Tôi vẫn mơ một ngày Tết Nguyên đán được về thăm quê, đi lại trên sườn núi Ngự Bình, giữa khí trời se lạnh và nắng mới lên, tôi sẽ được ngửi mùi hương trầm bay phảng phất trong gió.

Sau hơn nửa đời người tôi đã nhận ra một điều là mùi, cái mà ta cảm nhận bằng mũi, là cái để lại trong lòng sâu đậm nhất, hơn hẳn những gì ta nghe hay thấy. Hình như những cảm quan càng khó nắm bắt bao nhiêu, chúng càng đậm đà bấy nhiêu mà mùi hương hẳn phải thuộc vào loại đó. Và đối với tôi, mùi hương là thứ cảm quan theo tôi suốt gần cả đời!

Hồi còn nhỏ gần nhà tôi có một bà già bị điên. Hồi trước bà là người làm hương đem bán. Nhiều người kể bà ta bị điên vì lấy chân chà xát bột hương. Tôi rùng mình ghi nhớ. Về sau khi lớn lên tôi nghe ai kể, mùi hương trầm là thức ăn của Quỷ thần, thắp hương là mời các vị ấy đến, tôi nghe càng thấy sợ. Lớn lên, được biết rằng nếu Quỷ thần mà có thật thì tâm lý của họ cũng như con người, cũng muốn được mời mọc tôn kính, tôi hết sự và thấy nơi cây hương là phương tiện tỏ lòng kính mộ. Chỗ nào có thắp hương là chỗ đó có lòng trọng vọng. "Nguyện đem lòng thành kính, Gửi theo vầng mây hương".

Hương nhang làm bằng gì tôi không rõ nhưng nó rất khác nhau, nội màu cây hương đã khác, chưa nói đến mùi thơm. Hương ở Huế có màu vàng sáng, của nơi khác trong nước màu đậm hơn. Ở Ấn Độ hương hầu như màu đen. Tại Trung Quốc hương có mùi giống hương Việt Nam, nhưng lạ thay, cây nào cây nấy to như que củi. Tôi vẫn hâm mộ hương của người tàu, nghĩ hương họ làm phải rất thanh nhã, từng vòng nhang nằm như một cái đĩa, xếp từng khoanh tròn.

Hay loại hương trong đại lục Trung Quốc ngày nay đã khác? Tại Lhasa Tây Tạng, hương có màu hơi đỏ nhưng không có chân, đốt nó lên là cháy từ ngọn đến gốc. Mùi hương thì lại càng khác nhau, có mùi thơm thoang thoảng thoát tục, có mùi đậm hơn, có mùi khác đầy hương thơm trần tục. Thế nhưng tôi không dám chê, đâu phải dành cho mình mà phê bình,tôi tự nhủ. Cả khi gặp những nơi người ta thắp hương quá nhiều, ai cũng than ngộp, tôi cũng thấy không sao, đây đâu phải chỗ chơi đùa thoải mái, đây là chỗ giao tiếp giữa thần và vật mà.

Do hay quí trọng hương, tôi bất mãn khi mới đến Ấn Độ trong những dịp đầu tiên. Nơi đó người ta xem ra ghiền mùi hương như bên ta có người ghiền dầu gió. Vào ngồi chiếc taxi cũ kỹ của họ tôi đã thấy ngay cây hương. Có lúc tài xế biết ý, họ dập hương nhưng mùi hương nặng nề này vẫn còn. Quỷ thần đâu đi taxi, tôi tự nhủ. Thế nhưng khi thấy họ treo hình các vị thần Ấn Độ giáo, tôi sực nhớ tài xế xe đò của ta cũng hay thắp hương cầu tai qua nạn khỏi, tôi lại thấy lòng trân trọng, họ cũng cầu cho mình bình yên đó thôi.

Tôi nhớ bước đường lữ hành đã đưa mình lên núi Linh Thứu ở Ấn Độ. Nơi đây không chỉ có Quỷ thần tầm thường thôi mà còn các vị đại Bồ-tát đã tụ tập nghe Phật giảng pháp và theo nhiều người nói thì "hội Linh sơn" này còn đang tiếp diễn, người thường như tôi không nghe thấy được. Tại buổi chiều đầy gió hôm đó, trên đỉnh núi không cao hơn núi Ngự Bình bao nhiêu, tôi tiếc sao mình không có cây hương để tỏ lòng thành kính với chỗ Phật Thích-ca đã từng sống sáu năm, chỗ mà mười ba thế kỷ trước, Pháp Hiển, Huyền Trang lặn lội từ Trung Quốc đến đây, chỗ mà các tăng sĩ Việt Nam cũng đã đến tham bái từ thế kỷ thứ tám. May thay vài sị sư Thái Lan đang có mặt tặng tôi vài cây hương. Hương của họ không khác hương ta bao nhiêu, hôm đó vầng mây hương bay tạt trong gió chiều, quả nhiên tôi không nghe thấy được hội Linh sơn, chỉ nhận ra lòng xúc động của mình.

Lần sau đến Ấn Độ tôi đi thăm Lâm-tì-ni, chỗ Phật sinh, lần này tôi có hương Việt Nam trong ba lô. Đi vòng quanh đền thờ chỗ sinh Phật ngày nay chỉ còn nền gạch, tôi tìm cách cắm hương và khám phá ra nền móng với các viên gạch đỏ thẫm đó không hề có một kẽ hở để nhét chân hương vào. Về mặt xây dựng, các công trình này không phải tầm thường, tôi tự nhủ, vì thế mà nó còn tồn tại tới ngày nay. Còn về tính chất thiêng liêng thì chỗ này là thánh địa, Quỷ thần tầm thường chắc không dám tới. Tôi cắm hương trên thân cây gần đó, lòng thấy an lạc.

Vài ngày sau tôi đến vườn Lộc Uyển, chỗ Phật "chuyển pháp luân". Đây là nơi gần thành phố Varanasi quốc tế nên du khách rất đông. Một đoàn người Nhật đi chiêm bái đang tụng kinh nhưng lạ thay họ không thắp hương. Tôi rút hương Việt Nam ra. Kinh tiếng Việt tôi còn không thuộc nói chi tiếng Nhật nên chỉ biết đứng nghe tiếng tụng du dương. Tôi đoán họ tụng kinh Vô ngã tướng, kinh mà Phật thuyết đúng chỗ này. Tiếng tụng kinh tiếng Nhật hòa với khói hương Việt Nam bay trong nắng sớm.

Đi Trung Quốc có chỗ nào mà tôi không thắp hương. Từ Vân Cương thạch động miền tây bắc hiểm trở đến Phổ Đà sơn nằm ngoài hải đảo phía đông nam xa xôi, tất cả đều là những công trình to lớn của tiền nhân sống trước chúng ta hàng ngàn năm. Từ chùa Linh Aån ở Hàng Châu đầy người cho đến đỉnh Nga Mi không khí loãng, ở đâu cũng đã có ai xây dựng những bức tượng từ bi nhìn khói hương bay trong gió. Trên bước đường đó tôi vái lạy tất cả, từ các vị Phật Bồ-tát cho đến các vị thánh nhân như Lão Tử trên núi Thanh Thành hay Khổng Tử, vị vạn thế sư biểu. Xúc động biết bao được thắp hương nơi Lưu Bị từ trần tại thành Bạch Đế hay trong đền Vũ Hầu tại Tứ Xuyên, nơi thờ Khổng Minh, Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, những con người trung liệt cổ kim ít có.

Đến Tây Tạng, tại Jokhang, tôi lại không có chỗ cắm hương trước tượng "Đức hạnh cao quí", chỉ biết nhét cả bó vào một hông cửa sắt bên cạnh khám thờ. Tôi không đành đặt hương trên mặt đất nhơm nhớp mỡ trâu Yak của điện thờ đức Thế Tôn. Quả nhiên nền đất không sạch, sau khi đảnh lễ Ngài, đầu gối quần tôi có hai vết đen khó giặt.

Có dịp đi nhiều vùng của đất nước ta, tìm hiểu nơi chốn và lịch sử, có nơi nào mà tôi không thành kính và vì thế hầu như chỗ nào tôi cũng thắp hương. Thắp hương ở Chùa Thầy để tỏ lòng hâm mộ Từ Đạo Hạnh, người trong một đời mà từ bỏ hắc đạo để thành Phật thành Tiên, nghe giống đời Milarepa của Tây Tạng. Thắp hương ở chùa Tây Sơn để tưởng nhớ các vị Phật thời chiến tranh cũng phải đi sơ tán. Tại Tam Cốc, thắp nhang trong một đền nhỏ thờ các nhà vua đời Trần, các nhà vua phi thường của dân tộc đã để lại cho con cháu một bờ cõi xinh đẹp và một nền văn hóa thâm hậu.

Nhưng không phải chỉ những danh tài xuất chúng của dân tộc mới đáng kính trọng. Làm nên sự nghiệp đó các vị cần vô số những con người khuyết danh. Một ngày nọ tôi đi cùng với một người bạn từ Hà Bắc về Hà Nội, chúng tôi rẽ qua một con đường ít người đi. Người bạn đến thăm mồ người em vốn là chiến sĩ hy sinh được cải táng trong một nghĩa trang liệt sĩ nơi đây. Vì cải táng anh không biết chính xác đâu là mồ em mình.

Vì thế chúng tôi thắp hương cho mấy chục cái mồ khuyết danh, không bỏ sót ai, ai cũng là anh em cả. Đó là một chiều mưa, trong bóng tối, hương đỏ rực cả một triền núi, mùi thơm lan tỏa mười phương. Tôi nghe người anh ngậm ngùi kể về em mình và bỗng thấy rằng mùi hương không chỉ chuyển lòng thành kính của người đến Quỷ thần mà đó là chiếc cầu nối làm bằng tình thương và tình thương mới là cái chủ yếu. Đối với tôi thì chiến sĩ tử trận, dù trong chiến tuyến nào, họ cũng đều đáng kính trọng cả. Trên cương vị và hoàn cảnh của mình, họ đã chiến đấu quên mình và anh dũng cho niềm tin và lý tưởng của họ.

Nhưng tại sao chỉ loài người mới là anh em. Trong những chuyến đi dài, nếu có dịp thì am miếu sơn thần thủy quái cũng được tôi gửi lời chào hỏi. Lần nọ tại vịnh Hạ Long, đi thuyền thúng vào một chiếc hồ con, tôi lên bờ vái chào một chiếc miếu hiu quạnh. Lần đó có hai người nước ngoài đi theo, thấy chúng tôi làm thế họ cũng bắt chước xá chào thành kính. Quỷ thần nước Nam thấy người Âu tôn kính mình chắc cũng không khỏi lấy làm thú vị.

Vừa qua đến lại lăng Tự Đức xứ Huế, tôi thấy gần đó người ta sản xuất và phơi hương đầy ngõ, màu sắc rực rỡ. Hương được hong từng bó lớn, chân bị buộc chặt, thân xòe ra phơi nắng. Màu vàng sáng của hương xứ Huế làm ta thoạt nhìn tưởng như những đóa cúc vàng cực lớn. Tôi hỏi chuyện làm hương phơi hương rồi giả vờ hỏi: "Đây có ai chà hương bằng chưn không đó?". "Có mà điên", mọi người trố mắt nhìn tôi, chắc họ rủa thầm.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play