Lúc này, quy định “không được nhìn thẳng vào thiên nhan” mới bắt đầu bộc lộ ra những lợi ích mà nó mang lại, Cơ Vị Tưu thoải mái ghé sát vào xem, vậy mà chẳng có ai phát hiện.
Cố Tướng bắt đầu bẩm tấu về tình trạng hạn hán xảy ra ở một số khu vực thuộc Giang Nam, đồng thời đưa ra mong muốn bàn luận về việc thuỷ lợi ở Giang Nam hiện nay đã xuống cấp, phần lớn đều do dân chúng tự lo liệu. Song Giang Nam vốn là một địa phương mưa nhiều, ít gặp hạn hán, thế nên công trình thuỷ lợi nhiều năm chưa được tu sửa. Hắn ta chủ trương trùng tu thuỷ lợi, đào giếng sâu, đào kênh dọc và rạch ngang, cuối cùng là xây đập trữ nước.
Nghe thôi thì có vẻ đơn giản, nhưng đến cả Cơ Vị Tưu cũng biết đây không phải là chuyện dễ dàng. Đào giếng sâu thì còn được, dù khó khăn đến mấy thì cùng lắm cũng chỉ là đào giếng thôi, hơn nữa ở khu vực đó không thiếu nguồn nước ngầm, giả dụ như có thợ đào giếng lão luyện dẫn dắt vài đồ đệ, nhanh thì hai ba ngày, chậm thì hơn mười ngày nửa tháng là xong. Nhưng đào kênh dọc và rạch ngang thì lại không đơn giản như vậy.
Lấy Trường Giang làm ví dụ, con sông này chảy ngang Giang Nam, đổ ra Đông Hải. Cái gọi là kênh dọc, chính là dọc theo sông Trường Giang, cứ cách một đoạn là lại đào hoặc nạo vét một nhánh sông, gọi là kênh, rồi lại men dọc theo những con kênh đó, cứ cách một đoạn lại đào hoặc nạo vét một nhánh sông khác, nối hai con kênh dọc lại với nhau, từ đó hình thành rạch ngang. Cuối cùng phần diện tích nằm giữa các tuyến kênh dọc và rạch ngang ấy sẽ trở thành một miếng đất vuông vức, nhiều miếng đất vuông vức tạo thành dạng lưới có hình dáng giống như ô bàn cờ. Phần bùn đất có được từ quá trình nạo vét lòng sông sẽ được dùng để gia cố, đắp cao bờ đê, giúp lòng sông trở nên rộng và sâu hơn, dòng nước cũng được lưu thông thuận lợi hơn. Khi lũ lớn dâng lên, các đoạn kênh dọc và rạch ngang sẽ có thể chia bớt nước, không để cho đê bị vỡ; còn khi hạn hán, bờ đê cao dày sẽ giúp giữ nước tốt hơn, không còn lo mất mùa kéo dài nữa.
Nói một cách đơn giản, Cố Tướng muốn tạo nên hàng chục con sông nhân tạo tại vùng đất thường gặp nhiều thiên tai nghiêm trọng nhất là Vân Châu, sau đó mới mở rộng ra cả phủ Giang Nam, cuối cùng phổ biến công trình này khắp các phủ có điều kiện phù hợp.
Nhưng dù là ở thời hiện đại, nơi có cả máy xúc lẫn máy khoan đường hầm, thì muốn đào một con hào bao quanh bảo vệ thành cũng sẽ phải mất cả năm, huống hồ là ở Nam Chu, nơi chỉ có nhân lực đào và nạo vét thủ công, hoặc cùng lắm là dùng thêm trâu bò ngựa kéo, thì phải đào đến bao giờ mới xong? Nhưng đó cũng chưa phải trọng điểm, trọng điểm là người ở đâu ra? Tiền ở đâu ra? Về phần mấy chuyện như công trình thuỷ lợi sửa sông xây đê sẽ chiếm đất của nhà nào, đụng chạm đến lợi ích căn cơ của những gia tộc nào, mấy thứ lặt vặt như lông gà vỏ tỏi ấy, Cơ Vị Tưu chẳng buồn để ý, bởi ấy là chuyện mà đám quan viên phải lo.
Nam Chu cũng chỉ mới được thở phào nhẹ nhõm từ sau khi Cơ Tố lên ngôi. Vài năm nay trời quang mây thuận, mà Cơ Tố cũng không phải kiểu Đế vương hở tí là lại thích sửa sang hành cung, nhờ thế nên quốc khố mới có chút dư dả. Sửa sông và xây đê ở Vân Châu thì còn được, chứ muốn mang công trình thủy lợi ấy đi khắp phủ Giang Nam thì… rất khó, mà lại càng không cần nói đến đi khắp toàn quốc.

........(Còn tiếp ...)

Vui lòng đọc tiếp đầy đủ trên ứng dụng truyện TYT (iOS, Android).
Trải nghiệm nghe truyện audio, tải truyện đọc offline, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play