Kể từ ngày Giang vương Lý Hàm - người có thể khiến cho Khinh Phụng không cách nào cất bước ra đi được kia, lên ngôi thoắt cái cũng đã ba năm trôi qua rồi. Bây giờ đã là năm Thái Hòa thứ ba dưới triều vua Đường Văn Tông... Tiện đây cũng hy vọng quý độc giả đừng vội thắc mắc tại sao lại phải nhảy qua đến ba năm, vì lý do rất đơn giản, ba năm này với Hoàng Khinh Phụng mà nói cũng chẳng có gì đặc sắc, không cần nhắc đến cũng được.

Còn nếu các vị thắc mắc tại sao Hoàng Khinh Phụng cô nương thần thông quảng đại như vậy mà lại chẳng có cách nào thu phục được vị hoàng đế thiếu niên kia thì chuyện này nói ra cũng rất dài dòng. Không biết các vị đã từng đọc qua bài thơ Thượng Dương bạch phát nhân[1] chưa nhỉ? Trong đó có mấy câu thơ thế này:

[1]. Đây là một bài thơ của thi nhân nhà Đường Bạch Cư Dị viết về một tú nữ ở cung Thượng Dương, dù dã hơn bốn mươi tuổi vẫn chưa một lần được thấy long nhan do khi đó Đường Minh Hoàng đã hoàn toàn say mê Dương Quý phi. Bài thơ với câu cú ngắn gọn, lời lẽ giản dị, đã thể hiện rõ số phận bi thảm của các tú nữ bị ép buộc vào cung khi đó, đồng thời cũng lên án thói hoang dâm của các bậc vua chúa thời phong kiến. (ND)

Giai nhân mới nhập cung sâu

Mặt như sen nở, ngực châu ngỡ ngàng

Quân vương chưa kịp liếc ngang

Dương phi mắt sắc rõ ràng thế kia[1]

[1]: Nguyên tác: Giai vân nhập nội tiện thừa ân, kiểm tự phù dung hung tự ngọc. Vi dung quân vương đắc kiến diện, dĩ bị Dương phi dao trắc mục. Tạm dịch nghĩa: Cứ ngỡ bước chân vào cung vua sẽ được hưởng lộc vua ban, má đỏ hây hây như cánh sen hồng, ngực trắng nõn nà như ngọc. Nhưng còn chưa có dịp được gặp mặt vua, đã bị Dương Quý phi âm thầm cảnh giác. (ND)

Mấy câu thơ này tuy kể về chuyện của Dương Quý phi năm xưa, nhưng rõ ràng đã thể hiện được rất rõ tình cảnh của Khinh Phụng lúc này. Thì ra là trước khi trở thành thiên tử, Giang vương Lý Hàm đã lập hai vị phi tử, theo thứ tự chính là Vương Đức phi và Dương Hiền phi ngày nay. Trong hai người đó, Lý Hàm rất sủng ái Dương Hiền phi, mà cũng thật khéo, vị phi tử này cũng nhỏ mọn chẳng kém bất cứ nữ tử hay ghen nào trong thiên hạ. Lý Hàm vốn cũng thuộc dạng chung tình, cộng thêm phi tử hay ghen có tiếng, lại còn biết cách chiều chuộng quân vương, cho nên còn màng gì đến Hoàng Khinh Phụng nữa. Nàng đã bị thu xếp ở giáo phường cách xa cung Đại Minh để dạy ca vũ cho đám ca kỹ trong cung, như vậy thì nàng phải thổi bao nhiêu “gió” mới có thể khiến cho một người không tham hoan lạc như Lý Hàm “gợn sóng” được đây?

Cho nên, với một yêu nghiệt mà nói, muốn quyến rũ một tên hoàng đế hoang dâm vô đạo rất dễ, muốn quyến rũ một vị hoàng đế chung tình rất khó, mà muốn quyến rũ một hoàng đế vừa chung tình lại vừa cần kiệm liêm chính lại càng khó khăn hơn nhiều.

Tuy sự thật là thế, nhưng cô nàng Hoàng Khinh Phụng kiêu ngạo của chúng ta tuyệt đốì sẽ không bao giờ thừa nhận rằng mình đã bó tay thật rồi. Nàng cứ nhất quyết khẳng định rằng việc ba năm qua nàng và Lý Hàm chẳng có chút tiến triển gì ấy là bởi vì nàng và Phi Loan vốn được “tiên đế sủng ái”, cho nên mới phải chịu tang cho vị hoàng đế đoản mệnh Đường Kính Tông Lý Trạm kia mà thôi.

Văn Tông Lý Hàm bản tính tiết kiệm, sau khi kế vị ca ca mình đã lần lượt giải tán mấy ngàn cung nhân. Sở dĩ Phi Loan và Khinh Phụng vẫn chưa bị đuổi ra khỏi cung, ngoại trừ việc Khinh Phụng liều chết cầu xin ra thì cũng phải nhờ đến cả di chiếu của Kính Tông để lại nữa. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ hôm đó, sau khi Kính Tông thưởng thức xong màn ca múa của Phi Loan và Khinh Phụng, đã cao hứng mà nói mấy câu thế này: “Chờ đến khi trở lại cung Đại Minh, trẫm nhất định sẽ xây cho các nàng một bảo đài phù dung bằng ngọc, để các nàng tha hồ ca múa. Các nàng sợ phơi nắng gặp gió, trẫm sẽ cho xây lầu vàng trướng ngọc, sẽ không để cho các nàng giống như những bông tuyết kia lặng lẽ tàn phai!”

Đúng thế! Chính là nhờ có mấy câu nói đó. Người ta vẫn bảo vua không nói chơi, những lời mà Lý Trạm nói hôm đó đã được sử quan bên cạnh ghi chép rõ ràng. Hơn nữa, xung quanh vẫn còn cả đám người ton hót, hoàng đế vừa mới nói xong, bọn chúng đã vội vã truyền tin ra ngoài, biết đâu sau khi về tới cung Đại Minh, hoàng đế long tâm đại duyệt lại chẳng thưởng cho những vị hiền thần giỏi “chiều ý vua” như họ cũng nên.

Bởi thế khi linh cữu của Đường Kinh Tông được đưa về Trường An thì bảo đài phù dung, cung vàng trướng ngọc của Phi Loan và Khinh Phụng lẽ ra đã sớm được liệt vào danh sách cần tiết kiệm. Nhưng bởi Giang vương Lý Hàm đã thừa kế giang sơn từ ca ca của mình nên cũng tiện thể thu nhận luôn cả hai vị vũ nữ của “Chiết Đông” quốc, ngay cả bảo đài phù dung, cung vàng trướng ngọc cũng được tiếp tục xây dựng.

Tất cả những chuyện này Khinh Phụng đều có tính toán trong lòng cả, dù có phải vờ vĩnh chịu tang tiên đế ba năm cũng chẳng sao. Đối với hai người họ, ba năm thì có đáng là gì.

Điều duy nhất khiến cho Khinh Phụng cảm thấy lo lắng chính là nàng và Phi Loan bị đưa đến giáo phường chứ không được vào ở cung Đại Minh. Nơi đó cách chỗ ở của Lý Hàm đến mấy cung điện, như vậy chẳng phải là gần ngay trước mắt mà xa tận chân trời hay sao.

Nhưng chỉ nhiêu đó thôi thì sao có thể làm khó Khinh Phụng được. Với một yêu nghiệt đang gánh vác trọng trách mê hoặc quân vương, phá hỏng triều cương mà nói, chỉ một chút khoảng cách như vậy mà có thể làm khó được sao? Vì thế, mùa xuân năm Thái Hòa thứ ba, sau khi trút bỏ bộ đồ tang trên người, Hoàng Khinh Phụng vẫn giữ nguyên được sự tự tin vốn dĩ của mình. Một buổi sáng nọ, sau khi trát lên mặt mình đến hai lạng phấn trắng, phấn hồng như thường lệ, nàng lại quay qua khinh bỉ, chế giễu Phi Loan vẫn đang ôm chăn ngủ nướng trên giường. “Sao muội lại chẳng có chút tiền đồ nào như vậy chứ?!”      

“Ưm... Không biết tại sao, cứ đến mùa xuân là người ta lại thấy buồn ngủ…” Phi Loan vẫn vùi đầu trong chăn, mắt vẫn nhắm, chỉ lẩm bẩm trả lời Khinh Phụng.

“Mùa nào mà muội chẳng nói vậy, làm ơn đổi câu khác đi có được không?” Khinh Phụng bất mãn liếc nàng ấy một cái, rồi quay lại tiếp tục soi gương, liếc trái liếc phải, điểm phấn tô son. “Nếu như ai cũng không có chí tiến thủ như muội thì đến bao giờ chúng ta mới có thể mê hoặc được hoàng đế đây?”

“Đã ba năm rồi...” Phi Loan rất không cầu tiến nói “… mà hoàng đế có thèm để mắt đến chúng ta đâu.”

“Sao muội có thể bi quan như thế chứ? Muội xem, hiện giờ chúng ta sống trong cung vàng trướng ngọc, đông đến chẳng cần đắp chăn, hè sang không lo sợ nóng; ăn toàn là lệ chi, hương phỉ, dùng thì là long não và kim tiết[1], muội có biết người ta bàn tán thế nào về chúng ta không? Họ gọi chúng ta là “hai đóa sen hồng, tỏa hương ngào ngạt”. Ha ha, cứ theo chiều hướng này, sớm muộn gì hoàng đế cũng sẽ để ý đến chúng ta thôi.”

