Tháng Bảy cô hồn năm ấy đến trong cơn mưa dầm rả rích. Mới đầu tháng mà tro tàn vàng mã đã bay khắp nơi. Người dân thị trấn quê tôi có tục lệ, từ ngày mồng Một đến ngày Mười bốn Âm lịch, người ta sẽ cúng cháo trắng và đốt tiền vàng đều đặn để vong hồn của những người chết bất đắc kì tử, chết đường chết chợ được an ủi phần nào. Nhiều người ở dưới thành phố khi đi ngang nơi đây, thấy chúng tôi cúng khấn chỉn chu như thế thì cười bảo, ở đây quanh năm yên bình, đường sá vắng vẻ, chẳng mấy khi có tai nạn giao thông thì cúng vong ngoài đường làm gì cho tốn kém? Người khác có thể không tin, chứ riêng dân bản địa chúng tôi thì biết rất rõ, nơi này nhiều vong hơn bất kì chỗ nào khác, âu cũng là bởi nhiều nguyên do.

Quê tôi vốn nằm trên trục quốc lộ, ngay đằng sau thị trấn là những rặng núi trùng trùng điệp điệp. Nơi đó hoang vu hẻo lánh đến mức, muốn đi từ nhà này sang nhà khác phải mất nửa ngày đường.

Tôi còn nhớ, có những năm lũ quét bất ngờ ập đến, từ trên cao ùn ùn đổ xuống thành dòng cuồn cuộn toàn là đất đá, cây cối, lợn gà của người dân trên bản. Trong dòng nước đục ngầu ấy còn có cả những xác chết bị cuốn trôi. Mỗi khi cơn lũ quét qua đi, bộ đội biên phòng cùng tổ công tác cứu nạn lại căng mình tìm kiếm trong đống bùn đất đổ nát hoang tàn ấy những xác người còn sót lại.

Có lần, chính mắt tôi trông thấy hai cái xác bị cụt đầu mắc kẹt giữa hai thân cây cổ thụ, hai tay vẫn còn cột chặt với nhau, chân bị kẹp trong đống đất đá. Chú Bảo làm nhiệm vụ kiểm lâm ở sát vách nhà tôi phải huy động thêm hai người nữa, bê hết khối đá dưới chân họ, sau đó dùng kéo cắt đứt sợi dây cột trên tay, cuối cùng mới hạ được hai cỗ thi hài ấy xuống. Người ta suy đoán, có lẽ hai người này không muốn bị lạc mất nhau khi chạy lũ, nên mới cột chặt tay như vậy, cuối cùng lại chết oan cả đôi. Ngoài hai xác chết ấy, tôi còn thấy cơ man thi hài của những đồng bào thiểu số sống ở thượng nguồn, thậm chí có khi người ta còn tìm được xác những người lái buôn xấu số, không may bỏ mạng giữa đường. Mỗi một cơn lũ qua đi là bãi tha ma dành cho xác chết vô danh lại có thêm nhiều nấm mồ mới.

Có nhiều thi hài được người nhà lặn lội lên nhận diện, cũng có thi hài bị bỏ lại mãi mãi nơi đại ngàn, chẳng còn ai nhớ đến. Những âm hồn này vất vưởng, thường tìm kiếm những người hợp vong để dẫn đi vào trong rừng sâu, hòng đổi mạng để siêu sinh.

Chính vì thế mà hằng năm, cứ đến tháng Bảy Âm lịch, trong thị trấn lại nghi ngút khói nhang, giấy tiền vàng mã bay khắp nơi. Vào đúng ngày Rằm, các bô lão sẽ trịnh trọng điều hành lễ tế vong hồn vất vưởng, sau đó đốt một thuyền chở đầy hình nhân rồi để mặc cho gió bay khắp nơi. Phải tới sáng ngày Mười sáu Âm lịch thì pháp sự mới được xem là viên mãn.

Tháng cô hồn năm tôi học lớp mười một, trời đổ mưa liên tục. Cơn mưa dầm dề kéo dài mấy ngày liền, việc đi học của tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Vào những ngày trời khô ráo, tôi hay đạp xe băng qua con đường mòn trong rừng để tới trường. Con đường này tuy vắng vẻ, nhưng lại rút ngắn quãng đường đi học của tôi đáng kể. Những ngày trời mưa, dù chỉ là lác đác vài hạt, tôi cũng phải đi bằng quốc lộ, đó là con đường băng qua căn nhà quỷ trạch của gia đình tôi. Đường này tuy dễ đi, nhưng lại xa hơn hẳn đường mòn.

Hơn nữa, đi trong rừng vào những ngày mưa thường rất nguy hiểm.

Người xưa có câu: “Người đi biển sợ bão, người đi rừng sợ mưa.”

Dông bão ngoài khơi xa như thế nào, thực tình tôi không biết rõ, nhưng tôi nắm chắc, với cánh cửu vạn lấy hàng ngoài biên giới thì mưa rừng lúc nào cũng là một cơn ác mộng. Mưa sẽ làm cho đất dưới chân trở nên lầy lội, trơn trượt khó đi. Sau cơn mưa, khí hậu ẩm ướt, rắn rết bò ra ngoài hang kiếm ăn khiến cho cánh đi rừng lại càng phải cảnh giác hơn gấp bội, vì đôi khí chỉ cần sơ sảy một chút mà đạp nhầm vào rắn thì chỉ có nước vong mạng. Ngày trước, khi bố mẹ tôi còn sống, lúc nào trong tủ thuốc của gia đình cũng có sẵn một bộ giác hút nọc rắn, phòng trường hợp không may.

Thế nhưng đối với tôi, những rủi ro đó đều chẳng là gì khi mỗi lần đến trường, lại phải đi ngang qua căn nhà cũ đã từng ở trước đây.

Bao nhiêu năm qua nó vẫn vậy, vẫn là ngôi nhà có giàn hoa hồng leo phía trước, chỉ khác giờ không còn ai dám lai vãng nữa. Tôi đã cố tình đạp xe qua nhiều lần, nhất là vào những đêm Rằm trăng sáng, nhưng chẳng hề thấy vong hồn của bố mẹ tôi như người ta đồn thổi. Cả mười lần đều không thấy cả mười, lâu dần tôi thất vọng, không còn muốn đứng ngoài cửa ngóng đợi bố mẹ hiện về nữa. Mỗi lần như thế, bà nội tôi đều biết cả. Cho đến một ngày nọ…

Tôi còn nhớ như in ngày hôm ấy, lúc tôi đang ở trong lớp thì đột nhiên bác bảo vệ hớt hải chạy vào, gọi toáng lên: “Linh ơi! về! về mau! Nhà cháu cháy rồi!”

Cô giáo ngừng giảng bài, đám bạn trong lớp xôn xao, mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Tôi đứng bật dậy, quên cả cầm cặp sách, vội vàng chạy xuống khu nhà để xe sau trường. Thầy giáo tôi thấy vậy thì gọi với theo: “Con bé này! Đi xe đạp làm gì? Lên xe thầy đèo về!”

Tôi luống cuống chỉ biết răm rắp nghe theo. Ngồi sau lưng người thầy tóc đã bạc trắng, tôi run bần bật. Hàng loạt ý nghĩ vút nhanh qua đầu tôi. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là bà nội. Không biết bà nội có chạy thoát không, không biết giờ này bà có ở nhà không, có ai kịp cứu bà không. Tôi chắp hai tay trước ngực, giọt nước mắt lăn trên gò má cứ thế bị gió thổi tạt về phía sau.

Khi hai thầy trò tôi về đến nhà thì đã thấy đám đông xúm đen xúm đỏ ở phía trước. Căn nhà nhỏ của hai bà cháu tôi bị cháy đen một nửa, mảng tường trắng tinh ngày nào bị khói ám cho đen kịt, gian có mái hiên lợp ngói giờ ướt nhẹp, khói bốc lên nghi ngút. Ở góc phía tây của căn nhà, nơi bà tôi thường hay để vàng mã hình nhân, khung cửa gỗ vẫn còn đang bốc cháy. Tôi thấy rõ, bác Hòa hàng xóm đang đứng trên mái nhà, xối thẳng cái vòi nước xuống để dập lửa. Mọi người nhốn nháo vây quanh. Hai mắt tôi nhòe đi, vội nhảy xuống xe rồi chen vào bên trong, luôn miệng gọi lớn: “Bà ơi! Bà ơi! Hu hu…”

Chú Bảo hàng xóm giữ tôi lại. “Đừng! Đừng vào đấy! Mày muốn cháy thành than à?”

Tôi gào ầm lên: “Bà ơi! Bà! Chú bỏ ra, cháu phải vào cứu bà cháu…”

Tôi giật thật mạnh cánh tay để thoát khỏi chú Bảo, rồi toan chạy vào trong. Đúng lúc đó, tôi nghe thấy tiếng bà nội gọi: “Linh! Linh ơi! Đừng vào! Bà ở đây!”

Nghe thấy giọng nói quen thuộc, tôi đứng khựng lại, nhìn ra đằng sau. Bà nội tôi tập tễnh chống nạng, rẽ đám đông bước ra, vợ chú Bảo dìu đỡ bên cạnh. Tôi chạy ào đến bên bà, luống cuống xem tay chân bà, mếu máo. “Bà có làm sao không bà? Có chảy máu ở chỗ nào không ạ?”

Thấy tôi khóc, bà cũng rơm rớm nước mắt. “Không! Bà không làm sao. May mà có các bác hàng xóm sang kịp. Nếu không thì…”

Đúng lúc này, chú Long dẫn theo mấy chú công an đồng nghiệp chạy tới. Vừa thấy bà, chú hớt hải chạy vào, rối rít hỏi thăm rồi lật đật cõng bà ngồi lên ghế. Hàng xóm vẫn xúm xít xung quanh theo dõi. Hỏi thăm bà một lát, chú lại tất tả chạy theo đồng đội vào bên trong xem xét. Mọi người trong thị trấn nãy giờ vân xì xào bàn tán.

“Làm sao mà căn nhà đang yên đang lành bỗng dưng cháy được nhỉ?” Cô bán thịt sát nhà tôi tỏ vẻ không hiểu.

“Hay là bà cụ nấu nướng cái gì trên bếp rồi quên không tắt đi?”

Một người khác tiếp lời.

”Cũng may là người không làm sao, chỉ cháy một góc nhà. Khổ

thật đấy, cháy vào giữa tháng cô hồn thế này. Không biết chừng…ma làm cũng nên.” Ai đó dè dặt lên tiếng rồi bỏ lửng câu nói.

Tôi ôm chặt vai bà, hai bà cháu chỉ lặng im nhìn căn nhà cháy đen một góc mà không đáp lời. Một lúc sau, thầy Phòng ôn tồn nói với bà tôi: “Cụ không sao là may rồi cụ ạ. Căn nhà này tạm thời phải sửa chữa lại thì mới ở tiếp được. Có khi… cụ với cháu Linh về căn nhà cũ trước đây mà ở tạm.”

Đám đông đang bàn tán rôm rả, nghe thấy thây Phòng nhắc tới căn nhà quỷ trạch thì bỗng im bặt, đổ dồn ánh mắt sang phía bà tôi chờ đọi. Đúng lúc tôi đang lúng túng không biết phải nói sao thì chú Long nhà tôi chạy đến, lưng áo ướt đẫm, trên gương mặt lấm tấm mồ hôi. Chú vừa lau mồ hôi vừa nói: “Mẹ ơi, khả năng là do đống tro tàn vàng mã thổi sang, bắt lửa vào đám vàng mã mẹ để ở tầng trên, nên mới bị bùng lên như vậy. Khung cửa cháy hết cả, dây điện trong nhà cũng cháy, mùi cao su khét lẹt.”

Bà nội tôi run run bám lấy tay chú. “Vậy… vậy bàn thờ bố mày với anh chị thì sao hả con?”

Chú Long buông tiếng thở dài, giọng trầm hẳn xuống: “Cháy gần hết rồi mẹ ạ!”

Toàn thân bà tôi mềm nhũn, ngả vào người tôi, từ trong khóe mắt bà, hai hàng nước trong vắt chảy ra, lăn trên gò má. Chú Long sợ bà ở lại chỉ thêm đau lòng, liền nhờ thầy Phòng đưa tôi và bà tới nhà trọ dưới huyện, thế nhưng bà lại khăng khăng muốn về căn nhà cũ của bố mẹ tôi. Mọi người khuyên ngăn mãi không được, cuối cùng đành chiều theo ý bà. Thực tình, trong lòng tôi lúc đó cũng muốn trở lại căn nhà cũ, vì biết đâu sẽ được gặp lại hai người mà tôi hằng mong nhớ. Tôi mang cảm giác vừa khấp khởi, vừa lo lắng, vừa nuối tiếc căn nhà bị cháy trên chuyến xe đi về nơi mình từng sinh sống.

Mãi đến một thời gian dài sau đó, tôi mới biết được rằng, mọi quỷ sự tôi gặp phải sau này đều bắt đầu từ khi ấy.

Tôi đứng tần ngần trước căn nhà cũ, cảm giác như mình được trở lại là đứa bé con ngày nào vẫn thường cùng mẹ cắt tỉa cho giàn hồng leo phía trước nhà. Căn nhà này bao nhiêu năm qua không có người lai vãng. Thỉnh thoảng vào ngày lễ tết hay ngày giỗ của bố mẹ, chú Long mới đưa tôi qua thắp nhang một lát rồi đi ngay. Nay trở lại nơi đây, ký ức về cái đêm mưa bão, sấm chớp đì đùng hòa trong tiếng hét thảm khốc của bố mẹ lại tràn ngập trong tâm trí.

Hàng xóm xung quanh thấy bà cháu tôi quay về thì ngạc nhiên lắm, nhưng chỉ dám đứng trước cửa chỉ trỏ bàn tán. Tôi bực mình, bèn mở toang cánh cửa rồi đập thật mạnh tấm thảm, để bụi mù mịt bay tứ phía. Đám đông thấy vậy thì giải tán, có người còn cố ý nói thật to: “Ở nhà quỷ trạch! Để xem hôm nay có quỷ về bóp cổ không.”

Tôi lập tức nhìn theo người đó, phát hiện người vừa nói vừa cười hô hố ấy chính là thằng Minh, nhà nó có tiệm vàng ở ngay đầu thị trấn. Tôi chẳng lạ gì thằng Minh, vì nó học cùng trường với tôi. Tôi vẫn thường nghe bạn bè cùng lớp kể lại, nhà nó trước đây nghèo lắm, nhưng chẳng hiểu sao mấy năm nay lại giàu lên một cách bất ngờ. Người ta đồn thổi, bố nó làm cửu vạn, vô tình một lần vào trong rừng đào được vàng nên mới có tiền mua đất làm nhà, mở cửa hàng rồi phất lên nhanh chóng. Lạ một cái là bố nó vẫn tiếp tục làm nghề cửu vạn vác hàng qua đường mòn biên giới cho đám lái buôn. Khi có người hỏi thì bố nó chỉ cười hề hề rồi trả lời cho qua chuyện.

Thằng Minh có lần còn viết thư tỏ tình nhờ đứa khác gửi cho tôi.

Thế nhưng tôi không màng, bởi vì tôi chẳng có tình cảm gì với một kẻ hợm hĩnh như nó. Trong trường, đám con gái thích nó nhiều không đếm xuể, có lẽ vì gương mặt điển trai, hơn nữa nó còn là người đầu tiên phóng chiếc xe Sirius đỏ rực đến trường. Đầu những năm 2000, ở thị trấn nhỏ quê tôi, nhà nào khá giả lắm mới mua được chiếc xe Dream, còn không thì chỉ có chiếc Minsk cũ nát dùng để chạy xuyên rừng. Ấy thế mà thằng Minh lại đi học bằng chiếc xe mới coóng, nghe đâu được chuyển từ Hà Nội lên tận đây.

Cái tin nó tỏ tình với tôi khiến cho đám con gái trong trường nhìn tôi đầy khó chịu, thế nhưng tôi chẳng để tâm. Trong lòng tôi chỉ muốn học thật giỏi để có thể trở thành một chiến sĩ công an như chú ruột tôi, có thế tôi mới điều tra được về cái chết của bố mẹ mình. Trong sâu thẳm lòng tôi chưa bao giờ quên giọng nói khò khè lành lạnh của người đàn ông, cùng gương mặt của thằng bé con có nốt ruồi ở giữa mũi năm ấy. Nhất định tôi phải tìm ra bọn họ.

Tiếng bà nội ho húng hắng khiến tâm trí tôi quay về với thực tại, lúc ngẩng đầu lên thì trời đã ngả về chiều từ lúc nào. Tôi dọn dẹp gian phòng ngủ bên trong để bà nằm nghỉ, rồi ra quét dọn gian phòng ngủ bên ngoài. Chú Long có lẽ sẽ tạm thời ở lại đồn công an dưới thị trấn. Để vơi bớt cảm giác lạnh lẽo, tôi lấy từ trong va-li ra một chiếc đài cát-xét nhỏ xíu. Tôi khẽ xoay nút dò đài, sau vài tiếng rè rè, trong không gian tĩnh mịch liền vang lên giọng đọc bản tin của người phát thanh viên.

Sau khi lau dọn xong xuôi, tôi mệt nhoài ngồi xuống giường nhìn quanh. Chỗ này trước đây từng kê cái ghế đẩu mà bố tôi thường ngồi đọc báo, chỗ kia là chiếc ghế mây bập bênh nơi mẹ tôi vẫn ngồi đan lát. Dưới mặt đất, cách chỗ tôi chỉ vài bước chân, là nơi bố mẹ đã gục xuống.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh chiếc áo len trắng nhuốm máu của mẹ, chiếc bàn trang điểm đen kịt vì bị máu bắn lên đông đặc lại. Sau này, bên pháp y mới nói cho chú tôi biết, đó là máu của mẹ tôi. Cả hai người trước khi chết đều không gọi tên tôi một tiếng, nếu không, giờ này tôi đã chẳng còn trên cõi đời này nữa. Đôi mắt tôi nhòe đi.

Lần thứ hai trong ngày, tôi khóc nức nở, toàn thân mệt mỏi đến mức không muốn tiếp tục nghĩ ngợi thêm bất cứ điều gì. Cứ thế, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Cánh cửa sổ trông ra bên ngoài vẫn mở toang.

Khoảng bốn giờ sáng, tôi giật mình thức giấc. Chiếc đài cát-xét vẫn vang lên giai điệu đều đều của một bản nhạc không lời. Đêm cuối hè đầu thu ở mạn biên giới lúc nào cũng dài hơn bình thường.

Tôi ngước nhìn ra ngoài cửa sổ, trời vẫn còn rất tối, ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn trong phòng chỉ đủ soi tỏ tán cây rung rinh kề bên cánh cửa. Đúng lúc đang ngái ngủ thì đột nhiên tôi nhìn thấy một cái đầu người lấp ló trên cành cây, nhìn vào bên trong. Tôi giật mình, run giọng hỏi: “Ai? Ai đấy?”

Cái đầu tròn vo vẫn nhìn chằm chằm, khiến tôi có cảm giác nếu như trời sáng rõ mặt người, bốn mắt chúng tôi nhất định sẽ chạm nhau. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, tôi lại hỏi: “Ai làm gì ngoài đấy thế?”

Không có tiếng trả lời, chỉ có âm thanh thê lương phát ra từ chiếc đài cát-xét nghe rờn rợn. Tôi nhìn ra cửa thêm một lúc, nghĩ rằng mình hoa mắt rồi trông gà hóa cuốc, khẽ thở phào một hơi, tôi liền với tay đóng cánh cửa lại. Thấy trời vẫn còn tối, tôi quyết định sẽ lên giường nằm thêm một lúc nữa vì dù sao cũng chẳng có việc gì làm.

Đúng lúc tôi vừa mới nhắm mắt thì lại có tiếng động vang lên…

Cộp…Cộp… cộp…Cộp…

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play