Từ Đại đếm nắm tiền Vương Đại Hữu đưa qua, 50 đồng. Tính theo giá gạo trước kia có thể mua được hơn hai mươi cân gạo.
Cho dù bây giờ giá gạo đội lên cũng được gần sáu bảy cân.
Từ Đại ước xong rồi nghĩ thầm: Lão đệ, ngươi như vậy đại ca ta khó mà không nổi lên ý định muốn cướp của đó!
Vương thị quăng cho Từ Đại một ánh mắt cảnh cáo, vẫy tay với ba mẹ con Đồng thị: “Đi thôi, gần đây chắc sẽ có trang trại. Tìm cái gì đó bỏ bụng trước đã, sắp nhỏ nhịn đói suốt một ngày một đêm rồi.”
Đáng sợ hơn ăn không đủ no là không có cái để mà ăn. Từ Nguyệt đói đến mức dạ dày chua loét liên tục gật đầu, hận không thể lập tức vọt vào thôn tìm thức ăn.
Mọi người khởi hành, đi theo con đường chính hướng Bắc. Thỉnh thoảng gặp phải ai đó thì cẩn thận tránh đi, mãi đến khi thấy người tị nạn giống mình mới ló đầu ra khỏi bụi cây rồi đi tiếp.
Hiện tại cả nhà hoàn toàn không có chút thiện cảm nào với quan binh các thứ nữa chứ đừng nói đến việc tin tưởng, chỉ hận bát cháo gạo kê mình tự dâng đến cửa lại bị người ta cướp sạch.
Cả gia sản hiện giờ chỉ còn lại lưỡi hái trong tay Từ Đại và túi nước bằng da treo bên hông Từ Nguyệt.
Vào thu, đêm bắt đầu rét, không có đệm chăn, buổi tối rất dễ bị cảm lạnh.
Với tình cảnh thế này, nếu lại đổ bệnh thì cực kỳ nguy hiểm!
Từ Nguyệt ủ rũ tựa lên vai ca ca, cô bé đi không đặng.
Từ Nhị Nương cũng cắn răng đi theo, tay trái tay phải túm lấy cha mẹ, dựa vào hai người lớn nửa kéo nửa lết mà đi về phía trước, để lại hai dấu chân lảo đảo trên cát vàng.
Tiểu lang nhà họ Vương lại khóc, đúng là mít ướt. Từ Nguyệt bất đắc dĩ mắng thầm trong lòng.
Đại Nương nhà họ Vương được ba cõng trên lưng, đôi mắt nửa mở nửa khép. Đến lúc sắp ngất tới nơi, người lớn rốt cuộc nhìn thấy một ngôi làng.
Ngôi làng yên bình, tĩnh mịch nằm dưới chân núi xanh. Khói bếp lượn lờ, hoàng hôn ngả về tây, nơi cửa thôn đằng xa truyền đến tiếng cười đùa ầm ĩ của trẻ em.
Từ Nguyệt muốn khóc, cảnh tượng đẹp đẽ trước mắt gợi lên nỗi nhớ quê nhà của cô bé.
Nếu cuộc đời được bắt đầu lại, cô thề sẽ không lãng phí một hạt gạo, một ngụm nước nào!
Được rồi, ngưng!
Văn nghệ thế là đủ rồi, nên kiếm ăn thôi!
Hai gia đình dừng lại trước cửa thôn, người lớn thả mấy đứa nhỏ xuống đất. Từ Nguyệt lấy túi nước treo ở bên hông ra cho mỗi người trong nhà uống một ngụm giải khát, tránh việc lúc cần nói lại không nói ra lời.
Uống nước xong, cảm giác được tầm mắt nóng rực từ bên cạnh truyền đến thì than nhẹ một tiếng, gọi tỷ muội nhà họ Vương sang rồi đút cho cả hai một ngụm nước.
Hai tỷ muội cười hiền khô, ngoan đến nỗi khiến người ta đau lòng.
Chỉnh trang lại cho gọn gàng, ngăn nắp. Hai nhà toan vào thôn thì không ngờ mới đi được hai bước, dân làng đã vọt ra, hung hăng vác cuốc, giơ đòn gánh với tư thế như muốn đánh họ.
Từ Nguyệt sửng sốt: Tình huống gì đây?
“Đi! Đi mau! Đám khốn nạn tụi mày không được phép vào thôn chúng tao!”
“Còn dám vào sẽ đánh chết lũ cướp chúng mày!”
Dân làng vừa xua đuổi vừa dùng tiếng địa phương quát lớn, hẳn nhiên bọn họ đã nhận lầm họ thành giặc cướp.
Dọc đường đi tới đây nghe nhiều tiếng địa phương nên Từ Đại cũng hiểu được sơ sơ.
Nghe dân làng quát mắng, cuối cùng ông ấy cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra, bèn vội vàng móc tiền, vừa che chở sắp nhỏ lui về phía sau vừa lắp bắp nói tiếng địa phương:
“Chúng tôi không phải cướp, chúng tôi chỉ muốn vào thôn mua ít đồ ăn!”
Thấy động tác của dân làng hơi chậm lại, Từ Đại lập tức tỏ vẻ đáng thương: “Xin chư vị thương xót, sắp nhỏ trong nhà thật sự đói lắm rồi. Chúng tôi không muốn cướp bóc gì ai hết, chỉ muốn mua chút đồ ăn cho bọn trẻ lót dạ thôi.”
“Xin hãy thương xót chúng, ba ngày rồi chúng chưa có gì vào bụng cả!”
Từ Đại nói phét một cách trơn tru, dường như chẳng có gì mà ông ấy không nói được. Sau khi khóc lóc kể lể một phen, dân làng vốn đang tức tối cuối cùng cũng dừng lại.
Thấy mặt họ dịu đi, Từ Đại quyết định đốt thêm tí lửa, lập tức đưa mắt ra hiệu cho hai đứa con gái, khóc cho cha!
Từ Nhị Nương nuốt một ngụm nước miếng, xoa cái bụng lép kẹp, vẫn không dám khóc.
Nhưng vừa nhớ tới mình đường đường là giáo hoàng Quang Minh mà giờ lại lưu lạc đến tình cảnh này, nỗi uất ức dâng trào như vỡ đê, mũi chua xót, nước mắt không kiềm được rơi lã chã từng hạt nặng trĩu.
Từ Nguyệt thoải mái hơn nhiều, cô bé thật sự muốn đói khóc, “òa” một tiếng khóc to.
Có lẽ vì cơ thể là một đứa con nít nên tuyến lệ tương đối phát triển, nước mắt nói chảy là chảy. Bé con đáng thương, trong mắt dân làng lộ vẻ không đành lòng.
Đại Nương nhà họ Vương hơi bị hai người chị dọa sợ, nhỏ giọng mếu máo nói: “Mẹ, Đại Nương đói bụng, Đại Nương muốn ăn gì dó.”
Mười mấy dân làng liếc mắt nhìn nhau, nghe không hiểu lắm họ đang nói gì nhưng có thể lờ mờ đoán được ý mà họ muốn biểu đạt.
Có một nữ nhân không nhịn được, nhíu mày thở dài: “Đáng thương.”
Một nam nhân trong thôn cảnh giác hỏi: “Các ngươi đến mua đồ thật à?”
Từ Đại gật đầu, biểu tình chất phác giao hai mươi đồng tiền lớn qua: “Vị huynh đệ này, chúng ta là dân tị nạn chạy từ phía Nam sang, gia sản bị cướp sạch, chỉ dư lại chút này. Xin ngài thương xót cho sắp nhỏ chút đồ ăn.”
“Cái gì cũng được, người lớn chúng tôi bị đói thì không sao, nhưng không thể để lũ trẻ chịu đói nữa.” Từ Đại lại bổ sung.
Nam nhân kia buông lỏng cảnh giác, than nhẹ một tiếng, không nhận tiền mà xoay nhìn đồng bạn, mở miệng nói:
“Nhà ai dư lương thực thì lấy một ít cho lũ trẻ đi. Nhà mình cũng có con cái, giúp được gì thì giúp.”
Nói rồi hắn ta xoay người về nhà.
Nhưng thôn dân khác thấy thế, người giúp được đều quầy quả về nhà, người còn lại trông giữ cửa thôn. Có thể mua lương thực nhưng không thể vào thôn.
Nhưng hình như họ không cảnh giác với trẻ con, Từ Nguyệt lau nước mắt, dưới sự bảo vệ của Từ Đại Lang, dẫn theo Đại Nương nhà họ Vương và tỷ tỷ tiến vào thôn.
Thôn dân thấy thế nhưng không nói gì, đoán có lẽ họ muốn đến nhà khác xin cơm, chỉ cảm thấy chua xót.
Từ Nguyệt vừa quan sát thôn này, vừa dặn dò tỷ tỷ và Đại Nương nhà họ Vương đi bên cạnh:
“Nhà ai mở cửa thì cứ đứng ở cửa dòm vào, đừng tùy tiện vào nhà người ta. Có người ra thì nói vài câu may mắn, chẳng hạn như gia chủ cát tường, tiền vô như nước, sức khỏe dồi dào vâng vâng.”
“Người ta cho gì nhận nấy, lúc nhận nhớ nói cảm ơn, ở hiền gặp lành. Người ta không cho cũng phải cảm ơn rồi hẳn đi, nhớ chưa?”
Đại Nương nhà họ Vương cố gắng ghi nhớ rồi gật đầu thật lực: “Dạ dạ.”
“Tỷ tỷ?” Từ Nguyệt nhìn Từ Nhị Nương.
Từ Nhị Nương bị bất ngờ bởi bí quyết xin cơm của muội muội, lúc này mới phục hồi tinh thần, tỏ vẻ mình sẽ chúc phúc cho người có lòng hảo tâm.
Từ Nguyệt lại quay đầu nhìn Từ Đại Lang đi phía sau: “Ca ca thì sao?”
Từ Đại Lang nhếch miệng cười, bắt chước động tác mà cô vừa dạy Đại Nương nhà họ Vương, chắp tay nói: “Cát tường!”
Duyệt, rất tốt! Từ Nguyệt vừa lòng gật đầu.
Đằng trước đúng lúc có ba nhà mở cửa, Từ Nguyệt vung tay lên, Đại Nương nhà họ Vương bên trái, Từ Nhị Nương bên phải, Từ Nguyệt và Từ Đại Lang thì phụ trách nhà ở giữa.
Trong phòng có người đi ra, Từ Nguyệt cười khanh khách vụng về nói mấy lời hay bằng tiếng địa phương, cũng hiểu chuyện không vọt thẳng vào nhà. Người có lòng thiện thấy các nàng đáng thương thì đều lấy ít đồ ăn ra cứu tế các nàng.
Từ Nguyệt nhận đồ rồi kéo ca ca cùng nhau ngoan ngoãn nói lời cảm ơn với người ta, xong xuôi mới rời đi.