Lhasa
nằm trên bờ bắc của sông Kyi Chu, đó là một của vô số dòng sông con chảy về
Yarlung Tsangpo. Ngày xưa vua Tùng-tán Cương-bố dời đô từ lũng Yarlung về đây
hẳn có nhiều nguyên nhân huyền bí ta không hiểu hết. Ngày nay người ta chỉ còn nhắc
lại lời công chúa Văn Thành, nàng cho rằng địa thế của Lhasa giống như bánh xe
chính pháp của Phật, nàng là người Hán tộc mà biết quí trọng kinh thành thiêng
liêng này biết bao. Nhưng lịch sử mỉa mai thay, ngày hôm nay, cũng những người
Hán đang ngự trị và biến Lhasa, vốn được mệnh danh là "thành phố của chư
thiên", thành một đô thị thế tục bình thường. Nhưng thôi, tôi không muốn
lòng mình bực dọc. Tôi phải chuẩn bị cho mình một tâm thức tương ứng để đến
tham bái vị "Đức hạnh cao quí" trong đền Jokhang.
Khách sạn tôi ở cách trung tâm Lhasa chừng 4km về phía
tây. Xe chạy theo đường "Bắc Kinh đông lộ" để đến khu vực Barkhor.
Barkhor không gì khác hơn là chợ của người Tây Tạng, đó là một khu bazar với vô
số hàng quán bán đồ lưu niệm, trái cây, thức ăn, hàng tạp hóa, tranh tượng...Đến
Barkhor là đến khu vực của người Tây Tạng, đây là nơi người dân bản xứ tụ họp
chuyện trò, nghỉ chân, phơi nắng. Bakhor cũng là nơi mà khách địa phương hay
nước ngoài ai cũng đến, do công trường này nằm ngay trước đền Jokhang. Trong
ngôi đền này là bức tượng thiêng liêng nhất Tây Tạng, bức Jowo Rinpoche mà tôi
tự đặt tên là "Đức hạnh cao quí" hay "Bức tượng biết nói",
dựa trên câu chuyện tôi đã kể trong một chương trước.
Người ta dễ ngạc nhiên về vị trí của
đền Jokhang. Thông thường tại Tây Tạng, các tu viện đền đài nằm trên đồi núi
cao, làng xóm ở dưới thung lũng và thực tế là các tu viện sau này tôi đi thăm
cũng như thế thật. Thế nhưng Jokhang nằm ngay giữa chợ! Tiếng ồn của chợ búa sẽ
làm phiền các vị giác ngộ?
Đến chợ Barkhor khách sẽ bị kêu réo
mời chào, những tiếng gọi "cheaper, cheaper" bằng tiếng Anh đơn giản
cứ đập vào tai những du khách như tôi. Dù mặt tôi xem ra là mặt người Hán nhưng
vì vai mang ba-lô, tay xách máy hình nên ai cũng tìm cách bán tranh tượng. Nhưng
không, tôi nhất định đi thẳng vào đền, đảnh lễ Tất-đạt-đa trước khi có một hoạt
động mua bán nào. Vừa gần đến đền tôi gặp một đoàn người Tây Tạng. Tới đây thì
may thay, không ai thèm ngó ngàng gì đến tôi, những kẻ hành hương sùng tín đó
chân đi chậm rãi, tay quay mani, miệng rì rầm cầu nguyện.
Đó là đoàn người đi đảnh lễ như tôi,
họ là "tăng", bạn hữu của tôi, là một trong tam bảo. Ôi, đáng quí
trọng thay, đoàn người cùng đi đảnh lễ Đức Thế Tôn, họ đi quanh đền theo chiều
kim đồng hồ. Vách tường bên ngoài đền đỏ thẩm, đúng màu truyền thống của tu
viện. Đến bên vách ngoài phía đông của đền mà bên trong là bức tượng Jowo,
khách quì lạy vị Đức hạnh cao quí mà chưa cần nhìn thấy bức tượng. Họ nằm dài
trên mặt đất để biểu lộ sự khiêm cung nhẫn nhục. Nhẫn nhục là một trong sáu
hạnh ba-la-mật, tôi thầm nghĩ.
Đền này do công chúa Bhrkuti xây
dựng, nàng là vợ của vua Tùng-tán Cương-bố. Tương truyền rằng chỗ xây đền ngày
xưa là hồ nước mà lại là trái tim của một ma nữ, nó là người ngăn cản không cho
ai được xây dựng bất cứ chốn thờ phụng nào. Rồi cũng lại công chúa Hán tộc Văn
Thành là người hiểu phong thủy và trấn được cuộc đất này. Nàng ném vào đó chiếc
nhẫn mình hay đeo và ra lệnh cho dê chở đất đổ vào hồ và chỉ loài dê mới được
làm công việc đó. Theo tiếng Tây Tạng, dê là "Ra", là linh vật của
thần hộ pháp Damcen, đất là "Sa".
Từ đó mà chốn này mang tên Rasa, dần
dần biến thành Lhasa,
tên gọi ngày nay của kinh thành. Cho nên ta có thể xem công trình Jokhang là
gốc của Lhasa.
Từ năm 642 đến năm 653 ngôi đền này được xây dựng bằng những bàn tay của nghệ
nhân Nepal.
Trong ngôi đền đó, bức tượng Bất Động Như lai của Bhrkuti mang theo được thờ.
Còn nàng Văn Thành cũng xây một ngôi đền khác gần đó và thờ tượng Jowo, đền đó
ngày nay cũng còn, tên gọi là Ramoche. Chẳng bao lâu sau, để tỏ tình đoàn kết,
hai nàng đem đổi chỗ của hai bức tượng và từ đó Jowo được thờ tại Jokhang.
Nhưng do đâu nàng Văn Thành lại có
bức Jowo, đó là điều đã nằm trong bóng tối của lịch sử. Theo một truyền thuyết
thì bức tượng Jowo được vị thiên thần Ấn Độ chủ về nghệ thuật tên gọi là
Vishvakarma tự tay tạo dựng lúc đức Phật còn sống. Bức tượng này đến Trung Quốc
là do A-dục vương biếu tặng trong quá trình ông truyền bá đạo Phật trong thế kỷ
thứ 3 trước công nguyên.
Tôi vào cửa đền thì đến một cái sân
vuông với vô số đèn. Những chiếc đèn cháy bằng mỡ trâu này toát ra một cái mùi
kỳ lạ. Bên cạnh dàn đèn là một chiếc bàn thấp với khoảng mười vị lạt-ma đang
tụng kinh. Gần đó là cổng chính của đền, vào trong đó tôi sẽ thấy bức tượng
Jowo mà tôi không bao giờ ngờ mình sẽ được chiêm bái. Nhưng tôi chưa vội vào và
đi theo một đoàn người đi vòng ngôi chính điện theo chiều kim đồng hồ và quay
tất cả các mani bằng đồng.
Đền Jokhang là một tòa kiến trúc gồm
có 4 tầng, mái mạ vàng, phần lớn các tranh tượng đều ở tầng một. Tổng thể diện
tích của đền khoảng trên 25000 mét vuông, được chống đỡ bằng những cột gỗ,
những cột này đều từ thế kỷ thứ bảy còn lại cho đến ngày nay. Sau khi đi ba
vòng, tôi bước vào chính điện hình vuông qua một khung cửa gỗ. Cửa này cũng là
bản gốc, có xuất xứ từ 13 thế kỷ trước. Vào đền tôi chầm chậm đi quanh theo
chiều kim đồng hồ.
Đền nóng vì các ngọn đèn, dưới chân
tôi rin rít mỡ trâu. Những bức tượng đầu tiên đầu tiên là vị hộ pháp Palden
Lhamo với cặp mắt to tròn. Ngày trước có thể đó là những vị ác thần, ma quái đã
được hàng phục và sẵn sàng hỗ trợ chính pháp. Đó chính là chủ trương của Liên
Hoa Sinh và đặc trưng của Phật Giáo Tây Tạng. Sau đó là bức tranh diễn tả cảnh
dê chở đất đổ xuống hồ, minh họa lịch sử hình thành ngôi đền. Trong một khám thờ
khác là một bức tượng tuyệt đẹp của Quán Thế Âm ngày tay ngàn mắt mà người Tây
Tạng gọi là Chenrezi. Bức tượng này thì ngay cả Trung Quốc cũng ít nơi sánh
kịp. Qua nhiều khám thờ với tranh tượng của Milarepa, của Tùng-tán Cương-bố,
tôi đến vách phía đông của đền, đứng trước tượng Jowo, nín thở.
