Tối đó ở trong lều, tôi ngủ ngon vô cùng.
Rất lâu về trước, đêm đầu tiên khi tôi vào khu không người, đều hưng phấn không ngủ được, nghĩ lát nữa mệt rồi, kiểu gì cũng chìm vào giấc ngủ, nhưng trên thực tế, đêm đầu tiên vào khu không người, thường sẽ là cơ hội cuối cùng có được giấc ngủ hoàn hảo của tôi trong thời gian này. Cho nên bây giờ tôi đã khôn ra rồi, đêm nay, tôi nhất định phải tập trung tinh thần mà ngủ.
Hôm sau thức dậy, thì thấy Kim Vạn Đường đang lôi hai cái túi ngủ to đùng, đang dùng điện thoại vệ tinh, không ngừng đổi kênh.
Không ai trả lời lão, nói thế nào cũng có vẻ không lành. Sắc mặt lão cuối cùng cũng bắt đầu khó coi.
Lập tức xuất phát, đến hơn 4 giờ chiều ngày thứ hai, chúng tôi đến được trạm du mục đầu tiên – thực ra chỉ là khu vực tập trung mười mấy túp lều lớn, bèn bỏ xe đổi sang ngựa, ngựa Mông Cổ thấp lùn, rất đụt, con của tôi tên Mạnh Hòa, nghĩa là vĩnh viễn, Mạnh Hòa là một con huyết câu, nghe nói là ngựa mẹ sinh anh nó xong, mười ngày sau mới sinh ra thai thứ hai, nên được gọi là huyết câu.
Trong trạm toàn là người già, có bốn năm người nói được tiếng Hán trọ trẹ, còn có người nói được tiếng Anh và tiếng Nga. Mỗi lần gặp tình cảnh này, tôi lại nhớ đến việc mình thi rớt tiếng Tây Ban Nha cấp 6, mấy thứ ngoại ngữ này vốn không phải chỉ dựa vào tài nguyên giáo dục, chủ yếu là nhờ thiên phú. Cho nên cuối cùng cũng không thể đến thành phố của Gaudi(1).
Nghe ông già du mục nói, gần đây tất cả hướng dẫn viên du lịch đều kín lịch, cũng chẳng biết có phải rất nhiều du khách đến không. Đông hơn trước nhiều, đã không còn hướng dẫn viên nào để thuê nữa. Ông ta phải chăn dê nên không thể giúp chúng tôi. Nhưng ông ta có thể cho chúng tôi mượn chó, còn đắc hơn người, nhưng thông minh hơn người, tên là Bankhar, ý là “mặt bẹt”. Gặp nguy hiểm, Bankar có thể đến trạm du mục gần nhất cầu cứu, dẫn người tới.
Tôi nhìn Kim Vạn Đường, hỏi chẳng phải lão từng đến đây sao, thế thì làm hướng dẫn viên được rồi, chó cứu mạng đưa ông đi, hoàn hảo. Kim Vạn Đường nói, anh hai à, lúc tôi đến là có hướng dẫn viên, nơi này đến một lần và đến một trăm lần cũng chẳng có gì khác nhau cả, hoàn toàn không tìm được hướng bắc, nhưng lão có thể dùng GPS để đưa chúng tôi đến rừng cây lão phát hiện thi thể trước.
Cả đêm im ắng, nghỉ ngơi ở trạm du mục một đêm, trưa hôm sau, bốn người một chó đến rừng cây nhỏ kia.
Nhìn từ xa xa, đây chỉ là một rừng cây nhỏ không mấy bắt mắt, cực kỳ bình thường trên thảo nguyên Mông Cổ, trên thảo nguyên thường có những rừng cây đột ngột xuất hiện như thế. Rừng nào rừng nấy đều từa tựa nhau, thực ra loại rừng này xuất hiện cũng có nghĩa chúng tôi lại cao hơn so với mực nước biển nữa rồi, đi tới nữa, chênh lệch sẽ càng lớn, thậm chí xuất hiện núi cao.
