Tôi đến Tứ Xuyên, lòng bồi hồi. Tỉnh
Tứ Xuyên là tỉnh đông dân của Trung Quốc, ngày nay khoảng 120 triệu dân, có
diện tích hơn nửa triệu cây số vuông. Về dân số cũng như diện tích, Tứ Xuyên
lớn gấp rưỡi nước Việt Nam.
Tỉnh Tứ Xuyên có địa thế rất hiểm trở, có hình lòng chảo, bốn phía núi non bao
bọc. Phía nam là cao nguyên Vân Nam, phía đông bắc tiếp giáp với Thiểm Tây với
các dãy núi cao trên 2500m, phía đông là rặng Vu sơn, phía tây là Thanh Hải,
Tây Tạng. Tứ Xuyên ngày xưa là một vùng biên cương của Trung Quốc, đời sống khô
cằn, đến thế kỷ thứ tư trước công nguyên mới được người Hán đến khai khẩn,
thường được mệnh danh là "biên địa hạ tiện".
Thế nhưng Tứ Xuyên là một vùng đất
được nhiều người yêu mến do ngày xưa nó chính là nước Thục của Lưu Bị, Quan
Công, Trương Phi, của Khổng Minh Gia Cát Lượng.
Như ta đã biết đầu công nguyên (năm
67] có một nhà vua tên là Hán Minh Đế là người đầu tiên cho truyền bá đạo Phật.
Đó là thời Hậu Hán, có khi được gọi là Đông Hán. Sau đó gần 200 năm, con cháu
của Minh Đế tên là Hiến Đế lên ngôi, bị Đổng Trác và Tào Tháo chuyên quyền lấn
hiếp. Trong giới tôn thất nhà Hậu Hán có một người tên là Lưu Bị [21], chỉ làm
nghề dệt chiếu, đóng dép, đau lòng vì cơ nghiệp nhà Hán, mới kết nghĩa cùng
Quan Công, Trương Phi dấy quân, phò vua giúp nước.
[21]
- Sinh năm 161, mất năm 222
Mới đầu cơ nghiệp không đi tới đâu
nhưng về sau Lưu Bị gặp một kỳ nhân, đó là Khổng Minh Gia Cát Lượng[22]. Khổng
Minh giúp Lưu Bị chiếm được đất Thục, nay là tỉnh Tứ Xuyên, đóng đô ở Thành Đô
[23], nay là thủ phủ của Tứ Xuyên. Nhờ tài thao lược của Khổng Minh mà nước
Thục mở rộng về phía đông, chiếm được Kinh Châu, nằm trên sông Dương Tử, nay có
tên là Sa Thị. Người trấn thủ Kinh Châu là Quan Công.
[22]
- Sinh năm 181, mất năm 234
[23]
- Chengdu
Còn Tào Tháo [24]bị nhiều người ghét
vì tính "đa nghi" nhưng thật ra là một nhân vật xuất sắc. Ông là
người thao lược, giỏi cả văn lẫn võ. Ông giữ đất Trung Nguyên, gọi là nước
Ngụy, khi đó Lưu Bị đã chiếm đất Thục, Tôn Quyền dựng nước Ngô. Lúc Tào Tháo
chết rồi, con là Tào Phi lên thay mới phế bỏ Hiến Đế và chính thức xưng đế,
hiệu là Văn Đế, khai sinh nhà Ngụy. Đó thời Tam Quốc nổi tiếng (220-280].
[24]
- Sinh năm 155, mất năm 220
Ba nước này chia Trung Quốc ra thế
chân vạc, đó là ba vùng đất to lớn. Nước Ngụy nằm phía Bắc, xung quanh sông
Hoàng Hà; nước Thục phía Tây, dựa lưng vào Tây Vực và cao nguyên Hy-mã; nước
Ngô phía đông ở Giang Nam. Ba vùng đất này tự nó là ba nước cực lớn, nếu ta nhớ
lại thời Chiến quốc, Trung Quốc có hàng trăm nước. Tôi nhớ lại các vương quốc
Ấn Độ, tương đối nhỏ hơn nhiều nhưng họ sống hòa hoãn với nhau. Thế nhưng người
Trung Quốc có óc thống nhất quốc gia từ thời nhà Tần, họ đã quen nghĩ đến một
nước Trung Quốc mênh mông từ bắc xuống nam, từ đông sang tây.
Ba nước Ngụy, Thục và Ngô vì thế mà
đánh nhau liên miên, khi chiến khi hòa và để lại cho hậu thế tác phẩm Tam quốc
chí bất hủ. Tiếc thay lịch sử không đúng như mong ước của người đọc đời sau.
Lưu Bị, Khổng Minh bại trận, nước Thục mất. Lưu Bị thất bại hẳn cũng có số trời
như Khổng Minh đã nói, nhưng ông đã không nghe lời Khổng Minh, phạm sai lầm
cuối cùng của đời mình và là sai lầm quan trọng nhất. Chiến lược của Khổng Minh
là không đánh nước Ngô, liên hiệp với nước này mà đánh nước Ngụy. Lưu Bị cũng
biết thế nhưng khi Quan Công bị nước Ngô sát hại tại Kinh Châu thì Lưu Bị quên
mọi tính toán chiến lược, kéo quân đi dọc Trường Giang về đánh nước Ngô, báo
thù cho người em kết nghĩa. Thất bại, ông rút lui về thành Bạch Đế [25] trên
sông Trường Giang và chết tại đó.
[25]
- Baidicheng
Tôi leo lên Bạch Đế thành, lòng đầy
xúc động. Ôi, tại ngọn núi vắng vẻ này mà đã từng diễn ra cảnh cả Lưu Bị chết,
giao con cho Khổng Minh để rồi nước Thục đi vào diệt vong thật chăng. Bạch Đế
thành nằm trên núi cao, nhìn xuống dòng Trường Giang, ngày nay người ta có thể
đi bộ hoặc xe cáp lên đỉnh. Thành này được Công Tôn Thuật xây năm 25 sau công
nguyên, ông là người xưng đế ở Thục (25-36] thời Vương Mãng cướp ngôi nhà Tây
Hán. Truyền thuyết kể rằng ông thấy trên núi đó, từ một cái giếng thoát ra khói
có dạng như một con rồng trắng và nhân đó mà ông xưng là "Bạch đế".
Ngày nay giếng vẫn còn, trên miệng
giếng có dựng hình một con rồng. Tôi tìm tới cung Vĩnh An là nơi Lưu Bị chết.
Xúc động biết bao khi thấy tại chốn này cảnh diễn tả lại Lưu Bị nằm trên giường
bệnh, giao lại cơ nghiệp và con trai Lưu Thiện cho Khổng Minh. Quần thần đứng
nghiêm trang ngậm ngùi xung quanh, trong đó có đại tướng Triệu Vân. Hai người
anh hùng kia là Quan Công thì đã bị hại và Trương Phi đã bị ám sát trước đó hai
năm. Cảnh này được ghi lại bằng hình tượng có kích thước như người thật, vô
cùng sinh động. Đáng cảm khái thay được thắp một nén hương ngay chỗ 18 thế kỷ
trước đã có một nhà vua đã từ trần, người được bao thế hệ Trung Quốc đến ngày
nay vẫn còn thờ cúng.
Lý Bạch có bài thơ Há Giang Lăng khi
tạ từ Bạch đế thành:
Triêu từ Bạch Đế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trụ
Khinh chu dĩ quá vạn trùng sơn
Sớm rời Bạch đế rạng tầng mây
Nghìn dặm Giang Lăng tới một ngày
Tiếng vượn đôi bờ kêu chẳng dứt
Núi non thuyền nhẹ vượt như bay [26]
Từ tay Lưu Bị, Khổng Minh tiếp nhận
cơ đồ và Lưu Thiện. Nhưng Lưu Thiện chỉ là kẻ bất tài, còn Khổng Minh không còn
tướng giỏi. Ông đã sáu lần đem quân đi đánh nước Ngụy, cuối cùng sức quá suy
nhược, Khổng Minh mất ngay trong trại thọ 54 tuổi. Đó là năm 234, con người mưu
lược, thông thiên văn địa lý đó cũng không tránh khỏi số mệnh.
Đi đường dài mới thấy ngày xưa Tam
quốc phải là một thời kỳ kịch chiến tiêu hao sức lực của cả ba nước, từ quân
vương đến binh sĩ. Chỉ kể Thành Đô đến Bạch Đế thành là đã 600km, đường bộ lẫn
đường sông, tính đến Kinh Châu là thêm 300km nữa. Từ Bạch Đế thành hãy đi ngược
dòng Dương Tử để về Thành Đô, đó phải là đường ngày xưa người ta đưa thi hài
Lưu Bị về chôn cất. Đi khoảng 50km Lưu Bị sẽ chào từ giã Trương Phi, đó là chỗ
người em kết nghĩa này bị hại, ngày nay còn đền thờ trên bến sông. Sau đó có lẽ
đám ma của Lưu Bị sẽ đến Trùng Khánh và từ đó đi đường bộ về Thành Đô.
Tôi đến Thành Đô, ngày xưa là kinh
đô nước Thục, ngày nay là thủ phủ Tứ Xuyên. Tại đây khách không thể không tham
quan đền Vũ Hầu. Vũ Hầu là tên dành cho Khổng Minh nhưng đền này chính là nơi
thờ cả Khổng Minh lẫn ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi. Thật là một ngôi
đền xứng đáng với những công trình xây dựng hết sức nghiêm trang, những bức
tượng cực kỳ sinh động. Đáng chú ý nhất là bức tượng của Lưu Bị và Khổng Minh
bằng đất mạ vàng, mỗi tượng cao khoảng 3m. Đáng quí nhất là một bia đá cao 3,7m
truyền lại từ đời nhà Đường. Tả hữu dọc theo các điện thờ là 28 bức tượng của
các công thần nhà Thục, công trạng của các vị đó được ghi lại trên các bia đá.
Phía tây của các ngôi đền là một gò
đất cao khoảng 12m, chu vi khoảng 180m, trên đó cây cối mọc như rừng. Đó chính
là lăng mộ của Lưu Bị và hai bà hoàng hậu của ông. Tôi đi suốt một vòng gò,
nhưng không tìm ra cửa vào, có lẽ đó chính là điều phải giữ bí mật trong 18 thế
kỷ trước. Trên gò tiếng chim hót vang lên trong tiếng gió thổi qua các cành
cây, hồn thiêng Lưu Bị hẳn đã tìm ra sự bình an.
Trong đền Vũ Hầu còn có một tòa xây
dựng rất đáng lưu ý mới được mở cửa năm 1984, đó là nhà triển lãm lịch sử của
thời Tam quốc. Khách vào đó sẽ được xem mọi chi tiết của những cuộc chiến long
trời lỡ đất của thời đại này cũng như những dấu tích còn lại của đời sống văn
hóa, xã hội và nghệ thuật của người dân hồi đó của cả ba nước Thục, Ngô, Ngụy.
Tại nước Ngụy thì viên tướng tài
chống lại được Khổng Minh là Tư Mã Ý. Về sau Ngụy diệt được nước Thục năm 265
nhưng ngai vàng lại bị cháu của Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm cướp, biến thành nhà Tấn.
Tư Mã Viêm là tay kiệt xuất, kéo quân diệt luôn nước Ngô năm 280, thống nhất
sơn hà, đời sau gọi là Tây Tấn.
Trên nước Trung Quốc thống nhất mênh
mông ngày nay, trong đó Tứ Xuyên không còn là biên địa nữa mà gần như nằm giữa
trung tâm, tôi thầm nghĩ ngày xưa dù ai thắng ai thì có lẽ bây giờ cũng thế này
thôi. Kẻ thắng người bại ngày nay đều chỉ là những nắm xương tàn mục. Thế nhưng
điều lưu danh với sử xanh là lòng trung liệt mà nổi bật nhất là Gia Cát Lượng,
Quan Công, Trương Phi. Lưu Bị mất, Lưu Thiện bất tài mà Khổng Minh không có
chút tơ hào vương tước, đúng là lòng "Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu
dĩ" (hết lòng hết sức, đến chết mới thôi) như trong bài Tiền xuất sư biểu
của ông.
Còn Lưu Bị Quan Công Trương Phi,
điển hình kết nghĩa đó đã trở thành biểu tượng nhân nghĩa của xã hội Trung
Quốc. Trong trận đồ đẫm máu Tam quốc dài 60 năm, kẻ chiến thắng cuối cùng là Tư
Mã Viêm nhưng không ai thờ ông cả mà ngược lại ở đâu cũng có bàn thờ ba người
anh em kết nghĩa. Điều làm lòng người, bất cứ ở thời đại nào, xã hội nào, tôn
thờ khâm phục không phải là cơ đồ sự nghiệp mà là phẩm chất của con người, đó
là điều tôi rõ ra hơn bao giờ hết.
NHÂN KIỆT KHÔNG ĐỜI NÀO THIẾU
Cách Thành Đô 16km về hướng tây có
một ngọn núi tên là Thanh Thành[27]. Đây là một ngọn núi với 37 đỉnh với rải
rác nhiều đền đài của Đạo giáo. Nơi đây, trong thời gian đầu công nguyên có một
đạo sĩ tên là Trương Đạo Lăng[28] đã thành lập Đạo giáo. Trương Đạo Lăng, tương
truyền là cháu bảy đời của Trương Lương, mới đầu học Nho giáo nhưng khi về già
học "Tiên thuật" của Lão giáo. Ông soạn ra sách "Đạo thư"
gồm 24 thiên để làm cơ sở căn bản giáo lý của "Thiên sư đạo".
[27]
- Qingcheng
Từ đó động của ông trong núi Thanh
Thành được gọi là Thiên sư động. Ngày nay tại đó có một đền thờ Trương Đạo
Lăng, trong đó còn lại một bức tượng của ông, đền kiến lập từ đời nhà Tùy [589-618],
nhưng được xây dựng lại cuối đời nhà Thanh (1644-1911]. Giáo lý của Thiên sư
đạo dựa vào tư tưởng của Lão Tử, phối hợp với bói toán chú thuật và lấy phép
phù thủy chữa bệnh giúp dân. Vì mỗi khi chữa bệnh, đạo sĩ được phần lễ tạ năm
đấu gạo nên đạo này còn được mệnh danh là "Ngũ Đẩu mễ" [29]. Trương
Đạo Lăng phải là tiền bối của các đạo gia xuất chúng của Trung Quốc như Vương
Phù, Vương Khâm Nhã, Trương Quân Phòng, Lã Đồng Tân, Vương Trùng Dương.
[29]
- Trích "Lịch sử Phật giáo Trung Quốc", Thích Thanh Kiểm, Thành hội
Phật giáo Tp Hồ Chí Minh 1991
Trong số này có Lã Đồng Tân là người
sáng lập Toàn Chân giáo, điều hòa ba nguồn tư tưởng Khổng giáo, Lão giáo và
Phật giáo. Đến tận nơi, tôi mới thấy núi Thanh Thành quả là một ngọn núi thâm u
huyền bí, cảnh quan hầu như có thần. Tôi theo xe cáp leo tận đỉnh Thanh Thành,
nơi đó có hai cây Ginkgo, lá như cánh quạt, mỗi cây một ngàn năm tuổi đứng chầu
trước cửa đền. Đệ tử đạo giáo ngày nay không thiếu, họ mặc áo đen, đầu búi tóc.
Tứ Xuyên còn hân hạnh được xem là
quê hương của Lý Bạch, một trong những thi hào vĩ đại nhất của Trung Quốc. Ông
sinh năm 701 tại Tây Vực, trong một vùng đất nào khuyết danh ở phía tây của Tứ
Xuyên, mẹ ông là người xứ đó. Nghe đến Lý Bạch suốt ngày ôm bầu rượu, cuối cùng
cũng vì rượu mà chết, ta dễ nghĩ ông là một thư sinh ốm yếu. Nhưng không phải,
do dòng mẹ là người Tây Vực, ông hết sức cường tráng, mười lăm tuổi đã rèn
kiếm, tự cho là "sức địch nổi muôn người".
Ông nhận Tứ Xuyên là quê hương,
viếng Thành Đô thăm đền Vũ Hầu, viếng Bạch Đế thành khóc Lưu Bị, lên núi Thanh
Thành đọc sách nhớ Trương Đạo Lăng. Ông lên cả núi Nga Mi bên bờ Mân Giang để
ngắm trăng, nghe Thục Tăng Tuấn đàn cầm. Nga Mi là ngọn núi cao hơn 3100m, trên
đó dưỡng khí đã loãng. Lên đó để ngắm trăng nghe đàn hẳn phải là người có sức
của lực sĩ. Nhưng Lý Bạch không phải nổi danh vì sức khỏe mà ông để lại cho đời
một nhân cách vô song và gần 20.000 bài thơ mà nội dung thì Đỗ Phủ cũng phải
thán phục "Bạch dã thi vô địch" [30].
[30]
- Nhiều tư liệu trong chương này được trích từ "Đường Thi tuyển
dịch", Lê Nguyễn Lưu, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1997
Nếu Lý Bạch là "Tiên thơ"
thì Đỗ Phủ là "Thánh thơ" [31]. Đỗ Phủ cũng dùng bước rất lâu tại Tứ
Xuyên. Ông sinh năm 712, thua Lý Bạch 11 tuổi. Đời ông là đời đi chơi, lấy
chuyện đi chơi làm thú vị. Trên đường Tráng du [32] đó, năm 744 ông gặp Lý Bạch
tại Lạc Dương. Mùa thu năm sau hai người chia tay không bao giờ gặp nhau nữa
nhưng tình bạn gắn bó suốt đời. Đời ông khi làm quan, khi bị cách chức, khi
chịu loạn lạc, rất nhiều cay đắng. Ông nghèo tới mức có lúc phải đi lượm hạt
dẻ, đào hoàng tinh cho con ăn. Năm 48 tuổi, Đỗ Phủ đưa gia đình về Thành Đô,
dựng nhà trên hai mẫu đất hoang bên bờ Hoãn Hoa, viết thư xin bè bạn các loại
hoa để làm thành "Thành Đô thảo đường", nhà hướng về núi Nga Mi, đánh
cờ với vợ, câu cá với con, uống rượu với người hàng xóm.
[31]
- Người thứ ba là Bạch Cư Dị (772-846], được mệnh danh là "Sử thơ"
[32] - Đầu đề một bài thơ của Đỗ Phủ
Thế nhưng đời ông vẫn không yên vì
sau đó lại xảy ra loạn lạc, ông chạy loạn một thời gian rồi năm 55 tuổi lại về
Tứ Xuyên, nhà ở gần Bạch Đế thành. Về sau ông cùng gia đình chạy loạn nữa và
chết trên thuyền năm 770. Ngày nay đến Thành Đô ta sẽ thấy một con sông nhỏ tên
là Hoãn Hoa, nó là một nhánh của sông Mân Giang. Trên bờ Hoãn Hoa, không xa
miếu Vũ Hầu Khổng Minh ta còn thấy "Thành đô thảo đường" xưa của Đỗ
Phủ, kỷ niệm ông sống ở đây bốn năm, từ 759 đến 763.
Tôi đến thảo đường cũ của ông, ngày
nay nó đã trở thành một khu vực nổi tiếng cho khách du lịch. Suối Hoãn Hoa hầu
như nước đọng không chảy, mơ màng dưới các cây cổ thụ. Bèo và lá vàng trên suối
được vớt thường xuyên cho nước được trong. Băng qua Hoãn Hoa là vài chiếc cầu
kiến trúc theo lối xưa, đưa ta đi từ tòa nhà này qua tòa nhà khác để giới thiệu
con người và thơ văn Đỗ Phủ. Tôi đến gần tượng của ông bằng đá đen. Bức tượng
này phải là một tác phẩm hết sức thành công. Đó là một khuôn mặt trí tuệ, đồng
thời có một nét bình dân gần gũi với quần chúng. Lạ thay, bức tượng đá mà toát
ra một chút đăm chiêu, một chút căm tức, đúng như con người của ông.
Thành Đô còn ghi dấu hài của một nữ
sĩ, đó là Tiết Đào (769-834]. Bà là người Trường An nhưng thân phụ làm quan tại
đất Thục nên bà lưu ngụ tại Thành Đô. Bà làm thơ từ năm lên tám lại xinh đẹp lạ
thường, giao du với những danh sĩ đương thời. Bạch Cư Dị, Vương Mục đều có thơ
xướng họa với bà. Phía nam Thành Đô ngày nay, bên cạnh đại học Tứ Xuyên, ta còn
lại một khuôn viên với một tòa lâu các gọi là Vọng Giang lâu, gồm bốn tầng, cao
30m, là nơi có thể ngắm sông Mân giang. Tôi đến nơi thì Vọng Giang lâu đóng cửa
không còn cho khách lên lầu. Cách đó không xa có một cái giếng từ thời nhà
Đường, đó là nơi bà lấy nước để chế tạo thứ giấy hoa thông, một thứ giấy màu đỏ
thẫm, mang tên bà là "Tiết đào tiên". Miệng giếng rất lớn, đường kính
dễ chừng 5m, nay đã được nắp gỗ đậy kín. Thú vị nhất là ta tìm thấy trong công
viên này một vườn trúc với 140 loại được trồng tặng bà vì Tiết Đào là người yêu
trúc.
Khoảng 300 năm sau Tiết Đào có một
tăng sĩ kỳ dị tu trong chùa Chiêu Giác ở Thành Đô. Đó là Viên Ngộ Khắc Cần
(1063-1135]. Thầy của ông là Pháp Diễn. Ngày nọ Pháp Diễn nói chuyện xong với
một viên quan đề hình (cảnh sát thời nay) xong hỏi Viên Ngộ: "Thế nào là ý
Tổ sư sang?". Hỏi xong Pháp Diễn tự trả lời: "Cây bách trước sân, xem
xem". Tưởng Pháp Diễn nói chơi thế thôi nào ngờ Viên Ngộ nghe xong đại ngộ!
Về sau, Viên Ngộ trở thành thiền sư xuất chúng và với môn đệ của ông, dòng
thiền Trung Quốc phất lên một lần nữa trước khi tàn lụi. Viên Ngộ là người soạn
tập công án Bích Nham Lục và cuốn sách khó hiểu này trở thành tác phẩm quan
trọng nhất của Thiền tông.
Trong tác phẩm này Viên Ngộ lấy
nguồn gốc là những công án của Tuyết Đậu Trùng Hiển [33], thêm vào những bình
giải của mình. Những lời bình đó lại cực kỳ tuyệt hảo về văn chương đến nổi
người đọc dễ đâm ra mê văn chương hơn là nội dung công án, vướng vào chữ nghĩa,
phản lại tinh thần "bất lập văn tự" của thiền. Học trò của Viên Ngộ
là Đại Huệ Tông Cảo [34] thấy cơ nguy đó nên đem đốt Bích Nham lục. Mãi đến thế
kỷ 14 có một cư sĩ trên là Trương Minh Viễn đi góp nhặt lại, tham khảo mọi nơi
và xuất bản lại nên ngày nay ai cũng có thể đọc Bích Nham lục. Thế nhưng đọc là
một chuyện, hiểu được là một chuyện khác.
[33]
- 980-1052
[34]
- 1089-1163
Thành Đô, thủ phủ nước Thục, tưởng
là một miền biên địa hạ tiện, không ngờ là chỗ ghi dấu của đạo sĩ, thi sĩ và
thiền sư. Thế nhưng điều đó không có gì là lạ tại Trung Quốc, vì đạo sĩ, thi sĩ
và thiền sư khắp nơi đều có trong xứ sở mênh mông này. Đạo, Thơ và Thiền, đó là
ba suối nguồn tâm linh quan trọng nhất của học thuật Trung Quốc và điều kỳ lạ
là chúng đan quyện vào nhau, ảnh hưởng chan hòa lên nhau.
Tư tưởng chủ yếu của Đạo là ngắm
nhìn thiên nhiên và trực nhận quy luật bao trùm trời đất, từ đó mà rút ra phép
hành động cho con người. Cái nhận thức của Đạo là tri kiến trực giác từ thiên
nhiên, cái hành động của Đạo là làm mà không tác ý. Vì những lẽ đó mà Đạo tìm
nơi thơ phú khả năng diễn đạt tuyệt vời nhất. Thi nhân Trung Quốc qua của bao thế
hệ thường là những người tìm cảm hứng nơi thiên nhiên, dùng thiên nhiên để diễn
tả nội tâm. Thơ của họ tuy ngắn nhưng là bức tranh sinh động về thiên nhiên,
tâm hồn của họ chính là tâm hồn của Đạo.
Còn ảnh hưởng của Đạo giáo lên Thiền
tông cũng là điều rất rõ. Thiền chủ trương trở về với tự nhiên, "tâm bình
thường là đạo" [35], vì vậy mà rất gần với Đạo giáo. Thiền Trung Quốc là
sự phối hợp hài hòa giữa giáo lý của các thiên tài tôn giáo Ấn Độ và cốt tủy
của văn hóa Trung Quốc để trở thành một tông phái độc lập, nhất là sau Lục Tổ
Huệ Năng. Với Huệ Năng thiền Trung Quốc dám từ bỏ cả Kinh Nhập Lăng Già của
Đạt-ma từ phương xa mang qua Trung Quốc, vì thế mà có chuyện Lục Năng xé kinh,
Đại Huệ đốt Bích Nham Lục. Schumann viết "Thiền tông có một người cha Ấn Độ
nhưng nếu không có người mẹ Trung Quốc thì đã không trọn vẹn"[36].
Cuối cùng, nhiều thi sĩ cũng là
thiền sư như Vương Duy, được người đời mệnh danh là "Thi Phật", Tô
Đông Pha, cư sĩ đạt đạo, đồng thời cũng là một trong "bát đại gia"
của Trung Quốc. Truyền thống vừa tu thiền vừa làm thơ cũng thể hiện rõ nét
trong các thiền sư đời Lý, Trần của Việt Nam.
Ngày nay, tiếc thay ba suối nguồn
tâm linh Đạo, Thơ và Thiền hầu như đã tắt lịm tại Trung Quốc. Thiền tông, với
đúng nghĩa "dĩ tâm truyền tâm" đã tàn lụi từ đời nhà Tống. Đạo gia
với câu "Không ra khỏi cửa, mà biết được việc thiên hạ" [37] ngày nay
đã bị nền học thuật chính thống hiện đại của Trung Quốc coi khinh, chế giễu. Và
thơ, nhất là thơ Đường chắc chắn không bao giờ trở lại được thời kỳ vàng son
của mình. Thậm chí có người nói với tôi, khẩu âm Trung Quốc đọc thơ Đường cũng
còn chẳng hay nữa, chỉ còn khẩu âm Việt Nam mới may ra!
[37]
- Đạo Đức Kinh: "Bất xuất hộ, tri thiên hạ".
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT