Em tư gọi điện gào lên: “Làm sao đây làm sao đây làm sao đây? Mẹ đâu mất rồi!”
Thục Mỹ cúp máy, rồi nằm rã rượi dưới đất. Chị có cúp máy hay không thật ra đều chẳng khác biệt gì, chị biết em tư không hề để ý thấy chị đã cúp máy, chỉ tiếp tục hét vào ống nghe: “Mẹ đâu mất rồi! Mẹ đâu mất rồi!” Mùa hè oi bức kinh khủng, không mưa không mây, mặt trời mỗi ngày hào phóng chiếu xuống vùng đất nhỏ này, thực sự sắp chết vì nóng rồi, song chị cố chịu đựng không bật điều hòa, tháng này chẳng nhận mấy việc, buộc phải tiết kiệm điện thôi. Sàn nhà đá mài có chút hơi lạnh, man mát, chị áp sát vào gạch men hòng xoa dịu cơ thể mướt mải nóng giãy. Mấy năm trước miền Trung đảo động đất mạnh, làm toác ra một khe nứt to trên sàn nhà, chị quyết định không trám lại, dù sao nhà cũ cái gì cũng hỏng cả, tường bị muối hóa nghiêm trọng, lũ chuột hoành hành, ống nước tắc nghẽn, mái tôn tầng ba bị bão thổi bay mấy lần. Chị còn nhớ dáng vẻ mới tinh tươm của căn nhà này, gạch men ốp ngoài màu kem, vách tường bên trong mới sơn trắng như tuyết, sàn đá mài đã đánh sáp, bóng loáng lấp lánh. Sàn nhà trông có vẻ toàn là đá vụn cộm chân, nhưng giẫm lên lại trơn láng, sàn nhà chính là cầu trượt.
Chị trở mình nằm sấp trên sàn nhà mát lạnh, mắt dán sát khe nứt trên sàn, dòm vào trong, hôm nay rằm tháng Bảy mở cửa âm phủ, chị nghĩ không chừng có thể nhìn thấy địa ngục. Khe nứt này ở ngay bên cạnh máy may của chị, có sức sống, mỗi lần chị quay đầu nhìn xuống đất, miệng khe nứt hình như lại lớn hơn một chút, chị cố ý nhìn thêm mấy lần, mong khe nứt càng lúc càng rộng, biết đầu một ngày kia chị có thể len mình vào khe nứt, chẳng ai tìm thấy chị. Chị nhớ động đất lần đó, ban ngày ban mặt đột nhiên trời rung đất chuyển, chồng chị hoàn toàn không ngó ngàng đến chị, cuống cuồng xông ra sân sau, vơ lấy mấy chậu hoa lan chạy ra ngoài. Chị không hề đứng dậy, tiếp tục làm việc trên máy may, lô quần áo đó hôm sau phải giao, động đất không sao cả, tường nghiêng nhà sập chị đều chẳng để tâm, chỉ cần làm ơn đừng cúp điện là được, hễ cúp điện máy may sẽ ngừng hoạt động, không thể giao hàng thì không có lương, hóa đơn tháng này còn chưa đóng kia kìa. Bấy giờ chị chỉ mong chồng ôm mớ hoa lan dông thẳng, rời khỏi làng quê nhỏ bé này, từ đó biến mất, đừng quay về nữa.
Thời son trẻ, chị hy vọng mình là hoa lan. Trong trận động đất đó, chị cảm thấy buồn thay cho hoa lan.
Căn nhà này cũ kỹ cỡ nào? Cái năm em trai út chào đời, cả nhà họ cuối cùng cũng rời tam hợp viện, dọn vào một căn trong dãy nhà mới này, bấm ngón tay đếm, là căn nhà thứ năm từ trái sang. Mười căn nhà mới là dự án xây dựng đón chào tương lai của vùng này năm đó, đằng sau là ao cá, đằng trước là ruộng lúa, công ty xây dựng quảng cáo rằng phong thủy rất tốt, xây nhà ngay trên long mạch, vượng đất vượng nhà vượng thần vượng tài, các hộ sống ở đây sau này sẽ cùng cất cánh theo địa phương, xã nhỏ biến thành thị trấn lớn, thị trấn lớn nâng cấp lên thành phố vệ tinh, ruộng lúa xây cao ốc, cao ốc nhấp nháy đèn neon. Lúc đó cha chị chạy chiếc xe tải cà tàng chở hàng chẳng quản ngày đêm, dưa hấu cây giống chậu cảnh quần áo may sẵn thứ gì cũng chở tất, có một dạo thường xuyên nhận được công việc giao hàng trầu cau, ông phát hiện trên thị trường có nhu cầu về cau rất lớn, cơ hội kinh doanh cau nhan nhản, cánh đàn ông ở thị trấn gần đó đều đỏ choét cả mồm, ông cũng nhai theo, lá trầu bọc cau, miệng đỏ như máu, nhai nhóc nhách tòi ra kế hoạch làm ăn. Vùng đất nhỏ này trồng nhiều trầu, chất lượng và hương vị không sánh bằng trầu ở miền Đông đảo[5], lá mỏng hơn, vị nhạt hơn, nhưng được cái sản lượng ổn định, giá rẻ, sạp trầu cau khắp miền Trung đảo đều trông vào trầu đất này. Cha bàn chuyện hợp tác với nông dân trồng cau trong xã, bắt đầu làm trung gian bán sỉ cau, nhà nông lần cận thu hoạch trầu bán cho cha, ông đánh xe tải đến chào hàng các sạp trầu cau ở thị trấn xung quanh, mặc cả ăn chênh lệch giá. Chưa đầy một năm, toàn bộ học phí của năm cô con gái trong nhà đều đóng đúng hạn, bữa tối có cơm trắng, thịt lợn, đầu năm rốt cuộc sinh được cậu con trai đầu tiên, cuối năm lại phấn đấu được thêm cậu thứ hai. Bảy đứa con không thể tiếp tục chen chúc trong căn phòng chật hẹp của tam hợp viện nữa, cha gom đủ khoản thanh toán đợt đầu, mua một căn trong dãy nhà này, tạm lượt là nội, rời tam hợp viện.
Hôm dọn sang nhà mới, chị cả Thục Mỹ bế cu bảy vào nhà, đó là ngày vui cười đầu tiên trong ký ức, mẹ cuối cùng cũng đẻ hai đứa con trai rồi, không cần ngày ngày chạm mặt bà nội nữa. Thục Mỹ lần đầu tiên bước vào căn nhà cao hơn một tầng, không ngờ lại có cầu thang dẫn lớn trên, có những ba tầng chứ, trời ơi, chị thế mà có hẳn phòng riêng. Đêm đầu tiên, em trai lớn ngủ với cha mẹ, chị cả Thục Mỹ và chị hai Thục Lệ phụ trách trông em trai nhỏ, hưng phấn đến nỗi tỉnh như sáo, lén xuống giường, bế em cùng ngửi mùi sơn mới trên tường, lên xuống cầu thang, lăn lộn trên sàn đá mài, không ngừng vuốt ve chiếc điện thoại đầu tiên trong nhà, cầm ống nghe lên, có tiếng tút, đặt bên tai cu út, thằng bé nghe thấy tiếng tút liền cười toe. Phòng vệ sinh của nhà mới có bồn cầu bệt, ngồi tiểu rất thoải mái. Cầu tiêu của tam hợp viện trước khi xây ở bên ngoài sân, chỉ là cái hố xí thối inh, nửa đêm đau bụng lao ra đi nặng, thường trông thấy rắn bò ngoằn ngoèo trên cửa nhà xí dưới ánh trăng. Thật ra rắn không đáng sợ, đáng sợ nhất là ma nữ hầm cầu mọi người hay kể. Phòng vệ sinh ở nhà mới có thể khóa cửa, ấn một cái là xả nước, những vật ô uế biến mất trong nháy mắt, mọi thứ thơm tho, không có ma, không có rắn. Nửa đêm cu út khóc quấy, hai chị em vội pha sữa bột, nhưng năm đó họ hoàn toàn không biết cách pha sữa, chỉ biết đây là sữa bột Nhật Bản cao cấp mà nhà thuốc giới thiệu. Hai chị em nghĩ, đặc một chút mới tốt, nhiều dinh dưỡng hơn, nên cho bớt nước, thêm mấy thìa sữa, kết quả cu út bú chùn chụt xong lại trớ ra hết. Thục Mỹ và Thục Lệ cảm thấy bộ dạng trớ sữa của thằng bé rất buồn cười, hai chị em đều chưa bao giờ rời khỏi vùng đất này, chưa bao giờ thấy thác nước, nhưng màn trớ sữa của cu út chính là thác nước hoành tráng nhất họ từng thấy hồi nhỏ.
Chị bỗng nhiên nhớ đến em trai út. Em có khỏe không? Mỗi lần nhớ đến em, chị đều rất muốn rất muốn hút cần sa.
Bữa nay Quỷ Môn Quan rộng mở, chị không thấy dã quỷ vui tới bến, chỉ nghe em tư gọi điện kêu thét như quỷ khóc ma gào, cũng xem như hợp cảnh. Chị nhìn bàn đồ cúng phong phú bày trước cửa, cả ngày chưa có gì bỏ bụng, bữa tiệc thịnh soạn thết đãi những vong hồn xa lạ, còn mình lại thành con ma đói. Cây hương cháy hết, cô hồn dã quỷ ngang qua hẳn đều ăn no rồi, chị từ dưới đất bò dậy, mở một gói bánh bích quy bắt đầu nhai nhồm nhoàm. Bánh dở tệ, thật không hiểu nổi, mấy cái bánh này ăn vào cứ như đất hoang khô cằn dưới nắng chang chang, vị ngọt ăn một miếng gây tiểu đường, gói vị mặn kia thì ăn hai miếng chắc phải rửa thận, sao lại được yêu thích đến thế. Bánh quy dĩ nhiên không phải chị mua, là chồng chị đi siêu thị lớn ở thị trấn kế bên mua về. Chị đã dặn mua gì cúng cũng được, nhưng đừng mua bánh quy hiệu này, kết quả lão mua luôn mấy gói. Chị biết lão cố tình. Bánh quy ăn khô như ngói, sao mọi người thích gặm gạch ngói thế nhỉ? Gạch bánh quy xếp chồng từng viên, tầng tầng lớp lớp, đắp nên Bạch Cung to lớn lộng lẫy ở vùng đất quê mùa này.
Khó ăn chết đi được, song chị vẫn ép mình ăn hết, tuyệt đối không thể lãng phí thức ăn. Nhai đối với chị trước giờ không phải hưởng thụ, mà là cấp bách nôn nóng, khó ăn cách mấy khó nuốt cách mấy đều phải ngốn hết, đồ ăn quá hạn rất lâu vẫn ăn được, bánh tổ hư rồi cắt bỏ chỗ lên mốc vẫn ăn được, chị nhớ rõ nỗi khổ bụng đói, đó là sự túng thiếu khôn cùng, cả đời chị hãi sợ.
Hồi nhỏ sống ở tam hợp viện, mẹ là nàng dâu trưởng, phụ trách nấu ba bữa cho bà nội, thường bị bà chê dở. Có lần bà hắt canh nóng lên người mẹ, bắt mẹ đem cả bàn thức ăn đi cho lợn ăn, xem lợn có chịu ăn không. Mẹ bưng canh về, nghe mấy đứa con gái kêu đói, bèn tạt nguyên nồi canh về phía chúng. Lúc đó chị không thấy bỏng mà chỉ thấy tiếc, cả ngày chẳng có gì lót dạ, nồi canh đó đủ cho mấy chị em ăn no, chị liếm láp canh nóng trên người, còn muốn nằm bò xuống đất uống canh đang chảy lênh láng. Chị nhớ bấy giờ em tư vừa ra đời, lại là con gái, mấy chú đều sinh con trai đầu lòng, trong khi nhà chị liên tiếp đẻ bốn đứa con gái vô dụng. Cha quả thực không có tiền, mấy vụ làm ăn đều không thành, bàn ăn đạm bạc, vắng bóng gạo thịt. Bà nội nuôi một con chó mực to, em hai phụ trách chăm, có lúc bà nội chủ động thêm thức ăn cho chó, bát cơm chó còn thịnh soạn hơn bữa tối nhà họ. Sau này bà nội làm thịt chó mực, đem xào một nồi to với tỏi, đám anh em con chú đều được gọi đến ăn vài miếng, chỉ có mấy đứa con gái nhà họ bị buộc phải ở trong phòng. Mấy chị em ngồi bên trong ngửi mùi thịt thơm phưng phức mà khóc thầm, nhưng không biết là vì đói hay vì mục kích cảnh chó mực bị bà nội cầm cục gạch đập ngất, ném vào nước sôi sùng sục. Cục gạch vấy máu chó vứt ngay trước sảnh thờ, sau đó hễ nhìn thấy cục gạch là chị lại nghe văng vẳng tiếng chó sủa thảm thiết.
Rằm tháng Bảy phổ độ, chị là cô con gái duy nhất trong nhà kế thừa trọn vẹn nghi thức cúng bái của mẹ. Chị từ bé theo mẹ cúng kiếng, rất rành về đủ thứ cấm kỵ và nghi thức trong các ngày lễ tết lớn nhỏ. Mở cái bàn tròn gấp ra, gà lợn vịt mì ăn liền hoa quả khô đều phải bày lên bàn, bàn tròn kê ở trước nhà hướng ra ngoài, trước bàn đặt một chậu nước sạch, trong nước ngâm chiếc khăn mặt nhỏ, để hồn ma qua đường rửa sạch tay chân, tận hưởng bữa tiệc bàn tròn. Trên mỗi đĩa đồ ăn cắm ba cây hương, càng là năm thiếu thốn, bàn cúng ngược lại càng thịnh soạn. Hóa vàng mã, cầu hồn ma qua đường đừng quấy nhiễu, trong suốt tháng Bảy âm lịch không được động thổ, chuyển nhà, đi xa. Có lần chị muốn đổi việc vào tháng Bảy âm lịch, từ nhà máy dệt may này chuyển sang nhà máy dệt may kia, tiền lương và đãi ngộ đều hậu hĩ hơn nhiều, song mẹ cấm chị đổi, nói tháng cô hồn đổi việc cả đời sẽ vô dụng, nhất định sẽ lấy nhầm chồng. Chị nghe lời ở lại, thì gặp được Tiểu Cao.
Sáng nay mới 4 giờ chị đã tỉnh giấc vì nóng, điều hòa cổ lỗ sĩ, chạy được vài tiếng thì chết máy, phải gõ gõ đập đập, năn nỉ ỉ ôi mãi, hồi lâu sau mới khởi động lại được. Chị bèn dậy đi mổ gà luôn, sân sau nuôi mấy con, hôm qua đã chọn sẵn bữa nay làm thịt con gà trống, cột chân nó lại, báo trước án tử. Ấy là con gà trống có bộ lông bóng mượt, hung hăng ồn ào, thường bay qua tường bao đi đánh nhau với chó hàng xóm, láng giềng xung quanh đều mắng vốn, sáng nào cũng gáy inh ỏi, làm thịt cúng quỷ thần thì cả nhà lẫn xóm giềng đều được yên. Gà trống biết mình bị chọn chắc rồi, ra sức vùng vẫy, mổ cánh tay chị, kêu thảm thiết. Chị dùng dây buộc chặt chân gà trống, mấy con gà khác cố ý giữ khoảng cách với nó, tránh xa hơi hướng chết chóc chẳng lành. Mổ gà cũng là mẹ dạy, nắm cổ gà, rạch một nhát dao, máu tươi nhỏ xuống cái bát đựng gạo, tiện thể làm bánh huyết. Vặt lông, trụng nước sôi, lấy nhíp tỉ mẩn nhổ lông măng. Mấy người bạn luôn bảo chị vụng trí khéo tay, đầu mọc sai chỗ, chạy đến đôi tay hết rồi, nên vá, may, cắt món nào cũng thạo, nhổ lông gà nhanh thoăn thoắt, nguyên con gà nhẵn bóng, còn đẹp hơn gà mua ngoài chợ. Song khéo tay có ích gì đâu, chị biết mình là người phụ nữ xưa cũ bị thời đại vứt bỏ, năm mười lăm tuổi bỏ học đi Sa Lộc Đài Trung làm công nhân dệt may, giờ đã lục tuần, đôi tay chai sạn, nhận hàng gia công về nhà làm, may một trăm chiếc áo xuất khẩu sang châu Âu, tiền lương vẫn không mua nổi một chiếc áo mới. Chị thường tưởng tượng, người châu Âu đóng bộ cánh mình may đang làm gì nhỉ? Uống cà phê vỉa hè? Ngồi thuyền dạo sông? Hút cần sa? Khoác túi xách hàng hiệu bát phố nghỉ mát? Em trai út từng nói, không phải thế đâu, người châu Âu cũng phải vất vả làm việc giống như chị vậy. Nhưng chị chưa đến đó nên thực tình không tin. Ít ra họ mua nổi quần áo chị may, còn bản thân chị không mua nổi.
4 giờ chị dậy rửa mặt, dùng xà phòng từ cách đây ba mươi năm. Dạo trước chị dọn dẹp tầng thượng, phát hiện mấy thùng xà phòng cũ, bao bì hộp giấy đã mủn cả, bánh xà phòng đỏ tía nhúng nước chà xát vẫn ra bọt, hương hoa nhân tạo nồng nặc xộc vào khoang mũi. Năm xưa chồng chị nói muốn đầu tư vào nhà máy xà phòng thơm, dốc toàn bộ tiền dành dụm của cả nhà vào đó, kết quả chưa đầy mấy ngày đã nhận điện thoại báo nhà máy ngừng sản xuất, khoản đầu tư thành ảo ảnh, chỉ đổi lấy mấy thùng xà phòng gắt mùi. Chị ghét cay ghét đắng mớ xà phòng đó nhưng không thể vứt đi, đều là thứ dùng được, đem giặt đồ lau mình tắm chó rửa sàn, cả căn nhà đều tỏa ra thứ mùi gay mũi đó. Mấy năm sau có lần chị vào siêu thị mua thức ăn, nhận ra loại xà phòng này chiếm cả một kệ hàng, vốn dĩ không ngừng sản xuất. Chị gặng hỏi chồng mới ngã ngửa, hóa ra nhà máy xà phòng thơm là một vở kịch, tiền đem đi trả nợ bài bạc, nhà máy với đầu tư gì đó chưa bao giờ tồn tại, mấy thùng xà phòng là mua về đối phó. Chị nhớ vẻ mặt chồng khi bị chất vấn, “Ai biết ngay cả chuyện này mà em cũng tin?” Tối đó chị bỏ xà phòng vào canh, cả nồi canh nhuộm màu kỳ dị, rốt cuộc lão ừng ực uống hết, biểu cảm chẳng có gì khác lạ, không ốm không chết, chỉ ợ một cái rõ to.
Không giết chết được, Thục Mỹ biết rất rõ, làm gì cũng vô ích, chồng mình không tài nào chết được. Đây là động cơ lớn nhất để chị sống tiếp, chị phải sống mòn sống mỏi, tận mắt nhìn chồng chết.