Trên thảo nguyên nhìn ra vô tận xuất hiện những cây cối thế này, thật ra sẽ khiến khung cảnh trở nên sinh động, chúng tôi cưỡi ngựa đi vào cũng không cần xuống ngựa, rừng không quá rậm rạp, bụi cây bên trong cũng rất thưa thớt, khoảng cách giữa cây và cây rất rộng.
Tôi vẫn luôn chú ý đến vẻ mặt của Kim Vạn Đường, xem lão có từng đến đây chưa, con người dù có thể che giấu một lúc, cũng không thể che giấu suốt quãng đường, nhưng tôi phát hiện, Kim Vạn Đường đích thực đã từng đến đây. Trên mặt lão là biểu cảm dạo lại chốn xưa.
Trong rừng ánh nắng thoắt cái trở nên ảm đạm, nhiệt độ hạ xuống, hết sức âm u. Tên mặt đất có có rất nhiều nước đọng, giống như cái biển nho nhỏ. Ngựa đi trong này, giống như đi trong đầm lầy ẩm ướt vậy. Ảnh ngược rất rõ ràng.
Thậm chí cái hố lão đào khi ấy vẫn còn một đống đất khô, bên cạnh rác ngổn ngang, chắc đều do lão để lại. Tôi hơi bất ngờ, cái hố này sâu hơn tôi nghĩ nhiều. Sâu khoảng bốn mét, đường kính sáu bảy mét, bên trong còn có nước đọng.
Tôi nhéo cánh tay Kim Vạn Đường, hàm lượng cơ bắp không cao, hơi rúm ró. Có lúc bạn biết được hàm lượng cơ bắp của người ta, sẽ đại khái đoán được họ có thể dùng bao nhiêu sức lực, với thể lực của Kim Vạn Đường, đào hố một ngày, ngày hôm sau sẽ không dậy nổi, toàn thân rã rời, ba ngày sau mới miễn cưỡng trở mình được. Nếu không đủ dinh dưỡng, thì lặp đi lặp lại đến lần thứ ba, sẽ bắt đầu lên cơn sốt, đồng thời lão phải bổ sung protein mỗi ngày, không thì cơ bắp sẽ nhanh chóng teo rút.
Kim Vạn Đường chắc chắn không đào nổi hố sâu như vậy, lão đến đây cùng người khác. Nhưng có lẽ là hướng dẫn viên. Tôi không hỏi kỹ.
Lúc này Bàn Tử theo qua, vỗ vỗ tôi, bảo tôi nhìn sang một bên, tôi quay đầu lại, thấy Muộn Du Bình đang ngắm con Bankhar, Mặt Bẹt đang ở cách đây khoảng mười mấy mét, không ngừng đào bới.
Con chó này cũng không sủa, chỉ đào liên tục. Tôi và Bàn Tử nhìn nhau, rút cái xẻng trong ba lô ra, xông đến bắt đầu đào phụ con chó.
Thể lực của hai chúng tôi tốt vô cùng, chẳng mấy chốc Bàn Tử đã cắm vào một khối mềm, hình như là một mớ vải, mấy người đào hết đất xung quanh thứ đó, thì phát hiện đó là một người. Không, một cái xác.
Không phải hài cốt, là một cái xác người hiện đại, còn mặc áo gió, tôi phủi sạch thi thể, thì thấy đây là một người đàn ông trung niên hơn 60 tuổi, đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy. Gương mặt ấy vừa lộ ra, Kim Vạn Đường đã ngồi phịch xuống đất.
Chúng tôi lôi xác chết lên, thì thấy xác chết ôm chặt một bình sứ. Gương mặt có biểu cảm hết sức kỳ quái.
Biểu cảm này chính là, khi ông ta chết, hoàn toàn không ý thức được mình sắp chết, nhưng ông ta chết trong nháy mắt, cho nên vẫn chưa bày xong vẻ mặt. Trông như vừa định tiếp lời người khác.
