Ninh Ba, nằm trên bờ biển nhìn ra
Nam Hải Quan Âm trên đảo Phổ Đà, là một vùng đất thiêng. Du khách ai cũng biết
Thượng Hải, nào ngờ cách đó 200km về hướng nam có một vùng đất đã phồn vinh từ
đời nhà Tần, cách đây 2300km, đó là Ninh Ba. Đến đời nhà Đường, Ninh Ba trở
thành một cảng biển quan trọng của Trung Quốc. Qua thời nhà Tống, năm 1127, khi
triều đình dời đô về Hàng Châu thì Ninh Ba đóng vai trò quan trọng như ngày nay
Thượng Hải đối với Bắc Kinh. Đến thế kỷ 16 thì Ninh Ba đã đầy những tàu thuyền
nước ngoài. Trong những người lữ khách lui tới đó có những tăng sĩ đến từ một
quần đảo tên gọi là Nhật Bản. Thế nhưng tàu bè đâu phải là thứ làm Ninh Ba trở
thành vùng đất thiêng mà từ rất xưa đây là nơi tụ hợp nhiều ngọn núi lạ lùng.
Như ta biết sau thời Tam Quốc là
thời Tây Tấn của Tư Mã Yêm. Năm 282 trong thời đó có một ẩn sĩ tên là Lưu Thái
Ha mộng thấy một vị tăng người Ấn Độ chỉ đường đi tìm xá lợi của Phật. Ngày nọ
Lưu Thái Ha đến núi Mậu sơn, nằm ở phía đông của Ninh Ba ngày nay, nghe dưới
đất có tiếng chuông khánh, đào lên thì thấy một bảo tháp, bên trong có một
chung vàng chứa xá lợi Phật. Vì hơn bốn trăm trước, A-dục Vương tại Ấn Độ cho
xây "tám vạn bốn ngàn tháp" thờ xá lợi Phật nên núi Mậu sơn ở Ninh Ba
được đổi tên thành A-dục vương sơn. Về sau Lưu Thái Ha trở thành tăng sĩ, có
tên sư Huệ Đạt, ông cất tinh xá thờ xá lợi. Năm 405, trong thời Nam Bắc triều,
chùa chiền bắt đầu được xây dựng. Nhà vua Lương Vũ Đế, người hân hạnh được
Bồ-đề đạt-ma giáo hóa, cũng cho xây thêm tự viện ở đây năm 522 và tặng tấm biển
"A-dục vương tự". Về sau, vua Tống Cao Tông tự tay đề biển "Phật
Đảnh Quang Minh chi tháp".
Theo bước các vị cao tăng như Tỉnh
Am đại sư, Hư Vân hòa thượng, tôi đến chùa A-dục đảnh lễ xá lợi. Kiến trúc của
chùa ngày nay là từ thời nhà Thanh, tháp đựng xá lợi bằng gỗ đựng trong một
tháp đá nằm trong xá lợi điện cao hơn 15m. Nơi đây trước khi mở tháp cho khách
thập phương đảnh lễ các vị sư trong chùa tụng kinh và thực hành nghi lễ rất
công phu. Ngẩng đầu nhìn xá lợi treo trong tháp, tôi nhớ lại mình đã đến ngọn
đồi con, chỗ làm lễ Trà tỳ (Lễ thiêu xác) đức Phật hơn 25 thế kỷ trước, nơi mà
Huyền Trang nói rằng, ai nhất tâm sẽ tìm thấy xá lợi. Ngày nay trên đất Trung
Quốc này của Huyền Trang, xa Câu-thi-na vạn dặm, tôi đã "tìm thấy"
răng Phật gần Bắc Kinh, xá lợi Phật tại Ngũ Đài sơn và đây là lần thứ ba tại
Ninh Ba trên bờ Nam Hải.
Sau chùa ta còn tìm thấy nhiều bia
đá mà bia xưa nhất là của năm 833 thuộc đời Đường. Qua nhà Tống, chùa A-dục là
đạo trường của Lâm Tế tông, các vị thiền sư như Tông Cảo, Đức Quang, Sư Phạm
đều đã giáo hóa nơi đây và trong giới đệ tử ngày đó có nhiều người từ Nhật Bản
qua học. Trong số đó có một người tên là Minh Am Vinh Tây (Eisai, 1141-1215].
Minh Am Vinh Tây chính là người khai sáng Thiền tông tại Nhật và truyền tông
Lâm Tế [48] qua Nhật.
[48]
- Tiếng Nhật: Rinzai
Mới 14 tuổi ông xuất gia, lên núi Tỉ
Duệ tại Nhật học Thiên Thai tông. Sau đó ông thấy phải trực tiếp đi Trung Quốc.
Năm 1168, ông lên đường đi Trung Quốc lần đầu, lúc đó chưa biết gì về Thiền
tông cả. Hai mươi năm sau, ông đến Trung Quốc lần thứ hai, lần này ông lên chùa
Vạn Niên ở núi Thiên Thai và được thiền sư Hư Am Hoài Sưởng ấn chứng, một vị
thuộc tông Lâm Tế. Về nước ông soạn bộï Hưng thiền hộ quốc luận, là người đầu
tiên truyền bá giáo lý Thiền tông tại Nhật.
Cách Ninh Ba 35km về phía đông,
không xa A-dục vương sơn bao nhiêu là một ngọn núi khác có tên là núi Thái
Bạch. Khoảng năm 300 có một vị tăng tên là Nghĩa Hưng lập thảo am tu trên núi
đó. Ngày nọ trên ngọn núi vắng người đó có một thiếu niên đến cúng dường củi
lửa và lương thực. Nghĩa Hưng hỏi tên tuổi thì thiếu niên đó tự xưng là Thái
Bạch. Vì thế núi được mang tên là núi Thái Bạch, am cỏ của Nghĩa Hưng có tên
Thiên Đồng (thiếu niên cõi trời). Đến đời Đường, năm 575 lại có một vị tăng
khác tên là Pháp Xán tu học ở đây cũng được vị thiếu niên này hầu hạ cúng dường
nên núi Thái Bạch càng được hâm mộ. Chùa trên núi Thái Bạch kể từ đời nhà Minh
mang tên Thiên Đồng tự. Ngày nay đến Thiên Đồng tự ta thấy ngôi chùa xây trong
thời nhà Thanh (1644-1911]. Trong chùa có tượng Phật tam thế, hiện tại quá khứ
và vị lai.
Chùa Thiên Đồng là nơi ghi dấu chân
của nhiều vị thiền sư Nhật Bản mà quan trọng nhất là vị Đạo Nguyên Hi Huyền [49].
Đó là một trong những vị thiền sư quan trọng nhất của Nhật, người đưa dòng
thiền Tào Động [50] qua Nhật. Đạo Nguyên được tôn thờ là "đại bồ-tát"
và có tư tưởng "thâm sâu và quái dị nhất".
[49]
- Tiếng Nhật: Dogen Kigen (1200-1253]
[50]
- Tiếng Nhật: Soto
Đạo Nguyên mới lên bốn đã đọc thơ
Đường, lên chín đọc A-tì đạt-ma [51]. Lên 15 tuổi, Đạo Nguyên học giáo pháp của
Thiên Thai tông nhưng không vừa ý. Đạo Nguyên tìm đến thiền sư Minh Am Vinh
Tây. Vinh Tây nói với Đạo Nguyên: "Chư Phật không ai biết mình có Phật
tính, chỉ có súc sinh mới biết mình có Phật tính". Câu nói khó hiểu đó mà
Đạo Nguyên nghe qua thì thấy có sáng sủa hơn đôi chút thì không may Vinh Tây
chết trong năm đó. Năm 1223 Đạo Nguyên quyết thân hành sang Trung Quốc.
[51]
- Bộ luận căn bản của Phật giáo
Đến chùa Thiên Đồng, ông nghe thiền
sư Như Tịnh [52] khai thị "hãy xả bỏ thân tâm", Đạo Nguyên đại ngộ.
Hai năm sau ông về nước, thành lập tông Tào Động tại đó. Học trò hỏi Pháp Phật,
ông chỉ đáp "với hai bàn tay trắng ta trở về cố hương, chẳng có chút gì
gọi là Phật pháp cả...mây tan núi hiện". Mặc dù "không có gì để
nói" nhưng ông để lại Chính pháp nhãn tạng (Shobogenzo), một tác phẩm đồ
sộ với 95 quyển, một kiệt tác của Thiền tông Nhật Bản.
[52]
- Thiên Đồng Như Tịnh (1163-1228], học trò của Tuyết Đậu Trí Giám
Sau núi A-dục và Thái Bạch gần Ninh
Ba còn một ngọn núi huyền bí hơn nữa, đó là Thiên Thai sơn, cách khoảng 100km.
Chúng ta thường nghe "Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai" thì đó chính là ngọn
núi này. Huyền sử chép hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời Hậu Hán (25-250] đi
hái thuốc trong núi này gặp tiên. Hai chàng ở với tiên nửa năm, nhớ nhà xin về
thì hậu thế đã trải qua bảy đời rồi. Hai chàng trở lại núi thì không còn thấy
tiên đâu nữa. Ngày nay người ta đến Thiên Thai sơn chắc chẳng còn ai được diễm
phúc như hai chàng Lưu Nguyễn.
Thiên Thai sơn không chỉ là trú xứ
của tiên nữ, đó cũng là nơi ẩn tu của Tế Điên hòa thượng, của Hàn Sơn. Thiên
Thai sơn là nơi núi rừng u thúy, thâm sâu hùng vĩ mà trong thời đại hưng thịnh
nhất nơi đây có 72 ngôi tự viện, trong đó bốn ngôi được gọi là "tứ đại
danh sát": Quốc Thanh, Vạn Niên, Thiên Phong và Cao minh tự.
Thiên Thai sơn là tổ đình của phái
Thiên Thai tông do Trí Khải [538-597] sáng lập. Thật ra Trí Khải là tổ thứ tư
của Thiên Thai tông nhưng ông được xem là người thực sự sáng lập môn phái này.
Ông là người đầu tiên trong Phật giáo Trung Quốc hệ thống các trường phái Phật
giáo với các chủ trương khác nhau, trong đó Thiên Thai tông chủ trương lấy Diệu
pháp liên hoa kinh làm cơ sở. Năm 576 Trí Khải về giáo hóa tại núi Thiên Thai
và từ đó mà tông phái của ông có tên Thiên Thai tông. Trong số những người theo
học Thiên Thai tông lại có một vị cao tăng xuất sắc người Nhật, tên là Tối
Trừng [53].
[53]
- Saicho, 767-822, cũng được gọi là Truyền Giáo đại sư
Tối Trừng du học tại Trung Quốc năm
804, nghiên cứu giáo pháp Hoa Nghiêm và cả Mật Tông nhưng ông tiếp thu Thiên
Thai Tông sâu sắc nhất. Tối Trừng đến núi Thiên Thai tham học với Đạo Thúy, cao
tăng đời Đường. Về lại Nhật Tối Trừng lập một thiền viện danh tiếng tại núi Tỉ
Duệ (Hiei) và mất năm 822 tại đó. Tối Trừng để lại cho hậu thế khoảng 200 tác
phẩm.
Hiện nay tại Trung Quốc khách chiêm
bái tìm thấy núi Thiên Thai với ngôi cổ tự Quốc Thanh xây năm 598. Chùa gồm có
14 điện, tượng lớn nhất là Thích-ca mâu-ni cao 6,8m từ đời nhà Minh. Ngoài ra
ta còn tìm thấy 18 vị La Hán đẽo bằng gỗ từ thế kỷ 13, 14, trong đó có Tế Điên
hòa thượng. Còn Thiền tông cũng như Thiên Thai tông đã suy tàn từ lâu. Tại Nhật
Bản, Thiên Thai tông do Tối Trừng sáng lập, Thiền Lâm Tế do Vinh Tây và Thiền
Tào Động do Đạo Nguyên khởi xướng đã bắt rễ nhanh chóng trong xã hội Nhật Bản.
Và bất ngờ thay, Thiền Trung Quốc tắt lịm trong thế kỷ 12 thì tại Nhật nó bắt
đầu có sức sống mãnh liệt.
Sau Vinh Tây và Đạo Nguyên là các
thiền sư Nhật Bản xuất sắc như Tâm Địa Giác Tâm (1207-1298], người đưa Vô môn
quan sang Nhật, Nam Phố Thiệu Minh (1235-1309], người được Nhật Hoàng ban hiệu
Đại Ứng quốc sư. Về sau vị thiền sư xuất chúng nhất của Nhật là Bạch Ẩn Huệ Hạc
(Hakuin Ekaku, 1686-1769], người đã giác ngộ bằng công án Triệu châu cẩu tử [54],
và cũng là người đã nêu lên công án "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn
tay?". Bạch Ẩn là một thiên tài, ông đã phục hưng lại Thiền tông trong thế
kỷ thứ 18 và là một họa sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ tạc tượng xuất chúng.
[54]
- Công án nổi tiếng của Triệu Châu "- Con chó có Phật tính không? -
Không!"
Gần đây nhất ta có D.T. Suzuki [55],
người Nhật, là thiền sư đầu tiên của châu Á giới thiệu một cách có hệ thống
Thiền tông đến với phương Tây mà tác phẩm hay nhất của ông phải là bộ Thiền
Luận [56]. Công trình của ông xuất sắc đến độ có người cảm phục nói "ông
đã đưa được nhiều người đến cửa". Nhiều người phương Tây chỉ biết Thiền
tông qua Suzuki, vì thế mà có kẻ lầm tông phái này bắt nguồn từ Nhật. Họ không
ngờ rằng suối nguồn đầu tiên của Thiền tông Nhật Bản là những họat động của
Vinh Tây, Đạo Nguyên cách đây hơn bảy trăm năm gần một thành phố mang tên Ninh
Ba tại Trung Quốc.
[55]
- 1870-1966, tên Hán Việt là Linh Mộc Đại Chuyết
[56]
- Essays in Zen-Buddhism, bản dịch Việt ngữ của Trúc Thiên-Tuệ Sĩ
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT