Điều làm người ta hiếu kỳ hơn cả, ấy là đêm hôm ấy lão rước dâu vào ban đêm.

Vầng trăng le lói bị mây đen che khuất từ bao giờ, bầu không khí lạnh căm căm nhưng những người trong thôn Ngọa Vân vẫn đứng thập thò trước cửa để tò mò ngóng theo đám rước dâu.

Kiệu hoa đi về phía về phía nhà lão hoạn quan, mấy người phu khiêng kiệu mặt nặng nề như đưa đám. Không có tiếng kèn tiếng trống, không có tiếng cười nói lao xao, chỉ có chiếc kiệu đỏ rực lặng lẽ đi trong màn đêm u tịch.Người dân đứng ngóng xem thì thào to nhỏ, tất cả đều cảm thấy lạ lùng trước đám cưới quỷ dị này. Thậm chí người ta còn bảo nhau, cưới người sống mà như cưới ma vậy.

Kiệu hoa dừng lại trước cổng, một người đàn bà cao lớn cõng tân nương vào trong nhà theo đúng phong tục. Cánh cửa gỗ lim nhà lão hoạn quan đóng sầm lại, bên trong có tiếng chủ hôn chủ trì lễ khấu đâu vọng ra, chừng một tuần hương sau không gian im lìm, có lẽ đôi tân lang, tân nương đã đi vào động phòng hoa chúc.

Chị Tư bán đậu phụ cuối thôn nói với mấy người hàng xóm đương hiếu kỳ: " Giờ này

chắc cũng phải vào động phòng rồi! Hôm nay không biết có thấy người chết không!"

Một gã đàn ông hút tẩu thuốc rồi cười hềnh hệch: " Lão Trương ấy có cái quái gì mà động phòng? Thế nào rồi cũng nổi điên lên đánh người ta thôi. Đây đã là lần thứ 4 lão lấy vợ rồi đấy!"

Người trong thôn ngóng sang hậu viện nhà lão hoạn quan một lúc, nhưng điều kì lạ là lần này chẳng nghe thấy tiếng gì. Không có tiếng khóc, không có tiếng chửi mắng, không có ai vùng dậy chạy ra sân đầy tuyết rồi gục chết như năm nào. Tất cả im ắng đến đáng sợ.
Sáng hôm sau đám thợ nhuộm đến làm việc như thường lệ, thấy lão hoạn quan bèn cất lời hỏi thăm: " Bẩm lão gia! Phu nhân đâu ạ? Chúng con muốn chào phu nhân một tiếng!"

Lão hoạn quan nhếch mép: “ Có gì đâu mà phải chào hỏi? Chúng mày cứ làm việc chăm chỉ đi. Trước đêm trừ tịch (/giao thừa)/ mà không giao đủ hàng là không xong”

Nghe lão thoái thác, không ai còn dám hói gì thêm. Ngẫm ra cũng thật kỳ lạ, từ ngày thành thân, không ai nhìn thấy Trương phu nhân bao giờ, cánh cửa phòng của lão hoạn quan cứ đóng cửa im ỉm. Mỗi bữa cơm gia nhân thấy lão đích thân mang cơm vào trong phòng rồi rì rầm lẩm bẩm một mình rất lâu. Mà cũng từ ngày ấy, thôn dân

Ngọa Vân không còn thấy bóng người áo đỏ phất phơ một cách ma quái trong nhà lão nữa. Người ta đồn đại rằng, đích thực người vợ mới của lão không phải là người mà e chỉ là một hình nộm bên trong có tro cốt mà thôi. Hành tung đáng ngờ của lão khiến dân trong thôn ngày càng e dè khi gặp lão. Chị Tư đậu phụ thối vốn là người thích soi mói đưa chuyện cũng chỉ dám thầm thì với mấy người hàng xóm:

" Lão hoạn quan ấy nhất định đã giở trò phù thủy rồi! Nếu không thì sao chẳng bao giờ thấy mặt vợ lão? Tôi là tôi đoán rằng năm xưa khi còn đương hầu hạ ở trong cung, lão đã học được mấy trò quỷ dị, hoặc ít nhất cũng là quen biết với vị cao nhân nào đó..."

Một người phụ nữ đương nướng bắp ngô trên đống lửa cháy bập bùng nghe thấy thế liền nghiêng đầu hỏi lại:

" Nhưng sao lão phải làm thế? Lão vốn dĩ đã giàu có rồi cơ mà. Thím Tư à bác nói xem, cơ ngơi của mấy người trong thôn chúng ta làm sao mà đọ được với lão cơ chứ?"

Một vài người gật gù đồng tình, chị Tư đậu phụ đưa mắt liếc quanh tựa như thể sợ tai vách mạch rừng, chị thì thầm đầy kích động:

" Đương nhiên rồi! Lão không cần phải giàu có thêm nữa! Nhưng mà... lão cần có người để thay lão chịu tội chuyện năm xưa. Lần trước chính tay lão đã đánh chết vợ mình, dù quan phủ không hạch hỏi và cho rằng đó là do tai nạn thì cũng không thể phủ nhận rằng cái chết của người ấy không liên quan đến lão. Thiếu nữ còn trinh bạch khi chết mà lại mặc y phục màu đỏ, nếu nói không hóa thành lệ quỷ thì tôi nhất định chẳng tin."

Một người thanh niên vừa ăn quả sơn tra vừa hỏi:

" Vậy có nghĩa là người vợ mới của lão hoạn quan có thể thay lão gánh kiếp nạn này? Ý của thím là thế phải không?"

Chị Tư đậu phụ thối gật đầu một cách trịnh trọng rồi quả quyết:

" Nhất định là vậy! Nếu không thì lão tốn kém tiền của để làm đám cưới làm gì?"

Không ai nói thêm gì nữa. Dường như bị thuyết phục trước lý lẽ sắc bén của người đàn bà tọc mạch, tất cả đều đồng loạt hướng mắt nhìn về ngôi nhà bề thế năm im lìm trong màn tuyết trắng. Vài chiếc đèn lồng đỏ đong đưa trong cơn gió hun hút lạnh đến rợn người.

Kỳ thực những gì mà chị Tư đậu phụ thối nói không phải không có chỗ đúng. Trước ở vùng núi cao hẻo lánh có tộc người Miêu vốn nắm giữ nhiều kỳ phương bí thuật huyền môn. Nhiều thuật sĩ tà môn thường tìm kiếm những kẻ giết người rồi cung cấp cho chúng cách thức hóa giải vong mạng đã bị chúng giết bám theo. Phàm những kẻ làm ác tất sẽ có ngày chột dạ, trước khi giết người chúng không tin ma quỷ, nhưng sau khi cướp đi mạng sống của người nào đó trong lòng chúng sẽ nảy sinh ảo giác.

Có nhiều khi chỉ cần một cành cây vô tình rơi, một tiếng quạ réo vào lúc giữa đêm cũng đủ khiến chúng giật mình kinh hãi.

Oán hồn hiện về đòi mạng có thật hay không người ngoài không thể biết được.

Chỉ biết rằng nhiều kẻ giàu có âm thầm làm nhiều việc ác lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, những lúc ấy đám thuật sĩ tà môn sẽ bày cách để xoa dịu oán hồn, thậm chí có thể dùng hình nhân thế mạng để đền tội thay cho kẻ giết người. Hành tung của những kẻ thuật sĩ tà môn ấy thường rất bí ẩn, họ không đi thành từng nhóm nhỏ mà hành tẩu một mình. Ít có ai biết được mặt mũi thực sự của đám người ấy ra sao, càng không biết được bản lĩnh của họ đến nhường nào. Nhưng ai nghe chuyện cũng có thể đoán ra, cái giá để trả cho đám người tà môn ấy không hề rẻ.

Mùa xuân năm ấy dường như đến muộn, đã qua rằm tháng giêng nhưng tiết trời vẫn chẳng khởi sắc thêm chút nào. Trong hậu viện nhà lão hoạn quan mấy cây mai đỏ mãi mới bắt đầu nở hoa. Bà Phương gia nhân cặm cụi ngồi sắc thuốc cho lão hoạn quan già. Từ ngày đám cưới quái lạ diễn ra đến giờ sức khỏe của lão ngày một xấu đi, có lần lão tự mình bê cơm vào phòng riêng nhưng vô tình bị rơi vỡ hết cả, bà Phương vội vàng chạy tới định giúp một tay thì bị lão gạt ra một cách thô lỗ, lão không muốn ai ngó nghiêng vào trong gian buồng ngủ của mình. Bà Phương chỉ nhớ rằng lúc ấy bà ngửi thấy một mùi nhang khói và hướng trầm hòa quện cùng với nhau nồng nặc. Bà đương ngẩn cả người thì lão hoạn quan đã cất cái giọng eo éo khó nghe:

" Đi đi! Đi xuống nhà dưới mà làm việc, đừng có mà lại gần đây. Nếu không đừng trách ta độc ác!"

Bà Phương rối rít vâng vâng dạ dạ rồi lui xuống, chuyện này đám thợ nhuộm trong xưởng cũng biết, có kẻ còn bảo lão hoạn quan ấy đương nuôi cổ trùng. Vừa mới nhắc tới cái thứ vu thuật kỳ bí ấy người ta đã run rẩy vì sợ hãi. Luyện cổ trùng không khó, nhưng quan trọng là người luyện phải cực kì tàn nhẫn. Bởi lẽ cổ trùng luyện bằng việc cho hàng trăm loài bò sát cực độc vào chung một cái vại thật lớn, những loài vật ấy sẽ cắn xé nhau đến khi chỉ còn một con cuối cùng còn sống sót. Khi ấy mới có thể gọi là luyện cổ trùng đã thành công.

Thiên hạ đồn đại rằng có được thứ cổ trùng ấy thì muốn gì cũng có, thậm chí còn có thể cải lão hoàn đồng, tăng cường sức khỏe. Mây người thợ nhuộm nói chuyện với đám gia nhân đều cho rằng lão hoạn quan muốn phần ngọc hoàn của mình trở lại như cũ. Tính ra thì lão hoạn quan cũng chưa thể gọi là già, tuổi thực của lão mới ngoài tứ tuần. Ở cái tuổi ấy, nhiều người đàn ông vẫn có thể lấy thêm vợ, sinh thêm con, chỉ có điều lão hoạn quan này thì không thể có con, cho tới một ngày nọ.

... .....

Hôm ấy trời đổ một trận tuyết lớn. Người già trong làng nhìn nhau lắc đầu ngao ngán, ai cũng bảo mùa xuân tới thì tuyết sẽ tan, ấy vậy mà cỏ xanh còn chưa kịp mọc thì tuyết lại đổ dày đặc. Lão Trương cùng một người gia nhân đánh xe ngựa đi đâu mấy ngày hôm nay không thấy về, cửa buồng ngủ của lão vẫn đóng im ỉm. Phải đến chiều muộn hôm ấy lão mới trở về. Có lẽ để cho người trong thôn không quá chú ý nên lão sai gã gia nhân tâm phúc đánh xe ngựa đi đường vòng đến hậu viện phía sau. Bà Phương vừa nhìn thấy lão đã vội vàng cầm ô chạy tới chào hỏi:

“ Bẩm lão gia! Lão gia về rồi!”

Lão hoạn quan gật đầu nghiêm nghị, lão khoát tay với tên gia nhân. Gã này hiểu ý vội vàng vén rèm trên cỗ xe ngựa rồi nhẹ giọng:

" Xuống đi! Tới nơi rồi!"

Lúc này bà Phương mới để ý, lão hoạn quan mang theo hơn chục đứa trẻ con có cả trai cả gái, không đứa nào quá 10 tuổi.

Trời đổ tuyết ẩm ầm mà y phục trên người chúng mỏng manh, thoạt nhìn bề ngoài có vẻ rách rưới nhưng đứa nào đứa nấy cũng toát lên vẻ thông minh lanh lợi. Bà Phương tần ngần hỏi:

" Lão gia! Chuyện này là sao...?"

Lão hoạn quan nặn ra một điệu cười vô cùng nhạt nhẽo, lão trả lời:

" Khà khà! Con của ta đấy! Lũ chúng nó là con của tao!"

" Bẩm! Tất cả sao?" Bà Phương vẫn không tin vào tai mình.

Lão hoạn quan nghiêm mặt: " Đúng! Tất cả chúng nó là con tao! Nhà ngươi đi thu xếp chỗ ăn nghỉ cho chúng, rồi chỉ cho chúng chỗ tắm rửa đàng hoàng đi. Có ăn cơm thì ăn ở dưới bếp, chưa lên nhà vội. Nhớ chưa!"

Trong mắt thiên hạ lão hoạn quan cùng lắm chỉ là một tên thái giám về già có chút tiền bạc, thế nhưng ở trong căn nhà u ám này lời nói của lão chẳng khác gì thánh chỉ của nhà vua. Bà Phương nghe vậy không dám hỏi thêm điều gì nữa, bà nắm tay đứa nhỏ nhất trong đám rồi đưa chúng về gian nhà phía sau, trong lòng thầm nghĩ: "Quái lạ thật! Nếu muốn nhận nuôi trẻ con thì cũng chỉ 1 - 2 đứa là cùng, tại sao lại phải nhận nuôi tới 10 đứa trẻ?"

Mùi nhang khói từ trong buồng ngủ của lão lại tỏa ra. Mấy đứa trẻ rụt rè nhìn nhau đầy sợ hãi nhưng không dám nói lời nào. Một dự cảm bất an trong ào đến trong lòng bà

Phương. Có khi nào lão định hiến xác đồng nam đồng nữ?

••••

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play