Tôi ít
bị nhức đầu nhưng tại Lhasa, chứng này làm tôi mất ngủ. Thế nhưng tôi sớm biết
lý do, nguyên nhân là do áp suất không khí. Trên độ cao này áp suất không khí
thấp, lượng dưỡng khí loãng làm cho máu huyết mất thăng bằng và đó là lý do
nhức đầu. Có một điều mà tôi không hề ngờ là mặt tôi vốn gầy nay to tròn ra, nó
cũng là hệ quả của áp suất không khí.
Có một
người Trung Quốc trong đoàn du lịch, anh là dược sĩ cho tôi một thứ thuốc
"chống độ cao", nó được hòa tan vào ly nước và uống như uống trà. Tôi
thử ngay. Tôi còn thấy một người Âu mang trên mũi một miếng băng như một vài
cầu thủ bóng đá hay mang, tôi đoán là miếng băng đó "bơm" thêm dưỡng
khí cho mũi. Nói thế nhưng tôi không hiểu hiệu quả các thứ đó ra sao chỉ thấy
mình càng ngày càng bình thường dần. Phải chăng thân thể tôi đã tạo thêm nhiều
hồng cầu để tiếp máu, theo lời một anh bác sĩ. Anh nói nhiều vận động viên muốn
thêm hồng cầu trước khi thi đấu phải lên ở vài ngày cỡ độ cao này. Thế nhưng
chứng mất ngủ vẫn còn dù tôi có thử uống bia để dễ ngủ.
Lhasa
cũng có nhà máy bia, đó là điều làm tôi ngạc nhiên. Nhãn hiệu của họ ghi một
cách hãnh diện rằng, đó là nhà máy bia cao nhất thế giới. Tôi thích uống bia
local, đó là cách uống bia bình dân nhưng đúng điệu, đi đâu uống bia xứ đó. Đến
Lhasa dĩ nhiên tôi càng uống bia sản xuất tại chỗ, nước làm bia hẳn là thứ nước
trong vắt và tinh khiết chảy từ Hy-mã lạp sơn ra. Dĩ nhiên là nhà máy bia Lhasa
do người Hán đem lên đây xây dựng nhưng nghề làm bia thật ra cũng là một nghề
thủ công của người Tây Tạng xa xưa. Thứ bia cổ truyền của Tây Tạngï mà tên gọi
là "Chang" làm bằng một loại lúa mạch, thực ra cũng là một thức uống
của giới mật tông, được uống trong lễ ra mắt giữa thầy và trò.
Tôi nhớ
đến câu chuyện của Gampopa [6], học trò của Milarepa, khi gặp thầy đầu tiên.
Gampopa mới đầu theo học dòng Cam-đan của A-đề-sa với giới luật hết sức nghiêm
khắc, cấm uống rượu. Về sau Gampopa thấy không thích hợp với đời sống tu viện,
ông ra đi, trở thành du sĩ. Trên đường du phương Gampopa gặp Milarepa, vị này
mời ông uống bia Chang vì cặp mắt thánh nhân của ông đã thấy Gampopa chính là
học trò của mình. Gampapo từ chối không uống vì lòng còn mang nặng giới luật.
Milarepa nhổ nước bọt vào mặt Gampopa, khinh bỉ thái độ câu chấp. Hành động này
lại đúng với một giấc mơ tiên tri của Gampopa khi đi tìm đạo sư, trong giấc mơ
ông bị nhổ nước bọt vào mặt. Gampopa liền chụp sọ người đựng bia, uống một hơi
và sau đó ở lại bên thầy ba năm học đạo và giác ngộ. Ngày nay tác phẩm Bồ-đề
đạo thứ đệ của Gampopa vẫn còn là sách giáo khoa cho tu sĩ Tây Tạng.
