Edit: Trúc Linh
Đêm càng lúc càng dài.
Ngải Xảo dựa vào đầu giường, càng lúc càng không chờ nổi nữa, đáy mắt trong veo hiện rõ sự lo lắng, đứng dậy xuống giường đi giày.
Bước ra cửa chính thì dừng lại, bởi vì cô không biết nên đi đâu để tìm anh.
Có phải Quý Hoài đi rồi không? Bỏ cô lại một mình sau đó hoàn toàn biến mất, còn số tiền kia là để lại cho cô phá thai?
Nghĩ như thế, Ngải Xảo thấy sợ hãi hơn, cảm giác lạnh lẽo xuyên từ bàn chân xốc lên tận não, cơ thể cứng đờ.
Đứa bé trong bụng lại đạp.
Đôi chân mạnh mẽ của đứa nhỏ đá vào lớp mỡ non mềm của cô, Ngải Xảo đau đến mức cả mặt nhăn nhó, vội vàng đỡ mép giường ngồi xuống.
Cô đặt tay lên bụng thở phì phò từng hơi, ngực phập phồng kịch liệt, đây là miếng thịt từ trong bụng cô, là hy vọng cho sau này.
Mẹ bị bệnh, bố ngoại tình, gia đình không hoàn hảo, từ nhỏ cô đã chịu quá nhiều đau khổ, đứa nhỏ này là ánh sáng của cô và Quý Hoài.
“Bảo bối, con ngoan nào.” Cô vuốt ve bụng từng hồi, đáy mắt ngấn nước.
Từ khi làm mẹ tính cách quật cường dần bào mòn trở nên dịu dàng đằm thắm hơn, bởi vì từ giờ cô đã có điểm yếu.
Lúc Quý Hoài đi vào thì thấy cảnh tượng này.
Cô ngồi trên giường, đặt tay lên bụng, bả vai gầy yếu run run, nghe thấy âm thanh thì ngẩng đầu lên giơ đôi mắt ửng đỏ nhìn anh.
“Sao thế?” Anh cau mày bước nhanh tới: “Có phải khó chịu trong bụng không?”
Ngải Xảo lắc đầu, tìm cớ cho mình, chỉ vào bụng, trong giọng nói lộ ra tia tủi thân: “Con đá em đau quá.”
À có thêm chút mách lẻo nữa.
Quý Hoài mỉm cười, hạ người đặt tay lên cái bụng nhô tròn, cất giọng trầm thấp: “Con nên đi ngủ đi.”
Nếu nghe kĩ có thể nghe thấy sự dạy dỗ trong đó.
Âm cuối chưa nói xong lòng bàn tay đã truyền đến đợt đá nhẹ, Ngải Xảo cảm nhận được bàn tay sững sờ của anh, sắc mặt dần mất tự nhiên.
Chỉ có Quý Hoài mới biết, khoảnh khắc ấy như có luồng điện chạy dọc khắp cơ thể lan đến mỗi tế bào.
Cảm giác kỳ diệu kéo dài mãi.
“Gần đây con không nằm yên được, hở tí là đá, càng đá càng đau.” Ngải Xảo mở miệng nói sau đó lái sang chuyện khác: “Anh đi đâu vậy? Sao muộn như này mới về nhà?”
Cô rất lo lắng nhưng lại không có gì để gọi.
“Tăng ca ở công trường.” Quý Hoài cất tay sau đó đưa chiếc túi cho cô: “Anh có mang về cho em bữa cơm khuya đây.”
Ngải Xảo xót tiền: “Em không đói bụng, anh đừng tiêu linh tinh.”
“Anh không mua, là cơm ở căng tin công trường.” Quý Hoài vừa nói vừa ra sô pha ngồi: “Vốn dĩ chỉ có thể ăn ở đó nhưng anh ra muộn với lại còn thừa ít nên mặt dày xin về cho em.”
Khi tan làm, người có mưu mô như anh tất nhiên sẽ ăn thật chậm cầm lấy cơ hội tâm sự với nhà thầu, sau khi biết họ hàng của người đó nấu cơm ở căng tin công trường thì nấn ná tìm cơ hội xin đóng gói một phần về dù sao mua bên ngoài một suất cũng mất năm đồng.
“Còn có chuyện đó nữa à?” Ngải Xảo đứng dậy ngồi bên cạnh anh, tìm chén, bỏ hủ tiếu xào ra.
Sợi miến dai nhỏ, nguyên liệu không nhiều chỉ có chút rau hẹ với hành tây thêm vài miếng thịt.
Hôm nay cô như người trên mây, vừa lo cho anh vừa lo cho mình nên cơm mua rồi cũng không ăn.
Quý Hoài gật đầu, sau đó ngửi người mình, lập tức đứng lên với vẻ mặt ghét bỏ, nhanh chóng cởi áo trên ra: “Thối muốn chết, hôm nay mồ hôi mồ kê đầy người.”
Ngải Xảo nhìn, anh để lộ nửa người trên và hai cánh tay, cô thấy anh lấy tiền từ trong túi ra: “Một ngày được hai mươi hai đồng tăng ca được thêm mười hai đồng nữa. Nói chung là cũng được.”
Dứt câu anh vẫn giống như trước đây đưa tiền cho cô, còn lải nhải: “Bữa sáng hôm nay tiêu một đồng, số còn lại anh sẽ giữ.”
“Anh đi tắm, nay nóng cực kỳ, mẹ kiếp nóng quá!”
Anh vừa nói vừa cầm thùng vắt khăn lông lên vai đi ra cửa.
Ngải Xảo rũ mắt, nhìn số tiền được đặt trên bàn, ba tờ mười đồng, hai tờ năm đồng.
Tổng cộng bốn mươi đồng.
Cô cẩn thận cất số tiền đó đi, cúi đầu ăn từng miếng nhỏ, không biết có phải lời anh nói có tác dụng hay không mà đứa bé đã yên tĩnh hơn, dây thần kinh căng chặt cả ngày cũng dần thả lỏng.
Chờ Quý Hoài tắm xong, đi vào đóng cửa, Ngải Xảo đã lên giường nằm, trên người đắp tấm chăn mỏng.
“Tắt đèn ngủ nhá?” Anh hỏi.
“Vâng.”
“Bang” một tiếng, trong phòng trở nên đen ngòm, ánh trăng ngoài cửa sổ chiếu không vào, căn phòng bịt kín khó thông gió vì thế nhà có hơi bực bội.
Quý Hoài chậm rãi bò lên giường, xốc chăn lên vào ngủ.
Đợi khi mọi thứ yên tĩnh, anh không nhúc nhích cũng không nói chuyện, Ngải Xảo mới nhẹ nhàng mở miệng: “Hôm nay anh đến công trình làm gì?”
Anh không đáp ngay mà ngáp một cái: “Trộn xi măng.”
Cô đáp: “Thế anh có quen không?”
Trên người anh có khá nhiều khuyết điểm ví dụ như hay tự phụ, hay khoác loác, có chút gia trưởng, không muốn đi làm việc nặng nhọc hay việc dơ bẩn, đặc biệt là phải dấn thân vào công trường mặt mày xám như tro người ngợm hôi hám.
Trước kia anh hay ngại lao động ở nhà xưởng, khi nghỉ phép đều muốn mặc quần jean với áo sơ mi theo trào lưu, mua giày thể thao mới nhất, cắt kiểu tóc đang thịnh hành.
Cô vẫn thấy đau lòng cho anh.
Quý Hoài xoay người, ở trong đêm tối dùng cặp mắt thâm thúy nhìn cô chằm chằm: “Vợ và con của anh sắp chết đói mà anh còn quan tâm công việc đó có làm mất mặt mình hay không à?”
“Có thể kiếm được tiền thì làm gì cũng được, dù là trộn cát hay dọn gạch cũng chẳng sao.”
….
Anh nói rất nhẹ nhàng, nói xong thì nhắm mắt lại, đặt một tay lên phần bụng nhô của cô: “Anh ngủ đây, mai phải đến công trường nữa.”
“.... Vâng.”
Có lẽ là quá mệt nên một lúc sau đã truyền đến tiếng thở đều đều của anh rồi.
Ngải Xảo kích động đến nỗi mãi chưa bình tĩnh lại được, chớp mắt nhìn trần nhà, một giọt nước mắt chảy xuống dính vào sợi tóc,
Cuộc sống không hề dễ dàng.
Cô mím môi, cầm lấy tay anh, đôi lông mày cong cong, sau đó cũng nhắm mắt lại.
Hôm sau.
Quý Hoài thay quần áo dơ đi giày vào, dù gì đến công trường cũng bị dơ người nên cứ mặc quần áo hôm qua là được.
Hôm nay anh mua hai bánh quẩy thêm ly sữa đậu nành, vừa đi vừa đến công trường, thấy công trường chưa mở cửa thì đặt mông ngồi cạnh Trương Kỳ.
Giờ anh không cần phải cố gắng cướp chỗ vào làm nữa.
“Anh Hoài.” Trương Kỳ cười kêu anh một tiếng, nếu hôm qua anh ấy còn nghi ngờ thì hôm nay đã tin tưởng anh hoàn toàn.
Người này thật sự có kỹ thuật, cần phải nịnh bợ thôi.
“Ăn bánh quẩy không?” Quý Hoài đưa cho anh ấy một chiếc bánh quẩy.
“Không cần đâu, tôi ăn khoai lang đỏ rồi.” Trương Kỳ đẩy về, tới gần anh cười nói: “Này, tôi có công việc muốn giới thiệu cho anh đây.”
“Nhà tôi có người họ hàng được đơn vị chia nhà cho, giờ đang định trang trí nên tìm công nhân sửa điện đó.”
“Giá cả bao nhiêu?” Quý Hoài nghiêng đầu hỏi anh ấy, cố ý tỏ ra bình tĩnh như đã tập mãi thành thói quen.
Trương Kỳ: “Không biết, anh báo giá đi, tôi về hỏi người kia cho anh, căn nhà ấy rộng tám mươi mét vuông.”
“Tôi không biết người kia muốn trang trí như thế nào nên cũng không đưa ra giá cụ thể được, vầy đi, bởi vì là do anh giới thiệu nên chắc chắn sẽ không hố đâu, anh về nói với người kia tính theo giá thị trường một ngày hai mươi đồng, nửa ngày sáu đồng, người ta muốn trang trí sao thì trang trí vậy, đi làm một ngày tính tiền một ngày, không lấy thêm.” Quý Hoài nói xong còn hạ giọng nói với Trương Kỳ: “Đến lúc đó, anh và tôi cùng đi, tôi tính cho anh tám đồng một ngày.”
“Bên này không tăng ca thì tối chúng ta sẽ qua đó làm kiếm thêm tiền.”
Đã có đủ chỗ tốt đương nhiên Trương Kỳ sẽ giúp anh, đối phương là người bản địa nhất định có mối hơn anh.
Đặc biệt là nhà ở khu mình, mấy năm nay xây biết bao nhiêu là nhà.
“Vậy để tôi nói cho anh ấy biết.” Trương Kỳ muốn học thêm kỹ thuật, tâm trạng cũng đong đưa theo, thấy cổng công trường mở thì nói với Quý Hoài: “Tôi đi tranh suất hôm nay đã, đến lúc đó sẽ nói kĩ càng với anh sau.”
Thực tế là để cho Quý Hoài giúp mình, dù sao đối phương cũng chạy rất nhanh.
“Cái này dễ.”
Nhà thầu tên anh Cường vừa ra, Trương Kỳ chưa kịp phản ứng, Quý Hoài đã kéo anh ấy chạy vào, anh Cường thấy Quý Hoài đến thì cho vào ngay vì thế anh ấy cũng được vào trong.
Đúng là rất dễ dàng.
Mấy ngày tiếp đó, Quý Hoài ở công trường như cá gặp nước, cơ sở vật chất trên công trường kém chất lượng cực kỳ, thường xuyên bị hư, anh không những sửa mạch điện mà còn xây tường, tráng gạch men sứ.
Anh Cường là người nửa vời, chưa biết được mấy chữ, không xuất thân từ chuyên môn này mà tự mình học hỏi hết, khi cầm bản vẽ chưa chắc đã xem hiểu, lúc mở tài liệu ra tính còn tính sai.
Lúc này, anh Cường sẽ lén đi tìm Quý Hoài, bảo anh làm hai mắt của mình.
“Anh Cường, anh vẽ chưa xong à? Cứ để thế mà bỏ đi ư? Chậc bản thiết kế của đống người này cũng có vấn đề, tốn công xem lắm đúng không?” Anh sẽ không nói anh Cường không có kiến thức nên đành đẩy trách nhiệm lên người khác thôi.
Người khôn như anh khi đứng trước quyền lợi thì chẳng cần biết mặt mũi là gì, đồng thời khi đã chiếm được chút ưu thế, mỉm cười đưa tay về phía trước: “Anh Cường, anh hút thuốc gì mà ngon thế, cho tôi điếu với.” ( truyện trên app t.y.t )
“Đây.” Anh Cường xua tay ném bật lửa qua, như nghĩ đến gì đó thì lấy bao thuốc trong túi ra ném cho anh: “Của người khác cho đấy, cầm đi, à đúng rồi, nghe nói bên căng tin có vấn đề về điện thì phải, giữa trưa cậu qua đó ăn cơm nhớ xem chút.”
Đám công nhân điện ở công trường kiêu ngạo vô cùng, đã tiêu tiền cho rồi mà vẫn không làm được gì, may có sức lao động miễn phí là Quý Hoài đây.
“Cho dù không lấy điếu thuốc này thì chỉ cần anh Cường mở miệng một cái nhất định tôi sẽ đi.” Quý Hoài cười, nhanh chóng bỏ thuốc vào túi quần.
Thuốc lá của Lan Yên siêu đắt, một bao cũng tầm hai đồng năm xu, ở công trường có mấy ai chịu bỏ ra hai đồng mua một bao thuốc lá?
Đối phương được anh khen đến mức vui vẻ, nhìn anh càng thấy ưng hơn.
Có ai mà không thích người khôn khéo đâu, đặc biệt là không người vừa khéo vừa có tay nghề.
Xưa nay Quý Hoài là người vừa có mục đích vừa có tính linh hoạt và mưu mô, khi đến căng tin sửa điện còn tiện mắt quan sát xem có thu được món nào hay không.
Ngoại trừ dưa leo cà chua thì đúng là chẳng có gì ngon, anh thay mấy ổ điện rồi gặm dưa leo và tán gẫu với bác gái xào rau, kể trong nhà có vợ mang thai đến tháng thứ tám mà cứ nhớ mãi không quên món hủ tiếu xào lần trước.
Hương vị thực sự khác biệt, rất ngon, ngon hơn nhiều so với loại bán bên ngoài.
“Ngày nào cũng thừa nửa bát, ăn không hết lại cho heo, nếu vợ cậu thích thì cứ lấy về cho cô ấy ăn.” Bác gái cười ha hả: “Hôm nay tôi sẽ chừa phần cho cậu.”
“Tên nhóc nhà cậu cũng được đấy.”
Lời này nghe cứ kỳ lạ Quý Hoài quyết định bơ luôn, gặm xong dưa leo thì kéo dây điện qua: “Để tôi giúp dì kéo vào trong để đỡ vị vướng.”
“Chuẩn chuẩn chuẩn, dây điện loằng ngoằng không tiện lắm.” Bác gái cực kỳ hài lòng.
Vì thế lúc chừa phần hủ tiếu xào còn cho thêm rất nhiều thịt.
Tối hôm đó.
Ngải Xảo nhìn bát đầy hủ tiếu và thịt, cô nuốt nước miếng, hỏi bằng giọng ngạc nhiên: “Các anh ở công trường ăn nhiều thịt vậy ư?”
“Không.” Quý Hoài đặt tiền dưới ván giường, vừa lấy quần áo vừa nói: “Có người không ăn nên ngày nào cũng thừa, bác gái nói không ăn hết thì cho heo ăn.”
Ngải Xảo mới đưa đũa lên miệng thì dừng lại: “...”
Năm nay là năm con heo, đúng lúc cô đang mang thai một bé heo…