Lúc này đã vào tháng Mười hai, trời chuyển sang rét đậm. Tối hôm đó, Hồ tộc ở Ly Sơn thi triển chú thuật gọi tuyết, khiến cho cả Ly Sơn đổ tuyết lớn suốt đêm. Ngày hôm sau, trong phạm vi mấy trăm dặm quanh Ly Sơn đều là tuyết phủ trắng xóa, chỉ có ôn tuyền ở hành cung Hoa Thanh là vẫn còn tỏa hơi nghi ngút mà thôi.

Đương nhiên, Hồ tộc thi triển loại chú thuật này cũng không phải vì muốn trợ hứng Đường Kính Tông đang đi du ngoạn. Một đêm bão tuyết này đã bao phủ cả một vùng bán kính trải dài năm trăm dặm quanh Ly Sơn, từng bông tuyết mảnh mang theo một luồng khí lạnh lẽo cũng đủ để mê hoặc thần hồn của cả hoàng đế và toàn bộ văn võ bá quan đi theo hộ giá, khiến họ tin rằng kể từ khi Đại Đường của họ được thành lập đến nay, thực sự có tồn tại một nước chư hầu có tên gọi là Chiết Đông. Mà hôm nay, Chiết Đông quốc lại xin được tiến cống cho thiên tử nhà Đường hai vị vũ nữ quốc sắc thiên hương, bắt đầu từ hôm qua, đoàn quân hộ tống cống phẩm đã khởi hành đến hành cung của hoàng đế ở Ly Sơn rồi.

Vì thế, sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, vừa mới mở mắt ra thì câu đầu tiên mà vị hoàng đế trẻ tuổi Đường Kính Tông Lý Trạm hỏi nội thị thiếp thân[1] của mình chính là: “Vũ nữ mà Chiết Đông quốc tiến cống hôm nay sẽ tới phải không?”

[1]. Nội thị: Cách gọi thái giám thời nhà Đường. Nội thị thiếp thân: Thái giám luôn hầu hạ bên cạnh. (ND)

Hoàng đế Lý Trạm đã rất hưng phấn hỏi vậy thì đương nhiên nội thị thiếp thân của ngài, Lưu Khắc Minh công công cũng phải biết thức thời mà cười hì hì bẩm báo rằng: “Hồi bẩm bệ hạ, vũ nữ do Chiết Đông quốc tiến cống có thể qua trưa sẽ đến nơi. Nô tài nghe nói hai cô nương đó có thân hình nhẹ như chim yến, dung mạo lại vô cùng xinh đẹp!”

Đường Kính Tông đương tuổi thiếu thời, nghe thấy nội thị nói vậy thì càng thêm vui vẻ, vội vàng đứng dậy thay y phục mùa đông, vừa huýt sáo vừa phất tay áo đi ra ngoài điện thưởng thức cảnh tuyết rơi. Lưu công công vội vàng đi chuẩn bị bữa sáng cho thiên tử. Lúc ra bên ngoài điện để sắp xếp công việc cho thuộc hạ, gã đã dùng ánh mắt quái lạ để ra hiệu cho thuộc hạ của mình.

“Truyền tin ra ngoài, nói hôm nay kế hoạch không có gì thay đổi, tất cả đều y theo mà hành sự.” Lưu công công vừa mới dứt lời, trên mặt lại hiện ra một nụ cười vô cùng từ ái.

Hôm nay tuyết đã ngừng rơi, tiết trời khá lạnh, sau giờ Ngọ, đội ngũ tiến cống của Chiết Đông quốc cũng đã thuận lợi tiến vào cung Hoa Thanh. Đường Kính Tông toàn thân quấn áo lông quý giá, được cả đám hoạn quan tiền hô hậu ủng vây quanh, đang ngồi trên long dư[1] mỏi mắt ngóng trông. Xa xa, trên con đường tuyết trắng trải dài, đoàn hộ tống cống phẩm của nước “Chiết Đông” đang chiêng trống vang lừng từ từ tiến tới. Chỉ sau chốc lát, trong tiếng trống nhạc vang động đất trời, một chiếc xe ngựa lộng lẫy được dẫn đến trước thềm điện cung Hoa Thanh.

[1]. Kiệu rồng dành riêng cho vua, chúa. (ND)

Đường Kính Tông vừa mới định khen một câu “Tốt lắm” thì chiếc rèm cẩm phủ ngoài xe ngựa bất ngờ được vén lên, đám thị vệ của Chiết Đông quốc khiêng một chiếc tủ từ trên xe xuống.

Cả chiếc tủ được khảm ngọc trai thất bảo, mã não sáng lấp lánh kết hợp với ngọc thạch khảm trên cánh tủ khiến người ta vừa nhìn vào đã có cảm giác giống như Lưu Nguyễn gặp được cảnh tiên[1]. Hai bên góc sườn tủ cũng được bọc bằng vàng, gỗ tử đàn dưới sắc trời ảm đạm mà vẫn không hề bị mất đi ánh sáng nhu hòa. Có thể thấy rõ, chiếc tủ lung linh tuyệt đẹp này chính là một món bảo bối vô cùng quý giá, chỉ là, Đường Kính Tông đã rất cố gắng mở to đôi mắt để nhìn một lúc lâu nhưng cuối cùng ngài vẫn đành phải chớp mắt mấy cái, mặt đầy vẻ khó hiểu, quay đầu lại hỏi mọi người xung quanh: “Không phải các ngươi nói vật tiến cống lần này là người sao? Tại sao lại chỉ đưa tới một cái tủ?”

[1]. “Lưu Nguyễn gặp tiên” hay còn gọi là “Lưu Nguyễn ngộ Thiên Thai” là một truyền thuyết xưa của Trung Quốc. Vào thời nhà Hán, có hai người tên là Lưu Thần và Nguyễn Triệu, nhân tết Đoan Dương (Mùng Năm tháng Năm âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc đường, gặp được tiên nữ núi Thiên Thai, kết duyên vợ chồng. Sau một thời gian sống hạnh phúc trong núi, hai chàng nhớ quê nên muốn về thăm. Tiên nữ núi Thiên Thai cho hai chàng biết đây là chốn tiên, rời khỏi sẽ không trở lại được nữa, nhưng hai chàng vẫn quyết chí ra đi. Đến khi về nhà rồi mới biết, thực tế đã qua bảy đời, cảnh vật quê nhà đã không còn như xưa nữa. Hai người buồn bã tìm theo lối cũ để về lại Thiên Thai, nhưng không còn thấy cõi tiên đâu nữa. (ND)

Cũng may Lưu công công là người dày dặn kinh nghiệm, đã âm thầm sai người chạy xuống hỏi rõ mọi chuyện từ trước rồi, lúc này ông ta bèn cười hì hì, ghé đến nhỏ giọng bẩm báo với hoàng đế: “Bệ hạ, mỹ nhân đang được giấu ở trong tủ đấy ạ.”

Đường Kính Tông vừa nghe nói xong thì ngây ngẩn cả người, không kiềm chế được đưa tay chỉ vào chiếc tủ quý đặt ở trước đại điện, cười không ra tiếng, nói: “Ồ! Đây có được coi là một cách để gây ấn tượng với trẫm không vậy? Các ngươi nói thử xem?”

Trong lòng Lưu công công thầm nói đây đương nhiên là cách người ta dùng để gây ấn tượng với ngài rồi, giống như Lưu tiên quần của Triệu Phi Yến[1] và Mai hoa trang trên trán công chúa Thọ Dương[2] vậy, tự cổ chí kim, chẳng phải mỗi khi mỹ nhân xuất hiện đều phải gắn liền với một chuyện đặc biệt nào đó sao?! Nhưng mà, lời ngay ý thật như vậy gã đâu thể nói thẳng với hoàng đế được, thân là nội thị thiếp thân của hoàng đế, dù trong hoàn cảnh nào gã cũng phải biết chiều lòng thiên tử. “Bệ hạ, là vì bệ hạ chưa biết đó thôi. Vũ nữ mà lần này Chiết Đông quốc tiến cống không phải là những vũ nữ bình thường, nghe nói hai cô nương ấy yêu kiều lả lướt, giống như được tạo thành từ những bông tuyết trắng vậy, không thể ra gió, không được gặp nắng, cho nên mới phải giấu kín trong tủ, đường xa ngàn dặm đưa tới Trường An.”

[1]. Triệu Phi Yến tên thật là Triệu Nghi Chủ, là hoàng hậu thứ hai của vua Hán Thành Đế, triều nhà Hán (Trung Quốc). Triệu Phi Yến là một trong những mỹ nhân xinh đẹp tuyệt trần trong lịch sử Trung Quốc, cùng với em gái Triệu Hợp Đức bị người đời gọi là hồng nhan họa thủy vì những hành vi tàn ác, dâm loạn, làm khuấy đảo cả hậu cung của họ. Sau cùng, cả hai chị em đều phải chịu kết cục thảm bại do những hành vi mình gây ra. Triệu Phi Yến vốn xuất thân ca kỹ, nghe nói khi lần đầu múa cho Hán Thành Đế xem, nàng mặc một chiếc váy dài gọi là váy Lưu tiên, giúp khoe trọn thân hình lả lướt và nhẹ nhàng như chim yến của mình, cũng nhờ lần đó nàng mới được vua để mắt tới và đưa vào cung làm phi tần. (ND)      

[2]. Công chúa Thọ Dương tên gọi Lưu Hưng Đệ, là trưởng công chúa của vua Tống Vũ Đế (vị vua khai quốc nhà Lưu Tống trong lịch sử Trung Quốc), do hoàng hậu Vũ Kính thân sinh. Tương truyền nàng vô cùng xinh đẹp, lại rất thích hoa mai. Có một hôm, nhân dịp đầu năm mới, nàng đến rừng mai trong cung để ngắm hoa, sau đó mệt mỏi thiếp đi dưới mái hiên ở điện Hàm Chương. Trong lúc nàng ngủ, một đóa hoa mai đã rơi trên trán nàng, in thành một dấu hoa mai không thể nào xóa được. Nhưng nhờ dấu hoa mai đó mà nàng trông càng quyến rũ, thoát tục hơn, nên từ đó a hoàn của nàng thường vẽ thêm dấu hoa mai trên trán cho nàng. Dấu hoa mai đó được gọi là “Mai hoa trang” hoặc “Thọ Dương trang”. (ND)

“Ái chà? Người làm từ tuyết cơ à? Chuyện này nghe cũng có vẻ thú vị nhỉ!” Đường Kính Tông nghe Lưu công công nói vậy cũng lấy làm thú vị, tự mình cất bước xuống thềm điện, hạ lệnh cho người mở tủ ra.

Vì thế, vào khoảnh khắc đầu tiên được xuất hiện dưới ánh mặt trời sau cả chặng đường ngủ đến mê man bất tỉnh, thứ đầu tiên mà Hoàng Khinh Phụng và Hồ Phi Loan được chiêm ngưỡng chính là dung nhan của tên hoàng đế mà các nàng sắp đi tiêu diệt. Đó chẳng qua chỉ là một chàng thiếu niên môi hồng răng trắng, khoác trên người chiếc áo lông cừu quý giá màu xanh lam do một nước chư hầu nào đó tiến cống, trên eo còn đeo một chiếc đai lưng đính ngọc quý. Lúc này, hắn đang đứng trong tuyết cười hì hì, nụ cười đầy vẻ xấu xa; khuôn mặt trẻ con non nớt ánh lên vẻ tinh ranh; dù đã sớm sa đà tửu sắc, trông có vẻ ngả ngớn suy đồi nhưng vẫn không mất đi ánh hào quang rực rỡ, phảng phất như giữa mùa đông ảm đạm chợt lóe lên những tia nắng màu vàng lúc mặt trời ngả về tây, một vẻ đẹp không có cách nào diễn tả, nhưng cũng mang đến cho người ta một cảm giác bất tường[1].

[1]. Bất tường: Kém may mắn, không được cát lợi. (ND)

Hai người, một hồ yêu cùng một chồn yêu, vốn dĩ đang ngủ gà ngủ gật trong tủ, đột nhiên nhìn thấy kim chủ của mình thì kinh ngạc mất một lúc lâu mới có thể phản ứng lại. Cũng may là từ nhỏ Hoàng Khinh Phụng đã thông minh lanh lợi, lúc này nàng lặng lẽ nhéo Phi Loan một cái, kéo Phi Loan cùng bước ra khỏi tủ.

“Dân nữ Hồ Phi Loan, Hoàng Khinh Phụng bái kiến bệ hạ!” Hai con tiểu yêu giả bộ quỳ trên mặt đất, dập đầu với thiếu niên thiên tử trước mặt mình, thân thể mềm mại có phần yếu đuối quỳ trong tuyết lạnh, khẽ run rẩy mỗi khi có gió nhẹ thổi qua, thật khiến cho người ta vô cùng thương tiếc. Đường Kính Tông cẩn thận quan sát hai người Khinh Phụng và Phi Loan, thấy hai nàng khoác áo trân châu quý giá, đầu đội kim quan loan, hạc còn đính thêm những chuỗi ngọc châu lấp lánh, mày xinh như vẽ, trán đẹp tựa ve[1], hơi thở thơm như lan ngọc thì cảm thấy rất hài lòng.

[1]. Nguyên tác là “tu mi tần thủ”. “Tu mi” ý muốn nói là đôi hàng lông mày đẹp như đã được tô vẽ cẩn thận, còn chữ “tần” trong “tần thủ” nguyên nghĩa là con cồ cộ, một loài ve nhỏ hơn ve sầu một chút, trong sách cổ có khi cũng được gọi là ve sầu. Đặc điểm của loài này là có trán rộng và vuông vắn, rất đẹp theo chuẩn mực của người xưa, cho nên về sau từ “tần thủ” được dùng để chỉ những mỹ nhân có vầng trán đẹp. (ND)

“Phi Loan, Khinh Phụng, hai cái tên đúng là khiến người ta cảm thấy mềm mại, nhẹ nhàng. Nghe nói hai nàng chưa từng ra gió, không thể gặp nắng, thân thể còn mong manh hơn cả tuyết, trẫm cũng muốn được chiêm ngưỡng một chút.” Lý Trạm nâng hai cánh tay lên, hai bàn tay vỗ to một tiếng, lưng áo thẳng tắp kéo dài tạo thành một đường vòng cung mạnh mẽ, để lộ ra vóc người cao ráo đẹp đẽ của mình. “Người đâu, thiết yến trong đại điện, trẫm muốn xem thử có thật là thân thể các nàng ấy nhẹ như chim yến hay không.”

“Phi Loan, Khinh Phụng xin lĩnh chỉ, bệ hạ vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!” Hoàng Khinh Phụng khẽ mỉm cười lĩnh chỉ, sau đó, nhân lúc mọi người không chú ý, nàng nhẹ nhàng kéo cô đại tiểu thư Hồ Phi Loan vẫn còn đang hồn xiêu phách lạc nhà mình một cái, nói nhỏ: “Muội chỉ cần ca một khúc, những chuyện còn lại cứ để tỷ lo.”

Phi Loan hơi khụt khịt cái mũi đã đỏ lên vì giá lạnh, cái miệng nhỏ nhắn thở ra từng làn khói trắng. “Được, được... Nhưng muội phải hát cái gì bây giờ?”

“Cứ hát mấy khúc quen thuộc đi.” Hoàng Khinh Phụng mỉm cười nắm tay Phi Loan, cùng nàng bước lên thềm điện lát ngọc của cung Hoa Thanh, bước chân uyển chuyn, thoa vàng lắc lư, thân hình mềm mại, duyên dáng cứ như thực sự sẽ bay lên theo gió đông phần phật.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play