Lúc ấy vào khoảng hơn 5 giờ sáng, tôi vẫn còn đang cuộn tròn trong chăn để ngủ thì cái Bích chạy xộc vào bên trong, nó áp bàn tay lạnh cóng của mình vào má tôi. Cái lạnh làm tôi giật mình tỉnh giấc, tôi làu bàu:
“Hoàng! Đi ra ngoài…”
Tôi chưa nói dứt lời thì đã nghe thấy tiếng cái Bích thì thào ở bên tai:
“Mày dậy ngay đi. Lại có người chết rồi kia kìa.”
Tôi bật dậy như lò xo vội vã hỏi lại ngay:
“Ai chết?”
Cái Bích cắn môi:
“Tao cũng không biết. Vừa lúc nãy tao đang ngó nghiêng sau vườn nhà cô Ban để nghe ngóng, thì thấy mẹ tao chạy tất tả về dặn tao phải đóng cửa ở yên trong nhà, vì người trong làng phát hiện thấy xác người chết ở ngoài đường. Mẹ tao khóa cửa rồi nên tao phải trèo qua bờ tường rào để vào đây đấy.”
Cái Bích chỉ cho tôi xem vạt áo khoác của nó ướt vì chạm vào tuyết. Tôi nhảy phóc ra khỏi giường, chạy ù ra phía sau nhà để đánh răng rửa mặt. Từ bờ giếng nhà tôi có thể phóng tầm mắt nhìn ra ngoài con đường làng quanh co dẫn tới lưng chừng núi. Tôi có thể nghe thấy tiếng bàn tán ồn ào của dân làng. Nỗi tò mò trong lòng tôi lúc này dâng lên tới đỉnh điểm, tôi chạy như bay vào trong nhà để tìm thằng Hoàng. Trong nhà lúc này không còn ai, chỉ có bầy dê nhẩn nha gặm cỏ khô.
Tôi và cái Bích chạy ra bên ngoài, gió thổi vù vù đem theo cái lạnh đến thấu xương. Ngay trên con đường đi tới trường của mấy đứa tôi, lúc này đang có một đám đông đứng quây tròn lại. Tôi và cái Bích cố sức chen lấn vào bên trong để nhìn cho rõ. Vừa nhìn thấy người chết, tôi sững người giật mình hoảng sợ khi người nằm cứng đờ dưới làn tuyết lạnh giá kia là mẹ thằng Pháo.
Cái Bích quay sang nhìn tôi, đôi mắt nó mở to đầy sợ hãi. Mọi suy đoán của chúng tôi đều sai hết. Người chết không phải bố thằng Pháo, càng không phải lão Sâm đang trốn chui trốn nhủi ở trên rừng, mà lại là người đàn bà bạc mệnh vừa mới mất con mấy ngày trước.
Tôi ngồi xuống khẽ quan sát, mẹ thằng Pháo không bị lột da, trên người cũng không xuất hiện những vết gà mổ như những người chết. Nếu nhìn sơ qua, dáng vẻ của bà ấy hoàn toàn bình thường. Điểm kỳ quái duy nhất ấy là trên gương mặt người chết rúm ró, miệng há hốc như thể trước khi chết đã nhìn thấy điều gì đó khủng khiếp lắm. Một người phụ nữ nào đó kêu lên sợ hãi:
“Trời ơi! Cứ mấy ngày lại chết một người. Thế này thì sống làm sao được hả trời?”
Vài người đàn ông khác chỉ trỏ rồi thì thầm với nhau:
“Cái dây chuyền vàng vẫn còn nguyên. Chắc không phải là giết người cướp của đâu.”
“Chứ còn gì nữa. Kiểu này khéo là ông chồng hại. Chính lão ấy biến thành ma gà rồi chứ ai.”
Tôi thấy thầy Khoa khom người khẽ chạm vào cánh tay xác chết:
“Xác chết cứng còng như thế này, lại ngã vật dưới nền tuyết lạnh.. Không biết là nhà bác ấy chết khi nào. Thời gian và nguyên nhân chết, có lẽ phải chờ công an tới mới có thể biết được.”
Lúc này tôi mới để ý đứng quanh mình toàn là những người quen thuộc. Bố mẹ tôi, thằng Hoàng, cô Minh, cô Tân, và cả cô Ban nữa. Thầy Khoa đang lúi húi xem xét thì cụ Túc trưởng làng chống gậy đi tới. Vừa nhìn thấy cái xác, cụ sửng sốt rồi nhìn quanh:
“Chuyện này là sao?”
Một người thanh niên cao lớn lễ phép trả lời:
“Thưa cụ! Hôm qua anh em chúng con theo sự phân công của làng đứng canh vợ chồng nhà này. Ông chồng bị nhốt ở trong phòng, còn bà vợ thì ngủ ở gian nhà dưới. Anh em chúng con canh gác ở dưới phòng khách. Từ lúc chập tối cho tới lúc gần sáng thì mọi chuyện vẫn bình thường. Không hiểu sao đến khoảng hơn 4 giờ sáng, từ bên trong giường chỗ bà chủ nhà đang ngủ vang lên tiếng hét thất thanh, rồi có tiếng gà gáy ở đâu đó vang lên.”
Đám đông im phăng phắc để nghe người thanh niên kia nói chuyện. Cụ Túc thấy anh ngập ngừng thì hỏi tiếp:
“Rồi sao nữa?”
Anh thanh niên hít một thật sâu rồi nói tiếp:
Lúc đó chúng con định vào trong để xem xét tình hình, nhưng mà bà chủ nhà đang ở phía trong…. Cho nên…Một lúc sau thì tiếng động cũng hết. Chúng con nghĩ rằng bà ấy gặp ác mộng nên cũng không nghĩ gì nhiều. Nào ngờ lúc con đi tiểu vào thì phát hiện người anh em trông cùng với con bị đánh nằm ngã gục dưới đất. Con hoảng quá vội vàng chạy lại thì cũng bị ai đó đánh từ đằng sau một cái đau điếng.
Mọi thứ như tối sầm lại, con không biết trời trăng gì nữa. Đến khi chúng con tỉnh dậy thì cũng đã gần sáu giờ. Con vội vàng chạy lên gian phòng trên để xem xét thì ông bố thằng Pháo đã không thấy đâu nữa. Trên giường chỉ còn…chỉ còn một đống lông gà trắng toát vương vãi khắp nơi. Con gọi to bà chủ nhà thì không có tiếng đáp. Khi chúng con chạy ra đến đây thì thấy sự thể đã như thế này.”
Anh thanh niên nói một hơi rồi im lặng. Người trong làng nhìn nhau đầy uẩn tình. Cụ Túc lắc đầu buồn bã, cụ khẽ nói với người thanh niên nọ:
“Nhà cậu về tìm cái xe kéo, rồi chất cái xác lên trên chở về trường đi. Để mẹ con họ cạnh nhau.”
Người thanh niên dạ một tiếng rồi tất tả quay đi. Đám đông vẫn không có ý định giải tán, tất cả ở lại chờ cụ trưởng làng lên tiếng. Cụ Túc run run bám lấy cây gậy để ngồi xuống, cụ cố gắng vuốt đôi mắt đang mở trợn trừng của thi hài.
Một vuốt. Cái mắt vẫn chưa chịu nhắm.
Hai vuốt. Vẫn không có gì thay đổi.
Cụ Túc nghĩ ngợi một lát rồi lẩm bẩm đủ để cho mọi người nghe rõ:
“Thôi! Chị yên lòng mà lên đường. Chuyện mồ mả của mẹ con nhà chị, sau này làng sẽ lo liệu giúp. Còn ai là người hại mẹ con chị, thú thực chúng tôi cũng không biết là ma gà hay là người gây ra. Chờ vài hôm nữa thời tiết thuận lợi, băng tan, công an mới vào được đến làng thì lúc đó mọi việc cũng sáng tỏ. Chị đừng luyến tiếc nữa.”
Chính mắt chúng tôi chứng kiến, cụ Túc vừa nói xong rồi khẽ vuốt nhẹ một cái, đôi mắt của mẹ thằng Pháo nhẹ nhàng khép lại. Tôi vẫn nghe người lớn bảo rằng, phàm những người chết mà mãi không nhắm được mắt chỉ có thể là hai trường hợp: một là họ còn canh cánh tâm nguyện nào đó, hai là họ bị chết oan. Tôi cho rằng, mẹ thằng Pháo thuộc cả hai trường hợp trên.
…………………………….
Độ khoảng mười phút sau, chiếc xe cút kít lặng lẽ đưa thi thể của mẹ thằng Pháo đi về trường. Vốn dĩ ba đứa tôi định đi theo để hóng chuyện, thế nhưng chưa kịp chạy theo thì đã bị mẹ tôi kéo lại. Cụ Túc nhìn theo bóng chiếc xe cho đến khi khuất hẳn rồi trầm giọng nói với cả làng:
“Bà con nhìn thấy đấy. Chỉ trong vòng có mấy ngày mà làng ta có ba người chết thảm, hai người không rõ tung tích. Nói là người làm thì không ai tin, nói rằng ma quỷ làm thì cũng không loại trừ khả năng đó. Bây giờ, bố thằng Pháo vẫn chưa biết trốn ở đâu, lão Sâm cũng vậy. Vì thế làng này bắt đầu áp dụng lệnh giới nghiêm từ buổi sáng ngày hôm nay. Không ai được ra ngoài, không được đi lên núi. Đám trai tráng trong làng thay phiên nhau đi tuần tra hàng đêm, hễ thấy có động tĩnh gì là phải báo ngay. Tuyệt đối không được tự ý tách ra đi riêng lẻ. Chừng nào tuyết còn chưa tan, công an chưa đến được thì chúng ta vẫn phải cảnh giác cao độ. Có ai còn ý kiến gì không?”
Đám thanh niên trong làng đồng loạt dạ ran trời. Cụ Túc nhìn thấy thầy cô của chúng tôi thì khẽ nói:
“Các thầy cô đến làng này dạy học, cũng coi như là người nhà với nhau rồi. Tình hình thế này không nên ở trong khu nhà giáo viên sau trường nữa. Các thầy cô chuyển vào trong làng mà ở với nhà dân, tuy có hơi chật chội một chút nhưng như thế sẽ an toàn hơn.”
Cô Ban nghe thấy thế thì vội vã lên tiếng:
“Vậy thì chuyển về nhà cháu cũng được cụ ạ. Trước cháu về đây, người làng lúc đó còn dựng cho cháu một cái nhà rộng lắm. Từ ngày cô Huệ đi, cháu một mình ở trong đó, giờ các chị đến đây ở cũng tiện.”
Cụ Túc khẽ gật đầu rồi đi thẳng. Người trong làng cũng bỏ về. Tuyết lại bắt đầu rơi.
…………………………
Hôm ấy khắp làng vang lên tiếng gõ gõ, đục đục. Người ta gia cố lại nhà cửa, bờ rào để tránh bị ma gà viếng thăm. Có nhiều người thanh niên tỏ ý muốn đi lên rừng để tìm bố thằng Pháo và lão Sâm, thế nhưng cụ trưởng làng gạt đi, vì cho rằng như thế là quá nguy hiểm. Tôi thừa hiểu rằng, các bậc bô lão trong làng tin là hai người đàn ông ấy đã bị ma gà bắt mất vía, sớm muộn gì cũng bị vong mạng. Thay vì tự đi tìm cái chết, chi bằng ở nhà tự bảo vệ chính mình là hơn.
Thực ra điều này không phải không có lý. Từ trước đến giờ, đội truy tìm ma gà gồm ba đứa tôi vẫn thường hay mon men đến chỗ người lớn nói chuyện để nghe ngóng. Cũng nhờ đó tôi mới biết được làng này ngày trước cũng nhiều chuyện liên quan đến ma gà. Câu chuyện về bà góa trốn trong vại nước rồi giết vợ chồng người hàng xóm thì ai cũng biết. Thế nhưng chúng tôi còn nghe lỏm được rằng, ma gà không thể biến mất, một khi đã xuất hiện thì nó cứ tồn tại từ đời này qua đời khác, trừ phi gia đình nuôi thứ ma ấy chết không còn một ai.
Có lần thằng Hoàng cứ lẽo đẽo bám theo thầy Mo trong bản để hỏi xem ma gà như thế nào. Bố tôi bực quá định đánh cho nó mấy roi vào mông, thì ông thầy Mo can lại. Ông ấy nói đời mình chưa từng nhìn thấy ma gà, nhưng nhiều người đồn đại, ma gà không hiện hữu được dưới ánh mặt trời, thời điểm nó xuất hiện nhiều nhất là từ chạng vạng tối cho đến khi nửa đêm về sáng, một khi để nó bắt gặp thì dù cho người lớn hay là trẻ nhỏ cũng đừng mong được toàn mạng trở về. Ma gà thích ăn gà sống, thế nhưng khi ma gà hại người thì thứ mà nó ăn sẽ là hồn phách của người ta. Có lẽ các cụ già trong làng tôi cũng biết điều đó, cho nên mới ngăn cản đám thanh niên trẻ tuổi đi tìm lão Sâm cùng bố thằng Pháo.
Tôi với thằng Hoàng đứng ở trước hiên nhà để ngóng sang nhà cô Ban. Căn nhà không quá khang trang nhưng bù lại rất rộng. Bố mẹ tôi vẫn hay kể, dạo ấy xung quanh nhà tôi toàn là mồ mả. Mộ của người trong làng, mộ của những người bị chết đường chết chợ được dân làng đi rừng tìm thấy rồi mang về táng qua loa xuống cái huyệt nho nhỏ. Vì không có kinh phí để xây dựng kiên cố, cho nên chỉ vài năm sau, nấm mồ bị san phẳng. Vào những đêm mùa hè trăng sáng, thỉnh thoảng người ta vẫn nhìn thấy những đốm lửa ma trơi nhảy nhót từ mặt đất rồi bay tít lên trên ngọn cây rậm rạp. Nhiều người tin rằng, lúc ấy là hồn người chết hiện lên để tìm đường về nhà.
Những năm trường học mới xây, các thầy cô được dân làng dựng cho một căn nhà tạm bợ ở ngay trong trường học. Ở gần trường cũng có chỗ bất tiện, nhất là với mấy cô giáo trẻ măng. Thế nên làng lại dựng cho các cô một căn nhà nằm ngay trên bãi đất đầy ma trơi ấy. Tưởng đâu được yên ổn, ai ngờ ở mấy hôm thì mấy cô giáo bị bóng đè đến nỗi không ngủ được, thế là đành chuyển ra khu nhà tạm ngoài trường. Chỉ có mình cô Ban và cô Huệ ở đó. Sau này cô Huệ bỏ đi, cô Ban cứ lặng lẽ ở một mình.
Nhiều lúc tôi và cái Bích vẫn bảo nhau, đất ở làng Quái Kê vốn dĩ là đất độc. Xung quanh nhiều mồ mả đã đành, ngay cả trường học cũng xây lên từ khu nhà của bà góa phụ năm ấy. Không biết có phải vì thế hay không, mà hễ cứ ai giàu có ở trong làng tôi đều bị chết bất đắc kỳ tử. Ngày trước thì có bố cái Bích, giờ thì có bố mẹ thằng Pháo.
Tôi miên man suy nghĩ một lúc thì thấy cô Ban đưa cô Minh, cô Tân về nhà. Riêng thầy Khoa thì ngại sống chung một nhà với mấy người phụ nữ, cho nên thầy ở tạm nhà một người khác trong làng. Ban đầu người ta định dùng nhà thằng Pháo, nhưng nghĩ rằng có thể bố nó sẽ trở về nên lại thôi.
Buổi chiều hôm ấy, sau khi đã gia cố lại nhà cửa cẩn thận. Tôi và cái Bích, thằng Hoàng vừa ngồi tách hạt ngô trong bếp, vừa thì thào trò chuyện. Thằng Hoàng nhìn cái Bích rồi mở lời:
“Sao hôm qua chị nghĩ rằng chưa chắc cô Ban đã nuôi ma gà?”
Cái Bích đang thoăn thoắt tách hạt ngô, nghe thấy thế thì ngừng lại. Phải một lúc sau, tôi mới nghe thấy tiếng nó thở dài:
“Thì…cô Ban vẫn dạy chúng mình học. Cô dạy mình phải tin vào khoa học, tin vào tri thức chứ không phải vào những lời đồn thổi. Người chết là do bệnh chứ không phải do ma. Vậy nên….”
Tôi hơi bực mình nên cự lại:
“Vậy thằng Pháo, thằng Bách chết cũng là do bệnh hay sao? Rồi bố mẹ thằng Pháo và cả lão Sâm bảo vệ nữa?”
Cái Bích không nói gì, chỉ ngồi im lặng. Thằng Hoàng nói như một ông cụ non:
“Có nhiều chuyện trên đời này, khoa học chưa chắc đã giải thích được.”
Nghe đến đó, tôi với cái Bích ngẩn người nhìn nhau rồi cùng phì cười. Thằng Hoàng xấu hổ, ngại ngùng chữa thẹn:
“Có gì đâu mà hai chị cười? Thế bọn mình có tiếp tục theo dõi cô Ban nữa không? Giờ có cô Tân với cô Minh đến ở cùng, chắc gì cô Ban đã dám làm gì. Nghe nói ma gà chỉ cần cho ăn vào ngày cố định trong tháng thôi mà.”
Cái Bích chống cằm suy nghĩ:
“Dù có người ở cùng thì cũng không thể không cho ma gà ăn được. Nếu bỏ đói nó thì chỉ còn nước vong mạng.”
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết định:
“Vậy thế này đi! Trước hết vẫn cứ theo dõi cô Ban để xem cô ấy làm gì. Nhất là vào ban đêm ấy. Tao và thằng Hoàng sẽ đứng từ nhà để ngóng sang, mày cố gắng nghe động tĩnh bên ấy. Chúng ta chỉ có thể biết được đích xác mọi chuyện khi thấy cô ấy cho ma gà ăn, hoặc… là khi cô ấy sai ma gà để giết người. Lúc ấy chúng ta sẽ nói cho người lớn biết. Có như thế… mọi chuyện quỷ dị này mới dừng lại.”
Hai đứa kia đồng loạt gật đầu. Khác với tâm trạng háo hức như lần trước, lần này trong lòng tôi càng cảm thấy bất an. Tôi cũng không biết nguyên do từ đâu mà chính bản thân mình lại cảm thấy bồn chồn đến thế. Tôi giật mình nhớ lại, đêm hôm trước nhà cái Bích mất 4 con gà, chúng tôi còn bàn luận rằng mới chết hai người, vậy sẽ phải còn ít nhất 2 người nữa. Mẹ thằng Pháo là người thứ ba, vậy thì người thứ tư sẽ là ai? Một ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu tôi. Có khi nào người thứ tư sẽ là một trong số chúng tôi. Tôi vừa mới nghĩ đến đó thì tiếng chó trong làng sủa gằn lên từng tiếng rồi im bặt, lúc ấy là vừa chạng vạng tối.
………………………………………………………………….
Trời càng tối, lòng tôi càng thấp thỏm. Mới hơn chín giờ nhưng tôi đã đứng ngồi không yên, hai mắt cứ dán chặt vào cái điện thoại ống bơ nằm im lìm trên chiếc nệm rơm.
Chiếc tivi cũ kỹ ở ngoài phòng khách phát ra âm thanh của bộ phim truyền hình dài tập. Ngày thường tôi thích xem phim cùng bố mẹ lắm, nhưng hôm nay thì không. Để tránh cho bố mẹ nghi ngờ rằng hai chị em chúng tôi đang bày trò nghịch ngợm, thằng Hoàng ra ngoài xem tivi cùng bố mẹ, tôi thì kiếm cớ học bài.
Đợi mãi mới đến 10 giờ đúng, tôi thì thầm vào chiếc ống bơ điện thoại:
“Bích! Bích ơi! Mày có ở đấy không?”
Đầu dây bên kia không có tiếng trả lời. Tôi nghĩ thầm trong bụng, có khi nào “đường dây điện thoại” có vấn đề? Tôi vừa ghì cái ống bơ vào tai, vừa khẽ nhổm người nhìn qua lỗ hổng trên cửa sổ để trông sang nhà cái Bích. Bên ngoài nhà nó vẫn sáng đèn, có lẽ cô Loan mẹ nó không muốn mất trộm gà thêm lần nữa.
Cảm thấy yên lòng hơi đôi chút, tôi lại gọi:
“Bích ơi! Mày có nghe rõ không đấy”
Lúc này, đầu dây bên kia vang lên giọng nói của nó:
“Đây! Đây rồi! Vừa nãy mẹ tao đứng ở đây nên tao không dám cầm điện thoại.”
Tôi thở phào nhẹ nhõm, đoạn lại hỏi dồn:
“ Tình hình thế nào?”
Cái Bích trả lời ngay:
“Hôm trước tao nghe thấy có tiếng cãi nhau bên nhà cô Ban. Hôm nay thì không thấy nữa, các cô nấu nướng như bình thường, còn biếu nhà tao một gói xôi nếp nữa. Thế nhưng vừa nãy, tao thấy cô Ban soi đèn pin đi về phía trường, không biết để làm gì. Mãi đến giờ vẫn chưa thấy về. Có khi nào có chuyện gì không?”
Tôi lập cập nói ngay:
“Mày để ý xem bao giờ thì cô ấy về. Lối ra ngoài nhà tao bây giờ có bầy dê đang ở ngủ, tao không nghe ngóng được.”
Cái Bích ậm ừ vài câu rồi bỏ đi. Lệnh giới nghiêm của làng tôi quy định rõ: Dù có đi đâu thì cũng phải về trước 12 giờ đêm. Giờ đã hơn 10 giờ, cô Ban ra ngoài muộn như thế này chắc chắn có điều gì đó bí mật không dám nói ra. Tôi gọi thằng Hoàng vào nói cho nó nghe suy nghĩ của tôi. Thằng Hoàng nhìn ra ngoài trời khuya suy nghĩ đăm chiêu, nó cảm thấy rằng chúng tôi đã bỏ qua chi tiết nào đó. Thế nhưng, hỏi lại thì nó không trả lời được. Tôi đành thở dài, không biết phải nói gì thêm.
………………………………
Mãi sau này, khi đã trưởng thành rồi tôi mới biết, mọi linh tính của trẻ con đều không thể xem thường. Điều mà tôi lo sợ, bồn chồn từ buổi chiều thì chỉ vài tiếng sau đã trở thành sự thật. Đêm hôm ấy, thằng Pháo và thằng Bách trở về.