Kéo ra rồi, thì phát hiện bên dưới còn chôn thứ khác, chúng tôi đào ước chừng hơn một giờ, đào ra ba cái xác. Đều trong tình trạng như vậy.
Trên mỗi cái xác đều mang theo rất nhiều đồ sứ, kiểm tra thì không có ngoại thương rõ ràng, Muộn Du Bình cũng dùng ngón tay sờ thử một lượt, không có gãy xương hay tổn thương nội tạng chí mạng, mặt Kim Vạn Đường trắng bệch, tôi hỏi lão sao vậy, sao nãy giờ cứ muốn nói lại thôi.
Lão lắp bắp: “Đây… đây… là số 16, đội của Lưu Ly Tôn. Sao lại bị chôn ở đây.”
Tôi gỡ tay người đàn ông trung niên, lấy đồ sứ ra, kiểm tra đại khái. Thứ này nhìn qua thì vô cùng kỳ quái, nhưng trực giác của tôi và câu chuyện của Kim Vạn Đường trước đó, khiến tôi lập tức nhận ra, đây là một món sứ Thanh Hoa.
Tôi lật lại xem lạc khoản dưới đáy, vừa nhìn đã thấy không tầm thường.
Rất nhiều học giả đều cho rằng sứ Thanh Hoa có lẽ bắt đầu từ thời Nam Tống, nhưng rốt cuộc thời Nam Tống có sứ Thanh hoa quy mô lớn không, thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Bình sứ trong tay thi thể, vừa nhìn đã biết là sứ Thanh Hoa, xem dưới đáy, thì thấy con dấu hoàng gia của thiên hạ đệ nhị lăng.
Muộn Du Bình cầm lấy tay thi thể, tôi phát hiện móng tay cái xác đã bị tét ra hết, toàn máu và vết thương, bùn kẹt vào rất sâu trong kẽ móng.
“Hai vị cho chút gợi ý đi.” Kim Vạn Đường hỏi.
“Bọn họ tự mình đào hố, giống như chuột đào hang vậy, đào xuống lòng đất, sau đó chết ngạt trong này.”
Nói cách khác, những người này đã phát hiện thiên hạ đệ nhị lăng, còn vào rồi, sau đó bọn họ mang được vật bồi táng ra, đến vùng rừng rậm này, dùng tay đào đất chôn mình xuống dưới. Bị ngạt thở đến chết.
Vì sao vậy?
Đang nghĩ ngợi, thì nhìn thấy Mặt Bẹt đi ra hai mươi mét, lại bắt đầu đào chỗ khác.
Điều này rất không lành, tôi và Bàn Tử lại qua đó. Tôi tự nhủ, đừng nói với tôi là còn nữa.
Trước khi trời tối, chúng tôi đào ra được mười hai đội ngũ, ba mươi mấy thi thể, tình trạng đều như nhau. Những bình sứ, chậu sứ đủ loại đủ kiểu được lấy ra từ tay thi thể bày đầy trên mặt đất.
Từ giấy tờ trong áo bọn họ và trí nhớ của Kim Vạn Đường, chúng tôi đại khái xác định số thứ tự, lai lịch của những đội ngũ này, nguyên nhân chết đều như nhau: chết ngạt trong bùn đất.
Bàn Tử nhìn đồ sứ bày dưới đất, bảo tôi: “Thiên Chân, cậu nhìn những đồ sứ này, kiểu dáng không gióng nhau, nhưng đều là dụng cụ ăn và uống rượu, những người này nhìn thế nào cũng giống như xuyên không, tham gia một bữa tiệc lớn thời cổ đại, sau đó kéo nhau chết.”
Chú thích
(1) Antoni Gaudí i Cornet là một kiến trúc sư Tây Ban Nha, người xứ Catalan. Ông là một kiến trúc sư theo phong cách Tân nghệ thuật của trong dòng kiến trúc Hậu Hiện đại, nổi tiếng bởi những thiết kế độc đáo theo phong cách cá nhân. Thành phố của Gaudi, tức Barcelona, là quê hương của vị kiến trúc sư lừng danh này.