[6] - Gampopa dịch âm là Đạt-bảo Cáp-giải (1079-1153]
Theo
truyền thống bia Chang, ngày nay người Tây Tạng cũng thích uống bia như người
Hán. Nhưng may thay, bia Lhasa không đựng trong sọ người mà trong chai, chai
của họ thường là loại chai 0,7 lít. Thế nhưng những người Tây Tạng sang trọng
không uống bia đựng trong sọ người, chẳng uống bia chai mà uống bia lon, cho
rằng như thế mới là quí tộc. Thế nên bia lon của loại bia Thanh Đảo kể cả bia
lon nước ngoài cũng lên tới cao nguyên Tây Tạng. Và dĩ nhiên ngày nay người ta
uống bia là để lơ mơ chứ không phải để đi tìm sự giác ngộ như Gampopa nữa. Tôi
uống bia cũng chẳng để tìm sự giác ngộ mà tìm giấc ngủ nhưng giấc ngủ vẫn không
đến.
Tuy
không ngủ bao nhiêu nhưng trên cao nguyên này tôi tỉnh táo một cách kỳ lạ. Hình
như khí trời trong và sắc màu lạ lùng ở đây làm đầu óc con người mở rộng, dễ
tiếp thu, dễ cảm nhận. Đó là điều mà Govinda và bà David-Néel đều nói tới. Và
điều tôi cảm nhận được nhất là lòng hiếu khách của người dân Tây Tạng. Mang một
bộ mặt của người Hán, tôi tưởng mình dễ bị người dân Tây Tạng có thái độ khó
chịu hay thù địch. Thực tế không phải thế, người Tây Tạng rất thân thiện với
nhau, với khách nước ngoài, với tất cả mọi người.
Khi xe
chở khách chạy ngang gặp người dân địa phương, tôi thấy lúc nào họ cũng hồn
nhiên vẫy tay chào hay đứng nhìn chờ đợi một cử chỉ thân thiện để vội chào đáp
lại. Trên cao nguyên bao la với hàng triệu cây số vuông và với chỉ vài triệu
dân, con người quá ít, quá quí, quá hiếm lúc gặp nhau nên truyền thống của họ
là đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau lúc đi đường. Điều đó còn ghi đậm nét tới ngày hôm
nay. Họ không có thái độ coi nhau như đối thủ mà các vùng với mật độ dân cư cao
hay có.
Người
Tây Tạng hẳn phải giống người Mông Cổ hơn người Hán xa. Nét mặt của họ rất đặc
trưng, hai gò má cao, da nâu đen vì ánh mặt trời quá trực tiếp. Thân thể họ cao
lớn và mạnh khoẻ, họ phải là người chuyên đi ngựa trên vùng rẻo cao này. Đặc
tính của người Tây Tạng là vừa rất sùng tín vừa rất dũng cảm. Về đời sống xã
hội và tâm linh, phải nói là họ sống hoàn toàn khác chúng ta, khác người Việt
người Hán. Đối với họ sống là để phục vụ đạo pháp, đời sống vật chất chỉ là
phương tiện thuần túy để vươn lên tới những đỉnh cao tâm linh. Quan niệm sống
đó không hề chỉ được giới hạn trong các tầng lớp học thức mà bàng bạc trong
toàn xã hội, kể cả trong những người không biết đọc biết viết.
Vì những
lẽ đó mà họ không sợ cái chết mà cái chết đối với họ chỉ là một giai đoạn trong
vòng sinh tử miên viễn. Thậm chí cái chết còn phải là cơ hội để cho họ bố thí
thân thể mình cho chim muông ăn thịt, đó là lý do của tục "điểu táng"
mà tại tu viện Drepung tôi được thấy một bãi đất dành cho tục lệ này. Nếu đã hy
sinh được thân mình cho chim muông thì họ chẳng tiếc gì phải xả bỏ thân mình
cho niềm tin tôn giáo, đó là động cơ sâu xa của lòng dũng cảm vô bờ của họ.
Ngày nay nhiều sách vở còn nhắc lại những chuyện thực đầy anh dũng của các tu
sĩ và tín đồ nam nữ Tây Tạng khi bảo vệ đất nước và tu viện của họ chống lại
quân đội người Hán. Ngày nay nếu Tây Tạng có một nền hòa bình tạm thời là vì vị
Đạt-lai lạt-ma chủ trương bất bạo động chứ thật ra người Tây Tạng không ngán
ngại một lực lượng nào cả.
Chủ
trương của vị Đạt-lai thật ra không làm vui lòng tất cả người Tây Tạng. Ngồi
trên xe đi giữa đường phố Lhasa, thấy những cảnh tượng bình thường, tôi còn
buồn lòng huống hồ gì người Tây Tạng. Đường Bắc Kinh đông lộ dẫn tôi về trung
tâm thành phố chạy ngang một tòa nhà vĩ đại mang tên China Telecom, nó được lắp
bằng kính rực rỡ, phía trước hai người lính bồng súng đứng yên như tượng. Có
người Tây Tạng nào vào đó để gọi điện, tôi tự hỏi. Nhưng tại sao lại có lệ lính
bồng súng đứng canh, tại chính mẫu quốc tôi không thấy có. Đi thêm một đoạn là
"Trung Quốc ngân hàng", tòa nhà cũng bề thế vĩ đại, cũng lính đứng
canh, ai sẽ vào đó để gửi tiền, lấy tiền?
Người
Hán có thói quen là xây đường rất rộng, quãng trường rất lớn, Bắc Kinh cũng như
Thành Đô đều như thế cả. Tại Lhasa họ cũng xây những đông lộ, tây lộ rất rộng,
các nhà mặt tiền nằm san sát cửa sắt, vách lợp gạch men trắng. Đó là kiểu đô
thị của Tứ Xuyên đem lên Lhasa. Họ xây hàng trăm cửa hàng giống nhau như những
giọt nước và cho người Tây Tạng thuê làm ăn buôn bán. Mỗi bảng hiệu đều phải đề
chữ Hán trân trọng, to lớn ở giữa, phía trên được ghi chữ Tạng. Các bảng hiệu
đó lại giống hệt nhau, chỉ tên gọi và hàng hóa là khác. Và đi ngoài đường, ngày
nay đâu chỉ có người Tây Tạng mà người Hán xem ra đông hơn, ta chỉ cần nhìn áo
quần là biết. Hỏi ra, người Hán có chủ trương di dân đi Tây Tạng, ai lên trên
vùng giá lạnh và khí loãng đó mà định cư sẽ được nhiều thuận lợi của Nhà nước
ban cho.
Nhìn
những người Tây Tạng đi lầm lũi trên phố xá bỗng tôi nhớ thời bắc thuộc của
Việt Nam mà mình chỉ biết trong sách vở. Chắc những người Hán chỉ có một bài
duy nhất, đó là sự đồng hóa dân địa phương bằng chính sách di dân, bằng tiếng nói,
bằng văn hóa, bằng phong tục tập quán. Nhưng không phải chỉ có thế, tôi tự nhủ
khi thấy một đoàn cồng-voa với khoảng trên 30 chiếc xe quân sự bít bùng với
những tài xế người Hán trẻ măng, tay mang găng trắng, xem ra từ đường xa mới
đến Lhasa. Lòng tôi bực dọc vô cớ, lái xe trong mùa hè sao lại mang găng, họ là
ai trong đất nước này mà mặt mày tỏ vẻ lạnh lùng kiêu ngạo? Những người áo quần
màu thẫm vẫn đi lầm lũi dưới đường. Ôi, đáng thương thay, một nước chậm tiến bị
một nước chậm tiến đô hộ.
Không
phải chỉ có ngôn ngữ, văn hóa và súng ống Trung Quốc có mặt tại Tây Tạng mà còn
thêm một mãnh lực khác, đó là tiền bạc, tiền đô-la và nhân dân tệ. Mãnh lực này
đã xâm chiếm toàn thế giới, nó đâu dừng lại trước biên giới nào, dù là biên
giới tâm linh độc đáo của Tây Tạng. Tôi không khỏi đau lòng khi thấy dân Tây
Tạng tranh nhau bán đồ lưu niệm cho người nước ngoài, tài xế tắc-xi dối trá với
khách để thêm được vài đồng "nguyên" [7], những lao động cấp thấp
phục dịch cho người Hán trong các tiệm ăn, khách sạn, tour du lịch để được chút
tiền ít ỏi. Tại Tây Tạng ngày nay người chi tiền là khách nước ngoài, người
nhận tiền bằng ngoại tệ mạnh hay bằng thẻ tín dụng là người Hán, của rơi rớt
dành cho người bản xứ. Đó là công thức kinh tế tài chánh đơn giản. Hơn mọi yếu
tố nào hết, đồng tiền sẽ xói mòn nền văn hóa Tây Tạng, nó là sức mạnh khó chống
lại nhất, liệu lòng sùng tín và sự dũng cảm có khả năng đương đầu?
[7] - Yuan, đơn vị nhân dân tệ, mỗi đô-la Mỹ trị giá
khoảng trên 8 "nguyên" (năm 2000]
Tôi nhớ
Patrul Rinpoche [8], ông là vị đạo sư Tây Tạng sống gần thời với chúng ta. Ông
là du sĩ giác ngộ, được nhiều người cúng dường tặng phẩm. Chuyện kể, ông xem
vàng bạc cũng như đất đá, từng dùng một miếng bạc cùng hai cục đá kê nồi nấu
trà. Một người vô gia đình và nội tâm giàu có thì quả thật có thể làm như thế.
Tôi nhớ Milarepa, thầy của Gampopa, gia tài chỉ có một chiếc nồi. Ngày nọ nồi
bể, ông ca những lời sau: "Chiếc nồi cũng là thầy, Dạy quy luật vô
thường". Hạnh phúc thay, những người đã thoát khỏi ràng buộc.
[8] - Một đạo sư quan trọng của dòng Ninh-mã, sinh 1808,
mất 1887
TU VIỆN
DREPUNG
Như đã
nói, Trisong Detsen được xem là nhà vua có công du nhập Phật Giáo vào Tây Tạng.
Trong thế kỷ thứ tám vì có nhiều trường phái Phật Giáo khác nhau cùng thịnh
hành nên nhà vua thấy cần phải thống nhất quan điểm rõ ràng. Sau nhiều cuộc
tranh luận ông đưa ra ba chủ trương rõ rệt. Một là, về mặt giới luật, Tây Tạng
theo phương pháp của phái Nhất thiết hữu bộ trong cách đào tạo tăng sĩ. Hai là,
về mặt triết học, Phật Giáo Tây tạng theo quan điểm của phái Trung Quán bắt
nguồn từ Long Thụ. Ba là, về mặt thiền định thì chủ trương theo pháp thiền định
của mật tông [9].
[9] - 1894-1984
Ta cần
biết rằng Nhất thiết hữu bộ là một nhánh của Tiểu thừa, phái Trung Quán là đỉnh
cao triết học của Đại thừa và thiền định mật tông bắt nguồn từ Kim cương thừa
nên có thể nói không sai là Phật Giáo Tây Tạng mang tất cả các nét của ba nguồn
giáo pháp Phật Giáo. Đó là thời kỳ truyền giáo lần thứ nhất, nó chấm dứt khoảng
giữa thế kỷ thứ 9 và gây dấu ấn mạnh nhất lên phái Ninh-mã (Nyingmapa) của Tây
Tạng. Muốn hiểu xã hội Tây Tạng ta cần hiểu tăng sĩ Tây Tạng vì không có nước
nào trên thế giới mà hình ảnh tăng sĩ đậm nét trong xã hội như trong nước này.
Như trên có nói, kể từ Trisong Detsen, tăng sĩ Tây Tạng được đào tạo dựa trên
giới luật của Nhất thiết hữu bộ, áp dụng trong môi trường địa phương cụ thể của
Tây Tạng.
Tu sĩ
Tây Tạng có sáu cấp bực. Mức đầu tiên là cư sĩ, đó là những người tại gia, giữ
năm giới luật. Trong mức đầu này cũng có những người xuất gia phụng sự trong
các tu viện, tương tự như cận sự nam (hay nữ) ở Trung Quốc. Mức thứ hai được
gọi là sa-di, đó những tiểu tăng được thụ 36 giới với số tuổi khoảng bảy tám
tuổi. Mức thứ ba là tỉ-kheo, được thụ giới sớm nhất là 20 tuổi. Tỉ-kheo Tây
tạng có đến 150 giới luật phải được tôn trọng. Mức độ thứ tư được gọi bằng
tiếng Tây Tạng là Geshe, đó là học vị có thể dịch là "tiến sĩ Phật
học".
Muốn trở
thành Geshe, tăng sĩ phải nắm vững năm lĩnh vực. Đó là Luật tạng, A-tì-đạt-ma
luận(Abhidharma, có khi được gọi là Thắng pháp tập yếu luận), toàn bộ Kinh
Bát-nhã ba-la-mật nhất là Kinh Kim Cương, Trung quán luận và triết lý Tính
Không và cuối cùng là Nhân minh luận, nhất là của Trần-na(Dignana) và Pháp Xứng
(Dharmakirti). Thường thì người ta cần khoảng 12 năm mới lĩnh hội được năm lĩnh
vực nói trên và phải trải qua nhiều kỳ sát hạch vấn đáp. Vị Đạt-lai lạt-ma thứ
14 hiện nay cũng phải tốt nghiệp Geshe như mọi tăng sĩ cao cấp khác.
Với mức
thứ tư, tuy người tăng sĩ đã được đào tạo rất sâu nhưng ông mới xong ngưỡng cửa
của tiểu thừa và đại thừa. Đó là mức độ cao cấp nhưng kiến thức vẫn còn từ sách
vở sinh ra. Mức thứ năm chính là nơi mà tăng sĩ được đào tạo trong các phép mật
tông, bằng lý thuyết và thực nghiệm. Lúc đó người tăng sĩ được gọi là Gyupa,
"quán đỉnh". Đó là lúc tăng sĩ đi vào truyền thống mật thừa, đi vào
mối quan hệ riêng của thầy-trò. Trong phái Cách-lỗ thì tăng sĩ chỉ đi vào mức
thứ năm sau khi đã thật vững vàng về các giáo pháp của tiểu thừa và đại thừa.
Còn
trong các phái khác thì ít nghiêm khắc hơn, có khi tăng sĩ được trực tiếp đưa
vào mật tông mà chưa đi qua các bước nói trên. Các vị Gyupa là đặc biệt quan
trọng trong Phật Giáo Tây Tạng vì đó là những người không được đào tạo bằng
kinh sách mà là những kẻ đã thực chứng và dạy học trò bằng phép truyền tâm. Nếu
họ chết đi mà không kịp trao truyền lại cho hậu thế thì dòng truyền thừa của họ
tuyệt diệt.
Mức thứ
sáu là Khenpo, đó là các vị sư trưởng đứng đầu các tu viện hay các vị đại sư.
Các vị sư trưởng là người cho phép các vị tăng khác quán đỉnh hay thụ giới. Các
vị Khenpo đều phải là những người được Đạt-lai lạt-ma ấn chứng.
Ta hay
nghe từ "Rinpoche" nói về các vị tăng sĩ Tây Tạng. Rinpoche có nguyên
nghĩa là "cao quí" được dành chỉ cho cấp tăng sĩ thứ tư trở lên. Đặc
biệt từ "lạt-ma" lẽ ra chỉ dành để chỉ chung cho các vị từ cấp thứ
năm trở lên nhưng ngày nay các sách vở phương tây sử dụng tùy tiện, cứ mỗi tăng
sĩ được gọi là "lạt-ma".
Trong
Phật Giáo Tây Tạng có thêm một đẳng cấp rất đặc thù, đó là các vị tái sinh
Tulku, được xem như thân tái sinh của một lạt-ma cao trọng đã chết. Người Trung
Quốc gọi các vị này bằng tựa "tự tại chuyển thế". Các vị này thường
được "khám phá" trong số tuổi sáu bảy và được thọ giới cũng như học
tập ngay. Thường các vị đó lĩnh hội rất nhanh, chưa tới 30 đã đạt danh hiệu
Geshe và sau đó thường đảm nhiệm vai trò của đời sống cũ, thí dụ trở thành tu
viện trưởng tại những tu viện ngày xưa.
Quanh
Lhasa có ba tu viện lớn nhằm đào tạo tăng sĩ tới cấp bực thứ tư Geshe, đó là
Drepung, Ganden và Sera. Trong cả ba thì Drepung lớn nhất, đó là tu viện có lúc
chứa đến 10.000 tăng sĩ. Trong các vị tu học tại Drepung có một vị tên là
Losang Gyatso, về sau trở thành Đạt-lai lạt-ma thứ năm, người lãnh đạo chính
trị và tinh thần của Tây Tạng trong thế kỷ 17. Trong ba tu viện Drepung, Ganden
và Sera, chúng tôi chọn đi Drepung.
Drepung
nằm dưới chân một ngọn núi, cách Lhasa khoảng 10km. Từ xa ta đã thấy đây là một
hệ thống những tòa tu viện rất lớn, với danh từ ngày nay ta có thể gọi là
"campus". Đó là một làng đại học Phật Giáo với hàng chục công trình
xây cất.
Drepung
được một đệ tử của Tông-khách-ba tên là Jamyang Choje xây dựng đầu tiên năm
1416. Trong những thế kỷ sau Drepung được tiếp tục xây dựng để trở thành tập
hợp tu viện lớn nhất của phái Cách-lỗ và cũng của toàn Tây Tạng với hàng chục
điện thờ, khám thờ và vô số tranh tượng. Trong chính điện lớn nhất mà người Tây
Tạng gọi là Dukhang, ta thấy bức tượng Văn-thù, vị bồ tát chủ trí tuệ mà tôi đã
được đảnh lễ tại Ngũ Đài sơn Trung Quốc. Đây là nơi đào tạo khoảng 400 vị Geshe
và 50 vị tái sinh Tulku học tập trí huệ bát nhã của Ngài. Trong thời gian
Đạt-lai lạt-ma thứ năm trị vì, Drepung cũng trở thành trung tâm quyền lực chính
trị của Lhasa.
Trong
chính điện Dukhang này, đây là nơi tập hợp quan trọng nhất của các cuộc hành lễ
với hàng ngàn tăng sĩ, với thanh la não bạt, với những loại kèn đồng rất dài
phát ra tiếng rất trầm. Ta đã biết âm nhạc tế lễ đóng vài trò rất quan trọng
trong Phật Giáo Tây Tạng. Những loại âm thanh đều đại diện cho những yếu tố của
pháp giới. Những tiếng rất trầm hầu như phát ra từ lòng đất nói lên nền tảng vô
thủy vô chung của vạn sự, những tiếng xập xỏa ngắn, sắc và vang dội nhảy múa
trên âm trầm không dứt, chúng đại diện cho thế giới hữu hiện khi có khi không
của vạn pháp. Chính điện này cũng là nơi hàng ngàn người tụng niệm cùng lúc,
dưới những bức tượng vàng vĩ đại, trong tiếng âm thanh của chuông trống, trong
tiếng niệm thần chú của vị chủ lễ.
Tôi đi
qua những con đường lát đá. Đó là những nơi mà ngày xưa tăng sĩ tranh luận về
nhân minh học, môn logic lý luận Phật Giáo hết sức sâu sắc. Đó là nơi mà tăng
sĩ phải trả lời ngay những câu hỏi câu đố được đưa ra song song với một tiếng
vỗ tay rất lạ của người hỏi. Cách vỗ tay đó được xem để đánh thức tâm trí của
người được hỏi. Phái Cách-lỗ là môn phái chịu lý luận nhất trong các môn phái
Phật Giáo xưa nay. Họ cho rằng đã theo đại thừa thì phải biết lý luận để giáo
hóa cho những người muốn học hỏi và cách giáo hóa dễ làm nhất là lý luận logic.
Tôi đến
những phòng thờ của các vị tu viện trưởng. Nơi đây tôi mới biết rõ những gì
Govinda đã kể trong cuốn "Con đường mây trắng" (Govinda,sách đã dẫn).
Đó là những chỗ ngồi thiền định mà trên đầu là một tấm lụa nhiều màu tượng
trưng cho bầu trời. Dưới bầu trời đó, xung quanh đều là tranh tượng của Phật Bồ
tát, các vị tăng sĩ sống một cuộc đời tôn giáo cả ngày lẫn đêm. Trước mặt họ
luôn luôn là tượng Phật, họ cúng đèn, tượng trưng cho giác ngộ; cúng nước,
tượng trưng cho đời sống.
Đây là
nơi mà hàng ngàn người sống cuộc đời phạm hạnh, bồi dưỡng trí huệ, tăng trưởng
bồ đề tâm, quán niệm về cái vô thường của sự sống, về sự miên viễn của cái
chết. Những người đó theo bước của Văn-thù, dùng lưỡi kiếm bén chém màn vô minh
để phá vòng sinh tử. Vô minh là khâu đầu tiên của "mười hai nhân
duyên". Nơi đây tại Tây Tạng, người ta học kỹ những giáo lý tiểu thừa như
tứ diệu đế, mười hai nhân duyên..., đâu phải chỉ có luật tạng. Ôi, đó là những
giáo lý tiểu thừa tưởng như giản đơn nhưng không bao giờ ta hiểu hết.
Tiểu
thừa hay đại thừa chỉ có một mục đích duy nhất là xé "miếng da voi của vô
minh". Hai trường phái đó đối với người Tây Tạng chỉ là phương tiện tùy
theo căn cơ hành giả. Nơi đây người ta quí trọng đức Văn-thù, mỗi lần đọc Trung
quán luận người ta cầu đến Văn-thù. Bao nhiêu tăng sĩ Tây Tạng đã lên đường đi
bộ đến Ngũ Đài sơn. Ngài là người giúp tăng sĩ phá vòng vô minh. Phá được vô
minh là chấm dứt cái chết lẫn cái sống, thoát được vòng tử sinh do Quỷ sứ đang
ôm giữ [10]. Những tăng sĩ đó ngày nay đâu cả?
[10] - Nội dung của Thangka thường thấy tại Tây Tạng,
trong đó vòng tròn "mười hai nhân duyên" nằm trong sự kềm tỏa của Quỷ
sứ
Ngày nay
Drepung chỉ còn là nơi thăm viếng của khách du lịch. "Dấu xưa xe ngựa hồn
thu thảo". Tôi đi ngẩn ngơ qua những tòa nhà với tường vách dày vài mét
nay đã đổ nát, những tấm cửa gỗ to nặng nay đã tróc sơn đỏ. Giữa những tòa nhà
trống vắng, vài người Tây Tạng đứng hút thuốc nói chuyện phiếm dưới nắng mai,
vài chú tiểu tăng uể oải mở cửa cho chúng tôi được vào những khám thờ đặc biệt.
Sự yên lặng nơi đây xem ra nói lên một điều mà Sangharakshita(Sangharakshita, sách
đã dẫn) đã tiên đoán. Đó là Phật Giáo Tây Tạng không có tương lai, không thể
phát triển được nữa. Chỉ vài thế hệ nữa thôi, dưới sự cai trị của người Hán,
Phật Giáo Tây Tạng sẽ biến mất trên thế giới.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT