Trong ký ức của nguyên thân, Lý thị là người chửi bới nhiều nhất, là người thường xuyên không nhịn được mà mắng mỏ chuyện tử chiến mà không xóa tịch.
Bởi vì quan phủ không xóa tịch thì tức là không cần bồi thường cho gia quyến của binh lính tử trận, đầu năm Hoàng đế hạ chiếu chỉ nói trong gia đình nào có binh lính tử chiến sa trường thì sẽ miễn sưu thuế hai năm, không xóa tịch thì không được miễn.
Thôn bên cạnh đã xác định là còn lâu mới có thể xóa tịch những người đã tử chiến được.
Thế nên chuyện xóa tịch này thật sự không nói rõ được gì, còn những người cùng đi xuất chinh với Thẩm Liệt đã quay trở về được gần nửa năm rồi, gần nửa năm không có tin tức gì thì khả năng quay về thực sự rất nhỏ.
Khả năng lớn hơn đó là đã tử chiến sa trường, vô danh vô tính, không có người thu xác, không có người chôn xương.
Nhưng nhìn hai đôi mắt đẫm lệ, nàng không nỡ lòng nói lời thật được, nàng không nhẫn tâm dập tắt đi tia hy vọng cuối cùng trong lòng hai đứa trẻ.
Tang La gật đầu nói: "Đúng, không có tin xấu chuẩn xác nào thì chính là tin tốt."
Chỉ một câu an ủi như thế thôi, gần như chút mong ngóng nhỏ nhoi trong lòng hai đứa trẻ lại có được sự chống đỡ, chúng gượng cười với Tang La, vừa lau nước mắt vừa cẩn thận ăn thức ăn, ăn sạch sẽ từng chút một.
Không phải là trong tình cảnh này còn thèm ăn mà là cơm trắng và canh mỡ có thịt ở trong bát quá xa xỉ, có được quá khó khăn nên không nỡ, cũng không dám lãng phí chút nào.
Ngày hôm sau tới thôn Tam Lý, y như dự liệu của Tang La, qua hai ngày liên tục, đậu phụ thần tiên đã không còn bán đắt như hai ngày đầu nữa.
Vì có thùng nước mượn được từ Trần gia nên ngày hôm nay nàng làm được hai mươi tư miếng, thế này cũng đủ để đi hai vòng thôn Tam Lý, mới bán được được mười năm miếng, còn dư lại chín miếng, ấy là dọc đường quay trở về đi qua các thôn rao bán mới bán được.
Hai mươi tư miếng đậu phụ thần tiên này được ba mươi hai văn tiền, sau đó nàng đã đổi lấy ba thăng rưỡi đậu nành, hai quả trứng gà.
Lần này Tang La không nỡ tiêu tiền, nàng chỉ bỏ ra ba văn tiền để mua một chiếc kim sắt rồi mua hai văn tiền mạch nha, hai mươi bảy văn tiền đều mang về cả, nàng tới Trần gia một chuyến, trả cho Trần lão thái thái năm văn tiền, còn dư hai mươi hai văn tiền.
Đây là lần đầu gia đình có tiền dư dả để sống qua ngày.
Chuyện mà Tang La không biết đó là việc nàng trả tiền nhanh như thế khiến người Trần gia, nhất là Tần Phương Nương sắp vào huyện bày quầy bán đậu phụ thần tiên vô cùng hưng phấn, như thể đã trông thấy cảnh mình kiếm được tiền vậy.
Buổi tối hôm ấy, không đợi Tang La đến tìm, Trần bà tử đã chạy đến Chu Gia Câu từ sớm, lấy quá sở của hai người về, còn gọi con dâu dậy đích thân đưa sang cho Tang La.
Trần lão thái thái rất tỉ mỉ, lúc Tần Phương Nương nhận lấy quá sở chuẩn bị ra khỏi nhà, bà ấy có dặn dò nàng ấy rằng chỉ được đứng xa xa bên ngoài cửa gọi người chứ không được phép bước vào trong nhà nàng.
Tay nghề làm đậu phụ thần tiên của Tang La bây giờ là kỹ năng kiếm cơm, Trần bà tử sợ con dâu xông vào lại nhìn thấy điều không nên thấy thì tới lúc đó sẽ sinh ra hiềm khích không hay.
Ngày thứ sáu sau khi xuyên đến thời không này, Tang La vào thành rồi.
Ngày đầu tiên bày hàng, Tần Phương Nương phấn kích tới nỗi cả đêm không ngủ ngon, nên hôm nay dậy sớm vô cùng, trời còn chưa sáng Trần Hữu Điền đã đưa nàng ấy đến bên nhà Tang La.
Bản thân Tang La cũng dậy sớm chút, lúc Tần Phương Nương tới nàng cũng đã chuẩn bị xong xuôi.
Lá sen dùng để bán, bát dùng để ăn thử, nước đường, đồ đạc như thìa gỗ đều bỏ hết vào trong sọt, còn có sáu mớ rau sam Tang La dẫn hai đứa trẻ đi hái vào đêm hôm trước, Tang La cũng lấy cá khô đã phơi hong được mấy hôm xuống, chuẩn bị đổi lấy mấy đồng.
Lo hôm nay phải sắm sửa đồ dùng trong nhà nên nàng cũng nhét hai mươi hai văn tích góp được của hôm qua vào trong ống tay áo.
Thẩm An và Thẩm Ninh mong ngóng thiết tha đi theo đằng sau, hiển nhiên cũng muốn đi cùng, lần này Tang La hết cách: "Làm quá sở đắt quá nên không dẫn hai đứa vào huyện được, yên tâm đi, sau này chúng ta có tiền rồi chắc chắn đại tẩu sẽ dẫn hai đứa vào trong huyện chơi."
Dỗ dành hai đứa trẻ mấy câu, nhóm lửa hay nấu cơm cả hai đứa trẻ điều biết nên Tang La yên lòng để hai đứa ở lại trông nhà, còn nàng thì gọi Tần Phương Nương xuất phát.
Trần Hữu Điền đưa thê tử đến rồi cũng vẫn chưa về mà chủ động giúp khiêng hai cái thùng nặng nhất, Tần Phương Nương rỗi việc bèn nhận lấy hai cái sọt từ Tang La rồi tự gánh.
Sau cùng ba người đi ra khỏi thôn, chỉ có tay Tang La là trống không.
Trần Hữu Điền đưa đi tận ba bốn dặm, thấy sắc trời sáng lên mới dừng bước lại, đưa cái gánh cho Tần Phương Nương còn mình thì quay về.
Tang La ăn cơm chó suốt dọc đường cuối cùng cũng nhận được gánh của mình, nàng cảm ơn Trần Hữu Điền, đợi hắn đi rồi nàng cười nói với Tần Phương Nương rằng: "Thẩm, Hữu Điền thúc đối xử với thẩm tốt thật đấy."
Tần Phương Nương hơi xấu hổ: "Chỉ có chút sức vụng về ấy thôi."
Cả phu lẫn phụ đều hướng nội dễ xấu hổ.
Thấy dáng vẻ gầy yếu mỏng manh của Tang La, nàng ấy lại hỏi: "Con có gánh được không?"
Tang La cười đáp: "Vẫn được, so với lần đầu gánh thùng nước thì nhẹ hơn nhiều, mấy hôm nay vẫn luôn làm việc nên cũng rèn luyện sức lực được đôi chút, thẩm đã từng tới huyện bao giờ chưa?"
"Từng đến rồi." Tần Phương Nương tiếp lời nhưng có hơi do dự: "Nhưng không quen cho lắm, đã từ nhiều năm trước rồi."
Thật ra lần trước rất lạ lẫm, lần đầu tới huyện là vào năm vừa lánh nạn đói, ở ngay cổng huyện có phú hộ phát cháo, những nạn dân như bọn họ chỉ được ở bên ngoài cổng thành, cũng chưa từng bước qua cổng thành bao giờ.
Lần thứ hai là phải đăng ký hộ khẩu ở thôn Thập Lý, nàng ấy theo mẹ chồng đến huyện gánh đồ mua đồ, lần ấy là mẹ chồng vào, nàng ấy cũng vẫn đợi ở bên ngoài thành, dẫu sao thì những người sống ở ngoài thành như bọn họ mà muốn vào thành thì phải có quá sở, làm cái này chẳng phải cần đến tiền sao? Năm văn tiền, nào có ai nỡ tiêu từng ấy tiền chỉ để đi vào huyện cơ chứ.
Những năm sau, người trong nhà vào huyện cũng chỉ có nam nhân vào huyện làm công khi rảnh rỗi sau vụ mùa, còn nàng ấy thì chưa vào bao giờ.
Nghĩ đến đây, trong lòng nàng ấy đã bắt đầu căng thẳng.
Tang La cảm nhận được sự căng thẳng của Tần Phương Nương bèn chuyển chủ đề sang việc trồng trọt, nàng hỏi Tần Phương Nương bây giờ còn có thể trồng thêm những cái gì nữa.
Hôm qua lúc đi đưa quá sở Tần Phương Nương thấy mấy người nhà Tang La đang đào xới mảnh đất nhỏ phía sau nhà, thứ được trồng vẫn là bạc hà, tía tô mọc dại, nàng ấy liền biết Tang La muốn trồng rau.
Đây là sở trường của Tần Phương Nương, vẻ mặt của nàng ấy dần dần thả lỏng.
"Khí hậu ở chỗ chúng ta khá tốt, thứ có thể trồng được bây giờ cũng khá nhiều, củ cải trắng, củ su hào, cải thảo, dưa chuột, hành, tỏi, những thứ này đều có thể trồng được, nếu như con muốn trồng thì hôm nay về ta sẽ gói hạt giống cho con."
"Tất nhiên là được, chỉ là ta không biết trồng."
Trên gương mặt Tần Phương Nương hiện lên nụ cười: "Không khó đâu, tới lúc ấy ta sẽ dạy con."
Tần Phương Nương là người thành thật, nhiệt tình, nàng ấy nói là đến lúc đó sẽ dạy, dọc đường đều nói cho Tang La nghe về một vài kiến thức chung của việc trồng trọt.
Thực ra mấy năm Tang La sống ở trên núi cũng trồng rau nhưng vốn nguyên thân không biết làm, nên muốn trồng được rau hẳn hoi thì vẫn phải có một người thầy như thế này, hơn nữa hiện giờ có rất nhiều loại rau nàng cũng không biết chúng trông như thế nào, chứ đừng nói đến việc trồng chúng, do vậy mà lúc này nàng nghe rất nghiêm túc.
Một người dạy một người học, bất tri bất giác đã đi qua thôn Tam Lý, đi được một lúc nữa thì cuối cùng cũng đi ra khỏi đường núi, tầm nhìn được mở rộng ra, nhìn về phía xa xa là trông thấy bức tường thành màu vàng.
"Đằng trước chính là huyện lỵ."