Dưới chân Hằng sơn tôi không thể
không nhớ đến một người con gái tên gọi là Nghi Lâm. Đó phải là một thiếu nữ
tươi đẹp, hoạt bát, đầy nhựa sống, ham hoạt động. Thế nhưng đồng thời, nàng là
một tiểu ni cô với hạnh nguyện nghiêm túc mà cuộc đời mãi mãi gắn liền nơi cửa
Phật. Những cuộc đấu tranh long trời lỡ đất trong Tiếu Ngạo Giang Hồ đưa đẩy
nàng xuống núi hành hiệp, nhưng cứ mỗi lần phạm chút lỡ lầm, nàng lại thầm cầu
mong bồ-tát tha tội.
Với tuổi tác và võ công non kém,
Nghi Lâm "hành hiệp" không hiệu quả lắm, nàng chỉ có một vai trò rất
phụ thuộc. Nàng chỉ "nổi" trong sự hoạt bát đầy thông minh của mình
và cũng với tấm lòng yêu cuộc sống đó, nàng cảm thấy gần gũi tự nhiên với Lệnh
Hồ Xung, một chàng trai dễ yêu. Theo đà câu chuyện, Kim Dung sáng tạo ra cả
cảnh Lệnh Hồ Xung phải miễn cưỡng làm cả trưởng môn phái Nga Mi của Hằng sơn,
dẫn đầu cả một đám nữ đệ tử trong đó có Nghi Lâm. Hay thay cái chính tà đan
chéo lẫn lộn, một kẻ bị trục xuất ra khỏi Hoa sơn vì "theo tà bỏ
chính" mà lãnh đạo Hằng sơn, các vị ni sư Hằng sơn dám phá chấp để gọi một
chàng trai ham rượu chè về núi để điều động đệ tử. Trong khung cảnh đó một tình
cảm nẩy nở trong lòng Nghi Lâm mà nàng không biết gọi tên.
Nghi Lâm không biết gọi nó là tình
yêu, thứ tình cảm mà nàng thấy thể hiện bằng sự quyến luyến Lệnh Hồ đại ca.
Nàng không tìm cách kềm chế nó như các vị sư trưởng của nàng mong đợi, vì đối
với nàng, tình cảm đó chưa có gì là tội lỗi. Các vị sư tỉ của nàng già dặn hơn,
biết đó là tình yêu và tìm cách ngăn cản một cách nhẹ nhàng, đầy từ bi như
bồ-tát của họ. Dễ thương biết bao, mối tình nhẹ nhàng này của tác phẩm, nó
xuyên suốt đến cuối câu chuyện để Nghi Lâm rốt cuộc trở thành một người chủ
chốt, hạ thủ cả Nhạc Bất Quần. Đáng thương thay cho nàng, nàng sẽ ân hận suốt
đời vì hành động mà người như Nghi Lâm sẽ cho là vô đạo đó. Và không ai rõ sau
khi câu chuyện chấm dứt, các vị sư nữ trở về núi tu hành tụng niệm, làm sao
Nghi Lâm quên được lòng "quyến luyến" của mình. Liệu sau đó nàng biết
đó là tình yêu hay không, đó là điều người đọc truyện tự trả lời.
Đến Hằng sơn, tiếc thay tôi không
còn thấy một tiểu ni cô nào cả. Đi nhiều nơi thăm nhiều tự viện tại Trung Quốc
ngày nay, tôi cũng không thấy một vị sư nữ nào, chứ đừng nói tới ni cô vai mang
kiếm đi hành hiệp. Tại nhiều chùa tôi nghe nói đến có sư nữ nhưng hình như
chúng tôi không được thăm viếng. Hẳn hình ảnh sư nữ Phật giáo đã biến mất khỏi
xã hội Trung Quốc ngày nay. Thế nhưng tại Bắc Kinh, tôi gặp một chuyện lạ. Tôi
được đi xem opera, tuồng "Truyện nàng Lý ngư" tại Nhà hát lớn ở Bắc
Kinh, cách quảng trường Thiên An môn không xa.
Tuồng kể có chàng thư sinh nọ, gia
đình nề nếp. Lúc nhỏ chàng đã được đính hôn với con gái của một ông quan. Về
sau cha mẹ chết sớm, gia đình sa sút, chàng thư sinh ngày càng nghèo, gia đình
ông quan nọ tỏ vẻ xa lánh chàng. Chàng thư sinh buồn bã không thiết gì đến việc
học hành, ngày đêm thở vắn than dài. Ngày nọ cô tiểu thư con ông quan đến thăm
thư sinh, bày tỏ vẫn yêu thương chàng, nhưng tại cha mẹ nàng sinh lòng rẻ rúng,
chứ nàng vẫn quyết một lòng chung thủy với chàng. Chàng thư sinh hết sức phấn
khởi, chăm chỉ học hành. Chàng có ngờ đâu người con gái đó là một nàng Lý ngư
sống trong hồ, tu luyện lâu năm, biết được hoàn cảnh của chàng, biến hiện thành
tiểu thư nọ đến khuyên nhủ để chàng yên tâm dùi mài kinh sử.
Ngày nọ đến hội hoa đăng, đôi trai
tài gái sắc đi hội, không ngờ gặp nàng tiểu thư thật! Chàng thư sinh lấy làm kỳ
thấy hai người giống nhau như hệt mà người nào cũng tự xưng là tiểu thư cả. Ông
quan nọ được vời đến để phân biệt ai là con gái mình, thế nhưng không sao biết
được cả, vì nàng Lý ngư có thần thông đã biết hết mọi chuyện riêng tư của nàng
tiểu thư. Nàng Lý ngư đã lỡ hiện hình tiểu thư, nàng phải làm cho trót vai trò,
nhưng còn thêm một điều thú vị, đó là nàng đã lỡ yêu chàng thư sinh mất rồi.
Ông quan nọ không biết làm sao nên đem cả hai nàng đến Bao Công nhờ phân xử.
Nàng Lý ngư có một ông anh sống tại
thủy cung, thần thông xuất chúng. Ông anh này liền biến mình thành Bao Công để
tìm cách bênh vực cho cô em gái. Thú vị thay khi thấy hai Bao Công và hai tiểu
thư giống hệt nhau trên sân khấu trong sự hoang mang hoảng hốt của ông quan nọ
và chàng thư sinh tốt số. Cuối cùng Bao Công thật mới dùng cái kế muôn đời là
đem thư sinh vô tội ra đánh đòn trừng trị để xem phản ứng của hai nàng tiểu
thư, qua đó mà biết ai thật ai giả. Cũng lụy vì tình mà nàng Lý ngư lộ bản chất
chỉ là con cá chép tu luyện ngàn năm. May mắn thay cho nàng, chàng thư sinh
không chê nàng mà đem lòng yêu thương, theo về đến thủy cung.
Tưởng như vậy là ổn, ai ngờ đây là
một chuyện sai đạo lý, người không thể chung sống với súc sinh! Và người thi
hành đạo lý đó là tướng nhà trời Dương Tiễn. Dương Tiễn đem quân đến thủy cung
bắt Lý ngư. Ngờ đâu Lý ngư cũng như chàng thư sinh yếu đuối nhất định đánh lại,
thà chết chứ không chịu xa nhau. Cuối cùng Lý ngư đánh không lại Dương Tiễn,
nàng cầu cứu Phật Bà Quan Âm. Bồ-tát Quan Âm hiện ra, cho nàng lựa chọn, nếu là
vì tình yêu thì được biến thành người, chung sống với thư sinh nhưng phải mất
công phu tu luyện, mất tuổi thọ mấy ngàn năm. Nàng Lý ngư thưa: "Nếu không
có tình yêu thì sống ngàn năm phỏng có ích gì". Xúc động thay lời nói của
nàng. Sau đó nàng chịu cho Dương Tiễn rút ba cái vảy thần, chúng là hiện thân
của kết quả tu luyện ngàn năm của mình và về sống làm người với cuộc đời dân
giã.
Trong bóng tối, tôi thầm lặng cảm
nhận câu chuyện, nhận ra lòng mình nhiều cảm khái về opera của Bắc Kinh nổi
tiếng toàn thế giới mà ta tạm gọi là "hát bộ". Hay thay, giải pháp có
tình có lý đầy từ bi, đầy tính người của Quan Âm. Liều lĩnh thay, Lý ngư, dám
bỏ công phu tu luyện ngàn năm để làm kiếp nhân sinh nhiều rủi ro, đầy trắc trở;
bỏ thần thông để làm con người yếu đuối và bất lực trước mọi hoàn cảnh. Tất cả
những hy sinh đó chỉ để làm theo tiếng gọi của trái tim. Và lạ lùng thay, giữa
Bắc Kinh mà có những vở tuồng có tính phê phán xã hội và đầy tính tâm linh tôn
giáo, trong đó Bao Công thật và giả đấu tranh với nhau trước mắt người dân,
trong đó hình ảnh của Nam Hải Quan Âm được trình bày hết sức trân trọng và cuối
cùng giải pháp của Ngài đề ra là chung quyết, trọn vẹn cho con người.
Nghi Lâm và nàng Lý ngư đều là những
hình tượng tuyệt đẹp để tả tình yêu trai gái, một khía cạnh ưu việt của văn hóa
nghệ thuật Trung Quốc. Hai câu chuyện khác nhau xa về kết cục nhưng giống nhau
ở chỗ hai nàng đều xả thân, không tiếc mạng sống mình. Những điều đó làm rung
động đến tâm can người đọc người xem. Những mối tình nhẹ nhàng như của Nghi
Lâm, mãnh liệt như của Lý ngư đều có một nguồn gốc chung là tính người. Vì thế
chúng được thể hiện khắp nơi, có thể nằm trong một bộ trường thiên tiểu thuyết
của Kim Dung, cũng có thể ở trong một tích tuồng đầy màu sắc và tiếng thanh la
não bạt của opera Bắc Kinh.
NGŨ ĐÀI SƠN ( Wutaishan)
Năm 67 sau công nguyên, Ca-diếp
Ma-đằng và Trúc Pháp Lan gặp Hán Minh Đế và sau đó như ta đã biết, Bạch mã tự
là chùa đầu tiên được xây dựng. Nhà vua người Hán còn hỏi hai vị Phạm tăng:
"Pháp Phật chỉ lưu truyền ở Thiên trúc, sao không thấy giảng giải tại
Trung nguyên". Hai vị đáp: "Có chứ, ngày nay có vị Bồ-tát Văn-thù
đang giảng pháp tại Thanh Lương sơn".
Thanh Lương sơn cũng là địa danh
được nhắc tới trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Bồ-tát trụ xứ: "Vùng Đông Bắc
[14] có núi Thanh Lương từ xưa đến nay các vị Bồ-tát thường trú ở đó. Hiện có
Bồ-tát Văn-thù Sư-lợi cùng quyến thuộc và các Bồ-tát khác nữa đông tới vạn
người thường thuyết pháp ở đây" [15].
[14]
- "Đông Bắc" vì dựa trên vị trí của Xá-vệ tại Ấn Độ, đó là nơi Phật
giảng kinh Hoa Nghiêm
[15]
Trích Từ Điển Phật Học Hán Việt, Chủ biên Kim Cương Tử, Hà Nội 1994
Thanh Lương sơn là tên khác của Ngũ
Đài sơn, nằm tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Vì những lẽ trên mà từ xưa tới nay,
Ngũ Đài sơn được xem là trú xứ, là đạo trường của Văn-thù Sư-lợi. Theo truyền
thuyết, Bồ-tát Văn-thù là người cùng với A-nan kết tập bộ kinh Hoa Nghiêm, sau
đó trao cho Long Vương cất giữ rồi Long Vương mới trao cho luận sư Long Thụ để
phổ biến. Vì thế mà Kinh Hoa Nghiêm rất gần gũi với Văn-thù và Ngũ Đài sơn là
nơi các vị tổ của tông Hoa Nghiêm tu học.
Văn-thù Sư-lợi là vị Bồ-tát được gọi
là vị "đại trí". Ngài là một vị cổ Phật nhưng đóng vai trò Bồ-tát để
giáo hóa, nhiều vị thành Phật là cũng nhờ Ngài. "Văn-thù Sư-lợi vẫn thường
làm mẹ của vô lượng chư Phật. Ngài luôn làm thầy của vô lượng Bồ-tát. Ngài giáo
hóa vô lượng chúng sinh…Ngài trụ trong trí huệ thâm sâu, thấy biết được tất cả
các pháp đúng như thật, Ngài thông đạt thấu suốt tất cả cảnh giới giải
thoát" [16]. Đó là lời của Di-lặc nói với Thiện Tài và khuyên Thiện Tài
nên đi gặp Văn-thù Sư-lợi. Tại sao Thiện Tài phải tìm đến gặp Văn-thù? "Vì
từ trước đến nay, mọi thiện tri thức mà ông gặp để rồi được nghe hành bồ-tát,
để vào được cửa giải thoát, để được đầy đủ đại nguyện, đều do thần lực của
Văn-thù Sư-lợi"[17].
[16]
- Trích Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp giới, Việt dịch của Thích Nhất Chân
[17]
- Kinh đã dẫn
Tôi từ Đại Đồng, xuống phía nam, đến
Ngũ Đài sơn đảnh lễ Văn-thù. Ngũ Đài sơn là một rặng núi cách Thái Nguyên, thủ
phủ tỉnh Sơn Tây khoảng 200km. Đây là một rặng núi với năm "đài" mà
đỉnh phía Bắc, Bắc đài, cao đến 3058m. Từ thời Hán Minh Đế ở đây đã có một tự
viện thờ Văn-thù, về sau nơi đây có hàng trăm đền chùa, bảo tháp. Ngày nay trên
núi có 54 đền chùa, nằm rải rác khắp rặng núi. Sau khi đi qua nhiều con đèo
hiểm nghèo, xe đến Đài Hoài trấn, đó là thị trấn nằm giữa lòng Ngũ Đài sơn và
cũng là nơi đi bộ leo lên nhiều tự viện chủ yếu của núi. Tôi đến Đài Hoài trấn
buổi trưa nhưng trời mát lạnh, ở đây có độ cao 1435m. Đường đèo dẫn đến Đài
Hoài tuy rất tốt nhưng hết sức vắng xe, có ai ngờ đến đây mới thấy đây là một
thị trấn tấp nập toàn cả khách hành hương tham bái. Đường đến Ngũ Đài sơn rất khó
khăn và cũng nhờ thế mà các tự viện ở đây thoát khỏi sự tàn phá trong thời cách
mạng văn hóa.
Từ làng Đài Hoài ta có thể đi bộ lên
phía bắc để đến Hiển Thông tự. Đây là ngôi chùa cổ nhất của Ngũ Đài, được kiến
lập trong thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Theo thời gian Hiển Thông Tự được mở
rộng để ngày nay có 7 tự viện nằm trên một trục và nhiều đền nằm xung quanh.
Tổng diện tích của Hiển Thông tự lên đến 80.000 m2. Hiển Thông tự là nơi mà
Thanh Lương Trừng Quán thời nhà Đường, tổ thứ tư của tông Hoa Nghiêm trụ trì và
dịch, chú giải kinh Hoa Nghiêm. Tại đây có câu đối nói về Pháp thân và Văn-thù:
Đức tướng phi không phi hữu, ứng tùy
cơ dĩ hằng châu.
(Pháp thân không đi không đến, vững
yên oai nghi không động,
Đức tướng chẳng không chẳng có, luôn
luôn tùy cơ ứng hiện)
Phía bắc của Hiển thông điện là
Bồ-tát đỉnh, theo truyền thuyết từ thời Bắc Ngụy (386-534], đó chính là trú xứ
của Văn-thù. Tôi leo 108 bậc thang để lên Văn-thù đỉnh, lòng xúc động và cám ơn
cơ duyên vô danh nào đã cho mình cái dịp ngàn năm một thuở này. Những bậc thang
này chính là nơi mà hàng ngàn năm nay, kể từ đầu công nguyên tới nay, hàng vạn
người đã đến đây để đảnh lễ Văn-thù, từ các nhà vua đến các hàng thứ dân, từ
các thiền sư đến các cư sĩ, từ vị đại lạt-ma đến các tiểu tăng sa di. Người ta
kể rằng, đến Ngũ Đài sơn, ai có lòng tin tưởng thì thế nào cũng sẽ gặp Văn-thù
trong một dạng hình nào đó.
Tôi còn nhớ, trong tác phẩm Sư tử
tuyết bờm xanh[18], mình có biên dịch câu chuyện của một vị lạt-ma tên là
Yahden. Vị này mất sáu tháng để từ Tây Tạng đến Ngũ Đài sơn chiêm bái Văn-thù,
trên đường đi ông hết lòng tụng niệm và thiền định liên tục. Và cuối cùng ông
được "leo lên 108 bậc thang" để đến Bồ-tát đỉnh. Ông vừa lên gần đến đỉnh
thì gặp một người ăn xin cụt chân, người đó nói với ông: "Huyền diệu thay,
cái Một trong thiên hình vạn trạng". Yahden mở túi xách, lấy một ít tiền
cho kẻ ăn xin thì người đó nói tiếp: "Huyền diệu thay, cái Một trong thiên
hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một. Thứ ít ỏi này ta không
thèm lấy của ngươi. Ta đòi ngươi cả trái tim!". Yahden vừa biết kẻ đó là
ai thì người đó đã biến mất. Yahden mở mắt thật lớn nhìn quanh và nhảy như bay
lên những bậc cuối và chỉ còn nghe chuông chùa đánh 108 tiếng.
[18]
- Sư tử tuyết bờm xanh, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh 1999
Tôi lên đến Bồ-tát đỉnh, chỉ nghe
tiếng chuông vang ra từ Văn-thù điện xây trên đó. Trên Bồ-tát đỉnh này vua Càn
Long đời Thanh đã cho dựng một tấm bia đá cao 6m, với thủ bút của ông viết bốn
văn tự: Hán, Mãn Châu, Mông cổ và Tây Tạng, ca tụng trí huệ của Văn-thù. Cách
đó khoảng 1km, ta tìm thấy Thù Tượng tự, trong đó là bức tượng nổi tiếng của
Văn-thù cao 9m, ngồi trên lưng sư tử. Chùa này được kiến lập trong đời Đường,
nhưng bị hư hoại và được xây dựng lại năm 1487.
Yahden được Văn-thù "tùy cơ ứng
hiện", được Ngài đọc lại cho nghe yếu nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm. Đến đạo
trường của Văn-thù, tôi lấy lại kinh Hoa Nghiêm ra đọc, xem Ngài nói gì với
Thiện Tài, khi Thiện Tài vâng lời Di-lặc đi tìm Ngài.
"Lành thay, lành thay! Này
thiện nam tử, nếu lìa khỏi lòng tin thì tâm sẽ yếu kém, sẽ lo âu tiếc nuối, nên
công hành không tròn đủ, sẽ thối thất tinh cần, mà chỉ bám trước vào một thiện
căn. Với chút ít công đức ấy sẽ cho đó là đủ, thế nên sẽ không phát khởi được
hành nguyện, sẽ không được thiện tri thức nhiếp thọ, không được chư Như Lai ức
niệm, sẽ không biết được Pháp tính (…giảng Pháp tính), Pháp môn (…giảng Pháp
môn), công hành (…giảng công hành), cảnh giới (…giảng cảnh giới), sẽ không thể
nào biết hết, biết nhiều, biết đến tận cùng, biết rõ, hướng nhập vào giải
thoát, cũng như phân biệt, chứng biết và chứng đắc giải thoát. Mọi điều ấy sẽ
không sao có được" [19].
[19]
Trích Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới, Việt dịch của Thích Nhất Chân
Đến đây thì tôi hiểu. Vị đại trí
Văn-thù mà cũng cho rằng phải có "lòng tin" mới phát khởi được hạnh
nguyện và trí huệ. Chúng ta thường dễ cho rằng dùng trí là có thể hiểu được
pháp, thậm chí trí huệ ưu việt hơn lòng tin. Thế nhưng trí nào hiểu được "cái
Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một"?
Trí nào nắm bắt được cái nghịch lý đó? Tư duy logic thông thường của chúng ta
không thể hiểu Kinh Hoa Nghiêm, đó là điều tôi dám kết luận. Đó cũng là lý do
sau khi Phật thành đạo Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày nhưng không ai
hiểu cả, chỉ trừ các bậc đại bồ-tát.
Tư tưởng Hoa Nghiêm nói về Chân Như
tuyệt đối, trong đó không còn bóng dáng của sự phân biệt nhị nguyên nữa. Còn tư
duy logic của chúng ta lấy nhị nguyên, lấy ta-người làm cơ sở, nó không thể
vươn lên, với tới mức độ tuyệt đối. Như thế phải chăng không ai có thể hiểu Hoa
Nghiêm? Văn-thù chỉ cho ta một cách, đó là dùng lòng tin mà "phát khởi
hành nguyện". Lạ thay, Văn-thù mà cũng cần lòng tin! Lấy hành nguyện thật
lớn, "phát tâm bao la không cùng, khởi tâm vô ngại lìa bỏ tất cả các cõi,
rời xa tất cả các chấp"[20].
[20]
- Kinh đã dẫn
Vì thân biến theo tâm nên với tâm
"bao la không cùng" đó hành giả sẽ có thân vô lượng, siêu việt lên
ta-người, bỏ tính cá thể và trực nhận Chân như tuyệt đối hiện lên trong
"Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái
Một". Với cách đó Thiện Tài đã siêu việt tâm thân mình, hiểu ngộ tất cả
các pháp mà chúng ta thấy là mâu thuẫn không sao hiểu được và đã thể nhập vào hạnh
lớn mà kinh sách gọi là thể nhập vào đạo trường của Phổ Hiền Bồ-tát.
Văn-thù là vị đại trí vì Ngài là kẻ
chỉ đường tu học cho chúng sinh. Nhưng muốn có trí thì phải dùng lòng tin mà
phát tâm học tập, đó là bài tôi học được hôm nay. Vì vậy mà có câu "Ta đòi
ngươi cả trái tim". Ngày trước khi biên dịch chuyện Yahden này, tôi chỉ
nhớ câu "Huyền diệu thay, cái Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên
hình vạn trạng của cái Một", còn "trái tim" tôi cho là phụ. Bây
giờ tôi hiểu, "trái tim" là tiên quyết, "nếu lìa khỏi lòng tin
thì tâm sẽ yếu kém", không có trái tim rộng lớn thì không thể hiểu được
Văn-thù.
Còn Phổ Hiền là vị "đại
hạnh", vì nguyện lực cho hành động (hạnh) của Ngài là rộng lớn vô biên,
cũng phải cùng hành động như Ngài mới hiểu được đại trí của Văn-thù. Tôi chỉ là
người học trò nhỏ, dùng trí logic thông thường mà đoán mò về các điều nằm ngoài
suy luận. Trí huệ và hạnh nguyện của các vị bồ-tát quá to tát, quá xa vời đối
với tôi, thế nhưng tôi cũng sẽ đến đạo trường Phổ Hiền để đảnh lễ Ngài. Đạo
trường đó nằm trên đỉnh Nga Mi sơn, tỉnh Tứ Xuyên.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT