Chương 4: Tô Chiêu Chiêu nổi cơn động kinh
Câu “có phúc không biết hưởng” không phải vô cớ mà ra.
Năm ấy, lúc Hứa Đại Nữu mới gả về nhà này, đối với cô chị chồng nghèo hèn trở về nhà mẹ đẻ như Tô Chiêu Chiêu, nàng ta cũng không có ác cảm gì cho lắm.
Dù sao khi ấy Tô Chiêu Chiêu đã bị đuổi khỏi nhà chồng, một mình nuôi con, chẳng có chút uy hiếp nào tới mình.
Ngày thường gặp mặt, Hứa Đại Nữu còn có thể nhoẻn miệng cười, lên tiếng chào hỏi.
Nhưng đợi đến khi Hứa Đại Nữu sinh được con trai ở Tô gia, tự cho mình đã vững vàng đứng gót, nàng ta bắt đầu chỉ tay năm ngón, quản chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà.
Kể cả chuyện của cô chị chồng đang sống tạm trong nhà mẹ đẻ.
Chị chồng thì không có chồng, nàng ta lại là em dâu, đương nhiên phải “lo liệu” thay.
Chẳng bao lâu sau, Hứa Đại Nữu liền tự tiện thay Tô Chiêu Chiêu sắp đặt chuyện tái giá.
Nàng ta nhắm trúng một ông lão góa vợ ở thôn bên: lớn hơn Tô Chiêu Chiêu cả chục tuổi, đã có sáu bảy đứa con nheo nhóc dưới gối.
Nhà đó thì nghèo đến mức trong bếp gió còn hú lồng lộng, chỉ có tiếng leng keng của nồi niêu rỗng.
Người ta còn chê bai ngược lại: nghe nói Tô Chiêu Chiêu có hai đứa nhỏ, liền tuyên bố chỉ chịu nhận thằng con trai, còn đứa con gái thì không cần, vì con gái chỉ tổ tốn cơm, tốn công, nuôi lớn lên cũng đi lấy chồng, chẳng được gì!
Chuyện như vậy, Hứa Đại Nữu chẳng thèm hỏi ý Tô Chiêu Chiêu một câu, đã tự tiện đồng ý ngay.
Trong lòng Hứa Đại Nữu nghĩ:
"Một quả phụ kéo theo hai đứa nhỏ, ngoại trừ cái mặt coi cũng được chút đỉnh, thì còn gì mà kén cá chọn canh? Lại còn sống nhờ chút đất cho thuê, coi như nát hết rồi!"
Người ta chịu lấy đã là ơn huệ lớn lắm rồi!
Tiện thể, nàng ta cũng đã sắp xếp đâu vào đấy chuyện gả Cố Niệm đi.
Ngay thôn bên có nhà khá giả muốn tìm con dâu nuôi từ bé, nàng ta liền tự chủ trương đem Cố Niệm gả tới, lại còn đắc ý tính toán: nhà gần, sau này có thể thường xuyên lui tới, Tô Chiêu Chiêu cũng chẳng nỡ từ chối.
Trong mắt Hứa Đại Nữu, chuyện này đúng là tốt cả đôi đường.
Dù sao Tô Chiêu Chiêu bản thân cũng từng làm con dâu nuôi từ bé, cho nên để con gái mình đi con đường cũ cũng đâu có gì to tát.
Lúc đó, Cố Niệm mới chỉ mới bốn tuổi.
Đợi Hứa Đại Nữu lo liệu xong xuôi hết thảy, nàng ta hí hửng quay về cười toe toét kể cho Tô Chiêu Chiêu, nghĩ chắc chị chồng sẽ cảm ơn rối rít.
Ai ngờ đâu, Tô Chiêu Chiêu vừa nghe xong chuyện Cố Niệm phải làm con dâu nuôi từ bé, liền nổi giận đùng đùng!
Tính tình vốn ôn hòa của cô rốt cuộc cũng bùng nổ, một hơi tống cổ Hứa Đại Nữu ra khỏi nhà!
Vì chuyện này, cha mẹ Tô gia cũng kéo tới chửi mắng Tô Chiêu Chiêu một trận, trách cô không biết điều, làm mất mặt tổ tiên.
Từ đó về sau, Hứa Đại Nữu coi Tô Chiêu Chiêu như cái gai trong mắt.
Gặp là lườm nguýt, nói năng thì chua ngoa, hễ mở miệng là mỉa mai: gọi Tô Chiêu Chiêu và hai đứa nhỏ là “quỷ nghèo”, “mang xúi quẩy”.
Lúc chia đất, Hứa Đại Nữu còn làm ầm lên, đòi Tô Chiêu Chiêu phải nhường lại cho Tô gia hai mẫu ruộng nước tốt nhất, còn lớn giọng mắng:
"Một đứa con gái đã gả ra ngoài rồi, còn đòi chia đất ở nhà mẹ đẻ?!"
Cũng may, cán bộ thôn khi ấy đều làm việc công bằng, không nghe lời thị phi, còn nghiêm khắc giáo huấn những kẻ đặt điều nói xấu.
Vừa trông thấy hai người kia, trong đầu Tô Chiêu Chiêu đã lướt nhanh một loạt ký ức.
Cô em dâu này đúng là "tướng do tâm sinh", mắt tam giác, lông mày nhọn hoắt, nhìn qua đã biết thuộc dạng chanh chua, đanh đá.
Còn Tô Lai Bảo thì vóc dáng thấp bé, đứng bên cạnh Tô Chiêu Chiêu cũng chẳng chênh lệch bao nhiêu, chỉ tầm một mét sáu. Đối với phụ nữ thì chiều cao đó cũng tạm ổn, nhưng đàn ông thì rõ ràng là lùn. Tính tình lại yếu đuối, gặp việc là chẳng dám hé răng. Lấy một cô vợ dữ như sư tử, cũng coi như bù đắp cho nhau được phần nào.
Tô Chiêu Chiêu nhíu mày, lạnh giọng:
"Mệnh với số cái gì? Bộ còn sống trong xã hội cũ à? Dạo trước thôn vừa họp đại hội, hô hào bài trừ hết mấy trò phong kiến mê tín rồi đó. Miệng cứ mở ra là 'ông trời định đoạt', thế lãnh tụ vĩ đại dẫn chúng ta vượt sóng ra đời mới thì để ở đâu? Hay trong lòng còn mong nhớ cảnh ăn nhờ ở đậu dưới tay mấy ông địa chủ, ông chủ cũ hả? Hứa Đại Nữu, tư tưởng cô có vấn đề đó!"
Hứa Đại Nữu há miệng định cãi, nhưng chẳng hiểu sao lại cứng họng.
Không hiểu mấy lời Tô Chiêu Chiêu vừa nói, nhưng bản năng lại khiến cô ta im bặt.
Hứa Đại Nữu không hiểu, nhưng Tô Lai Bảo thì lờ mờ đoán được, nhờ mấy buổi học tập tư tưởng dạo gần đây.
Cậu ta vội xoa dịu:
"Chị à, bây giờ đâu ai còn nói mấy chuyện đó nữa. Đại Nữu cũng không có ý gì đâu. Chị khoẻ hơn chưa vậy?"
Vừa hỏi, cậu vừa len lén liếc nhìn Tô Chiêu Chiêu, trong mắt đầy vẻ nghi hoặc.
Tô Chiêu Chiêu nén cục tức nghẹn nơi cổ, lạnh nhạt đáp:
"Không chết được."
Thật ra trước đây, Tô Chiêu Chiêu thương thằng em này lắm.
Từ nhỏ đến lớn, chính tay cô bồng bế nó. Sau này cha mẹ muốn cho Tô Chiêu Đệ ra riêng, nó còn giúp tu sửa lại căn nhà.
Chỉ có điều, thằng nhỏ này thi thoảng nổi lòng tốt, nhưng cũng chẳng giúp ích được gì, ngược lại còn làm Tô Chiêu Đệ bị Hứa Đại Nữu mắng không ít lần.
Dẫu vậy, Tô Chiêu Đệ vẫn không trách, còn nhớ thương nó.
Chỉ tiếc, Tô Chiêu Chiêu bây giờ đã không còn cái thứ tình cảm mơ hồ đó nữa.
Hứa Đại Nữu còn đang định gân cổ cãi lại, nhưng Tô Lai Bảo đã nhanh tay kéo cô ta đi, sợ ở lại sẽ gây thêm chuyện:
"Về nhà đi, gà trong chuồng còn chưa cho ăn kia kìa......"
Lần này Hứa Đại Nữu cũng chịu nể mặt, nhưng vừa về tới cửa, cô ta đã nghẹn không chịu được mà hỏi:
"Bả hồi nãy nói cái gì vậy? Tư tưởng với lãnh tụ, rồi còn địa chủ, ông chủ gì đó nữa? Nói như bả là mình phản động không bằng!"
Tô Lai Bảo liếc cô ta một cái, khẽ đáp:
"Nói cô phong kiến mê tín, không tin lãnh tụ, còn thương tiếc mấy ông địa chủ thời trước."
"Trời đất ơi!" Hứa Đại Nữu gần như nhảy dựng lên, "Khi nào tôi nói mấy lời đó? Bả điên rồi chắc!"
Vừa nói, cô ta vừa muốn quay trở lại cãi tiếp, nhưng Tô Lai Bảo vội níu lại:
"Lời cô vừa nói nghe ra toàn cái ý đó đó. Đại hội vừa rồi còn cảnh báo ai phong kiến mê tín sẽ bị đưa đi học tập tư tưởng đó, cô liệu hồn!"
Nghe đến "học tập tư tưởng", Hứa Đại Nữu lập tức mềm nhũn. Cô ta ghét học nhất trần đời, cứ nhìn bảng đen là choáng váng mặt mày.
Cô ta lầu bầu:
"Ủa, bình thường bả nói năng đâu có ra hồn đâu? Sao lần này ngất có một trận mà nói chuyện như khai quang vậy? Nhảm nhí. Bộ bị quỷ nhập rồi hả?"
Càng nghĩ càng lạnh sống lưng. Nghĩ tới mấy chuyện quỷ quái ông bà xưa hay kể, da gà cô ta nổi hết lên.
Tô Lai Bảo vội xua tay:
"Đừng có nói bậy! Phong kiến mê tín đó!"
Nhưng trong lòng cậu cũng thấy bất an.
"Nói thiệt, lời lẽ kiểu đó xưa giờ chị ấy chưa từng nói. Chắc lần này bị thương nặng quá, đầu óc mới thay đổi vậy......"
Tô Chiêu Chiêu vẫn chưa vào phòng ngay. Vừa rồi, ánh mắt nghi ngờ của Tô Lai Bảo nàng đều thấy hết. Tính cách của "người trước" và nàng bây giờ khác nhau quá nhiều, lúc này đành phải thu lại một chút, không thể nghĩ gì nói nấy như thói quen cũ, phải từ từ thay đổi, tránh cho người ta thấy lạ.
Nếu không phải sợ bị nghi ngờ, chắc nàng đã chẳng nhịn làm gì, đến mức ứng đối cũng chẳng được tự nhiên như thường ngày.
Lúc này, tay áo nàng bỗng bị kéo nhẹ, một bàn tay nhỏ nhắn bám lấy. Cố Niệm ngước mắt nói:
"Mẹ, mợ hôm nay khác hẳn mọi khi á. Thường ngày mợ phải làm ầm ĩ một trận lâu ơi là lâu."
Mỗi lần mợ nổi cơn, mẹ đều chỉ biết ủ rũ thở dài, chẳng có cách nào.
Nhưng lần này, Cố Niệm thấy mẹ giống như biến thành một người khác, mạnh mẽ và dứt khoát, khiến cô bé vui mừng khôn xiết.
Cô bé thích mẹ như vậy — có thể mạnh mẽ đuổi mợ về, không phải lúc nào cũng u buồn, chịu đựng như trước.
Tô Chiêu Chiêu cúi đầu cười dịu dàng:
"Mẹ bệnh một trận, nghĩ thông rồi. Sau này không thể để người ta ăn hiếp mãi được. Ai bắt nạt thì phải cãi lại, phải đánh trả."
Cố Niệm gật đầu lia lịa:
"Dạ!"
Ở trong thôn, bọn trẻ cũng từng bị bắt nạt. Cố Niệm nhớ rõ mỗi lần có ai ức hiếp mình, ca ca đều đứng ra bảo vệ, chỉ tiếc thằng bé còn nhỏ, sức vóc không bằng người lớn.
Ca ca vẫn luôn muốn đánh lại mợ, muốn đánh cả mấy người trong thôn hay nói xấu nhà mình.
---