[1]. Lệ chi (quả vải), hương phỉ (hạt phỉ hương), long não (tinh dầu thơm) và kim tiết (bột vàng) đều là những loại thực phẩm và dược phẩm rất quý thời xưa. (ND)

Phi Loan trở mình trong chăn, miễn cưỡng ngáp một cái. “Tỷ nói thử xem, chiêu này của tỷ liệu có khi nào biến khéo thành vụng không đây? Nói đến lệ chi và hương phỉ, ừ thì muội cũng thích ăn, nhưng tỷ còn đòi nội phủ cấp cả kim tiết và long não nữa, những thứ đó thì có ích gì chứ? Nghe nói hoàng đế không thích lãng phí xa hoa, tỷ làm như vậy cẩn thận hắn ta sẽ càng không thích...”

“Mắng muội ngốc muội lại không vui, nếu như chúng ta không làm như vậy, liệu có thể sống thoải mái thế này được sao? Nếu không phải thiện tài[1] của giáo phường nghĩ chúng ta không thể phơi nắng, không được ra gió, muội còn có thể yên ổn nằm trên giường mà ngủ nướng thế này à? Hơn nữa, nếu không xức long não lên người, hai chúng ta một con chồn, một con hồ ly, muội cho rằng có thể giấu được mùi hay sao?” Khinh Phụng trừng mắt lườm Phi Loan. “Kim tiết tích lại sau này dùng, khi nào tích đủ tỷ sẽ nấu chảy để đúc thành đĩnh vàng. Tuy bây giờ chúng ta đang ở ngoài cung nhưng cũng không được tự do tự tại, vô lo vô nghĩ như khi ở dân gian, có thể biến lá cây thành vàng để lừa gạt người ta được. Chờ đến ngày nào đó chúng ta được vào cung, trong tay có vàng sẽ thuận tiện cho chúng ta mua chuộc người xung quanh, đây gọi là có tiền mua tiên cũng được.”

[1]. Thiện tài: Người nhạc công giỏi. Ở đây có thể là người quản lý nhạc phường. (ND)

Hừm, cũng may mà ba năm nay nhờ có Khinh Phụng nàng thông minh, nếu không cuộc sống của hai người họ sao có thể sung sướng như bây giờ được chứ?

“Vâng, vâng...” Phi Loan coi lời nói của Khinh Phụng chỉ như gió thoảng bên tai, chỉ dạ vâng mấy tiếng cho có lệ rồi lại tiếp tục ngủ nướng.

Hoàng Khinh Phụng bĩu môi với Phi Loan một cái, một mình đến bên cửa sổ ngắm cảnh nắng xuân ấm áp bên ngoài, rồi lại lặng lẽ nhíu mày. Giờ đây, mọi thứ nàng có được đều rất tốt, chỉ duy nhất có một vấn đề khiến nàng vẫn phải băn khoăn chính là: Thiên tử Lý Hàm hết lòng chăm lo việc nước, không thích cuộc sống xa hoa lãng phí, đã lâu lắm rồi không tổ chức yến nhạc nên cũng không triệu ca vũ tiến cung hầu hạ, như vậy thì làm sao nàng có thể tranh sủng được đây?

Chính lúc Hoàng Khinh Phụng đang vắt óc suy nghĩ mà vẫn chưa tìm được cách nào hay ho, thì ông trời lại đột nhiên “mở mắt”, lần đầu tiên trong suốt ba năm, từ trên trời ném xuống một miếng bánh thơm ngon, rồi cứ thế để nó lơ lửng trên đỉnh đầu nàng.

Lúc này, nàng nhìn thấy một nội thị mặc y phục màu xanh cùng thiện tài của giáo phường đi ngang qua bên dưới cửa sổ phòng nàng. Gã ngẩng đầu lên, nhìn thấy Khinh Phụng xinh đẹp thướt tha đứng đó, vội vã mỉm cười chào hỏi với nàng. “Ôi chao, Khinh Phụng cô nương, ngày mai là tiết Thanh Minh, hoàng thượng thết yến ở điện Lân Đức để khoản đãi bá quan văn võ, sau đó còn tổ chức thi kéo co ở cửa Huyền Vũ nữa, cô nương có muốn đi xem không?”

Khinh Phụng vốn đang mặt ủ mày ê, vừa nghe được lời này thì vô cùng mừng rỡ mà vỗ mạnh vào khung cửa sổ, hô lớn: “Đi chứ! Ta đương nhiên là muốn đi rồi!”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play