"Con
trâu điên" (The crazy Yak) là tên một quán ăn thuần túy Tây Tạng. Buổi tối
chúng tôi ngồi trong một tiệm ăn tự chọn của người Tây Tạng. Có lẽ tiệm này chủ
yếu dành cho khách du lịch và người nước ngoài, nội cái tên bằng Anh ngữ cũng
nói lên điều đó. Chúng tôi ngồi thở sau khi lên một cầu thang hẹp để đến một
gian phòng lớn theo đầy Thangka [11]. Không khí loãng trên cao nguyên làm người
ta rất mau mệt, nhất là sau khi đi tham quan các tu viện trên núi.
[11] - Tranh vẽ trên giấy hay lụa của Tây Tạng. Nội dung
của tranh thường là hình tượng Phật, Bồ Tát, hộ pháp, man-đa-la.
Vì thế
không có gì sung sướng hơn buổi chiều tối được ngồi nghỉ, ăn uống và suy ngẫm
những gì mình đã thấy trong ngày.
Chúng
tôi ngồi nghỉ trước khi đến bàn ăn tự chọn xem thử trong đó có những món gì.
Chắc là không thể có thịt trâu Yak, "con trâu điên" chắc chỉ là tên
gọi lạ tai. Yak là sinh vật đặc trưng của Tây Tạng, chẳng thế mà tại một ngã tư
lớn của Lhasa có một tượng đồng rất sinh động của hai con trâu. Người ta không
thể làm thịt trâu, Yak là con vật có ích nhất cho dân Tây Tạng. Đối với họ con
trâu là cả một gia tài.
Trâu Yak
không giống trâu Việt Nam. Trâu Việt Nam đã chậm chạp mà nó còn chậm hơn. Điều
khác nhất là lông nó rất dài, có lẽ để chống lạnh. Trên cao nguyên Tây Tạng tôi
không thấy bò, chỉ trâu Yak lo chuyện đồng áng. Sữa trâu để dùng làm trà bơ,
một chất bổ dưỡng mà tôi có dịp nếm ngay hôm nay. Mỡ trâu dùng để thắp đèn mà
mùi của nó ngai ngái hết sức khó quên. Nhưng trâu cho người cái quan trọng
nhất, đó là phân trâu.
Ở đây
tôi không nói chuyện tiếu lâm, thật sự phân trâu là thứ quí nhất, nó là chất
đốt chủ yếu. Đi ngang làng mạc Tây Tạng ta thấy mỗi nhà đều đắp trên tường hay
phơi ngoài ngõ những bánh tròn tròn mới nhìn qua tưởng như bánh chưng. Thế
nhưng nó không phải thứ để ăn mà để đốt, đó chính là phân trâu Yak. Phân trâu
Yak khi đốt cho một ngọn lửa không mùi và rất nóng. Trên một xứ cao nguyên lạnh
giá, hiếm gỗ thì phân trâu Yak là nguồn nhiên liệu quí giá.
Trên
tường, đức Phật A-di-đà trong một bức Thangka thật lớn mỉm cười nhìn chúng tôi
đến bàn lấy thức ăn. Chắc Ngài từ bi chấp nhận kẻ ăn mặn như tôi trong xứ của
Phật pháp này. Quả nhiên như tôi đoán, không có thịt trâu Yak, nếu có tôi cũng
chẳng ăn. Xung quanh tôi có những nhóm du lịch khác, lác đác có kẻ nói tiếng
Đức xen lẫn tiếng Anh và lạ thay, trong số họ có nhiều người ăn chay, họ hỏi
nhau món nào không có thịt. Cuối cùng tất cả chúng tôi đều vui lòng vì các món
chay mặn đều có, tôi sớm tìm ra một món thịt, đó là thịt cừu. Tôi phải ăn thịt
để lấy sức leo núi, phải uống bia để tiêu món thịt, đó là lý luận của những kẻ
còn tham ăn tục uống như tôi. Thế nên dưới nụ cười của đức Phật từ bi, tôi ăn thịt
cừu chăn trên sườn Hy-mã lạp sơn và uống bia Lhasa lấy nước từ những suối nguồn
tinh khiết đó.
Tôi
không phải là kẻ duy nhất ăn thịt trên cao nguyên Tây Tạng này. Nơi đây khí hậu
quá lạnh nên không có bao nhiêu rau cải, rất nhiều người Tây Tạng phải ăn thịt
để sống, kể cả nhiều tăng sĩ. Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc ăn thịt hay
không ăn thịt trong giới tăng sĩ, nhưng nói chung chỉ tăng sĩ của phái Cách-lỗ
mới tuyệt đối ăn chay, tăng sĩ mũ đỏ có nhiều người ăn thịt, tăng sĩ miền bắc
ăn thịt nhiều hơn người miền nam. Lý do đơn giản là miền bắc Tây Tạng quá lạnh,
thực vật cũng không mấy thứ sống nổi.
Tôi đã
vào trong nhà bếp của tu viện Drepung xem thử. Ngày nay đó không còn là nơi nấu
cho hàng trăm hàng ngàn người ăn nữa nhưng những chiếc nồi to tướng nhắc tôi
đây đã một thời náo nhiệt. Tôi bỗng nhớ câu chuyện của vị "đầu bếp giác
ngộ" [12] và tự hỏi không biết vị đầu bếp nào đã nấu nướng nơi đây và
"năng lực tâm linh" của người đó còn vương trong căn nhà đầy mồ hóng
này hay không. Đầu bếp của các tu viện không phải là người thường, họ là những
lạt-ma không kém phần cao trọng. Người Tây Tạng cho rằng thức ăn của những đầu
bếp giác ngộ mới mang lại phước lành cho người ăn, tất cả sản phẩm do tay người
làm ra, dù là sản phẩm gì, đều mang dấu ấn tâm linh của người đó. Tôi đọc lại
câu chuyện nói trên và để ý thấy câu "lạt-ma đầu bếp này hàng năm trời
đứng dưới thịt trâu xông khói". Thì ra người ta vẫn ăn thịt trâu Yak. Thế
thì tăng sĩ và cư sĩ đâu còn gì khác nhau?
[12] - Xem "Sư tử tuyết bờm xanh", sách đã dẫn
Quan
niệm về đời sống tu sĩ tại Tây Tạng có nhiều điều khác biệt so với tăng sĩ của
các nước khác. Nếu tại các nước theo Thượng tọa bộ người ta tin rằng chỉ tăng
sĩ mới đạt quả A-la-hán thì đại thừa Phật giáo cho rằng cư sĩ cũng như tăng sĩ
đều mang Phật tính trong tâm, ai cũng có thể đạt giác ngộ. Dù thế, nhưng tại Ấn
Độ và Trung Quốc người ta còn phân biệt cư sĩ, tăng sĩ cũng như giới luật dành cho
hai hạng người đó. Còn tại Tây Tạng sự phân biệt đó không còn rõ nét, có nhiều
lạt-ma sống cuộc đời thế tục, có gia đình nhưng vẫn hành lễ như tu sĩ và được
tín đồ trọng vọng. Nếu tại Ấn Độ vị cư sĩ nổi tiếng nhất là Cấp Cô Độc thì tại
Tây Tạng, người đó là Marpa, "nhà đại phiên dịch".
Theo
nhiều tài liệu, Marpa sinh năm 1012 tại nam Tây Tạng. Từ hồi trẻ ông đã học
tiếng Phạn và bán toàn bộ sản nghiệp để dành tiền đi Ấn Độ. Ngày xưa người Tây
Tạng đi Ấn Độ là dấn thân vào một chuyến phiêu lưu gian khổ, mười người đi bỏ
mạng đến bảy tám người. Lý do là khí hậu Tây Tạng thì lạnh và khô, Ấn Độ thì
nóng và ẩm, rất nhiều người đau ốm dọc đường. Ai đi Ấn Độ trở về đã là một kỳ
công được nhiều người nể trọng.
Marpa đi
Ấn Độ tổng cộng ba lần. Lần đầu ông gặp Naropa, đó là một vị đại thành tựu giả
[13] và học đạo với vị này suốt 16 năm. Naropa là một vị hành giả tiêu biểu của
đại thừa mật giáo của Ấn Độ, là người đồng thời của A-đề-sa và là một trong
những nhân vật quan trọng của viện Phật học Na-lan-đà tại Patna. Ông là người
truyền lại cho Marpa phép Đại Thủ Ấn [14] và bộ "Du già lục pháp"
[15] với nhiều phép khổ luyện hết sức huyền bí. Marpa đem nhiều kinh sách, đặc
biệt là của đại thừa của thời kỳ cuối, về Tây Tạng. Ông sống một cuộc đời nông
phu, lấy vợ sinh con và đem hết sức mình ra dịch thuật kinh sách.
[13] - Mahasiddha. Chuyện về 84 vị thành tự giả có thể
tìm thấy trong "Từ điển Phật Học", nhà xuất bản Thuận Hóa 1999.
[14] - Mahamudra, một trong những giáo pháp tối thượng
của Kim Cương thừa, được truyền dạy trong phái Ca-nhĩ-cư
[15]
- "The six Yogas of Naropa", đã được Thích Nữ Trí Hải dịch ra Việt
ngữ, California
1997
Sau đó ông lại đi Ấn Độ lần thứ hai,
học thêm nhiều phép bí truyền. Về lại
Tây Tạng, ông gặp một người xuất chúng của Tây Tạng và thâu nhận làm học trò.
Người đó không ai khác hơn là Milarepa (người khổ hạnh áo vải). Milarepa bị
Marpa hành hạ gần muốn tự tử chẳng qua là Marpa muốn giải ác nghiệp cho ông. Về
sau, Milarepa đắc đạo và thành lập phái Ca-nhĩ-cư (Kagyupa), một trong bốn tông
phái của Phật Giáo Tây Tạng và cư sĩ Marpa được xem là tổ thứ ba [16] của phái
này. Lần thứ ba lúc tuổi đã cao, Marpa lại đi Ấn Độ một lần nữa vì một phép bí
truyền, đó là giáo pháp "đoạn giáo". Nơi đây ông gặp lại vị thầy
Naropa lần cuối. Người cư sĩ Marpa có nhiều điều giống với tăng sĩ Huyền Trang,
kẻ sống trước ông ba thế kỷ. Hai vị đều là người đi Ấn Độ thỉnh kinh sách về
nước mình và được tôn là "đại dịch sư".
[16] - Tổ thứ hai là Naropa, sơ tổ là Tilopa, thầy của
Naropa
Tôi ngẫm
nghĩ điều đó trong "Con trâu điên" trong lúc có người mang lại một
tách trà bơ cho tôi. Tôi vui mừng được uống thử trà bơ nổi danh mà tất cả các
sách về Tây Tạng đều nhắc tới. Đó là thứ trà mà người ta uống rất nóng và tiếc
thay, nó có mùi ngai ngái của mỡ trâu. Tôi đặt tách trà xuống và thành thực mà
nói tôi thấy bia Lhasa ngon hơn và có lẽ sẽ chỉ uống trà này nếu không có gì để
uống nữa và nhất là nếu cần nó để có chút hơi ấm khi sắp chết cóng vì lạnh. Sau
đó tôi hết sức ngưỡng mộ khi người ta đem bánh Tsampa ra. Đó là thứ bánh làm bằng
bột mì mà các tăng sĩ Tây Tạng hay tự tay làm để cúng dường các vị nữ thần
Không hành nữ [17]. Tsampa, có ngày ta được nếm thử ngươi, được ăn thứ mà nữ
thần cũng ăn, tôi sung sướng tự nhủ. Thế nhưng, Tsampa quá ngọt và vẫn không
tránh được mùi mỡ trâu, tôi ăn không nổi.
[17] - Dakini. Theo mật thừa Ấn Độ và Tây Tạng, Dakini là
các vị thần nữ bảo hộ cho hành giả tu tập Mật tông. Thể nhập vào cõi của Dakini
là thoát khỏi sinh tử nhưng chưa hoàn toàn giác ngộ
Tôi sắp
điên vì mỡ trâu chứ không có con trâu nào điên cả, đó là kết luận của tôi ngày
hôm đó.
TRÊN CAO
NGUYÊN
Mặc dù
nằm trên độ cao 3700m nhưng Lhasa chỉ là một thung lũng hiền hòa. Ngoài thung
lũng Yarlung Tsangpo, Tây Tạng chỉ toàn là núi non hiểm trở. Miền bắc của Tây
Tạng giáp giới với dãy núi Côn Luân, đó là một vùng lạnh lẽo quanh năm, dân Tây
Tạng cũng không ai muốn lên đó. Miền nam Tây Tạng chính là dãy Hy-mã lạp sơn mà
cách Lhasa khoảng chừng 800km đường trường về phía tây nam là đỉnh Everest cao
nhất thế giới với độ cao 8848m.
Như ta
biết, cao nguyên Tây Tạng được sinh ra cách đây khoảng 40 triệu năm, lúc bán
đảo Ấn Độ di chuyển đụng phải đại lục châu Á. Sự va chạm đó không nhẹ nhàng cho
lắm, nó đội lên thành hàng chục ngọn núi cao và đồng thời sinh ra những khe núi
sâu khủng khiếp mà tiếng Anh gọi là "Canyon". Thế nên tại Tây Tạng có
sáu ngọn núi cao trên 8000m, 50 ngọn trên 7000m. Chúng được tuyết trắng quanh
năm che phủ, sườn của chúng chứa đầy băng vạn niên dày hàng chục mét. Dưới chân
núi là những hẻm sâu thăm thẳm và lạ thay trong những hẻm đó có những nơi vô
cùng ấm áp, hoa lá xinh tươi. Dưới chân những ngọn núi đó hồ, có cả hồ nước
mặn, mặt nước của chúng len lỏi vào trong những rảnh sâu của chân núi để sinh
ra những bờ hồ khúc khủy với một sắc đẹp vô song.
Tuyết
tan trên núi vào những ngày hè tích tụ từ bao nhiêu triệu năm chảy xuống hồ
Manasarova dưới chân Ngân Sơn để sinh ra con sông Yarlung Tsanpo mà ta đã biết.
Con sông này chảy từ trên cao nguyên với độ cao gần 7000 mét về biển nên ta có
thể hình dung nó vượt qua bao nhiêu hẻm núi sâu để về đồng bằng. Tại phía đông
Tây Tạng nó chảy qua một loạt thác với một đoạn sông chỉ dài có 45km mà mất
3000m độ cao. Đó là một trong những hẻm núi nổi danh nhất thế giới, tính từ
trên đỉnh núi xuống mặt nước cao trung bình trên 5000m. Từ trên núi nhìn xuống
sông mà tưởng như từ trên máy bay nhìn xuống đất. Cảnh quan của hẻm núi này
vượt qua cả hẻm Colca ở Peru, của sông Colorado của Mỹ.
Xe chúng
tôi chạy nhằm hướng nam, trở lại thung lũng sông Yarlung Tsangpo. Đường này là
đường đi sân bay nhưng cũng chính là trục đường đi Kathmandu. Thế nhưng từ đây
đến Kathmandu còn 850km và đường còn vượt nhiều ngọn đèo của Hy-mã lạp sơn nên
nếu có ai đi thì phải tính mất ba ngày đường. Hôm nay chúng tôi chỉ đến Gyantse
và ngày đó tôi đã biết thế nào là đường núi và sự nhọc nhằn.
Xe chúng
tôi đi là một chiếc bus nhỏ hiệu Toyota. Trên đường đi tôi sớm biết là chiếc xe
này không phải là loại xe thông dụng tại Tây Tạng mà nơi đây người ta hay chở
du khách đi bằng loại xe đường núi với 4500cc phân khối, thùng xe cao và động
cơ vận hành cả bốn bánh. May thay chiếc Toyota đã đi đến nơi mặc dù có khi nó
phải lội nước vì đường bị ngập vì suối tràn.
Không
bao lâu sau khi vượt sông Yarlung Tsangpo chúng tôi lấy một con đường nhỏ đến
Gyantse, thành phố lớn thứ ba của Tây Tạng. Gyantse là thành phố được xây dựng
năm 1365, là nơi giao dịch buôn bán với các nước miền nam như Nepal, Ấn Độ, nơi
bán trâu Yak và lông cừu. Như thế là đường từ Lhasa đi đến Gyantse phải rộng
rãi lắm, tôi tự nghĩ và sau đó thấy mình sai lầm. Đây là con đường nguy hiểm
nhất mà đời tôi đã đi qua, nhưng là con đường tuyệt diệu nhất.
Đó là
con đường đi về Hy-mã lạp sơn nằm ở phía nam. Trước mặt tôi là những ngọn núi
tuyết bạc trắng xóa. Xe càng lúc càng lên cao, đường càng ngày càng khúc khủy.
Những ngọn núi khi trước mặt khi bên trái, bên mặt, khi ẩn khi hiện nhưng mỗi
lần được thấy chúng, nỗi kính sợ lại trở về với tôi. Tôi nhớ mười năm về trước,
tại Simla mình được thấy những ngọn này và lòng mình chấn động dữ dội. Đó là
buổi bắt đầu, hôm nay hầu như là những ngày cuối cùng, ai biết được đời mình có
cho phép mình đi du hành nữa, nhất là trên cao nguyên Tây Tạng này. Mười năm
qua tôi đi trọn một vòng hành hương, từ tứ động tâm ở Ấn Độ đến tứ đại danh sơn
ở Trung Quốc để cuối cùng đảnh lễ vị Đức hạnh cao quí tại Jokhang. Đó là một
vòng học hỏi với kinh sách tiểu thừa tại Ấn Độ đến các khái niệm rộng lớn của
đại thừa của Trung Quốc và cuối cùng là những quan niệm kỳ bí của kim cương
thừa tại Tây Tạng.
Những gì
tôi được thấy của mười năm qua bỗng nhiên trở lại khi những ngọn núi đầy tuyết
xuất hiện trước mặt tôi. Tôi quên nỗi bực dọc về những gì đã thấy trên đường
phố Lhasa, về sự hiện diện của lính tráng Trung Quốc. Tôi nhớ lại tại Simla
chính mình đã tự nhủ, núi non đâu phải để con người quản lý. Trung Quốc hay Tây
Tạng không có ai "quản lý" được núi non, những ngọn núi này chỉ là
đỉnh của những băng sơn ẩn mật, hiện ra một chút cho người đời thấy diện mục
của mình. Những ngọn núi hôm nay tôi thấy không phải là những ngọn mà tôi thấy
tại Simla vì chúng cách nhau quá xa, dễ chừng cả ngàn cây số. Nhưng hề gì, tất
cả những ngọn Hy-mã lạp sơn đều cao quí như nhau, đến đây là đi trọn một vòng
của đời tôi.
Đường xe
chạy không hề là con đường tráng nhựa như tôi nghĩ, nó chỉ là đường đất. Tôi tự
hỏi không biết mùa đông con đường này sẽ ra sao. Nhưng điều đó không làm tôi lo
ngại mà những con đường đèo này không hề có gì che chắn tại những khúc quanh.
Tôi ngồi cạnh cửa sổ, lạnh người nhìn xuống thấy những hẻm núi sâu hun hút, xe
rớt xuống đó thì khỏi có ai sống sót. Anh lái xe cũng tay mang găng trắng, đó
là thói quen của tài xế tại Trung Quốc, Tây Tạng. Thế nhưng sao không thấy anh
treo hình thần bảo hộ như tài xế Ấn Độ?
Tôi sớm
tìm những chuyện khác mà nhìn để quên cơn sợ. Trên các sườn núi nhiều đàn trâu
Yak xuất hiện, chúng mang trên cổ những vòng vải vàng đỏ và chậm chạp nhai cỏ.
Tiếng chuông treo cổ trâu vang xa trong tiếng động cơ của xe, thế nhưng tôi
nhận ra một sự tĩnh lặng vô cùng trên cao nguyên này. Cái bao la của không
gian, màu sắc rực rỡ của trời đất và sự tĩnh lặng mênh mông này phải là điều
kiện tuyệt vời để con người thiền định và để mở rộng ý thức quán chiếu. Đây là
chỗ con người gần trời hơn, chỗ ý thức vươn tới những tầm cảm nhận cao hơn mà
thông thường ta không đạt tới.
"Khampa",
người hướng dẫn du lịch nói ngắn. Chúng tôi sớm thấy các lá phướn phất phới và
những đụn đá từ từ hiện ra. Đây là đỉnh đèo đầu tiên mà chúng tôi đã vượt qua,
đó là đèo Khampa, nó có cao độ 4794m. Tôi nhảy xuống xe và thấy rõ, sức mình đã
yếu đi thêm vì độ cao. Đỉnh đèo này cao hơn Lhasa khoảng 1100m. Nắng sáng rực
trong không khí trong vắt và gió thổi phất phới những lá phướn. Nhờ nắng nên
gió không làm tôi lạnh. Những lá phướn mang lời kinh đã thổi vào không gian vô
số phước lành, có lẽ đó là lý do mà tài xế không cần treo hình các vị thần bảo
hộ.
Tôi đi
thêm vài bước và đứng sững lại trước một cảnh quan tuyệt diệu. Trước mắt tôi là
hồ Yamdrok. Hồ xuất hiện trước mặt tôi như một lớp ngọc thạch, màu của nó là
màu xanh lục sáng turquoise, nó như màu của lá chuối non sáng rực dưới ánh sáng
mặt trời. Tôi đã thấy nhiều hồ nhưng các nơi đó, màu nước thường xanh dương đậm
nhạt tùy chỗ. Còn màu xanh lục sáng rực này của một hồ nước thì tôi chưa hề
thấy. Hồ nằm dưới chân của ngọn Nojin Kangsa cao 7223m, mặt nước xanh lục của
nó mới nhìn có vẻ không thật vì màu của nó quá kỳ lạ và rực rỡ. Màu nước nổi
bật lên, hầu như gần với mắt hơn còn xung quanh là núi màu xanh thẫm lại chìm
xuống, rút ra xa. Cảnh quan này dường như một bức họa siêu thực hay một bức
tranh của trẻ con vẽ với những màu sắc và đường nét không có thật trong thiên
nhiên.
Tôi ném
một viên đá vào đụn đá theo cách chúc lành của người Tây Tạng và lên xe xuống
đèo. Sung sướng thay cho tôi, sau đó xe chạy 50km nữa theo con đường sát theo
bờ hồ. Mặt dù đã mệt nhưng tôi nhất định không nhắm mắt ngủ. Ai nỡ ngủ khi chạy
bên cạnh hồ Yamdrok này. Đường dọc theo bờ hồ cũng là một con đường quanh co,
nước hồ len lỏi vào những góc nhỏ nhất của các chân núi để đi đến đâu ta lại có
một cảnh quan mới về hồ và núi, lại có một bức tranh siêu thực trước mắt.
Hồ
Yamdrok là hồ lớn thứ ba của Tây Tạng, diện tích mặt nước của nó khoảng 638 cây
số vuông, nằm ở độ cao 4441m, được xem là hồ thiêng của Tây Tạng. Hồ lớn nhất
là một hồ nằm ở phía bắc tên là Namtso, nước mặn, nằm ở độ cao 4718m, nằm cao
nhất trên thế giới, đó cũng là một hồ thiêng. Từ Lhasa đến đó chỉ khoảng chừng
150km nhưng cả đi lẫn về cũng phải mất đến ba ngày. Tôi chưa được đến đó nhưng
người ta nói đó là một trong những nơi để lại ấn tượng sâu nhất khi đi Tây
Tạng. Đó là một chiếc hồ với sự tĩnh lặng "không thể tả xiết", nằm
trên cao nguyên hoang dã mà sát xung quanh bờ là những ngọn núi cao sáu ngàn
mét.
Đi dọc
bờ hồ Yamdrok được khoảng 50km chúng tôi đi về hướng tây và lên đèo Karo, vượt
núi Nojin Kangsa. Con đường chạy sát ngọn núi hùng vĩ này đưa chúng tôi lên tới
độ cao 5010m. Tới đỉnh đèo tôi xuống xe và cảm hơi thở buốt giá của ngọn núi.
Trên trời, nơi đây không còn chim chóc bay lượn. Nhìn lên sườn núi, tôi khám
phá những tảng băng vạn niên đã lan tới gần sát đường xe chạy. Vào đúng mùa hè
nên một ít băng tan, sinh ra những dòng thác nhỏ trắng bạc chảy dọc trên sườn
núi, nhìn xa như một dải lụa tinh khiết.
Độ cao
này làm tôi khó thở thực sự. Trong kính chiếu hậu của chiếc xe bus, môi tôi đã
tím bầm. Tôi lê những bước mệt nhọc xung quanh chỗ xe đậu, cố hít hơi thật dài
và thấy nao lòng. Đây là chốn cao nhất trên địa cầu mà tôi đã tới và có lẽ sẽ
không bao giờ trở lại. Xung quanh tôi là nhiều người Tây Tạng đang tìm cách bán
đồ lưu niệm cho khách du lịch, cho thuê trâu Yak để khách cưỡi chơi cho biết.
Tội nghiệp thay cho họ, làng của họ ở dưới chân đèo, nhưng dắt bộ trâu lên đỉnh
vì du khách chỉ dừng ở đỉnh đèo. Tôi đi ra xa, chân tránh phân trâu và mắt tìm
vài viên đá. Tôi bỏ được một viên đá của ngọn đèo cao nhất này vào ba-lô. Một
viên khác tôi mang lại đụn đá cầu nguyện ở trên đèo, đổi lấy một viên đã nằm
lâu tại đó. Cuối cùng, tôi mang được về nhà hai viên đá của núi Nojin Kangsa,
trú xứ của vị thần Nojin, đó là kỷ vật của tôi từ Hy-mã lạp sơn.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT