Nằm giữa một ngôi làng Quái Kê hoang tàn, trên ngọn đồi hiu quạnh là một ngôi trường cấp hai của tôi. Người trong làng cũng không còn ai nhớ rõ ngôi trường được xây chính xác là vào năm nào, chỉ biết rằng sau câu chuyện về bà góa phụ kia biến thành ma gà thì người ta mới phá dỡ cả hai ngôi nhà đi để biến nó thành trường học. Mặc dù ngôi trường chưa hẳn là đã cũ, nhưng không hiểu vì sao không khí trong trường luôn ảm đạm, tiêu điều đến khó hiểu. Điểm nổi bật duy nhất khiến cho ngôi trường dễ nhận biết từ xa ấy là các mảng tường ở nơi này đều được ghép bằng đất nung có màu đỏ rực. 

Ngày tôi còn bé, người lớn trong làng thường hay dọa trẻ con rằng nếu đứa nhỏ nào không nghe lời thì sẽ bị nhốt vào trong nhà đỏ - cũng chính là ngôi trường tồi tàn của làng tôi khi ấy. Ban đầu lũ trẻ con cứng đầu tỏ ra không sợ, thậm chí còn có đứa liều mạng đến trường vào lúc nửa đêm để tìm xem có ma thật hay không. Ấy là bởi vì người trong làng thường hay đồn đại rằng vào những đêm trăng sáng người ta sẽ nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông, một người đàn bà lững thững đi đi lại lại trong sân trường, cái đầu ngự trên cổ cứ ngoẹo sang một bên như muốn chực rơi xuống đất. Ai cũng bảo rằng đó là vong hồn của người đàn bà chua ngoa cùng với ông chồng lại hiện về. Riêng bà góa biến thành ma gà thì đã biến mất, chỉ để lại cho làng tôi những tin đồn quỷ dị về thứ tà ma quỷ dị. 

Dân khắp nơi thường kháo nhau, những kẻ thỉnh ma gà để trông nhà trông cửa. Hễ nhà nào có thứ ma này trông coi thì chẳng bao giờ lo mất đồ mất của, bởi lẽ chỉ cần có kẻ nào dám lẻn vào ăn trộm ăn cắp thì dù có hóa trang kín đáo thế nào, ma gà cũng có thể ám theo để trừng trị. Nhẹ thì làm cho kẻ trộm lên cơn điên cơn dại, nặng thì sẽ bị mất mạng. 

Những cái chết do ma gà gây ra cũng thực kinh hãi. Người bị ma gà hại sẽ không ăn được cơm cháo như bình thường, mà chỉ đào đất ăn giun. Đến khi gần chết, cổ của người bị ám sẽ gục hẳn xuống như một con gà rù, sau đó tóc tai trên người đó sẽ dần dần rụng hết để lộ ra lớp da thịt tái nhợt, toàn thân lởm chởm đầy những nốt mụn li ti hệt như da gà. Cuối cùng cái lưỡi gà trong cuống họng sẽ rụng dần, người mất máu rồi chết gục. Khi chết còn bốc mùi ngai ngái hệt như mùi thịt gà đã ôi thiu lâu ngày. 

Có lẽ vì sợ ma gà, cho nên người làng tôi lúc nào cũng cảnh giác những người xung quanh. Mới đầu người ta tin rằng, nhà nào có nhiều chum vại thì chắc chắn có chứa ma gà. Một vài người hung hãn kéo nhau đi đập phá mấy nhà làm nghề nấu nước mắm, nhà ông nội tôi làm nghề nấu rượu cũng bị vạ lây. Thế rồi, người trong làng lại kháo nhau, nhà nào có con gái xinh đẹp thì chín mười phần là có ma gà ẩn nấp, thế là sinh lòng nghi kị. Bố mẹ tôi tuy không làm cán bộ trên huyện, thế nhưng lại hành nghề buôn bán, có cơ hội đi xuống thành phố dưới xuôi nên không tin mấy chuyện quỷ dị ấy. Thấy người làng như thế, bố tôi tức lắm thế nhưng cũng chẳng làm được gì. 

Tôi và thằng Hoàng em trai tôi thì khác, mặc dù hai chị em tôi đều chẳng tin trò tà ma quỷ dị, thế nhưng chúng tôi không bài trừ nó mà ngược lại muốn chứng minh rằng nó không hề tồn tại. Trong con mắt của một đứa con gái học lớp chín và một thằng bé học lớp bảy khi ấy, còn gì oai hơn khi cho lũ bạn bè biết được mình không sợ ma, cũng chẳng sợ quỷ? 

Nghĩ thế nên mỗi khi cứ nghe thấy thiên hạ kháo nhau nhà nào đang nuôi ma gà, chúng tôi đều rủ cái Bích bạn thân của tôi lập thành bộ ba để đến nghe ngóng. Nhắc đến gia đình cái Bích cũng có nhiều chuyện để kể. Bố nó trước đây nằm trong đường dây buôn gỗ lậu qua biên giới, thế nhưng đã qua đời từ mấy năm trước rồi. Nghe đâu trong chuyến giao hàng vào đêm giao thừa năm 1999, đoàn buôn lậu của bố nó gặp chuyện ma quái trong rừng. Không ai biết được những gã thổ phỉ giết người như ngóe thế kia đã gặp phải chuyện gì, chỉ biết trong cơn hoảng loạn, bố cái Bích rút súng ra bắn toán loạn khắp nơi. Tiếng súng đánh động đoàn kiểm lâm đóng chốt ở đấy. Thế là chỉ trong một đêm, đám thổ phỉ buôn lậu bị truy kích rồi tóm gọn. 

Điều kì quái là khi đám thổ phỉ bị bắt, kẻ nào kẻ nấy cũng đều như mất hồn, mặt mày tái ngoét không còn một giọt máu, riêng bố cái Bích tỉnh táo nhất thì chỉ lắp bắp nói: “Có ma gà. Con đấy… con đấy là ma gà.” Đội điều tra ngẩn người nhìn nhau, cuối cùng đành quyết định để cho tinh thần của họ ổn định đã rồi mới tiến hành thẩm vấn. Nào ngờ được vài hôm, nhóm thổ phỉ kia bị chết bất đắc kỳ tử. Ai cũng đều bị rụng hết tóc và lưỡi gà, toàn thân lở loét rồi gục xuống chết tức tưởi. Hơn thế nữa, xác của bố cái Bích và một người thanh niên nữa còn bị rơi cả phần hạ bộ  xuống đũng quần, máu me lênh láng bốc mùi tanh nồng nặc. Ai cũng bảo rằng, đám thổ phỉ kia đắc tội với ma gà nên bị vật chết. Những người chứng kiến quỷ sự đều đã toi mạng, đội điều tra cũng chẳng tìm thêm được điều gì. Bí ẩn đêm giao thừa ấy, mãi mãi còn nằm trong bóng tối. 

Sau sự kiện đám thổ phỉ bị ma gà giết chết, người trong làng không cho con cái mình chơi cùng với cái Bích. Ngay cả bố mẹ tôi cũng cấm đoán, thế nhưng mà tôi với thằng Hoàng mặc kệ. Cái Bích vừa học giỏi lại vừa gan dạ, chơi với nó thú vị hơn chơi với mấy đứa con gái trong làng, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong vườn nhà, mỗi lần chúng tôi rủ đi tìm ma là chối đây đẩy. Đối với chị em tôi, mục đích tìm ma gà rất đơn giản là để cho bạn bè phải nể phục. Nhưng đối với cái Bích, nó tìm ma gà là để trả thù cho bố nó. Nó vẫn bảo với chị em chúng tôi rằng, bố nó buôn lậu là phạm pháp, nhưng tội lỗi của bố nó phải để cho pháp luật xử trí chứ không phải bị chết thê thảm như thế. Mỗi lần nhắc đến chuyện ấy, con bé đều nghiến răng kèn kẹt, tôi với thằng Hoàng nhìn nhau chẳng biết nói gì. 

Mặc dù đội tìm ma gà chỉ có vỏn vẹn ba thành viên, nhưng đứa nào trong chúng tôi cũng hoạt động năng nổ. Chỉ cần nghe thấy nơi nào “đáng nghi” hoặc nghe ai nói nhà nào có thể nuôi ma là chúng tôi lên đường. Đồ nghề của chúng tôi chỉ có vài con dao gọt hoa quả để phòng thân, mấy chiếc đèn pin và một ít máu chó mực mà cả ba phải góp tiền mua ở tiệm bán thịt chó dưới chợ. Không có nhà nào trong làng mà chúng tôi chưa từng ghé qua, thế nhưng nơi khiến cả ba đứa tôi tò mò nhất phải là nhà đỏ - hay nói chính xác hơn là trường cấp hai chúng tôi đang theo học. 

Đã mấy lần chúng tôi lẻn đến trường vào đêm mười lăm âm lịch để rình xem vong hồn ông bà chủ nhà chua ngoa có hiện về hay không, nhưng lần nào cũng thất vọng. Đừng nói là ma gà xuất hiện, ngay cả bóng dáng của thây ma bị ngoẹo đầu mà dân trong làng vẫn thường hay đồn đại cũng chẳng thấy đâu. Chúng tôi chỉ nhìn thấy lão Sâm bảo vệ lặng lẽ lùa bầy dê đi ăn cỏ sau vườn trường rồi tu ừng ực rượu. Lão Sâm thì cả làng chẳng ai xa lạ, lão chính là thằng nhóc năm xưa lẻn vào nhà ông bà hàng xóm để ăn trộm rồi vô tình chứng kiến bà góa phụ giết người. Sau vụ ấy, lão sống lủi thủi một mình đến tận bây giờ. Nhiều người bảo trước kia lão cũng tính đi theo bố cái Bích để buôn lậu kiếm tiền rồi bỏ xứ. Thế nhưng chưa kịp thực hiện ý định thì đám thổ phỉ chết sạch. Lão Sâm thấy sợ nên đành xin vào trường tôi làm bảo vệ, không còn dám nghĩ đến chuyện bỏ xứ mà đi nữa. 

Ngoài một bầy dê thì lão Sâm còn nuôi một đàn gà, dễ chừng phải tới ba chục con. Mặc dù lão vẫn thường hay nói với người ngoài rằng nuôi dê không đủ ăn,cho nên mới phải nuôi thêm gà. Ấy thế nhưng mà cả ba chúng tôi đều cho rằng, lão Sâm nuôi gà ngay sau khuôn viên trường chỉ để kiểm tra xem ma gà có đến tìm mình hay không mà thôi. Lão từng lẻn vào trong nhà bà hàng xóm chua ngoa kia để ăn trộm, mà không ngờ rằng bà góa phụ trốn trong vại nước đã thành ma gà. Điều đó đồng nghĩa với việc lão đã ăn trộm ở nơi có ma gà hiển hiện. Nếu đúng như những gì dân trong làng vẫn đồn đại thì lão rồi sẽ bị ma gà đòi nợ. Vậy nên lão thường xuyên kiểm đếm bầy gà của mình, nếu thiếu một con cũng đủ khiến cho lão đứng ngồi không yên vì lão tin rằng tai họa mà bản thân mình lo sợ bấy lâu nay đã thực sự ập đến. 

Trong trường tôi khi ấy có thằng Bách nổi tiếng du côn, ưa bắt nạt bạn bè. Đám thằng Bách có tới bốn năm đứa con trai, ai cũng đều là học sinh cá biệt, nghịch ngợm phá phách, gây gổ với bạn bè. Đáng sợ hơn, thằng Bách lại có máu d.âm ô trong người. Không biết bao nhiêu lần nó bị bắt gặp đang nhìn trộm vào nhà vệ sinh nữ. Bị thầy cô trong trường bắt làm bản kiểm điểm nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy. Bọn con trai thì sợ bị nó chặn đường để đánh nhau, bọn còn gái thì sợ nó sàm sỡ. Mới mấy tháng trước nó còn bám theo tôi với cái Bích để trêu chọc, tôi điên quá cầm luôn cái rìu mà bố tôi vẫn thường đốn củi ra định chiến đấu tới cùng với nó. Thấy vẻ mặt hung hãn của tôi, thằng Bách cũng giật mình. Nó cười nhạt rồi bảo: “Trêu tí thôi! Làm gì mà khiếp thế?” Nói xong nó hất hàm gọi lũ đàn em biến luôn. Vụ đó khiến cho tôi nổi tiếng trong trường. 

Một lần nọ chúng cố tình ở lại trường để rình bắt trộm mấy con gà của lão Sâm đem về đánh chén với nhau. Chiều muộn hôm ấy phát hiện mất gà, lão Sâm gần như phát hoảng. Lão nhảy dựng lên chạy một mạch đến ngôi chùa nhỏ trong làng vừa khóc vừa lạy lục sư cụ cứu giúp. Sư cụ trụ trì phải khuyên giải một hồi mới thôi. Bọn thằng Bách thấy việc ăn cắp quá dễ dàng, thế là lập mưu ăn cắp thêm một lần nữa. 

Lần thứ hai thì bị lão Sâm bắt được. Lão tức quá kéo cả bọn đi gặp cô giáo chủ nhiệm của thằng Bách. Vụ ấy khiến bọn thằng Bách bị nêu tên trước toàn trường nên cả đám tức lắm, song bọn nó vẫn chưa tìm ra được cơ hội để trả thù lão Sâm. Thế nhưng đúng là đời chẳng có ai học được chữ ngờ, chỉ ít lâu sau đó, Thằng Bách và một thằng bạn của nó bị chết tức tưởi ngay trong sân trường vào một ngày mùa đông lạnh giá. 

……………………………………………………………………………..

Mùa đông năm ấy đến sớm hơn mọi khi. Mới cuối tháng 11 dương lịch mà khắp đỉnh núi quê tôi ngập đầy trong tuyết trắng. Nhiều người cứ bảo rằng ở Việt Nam thì làm sao có tuyết? Ấy là do những người đó chưa có dịp đặt chân đến vùng cao mạn Tây Bắc vào giữa mùa đông thôi. 

Tôi nhớ rất rõ hôm ấy là vào đêm ngày 23 tháng 11 năm 2001, trời đổ một trận tuyết rất lớn. Mới buổi chiều còn ít nắng vàng le lói, mà đến tối trời đã trở rét căm căm. Tôi vội vàng chạy ra chuồng dê, chất một đống vải vụn lên mấy con dê  rồi lại đốt một đống than hồng để cho chúng sưởi ấy. Nằm ngay sát vách nhà tôi là nhà cái Bích, kế bên nhà cái Bích là nhà cô giáo Ban từng dạy chúng tôi năm lớp sáu. Ba ngôi nhà chỉ cách nhau một bờ tường rào bằng đá thấp lè tè, thỉnh thoảng tôi và cái Bích vẫn nhảy qua bờ rào để chạy qua chơi với nhau. 

Vào lúc đang nhóm than sưởi ấm, tôi nghe thấy tiếng cái Bích nói chuyện với mẹ nó. Thấy tiếng bạn, tôi vui vẻ gọi tên nó. Cái Bích nghe thấy thì cầm đuốc đi đến bên bờ rào đáp lại tôi. Khi hai chúng tôi vừa kịp nhìn thấy nhau qua ánh đuốc bập bùng thì từ bên nhà cô Ban vọng ra một tiếng gà kêu rất lớn. Hai chúng tôi sững người rồi đồng loạt quay đầu về phía phát ra tiếng kêu. Thế nhưng tiếng gà chỉ ré lên một tiếng rồi im bặt. Cái Bích thấy tôi mon men đến gần bờ rào đá thì ngập ngừng nói với tôi: 

“Vừa nãy mày có nghe thấy gì không Quyên?” 

Tôi gật đầu thì thào:

“Có! Tiếng gà kêu hệt như bị người ta bóp cổ ấy.” 

Dưới ánh sáng màu vàng cam của ánh đuốc, tôi nhìn thấy gương mặt cái Bích thoáng lo lắng. Nó dè dặt bảo với tôi: 

“Hay là cô giáo làm thịt gà?” 

Tôi cự lại ngay: 

“Mổ gà vào lúc đêm tối như thế này à? Nghe không hợp lý tí nào.” 

Cái Bích toan nói gì thêm thì có tiếng bố tôi gọi vọng ra: 

“Quyên ơi! Ở ngoài đấy làm gì mà lâu thế?” 

Tôi quay lại khẽ gật đầu với cái Bích một cái rồi bỏ vào trong nhà. Giường ngủ của tôi trông thẳng ra bờ tường đá, chỉ cần khẽ ngồi nhổm dậy là có thể nhìn sang vườn của hai nhà bên cạnh. Cả đêm hôm ấy tôi không còn nghe thấy tiếng gà kêu ré lên thất thanh thêm một lần nào nữa. Tôi cho rằng cả bản thân mình và cái Bích đều thần hồn nát thần tính nên mới bị một tiếng gà kêu làm cho mất ngủ. Cô Ban vốn là cô giáo của chúng tôi, có đời nào cô lại dính dáng tới mấy chuyện tà ma quỷ dị như thế? Nghĩ thế nên trong lòng tôi cảm thấy thoải mái hẳn, tôi vùi đầu ngủ thật say sưa. Một giấc mơ bất ngờ ập đến. Trong mơ, tôi thấy bóng dáng cái Bích đứng quay lưng ngược lại với tôi. Tôi vui vẻ chạy đến bên bạn thì kinh hoàng phát hiện mái tóc dài óng ả của con bé đã rụng gần hết. Tôi hoảng sợ thốt lên: 

“Bích ơi! Làm sao thế này?” 

Cái Bích không nói gì, cũng không quay đầu lại. Tôi chạy vòng ra trước mặt nó. Vừa nhìn thấy gương mặt con bé, tôi rú lên khiếp đảm. Gương mặt xinh xắn của cái Bích không còn nữa, hai tròng mắt nó bị thứ gì đó kéo ngược về phía mang tai. Cái miệng ngoác ra nhìn tôi cười khành khạch. Tôi hoảng sợ giật lùi về phía sau mấy bước, đầu cái Bích ngoẹo sang một bên, hai chân nhảy lò cò đến trước mặt tôi, nó vừa há miệng thì cái lưỡi gà từ trong cuống họng rơi ra, hòa lẫn với máu và nước dãi. Nó cúi xuống nhìn tôi, tròng mắt đảo như rang lạc. Giây phút ấy tôi bỗng thấy có ai đang vỗ nhè nhẹ vào mặt mình. Một giọng nói quen thuộc vang lên: 

“Dậy! Dậy đi con!” 

Tôi choàng mở mắt. Thì ra vừa rồi chỉ là một giấc mơ. Tôi thấy bố mẹ tôi đứng cạnh giường, theo sau là thằng Hoàng gương mặt vẫn còn ngái ngủ. Mẹ tôi hỏi ngay: 

“Sao thế con? Mơ cái gì mà kêu khiếp thế?” 

Tôi ú ớ không biết phải nói sao. May thay lúc đó gió đập vào cửa sổ nghe vun vút, bên ngoài trời đổ tuyết càng lúc càng dày. Cả nhà tôi nghe thấy mấy con dê kêu lên vì lạnh. Bầy dê của nhà tôi chỉ có vài ba con, sợ nó chết vì cóng, bố tôi quyết định mang mấy con dê lên nhà, đoạn lại nhốt chúng nó vào gian nhà ở phía trước. Tôi vùng dậy để theo bố ra ngoài mở cửa. Dưới ánh đèn vàng vọt của mái hiên, tôi chợt thấy có một cái bóng ngồi chồm hỗm trên bờ rào ngăn cách giữa nhà cô giáo Ban và nhà cái Bích. Tôi giật thót mình kêu lên: 

“Ối giời ơi!” 

Bố tôi đang ôm con dê con quay ngoắt lại: 

“Làm sao đấy?” 

Tôi run lên vì sợ, miệng lắp bắp chỉ về phía bờ rào: 

“Bố… bố ơi! Ở… ở kia có người đang ngồi.” 

Nghe thấy tôi nói thế, bố tôi lập tức nhìn theo hướng tay tôi chỉ thì chẳng thấy gì cả. Bố không mắng tôi mà chỉ lẩm bẩm như thể nói với chính mình: 

“Trời tuyết rơi rét cóng thế này, ai hơi đâu mà ngồi trên bờ rào rình trộm.” 

Thấy bố nói vậy nên tôi cũng im lặng, vội vã đi theo vào bên trong nhà, mặc cho gió bên ngoài đang gào thét. Trở về giường rồi nhưng tôi vẫn không sao chợp mắt được, tôi nghĩ đến cơn ác mộng lúc nãy, rồi lại nghĩ đến bóng người quái lạ  ngồi vắt vẻo trên bờ rào. Một ý nghĩ đáng sợ chợt lóe lên trong đầu tôi:

“Có khi nào người vừa ngồi ở đấy lại là ma gà?” 

Toàn thân tôi nổi đầy gai ốc. Tôi cố gắng xua cái ý nghĩ ấy ra khỏi đầu. Thế nhưng, tôi không thể ngờ được rằng, hôm sau trong trường tôi xuất hiện tới hai cái xác người. 

………………………………………………..

Trường của tôi có lệ: Cứ mỗi khi tuyết rơi thì học sinh trong trường sẽ nghỉ học. Điều này vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, cũng giúp cho những học sinh ở các ngôi làng khác đỡ phải băng rừng vượt tuyết đến để học. Tôi đang co ro bên đống lửa sưởi trong nhà thì cái Bích tới rủ tôi đi đến trường để lấy quyển sách để quên hôm trước. Với lũ học sinh ở rẻo cao như chúng tôi, sách còn quý hơn vàng, thế nên khi nghe thấy bạn rủ tôi hăm hở đi ngay. Thằng Hoàng đang ngồi trong vòng tay mẹ cười rúc rích biết chuyện cũng nằng nặc đòi đi cùng. 

Khắp nơi lúc này toàn là tuyết. Ba đứa chúng tôi đi thành hàng dọc, cố gắng bấu chặt mười đầu ngón chân xuống dưới đất để đỡ bị ngã. Vừa đến trước cổng trường, tôi đã thấy cô giáo Ban đang giúp lão Sâm gom một đống củi lớn để đốt. Cả hai người muốn lợi dụng hơi nóng của lửa để làm tan tuyết trên con đường trước cổng trường. Vừa thấy chúng tôi, cô Ban đã hỏi ngay: 

“Mấy đứa đến trường làm gì thế? Đi về đi! Hôm nay được nghỉ học mà.” 

Cái Bích xoa xoa tay cho ấm, nó chào lão Sâm và cô giáo rồi mới trả lời: 

“Em…em đến để lấy cuốn sách giáo khoa để quên. Tuyết rơi dày như thế này, không biết bao giờ mới được đi học. Em sợ không có sách để ôn bài.” 

Cô Ban gật đầu. Lão Sâm nghe thấy thế thì hỏi: 

“Học ở phòng nào? Nếu phòng học ở cuối hành lang thì phải đi cẩn thận, chỗ đó tuyết dày nhất.” 

Chúng tôi gật đầu rồi vội vã bước đi. Tôi ngoái lại nhìn cô Ban. Thú thực cái cảm giác sợ hãi về bóng người ngồi trên tường rào nhìn chòng chọc đêm hôm qua vẫn còn vương vấn trong trí óc tôi. Cô Ban tóc dài đến hết lưng, làn da trắng hệt như cánh hoa ban nở khắp núi rừng Tây Bắc khi mùa xuân tới. Cô sống một thân một mình, bố mẹ cô ở dưới xuôi, cô lên đây để dạy học. Trước kia cô còn một người bạn thân cùng đi dạy học, cô ấy là cô Huệ. Thế nhưng không biết vì lý do gì mà cô Huệ đột ngột bỏ đi, ngay cả chia tay học trò cũng không kịp. Bọn học trò khi ấy khóc mãi. 

Tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ, cô Ban xinh đẹp, lại thương yêu lũ học trò nghèo chúng tôi như thế, làm sao mà có thể trở thành kẻ nuôi ma gà hại người được? Tôi đang định vỗ vai cái Bích để nói với nó thì đột nhiên thằng Hoàng gào ré lên kinh hãi: 

“Ối trời ơi! Cái gì thế kia?” 

Cả tôi và cái Bích đều giật mình nhìn theo hướng tay thằng Hoàng chỉ. Trước mặt chúng tôi lúc ấy là một cảnh tượng mà tôi vĩnh viễn không bao giờ có thể quên. Trên cành cây khẳng khiu phủ đầy tuyết, có một cái xác người trần truồng treo lủng lẳng. Toàn thân chúng tôi đông cứng vì sợ hãi, cái Bích ngã phịch xuống đất miệng cứng đơ không thốt được thành lời. Tôi gào lên khiếp đảm rồi ngồi thụp xuống ôm lấy đứa bạn thân. Một cơn gió thổi ù một cái khiến cái xác lủng lẳng khẽ đung đưa, xoay ngang về phía tôi. Giây phút ấy tôi nhận ra, người chết là thằng Bách. Toàn thân nó cứng còng, trên phần da thịt của nó bị lỗ chỗ những nốt rỉ máu đã đông cứng, hệt như bị gà mổ. Riêng ở phần hạ bộ của nó thì toàn máu là máu, kẻ nào đó đã cắt phéng phần dưới của nó đi. Máu còn vương vãi xuống dưới đất tạo thành những vệt đỏ như cánh hoa hồng trên nền tuyết lạnh. 

Tôi và cái Bích vừa gào khóc, vừa lồm cồm bò ngược trở lại để kêu cứu. Thấy có tiếng động, cô Ban và lão Sâm vội vàng đi đến. Vừa nhìn thấy khung cảnh trên, cô Ban lăn ra ngất xỉu ngay tại chỗ, còn lão Sâm thì gào lên khiếp đảm: 

“Ma gà…Ma gà.. Ma gà làm đấy.” 

Ba chúng tôi sững người nhìn nhau. Cái chết đầu tiên liên quan đến ma gà đã xuất hiện.


 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play