc tiếp câu sau, sẽ tính là qua cửa."

Chu Thanh biến sắc, sao lại biến thành đối thơ rồi, rõ ràng mình đã dặn ông con là ra câu đố đèn đơn giản thôi!

Ba anh em Tiêu Dã đứng sau lưng Tiêu Chẩn mang vẻ mặt khác nhau, có người nghi hoặc, có người nhíu mày, còn có người cười ngây ngô.

Tiêu Chẩn nhìn theo tầm mắt vừa rồi của cậu em vợ, phát hiện thư sinh họ Tống đã từng gặp lần trước kia có vẻ mặt khác thường, trong lòng đã hiểu, nói với Đồng Thiện: "Ta cũng không đọc nhiều sách, tạm thời thử một lần, ngộ nhỡ không đáp được, có thể nhờ hiền đệ đổi sang đề khác không?"

Đồng Thiện cảm thấy anh rể mặt lạnh này còn rất ôn hòa, nghĩ một lát, bèn đổi ý: "Chúng ta đoán đố đèn thì sao?"

Tuy rằng Tống đại ca nói hai câu trong Kinh Thi là thơ hay chúc mừng tân hôn, nhưng mà thể diện của anh rể vẫn quan trọng hơn.

Tiêu Chẩn cười nói: "Cứ đối thơ trước đi, thua lại đoán đố đèn."

Đồng Thiện không biết anh rể tự tin hay là rộng lượng nên phối hợp ho khan một tiếng, đọc: "Nghi ngôn ẩm tửu, dữ tử giai lão*."

*Trích trong Nữ viết kê minh 2 thuộc Kinh Thi của Khổng Tử, Bản dịch của Tạ Quang Phát: Bữa ăn uống rượu cho say, Hẹn nhau chung sống đến ngày tóc sương.

Dân trong thôn không biết chữ: ...

Tiêu Chẩn xoa đầu em vợ, giọng không cao không thấp: "Cầm sắt tại ngự, mạc bất tĩnh hảo*."

*Bản dịch của Tạ Quang Phát: Hầu buổi tiệc du dương cầm sắt, Thì an vui tương đắc hợp hoà.

Mắt Đồng Thiện sáng lên, tăng thêm một phần kính nể với ông anh rể này.

Ba cửa đã qua, đám người chú rể chính thức vào cửa, bắt đầu ăn tiệc. Ăn uống no đủ, bà mối Phương đỡ tân nương tử ra, cùng chú rể bái biệt phụ mẫu.

Đồng Tuệ qua tấm khăn trùm, chỉ nhìn thấy vạt áo và hai chân của cha mẹ, nước mắt không ngăn được cứ tí tách rơi, dù đã cố nén, nhưng bả vai run run hay làm cho mọi người biết tân nương đang khóc.

Chu Thanh quay đầu đi, cố nén nước mắt, nói với con rể mới gặp mặt lần hai: "Thế đạo gian nan, A Mãn nhà chúng ta coi như tốt số, tạm thời còn gặp phải chuyện đau khổ gì, hiện giờ lại gả cho lang quân có dũng có mưu như con, nhà chúng ta cũng không còn mong muốn gì hơn, chỉ mong con đối xử tốt với con bé, bất luận là gặp phải chuyện gì cũng phải mang theo con bé, đừng bỏ lại nó."

Tiêu Chẩn nhìn thê tử mới cưới bên cạnh, cúi người dập đầu, cam đoan: "Nhạc phụ nhạc mẫu yên tâm, chỉ cần Tiêu Chẩn con có cơm ăn, tất sẽ không để cho A Mãn bị đói, chỉ cần con còn một hơi thở, nhất định sẽ liều mạng bảo vệ A Mãn chu toàn."

Chu Thanh tức thì không ngăn được nước mắt.

Vành mắt Đồng Hữu Dư cũng đỏ bừng: "Được, được, chúng ta tin con!"

Bái biệt cha mẹ, bà mối Phương nâng tân nương vẫn đang nghẹn ngào dậy, để Đồng Quý cõng nàng lên kiệu hoa.

Từ trong phòng tới ngoài sân, nước mắt Đồng Tuệ đã làm ướt vạt áo sau gáy huynh trưởng.

Đồng Quý thấp giọng dỗ em gái: "Nhị ca còn phải đi cùng muội tới nhà họ Tiêu ăn tiệc, ướt thành thế này, người ta còn tưởng rằng huynh đổ nhiều mồ hôi."

Đồng Tuệ tức thì bật cười.

Đồng Quý tiếp tục đi tới hướng kiệu hoa: "Thế này mới đúng chứ, muội tới nhà chồng để sống những ngày lành, có gì mà phải khóc, nếu như gặp chuyện ấm ức gì, chạy về tìm huynh, nhị ca không sợ bọn họ, cam đoan lấy lại công bằng cho muội."

Đồng Tuệ: "Đừng nói nữa, nhị ca còn nói nữa muội lại muốn khóc."

Đồng Quý vội vàng ngậm miệng, chậm rãi nhét em gái mình vào kiệu hoa.

Khi mành kiệu buông xuống, Đồng Tuệ không nhịn được nâng khăn trùm đầu lên, nhìn thấy huynh trưởng gần trong gang tấc chưa rời khỏi kiệu hoa, cũng thấy được cha và mẹ sóng vai đứng trước cửa nhà, còn thấy cả em trai được mẹ ôm trước người.

Nước mắt đong đầy hốc mắt lại rơi xuống, như nước vỡ đê mà chảy.

Mà một màn này, đúng lúc bị em họ Tiêu Diên đứng bên cạnh chú rể Tiêu Chẩn tình cờ nhìn sang thấy được.

"Được rồi được rồi, nên xuất phát rồi, đừng chậm trễ giờ lành!"

Bị bà mối Phương kéo, mành kiệu đỏ thẫm hạ xuống, chặn tầm mắt đẫm lệ của tân nương, cũng chặn ánh mắt mang nhiều cảm xúc khác nhau của mọi người ngoài kiệu.

Hết chương 3.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp