Trang Tiên Sinh xoa đầu Mãn Bảo cười nói: "Hôm nay con đem bút mực này về trước, ngày mai nghỉ tắm gội ta sẽ đi nhà họ Bạch một chuyến, ngày kia con hẵng đến trường học. Con còn nhỏ, không cần cố học cái gì, chỉ cần theo ta nhận biết ít chữ là được. Chờ sang năm con lớn hơn chút hẵng chính thức bắt đầu viết chữ đọc sách."

Mai là ngày mười lăm, trường học của ông một tháng chỉ cho nghỉ hai ngày, chính là ngày giữa tháng và ngày mười lăm.

Mãn Bảo vui vẻ đồng ý, ôm hộp đựng bút mực nghiên về nhà với cha anh.

Lúc sau về đến nhà, Nhị Đầu và Nhị Nha còn đang ở nhà liền chạy lên xem, kính sợ dùng tay sờ sờ nghiên mực kia.

Mới vừa vươn móng vuốt đã bị Phùng thị đẩy ra, nói: "Đừng sờ lung tung, đây là của cô nhỏ, về sau các con phải tránh xa một chút, biết chưa?"

Mãn Bảo không vui, bé kéo Nhị Đầu và Nhị Nha lại, nói: "Chờ muội học viết chữ xong, muội sẽ dạy cho chúng nó."

Phùng thị suy tư một lát, nói: "Cô nhỏ, Nhị Nha thì thôi, muội dạy cho Nhị Đầu là được."

"Vì sao chứ, Nhị Nha còn thông minh hơn Nhị Đầu."

Phùng thị cười: "Con gái con đứa học cái này có tác dụng gì đâu, Nhị Nha còn phải đi cắt cỏ cho heo ăn nữa."

Mãn Bảo nói: "Sao lại không có tác dụng, học chữ, về sau có thể tự mình đọc sách, trong sách có nhiều câu chuyện xưa, rất thú vị."

Phùng thị buồn cười, "Đã có thời gian đọc truyện thì chẳng bằng ra đồng cắt cỏ còn hơn, nếu muốn nghe kể chuyện, chúng ta sẽ kể cho nàng."

Nhị Nha không nhịn được nói: "Mẹ, con cũng muốn học chữ."

Phùng thị liền vỗ vào đầu bé một cái, "Con đừng có mà khuyến khích cô nhỏ của con. Quần áo hôm nay đã giặt chưa? Còn không mau ra bờ sông giặt quần áo đi."

Nhị Nha có chút tủi thân, nhưng bé không dám khóc thành tiếng, cúi đầu đi lấy quần áo bẩn.

Mãn Bảo tức giận đến đỏ cả mặt, chỉ là chưa đợi bé nổi giận, Phùng thị đã ôm bé đặt lên ghế ngồi, cẩn thận để hộp ở trước mặt bé, "Cô nhỏ, giấy hôm trước muội mang về để ở đâu? Để Nhị Đầu tìm cho, muội dạy nó ít chữ, nếu mệt thì nghỉ một lát, đói bụng thì nói cho ta, ta đi lấy đồ ăn cho muội."

Mãn Bảo ngơ ngác nhìn nhị tẩu, cảm thấy đây mới là nhị tẩu mà mình biết, nhưng mà vừa rồi người mắng Nhị Nha cũng là nhị tẩu!

Mãn Bảo tâm tình ủ dột ngồi trên ghế, Phùng thị không thể nhìn thấy ưu thương trên khuôn mặt nhỏ xíu của bé, sắp xếp xong cho cô nhỏ liền đi vào bếp làm việc.

Nhị Đầu đã chạy đi tìm những tờ giấy Trang tiên sinh viết mà Mãn Bảo mang về hôm trước.

Trong lòng Mãn Bảo có rất nhiều điều muốn nói, rất nhiều thắc mắc, nhưng không thể hỏi người khác, chỉ có thể nói với hệ thống.

"Khoa Khoa, vì sao nhị tẩu không cho Nhị Nha học chữ?"

Hệ thống đơn giản dứt khoát vứt kết quả nghiên cứu của người tương lai cho Mãn Bảo, "Bởi vì nàng trọng nam khinh nữ."

Đây là lần đầu tiên Mãn Bảo nghe thấy câu này, nhưng câu này đơn giản dễ hiểu, vừa nghe là hiểu được nghĩa ngay.

Cho nên bé hơi trừng to mắt, hỏi, "Vì sao vậy, không phải nàng cũng là nữ hay sao?"

"Đây là tư tưởng mấy ngàn năm của nhân loại," hệ thống nói: "Nguyên do ở chỗ đây là xã hội nông nghiệp, sinh sống phải dựa vào sức lực, mà sức của nam nhân lớn hơn nữ nhân, cho nên trọng nam. Dần dà liền hình thành quan niệm dị thường, con người cho rằng chỉ có con cháu là nam mới có thể kế thừa hương khói gia tộc, còn nữ giới phải phụ thuộc vào nam giới."

Mãn Bảo nói: "Cha mẹ ta rất coi trọng ta, các ca ca cũng coi trọng ta."

Trong trung tâm hệ thống thoáng qua một dòng điện, nó cắt đứt suy đoán của mình, không nói ra.

Hệ thống nói: "Chỉ có ngươi là ngoại lệ thôi, ngươi không phát hiện ra sao, nữ giới trong nhà, ngoại trừ ngươi, những người khác đều có địa vị ở dưới nam giới."

Khoa Khoa là hệ thống thu thập, không phải hệ thống giáo dục, cho nên nó không biết có vài lời không thể nói với trẻ con, nó nêu vài ví dụ cho Mãn Bảo, "Mẹ ngươi ở dưới cha ngươi, địa vị của mấy chị dâu ngươi cũng ở dưới mấy ca ca ngươi, đãi ngộ của đám cháu gái ngươi kém xa đám cháu trai."

"Bình thường, bữa sáng các ca ca và đám cháu trai ngươi sẽ được ăn cơm, mấy chị dâu và đám cháu gái ngươi lại phải ăn cháo, chỉ có ngày mùa các nàng mới được ăn cơm," hệ thống nói: "Mấy chị dâu của ngươi phải đi lấy nước, đổ nước rửa chân cho các ca ca ngươi, các ca ca ngươi không hề lấy nước rửa chân cho đám chị dâu."

Mãn Bảo ngây dại, "Mẹ ta nói các ca ca ta làm việc tốn sức, cho nên phải ăn cơm."

Hệ thống nói: "Mấy chị dâu của ngươi cũng phải làm việc tốn sức."

Mãn Bảo ngẫm lại, thấy cũng đúng.

Bé cúi đầu nghĩ ngợi, hỏi: "Có phải sẽ có một ngày sức lực của nữ giới sẽ lớn hơn sức lực của nam giới không, con người lại chuyển sang trọng nữ khinh nam?"

Hệ thống nói: "Căn cứ vào lịch sử mà các học giả tương lai đã nghiên cứu, trước xã hội nô lệ là xã hội thị tộc mẫu hệ, ở đó nữ giới làm chủ xã hội, đó hẳn là trọng nữ khinh nam như lời nói của ký chủ."

Mãn Bảo tò mò hỏi, "Lúc ấy sức lực của nữ giới lớn hơn nam giới ư?"

"Không, các nàng giành được thắng lợi bởi việc sinh sản, bởi vì các nàng có thể sinh con, tạo ra sức lao động, cho nên địa vị ở trên đàn ông, con cái cũng chỉ nhận mẫu thân, không biết phụ thân."

Mãn Bảo cân nhắc một chút, lắc đầu nói: "Đều không tốt, ta không thích trọng nam, cũng không thích trọng nữ, mọi người đều là người, không thể giống nhau không phân nặng nhẹ sao?"

Dường như hệ thống đang cách không gian chăm chú nhìn vào ký chủ của nó, nửa ngày sau mới nói: "Tương lai có thể như vậy, bởi vì khoa học kỹ thuật phát triển, năng lực sản xuất tiến bộ, quan hệ sản xuất cũng thay đổi. Tương lai càng có nhiều công việc phụ thuộc vào bộ não, luận trí lực, rất nhiều phụ nữ đều không kém đàn ông, cho nên dần dần, hai bên có thể đứng trên cùng một mặt phẳng."

Nửa câu đầu Mãn Bảo nghe không hiểu, hệ thống cũng cảm thấy muốn giải thích mối quan hệ giữa năng lực sản xuất và quan hệ sản xuất là quá mức khó khăn, cho nên trực tiếp nói với Mãn Bảo, "Cơ sở kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng, nếu chị dâu của ngươi có thể kiếm nhiều tiền hơn ca ca của ngươi, vậy ca ca của ngươi phải nghe theo chị dâu, chị dâu của ngươi cũng mạnh mẽ hơn trước."

Mãn Bảo ôm lấy khuôn mặt nhỏ hỏi, "Vậy có phải là nếu Nhị Nha kiếm tiền nhiều hơn Nhị Đầu, nhị tẩu sẽ thương Nhị Nha hơn, cũng để cho nàng học chữ?"

Hệ thống nói: "Theo lý thuyết thì đúng là vậy."

Mãn Bảo lập tức nhảy xuống ghế dựa, nghiêm túc nói: "Ta cảm thấy như vậy là không đúng, nhị tẩu hẳn phải nên thương Nhị Nha vì Nhị Nha là con gái của nàng, sao có thể vì do nàng biết kiếm tiền mới thương nàng chứ? Ta muốn đi khuyên nhị tẩu."

Hệ thống không ngăn cản.

Mãn Bảo lịch bịch chạy vào phòng bếp tìm Phùng thị, hỏi: "Nhị tẩu, giữa Nhị Đầu và Nhị Nha, có phải tẩu thích Nhị Đầu hơn, không thích Nhị Nha đúng không ạ?"

Phùng thị vừa rửa nồi vừa cười hỏi: "Cô nhỏ nghe được lời này từ đâu? Nhị Đầu và Nhị Nha đều là con của ta, sao ta có thể không thích Nhị Nha chứ?"

"Vậy sao tẩu không cho Nhị Nha học hành biết chữ?"

Phùng thị nói một cách đương nhiên: "Nàng học hành không có tác dụng gì."

Mãn Bảo sửng sốt, "Dạ, sao lại không có tác dụng ạ? Học hành có tác dụng rất lớn mà, nếu không làm gì có ai chi nhiều tiền để đi học chứ?"

"Đó là con trai, muội xem có đứa con gái nào chi tiền để đến trường đi học không?"

Mãn Bảo: "Muội nè!"

Phùng thị không nhịn được cười, "Cô nhỏ khác, hơn nữa Trang tiên sinh không thu quà nhập học của muội, ngay cả sách giáo khoa cũng không cần muội mua, không tốn tiền gì."

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play