Cửu Hoa
sơn nằm trong địa phận tỉnh An Huy, cách Vũ Hồ khoảng 160km về phía tây nam,
đường đi đến đó rất khó khăn. Cửu Hoa sơn không được nhiều người biết đến, có
khi trong bản đồ cũng không thấy ghi, nhưng đó là một đạo trường quan trọng của
Phật giáo Trung Quốc, là trú xứ của Địa Tạng bồ-tát.
Tôi đến
Cửu Hoa bằng đường núi đi từ Hoàng sơn, xuyên những dãy núi trồng toàn trà.
Trên những sườn non này người ta không còn thấy bóng dáng du khách, dân cư thưa
thớt. Đây là những rẻo cao với nước sông khe suối trong vắt như ngọc, khí trời
dịu mát và khắp nơi là những cụm trà tròn nhỏ, cây lá li ti nằm bên nhau ngút
ngàn đón nắng. Những cụm trà này sống trên sườn non, chúng có thể sống trên độ
cao tới 2000m. Chúng sẽ cho những đọt trà non, có khi người ta hái cả cành
ngọn.
Trên
Hoàng sơn và vùng núi Cửu Hoa, tôi thấy từng bao bố đựng trà, đó là loại trà
"xanh", các cọng trà dài khoảng 1cm, nhìn qua như cỏ khô vô giá trị.
Sản phẩm của trà thì không thể kể hết, nhưng tại Trung Quốc tôi biết thế nào là
mùi vị trà xanh. Đó là loại trà không ướp bất cứ một loại thảo mộc, hoa cỏ gì
khác, nó giữ nguyên dạng của trà, giữ nguyên mùi vị của đất trời mà nó thu
nhận.
Đi trên
vùng núi rừng Chiết Giang này thì làm sao tôi quên được Lục Vũ. Ông sống trong
đời Đường, là người sành pha trà, uống trà tới mức xuất thần nhập hóa, được tôn
là "Trà thánh". Oâng vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được một vị hòa
thượng tên là Trí Tích đem về chùa nuôi dưỡng. Vị hòa thượng này thực hành trà
đạo nên từ nhỏ Lục Vũ đã pha trà cho sư phụ. Nhà vua Đường Đại Tông nghe danh
Trí Tích sành uống trà, cho vời vào cung, sai cao thủ trà đạo pha một ấm trà để
ông thưởng thức. Vị hòa thượng lắc đầu chê "không ngon".
Nhà vua
ngầm gọi Lục Vũ vào kinh, bảo pha một ấm khác, đem tới cho Trí Tích. Trí Tích
gật gù khen: "Lần này pha trà không dở, không thua học trò ta là Lục
Vũ". Về sau, Lục Vũ rời chùa, đi du lãm vùng hạ lưu Trường Giang này, bổ
sung tri thức và kinh nghiệm về trà để trước tác bộ "Trà kinh" gồm 3
quyển, 10 chương. Tập kinh này trình bày từ cách hái trà, sao trà, nấu nước đến
cách pha trà, uống trà hết sức tinh vi sâu sắc. Cuối đời, Lục Vũ về Hồ Châu tại
Chiết Giang ở ẩn. Phải chăng những rẻo cao trên sườn Hoàng sơn này đã lưu dấu
vị trà thánh. Đất trời của 12 thế kỷ trước phải chăng vẫn còn giữ nguyên vẹn
tính chất để cho những cụm trà tròn nhỏ này mùi vị của ngày xưa mà Lục Vũ đã
một thời thưởng thức?
Đất
không phải chỉ cho trà mùi thơm cao quí, đất đại biểu cho sự an nhiên bất động
của bồ-tát, đồng thời là chốn ẩn mật chứa bao điều sâu kín. Có một vị bồ-tát,
tính chất của Ngài là "an nhẫn bất động, giống như đại địa; vắng lặng sâu
kín giống như kho sâu". Vị ấy tên là Địa Tạng và tôi đang trên đường đi
đến đạo trường của Ngài ở Cửu Hoa sơn.
Địa Tạng
là vị được xem là người cứu hộ cho những ai không may rơi vào địa ngục. Vì thế
Ngài còn có danh hiệu là U Minh giáo chủ, người cứu vớt những kẻ nằm trong các
chỗ thác sinh tối tăm, đau khổ. Địa Tạng cũng được xem là người cứu độ trẻ con
yểu tử và lữ hành phương xa. Địa Tạng hay được trình bày như một tăng sĩ đầu
tròn, tay cầm tích trượng có sáu vòng, đại diện cho lục đạo. Có khi tranh tượng
vẽ Ngài mang vương miện, tay cầm gậy, ngồi trên lưng lân. Cũng như các vị
bồ-tát khác, Địa Tạng ứng hiện vô số hình tướng để đến với những ai cần mình.
Tại sao Cửu Hoa sơn được gọi là đạo trường của Địa Tạng?
Từ thời
Tây Tấn (317-420], Cửu Hoa sơn đã nổi tiếng là một cảnh núi đẹp với một cổ am
do một nhà sư người Ấn Độ tên là Bôi Độ xây năm 401. Cửu Hoa gồm chín ngọn núi
mà đỉnh cao nhất là Thập vương phong, đo được 1431m. Thật ra tên Cửu Hoa có từ
ngày Lý Bạch đến đây, nhà thơ lớn thấy chín ngọn núi như chín đóa hoa mới đặt
tên là Cửu Hoa sơn. Cùng thời với Lý Bạch có một vị hoàng tử xứ Triều Tiên, tên
là Kim Kiều Giác [44]. Kiều Giác nghe danh Huyền Trang tại Trung Quốc, quyết
đến xứ này để tu học.
[44] - Sinh năm 695 trước Lý Bạch 6 năm, mất năm 794
Năm 730,
đó là thời kỳ của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi, Kiều Giác đến Trung Quốc,
nghe nói đến Cửu Hoa sơn, ông đến đó và tìm thấy ngôi cổ am nọ không người săn
sóc. Kiều Giác xin gặp chủ núi Hoa sơn thời đó là một vị có tên Mẫn Công, xin
một miếng đất để xây cất tự viện. Mẫn Công hỏi bao nhiêu đất, Kiều Giác chỉ xin
miếng đất lớn bằng tấm áo cà sa. Mẫn Công vừa gật đầu thì miếng áo cà sa tung
lên đã phủ cả núi. Mẫn Công được nhiếp phục và về sau cùng con trai trở thành
đệ tử của Kim Kiều Giác. Phép tung áo cà sa xin đất cúng dường thú vị và nhiều
ý nghĩa này về sau được Tế Điên hòa thương lặp lại tại Hàng Châu.
Từ đó về
sau, tại Cửu Hoa sơn được xây dựng rất nhiều chùa chiền tự viện. Năm 794, lúc
đó Kiều Giác 99 tuổi, nghe một tiếng gọi mơ hồ, ông biết thời điểm của mình đã
tới, từ giã triệu tập đệ tử, ngồi mà nhập tịch. Ba năm sau đệ tử mở áo quan ra
thì nhục thân còn tươi, các khớp xương kêu "rổn rảng nghe như tiếng xích
vàng rung chuyển". Dựa trên kinh sách người ta mới biết đó chính là Địa
Tạng đã ứng hiện và xây dựng "Nhục thân bảo điện". Vì có nhiều tháp
xây lên trên điện, sau đó không bao lâu không còn ai được thấy nhục thân của
Kiều Giác được nữa.
Khoảng
bảy tám trăm năm sau, có một cao tăng tên là Vô Hà đại sư (1497-1623, thọ 126
tuổi), từ Ngũ Đài đến Cửu Hoa đảnh lễ Địa Tạng. Lúc đó là đời nhà Minh, chùa
chiền hoang phế, tăng chúng lưu lạc, Cửu Hoa không còn một bóng người. Vô Hà ẩn
tu 100 năm, đói ăn rễ cây, khát uống nước suối, trích máu chép kinh Hoa Nghiêm.
Ba năm sau khi chết người ta mới khám phá nhục thân của ông, cũng không bị hư
hoại. Nhục thân của Vô Hà được thờ tại đây, trong Bách Tuế cung, cũng gọi là
Vạn Niên tự. Người ta cho rằng Vô Hà chính là Kiều Giác tái sinh, đến đây để
lưu lại cho hậu thế nhục thân của mình vì tại nhục thân của Kiều Giác không còn
ai chiêm bái được nữa.
Ngày nay
Cửu Hoa sơn được phục hồi sớm nhất trong tứ đại danh sơn [45], hiện có khoảng
56 tự viện, chứa khoảng 1300 cổ vật như kinh sách, thư pháp, họa đồ. Theo
phương trượng Cửu hoa sơn thì người ta dự định xây dựng một bức tượng Địa Tạng
cao 99m, đó sẽ là bức tượng cao nhất Trung Quốc và thế giới. Con số 99m là để
kỷ niệm 99 tuổi thọ của Kim Kiều Giác.
[45] - Ngũ Đài, Nga Mi, Cửu Hoa và Phổ Đà sơn
Cửu Hoa
sơn là một rặng núi cao, đường lên núi nằm trong một rừng cổ thông. Ở đây không
có phương tiện cơ giới lên núi, ta phải leo bộ, người già phụ nữ phần lớn phải
đi cáng. Đoạn cuối cùng lên đỉnh là một tầng cấp với 84 bực đá xanh. Leo lên
tới đây, khi hơi thở mọi người đều đã gấp rút mệt nhọc, tôi thấy một thiếu phụ
bắt đầu vừa đi vừa lạy, theo cách "nhất bộ nhất bái". Chị mặc áo quần
đen làm tôi nhớ những người đánh trống mà tôi gặp tại Lâm-tì-ni, Ấn Độ. Chị lạy
theo kiểu Tây Tạng, tức là chấp tay trên đầu, chấp tay trước ngực rồi mới cúi
lạy. Khuôn mặt chị buồn bã nhưng nghiêm trang, dáng điệu chị uyển chuyển và cao
quí. Chị cầu nguyện Ngài Địa Tạng điều gì, hỡi người thiếu phụ? Chị có người
thân vừa mất, đọa sinh địa ngục hay chị có con nhỏ trong cảnh thập tử nhất
sinh.
Tôi leo
hết 84 bậc thang để đến Hóa Thành tự, đó chính là đạo trường của Địa Tạng, là
chùa khai sơn của Cửu Hoa. Sơn môn có bốn cột trụ treo hai câu đối:
Đại
Thánh đạo tràng đồng nhật nguyệt,
Thiên
thu cổ sát hộ đông tây.
Đạo
tràng của bậc thánh như trời trăng,
Ngàn năm
ngôi chùa bảo hộ đông tây.
Và:
Hoa ngạ
phong tiền hương vân phiêu miễu,
Hóa
thành tự lý hoa vũ tân phân
Trước
ngọn Hoa Ngạ mây hương tỏa ngát
Trong
chùa Hóa thành mưa hoa rực rỡ.
Nơi đây
là hình tượng của Địa Tạng với hai bên tượng họa Thập điện Diêm Vương mà Ngài
là hóa thân. Trong Hóa Thành tự ta còn thấy được kinh xưa khắc họa trên ống tre
nay còn giữ được. Đến Vạn Niên tự, tôi đảnh lễ nhục thân của Vô Hà đại sư ngồi
trong lồng kính đã hơn 350 năm, sống mãi với thời gian, dù cho chùa bị một lần
bị hỏa hoạn trong thời Khang Hy, hay binh biến trong thời Hàm Phong. Sau đó là
Kỳ viên tự được xây trong đời nhà Minh thế kỷ thứ 16 với Đại hùng bảo điện cao
43m, trong đó có ba bức tượng tuyệt đẹp của Thích-ca, A-di-đà và Dược Sư. Trên
đỉnh Thiên Thai, một ngọn núi cao 1325m của Cửu Hoa sơn người ta tìm thấy Địa
Tạng thiền tự, nơi đây còn dấu chân của Địa Tạng. Cao tăng Tông Quả đời Tống
từng viết:
Đạp biến
Thiên thai bất tác thanh,
Thanh chung nhất xử vạn sơn minh
(Dẵm nát Thiên Thai không tiếng
động,
Một chày chuông sớm khắp núi nghe)
Tôi ra khỏi các chùa thì thiếu phụ
áo đen cũng vừa lên đến. Leo lên đỉnh núi này theo cách "nhất bộ nhất
bái" thật là phi thường nhưng bước chân chị vẫn vững vàng, dáng điệu đảnh
lễ của chị vẫn thành kính và cao quí. Mọi khách thập phương đều nhường chỗ cho
chị vào chùa, sau mỗi bước chị vẫn lễ, mắt nhìn tượng Địa Tạng trên cao, Ngài
từ bi im lặng nhìn xuống chị. Lòng thành kính của chị cộng với lòng đồng cảm
của mọi người xung quanh hẳn phải biến thành một sức mạnh, một ánh sáng tỏa rực
trên ngọn núi này, trong rừng cổ tùng này dưới ánh nắng mai. Aùnh sáng đó phải
chiếu đến các từng tâm thức đen tối mà người ta gọi là "địa ngục", để
thức tỉnh những ai lạc loài trong đó.
Thập điện u minh, địa ngục hay Quỷ
môn quan đều là những dạng của tâm thức chúng ta. Nếu sự giận dữ có thật thì
địa ngục có thật, nếu có ai đang hăm hở đem dao súng đi giết người thì kẻ đó
đang mở cánh cửa Quỷ môn quan. Địa ngục hay tất cả các ác đạo, nói chung là tất
cả các nẻo sinh tử, kể cả thiên giới không khác gì hơn là các trạng thái tâm
thức nằm chờ chúng ta trong chính mình. Chúng không hề là các nơi chốn có vị
trí địa lý, đừng đào xới tìm tòi vô ích. Con người chúng ta ngày đêm đang qua
lại trong sáu nẻo, đâu phải chờ đến chết mới nói mình thác sinh đi đâu. Cơn
giận giữ biến thế giới này thành hỏa ngục mà ta là thành viên trong đó. Sự tham
lam vô độ biến ta thành "Quỷ đói". Niềm vui hỉ lạc làm môi trường
xung quanh thành thiên giới.
Hãy quan sát một người đang giận giữ
hay tham lam. Nếu có ai muốn thấy ma Quỷ "cho biết" thì đây là dịp
tốt. Vì những lẽ đó "ma Quỷ" chỉ là những khuynh hướng nội tâm mà làm
người thực ra ai cũng có. Cái từ bi của đạo Phật là thấy nó chỉ là sự hiện thân
của những khuynh hướng xấu ác, trừ diệt nó đi thì tâm thức có chỗ cho tâm
thiện. Như bóng tối tan thì ta thấy rõ mọi vật xung quanh. Từ đó mà nói rằng
Địa Tạng cứu ta ra khỏi địa ngục là điều rất dễ hiểu, đó là khi giận dữ, ta hãy
thử nghĩ về Địa Tạng. Tôi tin rằng ta bớt giận được gần nửa. Ngài đã
"cứu" chúng ta theo cách là ta đã tự cứu chúng ta nếu biết mình đang
giận dữ và thành tâm muốn bớt giận. Thế nên cũng không nhất thiết phải nghĩ
niệm đến Địa Tạng, hãy nhớ tới những hình ảnh mà ta cho là thánh thiện, làm ta
thoát được sức nóng của giận dữ, như đức Chúa, như người mẹ, thậm chí một người
bạn.
Điều khó nhất của mọi chuyện là khi
ở trong dạng địa ngục ta biết mình đang ở trong đó. Và nếu may mắn biết được
điều đó thì ta cần chút thành tâm muốn mình bớt giận dữ, nhớ nghĩ đến Địa Tạng
và ta sẽ bớt giận. Có nhiều người niệm Địa Tạng nhưng cũng có người nhớ nghĩ
đến những hình ảnh khác, những phương cách khác để chế ngự tâm. Từ trong kho
báu "vắng lặng sâu kín" đó ta có quyền lấy ra mọi thứ để sử dụng,
không cần phải gọi tên chúng là gì. Chúng ta ai cũng đã trải qua những cơn giận
dữ nhưng không mấy ai biết rằng tâm giận dữ, khuynh hướng muốn hành hạ làm khổ
người khác là một trong những tâm cơ bản nhất của sinh vật, trẻ con người già
đều có, đời kiếp nào cũng có, con người hay súc sinh đều có. Cũng vì thế mà tâm
"sân" là một trong ba động cơ trung tâm của sự tái sinh.
Liệu người thân của chị áo đen đó có
thoát khỏi địa ngục, hay con nhỏ của chị có tai qua nạn khỏi, điều đó chỉ có
Ngài Địa Tạng mới biết. Nhưng điều chắc chắn là với một tâm thức chân thành và
mạnh mẽ như thế, chị sẽ có thói quen nhắc nghĩ niệm đến Địa Tạng, có khả năng
thoát khỏi những cơn giận giữ dìm mình trong cõi tối tăm, có tình cảm chân thật
với những ai cùng đi một con đường phước thiện như mình, dễ sinh hỉ lạc với
những điều cao thượng và đó chính là cánh cửa mở ra hướng về phía thiên giới.
Đáng mừng thay cho những ai có một tâm thức phước thiện kiên cố như chị.
NGÀNH SỨ TRUNG QUỐC VÀ CẢNH ĐỨC TRẤN
Khoảng thế kỷ thứ 16, tại châu Aâu
người ta thấy có nhiều vật dụng trang trí, tác phẩm nghệ thuật, bát đĩa, bình
chứa...làm bằng một chất liệu kỳ lạ. Đó là một chất "đất" đặc biệt
trắng như tuyết, nhẹ như bông, tuyệt đối không mùi vị, mang hoa văn nhiều màu,
không thấm nước, dễ lau chùi. Trong các vương triều thời Trung cổ và Phục hưng
xa xưa ngày trước vua chúa thường uống rượu bằng những ly tách làm bằng đồng
hay bạc, sắc "kim" của nó lạnh, cầm nặng tay và thô. Vì thế khi bát
đĩa làm bằng thứ đất trắng mà người Trung Quốc gọi chung là sứ, châu Aâu gọi là
porcelain tràn đến châu Aâu thì lập tức nó có chỗ đứng trang trọng trong hoàng
triều, trong các cung điện nhà vua. Trên tay các bà mệnh phụ là những chiếc
tách trắng toát mang màu sắc thanh nhã, chúng xem ra phù hợp hơn các ly cối
bằng đồng lạnh ngắt.
Thế nhưng các bà đó không mấy ai
biết cái chất đất màu trắng này mà cũng có một chiều sâu triết lý hẳn hoi.
Người Trung Quốc không mấy chuộng kim loại để làm vật dụng trong nhà. Đối với
họ "kim" là để chế tạo vũ khí, dụng cụ đồng áng, sắc của nó lạnh, khí
của nó cứng. Còn vách nhà, mái hiên, đồ đạc thì phải bằng đất ấm áp thân tình.
Nếu "thổ" mà được nung lên với "hỏa" thì càng tốt, chúng đi
với nhau trong thuyết ngũ hành tương giao. Và đó là nguồn gốc triết lý của sứ,
nếu ta muốn quy mọi chuyện về với triết học. May mắn cho Trung Quốc là trời
sinh cho họ có nhiều đất lạ.
Trong số đó có loại đất cực mịn và
rất trắng mà trong vô số ngọn núi của họ có một núi tên là Cao linh (Gaolin) ở
Giang Tây là chứa nhiều nhất. Đó là vật liệu để làm sứ. Cao linh trở thành tên
chung của mọi ngôn ngữ để đặt tên cho thứ đất kỳ dị này. Ngày nay nhiều nơi
trên thế giới thứ đất đó được khai thác. Việt Nam chúng ta gọi nó là
"cao-lanh" và không thiếu tại các vùng Phú Thọ, Thừa Thiên, Sông Bé.
Đồ sứ còn có một mối quan hệ mật
thiết với nghệ thuật hội họa và thư pháp. Nếu trong điêu khắc hay thơ phú người
ta còn có thể sửa chữa, thêm bớt trong quá trình hoàn thành thì trong hội họa
và thư pháp, nghệ nhân chỉ một lần sáng tạo và sau đó không thể chữa những nét
sai kém được. Đó là loại nghệ thuật nằm xa, nằm ngoài trí óc suy luận, không
cho phép gò ép, trau chuốt. Đồ sứ cũng thế, nó chỉ thành hình và lên màu sau
khi nghệ nhân đã nung sản phẩm của mình trong lửa.
Dĩ nhiên kinh nghiệm của nhà sản
xuất được trao truyền lại bao đời con cháu để tránh rủi ro, nhưng một tác phẩm
ngành sứ luôn luôn dành lại cho mình cái bí ẩn cuối cùng, ra khỏi lò nung là
sản phẩm trở thành chung quyết trong đó màu sắc, hình dạng phải độc đáo và hài
hòa với nhau. Do đó đồ sứ chứa một yếu tố của sự độc đáo bất ngờ nằm ngoài suy
luận như của tranh họa, thư pháp mà nếu nói cho sâu xa thì gốc của nó là Thiền
tông.
Ngành sứ Trung Quốc được xem như
phát sinh trong đời nhà Đường [618-907] hay đời nhà Tống (960-1279]. Nhiều nhà
nghiên cứu Trung Quốc đi xa hơn, họ khám phá bên bờ Hoàng Hà nhiều mảnh gốm
thời thượng cổ để kết luận 6000 năm trước công nguyên, công nghệ sành gốm đã có
mặt nơi đây. Trong thời nhà Chu và Thương (đến
năm 221 trước công nguyên) người ta đã khám phá nhiều mảnh cao-lanh nung tới
1000 độ C. Tại viện bảo tàng Thượng Hải, ta có thể thấy vài mảnh gốm sứ của đời
nhà Thương.
Trong thời nhà Tần-Hán (đến năm 220
sau công nguyên) người ta biết tráng men, chính men là lớp phủ làm cho đồ sứ
không thấm nước. Đến đời nhà Đường, ngành sứ đi vào sự điêu luyện với màu sắc
và hoa văn trang trí. Qua đời Tống, ngành sứ có những chuẩn mực mà ngày nay còn
truyền lại. Trong đời này nhà Tống phải dời đô về Hàng Châu lánh nạn Hung nô và
đem theo nghệ nhân về Cảnh Đức Trấn (Jingdezhen),
thuộc tỉnh Giang Tây ngày nay.
Đến thời nhà Nguyên (1271-1368], đó
là lúc Trung Quốc bị Mông Cổ trị vì gần 100 năm, ngành sứ bất ngờ nhận thêm
nhiều yếu tố mới lạ. Đó là loại men sứ nền trắng, hoa văn xanh mà ta hay thấy.
Gốc của nó là công nghệ vùng Trung Đông. Ngoài ra trong thời nhà Nguyên, nhiều
hình dạng đặc biệt như vật dụng của dân du mục, của Thành Cát Tư Hãn hay mang
cũng được đưa vào trong ngành sứ.
Đến đời nhà Minh (1368-1644] thì
nghệ thuật ngành sứ lên đến tột đỉnh và Cảnh Đức Trấn trở thành trung tâm sản
xuất hàng sứ cho vương triều và xuất khẩu đi các nước. Tại Cảnh Đức Trấn thời
đó đã có khoảng 300 cơ sở sản xuất mà các lò sứ tốt nhất chỉ để dành cho triều
đình tại Bắc Kinh.
Thời nhà Thanh (1644-1911] là thời
mà "gu" ưa màu sắc sặc sỡ của dân Mãn Châu xâm lấn vào ngành sứ. Song
song, phương Tây đã biết đến đồ sứ, các bà mệnh phụ đòi phải tráng một vòng
vàng hay bạc trên miệng bát đĩa. Lúc này trình độ sản xuất đồ sứ đã lên rất
cao, hình dạng và màu sắc phong phú, nhưng đồng thời tính truyền thống của
Trung Quốc cũng bắt đầu phai mờ. Dần dần khi đưa công nghệ cơ giới hóa vào
ngành sứ, người ta có thể sản xuất hàng loạt nhưng tính độc đáo của tác phẩm
cũng mất theo.
Đến thế kỷ 20, Nhật xâm chiếm Trung
Quốc, phá hủy những lò nung, nghệ nhân đi tứ tán và sau đó là chủ trương quốc
doanh, chính sách hủy bỏ kinh tế tư nhân làm ngành sứ Trung Quốc tàn lụi. Ngày
nay, cũng như các truyền thống nghệ thuật và văn hóa khác của Trung Quốc, ngành
sứ được khôi phục lại, nhưng song song với việc chạy theo số lượng và do
"nghệ thuật" làm đồ giả mọc lên như nấm, ngành sứ không bao giờ trở
lại thời kỳ hoàng kim cũ.
Tôi đến thăm Cảnh Đức Trấn của thời
đại vàng son năm xưa. Trước thời nhà Tống đây chỉ là một cái làng nhỏ, tên gì
không rõ, nằm gần núi Cao Linh, chuyên sản xuất gốm sứ. Đến thời Tống Nhân Tông
[46], tức Cảnh Đức, nhà vua cho đổi tên thị trấn này thành Cảnh Đức trấn và mọi
sản phẩm ngành sứ nơi đây phải ghi nhãn hiệu là "sản xuất trong đời Cảnh
Đức". Nhà vua không ở lâu trên ngôi nhưng tên tuổi đó ngàn năm vẫn còn.
Trong thời nhà Minh, Cảnh Đức Trấn là một trong bốn trung tâm gốm sứ.
[46]
- Làm vua từ năm 1004-1007
Ngày nay Cảnh Đức Trấn là một thị
trấn giàu mạnh, là trung tâm ngành sứ của Trung Quốc còn lại với thời gian. Hơn
một nửa dân cư ở đây hoạt động trong ngành sản xuất đồ sứ. Trong một vùng rộng
lớn, nơi đâu ta cũng thấy la liệt sản phẩm sành sứ, hàng giả xem ra chen chúc
với hàng thật. Nơi đây tôi nhận rằng bốn đặc tính của sứ cao cấp còn tồn tại
với thời gian: trắng như ngọc, mỏng như giấy, trong như gương, búng tay âm thanh
phát ra như tiếng khánh. Vào một gian hàng, cầm thử trên tay một sản phẩm, tôi
chưng hửng vì nó quá nhẹ. Những cái chén này nhất định không phải để ăn cơm,
giá của nó đề bán cũng không đắt. Về sau tại Hồng Kông tôi xem lại những chiếc
chén đó thì giá tại Hồng Kông đã vọt lên gần 20 lần.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT