Người ta vẫn đồn đại, nhà tôi là quỷ trạch. Đối với những ai lần đầu tiên nghe đến hai từ này ắt hẳn sẽ cảm thấy lạ lẫm. Thế nhưng, ở thị trấn nhỏ quê tôi, quỷ trạch là một thứ tâm linh ghê rợn mà người ta chỉ muốn tránh càng xa càng tốt.
Lúc nhỏ tôi không hiểu, quỷ trạch có gì đáng sợ mà mỗi khi có đứa bạn nào đó nghe nhắc đến nhà tôi là lại hét toáng lên rồi chạy thật xa để trốn tránh. Sau đó, chúng không bao giờ chơi với tôi thêm một lần nào nữa. Ngay cả việc ngồi cạnh tôi trong giờ học, chúng cũng từ chối. Mỗi lần như thế, tôi đều khóc lóc chạy về mách bà nội. Nhưng bà chỉ rơm rớm nước mắt, xoa đầu tôi rồi im lặng.
Mãi đến sau này lớn hơn, tôi mới biết được rằng, mảnh đất mà gia đình tôi sinh sống trước kia đã từng là hiện trường của một vụ án giết người rất dã man. Câu chuyện bắt nguồn từ một đêm mưa dông gió giật.
Bố mẹ tôi khi ấy mở một quán trọ ven quốc lộ, chủ yếu phục vụ cho đám thương lái đường dài lên biên giới. Để tiện cho khách ở trọ, bố mẹ tôi còn nấu sẵn cơm phục vụ những người có nhu cầu. Đầu những năm chín mươi, mọi thứ rất khác so với bây giờ. Thời ấy, việc giao thương hàng hóa diễn ra hết sức nhộn nhịp, nhưng việc truyền tải thông tin vẫn còn rất thô sơ. Mỗi lần có chuyến hàng đi theo đường tiểu ngạch ở biên giới, người ta sẽ thường bỏ hàng ở một vị trí cụ thể nào đó, rồi mới thông báo ngày giờ cho người nhận ra lấy.
Nhiều khi chỉ cần đến muộn một chút là hàng hóa sẽ thất lạc, rồi dẫn đến tranh cãi, cướp bóc lẫn nhau, khiến cho đường mòn, lối mở ở mạn biên giới luôn nằm trong điểm nóng về an ninh.
Nhà trọ của bố mẹ tôi tuy không nằm giáp với biên giới, nhưng lại là nhà trọ duy nhất trên suốt cung đường hơn ba mươi cây số. Điều đó có nghĩa, khi lấy hàng băng qua đường rừng về được đến thị trấn quê tôi, thì cũng đã là tối muộn. Đám thương lái sẽ phải lựa chọn giữa hai phương án. Một là tiếp tục lái xe suốt quãng đường dài không một bóng người trong đêm. Hai là tá túc vào nhà trọ của gia đình tôi một đêm, rồi sáng hôm sau đi sớm. Hầu hết mọi người đều chọn phương án thứ hai.
Vào cái ngày định mệnh xảy ra vụ án mạng, sấm sét rền rĩ khắp nơi, mưa gió vân vũ giáng xuống như thể muốn cuốn phăng tất cả.
Hôm đó nhà tôi không có khách trọ. Mẹ tôi rảnh rỗi, lại cặm cụi ngồi đan tiếp cho tôi tấm áo mới. Bố tôi thì ngồi bên chiếc đài cát-xét cũ kĩ, chăm chú lắng nghe bản tin phòng chống thiên tai dưới giọng đọc trầm trầm của cô phát thanh viên.
Vào lúc mười giờ tối, khi cả nhà tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy có tiếng đập cửa dữ dội từ bên ngoài. Bố tôi với tay bật đèn nhưng điện đã mất từ bao giờ. Ông vội vã cầm đèn pin ra bên ngoài nghe ngóng. Tiếng đập cửa lại vang lên, lần này còn kèm theo tiếng gọi: “Anh Nam ơi! Mở cửa cho vào với!”
Tôi đang nằm trên giường với mẹ, nghe thấy thế liền thì thầm hỏi: “Ai thế hả mẹ?”
Mẹ tôi không đáp. Dưới ánh nến leo lét tù mù, tôi thấy gương mặt mẹ thoáng lo lắng. Quái lạ! Ai mà lại đến vào lúc mưa bão như thế này? Bố tôi cất tiếng hỏi vọng ra: “Ai đấy?”
“Em bị lỡ đường, cho em vào trú nhờ anh ơi. Ngoài này mưa hắt, rát quá!”
Bố tôi thoáng chần chừ nhưng rồi cũng mở cửa. Mẹ tôi lúc này cũng ngồi dậy, vòng tay ra đằng sau búi tóc. Tôi không định bước ra khỏi chăn ấm, trong bụng chắc mẩm là người thương lái nào đó muốn tránh bão mà thôi. Đúng lúc ấy, tôi nghe thấy phía nhà dưới chỗ cái kho đựng thóc của gia đình có tiếng chó con rên ư ử. Tôi lập tức nhớ đến chú chó nhỏ mà hai ngày trước bố mang về làm quà sinh nhật cho tôi. Đoán rằng con chó sợ sấm chớp nên rên rỉ, tôi vùng dậy chạy ra phía sau tìm nó. Khi tôi vừa bước vào nhà kho thì trên nhà vang lên tiếng động rầm rầm hòa lẫn tiếng mưa xối xuống mái tôn. Tiếng bố tôi hét lên rồi im bặt, một giây sau, tiếng mẹ tôi gào rú hãi hùng nhưng cũng bị tiếng sét ầm ầm nuốt chửng. Một cảm giác bất an ập tới trong lòng tôi. Theo bản năng, tôi ôm lấy con chó nhỏ rồi chui vào góc khuất phía sau hai thùng gạo. Khoảng chừng hai phút sau, một thằng bé trạc tuổi tôi cầm đèn pin lò dò bước vào trong bếp, theo sát nó là một người đàn bà phốp pháp tay cầm một con dao dính đầy máu đi bên cạnh. Giọng bà ấy lạnh tanh:
“Tìm đi! Xem có cái gì ở đây không?”
Thằng bé trả lời: “Nhà kho này toàn những thứ vớ vẩn. Có gì đâu mà tìm?”
Người đàn bà kia nghiến răng. “Ngu thế! Nhiều nhà nó giấu vàng trong vại gạo đấy biết chưa?”
Thằng bé kia không nói gì thêm. Nó lia đèn pin một vòng rồi bắt đầu quan sát. Toàn thân tôi run lên bần bật. Tôi không quen những người này, không biết tại sao họ lại vào nhà tôi giữa lúc đêm hôm khuya khoắt. Tôi dán chặt lưng vào tường, trống ngực đánh thình thịch. Bên ngoài vẫn vang lên tiếng bàn ghế xô đẩy. Thằng bé kia từ từ tiến tới chỗ tôi, trong một tích tắc, ánh mắt tôi bắt gặp ánh mắt của nó. Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn pin người đàn bà kia để lại, tôi thấy nó cao và gầy, có một nốt ruồi ở giữa mũi. Nó nhìn thấy tôi, hai mắt bỗng mở to rồi từ từ đưa ngón tay lên miệng, ra hiệu cho tôi im lặng. Tôi không dám ho he một tiếng, con chó con trên tay tôi cũng nín thinh.
Ba giây sau, lại có tiếng đàn ông từ ngoài vọng vào: “Có thấy gì không? Thằng kia?”
Thằng bé kia quay mặt đi, vội trả lời: “Không có! Dưới này chẳng có gì. Tìm hết rồi!”
Giọng người đàn bà có vẻ đay nghiến: “Thằng oắt này! Mày ăn nói với bố mày như thế đấy à? Đi ngay!!!”
Họ lục tục rời đi, vài phút sau, những âm thanh kì lạ đều biến mất, chỉ còn tiếng mưa gió rít hòa cùng tiếng sấm đì đùng trên không trung. Tôi sợ đến mức díu cả chân lại, không dám bước ra ngoài. Cứ như thế, tôi ngủ gục lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, cơn bão đã tan, ánh mặt trời chiếu qua khe cửa khiến tôi bừng tỉnh. Bên ngoài nhà tôi lúc này vang lên tiếng người huyên náo. Tôi vẫn trốn trong góc, ôm con chó đang ngủ say sưa.
Bất chợt, tôi nghe thấy tiếng gọi thất thanh của bà nội: “Linh ơi!
Linh ơi! Con đâu rồi?”
Tôi vội vàng đáp lại: “Bà ơi! Bà ơi! Con đây.”
Bà nội tôi tất tả chạy vào, vừa nhìn thấy tôi mặt lấm lem tro bếp, trên tay vẫn ôm chặt con chó nhỏ, bà liền nhào tới ôm lấy tôi. “Ôi trời ơi, cháu tôi!!”
Bà cứ thế khóc nức nở. Tôi chưa bao giờ thấy bà lạ lùng như vậy, liền cựa quậy đòi ra. “Bà! Con ngạt thở mất.”
Bà nội ngồi thụp xuống dưới đất, gương mặt bà tái nhợt hệt như người bệnh vừa mới ốm dậy. Vừa sờ tay sờ chân tôi, bà vừa hỏi:
“Con có làm sao không? Có sao không hả con?”
Tôi ngạc nhiên trả lời: “Không ạ! Sao là sao hả bà?”
Bà nội im lặng không đáp. Tôi thấy thấp thoáng ở gian nhà trên có bóng dáng mấy chú công an. Thấy lạ, tôi liền hỏi: “Sao công an lại đến nhà cháu? Bố mẹ cháu đang ở trên nhà phải không bà?”
Gương mặt bà lại càng tái hơn, bà ấp úng nói nhỏ: “Đi! Đi về nhà bà, có chú Long đang ở nhà đấy.”
Linh cảm có chuyện chẳng lành, tôi chạy ào ra khỏi vòng tay bà rồi phóng như bay lên nhà trên, mặc kệ tiếng bà gọi ở phía sau. Một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt tôi. Gian nhà nhỏ ngăn nắp, ấm áp mà mẹ tôi suốt ngày dọn dẹp giờ bừa bộn như một bãi chiên trường. Mấy chú công an đi đi lại lại quanh nhà, có người ghi ghi chép chép, lại có người câm máy ảnh chụp lia lịa. Tôi ngây người không hiểu. Đột nhiên, tôi nhìn thấy góc bàn trang điểm nơi mẹ vẫn thường ngồi lúc này nhuốm đầy thứ chất lỏng màu đỏ sẫm, cứ như thể có ai đó hắt nước sơn lên. Tôi đờ đẫn đi thêm vài bước thì vô tình vấp phải một cánh tay lăn trên mặt đất. Mùi máu tanh xộc lên mũi, tôi lồm cồm bò dậy nhìn kĩ thì phát hiện, bố tôi đang nằm đó, giữa một vũng máu đã khô lại, đầu gần như đứt lìa khỏi cổ, đôi mắt của ông mở to nhìn tôi trừng trừng. Bên cạnh bố, mẹ tôi cũng nằm ở dưới đất, hai mắt nhắm nghiền, miệng hơi hé ra như thể muốn gọi tên tôi, trên chiếc áo len trắng tinh của mẹ có một vết thủng màu đỏ sẫm. Tôi gào lên một tiếng rồi trời đất bỗng dưng tối sầm lại. Đó là lần cuối tôi nhìn thấy bố mẹ mình.
Câu chuyện bố mẹ tôi bị một toán cướp giết chết vào đêm mưa bão hôm ấy lan nhanh trong thị trấn. Sau tang lễ, bà nội đón tôi về nhà nuôi. Còn căn nhà trọ nơi tôi từng sống thì bỏ không. Người trong thị trấn thường rỉ tai nhau, vào những đêm trăng sáng, hay những đêm mưa rơi rả rích, người ta vẫn thấy có hai bóng người toàn thân đầy máu đi đi lại lại trước hiên nhà, có lúc còn trèo cả lên cột điện rồi ngồi vắt vẻo trên đó, hai mắt đỏ rực, hễ nhìn thấy đôi vợ chồng nào đi xe máy chở theo một đứa trẻ là lại sà xuống. Hôm ấy, có gia đình ba người nhà kia đi đám cưới về muộn, lúc ngang qua nhà cũ của tôi, còn thấy bố mẹ tôi đuổi theo. Ông bố kia sợ quá bèn rồ ga chạy trốn, kết cục mất lái, đâm thẳng vào đụn rơm ở cuối đường, may mà không ai bị thương.
Từ đó, người ta liền gán cho nhà tôi cái danh quỷ trạch, có nghĩa là căn nhà có quỷ. Điều này trái ngược hoàn toàn với những ngôi nhà có vận khí tốt được gọi là cát trạch. Mãi sau này khi đã hiểu chuyện, mỗi lần nghe thấy vậy, tôi đều rất buồn, vì nhiều lần đi học ngang qua đó, nhưng chẳng lần nào tôi được gặp vong hồn của bố mẹ mình cả.
Quay lại thời điểm bố mẹ tôi mới mất, phía công an có đến gặp tôi để hỏi chuyện, vì tôi là nhân chứng duy nhất của vụ án. Tôi khai rằng đêm xảy ra chuyện tròi mưa to, sấm chớp đùng đùng nên không nghe rõ mọi thứ. Nhưng tôi chắc chắn, kẻ gây án có một người đàn ông, một người đàn bà và một thằng bé tầm tuổi tôi, trên gương mặt nó có một nốt ruồi nằm ở giữa mũi. Chính nó phát hiện ra tôi nhưng lại nói dối hai người kia là không thấy gì. Bác đội trưởng lại hỏi tôi có biết thêm gì không, tôi đáp, rất có thể ba người ấy là một gia đình, vì tôi nghe thấy người đàn bà kia gọi hai kẻ còn lại là bố và con.
Việc lấy lời khai của nhân chứng này vốn phải được giữ bí mật, nhưng không hiểu vì sao mọi người trong thị trấn đều biết. Thế là từ đó, những gia đình có ba người khi cần đi đâu cùng nhau, thường tránh không đi ngang qua nhà tôi. Họ sợ căn nhà quỷ trạch. Phía công an cũng chẳng có thêm tin tức gì về bọn cướp gây án đêm hôm đó, mạng sống của cha mẹ tôi cùng số vàng để dành bị mất mãi vẫn chỉ là ẩn số trong tập hồ sơ của cảnh sát.
Trong suốt năm năm cấp một cho đến bốn năm cấp hai, tôi đều không có bạn bè. Không phải vì tôi học dốt hay chơi bời, nghịch ngợm, mà bởi vì người ta cho là tôi nặng vía, khắc chết cả bố mẹ mình. Ban đầu, tôi chỉ biết khóc khi bị mọi người xa lánh, nhưng sau rồi cũng quen. Thay vì khóc lóc, tôi hiểu rằng ngày nào còn sống, nhất định mình sẽ phải tìm bằng được lũ cướp đã giết hại bố mẹ, tìm lại được thằng bé có nốt ruồi ở giữa mũi kia. Mỗi lần nghĩ đến nó, tôi lại vừa căm thù, vừa nuối tiếc vì đã không chết cùng với bố mẹ mình. Vụ án mạng năm ấy đã khiến cuộc sống của tôi trở nên đảo lộn. Thế nhưng, đến năm tôi học lớp mười, một biến cố khác lại bất ngờ xảy đến, vào đúng ngày đầu tiên của tháng Bảy âm hồn.