Tôi không biết mình đã dùng cặp mắt
gì để nhìn tượng, cặp mắt tôn giáo hay nghệ thuật hay khách quan nhìn ngắm và
phân tích. Tôi không biết và không cần biết. Đó là một bức tượng tuyệt hảo. Đức
Thích-ca với khuôn mặt vàng sáng rực, nhìn xuống, đầu đội vương miện năm trí.
Có lẽ đúng, bức tượng này do thần Vishvakarma, chủ nghệ thuật, tự tay tôn tạo.
Khám thờ Jowo "Đức hạnh cao quí" ngày nay đã được ngăn bởi một lớp
song sắt, ta đứng ngoài có thể nhìn vào nhưng không thể đụng tới. Chàng Ben của
tôi ngày xưa có thể nhờ tượng giữ mũ giữ áo nhưng ngày nay tôi chỉ có thể nhìn
ngắm. Đứng trước bức tượng này là đã bao thế hệ tu sĩ và khách hành hương. Tôi
nhìn bộ khăn quàng trên đầu tượng, nghe nói đó là của Tông-khách-ba tự tay làm
lấy. Áo choàng cho tượng là của một nhà vua đời Minh cúng dường.
Tôi nhìn tượng bối rối. Tôi mang
nhang từ ngoài vào nhưng ở đây tôi không có chỗ cắm, lớp song sắt đã ngăn tôi
với tượng. Jowo từ bi nhìn tôi hầu như nói "không sao", tôi đành kẹp
cả bó nhang vào một hốc bên cạnh và quì lạy bức tượng trên nền nhơm nhớp mỡ
trâu. Trong các đền Tây Tạng không có thùng đựng tiền bạc bố thí mà khách chỉ
việc để vương vãi khắp nơi, đó là điều tôi thấy kỳ lạ. Tôi không biết làm sao
hơn là thò tay thật xa vào song sắt và thả xuống đất một tấm giấy bạc cúng
dường. Trong đó người ta cũng đã bố thí nhiều, có thể lấy chổi mà quét.
Rời Jowo tôi đi chiêm bái tiếp các
tranh tượng khác trong đền như của Liên Hoa Sinh nhưng lòng cứ nghĩ đến tượng.
Sắp ra khỏi đền, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ trở lại Lhasa, mỗi lần đến đây là mỗi lần khó và có
ai nói được gì về tương lai. Người Tây Tạng chẳng hay nói, kiếp sau của bạn có
thể tới trước ngày mai. Tôi quày quả đi lui đến trước tượng Thích-ca, đảnh lễ
Ngài một lần cuối. Lúc tôi vừa từ nền đất rin rít mỡ trâu đứng dậy thì đèn
trong đền vừa tắt, tôi nhanh chân đi ra cửa gỗ, là người cuối cùng ra khỏi đền.
Lúc đó là 6 giờ chiều, giờ đóng cửa Jokhang.
ĐIỆN
POTALA VÀ DÒNG ĐẠT-LAI LẠT-MA
Tông-khách-ba
cũng là người xây dựng nhiều tu viện nổi tiếng, còn lưu lại đến ngày hôm nay
như Ganden, Drepung, Sera. Ba tu viện này nằm không xa Lhasa, về sau trở thành
"ba trụ cột" của nền tăng lữ Tây Tạng vì nơi đây đào tạo hàng ngàn tu
sĩ và cũng là nơi tập hợp nhiều quyền lực chính trị.
Như ta
biết, phái Cách-lỗ mũ vàng, đệ tử của Tông-khách-ba phát triển hoạt động mạnh
mẽ sau khi ông chỉnh đốn lại nền Phật giáo Tây Tạng trong thế kỷ thứ 14. Nhưng
mãi đến năm 1578, Cách-lỗ mới phát huy cao điểm. Đó là năm mà một vị sư trưởng
tên là Sonam Gyatso [1] đi gặp nhà vua Mông Cổ Altan Khan (Yêm-đáp-hãn). Vị sư
trưởng thuyết pháp cho quần thần và thông báo rằng nhà vua chính là hậu thân
của đại đế Hốt Tất Liệt còn chính sư trưởng là hậu thân của Phát-tư-ba mà
Phát-tư-ba lại là quốc sư của cả triều Nguyên dưới thời Hốt Tất Liệt ba trăm
năm trước đó [2].
[1] - Sinh năm 1543, mất năm 1588
[2] - Xem chương "Ung Hoà cung và tiểu truyện Trung
Quốc-Tây Tạng" trong phần thứ ba.
Nhà vua
Mông Cổ Altan Khan tin nghe, động tâm theo đạo lý, là kẻ "suốt đời chinh
chiến, từ đây đã xếp cung đao để tin sùng đạo Phật, dồn sức cho văn trị, lại
theo Phật chỉ, cấm bộ chúng chém giết" [3]. Nhà vua tặng Sonam Gyatso danh
diệu bằng tiếng Mông Cổ "Dalai", dịch âm là "Đạt-lai", dịch
nghĩa là "đại hải" (biển lớn) và xem vị Đạt-lai lạt-ma này là một hóa
thân của Quán Thế Âm. Thế nhưng vị Đạt-lai lạt-ma không quên dòng tu của mình
là từ Tông-khách-ba nên truy phong vị sư trưởng tu viện Tashilhungpo tại
Shigatse là Gendun Drub làm Đạt-lai thứ nhất, vị tu viện trưởng kế thừa là
Gendun Gyatso làm vị thứ hai và bản thân mình là Đạt-lai thứ ba. Kể từ đó sau
khi mỗi vị Đạt-lai lạt-ma chết đi, người ta đi tìm vị tái sinh để đưa lên ngôi
kế vị.
[3] - Trích "Lịch sử Phật giáo thế giới", tập
I, Thánh Nghiêm pháp sư (Đài Loan), Nhà xuất bản Hà Nội, 1995
Khoảng
đến đầu thế kỷ thứ 17, Tây Tạng rơi vào rối ren nội bộ, thế lực yếu dần trong
lúc Trung Quốc và Mông Cổ phát triển quyền lực tới mức cao nhất. May thay sau
khi vị Đạt-lai thứ tư mất năm 1617, người ta sớm tìm ra vị tái sinh. Vị Đạt-lai
thứ năm này tên là Losang Gyatso [4] và có lẽ là vị vĩ đại nhất trong cả dòng
Đạt-lai. Ông vừa là một nhà học giả uyên thâm vừa là một nhà chính trị và ngoại
giao khôn khéo và là một kiến trúc sư xuất chúng.
[4] - Sinh năm 1617, mất năm 1682
Vị
Đạt-lai thứ năm chính là người cho xây dựng điện Potala, công trình này kéo dài
từ 1644 đến 1692. Trong cuối đời, Đạt-lai thứ năm dành hết thì giờ cho việc
hành trì thiền định và để hết quyền bính cho người phụ chính. Đạt-lai thứ năm
mất đi khi công trình xây dựng Potala còn dang dở và bên giường bệnh, vị phụ
chính nhận lệnh của ông sẽ không thông báo việc ông mất cho đến khi Potala hoàn
thành. Vị phụ chính giữ lời, cho người giả dạng Đạt-lai thứ năm trong các cuộc
tiếp kiến, mãi 13 năm sau mới công bố cái chết, đồng thời giới thiệu luôn vị
thứ sáu.
Những
điều bí mật này chỉ làm cho phái Cách-lỗ mất uy tín và sau đó vị Đạt-lai thứ
sáu cũng không thọ được lâu, ông bị mưu sát năm 23 tuổi. Trước đó thì tại Trung
Quốc, bộ tộc Mãn Châu diệt nhà Minh, giành thắng lợi và lập nên nhà Thanh. Tuy
nhà Thanh trọng đãi Tây Tạng nhưng có lẽ cũng chính vì quyền lợi thế tục đó mà
các vị Đạt-lai gặp vô số âm mưu sau những vách tường đồ sộ của Potala. Lịch sử
Tây Tạng cũng rối ren và đẫm máu như các triều đình khác ở châu Á.
Ta cần
biết rằng phái Cách-lỗ mũ vàng cũng tiến hành các cuộc truy bức chống lại phái
Hồng mạo mũ đỏ và dòng Kamarpa trong nội bộ Tây Tạng, chống lại chính những
người con Phật. Các phe phái của Tây Tạng cũng dựa vào lực lượng nước ngoài như
Mông Cổ và Trung Quốc để làm cảnh nồi da xáo thịt. Đọc lại tiểu sử các vị
Đạt-lai, ta thấy đó là một chuỗi lịch sử đầy bí ẩn với âm mưu tranh giành quyền
lực của những người phụ chính, trong và ngoài nước. Vị Đạt-lai thứ sáu chết lúc
23 tuổi. Vị thứ bảy bị lưu đày. Vị thứ tám không có thực quyền. Vị thứ chín
chết năm lên chín, còn là một đứa trẻ.
Vị thứ
10 chết năm 21 tuổi. Vị thứ 11 chết năm 17 tuổi. Vị thứ 12 chết năm 19 tuổi.
Người ta ngờ rằng, từ vị thứ chín đến đến vị Đạt-lai thứ 12, ai cũng bị chết vì
mưu sát cả [5]. Vị thứ 13 ra đời năm 1876, là người xuất sắc nhất chỉ đứng sau
vị thứ năm, lập lại kỷ cương của Lhasa. Trong thời kỳ của ông, các nước châu Âu
như Anh, Nga bắt đầu dòm ngó Tây Tạng, đồng thời Trung Quốc biến động dữ dội.
Sau khi nhà Thanh mất năm 1911, quân đội Trung Quốc rút khỏi Tây Tạng. Đạt-lai
thứ 13 từ Ấn Độ trở về năm 1913, tuyên bố Tây Tạng độc lập. Trong năm đó có một
hội nghị tại Simla Ấn Độ thảo luận và chấp nhận chủ quyền Tây Tạng, nhưng Trung
Quốc không thừa nhận. Năm 1933 vị Đạt-lai thứ 13 mất, bảy năm sau vị thứ 14 lên
ngôi, đó là vị Đạt-lai còn sống đến ngày nay.
[5] - Bạn đọc có thể tham khảo thêm cuốn "Die
vierzehn Wiedergeburten des Dalai Lama" (Mười bốn lần tái sinh của Đạt-lai
lạt-ma) của K.H.Golzio và P.Bandini, Scherz Verlag, 1997.
Năm 1949
nước Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc được thành lập, năm sau họ đem quân chiếm
đóng Tây Tạng. Năm 1959, vị Đạt-lai thứ 14 bí mật di tản qua Ấn Độ và ngày hôm
nay Tây Tạng là một phần đất của Trung Quốc, được gọi văn vẻ là "khu tự
trị".
Như thế là
dòng Đạt-lai lạt-ma, thuộc phái Cách-lỗ, là người lãnh đạo chính trị và tinh
thần của Tây Tạng hơn 400 năm qua, kéo dài được 14 đời. Trong thời gian đó, kể
từ thế kỷ thứ 17 đến nay, điện Potala là kiến trúc thiêng liêng nhất Tây Tạng,
nơi đặt bảo tháp chứa di cốt của các vị Đạt-lai và cũng là dinh thự lãnh đạo
chính trị.
Thật ra
Potala đã được xây dựng từ thời Tùng-tán Cương-bố, vị Đạt-lai thứ năm chỉ là
người xây dựng lên quy mô ngày nay. Vị vua Tùng-tán Cương bố được xem là một
hiện thân của Quán Thế Âm, ông đã chọn miếng đất thiêng liêng này, nó được xem
là hiện thân của trời Đâu-suất trên trái đất. Vì thế mà nếu Phổ Đà là trú xứ
của Quán Thế Âm ngoài đông hải thì Potala là cung điện của Ngài trên nóc nhà
của thế giới.
Điện
Potala là ngôi đền lớn nhất Tây Tạng. Tuy vượt xa các tòa kiến trúc khác nhưng
nó dựa lưng một ngọn núi mang tên là Marpori (hồng sơn) nên tuy ngôi điện hết
sức uy nghi nhưng nó hài hòa với khung cảnh xung quanh. Trước ngôi điện là một
quãng trường rất lớn để từ rất xa người ta có thể nhìn ngắm, cảnh quan thật là
xứng đáng với tầm cỡ của điện. Ngôi điện có bề ngang khoảng 360m, được lợp bằng
mái mạ vàng, với 13 tầng cao khoảng 120m so với mặt đường. Tổng diện tích của
điện lên tới khoảng 360.000 mét vuông. Ngôi điện màu đỏ mà người Trung Quốc gọi
là "hồng cung" nằm trên cao, ngôi màu trắng màu trắng ở dưới. Ngôi
màu đỏ là khu vực trung tâm của Potala, là nơi thờ tự thiêng liêng nhất của
điện.
Trong
lúc vô số người Tây Tạng tay quay bánh xe cầu nguyện, vai mang lễ vật đi vòng
quanh điện theo chiều kim đồng hồ để leo lên thì xe bus chở chúng tôi được phép
chạy lên tới đỉnh. Tôi có chút tiếc nuối và xấu hổ, lẽ ra mình phải đi bộ để
tâm lắng đọng trước khi vào chốn ẩn mật của điện. Nhưng khi nhìn hàng trăm hàng
ngàn bậc cấp và tự thấy hơi thở mình còn gấp, môi mình còn tím, tôi thầm cám ơn
ban tổ chức tour biết sức du khách. Lên tới chỗ xe đậu, tôi mới biết mình còn
phải leo bộ nhiều và sẽ còn đi qua vô số khám thờ, bảo tháp, phòng thiền định.
Không ai biết rõ trong ngôi điện mênh mông này có bao nhiêu gian, có người nói
750 phòng, có tài liệu ghi 999 phòng.
Vào nội
điện, mùi đèn mỡ trâu làm tôi nhớ Jokhang và bức tượng Đức hạnh cao quí Jowo.
Tôi biết rõ rằng các vị Đạt-lai từng trị vì trong điện Potala này cũng đều đã
được đăng quang tại Jokhang, trước mặt Jowo. Ánh đèn mờ tỏ cho thấy tôi đang đi
trong Tàng kinh các, đó là nơi cất chứa kinh điển. Kinh điển Tây Tạng làm bằng
những khổ giấy hẹp, chúng được để rời không đóng gáy. Trong Potala các kinh
điển quí báu đó đều được bọc bằng lụa đỏ hay vàng, chứa trong các khung gỗ đặt
cao, du khách không rờ tới được. Hệ thống kinh điển của Tây Tạng thật đáng ngạc
nhiên cho một nước có khoảng 5-6 triệu dân, đó là một tập hợp đồ sộ của nhiều
tạng kinh mà chữ Hán cũng chưa chắc có. Vài ngày sau, trong một tu viện khác
tôi có dịp thấy hai người đang in kinh, cách làm thủ công. Một trong hai người
đó là một cậu bé khoảng 12 tuổi, khuôn mặt sáng rực, tay in kinh, miệng đọc
thần chú. Cậu là tái sinh của ai?
Sau Tàng
kinh các, chúng tôi bắt đầu đi từ phòng này qua phòng khác với vô số tượng.
Tượng đầu tiên tôi thấy trong Potala là A-đề-sa và các vị Đạt-lai và sau đó tôi
không còn ghi chép nổi. Đây là A-đề-sa, vị tu sĩ mà tôi đã nhiều lần
"gặp" trong các câu chuyện do chính mình dịch? Đây là kẻ lữ hành
người Ấn Độ đã từng tới cả đảo Sumatra của Indonexia ngày xưa, kẻ đã chịu đi
Tây Tạng mặc dù biết trước vì chuyến đi đó mà mình sẽ giảm thọ 12 tuổi. Đây là
kẻ mà mỗi lần có gì thắc mắc là cứ hỏi ý kiến của Quán Thế Âm, cứ như hỏi bạn
thân.
Potala
phải là một pháo đài kiên cố, đường đi quanh co không ai nhớ nổi. Tôi bỗng đứng
trước các tượng của 13 vị Đạt-lai lạt-ma. Trong 13 vị đó, như ta đã biết, vị
thứ năm là vĩ đại nhất, "le cinquyème", có một người Pháp cất tiếng
nói. Tượng của ông cũng to lớn hơn các tượng khác, công của ông rực rỡ hơn công
các vị khác.
Trong
ánh sáng của đèn mỡ trâu chúng tôi đứng trước tám ngôi tháp đựng di cốt của các
vị Đạt-lai. Tháp được mạ vàng và mang nhiều ngọc quí. Tháp của vị thứ năm cao
khoảng 15m và được bọc bởi 3700kg vàng. Vàng bạc châu báu quả là không thiếu
tại Potala, đó là một kho tàng của nghệ thuật tôn giáo và là nơi cất chứa không
biết bao nhiêu tượng vàng. Đến trước một tượng của Di-lặc với cặp mắt xanh
biếc, tôi nhớ lại Ung Hoà Cung tại Bắc Kinh và những gì Ngài nói về tự tính của
"các pháp". Ôi, tất cả "đều không có gì thành tựu cả", đó
là cách nói về Tính Không của Ngài, nhưng đó là nhận thức của Ngài, còn nhận
thức của người thường là khác. Một nơi tập hợp châu báu và quyền lực như Potala
phải đánh thức lòng tham của nhiều người, xưa cũng như nay. Và lòng tham phải
gây đổ máu, tôi tự nhủ khi nhớ tới lịch sử của Potala vài trăm năm trước và mấy
chục năm gần đây. Những chuyện đó vẫn đè nặng nơi tôi, lẽ ra tôi không nên có
khi đi vào chốn ẩn mật này.
Hỡi Liên
Hoa Sinh, ngày xưa Ngài đã hàng phục âm binh sao ngày nay không ra tay với các
loại ma quái tân thời. Tôi hỏi thế khi đứng trước tượng Liên Hoa Sinh, bức
tượng mà ai cũng nhận ra với cặp mắt trợn tròn, môi có râu. Người Tây Tạng ai
cũng tin Ngài chưa hề đi xa, vẫn còn đó để ra tay khi đúng thời đúng lúc.
Đạt-lai thứ 14 cho rằng trong đời này của ông, ông sẽ còn về lại đất Tây Tạng.
Năm nay ông cũng đã 65 tuổi, liệu ông có lý?
Chúng
tôi được phép leo lên đến nóc điện, ở đây ta có thể nhìn ra xa. Thật là một
cảnh quan hùng vĩ, xung quanh toàn là mái điện thếp vàng. Chỗ tôi đứng chính là
chỗ mà Đạt-lai thứ 14 ngày xưa, lúc còn một đứa trẻ đứng nhìn xuống dưới mặt
đất xa tít thấy trẻ con cùng tuổi chơi đùa. Ông ước ao được xuống chơi với
chúng nhưng không được, cuối cùng chỉ sắm cái ống nhòm, theo lời tự thuật của
ông. Ngày nay chỗ trẻ con chơi ngày xưa đã trở thành chỗ bán đồ lưu niệm, chỗ
đậu xe và tiếc thay, có không ít trẻ ăn xin ngồi chờ khách. Rời nóc điện tôi đi
thăm chỗ ngủ, phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng thiền định của các vị
Đạt-lai.
Các
phòng này để nguyên không hề thay đổi kể từ ngày Đạt-lai thứ 14 ra đi. Tôi nhớ
đến ông, nhớ lúc gặp ông tại Bonn. Tôi có cảm tưởng rằng ông thấu hiểu tất cả
tệ hại của một hệ thống tăng lữ dính líu tới quyền lực của dòng Đạt-lai của
mình, ông đã thấy nghiệp lực nặng nề của tổ tiên mình để lại. Song song ông
cũng nhìn thấy hết tham vọng của chính quyền Trung Quốc đối với Tây Tạng, thể
hiện trong những thế kỷ qua cũng như trong thời đại này. Ông biết rằng tình
hình đen tối của ngày hôm nay tại Tây Tạng là kết quả của một chuỗi lịch sử mà
những người lãnh đạo ham quyền lực của Trung Quốc lẫn Tây Tạng đã gây ra. Có
nhiều lần ông nói, "tôi chỉ là một tu sĩ Phật Giáo thông thường". Qua
câu nói đó tôi cảm nhận rằng đó không phải chỉ là sự khiêm cung cần có của một
tăng sĩ mà sự đoạn tuyệt với quá khứ của chế độ tăng lữ sa lầy trong quyền lực
thế gian.
Đi xuống
dưới chân điện Potala tôi ra lại quãng trường trước mặt, nhìn ngắm lại lần
cuối. Đồng hồ chỉ buổi tối mà trời còn sáng như ban ngày. Tôi sực nhớ Tây Tạng
thuộc về Trung Quốc, ở đâu đồng hồ cũng chỉ một giờ, đó là giờ Bắc Kinh. Bắc
Kinh và Lhasa cách nhau dễ cũng bốn múi giờ nhưng Lhasa phải theo Bắc Kinh. Tám
giờ tối của Lhasa nhưng trời còn sáng như bốn giờ chiều. Người Tây Tạng xem ra
dễ tính, giờ giấc đối với họ sao cũng được. Nhưng một dân tộc vài triệu dân mà
kinh điển của họ không thua Trung Quốc thì phải hiểu họ có một nền văn hóa
riêng biệt và độc đáo.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT