Từ khi bắt đầu có ký ức, Hàng Du Ninh đã quen biết Hứa Dã rồi.
Nhưng đó không phải ở đây, mà là ở một thành phố nhỏ cách đây cả ngàn dặm, ở Đông Bắc, nơi gió bắc lạnh cắt da cắt thịt quanh năm.
Hàng Du Ninh sinh vào năm mà bố mẹ cô đã gần bốn mươi, đã có đủ cả nếp lẫn tẻ và từng hứa sẽ không sinh thêm nữa, vậy mà cô vẫn ra đời.
Ở Đông Bắc có một quan niệm rằng, khi một cặp vợ chồng lớn tuổi bỗng có thêm một cô con gái, thì đứa con đó chính là “vật quý trời ban” – một món quà từ Bồ Tát, giúp chăm lo cho cha mẹ già và có thể mang đến vận may cho cả gia đình.
Nhưng Hàng Du Ninh lại là một đứa trẻ sinh non, lúc cô sinh ra còn nhẹ hơn cả một chú mèo con, rồi cứ thế ốm đau liên miên. Vừa khỏi được bệnh này thì bệnh khác lại kéo đến, suốt ngày khiến gia đình phải vét sạch tiền để chữa trị cho cô.
Lại còn ngẩn ngơ, phản ứng lúc nào cũng chậm hơn người khác một nhịp. Đến ba tuổi mà vẫn nói ngọng.
Trương Thục Phân lo lắng lắm, bà bảo hay là đem cô gửi cho nhà nào khá giả nuôi đi, gia đình mình không nuôi nổi đứa trẻ này.
Bố cô, Hàng Tầm, chỉ cười hiền lành: “Đứa nào có số mệnh tốt thì đều khó nuôi cả. Khi vua được sinh ra, phòng sinh còn có yêu quái quấy phá nữa mà!”
Khi đó ông đang làm đội trưởng đội cảnh sát, đáng lý ra phải là một người cứng rắn, nhưng lại mang nét phong thái điềm đạm của một người trí thức thời trước. Tính tình ôn hòa nhưng chuyện gì mà ông đã quyết thì khó lòng lay chuyển được.
Trương Thục Phân rất ghét trông trẻ. Những lúc Hàng Du Ninh ốm sốt mà không thể rời người, ông liền ôm cô đến đồn cảnh sát. Lúc ấy là thời kỳ đặc biệt, đồn cảnh sát hỗn loạn, Hàng Du Ninh nhỏ xíu, như một chú mèo nép trong chiếc áo khoác của bố. Không nhìn kỹ thì chẳng ai thấy được cô bé.
Ấn tượng đầu tiên của cô về thế giới này, là dòng người qua lại.
Dòng người đông đúc, phần lớn đều giống như bố cô, ấm áp và mang ánh sáng dịu dàng.
Nhưng giữa những người ấy, vẫn có vài người lạnh lẽo, ánh mắt như những con sói đói trong truyện. Phần lớn những người ấy thường phải đeo còng tay sắt.
Lúc đó, cô chưa hiểu điều này có nghĩa gì.
Khi đó, Hứa Dã là “ông trùm nhí” trong sân.
Cậu ta cầm một cây thương có tua đỏ, dẫn theo cả một đám trẻ con chạy loạn khắp nơi, thi nhau đạp xe, liều mạng lao xuống từ con dốc, rồi trèo lên cây chọc tổ ong. Cả khu ai cũng bị cậu ta phá đến bực mình. Một ông lão từng coi bói từ trước những năm Giải phóng còn lén bảo, thằng nhóc nhà họ Hứa này, trời sinh đã có số ngồi tù.
Hứa Dã học cùng lớp với Hàng Nhã Phỉ. Cô là đội trưởng ba vạch* uy phong, ngay cả kẻ chẳng sợ trời đất như Hứa Dã cũng bị cô xách gáy như xách một con gà con.
(*thường là người đứng đầu đội thiếu niên tiền phong)
“Hứa Dã! Đi gọi đám con trai kia đi dọn vệ sinh ngay!”
“Hứa Dã! Thu hết bài tập lại cho tớ!”
“Hứa Dã! Tớ phải đi làm bảng tin, cậu trông em gái tớ một lát nhé!”
Dạo ấy mấy trường mẫu giáo xung quanh đều đóng cửa, khi Hàng Du Ninh không ốm thì ngồi ngẩn ngơ ở nhà, Trương Thục Phân sợ con gái nhà mình sẽ trở nên ngây ngốc ngu si nên bắt Hàng Nhã Phỉ phải dắt em gái ra ngoài chơi.
Hàng Nhã Phỉ là đội trưởng, suốt ngày bận rộn tổ chức các hoạt động cho học sinh, làm người kế thừa sự nghiệp cách mạng!
Thế là cô liền giao em gái cho Hứa Dã trông.
Hứa Dã cũng rất vui lòng, vì trông trẻ sẽ được miễn họp lớp, mà cậu thì chúa ghét mấy buổi họp ấy.- Đọc truyện miễn phí tại ứng dụng T Y - T
Hứa Dã chở Hàng Du Ninh trên chiếc xe đạp 28 Đại Giang (xe đạp khung ngang) của bố, đặt cô ngồi lên thanh ngang, phóng như bay khắp phố, rồi cùng lũ bạn thay nhau tung hứng cô bé, thi xem ai ném được cao hơn. Cậu còn vẽ cô hình râu nhỏ lên mặt, đóng vai thái quân*…
(*Thái quân ban đầu là một danh xưng trang trọng trong văn hóa Trung Quốc để chỉ những người phụ nữ có địa vị cao hoặc trưởng bối trong gia đình quý tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử Trung Quốc thời kỳ Chiến tranh Trung-Nhật, từ này trở thành một từ mỉa mai mà người Trung Quốc dùng để ám chỉ các sĩ quan hoặc quân lính Nhật Bản)
Hàng Du Ninh thích Hứa Dã lắm. Cậu mua kẹo đường nấu hai xu cũng sẽ cho cô ăn một miếng. Không như anh chị của cô, lúc nào cũng chỉ nói: “Ra chỗ khác! Đừng làm ảnh hưởng đến việc học của anh/chị!”
Hôm đó, Hứa Dã sang khu khác tìm bạn chơi trò “xòe thẻ,” cũng mang theo cô.
"Xòe thẻ" là những tấm thẻ tròn in đủ loại hình ảnh. Nếu bạn dùng tay hoặc vật phẳng đập xuống một tấm thẻ để tạo lực làm lật hoặc xòe tấm thẻ của đối thủ, thì sẽ giành được thẻ đó. Trong đám trẻ con ở Đông Bắc, ai có nhiều thẻ nhất thì người đó là “trùm.”
“Ninh Ninh, hôm nay anh sẽ thắng một trăm cái thẻ về cho em!”
Hàng Du Ninh gật đầu, trời tháng Chạp gió lạnh đến tê mặt, nhưng cô vẫn cảm thấy vui. Đội quân của Hứa Dã hất thẻ của đối phương bay vèo vèo, vui lắm. Cả lũ bạn reo hò hoặc cúi gằm mặt xuống ỉu xìu, nom cũng vui lắm.
Cô cảm giác như chính mình cũng tham gia vào trò chơi này vậy.
Thực ra cô chỉ nép trong vòng tay Hứa Dã, ngẩn ngơ ngồi nhìn.
Hứa Dã đam mê trò này vô cùng, từng đứa từng đứa lần lượt đứng dậy rời đi mà cậu vẫn chơi tiếp.
Hàng Du Ninh cũng đã bắt đầu thấy lạnh, cô nói với Hứa Dã: “Anh Tiểu Dã, em muốn về nhà.”
“Đợi chút, anh hạ gục hết bọn nó rồi sẽ đưa em về.”
Răng cô đánh lập cập, ngước lên nhìn bầu trời.
Trời mùa đông trong vắt một màu xanh lam ngọc, mặt trời đang lặn, ánh lửa rực đỏ dần bùng lên, trong ngọn lửa ấy hiện ra những gương mặt – là những gương mặt cô đã thấy ở đồn cảnh sát, có khi hung tợn, khi ủ ê, có khi trĩu buồn... ( truyện trên app t.y.t )
Chậm rãi, ánh lửa trên trời càng lúc càng lớn, đến cả người cô cũng dần nóng lên theo, liệu cô có biến thành một vì sao không nhỉ...
Lúc trời đã tối mịt, đám trẻ trong khu đã về nhà ăn cơm, chỉ còn Hứa Dã và một cậu anh lớp trên quyết chiến dưới ánh đèn đường.
Cho đến khi Hàng Nhã Phỉ chạy đến, giẫm nát thẻ của cậu ta, Hứa Dã mới bừng tỉnh khỏi cơn mê.
Tiếp đó, có một đôi tay ôm lấy Hàng Du Ninh trong lòng cậu. Hứa Dã theo bản năng định giữ lại, nhưng một bàn tay khác đã kéo cậu ra.
Mùa đông âm hai mươi độ ở Đông Bắc, Hàng Du Ninh cuộn mình lại thành một nhúm, mặt đỏ bừng, gọi mãi cũng không tỉnh.
Khoảng hơn năm giờ, Hàng Nhã Phỉ về nhà ăn cơm, Trương Thục Phân hỏi em gái đâu, Hàng Nhã Phỉ bảo đi chơi với Hứa Dã, cậu ta sẽ đưa về sau. Chuyện này cũng cũng là chuyện thường xảy ra.
Hai mẹ con ngồi ăn cơm, bật radio lên nghe, nghe mãi đến mê mẩn.
Mãi đến bảy giờ, Hàng Tầm về nhà hỏi con gái đâu, Trương Thục Phân mới giật mình đập tay xuống đùi.
Lúc này, Hàng Nhã Phỉ chạy đi khắp nơi tìm nhưng vẫn không thấy Hứa Dã.
Đó là một đêm tháng Chạp lạnh nhất ở Đông Bắc, vừa chập tối, gió lạnh đã buốt như dao. Hàng Du Ninh mặc cái áo bông cũ của chị, không chắn gió cũng chẳng đủ ấm.
Lần ấy là trận ốm nguy hiểm nhất của Hàng Du Ninh. Bệnh viện bảo cô không qua khỏi, dặn gia đình tranh thủ lúc còn hơi thở thì mau chóng chuẩn bị quần áo cho cô đi.
“Chuẩn bị quần áo” nghĩa là chuẩn bị quần áo mới để khi chôn cất, người đã mất cũng sẽ có được một bộ đồ mới để mặc. Nếu không chuẩn bị trước, khi người chết đã cứng đờ thì rất khó để mặc vào.
Người trong sân đều nói, đứa trẻ này có lẽ là “mệnh đồng tử,” phải trở về trời làm tiên, cha mẹ cố giữ lại chỉ hại cho nó mà thôi.
Trương Thục Phân đi mua đồ khâm liệm về, thấy Hàng Tầm ngồi khóc trước cửa phòng bệnh.
Ông từng ra chiến trường, từng giết người, là người đàn ông chín thước vững chãi, giờ đây ông lại khóc như một đứa trẻ.
Trương Thục Phân thấy chua xót trong lòng. Bỗng nhiên bà nghĩ, nếu người xảy ra chuyện là Kiến Thiết hoặc Nhã Phỉ, chắc Hàng Tầm sẽ không khóc như thế này.
Vì hai đứa ấy giống bà nhiều hơn, giống như bao đứa trẻ khác ở vùng đất đen này, là những sinh linh vui vẻ hồn nhiên.
Chỉ có Hàng Du Ninh, từ dung mạo, tính cách, cho đến sự tĩnh lặng khác thường so với mọi người, đều giống Hàng Tầm như đúc.
Và lạ lùng thay, cô bé chưa từng rời Đông Bắc một ngày, nhưng cách nói chuyện lại mang chút giọng miền Nam khó nhận ra – đó là khẩu âm quê quán của Hàng Tầm.
Đối với Hàng Tầm, cô bé không chỉ là một đứa con gái, mà còn là một người bạn đồng hành. Bao nhiêu năm sống ở Đông Bắc, ông vẫn cảm thấy cô đơn.
Giờ thì, niềm an ủi ấy cũng đã không còn nữa rồi.
Trương Thục Phân cay cay sống mũi, bà thương cho con gái, cũng thương cho chồng.
Nhưng thật ra người đáng thương nhất chẳng phải chính là bà sao? Đứa con do bà rứt ruột sinh ra, chỉ mới sống đến năm tuổi. Người chồng hai mươi năm đầu ấp tay gối, vẫn luôn xa cách bà.
Lúc này, Hàng Nhã Phỉ bỗng hét lên: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ nhìn xem, mắt Ninh Ninh động đậy kìa!”
Cô nhào tới, nắm lấy tay em, hét lên: “Hàng Du Ninh! Em dậy ngay! Em không nghe lời, chị sẽ không chơi với em nữa!”
Cô là đại đội trưởng xuất sắc nhất, chưa từng gây ra chuyện lớn thế này.
Cũng chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành người không có em gái.
Dưới mí mắt Hàng Du Ninh, đôi mắt khẽ chuyển động rồi từ từ mở ra. Cô ngơ ngác nhìn quanh phòng bệnh xa lạ này. Đây là đâu? Cuối cùng ánh mắt cô dừng lại ở Hàng Nhã Phỉ. Là chị.
Cô khẽ gọi: “Chị ơi.”
Gương mặt tái nhợt của cô nở một nụ cười, đôi mắt cong cong, trông rất vui vẻ.
Cuối cùng Hàng Du Ninh đã sống. Bộ quần áo khâm liệm trở thành bộ đồ Tết của cô. Cô vui lắm, đây là lần đầu tiên cô được mặc đồ mới.
Ba ngày sau, ông nội Hứa dắt Hứa Dã đến.
Ông nội Hứa là cựu quân nhân. Trẻ con có thể nghịch ngợm, nhưng tuyệt đối không được phép hành xử sai trái.
Thế nên ông đánh gãy cả hai cây gậy trúc một cách dứt khoát. Gặp bố mẹ Hàng Du Ninh, ông nghẹn lời một lúc rồi chỉ nói: “Tôi làm ông… không còn mặt mũi gặp Ninh Ninh nữa!”
Hứa Dã cúi đầu rũ rượi, nói: “Cháu xin lỗi chú Hàng, dì Trương. Cháu không cố ý.”
Cậu dập đầu xuống đất, rất lâu sau cũng không dám ngẩng lên.
Dì Trương không nói gì, chú Hàng chỉ điềm đạm bảo: “Lại đây, nhìn xem em gái thế nào đi.”
Hứa Dã bước tới, mặt Hàng Du Ninh tái nhợt, nhìn thấy cậu, mắt cô sáng lên, cười tươi như một nụ hoa nhỏ.
Cô lấy cái chén nhỏ mà mình giấu ra, nói: “Anh Tiểu Dã, em để phần cho anh này.”
Thời ấy, đào đóng hộp là thứ hiếm lắm, chỉ khi ốm đau bố mẹ mới mua cho.
Hàng Du Ninh ăn một miếng rồi không ăn nữa, tự chia phần trong đầu: cái này cho mẹ, cái này cho chị, cái này là của anh Tiểu Dã...
Hàng Tầm nói: “Ninh Ninh, có gì muốn nói với anh không?”
Lúc này Hàng Du Ninh mới ngớ ra, nói: “Anh Tiểu Dã, em không sao rồi. Anh đừng buồn.”
Cô nói thêm: “Anh đưa em đi chơi là anh tốt bụng, người tốt làm việc tốt không thành thì cũng không trách người tốt được.”
Hứa Dã xoa nhẹ mái tóc mềm mượt của cô. Trên người Hàng Du Ninh luôn có mùi thuốc Đông y, pha lẫn với mùi kem trẻ em, cực kỳ dễ ngửi.
“Xin lỗi em, Ninh Ninh, anh đã không bảo vệ tốt cho em.”
“Lần sau sẽ bảo vệ được mà...” Hàng Du Ninh ngẫm nghĩ, dè dặt hỏi: “Anh Tiểu Dã, lần sau anh vẫn dẫn em đi chơi chứ?”
Người lớn đều bật cười, chỉ có Hứa Dã là không cười.
Trong lòng cậu khó chịu vô cùng. Cậu thà rằng chú Hàng đánh cho mình một trận, hoặc Ninh Ninh không bao giờ thèm để ý đến cậu nữa, còn hơn là cô lại ngoan ngoãn như vậy, khiến tim cậu đau như thắt lại.
Sau khi từ bệnh viện về.
Hứa Dã mang tất cả “thẻ xòe” ra, xếp kín một cái hộp thiếc.
“Ai muốn lấy không? Không thì tôi đem vứt hết!” Cậu hét lên trong sân.
Tiền Tiểu Lý phấn khích đến mức nói lắp: “Anh Tiểu Dã, anh thật không cần nữa sao!”
Hứa Dã phẩy tay, đặt hộp thiếc xuống đất. Đám trẻ lập tức lao vào tranh giành.
Từ đó về sau, Hứa Dã không bao giờ động vào thẻ xòe nữa.
Cũng không bao giờ đụng vào bất cứ thứ gì có thể khiến bản thân mình nghiện.