Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế muốn vẽ xong sẽ vô cùng khó khăn, không kiên trì luyện tập bền bỉ quanh năm thì không thể vẽ ra được.

Điểm mấu chốt hơn cả là loại kỹ thuật vẽ tranh này rất hiếm thấy, cũng là phương pháp sư phụ của ông ấy thường dùng để dạy đệ tử phác họa tranh.

Chuyến đi đến Nam Thành lần này, ngoài việc giúp sư điệt Mạc Nhân Tuyết hoàn thành việc quyên tặng bức tranh [Bước chân trên núi tuyết], ông ấy còn có một việc hệ trọng. Sư thúc Lý là sư đệ duy nhất của sư phụ Nhan, sau nhiều năm không rõ tung tích, sư thúc Lý gửi cho sư phụ Nhan một bức thư uỷ thác, trong thư nói mấy năm qua sư thúc Lý ở Nam Thành, thu nhận một đệ tử, bấy giờ cảm thấy thời gian của bản thân không còn nhiều nữa, lo sợ đệ tử tuổi còn nhỏ sẽ bị người đời ức hiếp, mong sư huynh của mình có thể nhận đứa bé đó về dạy bảo đàng hoàng.

Sư phụ Nhan đã bật khóc khi nhận được bức thư. Nhưng trời xui đất khiến làm sao, mất hai năm ròng bức thư mới đến được tay của sư phụ. Dù lúc ấy, sư phụ đã tám mươi tuổi rồi nhưng nhất quyết muốn đến Nam Thành, nên họ đã khuyên nhủ sư phụ. Thân là sư huynh, sư phụ Nhan đã hứa với sư phụ của mình rằng, bất kể thế nào cũng sẽ tìm thấy sư thúc Lý chưa rõ sống chết và đệ tử nhỏ tuổi kia trở về bằng được.

Bây giờ, Lộc Dư Ninh cũng biết đến kỹ thuật vẽ tranh này, điều đó không khỏi khiến ông ấy phấn khích, lẽ nào trên đời này lại có chuyện trùng hợp đến vậy?

Ánh mắt ông ấy sáng rỡ, nhìn Lộc Dư Ninh chằm chằm.

Lộc Dư Ninh cắn răng bấm bụng, không biết nên trả lời thế nào, hình như đại sư Dương đã nhận định bức tranh là do cậu ta vẽ, nhưng cậu ta biết rõ là không phải. Cậu ta lấy lại bình tĩnh, bất kể bức tranh này là do ai vẽ, cũng không nên liều lĩnh nhận bừa. Cậu ta hít sâu một hơi rồi hạ quyết tâm, khóe miệng khẽ động đậy, nhưng ngay khoảnh khắc cậu ta định lên tiếng, thì ánh mắt đầy hài lòng của Dương Xuân Quy nhìn chằm chằm vào bức tranh cứ lẩn quẩn trong đầu cậu ta, lời muốn nói kiểu gì cũng không sao thốt ra được.

Lỡ như khiến bác Dương thất vọng, không muốn nhận cậu ta làm đệ tử thì phải làm sao? Hay là để bác Dương tìm ra người đã vẽ bức tranh cho bằng được, rồi nhận người đó làm đệ tử?

Cậu ta thoáng do dự.

Lộc Chính Thanh cũng đã lên tiếng, giọng nói không giấu nổi niềm tự hào, hỏi cậu ta: “Đúng đó, Dư Ninh, sao trước giờ ba chưa từng thấy con vẽ theo kiểu này?”

Lộc Dư Ninh cắn môi, rốt cuộc cậu ta vẫn không thể thốt ra lời muốn nói, bèn nhìn Lộc Chính Thanh rồi cúi đầu. Cậu ta không thể khiến ba mình thất vọng, vì cậu ta sợ ba sẽ dùng ánh mắt khi nhìn anh hai để nhìn mình.

Một phút dại dột, Lộc Dư Ninh cúi đầu, trả lời qua loa: “Con vô tình học được vào mấy năm trước.” Cậu ta không dám nói quá cụ thể, hòng tránh bị vạch trần.

Nhưng không biết Lộc Chính Thanh hiểu lầm ý cậu ta thành thế nào lại nói: “Có phải là ông cụ thường dạy con vẽ tranh ở công viên đó không?”

Lộc Dư Ninh gật đầu lia lịa, dù cậu ta chẳng nghe rõ Lộc Chính Thanh đã nói gì.

Lộc Vọng Bắc cũng giải thích thêm với Dương Xuân Quy: “Dư Ninh học vẽ chưa bao lâu thì gặp được một ông cụ ở công viên, ông cụ rất tốt với Dư Ninh, ngày nào Dư Ninh cũng chạy ra công viên học vẽ với ông ấy. Nhưng đến một ngày kia, ông cụ không đến công viên nữa, Dư Ninh để lại cho ông ấy bức tranh của mình, thằng bé đã buồn rất lâu.”

Anh ta nhìn Dư Ninh với vẻ hiền dịu, Dư Ninh hay đến công viên như vậy thật ra là vì anh ta. Hồi đó, mẹ vừa qua đời, anh ta rất ủ rũ nên hay ra sân bóng rổ trong công viên chơi để giải sầu, còn Dư Ninh dùng cách đó để âm thầm ở bên cạnh anh ta.

Nhưng mắt Dương Xuân Quy bỗng sáng lên, hai từ “ông cụ” cứ lặp đi lặp lại trong thâm tâm ông ấy, ông ấy lập tức hỏi: “Mọi người có biết ông cụ đó tên gì không?”

Lộc Dư Ninh cứ cúi mặt, lắc đầu tỏ ý không biết, cậu ta chột dạ bối rối, không hề biết bác Dương đang hỏi gì.

Sâu trong ánh mắt của Dương Xuân Quy thoáng vẻ thất vọng, nhưng trong lòng ông ấy biết mình không thể nóng vội, không thể nào có chuyện trùng hợp đến vậy, tuy kỹ thuật vẽ tranh này không thấy nhiều trên đời, nhưng cũng không hẳn không có người biết. Huống chi ngày mai cháu ngoại của sư phụ ông ấy, Mạc Nhân Tuyết, cũng sẽ đến Nam Thành. Từ nhỏ, Nhân Tuyết đã học được nhiều kỹ thuật vẽ, tiền đồ rộng mở, đợi khi nào xong chuyện của bức tranh ‘Bước chân trên núi tuyết’, họ sẽ cùng nhau tìm tung tích của sư thúc Lý, nhất định có thể tìm được.

Dương Xuân Quy lấy lại tinh thần, thấy ai nấy cũng đang nhìn mình với vẻ có phần khó hiểu, không rõ vì sao ông ấy lại tò mò đến vậy.

Thế là ông ấy cuộn các bức hoành lại với nhau vài vòng, rồi khua tay múa chân giải thích với bọn họ: “Mọi người xem kích thước này, vừa vặn với quy cách của chiếc đèn lồng cung đình hình lục giác, thời trước trong cung rất chuộng kiểu đèn lồng này. Bên ngoài dùng ba lớp vải lụa có vẽ hình, ban đêm thắp đèn lên, cảnh núi sông trên tấm lụa trở nên sinh động như hiện ra trước mắt vậy. Bây giờ, có lẽ Bảo tàng Thủ đô vẫn còn lưu giữ tác phẩm tựa như thế này.”

 

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play