Ngày tôi thích Trần Cảnh Dữ không hề giống cảnh nam nữ chính gặp nhau trong truyện tranh thiếu nữ. Không có ánh nắng vàng rực rỡ, ngược lại, bầu trời u ám như sắp đổ mưa.
Hồi cấp hai, tôi học ở một thị trấn nhỏ tại quê nhà. Lên cấp ba, việc kinh doanh của bố tôi phát đạt hơn, nên ông đón tôi lên thành phố học.
Ông bỏ một khoản tiền lớn để đưa tôi vào trường Trung học số 1.
Nhà tôi ở gần trường, nên tôi học bán trú.
Mỗi ngày, tôi đều phải đi xe buýt tuyến 412 đến trường.
Hôm đó là ngày đầu tiên tôi đi tuyến 412. Vì lên xe từ trạm khá sớm, nên tôi tìm được một chỗ ngồi.
Tuyến này đông người, trùng hợp lại đúng vào giờ các bà dì đi chợ mua thức ăn, khoang xe nhanh chóng chật kín.
Có một dì trung niên xách theo hai bó rau diếp và một con cá, không biết vô tình hay cố ý, nhưng dù con cá đã làm sạch đã được bọc trong túi ni lông, nước vẫn rỉ ra thấm vào quần đồng phục của tôi.
Tôi cố co chân vào sâu bên trong ghế, nhưng bà ta cứ không ngừng dựa sát vào tôi.
Tôi mơ hồ nhận ra, bà ta cố ý.
Tôi thầm tự trấn an mình nhiều lần, rồi mới lên tiếng: “Dì ơi, cá của dì đang làm ướt quần cháu mất rồi này.”
Nhưng lời nhắc nhở của tôi không hề ngăn cản được hành động của bà ta, ngược lại, bà ta bắt đầu mỉa mai, bảo rằng tôi vô lễ, không biết nhường ghế.
Bà ta hung hăng vô cùng, khiến mọi người xung quanh đều quay lại nhìn tôi, nhưng ai cũng giữ thái độ dửng dưng.
Tôi thật vô dụng, đến mức vành mắt đỏ lên.
Ba lô của tôi rất nặng, hơn nữa tôi còn hơi say xe.
“Dựa vào đâu mà người ta phải nhường ghế cho bà?”
“Muốn thoải mái thì tự bắt taxi mà đi.”
“Lúc giành giật mua trứng sao không thấy bà yếu ớt thế này?”
Và rồi, Trần Cảnh Dữ xuất hiện. Khi đó, tóc anh cắt rất sát, trông vô cùng dữ dằn.
Bà dì kia có lẽ cũng hơi e dè, nhưng vẫn không chịu nhịn, tiếp tục mắng vài câu.
Trần Cảnh Dữ khoan thai bước tới chỗ tôi, một tay đặt lên lưng ghế của tôi, tay kia cầm ly cháo yến mạch, miệng ly hơi nghiêng xuống, “Hả, cậu say xe à?”
“Dì ơi, không đi xa một chút cẩn thận bị nôn trúng người đấy nhé.”
Đầu tôi choáng váng, thấy Trần Cảnh Dữ đang nháy mắt với mình, tôi lập tức hiểu ra rồi giả vờ nôn khan hai tiếng.
Bà dì kia thấy vậy, sắc mặt lập tức tái mét, nhảy lùi xa tận hai mét.
Sau khi xuống xe, Trần Cảnh Dữ cười phá lên, nói: “Biết thế lúc nãy đổ luôn nửa ly cháo này lên người bà ta.”
“Cậu là người ngoại tỉnh à? Lúc nãy tôi nghe cậu nói chuyện, hình như không phải giọng địa phương.”
Mặt tôi đỏ bừng, tôi gật đầu, tưởng rằng mình nói chuyện có giọng lạ.
Không ngờ anh lại bảo: “Giọng cậu êm tai lắm, nghe giống vùng Giang Nam ấy.”
“Thành phố này rất tốt, đừng vì một hai người mà thay đổi cách nhìn về nơi đây nha.”
“Phần lớn mọi người đều tốt như anh đây này.”
Vì một người, dường như tôi đã yêu cả một thành phố.