Hôm sau là một ngày Chủ nhật, nắng đẹp rực rỡ.
Tiệm tạp hóa của Thục Phân mở cửa từ sớm, bà treo mấy chai nước ngọt xuống giếng để ướp lạnh. Tiếng xào nấu từ các nhà vọng lại, đám trẻ con thì đang háo hức chờ ba mẹ thực hiện lời hứa cho đi sở thú.
Ngay lúc này, một đứa trẻ kêu lên: “Phùng Trình Trình về nhà rồi*!”
(Ngôn ngữ địa phương Tiêu Sơn: “về nhà”)
Những năm ấy, bộ phim "Bến Thượng Hải" đang nổi đình đám, và bọn họ gọi các cô gái xinh đẹp là “Phùng Trình Trình.”
Hàng Nhã Phỉ bước xuống từ trên xe buýt, mở một chiếc ô che nắng.
Cô đeo kính mát, mái tóc uốn bồng bềnh, mặc chiếc đầm chấm bi đỏ ôm lấy vòng eo thon thả. Khi cô bước vào con ngõ nhỏ xám xịt, trông chẳng khác nào một vì sao lấp lánh.
Bọn trẻ con lẽo đẽo đi theo sau, nhưng không dám đến quá gần, chỉ đứng xa xa trêu chọc: “Sóng tung – sóng cuộn – ngàn dặm dòng sông cuộn mãi không ngừng.”
Các bà thím đang làm bữa sáng thò đầu ra từ cửa sổ chào hỏi: “Ối dào, Nhã Phỉ đẹp thế này, khi nào mới dẫn cậu rể tương lai về cho mẹ con đây?”
Cũng có mấy chàng trai trẻ tuổi mạnh dạn gọi: “Hàng Nhã Phỉ, chào em nhé.”
Mặt họ đỏ lựng hết cả lên.
Thấy con gái về, Trương Thục Phân liền đón lấy túi của cô, hỏi: “Sao hôm qua con không về?”
“Con phải tăng ca.” Hàng Nhã Phỉ trả lời ngắn gọn, cầm một chai nước ngọt uống, rồi hỏi tiếp: “Du Ninh đâu?”
“Nó ra bờ sông tập quyền, giờ vẫn chưa về.”
Vì sức khỏe yếu ớt, từ năm ba tuổi, mỗi sáng Hàng Du Ninh đều phải dậy sớm để tập một bài quyền, dù mưa gió cũng không bỏ.
Nhã Phỉ khẽ gật đầu, nói: “Mẹ, con phải đi công tác ở Bắc Kinh, tối nay lên xe.”
Trương Thục Phân thoáng ngập ngừng, nói: “Gấp vậy à... Công ty có lo chỗ ở không con?”- Đọc truyện miễn phí tại ứng dụng T Y - T
Nhã Phỉ ngước mắt lên, liền hừ lạnh một tiếng, Trương Thục Phân lập tức thấy không ổn.
Quả nhiên, Nhã Phỉ bắt đầu mỉa mai: “Nếu có chỗ ở thì con đâu cần phải về nhà Hàng Kiến Thiết ở! Nhà anh ấy là Kim Loan Điện à, con không được đến? Nhà ấy ai mua? Là tiền mà ba con đổi bằng mạng sống đấy!”
“Ôi dào, tổ tông ơi, con nói nhỏ chút!” Trương Thục Phân vội đưa tay bịt miệng con gái, sợ hàng xóm nghe thấy: “Đến được chứ, đến được chứ, sao lại không, mẹ chỉ sợ chị dâu con... thôi được rồi, con cứ về ở đó đi!”
Hàng Nhã Phỉ trợn trắng mắt.
Trương Thục Phân lẩm bẩm: “Lúc nào cũng phải tỏ ra oai hơn mẹ, không biết ai mới là mẹ của ai nữa đấy!”
Nói rồi, bà bắt đầu thu xếp đồ đạc cho con. Đi xa như vậy phải chuẩn bị chu đáo: luộc sẵn năm quả trứng, thêm mấy trái bắp, một bịch bánh mì vitamin, rồi cả hạt dưa với vài miếng táo tàu ăn vặt, may mà nhà có sẵn đồ bán trong tiệm.
Lại còn phải chuẩn bị thêm mấy món đồ mùa đông cho Hàng Kiến Thiết, khỏi phải tốn tiền gửi bưu điện. Rồi phải đem ít quà biếu cho ông bà thông gia nữa...
Hàng Nhã Phỉ vào phòng trong. Ở phía trước Tiệm tạp hóa Thục Phân là nơi bán hàng, phía sau là nơi ở.
Không gian sống chật hẹp, quay người cũng khó. Phòng ngoài có một chiếc giường gấp, Thục Phân ngủ ở đó, còn phòng trong có một chiếc giường tầng, Nhã Phỉ ngủ giường dưới, Du Ninh ngủ giường trên.
Hàng Du Ninh vừa tập quyền xong, định về nấu bữa sáng. Nghe mấy đứa nhỏ bảo chị Nhã Phỉ về rồi, cô vui vẻ mở cửa, hỏi: “Chị, bữa sáng chị muốn ăn gì?”
Đột nhiên, một cuốn sách bị ném thẳng vào đầu cô, đó là cuốn “Nghiên cứu chữ viết bằng máu”.
“Hàng Du Ninh, sao em bừa bãi vậy hả! Nguyên cả cái giường toàn là đồ của em!” Hàng Nhã Phỉ mắng xối xả.
Hàng Du Ninh ngẩn người một lúc, nhỏ giọng nói: “Bình thường chị đâu có về, em không có chỗ để mà...”
“Không có chỗ thì đem vứt đi! Chỗ có tí xíu mà bày bừa đủ thứ!” Nhã Phỉ quát lại: “Chị không về nữa là không phải người trong nhà à! Đến cả chỗ của chị cũng thành chỗ của em luôn rồi, đúng không?”
Hàng Du Ninh không dám cãi lại, vội bước đến thu dọn đồ, vừa cầm quyển sách lên thì đã bị Nhã Phỉ giật lấy: “Chị đã nói rồi, đừng đọc mấy thứ độc hại này, không nhớ sao?”
Mắt Nhã Phỉ rất to, khi trừng lên thì ánh nhìn lạnh lẽo khiến người ta sợ hãi, Hàng Du Ninh cúi đầu tránh, không dám nhìn vào mắt chị gái.
“Xoẹt” một tiếng, Nhã Phỉ lạnh lùng xé cuốn sách làm đôi rồi ra lệnh: “Nhặt lên và dọn đi!”
Hàng Du Ninh cố kìm nước mắt, đây là cuốn sách mà cô khó khăn lắm mới mượn được.
Trương Thục Phân vội vã đến can ngăn, bà cũng không dám đụng đến Nhã Phỉ, chỉ đành giúp cô con gái út thu dọn đồ, miệng nói: “Thôi được rồi, đi làm bữa sáng đi, suốt ngày đọc mấy thứ chẳng có ích gì, làm lẫn cả sổ sách mà cũng không biết.”
Từ nhỏ, Hàng Nhã Phỉ đã rất cứng rắn, vì trong lòng cô luôn nghĩ mình là đại diện cho chính nghĩa, còn mẹ, anh trai, em gái đều là những đối tượng cần được cô cải tạo.
Trương Thục Phân thu xếp ra bốn cái túi, hai cái để Nhã Phỉ mang đi đường, còn hai cái là đồ để gửi cho Hàng Kiến Thiết. Bà vừa xếp đồ ở cửa vừa cao giọng bảo khi có người hỏi: “Con gái tôi đi Bắc Kinh công tác, tiện thể đem ít đồ cho anh nó luôn!”
“Thục Phân giỏi thật đó.” Hàng xóm khen ngợi.
Còn Hàng Du Ninh thì mướt mồ hôi xào nấu trong bếp, mỗi lần chị gái về là mẹ cô hào phóng lắm.
Cô thêm chút ớt và đậu phụ, hầm chung với đầu cá còn lại từ hôm trước, rồi xào thêm rau mầm non mới nhổ mấy hôm nay cùng thịt ba chỉ, còn làm món ba chỉ xào ba loại rau và đậu phụ Tứ Xuyên.
Vừa làm, cảm giác tủi thân của Hàng Du Ninh cũng tiêu tan dần. Cô rất thích ăn uống, nhưng bình thường mẹ chẳng cho nấu kiểu này. Hai người bọn họ chỉ cần một miếng đậu hũ muối là đủ cho một bữa rồi.
Làm xong thì cũng đã đến chiều, xe của Hàng Nhã Phỉ là chuyến tối, ăn xong là phải đi ngay.
Hàng Nhã Phỉ chợp mắt một lát. Khi ra ăn cơm, cô cũng đã bớt bực mình hơn, còn khen Hàng Du Ninh: “Ngon đấy, có hương vị nhà làm.”
Trương Thục Phân cười tươi rói, nói: “Kể cũng quái, con bé tới phương Nam mới học nấu ăn mà xào măng tre vẫn mang vị Đông Bắc.”
Người từ nơi khác đến thường cố gắng để hòa nhập với vùng đất mới.
Nhưng Trương Thục Phân thì ngược lại, bà luôn muốn nhắc nhở các con rằng quê gốc của họ là ở Đông Bắc.
Hàng Du Ninh không nói gì, khi ăn cô luôn im lặng, chỉ chú tâm cảm nhận từng vị ngon của đầu cá mềm, đậu phụ béo mịn, rau dại thanh mát và từng miếng cơm đầy trong miệng, một sự thỏa mãn đến nghẹn ngào.
Hàng Nhã Phỉ chợt nhớ ra điều gì đó, rút một cái phong bì ra khỏi túi xách rồi đưa cho mẹ: “Lương tháng này, nhà mình nên mua một cái tủ đông, sắp hè rồi, bán thêm đồ uống lạnh.” ( truyện đăng trên app TᎽT )
Trương Thục Phân cầm lên, ước lượng độ dày của phong bì, vẻ mặt càng thêm rạng rỡ: “Vẫn là con gái lớn của mẹ là tốt nhất.”
Hàng Nhã Phỉ quay sang Hàng Du Ninh nói: “Lúc trông quầy thì chịu khó ôn bài đi. Năm nay thi lại lần nữa, chẳng lẽ cả đời em định chỉ có mỗi cái bằng cấp hai thôi sao?”
Hàng Du Ninh gật đầu.
Ăn xong, Trương Thục Phân cẩn thận kiểm tra lại đồ đạc cần mang theo.
Hàng Nhã Phỉ vào phòng thay quần áo.
Hàng Du Ninh nhân lúc có cơ hội, rón rén đến bên cạnh Hàng Nhã Phỉ, nói nhỏ: “Chị, em có chuyện này muốn nói.”
“Nói đi.”
“Em gặp anh Hứa Dã rồi.”
Động tác của Nhã Phỉ chững lại trong giây lát.
“Ở đâu?”
“Ngay phía trước, mọi người còn tưởng anh ấy là kẻ xấu, suýt chút nữa cũng bắt anh ấy rồi.”
Dù Hàng Du Ninh ra sức giải thích, Hồ Phong và đám bạn vẫn không chịu thả Hứa Dã ra, họ vẫn lôi anh đến đồn công an.
Hàng Du Ninh không biết làm gì khác, chỉ đành nhờ chị đi hỏi thăm giúp.
Dù sao, họ cũng từng...
“Sao em biết anh ta không phải kẻ xấu?”
“Gì cơ?”
Hàng Du Ninh ngẩn người nhìn Hàng Nhã Phỉ, nghi ngờ mình đã nghe nhầm.
“Chẳng phải trước đây có người nói rồi sao.” Cô tiếp tục thay quần áo, hờ hững nói: “Anh ta có số ngồi tù.”
“Còn nữa.” Đôi mắt đẹp của Hàng Nhã Phỉ quét một lượt qua Hàng Du Ninh, nói: “Em quên chuyện đó rồi à? Anh ta đã từng cưỡng hiếp cô gái học nhảy đó.”
Thời đi học, Hứa Dã là chàng trai nổi bật nhất trong vùng.
Anh không phải kiểu đẹp trai phổ biến bấy giờ – hồi đó ai cũng thích nét thanh tú điềm đạm như Đường Quốc Cường. Mắt Hứa Dã không to, da ngăm, là kiểu vừa nhìn đã thấy cứng đầu bướng bỉnh.
Dáng người của anh lại rất đẹp, không gầy gò như những cậu trai khác, cánh tay còn có cơ bắp, mặc áo ba lỗ chơi bóng rổ trông vô cùng thu hút.
Theo lời sau này thì anh có khí chất rất “lạnh lùng,” mới cấp ba thôi mà đã có con gái gửi thư tỏ tình cho anh rồi.
Tuy nhiên, không ai dám thể hiện nhiều, vì ai cũng mặc định anh và Hàng Nhã Phỉ là một cặp.
Hàng Nhã Phỉ nổi tiếng nhất trường, không chỉ vì đẹp mà còn vì cô là cán bộ học sinh xuất sắc nhất toàn thành. Cô từng diện chiếc váy đỏ kẻ caro đại diện học sinh toàn thành phát biểu, trở thành tình nhân trong mộng của một nửa số con trai trong trường.
Nửa còn lại thì thầm thương trộm nhớ. Có mấy tên choai choai ở ngoài còn đến tận cổng trường chờ chỉ để ngắm cô một lát, bác bảo vệ đuổi mãi cũng không đi.
Hứa Dã liền ra tay “dạy dỗ” từng tên.
Từ đám du côn ngoài xã hội cho đến các “đại ca” trong trường học, ở Đông Bắc, những người giỏi đánh nhau đều được gọi là “đại ca,” và dưới trướng họ thường là một nhóm các cậu trai cũng rất giỏi đánh đấm.
Hứa Dã là “đại ca” lớn nhất trường. Mỗi khi tan học, anh vứt cặp xuống rồi dẫn đám bạn lao ra ngoài, đánh cho từng kẻ quấy rối Hàng Nhã Phỉ phải khuất phục.
Cả hai người họ đều chưa từng thừa nhận mình có quan hệ gì, nhưng khi tan học, Hàng Nhã Phỉ đạp xe đi trước, còn Hứa Dã cùng đám anh em của mình lẽo đẽo theo sau.
Như vậy mà không phải là một đôi sao?
Mãi đến khi Triệu Minh Minh xuất hiện.
Triệu Minh Minh học múa từ nhỏ, định thi vào đoàn văn công, nghe nói thích chưng diện, mỗi đêm đều dùng dây điện quấn tóc, lúc cười rộ lên thì nghe như tiếng vịt kêu quạc quạc, như cả trăm con vịt kêu cùng lúc.
Cô ấy không làm gì quá đáng, chỉ thường xuyên tìm Hứa Dã nói chuyện riêng, hai người nói to nói nhỏ với nhau, không cho ai nghe, chỉ có thể nghe thấy tiếng cười quạc quạc của cô ấy vang lên.
Đó là thời nào chứ, thời mà tội lưu manh có thể bị xử tử!
Hơn nữa cả hai người đều là nhân vật nổi bật, nên chuyện tình tay ba này trở thành tin nóng nhất trong giới học sinh. Đến cả cục bột Hàng Du Ninh ngây ngô cũng bị hỏi: “Ê, khi nào chị cậu sẽ “hạ bệ” Triệu Minh Minh vậy?”
“Tuần trước Hứa Dã còn đến đón cậu, cậu ta không kể gì về người mà mình thích sao?”
Hàng Du Ninh ngẫm nghĩ một lúc lâu, cuối cùng mới nhớ ra: “Anh Tiểu Dã dẫn em đi ăn dầu trà miến*! Ngon cực luôn!”
(*Dầu trà miến là một món ăn truyền thống phổ biến ở miền Bắc Trung Quốc, đặc biệt trong các vùng như Thiểm Tây và Sơn Tây. Đây là món bột ngũ cốc rang (thường từ bột mì, đôi khi pha thêm lúa mạch hoặc đậu) trộn với dầu, sau đó pha với nước nóng thành một dạng cháo sệt hoặc súp đặc)
Mọi người không biết phải làm gì với cục bột nhỏ này, đành tiếp tục theo dõi chuyện đó.
Ai ngờ cái kết lại thành ra thế này:
Triệu Minh Minh chết rồi.
Cô ấy treo cổ trong phòng tập nhảy của trường, khi chết vẫn mặc bộ đồ tập đã ngả màu, làm lộ rõ cơ thể chưa kịp phát triển hết của cô, cùng với cái bụng lùm lùm không thể che giấu.
Cảnh sát điều tra các mối quan hệ của cô ấy – người có liên quan duy nhất với cô ấy là Hứa Dã.
Họ khám xét nhà Hứa Dã, tìm thấy quần lót và một số đồ cá nhân của Triệu Minh Minh.
Nhận định sơ bộ là hai học sinh đã có xảy ra quan hệ, Triệu Minh Minh mang thai, không dám nói với gia đình nên đã tìm đến cái chết.
Ông nội Hứa bị sốc, ngất ngay tại chỗ, lúc tỉnh lại thì cầm gậy định đánh chết đứa cháu bất hiếu này.
Nhưng Hứa Dã đã bị cảnh sát đưa đi rồi.
________
“Anh ấy bị oan mà.” Hàng Du Ninh nhìn Hàng Nhã Phỉ. Cô hiếm khi dám cãi chị gái mình.
Nhã Phỉ lờ cô, dọn đồ chuẩn bị đi, nhưng Hàng Du Ninh ngăn lại.
“Anh ấy không phải người xấu, ba đã nói thế.” Cô ngập ngừng rồi vẫn cất lời: “Đôi mắt của em sẽ không sai...”
“Đừng có nhắc đến đôi mắt của em nữa!” Hàng Nhã Phỉ không kiềm được mà hét lên: “Chị đã nói với em bao nhiêu lần rồi, trên đời này chẳng có cái gì gọi là năng lực đặc biệt cả! Ba chỉ nói vậy để lừa em thôi!”
Hàng Du Ninh nói: “Ba sẽ không nói sai.”
Hàng Nhã Phỉ đẩy mạnh Hàng Du Ninh vào tường, nhìn chằm chằm vào mắt của Hàng Du Ninh. Đó mà một đôi mắt một mí, bình thường, chẳng có gì đặc biệt.
“Ba đã sai rồi.” Cô nhấn từng chữ: “Nếu mắt em thần kỳ đến vậy, thì ba đã không chết!”