Tên Hàng Châu gây trong lòng tôi sự
hâm mộ, hơn cả Bắc Kinh, Thượng Hải. "Trên có thiên đường, dưới có Tô
Hàng". Thiên đường thì của Ngọc Hoàng và Tây Vương mẫu, còn Tô Châu Hàng
Châu là của tất cả mọi người, vì thế ngày nay ai đến Trung Quốc là đến Tô Châu
Hàng Châu, còn thiên đường thì hạ hồi phân giải.
Ngày xưa trước công nguyên Hàng Châu
có tên là Tiền Đường, đó là tên của con sông chảy qua Hàng Châu. Mãi đến năm
589 trong thời nhà Tùy, thành phố xinh đẹp này mới mang tên Hàng Châu, đó là
thời kỳ xây dựng kênh đào Đại vận hà dài 1800km từ Bắc Kinh về đây. Hàng Châu
là cố đô của nhiều triều đại mà phồn vinh nhất là đời Tống, lúc triều đại này
lánh nạn về phía nam trong thế kỷ thứ 12. Marco Polo, người đến đây trong thế
kỷ 13 cho rằng đây là thành phố "đẹp nhất thế giới" với 12.000 chiếc
cầu. Đã từ xưa, Hàng Châu là một chốn đầy sông nước hồ núi.
Đến Hàng Châu là đến Tây Hồ với núi
Cô sơn, rộng gần 6 cây số vuông, ba phía là núi bao bọc. Cô sơn là một trong
bốn hòn đảo của hồ, cao 38m, nơi Lâm Bô đời Tống ở ẩn, nuôi hạc và trồng mai.
Ngày nay trên Cô sơn còn giống mai và nấm mồ của ông. Không chỉ Lâm Bô, Tây Hồ
ghi dấu chân của biết bao nhiêu thế hệ thi nhân văn sĩ, trong đó Bạch Cư Dị đã từng
làm thái thú tại đây và công trình xây đê điều của ông còn lại tới ngày nay.
Hàng Châu cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của Nhạc Phi (1103-1142], vị tướng
quân bị triều đình lên án tử hình một cách oan uổng. Sau khi được phục hồi, thi
hài của ông và con trai được đưa về đây. Người ta tin rằng những người trung
liệt như ông sẽ thành thần tiên mà trên nóc điện thờ còn khắc họa hình chim
hạc, loài chim chỉ dành cho những người bất tử.
Tôi đến đây để biết cảnh thiên đường
ra sao nhưng cũng để theo vết chân của một vị tăng sĩ kỳ dị, đó là Tế Điên hòa
thượng.
Tế Điên tên thật là Lý Đạo Tế, sống
trong đời Tống, tức là khoảng thế kỷ thứ 12. Ông là tăng sĩ nhưng ham uống rượu
ăn thịt chó nên người đời gọi ông là Tế Điên. Mới đầu Tế Điên ở núi Thiên Thai
nhưng ông sớm lên phía bắc khoảng 300km để đến Hàng Châu. Tại Hàng Châu có một
ngôi chùa rất cổ, một danh tự đã ghi dấu chân nhiều vị cao tăng, đó là chùa
Linh Ẩn. Tế Điên vào đó xin xuất gia.
Linh Ẩn tự được khởi xây năm 326,
nằm trong một khuôn viên cực lớn, là một trong những ngôi chùa danh tiếng nhất
Trung Quốc. Trong thế kỷ thứ 10 thì nơi đây có 300 tự viện và 3000 tăng sĩ.
Ngôi chùa này là đối tượng của nhiều sự tàn phá, nó đã bị phá hủy và xây dựng
lại đến nay tổng cộng 16 lần. Trong cuộc nổi loạn Thái Bình thiên quốc
(1851-1864] chùa bị phá hủy hoàn toàn và sau đó mới được xây cất lại. Năm 1953
thủ tướng Trung Quốc là Chu Aân Lai ký giấy cho xây tượng Thích-ca cao 19,6m.
Trong thời cách mạng văn hóa, nếu không có sự can thiệp vào phút chót của ông
thì chùa Linh Ẩn cũng đã bị tiêu hủy. Ngày nay vào tiền điện ta gặp một bức
tượng của Di-lặc và Vi đà tướng quân của đời nhà Tống. Trong Đại hùng bảo điện
cao 33,6m ta thấy lại tượng Thích-ca đó, khuôn mặt dát vàng ngời sáng trong ánh
đèn mờ ảo.
Linh Ẩn là nơi các vị đạo cao đức
trọng tu hành, trong đó có Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975]. Hồi còn trẻ ông làm
quan, lấy trộm tiền của vua phân phát cho dân nghèo. Vua thử lòng lên án tử
hình, xem thái độ ông ra sao. Xem ra ông vui vẻ chẳng sợ chết, vua tha tội, cho
xuất gia. Vĩnh Minh Diên Thọ lên núi Thiên Thai gặp thiền sư Đức Thiều ngộ đạo
tại đó. Năm 950, Trung Hiến Vương mời ông về trụ trì chùa Linh Ẩn. Vĩnh Minh
Diên Thọ là thiền sư, đạt đạo bằng tự lực nhưng ông cũng là người biết rằng căn
cơ con người không mấy ai đi được con đường Thiền tông nên cũng giáo hóa Tịnh
Độ tông, phép niệm Phật vãng sinh. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Vĩnh
Minh Diên Thọ là một trong những vị ít ỏi giáo hóa cả Thiền tông lẫn Tịnh Độ
tông.
Còn Tế Điên xem ra không mấy thắc
mắc về chuyện đó. Huyền sử kể rằng lúc Tế Điên đến Linh Ẩn Tự thì nằm mộng thấy
có một tai họa sắp xảy ra cho dân làng. Đó là ngọn Linh Thứu, chỗ Phật thuyết
Diệu pháp liên hoa, sẽ bay từ Ấn Độ về cực lạc và sẽ "nghỉ chân" ngay
trước Linh Ẩn tự. Tế Điên vội báo ngay cho dân làng tránh xa nhưng dân chúng
làm gì mà tin được một nhà sư ăn thịt chó nên chẳng ai nghe. Sắp đến giờ Linh
Thứu hạ cánh mà dân chúng vẫn nhởn nhơ, thậm chí họ còn lo tổ chức đám cưới cho
một cặp vợ chồng nọ.
Thấy ngọn núi đá vun vút bay lại mà
dân làng vẫn vui cười, không biết làm sao, Tế Điên nhảy vào lễ cưới, ôm cô dâu
chạy như bay. Dân làng đâu dễ để cho một ông sư ăn thịt chó cướp cô dâu của
mình được liền đuổi theo thì đánh "rầm" một cái, một ngọn núi đá trên
trời rớt xuống, nằm ngay trước Linh Ẩn Tự. Khi đó dân làng mới biết Tế Điên đã
cứu mình. Ngọn núi đó là Phi Lai phong (đỉnh "bay lại đây"). Tế Điên
giải thích cho dân làng đây là ngọn núi thiêng từ Ấn Độ bay qua, nghỉ một thời
gian sẽ bay tiếp. Muốn đỉnh núi ở lại vĩnh viễn với xóm làng, hãy tạc lên núi
đá 500 bức tượng Phật.
Ngày nay Phi Lai phong còn ở đó,
chưa bay đi. Phi Lai phong chỉ cách Linh Ẩn tự một con suối nhỏ, cao 168m, có
vô số hang hốc và khoảng 380 tượng Phật, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 10. Tại
vách phía đông của Phi Lai phong có ba bức tượng khá cổ của năm 951, tạc đức
Thích-ca, Quan Âm và Dược Sư. Tượng lớn nhất của Phi Lai phong nằm trên vách
phía bắc, đó là tượng Di-lặc thuộc đời nhà Tống (960-1270], tay cầm xâu chuỗi.
Tôi leo lên Phi Lai phong, lòng nhớ về Linh Thứu, chỗ mà tôi yêu mến nhất trong
các chuyến du hành Ấn Độ. Đáng yêu thay những chuyện truyền kỳ, hiềm gì chúng
có thật hay không có thật.
Gần Linh Ẩn có một ngôi chùa khác,
đó là chùa Tịnh Từ, cũng là nơi có di tháp của Vĩnh Minh Diên Thọ. Tịnh Từ là
chỗ Tế Điên một thời hoạt động tích cực. Chùa này không may bị cháy, Tế Điên
liền lớn tiếng cho hay mình sẽ kiếm gỗ xây chùa mới. Nói thế nhưng Tế Điên
không đi đốn cây làm gỗ gì cả. Trong chùa có một vị tri sự tên là Quảng Lương
không ưa Tế Điên từ lâu, thấy thế muốn chế nhạo ông một phen nên làm ngơ không
nhắc nhở gì cả. Đến gần ngày khởi công xây chùa, Tế Điên lên núi Nghiêm Lăng
xin củi.
Ông lại áp dụng cái kế của Kim Kiều
Giác tại núi Cửu Hoa, chỉ nói xin chút rừng bằng miếng áo cà-sa mót củi. Nào
ngờ áo cà-sa của ông choàng hết núi, choàng tới đâu cây rạp tới đó. Tế Điên cho
đem thả cây xuống sông, tưởng cây trôi ra biển, nhưng cuối cùng cây trồi lên
trong giếng Hương Tích nằm ngay trong chùa Tịnh Từ và được 6 người lạ mặt vớt
lên, đó là thần Lục giáp. Quảng Lương hoảng hồn chịu thua, lấy cây xây chùa
nhưng lòng còn ấm ức về ông tăng ăn thịt chó. Lấy củi một hồi xong, Quảng Lương
hô "đủ số", thần Lục giáp biến mất, nhưng thật ra ông đếm lộn, còn
một cây nằm dưới đáy giếng. Vì lỗi đếm lộn mà Quảng Lương phải chịu đền cây
thiếu, ông phải khổ sở lắm mới kiếm ra một cây thế chỗ.
Tôi tới chùa Tịnh Từ, chiếc giếng
Hương Tích vẫn còn. Du khách tới đây ai cũng nhoài người xuống giếng để xem cây
gỗ sót lại từ thời xa xưa. Chiếc giếng nhỏ và sâu, đường kính chừng 1m, không
hiểu làm sao thần Lục giáp vớt được cây. Du khách không không thắc mắc về
chuyện đó, họ phải thấy cây củi trong chiếc giếng tối om nên người ta phải treo
một cây đèn dưới giếng để thấy được cây. Về sau Tế Điên có để lại bài kệ lúc từ
trần:
Lục thập
niên lai lang tịch,
Đông
bích đả đảo tây bích,
Ư kim thu thập quy lai,
Y cựu thủy liên thiên bích.
Sáu mươi năm bừa bãi,
Vách đông đánh đổ vách tây
Đến nay thu nhặt quay về
Như xưa nước liền trời biếc
Nhưng Tế Điên sẽ không là Tế Điên
nếu ông chết thật. Về sau có vị tăng gặp ông ở chân tháp Lục Hòa, nằm bên sông
Tiền Đường cách đó không xa. Ông có gửi thư về, báo sẽ về lại núi Thiên Thai. Lục Hòa
bây giờ cũng là danh lam thắng cảnh của Hàng Châu. Đó là tháp xây năm 970 nhưng
đến năm 1121 bị phá hủy và được xây lại năm 1899, ngày nay có chiều cao khoảng
60m.
Tế Điên về lại Thiên Thai thì ngàn
năm sau Tịnh Từ lại bị hủy hoại, cách mạng văn hóa trong những năm sáu mươi của
thế kỷ này đã phá hủy ngôi chùa. Lúc tôi tới thì Tịnh Từ mới được xây lại một
phần, lầu trống đã có nhưng lầu chuông chưa ai xây. Tế Điên đã vắng bóng. Đời
này đâu còn chỗ cho một con người đắc đạo và hóm hỉnh như thế xuất hiện. Trong
chùa Tịnh Từ ngày nay tôi tìm thấy tượng của
Tế Điên, tưởng Tế Điên cũng mập mạp
như Bố Đại hòa thượng, nhưng không phải. Ông gầy dơ xương, mặt mày vui tươi,
tay cầm quạt mo. Trong chùa người ta không tiện trình bày một Tế Điên ham rượu
thịt nên chỉ có quạt mo, nhưng ra khỏi chính điện trong các sạp bán đồ lưu niệm
là vô số tượng ông tay cầm đùi chó, tay kia quạt mo. Tôi khám phá cả một tượng
Tế Điên bị chó cắn gấu quần, lòng bỗng nhớ Tịch Thiên ở Na-lan-đà, Ấn Độ với
bài kệ:
Con nai
trên bàn ăn,
chưa hề
sống hề chết,
chẳng
bao giờ vắng bóng.
Đã không
gì là Ngã,
sao lại
có thợ săn,
hay thịt
của thú rừng?
Ngày nay
nếu Tế Điên có tái sinh thì có lẽ ông phải ăn thịt nai như Tịch Thiên vì loài
chó đã biến mất trên nước Trung Quốc. Cách đây khoảng vài mươi năm nhà nước
Trung Quốc đã cho diệt loài chó, vì lý do nào thì tôi không rõ. Đi khắp từ nam
xuống bắc, từ tây sang đông tôi không thấy bóng một tên cẩu tử nào cả. Họa hoằn
lắm trên các vùng sơn cước có lúc tôi mới thấy một chú chó ngơ ngác, cứ mỗi lần
như thế tôi lại nhớ Tế Điên hòa thượng.
Nhìn
hình ảnh của Tế Điên, tôi nhớ đến Bùi Giáng, nhà thơ mới xa chúng ta vài năm
nay. Bùi Giáng cũng gầy gò như Tế Điên, cũng bụi đời, cũng đi về cõi nhân sinh
như Tế Điên. Tôi được gặp ông trong nhà một người bạn thân tại thành phố Hồ Chí
Minh. Tôi vào khu vườn nhỏ bé đó đúng lúc Bùi Giáng đã ngồi sẵn trong đó. Bên
ngoài ông không khác mấy với một người ăn xin đã già nhưng khuôn mặt tinh anh
và cặp mắt sắc sảo làm tôi kính sợ. "Đó, bồ-tát đó", người bạn nói để
giới thiệu người tôi hâm mộ nhưng trước đó chưa từng gặp. Tôi biết Bùi Giáng
với tính cách là một người làm vua trong cõi chữ nghĩa.
Ông có
thể hiểu ngộ những văn hào khó hiểu nhất của Đức, Pháp, Anh và dịch những tác
phẩm của họ với một thứ văn chương trác tuyệt, trung thành với nguyên bản nhưng
không gượng ép miễn cưỡng. Và với tiếng Việt thì ông vào ra như thiền sư vào
chợ, ông phung phí, ông sử dụng, ông chơi đùa như trẻ con nghịch cát. Ông sống
triền miên trong cõi thơ ca của ông để mỗi tiếng mỗi lời của ông có một chiều
sâu, một ý nghĩa và chữ nghĩa của ông tự chúng xếp lại thành thơ. Chúng ta cho
rằng ông "làm thơ" nhưng có lẽ ông không tự biết mình làm thơ.
Bùi
Giáng cũng như một người điên, cỡ Tế Điên. Ông cũng như Tế Điên hình như đến
cõi đời này để dạo chơi, để đùa giỡn và cũng để giáo hóa cho con người thấy tất
cả đều chỉ là trò ảo giác của sắc thân, của chữ nghĩa, của tư tưởng, chúng đều
là chuyện đáng để đùa giỡn.
Từ chân
tháp Lục Hòa, Tế Công viết thư:
Ức tích
diện tiền dương nhất tiễn,
Chí Kim do giác cốt mao hàn
Chỉ nhân diện mục vô nhân thức,
Hự vãng Thiên Thai tẩu nhất phiên
Mặt dạn xưa từng đón mũi tên,
Lông xương nay vẫn giỡn chưa yên.
Chỉ vì mặt thật không ai hiểu,
Về núi Thiên Thai lại một phen.
Tế Điên đùa trong cõi "lông
xương" như Tịch Thiên với thịt nai thịt chó. Đó là các vị giết hại sinh
vật nhưng "mặt thật" của họ là cái vô sinh vô tử. Cũng thế Bùi Giáng
đùa giỡn với chữ nghĩa, ông sử dụng những từ thô kệch nhất đến những ý tưởng ẩn
mật nhất chỉ để nhân sinh thấy cái biến hóa lường ảo của một cái duy nhất. Cũng
thế mà Vĩnh Minh Diên Thọ, ngay trong chùa Linh Ẩn cổ xưa này đã chỉ bày cho
thấy cái "tư tưởng" - cái quan trọng nhất của Descartes - cũng như
thịt nai thịt chó, cũng như chữ nghĩa dở hay, đều là "vọng thức cả, chẳng
can gì đến tâm".
Chúng ta thường lầm thức là tâm,
thậm chí hay gọi chung là "tâm thức". Vĩnh Minh Diên Thọ trả lời câu
hỏi về "tâm thức" của một vị tăng như sau:
"Như Lai Thế Tôn trên hội Lăng
Nghiêm vì ngài A-nan giản biệt rất rõ mà ngươi vẫn cố chẳng tin. Ngài A-nan lấy
cái suy xét theo đuổi làm tâm, bị Phật quở đó. Cái suy xét theo đuổi đó là
"thức"...Ý là nhớ, đối cảnh khởi vọng đều là vọng thức, chẳng can gì
đến tâm. Tâm chẳng phải có- không, có-không chẳng nhiễm. Tâm chẳng phải
cấu-tịnh, cấu-tịnh chẳng nhơ. Cho đến mê ngộ phàm thánh, đi đứng ngồi nằm đều
là vọng thức, chẳng phải tâm vậy. Tâm xưa chẳng sinh, nay chẳng diệt".
CÔ TÔ THÀNH NGOẠI HÀN SƠN TỰ
Tô Châu không cách Hàng Châu bao xa,
nằm trong đồng bằng hạ lưu sông Trường Giang, thuộc tỉnh Giang Tô. Tô Châu cũng
được xem là thiên đường hạ giới như Hàng Châu, đã là kinh đô của nhiều triều
đại rất cổ, trong đó có nhà Ngô cách đây trên hai ngàn năm.
Thời Đông Chu liệt quốc có một nhà
vua nước Ngô tên là Ngô Hạp Lư. Năm 484 trước công nguyên, Hạp Lư lấy Tô Châu
làm kinh đô và xây một cái thành bao quanh Tô Châu, đặt tên là thành Cô Tô.
Theo một tài liệu cũ thì thành Cô Tô dài 23,5km và có 16 cổng thành. Ngày nay
thành Cô Tô không còn dấu tích gì nữa, chỉ còn hai cổng thành đã đổ nát.
Hạp Lư có
con trai là Ngô Phù Sai. Phù Sai là tướng giỏi, đánh tan và thu tóm nước Việt.
Vua Việt là Câu Tiễn phải chạy về miền nam, đóng tại Cối Kê, thuộc tỉnh Triết
Giang ngày nay. Thế nhưng Phù Sai là người mê gái đẹp nên bị rơi vào bẫy của
Phạm Lãi. Lãi là người của Câu Tiễn tìm kế phục hận Cối Kê. Thật ra Cối Kê là
một nơi trù phú, nó chính là Thượng Hải ngày nay nhưng hai ngàn năm trước
Thượng Hải dĩ nhiên chỉ là một làng đánh cá. Phạm Lãi đi tìm mỹ nhân và kiếm ra
được hai nàng, đó là Tây Thi và Trịnh Đán. Hai nàng này hẳn rất đẹp và cũng rất
khỏe mạnh vì theo Ngô Việt Xuân thu kể thì hai nàng đi "hái củi và ngày
nào cũng đập sợi trên sông".
Sau đó
Tây Thi và Trịnh Đán khỏi phải "đập sợi" nữa vì Câu Tiễn đem
"trăm nén vàng" đến thôn Trữ La, quê của hai người đẹp, rước về cho
tập múa hát và dâng cho Phù Sai. Phù Sai được cả hai người đẹp nhưng yêu Tây
Thi hơn và cho xây một cái đài gọi là Cô Tô đài.
Cô Tô
đài được xây trên núi Linh Nham, cách Cô Tô thành khoảng 12km. Núi Linh Nham
chỉ cao có 82m nhưng đá núi có hình thù kỳ dị, Tây Thi đi guốc lượn lên đó nghe
tiếng "leng keng". Cũng theo sách xưa kể lại, đài Cô Tô xây năm năm
mới xong, "cao năm trăm trượng, rộng tám mươi bốn trượng". Sau đó Phù
Sai ở riết trong đài Cô Tô với Tây Thi, bỏ bê chính sự, cuối cùng quả nhiên bị
Câu Tiễn diệt. Câu Tiễn lên ngôi vua thì Phạm Lãi thấy nên xa lánh triều đình,
vì hoạn nạn thì Câu Tiễn chia xẻ nhưng danh lọi thì chưa chắc! Cuối cùng Phạm
Lãi, con người đầy minh triết và nghệ sĩ đó, bỏ đi, cùng Tây Thi "giong
chơi ngũ hồ rồi biệt tích". Có thuyết nói Tây Thi bị vợ Câu Tiễn dìm chết
tại sông Tiền Đường nhưng tôi thích thuyết Tây Thi đi chơi với Phạm Lãi hơn.
Về sau
Lý Bạch và Bạch Cư Dị đến Linh Nham để sáng tác những bài thơ bất hủ về Tây Thi
và mối tình khó kiếm đó. Ngày nay trên núi Linh Nham không còn dấu vết gì của
Cô Tô đài cả. Còn lại với thời gian là chùa Linh Nham xây thời nhà Lương [502-519].
Qua bao nhiêu triều đại, Linh Nham tự là đạo trường của tông Pháp Hoa, Luật
tông. Thời gian đã nhiều lần hủy phá Linh Nham tự, ngày nay du khách tìm thấy
ngôi chùa mới xây lại năm 1919 và 1932.
Hãy trở
lại thành Cô Tô, ngày nay nó cũng đã bị phá hủy. Thế nhưng ở phía tây của
thành, bên con kênh đại vận hà nối liền nam bắc, có một ngôi chùa nhỏ trường
tồn với thời gian. Đó là Hàn Sơn tự. Một buổi tối nọ, trăng đã tàn, có người
ghé đậu thuyền trên đại vận hà, nghe một tiếng chùa của Hàn Sơn tự và làm bài
thơ:
Nguyệt
lạc ô đề sương mãn thiên
Giang
phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô
thành ngoại Hàn sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn
San [47].
[47]
- Bản dịch của Tản Đà
Đó là bài Phong Kiều dạ bạc, tác giả
là Trương Kế, ông vốn là một vị quan coi sóc chuyện buôn bán, sống cuối thế kỷ
thứ 8. Bài thơ này đã trở thành giai thoại, Trương Kế lưu danh thiên cổ mặc dù
chỉ làm vài bài thơ. Người đời sau có nhiều câu chuyện về sự tích của bài thơ
này, nhất là thắc mắc chùa làm gì mà đánh chuông nửa khuya. Nhưng có thế mới ra
thơ, nếu chuông đánh buổi sáng sớm gặp lúc Trương Kế ngủ dậy lo đi coi sóc hợp
đồng mua bán ngành sắt và muối thì ngày nay đã không ai biết Hàn Sơn tự.
Tôi đến Hàn Sơn tự và tìm xem Trương
Kế đã đậu bến nào. Đó là một kênh sông nhỏ, chiếc cầu Phong kiều chính là loại
cầu vòm cong cong như ta thường thấy tại Hàng Châu, Tô Châu. Hai bên cầu là bờ
kênh trồng những cây phong, đó là "cây bến" của Tản Đà, loại cây có
gỗ màu sáng, có lá như hình cờ Ca-na-đa. Ngày nay cây phong cũng còn, chen lẫn
với nhiều cây khác để nơi đây ngày tôi đến có một phong cảnh xinh đẹp lạ
thường. "Lửa chài" của ngày xưa nay hẳn đã biến mất nhưng ngược lại
tiếng chuông chùa nổi lên dồn dập. Tôi vào Hàn Sơn Tự, ngay cửa vào là bài
Phong Kiều dạ bạc do Khang Hữu Vi đời Thanh viết chữ đại tự đứng mãi với thời
gian và mưa gió chào khách.
Hàn Sơn chỉ là một ngôi chùa nhỏ,
được xây năm 502. Trong loạn Thái Bình thiên quốc chùa bị phá hủy và được xây
lại năm 1905. Chiếc chuông mà Trương Kế nghe tiếng thời nhà Đường đã bị mất và
được thay thế bằng một chiếc mới. Chúng tôi may mắn được phương trượng chùa Hàn
Sơn tiếp. Ông chuyên viết chữ đại tự, trên tường treo đầy những bức thư pháp
của ông, chỗ viết là một chiếc bàn dài kê dọc đầy những mực. Ông nói chậm rãi:
"Chùa Hàn Sơn chỉ là một chùa nhỏ, nó lưu danh chỉ nhờ một tiếng chuông.
Thế nhưng, chúng ta là Phật Tử, chùa nhỏ chùa lớn không quan trọng, chúng đều
chỉ là danh tự".
Thanh nhã thay và cũng sâu sắc thay!
Chùa Hàn Sơn nhỏ nhưng tiếng chuông quá lớn nên ngày nay khách du lịch đến đầy
nơi đây. Gác chuông đầy kẻ lên người xuống. Tôi cũng sắp hàng lên gác chuông gỗ
nhỏ hẹp chỉ có chỗ cho vài người. Ôi tiếng chuông làm nao lòng Trương Kế ngày
xưa bây giờ nó vang lên loạn xạ, khi to khi nhỏ lẫn trong tiếng cười đùa của
các thanh niên thiếu nữ mặc quần sọt. Họ đánh một tiếng chuông lấy có rồi vội
lên xe đi chỗ khác, đâu biết rằng trong chùa có nhiều điều đáng trân trọng nữa
như kinh sách, bia đá của tiền nhân. Ít người trong họ không biết sau hậu điện
của chùa có hình vẽ của người xem như một gã điên mà tên người đó chính là tên
của chùa. Đó là Hàn Sơn, một cuồng sĩ của thế kỷ thứ 7, thường hay được nhắc
chung với Thập Đắc.
Ngày đó Hàn Sơn là một bần sĩ sống
trong hang đá trong núi Thiên Thai, là chỗ của Tế Điên hòa thượng. Trên núi
Thiên Thai có chùa Quốc Thanh nổi tiếng, bấy giờ do thiền sư Phong Can trụ trì.
Hàn Sơn hay lui tới chùa này, chơi với Thập Đắc. Thập Đắc (lượm được) cũng
không khá gì hơn, là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được Phong Can lượm đem về chùa.
Thập Đắc quí Hàn Sơn, hay thu góp thức ăn, đựng trong một ống tre, cho Hàn Sơn
mang đi. Thế nhưng Hàn Sơn không biết thân phận, đã không biết cám ơn chùa mà
còn chửi đời.
Sách Tống cao tăng truyện viết:
"Hàn Sơn đi trong hành lang chùa, chốc chốc lại kêu gào chửi bới lăng mạ
mọi người, hoặc là ngẩng mặt lên trời mà chửi đổng. Các vị sư trong chùa không
chịu nổi các gậy đuổi đi thì Hàn Sơn lăn lộn, vỗ tay cười hà hà rồi bỏ đi, quần
áo rách bươm, mặt mũi hốc hác, đầu đội mũ bằng vỏ cây hoa, chân kéo lê đôi guốc
mộc". Hàn Sơn Thập Đắc thường bá cổ bá vai đi chơi với nhau và cũng thường
lui tới chùa Hàn Sơn hiện nay ở Tô Châu.
Ngày nọ có vị quan tên là Lư Khâu
Dẫn đến hỏi Phong Can, ở đây ai là người hiền. Phong Can là một thiền sư đắc
đạo, cảm hóa được cả cọp, đáp: "Có Hàn Sơn tức là Văn-thù, Thập Đắc tức là
Phổ Hiền, hình dạng như người nghèo, điệu bộ như người cuồng". Lư Khâu Dẫn
đến chùa gặp hai vị đó liền cúi lạy vái chào, các vị sư khác kinh ngạc hỏi:
"Ngài là quan to sao lại cúi lạy kẻ cuồng phu". Hàn Sơn, Thập Đắc
cười hà hà, nói "Phong Can lắm chuyện" rồi bỏ đi.
Về sau Lư Khâu Dẫn đến tìm thì Hàn
Sơn chỉ la lớn "Các ngươi hãy cố gắng" rồi biến mất trong hang, để
lại nhiều thơ ca. Còn Thập Đắc cũng bỏ đi đâu không ai biết. Ngày nay hậu thế
còn lại Hàn Sơn thi tập do Lư Khâu Dẫn đề tựa và Đạo Kiều ghi chép, phụ thêm cả
thơ của Thập Đắc và Phong Can, gồm hơn 300 bài, gọi chung là Tam Ẩn Tập. Sau
khi Hàn Sơn biến mất rồi thì chùa ở Tô Châu mang tên Hàn Sơn để nhớ đến vị
cuồng sĩ này, trong chùa còn tranh tượng của Hàn Sơn Thập Đắc.
Xem Thêm: (BBT TVHS)
Bài Thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương
Kế
Đến Hàn San Tự Để Tìm Hiểu Bài Thơ
Phong Kiều Dạ Bạc
Thiền Sư Nhất Hạnh Nói Về Bài Thơ
Trên
Đọc Lại Phong Kều Dạ Bạc, Trần Long
Hồ
Trở Lại Với Phong Kiều Dạ Bạc, Hải
Đà Vương Ngọc Long
Đôi Bạn Chùa Hàn Sơn, Duyên Trường
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT