Sau khi qua thêm một ngọn đèo nữa, đèo Zhimi cao 4370m, chúng tôi đến Gyantse. Ngày trước nó là đô thị nối giữa Lhasa và Shigatse, ngày nay không còn đóng vai trò quan trọng sau khi một con đường khác mới được xây, chạy dọc theo thung lũng Yarlung Tsanpo, nối liền hai đô thị nói trên. Thế nhưng Gyantse là thủ phủ một thời thịnh trị, số phận của nó liên hệ mật thiết đến phái Tát-ca(Sakyapa). Gyantse một thời lại là một trung tâm thương mại của Tây Tạng và cũng vì thế mà Gyantse bị người Anh tiến hành một cuộc xâm lược đổ máu vào năm 1904.

Ngày nay Gyantse là một đô thị buồn tẻ và đầy bụi bặm. Khách đến đây là để đi thăm tu viện Palkhor và ngôi đền Kumbum, man-đa-la vĩ đại ba chiều.

Palkhor là một đại tu viện nằm trên sườn một ngọn đồi mà chạy dọc trên đỉnh đồi là một bức tường thành chạy dài bao bọc xung quanh. Tôi nhớ đến Vương Xá tại Ấn Độ và biết rằng người xây dựng Palkhor ngày xưa có ý định biến đây là một đô thị riêng biệt của tu viện. Quả thật như thế, ngày xưa đây là một tổng thể gồm 16 tu viện. Cách mạng văn hóa đã đưa những hồng vệ binh trẻ tuổi lên đây và phá hủy hầu hết các công trình. Ngày nay đến đây du khách khó mà ngờ ngày xưa đây là chỗ tập hợp của rất nhiều tăng sĩ, và quan trọng nhất đây là chỗ mà ba giáo phái Tây Tạng cùng nhau tu học. Đã đến lúc tôi phải xem lại lịch sử của bốn giáo phái lớn của Tây Tạng, đó là Ca-nhĩ-cư, Ninh-mã, Tát-ca và Cách-lỗ.

Như trong một chương trước đã nhắc tới, giáo phái Ca-nhĩ-cư được Marpa truyền qua Tây Tạng khoảng thế kỷ thứ 11. Giáo pháp này bắt nguồn từ Phổ Hiền. Phổ Hiền trong Ca-nhĩ-cư không phải là bồ tát Phổ Hiền trong Phật giáo Trung Quốc mà là hóa thân của Pháp thân. Phổ Hiền truyền cho Tilopa và Tilopa truyền cho Naropa. Marpa, học trò của Naropa, lĩnh hội phép Đại thủ ấn và Du-già lục pháp tại vùng đất thiêng Bihar Ấn Độ. Giáo pháp này chú trọng đến phép truyền tâm, trực tiếp từ đạo sư đến học trò. Ngày nay phái Ca-nhĩ-cư vẫn còn tồn tại với tên Drukpa-Kagyu và Drigung-Kagyu.

Phái thứ hai là Ninh-mã (Nyingmapa), được xem là phái cổ nhất Tây Tạng. Phái này thống nhất truyền thống tu tập của Liên Hoa Sinh và của các tăng sĩ có tiếng khác như Vimalamitra và Vairocana. Phái Ninh-mã có những bí pháp quan trọng như Đại Du-già (Maha-Yoga), A-nậu du-già (Anu-Yoga) và A-tì du-già (Ati-Yoga), Đại cứu kính (Dzogchen). Hiện nay phép Đại cứu kính được một số lạt-ma truyền bá tại phương tây.

Phái thứ ba là Tát-ca mà tên Tây Tạng là Sakya. Sakya nghe ra gần giống với Sakyamuni (Thích-ca mâu ni) nhưng thực ra không liên quan gì cả. Sakya trong Tạng ngữ có nghĩa "đất xám", đất chưa được cày bừa canh tác. Phái này được thành lập từ năm 1073, đó là năm mà đền Sakya nổi tiếng được xây dựng, theo khải thị của A-đề-sa. Phái này nổi tiếng là nghiên cứu kinh sách nghiêm túc, biện luận xuất sắc. Người luận giải quan trọng nhất có lẽ là Buton (1290-1364], kẻ đã xếp đặt hệ thống kinh điển của Tây Tạng lại có thứ tự trong hai đại tạng Kanjur và Tanjur. Kanjur và Tanjur được tất cả các giáo phái của Tây Tạng thừa nhận là chính quy và có thẩm quyền chung.

Buton lập ra hẳn một bộ phái tên là Shalupa. Phái Tát-ca lại có thêm một yếu tố nữa là liên hệ đến chính trị và triều đình Mông Cổ. Như ta đã biết, nhà vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt hậu đãi một vị tăng sĩ Tây Tạng như thần tiên, đó chính là Phát-tư-ba(Phagpa,1235-1280], một vị sư trưởng của phái Tát-ca. Hốt Tất Liệt phong cho trường phái Tát-ca là kẻ nắm quyền Tây Tạng, điều đó xảy ra khoảng cuối thế kỷ thứ 13, đầu 14. Chế độ tăng lữ có thể được xem bắt đầu từ đây và đó là thời gian mà Gyantse được xây dựng, nó được xem là thủ phủ của Tây Tạng suốt một thời gian khoảng 80 năm. Tát-ca đóng vai trò quan trọng trong các thế kỷ sau và ảnh hưởng lên cả Tông-khách-ba, người ra đời năm 1357 và cũng là người sáng lập ra phái thứ tư, phái Cách-lỗ.

Đại sư Tông-khách-ba được gọi là "nhà cải cách" vì là người soát xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành quả của mình trong hai bộ luận chính: Bồ-đề đạo thứ đệ (Lamrim Chenmo) và Chân ngôn đạo thứ đe (Ngagrim Chenmo). Phái Cách-lỗ do Tông-khách-ba sáng lập sau này và vì thế mà có tên "tân phái" trong lúc ba phái kia được gọi là "cựu phái". Tăng sĩ phái Cách-lỗ đội mũ vàng như Tông-khách-ba, chú trọng đến Luật tạng và giữ giới luật nghiêm minh. Phép tu quan trọng của Cách-lỗ là cân đối giữa Chỉ và Quán để đạt Định, phát triển trí huệ và bồ-đề tâm. Như ta biết các vị tăng sĩ trong dòng Đạt-lai và Ban-thiền đều thuộc phái Cách-lỗ và kể từ cuối thế kỷ thứ 16, các vị Đạt-lai nắm quyền chính trị trong tay, tương tự như các vị Tát-ca trong cuối thế kỷ 13.

Bốn tông phái nói trên của Tây Tạng thật ra rất gần nhau về mặt lý thuyết cơ bản, họ tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Cái khác của họ phần lớn là xuất phát từ những dòng truyền tâm, từ những quan hệ riêng biệt giữa thầy trò, rất đặc trưng của Kim Cương thừa. Thật ra tính đa nguyên tôn giáo đã có truyền thống lâu dài tại Tây Tạng. Cụ thể là khi Hốt Tất Liệt đề nghị với Phát-tư-ba hãy cấm các tông phái khác hoạt động thì Phát-tư-ba đã từ chối yêu cầu độc đoán đó, cho rằng điều đó không phù hợp với "Pháp". Bản thân Tông-khách-ba cũng học tập với các vị sư trưởng của phái Tát-ca. Vị Đạt-lai thứ năm, thuộc dòng Cách-lỗ nhưng rất gần với phái Ninh-mã. Đó là những biểu hiện sinh động của lòng kính trọng lẫn nhau của các giáo phái.

Vì thế tại Gyantse, trong tổng thể Palkhor ta có ba tu viện của Shalupa, bốn của Tát-ca và chín của Cách-lỗ. Đặc biệt ta tìm thấy chính điện rất lớn dành chung cho tất cả các môn phái với rất nhiều khám thờ, được xây dựng năm 1418.

Tôi vào chính điện, đi ngang trước những ngọn đèn mỡ trâu. Trên bàn thờ là từng nhóm bảy chén nước theo cách cúng dường của người Tây Tạng, được xếp chỉnh tề. Một người phụ nữ còn trẻ đang châm dầu vào đèn để ánh sáng không bao giờ tắt, đó là loại mỡ trâu do họ tự mình chọn lựa và đi bộ đường xa đem tới tu viện. Đó là điều duy nhất mà những người nghèo khổ Tây Tạng có thể cúng dường các bậc giác ngộ.

Lòng ân cần của họ đối với "Pháp" được thể hiện giản đơn như thế nhưng nó quí hơn hành động của những kẻ bố thí hàng trăm lần nhiều hơn về vật chất nhưng tâm thiếu tỉnh giác, lòng không rộng mở. Ra khỏi Lhasa, tôi càng mới thấy rõ nước Tây Tạng rất nghèo, người dân không có gì hơn ngoài một niềm tin tôn giáo mãnh liệt, một sự tự dâng hiến trọn vẹn. Ở trong mọi tu viện, nơi đâu tôi cũng thấy những người tự nguyện đi châm dầu cho đèn được sáng mãi, thay nước cho bàn thờ luôn luôn được thanh tịnh. Tại đô thị Gyantse đang tàn tạ này, trong tu viện Palkhor đã bị cách mạng văn hóa phá hoại nặng nề này, vẫn không bao giờ thiếu niềm tin đó.

KUMBUM, MAN-ĐA-LA VĨ ĐẠI

Gyantse còn có một công trình mà không nơi nào trong cao nguyên mênh mông Tây Tạng có được, đó là đền Kumbum, man-đa-la ba chiều vĩ đại. Đền Kumbum nằm bên cạnh Palkhor, có lẽ đây chính là công trình xây dựng thu hút được một ít du khách đến Gyantse. Liệu họ có biết ý nghĩa của ngôi đền Kumbum này không?

Đền này được xây dựng năm 1436 gồm có 9 tầng, 108 cửa và 77 khám thờ. Toàn bộ đền có khoảng 100.000 hình tượng Phật, Bồ-tát, hộ pháp..., nên nó được mệnh danh là "đền thập vạn Phật". Đền được nghệ nhân Tây Tạng và Nepal xây dựng, nhìn từ xa người ta thấy cặp mắt Phật, vẽ theo kiểu Nepal. Sở dĩ đền này được gọi là man-đa-la ba chiều vì nó biểu diễn quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo Tây Tạng. Theo Govinda [18], các đền thờ Tây Tạng đều có năm phần, tượng trưng cho năm yếu tố xây dựng nên vũ trụ.

[18] - Govinda, Grundlagen tibetischer Mystik (Cơ sở mật tông Tây Tạng), Scherz Verlag 1994

Phần dưới của đền hình khối, tượng trưng cho yếu tố "đất", bền vững, ổn định. Đó là yếu tố của các chất đặc, nặng, là nền móng của mọi sắc hình. Trên hình khối là hình cầu, có khi hình bán cầu. Hình cầu tượng trưng cho yếu tố "nước", sự luân chuyển, sự di động. Ngược lại với đất, nước có tính bất định và trôi chảy. Trên hình cầu là một hình nón cụt. Hình nón cụt tượng trưng cho "lửa", dáng của nó giống ngọn lửa hướng về phía trên. Trên hình nón cụt là những dĩa, mặt dĩa ngửa về phía trên, nhìn ngang giống như hình bán cầu. Những dĩa tròn này tượng trưng cho "gió" hay không gian. Cuối cùng nằm trên tất cả là một chấm tròn hình nhọn như lửa tượng trưng cho "thức".

Thức chỉ là một chấm, khác với bốn yếu tố khác, nó không có kích thước. Thức chứa đựng tất cả mà không bị hạn chế trong dạng hình nào cả. Thức được biểu diễn bởi một chấm không có kích thước vì nó là giao điểm giữa tầng mức vật chất với một mức độ khác mà ta gọi là tâm linh.

Từ xa đền Kumbum cho thấy nó được xây dựng theo kiến trúc nói trên. Hình khối phía dưới có năm tầng sơn trắng. Phần hình cầu tượng trưng cho yếu tố nước được xây bằng hình ống tròn với bốn cửa sổ. Phần trên là mái điện thếp vàng với bốn cặp mắt Phật nhìn ra bốn phía. Tôi đi vào đền và biết trước mình sẽ không đủ đức tham bái hết 77 khám thờ, mà bản thân mỗi khám thờ lại là một man-đa-la.

Người nước ngoài vào thăm đền hẳn sẽ lạc lối với hàng chục ngàn tranh tượng Phật, mỗi vị có một chút khác biệt. Đối với họ chỉ có một vị Phật lịch sử Thích-ca mâu-ni. Phật tử tiểu thừa hay cả đại thừa, trong số đó có tôi, cũng không dễ hiểu tất cả tranh tượng ở đây. Thế nhưng nếu ta hiểu rằng, hệ thống "ba thân" - Pháp thân, Báo thân và Ứng thân - trong Kim cương thừa đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong triết lý về vũ trụ của Phật Giáo Tây Tạng, ta có thể hiểu các tranh tượng và man-đa-la trong đền Kumbum đều được xếp đặt có thứ tự. Cho nên, bên cạnh quan niệm "năm yếu tố" trong công trình Kumbum đã nói ở trên, ta cần hiểu đền này diễn tả thêm ba dạng xuất hiện của Phật tính trong ba thân, Ứng thân, Báo thân và Pháp thân. Đó là lý do mà các sách vở ghi rằng, đi một vòng Kumbum từ dưới lên trên là đi một vòng, từ vòng tử sinh luân hồi đến Niết-bàn.

Các tầng dưới cùng của điện Kumbum diễn tả hình tướng các vị Phật và Bồ-tát trong dạng Ứng Thân, đó là các vị đã sống thật trên trái đất này như Thích-ca mâu-ni và các đệ tử của Ngài. Người ta có thể nhận ra điều đó qua áo quần, bình bát, cây bồ-đề...Các bức bích họa diễn tả đời sống của Ngài cách đây 2500 năm. Kể cả các tiền kiếp của Phật cũng được xếp vài loại Ứng thân.

Trên những tầng cao hơn là dạng Báo thân của Phật. Đó là những hình tượng diễn tả các vị giác ngộ trong một thế giới khác, trong các cõi Tịnh độ. Đó là hình ảnh của Phật trong kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa với vô số hào quang và bảo vật. Quan trọng nhất, trong dạng Báo thân, các vị Phật xuất hiện thông qua những "mẫu hình cơ bản" [19] của vũ trụ. Đó là năm dạng cơ bản của tâm thức. Vũ trụ quan của Kim cương thừa quan niệm mọi hiện tượng tâm vật trong thế gian đều được xếp thành năm "họ" mà đứng đầu năm họ đó là năm vị Ngũ phương Phật. Nơi đây ta gặp hình tướng năm vị Phật mà đại thừa ít nhắc tới, đó là các vị Đại Nhật, Bất Động, Bảo Sinh, A-di-đà và Bất Không Thành Tựu.

[19] - Trong các sách nghiên cứu phương Tây ta hay gặp từ "Archetype"để chỉ các mẫu hình cơ bản này. Từ này do nhà tâm lý học C.G.Jung nêu lên đầu tiên

Các dạng này cần được hiểu như năm khía cạnh của Phật tính, năm dạng này cũng như những màu của ánh sáng mặt trời bị tách ra khi đi qua một lăng kính. Năm vị Ngũ phương Phật đó vì thế cũng có năm màu sắc khác nhau. Lý do là màu sắc cũng như các loại hình cơ bản khác như năm hướng, ngũ uẩn, năm trí, năm yếu tố (nói trong chương trước) đều được xếp trong các họ đó. Quan niệm về các mẫu hình cơ bản là hết sức sâu sắc và đóng vai trò quan trọng trong nền tâm lý học hiện đại.

Trên tầng cao hơn của Báo thân là dạng Pháp thân với các hình tượng các vị A-đề Phật (Adibuddha) hay Bản sơ Phật. Pháp thân thường được hình dung như một cái gì vô hình vô tướng, không biến hoại. Thế nhưng đối với Kim cương thừa, Pháp thân có thể hóa hiện thành các vị A-đề Phật để giáo hóa mà phái Ninh-mã gọi là Phổ Hiền, phái Cam-đan gọi là Kim cương tát-đỏa (Vajrasattva), phái Cách-lỗ gọi là Kim cương trì (Vajradhara). Trên tầng cao nhất của Kumbum ta thấy một bức tranh trình bày Kim cương trì.

Đi từ dưới lên trên là đi xuyên qua tất cả mọi dạng của đời sống, từ thực tại lịch sử trên mặt địa cầu mà ai cũng thừa nhận, đến các tầng Báo thân mà chỉ có "cặp mắt thiện nghiệp hi hữu" [20] mới thấy được và cuối cùng là Pháp thân, thực tại tuyệt đối tối hậu vượt lên thực tại quy ước, nằm ngoài mọi tri chứng.

[20] - Đoạn văn thường thấy trong kinh sách

Tôi thở nặng nề leo lên những cấp bậc cuối cùng của Pháp thân, bước ra ngoài bao lơn và đứng trên chóp đỉnh của Kumbum nhìn ra bốn phía. Gyantse nằm trên độ cao gần 4000m, cao hơn Lhasa khoảng hơn 300m. Gyantse đã cao mà từ chân đền lên đây ta phải leo 32m nữa. Khoảng cách đó là đoạn đường vô tận từ đời làm người cho đến Niết-bàn mà ngay cả đức Thích-ca cũng tu học qua "vô lượng kiếp". Từ trên đỉnh Kumbum ta lại thấy xung quanh là mênh mông những ngọn núi mà bản thân Gyantse lại chỉ là thung lũng của sông Nyang Chu. Phía dưới chân tôi là đời làm người với bụi và cát. Từ trên này tôi có thể thấy xe của du khách đang đậu chờ chúng tôi và nhiều người Tây Tạng đang vây quanh bán đồ lưu niệm và xin tiền. Tôi nhìn quanh và chợt thấy mình có lẽ là những người ít ỏi trong đoàn lên tới đỉnh của Pháp thân, những người khác xem ra không ai muốn leo vì quá nhọc mệt.

Tôi không thể ở lâu trong dạng Pháp thân. Chờ cho hơi thở trở lại bình thường, tôi lại leo xuống, thế nhân đang chờ tôi.

SHIGATSE VÀ DÒNG BAN-THIỀN LẠT-MA

Nhìn bản đồ, ta thấy Gyantse quả thật là ngã tư của nhiều con đường lữ khách. Cách Gyantse khoảng 300km về phía nam là Gangtok, thủ đô nước Sikkim. Từ Gyantse ta chỉ đi về phía tây thêm 100km là đến Shigatse, đô thị lớn thứ hai của Tây Tạng. Từ Shigatse mà đi về hướng tây nam thêm khoảng 500km là đến Kathmandu, thủ đô Nepal. Mấy năm về trước tại Kathmandu tôi đã ngắm đường đi Tây Tạng, nào ngờ hôm nay tôi đứng trên đất Tây Tạng nhìn về Nepal.

Thế nhưng hướng về miền tây Tây Tạng, lòng tôi rộn rã không vì gì khác mà chỉ vì Ngân sơn [21], nó còn cách Gyantse chỗ tôi đang đứng đến hơn 850km, chỗ đó là niềm mơ ước nhiều năm nay của tôi. Tôi mơ ngày đến Ngân sơn lúc đứng tại cao nguyên Simla tại Ấn Độ mười năm về trước. Đến Ngân sơn là đến núi Tu-di trên địa cầu. Đến Ngân sơn là thăm trú xứ của thánh thần, là đến nơi sinh ra các sông thiêng như sông Hằng của Ấn Độ, như sông Yarlung Tsangpo của Tây Tạng. Nếu đến được đó tôi sẽ đi thêm khoảng 200km nữa là đến Tsaparang, kinh đô tàn tạ của vương quốc Guge. Người ta không thể được tất cả, phải chăng phải còn một chỗ chưa đạt tới để lòng còn mơ ước, tôi tự nhủ.

[21] - Kailash, xem chương "Tháng ngày ấp ủ" trong phần thứ nhất

Đường từ Gyantse tới Shigatse là một con đường đi qua một cao nguyên xanh tươi nằm trên độ cao 4000m, chạy dọc theo con sông Nyang Chu. Nyang Chu chỉ là một con sông nhỏ, nước trong xanh. Tây Tạng là xứ thưa dân, xe chạy cứ cả vài chục cây số mới thấy xuất hiện làng mạc ruộng đồng. Thỉnh thoảng vài tu viện đổ nát hay phế tích nằm cao trên đỉnh đồi hiện ra như một tiếng gọi trầm mặc vang vọng từ quá khứ. Đâu phải chỉ vương quốc Guge, tất cả các triều đại của Tây Tạng đều đang tàn tạ.

Khoảng 20km trước khi đến Shigatse ta có thể thấy tu viện Shalu. Tu viện này mới đầu được xây năm 1040, có kiến trúc hỗn hợp của người Hán và Tây Tạng. Ngày nay ta còn thấy mái của tu viện được lợp bằng một thứ ngói có tráng men xanh của đời nhà Nguyên, đó loại ngói ta hay thấy tại các chùa của Trung Quốc. Ngói này cũng là loại ngói tráng men của các cung điện xứ Huế. Dưới mái ngói này của tu viện Shalu thuộc phái Tát-ca, Buton đã tu học và kết tập kinh điển thành các bộ Kanjur và Tanjur. Trong tu viện Shalu này Buton cũng đã lấy tên của tu viện mà sáng lập ra bộ phái Shalupa.

Xe đến Shigatse lúc trời đã tối. Đây là đô thị lớn thứ hai sau Lhasa và bộ mặt của nó đang dần dần biến thành một thành phố nhỏ của Trung Quốc với các sạp hàng với cửa cuốn bằng kim loại. Lại những cơ quan nhà nước với hai người lính bồng súng trước cửa. Cách đó không xa là các tiệm ăn, trước mỗi tiệm cũng có hai người Hán, nhưng là hai cô gái đứng trước cửa mời chào chúng tôi.

Shigatse đã được xây dựng trên một độ cao 3900m khoảng trong thế kỷ thứ 13. Shigatse có một tu viện nổi tiếng, đó là Tashilhunpo, nó được kiến lập năm 1447. Tu viện này do các đệ tử của Tông-khách-ba trụ trì. Nó nổi tiếng ở chỗ các sư trưởng đầu tiên của nó chính là vị Đạt-lai thứ nhất và thứ hai và các vị sư trưởng thừa kế được gọi là Ban-thiền lạt-ma. Khi vị Đạt-lai thứ năm lên ngôi thì vị thầy của ông tên là Choki Gyeltshen (1475-1542] được phong làm Ban-thiền đời thứ tư.

Vì Đạt-lai là hiện thân của Quán Thế Âm nên Ban-thiền, thầy của Đạt-lai được xem là hiện thân của A-di-đà. Các vị Đạt-lai và Ban-thiền được xem là đời đời làm thầy trò của nhau, vị này ấn chứng cho vị kia khi một vị được khám phá là mới tái sinh. Potala là cung điện của dòng Đạt-lai và Tashilhunpo là tu viện của dòng Ban-thiền. Hai dòng đều có trách nhiệm giáo hóa của mình nhưng công việc chính sự chỉ do các vị Đạt-lai nắm giữ. Thế nhưng trong thế kỷ hai mươi, với sự có mặt của Trung Quốc, vấn đề không còn đơn giản như thế.

Tôi đến tu viện Tashilhunpo, từ xa đã thấy mái điện mạ vàng sáng rực. Điện có nhiều công trình, được bao bọc xung quanh bởi một lớp tường thành mà tín đồ Tây Tạng nào cũng đi một vòng trước khi bước vào. Toàn thể công trình của điện chiếm một diện tích 150.000 mét vuông. Điện được xây dựng để thờ Di-lặc, vị Phật tương lai và vì thế trong chính điện ta thấy ngay bức tượng vĩ đại của Ngài với chiều cao 27m, đúc toàn bằng đồng. Tôi yêu tượng Di-lặc của Tây Tạng hơn cách trình bày Ngài của Trung Quốc. Mỗi lần đến đảnh lễ tượng Di-lặc của Tây Tạng tôi đều nhìn lên để thấy cặp mắt xanh biếc đầy trí tuệ của Ngài.

Tôi nhớ Ung Hòa cung tại Bắc Kinh với bức tượng Di-lặc cao 18m đẽo từ một cây gỗ trầm hương. Nơi đó Ngài đã nhắc tôi "không có gì được thành tựu hết". Đó là cách nói của Ngài mà ngày nay ta sẽ nói một cách hiện đại là "không có gì tồn tại trên cơ sở tự tính cả" [22]. Bức tượng tại Tashilhunpo cao hơn tại Ung Hoà cung, cặp mắt Ngài vẫn xanh biếc, hình như nhìn ngắm những gì diễn ra tại Shigatse lịch sử này một cách bí ẩn và hóm hỉnh. Vì rằng những gì xảy ra tại Shigatse cũng chẳng có tự tính, tất cả đều dựa lên nhau mà thành.

[22] - Phạn ngữ: svabhavasiddhi (siddhi: thành tựu), Anh ngữ: inherent existence

Điều gì đã xảy ra tại Shigatse và Tashilhungpo? Đã từ lâu Trung Quốc tìm cách chia rẻ hai dòng Đạt-lai và Ban-thiền. Khoảng năm 1924 Đạt-lai thứ 13 và Ban-thiền thứ 9 có mâu thuẫn với nhau, kể từ khoảng thời gian đó ta có thể nói Ban-thiền chủ trương thân Trung Quốc, còn quan điểm của Đạt-lai là duy trì và phục hồi nền độc lập chính trị của Tây Tạng. Khi Trung Quốc tiến quân vào Tây Tạng và Đạt-lai thứ 14 lưu vong đi Ấn Độ năm 1959 thì sau đó vị Ban-thiền thứ 10 cũng bị giam lỏng tại Bắc Kinh. Đến năm 1978 Bắc Kinh bỗng nhiên tôn vị Ban-thiền lên làm phó chủ tịch Quốc hội.

Mưu kế đó không mới mẻ cho lắm, chẳng qua là một biện pháp chính trị để giữ "mặt trận đoàn kết dân tộc". Tháng giêng năm 1989, Ban-thiền được về lại Shigatse, đến tu viện Tashilhunpo để làm lễ tế tự cho tháp mới xây của các vị Ban-thiền từ thứ 5 đến thứ 9. Trong buổi lễ đó, bỗng nhiên Ban-thiền thứ 10 chết, lúc đó ông mới 51 tuổi. Ông ít khi được về lại Tashilhunpo, nay về lại tu viện của mình sau khi bị giam lỏng và chết ngay tại lúc tế tự các tiền thân của chính mình. Bí ẩn thay cái chết của ông. Về mặt chính thức thì ông chết vì bịnh tim, nhưng ai biết được điều gì đã xảy ra.

Ngày nay tại Tashilhunpo khách có thể đi thăm tháp thờ di cốt hai vị Đạt-lai thứ nhất và thứ hai, tháp của các vị Ban-thiền thứ 5 đến thứ 9. Và kể từ khoảng 10 năm nay có thêm tháp của vị Ban-thiền thứ 10 mà hình chụp của ông cho thấy là một người thông thái và khỏe mạnh. Dưới chân Di-lặc bao nhiêu điều đã xảy ra, hẳn chỉ có Ngài mới biết rõ. Đối với Di-lặc, cái chết hiển nhiên không phải là sự chấm dứt. Còn đối với tôi, cái chết bí ẩn của Ban-thiền chỉ lập lại thêm một lần nữa, là Phật giáo hãy xa rời triều đình và quyền lực, hãy bỏ lại đằng sau "tám bận tâm thế gian" [23].

[23] - "Bát phong": Được, mất; vinh, nhục; khen, chê; vui, khổ. Thơ Hàn Sơn "Bát phong xuy bất động" (Tám gió thổi chẳng động)

Sau khi Ban-thiền thứ 10 chết, dĩ nhiên người ta đi tìm thân tái sinh của ông. Theo nguồn tin chưa chính xác, vị Đại-lai hiện nay đã xác định một thiếu niên sinh đầu những năm 90 là hậu thân của ông. Thế nhưng không ai tiết lộ thiếu niên này hiện đang ở đâu vì lý do an ninh. Còn những người lãnh đạo Bắc Kinh cũng tuyên bố đã tìm ra hậu thân của Ban-thiền thứ 10. Buồn cười thay, họ đâu tin có sự tái sinh mà phải cất công đi tìm và ngày ngày phải lo cung dưỡng vị đó tại Bắc Kinh. Ngày nay tại Tashilhunpo hình của thiếu niên đó do Bắc Kinh "ấn chứng" được thờ như Ban-thiền thứ 11. Hỡi Di-lặc, cái nhìn của Ngài có gì bí ẩn và hóm hỉnh?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play