Vì lo thời gian kết nối của điện thoại vệ tinh không đủ cho Thẩm Thiên Giác kể hết đầu đuôi mọi việc, chúng tôi nhắc nhở cô cố gắng vắn tắt rõ ràng. Cô hợp tác vô cùng, sắp xếp lại từ ngữ giây lát, rồi bắt đầu tường thuật có trật tự.
Thẩm Thiên Giác và cộng sự của cô đều 25, 26 tuổi, bọn họ nhận lần lạt ma này của Kim Vạn Đường, đơn thuần là vì muốn trải nghiệm không khí làm việc của các thủ lĩnh lão luyện, hoàn toàn không muốn thắng, cho nên từ khi bọn họ vào thảo nguyên, thì luôn quan sát là chính. Bọn họ chọn theo đuôi đội của Lưu Ly Tôn, luôn giữ khoảng cách hai ba cây số, cho đến tối, hai cô gái lần mò đến được gần doanh trại của đối phương, nghe lỏm cuộc trò chuyện trong trại.
Trước kia tôi cũng hay làm việc này, nghe vậy bất giác sinh lòng cảm khái, cảm thấy mình nhất định phải tận tình dẫn dắt hậu bối như thế, truyền dạy lại tác phong khôn khéo này, về sau trên giang hồ sẽ bớt đi rất nhiều tranh đấu vô nghĩa.
Mục tiêu ban đầu của hai đội ngũ rất rõ ràng, chính là tọa độ rừng cây nhỏ mà Kim Vạn Đường đã cung cấp, sau khi đội của Lưu Ly Tôn đến rừng cây nhỏ, cũng không thu hoạch được thêm tình báo hữu dụng, vì vậy bắt đầu lùng sục kiểu trải thảm trên đồng cỏ xung quanh khu rừng, bọn họ tràn đầy lòng tin, cảm thấy mình chắc chắn sẽ giành được, logic chuẩn bị cũng rất đơn giản, sau khi Quá Đường Phong ra khỏi thiên hạ đệ nhị lăng, trên người mang theo minh khí giá trị liên thành, thì nên trở về luôn mới đúng, thời bấy giờ quản lý tuyến biên giới càng thêm sơ sài, từ chỗ nào về nước cũng tương đối an toàn. Nhưng vì sao ông ta lại đi đến rừng cây nhỏ.
Có hai khả năng, một là rừng cây trùng hợp nằm trên tuyến đường về biên cảnh của ông ta, trên đường về ông ta đã đến đây, có lẽ gió lên, nên vào rừng cây tránh gió nghỉ ngơi, không biết xảy ra chuyện gì mà chết ở đây. Khả năng thứ hai, rừng cây là cột mốc ở khu vực này, khi ấy không có GPS, đều dựa vào mắt thường để xác định phương hướng, khi trời âm u dễ xảy ra sơ sót. Vậy thì rừng cây trên mặt đất là dấu hiệu duy nhất để nhận biết phương hướng của dân du mục lui tới. Cho nên Quá Đường Phong chỉ có thể về lại nơi này trước, sau đó mới đến cột mốc tiếp theo.
Khác biệt duy nhất giữa hai khả năng này nằm ở việc Quá Đường Phong khi ấy có dẫn theo hướng dẫn viên Mông Cổ không, mỗi người dân du mục Mông Cổ đại khái đều có 100 loại năng lực nhận biết phương hướng, thậm chí tôi còn biết trên thảo nguyên có một loại xà lách mọc dại, tên khác là cỏ la bàn, lá của nó luôn luôn chỉ về hướng nam. Cho nên nếu Quá Đường Phong dẫn theo hướng dẫn viên Mông Cổ, thì hoàn toàn không cần cột mốc trên mặt đất, vậy thì chắc chắn là khả năng thứ nhất.
Nếu không có hướng dẫn viên Mông Cổ, hoàn toàn dựa vào lời đồn hoặc manh mối bản đồ nào đó để vào được thảo nguyên, vậy cũng có thể là khả năng thứ hai. Nhưng Quá Đường Phong chết trong rừng, chi tiết này thực ra rất dễ khiến người ta liên tưởng, phải chăng sau khi bọn họ vào đến rừng cây, đêm đó hướng dẫn viên Mông Cổ hành hung giết người, chôn cả thi thể lẫn những đồ sứ hắn cho là không đáng giá xuống đất để hủy thi diệt tích, rồi mang vàng bạc mã não đi.
Giờ tôi vô cùng xác thực, có lẽ là khả năng thứ hai, nhưng đội ngũ của Lưu Ly Tôn – thi thể nam thủ lĩnh tên là Lão Bệnh – xuất thân là “Mắt Cá” ở Hà Nam (đạo mộ tặc Hà Nam, theo cấp bậc trong bang phái, chia làm Đầu, Chân, Mắt Cá. Mắt Cá là culi tầng thấp nhất, không có kỹ thuật gì, phần nhiều là hạng liều mạng.), ban đầu xuất thân culi, đối với bọn họ mà nói, hướng dẫn viên Mông Cổ có suy nghĩ như vậy cũng vô cùng hợp lý. Cho nên tôi không cần đoán cũng biết, bọn họ chắc chắn sẽ phán đoán theo hướng này đầu tiên.
Ở đây có một vấn đề huyền học, từng ghi lại trong bút ký của ông nội. Chỉ cần năng lực của thành viên trong đội ngũ không chênh lệch, mọi vụ đen ăn đen đều có tỉ lệ xảy ra vào đêm đầu tiên rời khỏi đấu. Theo giải thích của ông nội tôi, những suy nghĩ thế này đều bắt đầu hình thành từ khi mở quan tài, ở dưới đấu đa số vẫn cần tiếp tục hợp tác, nhưng sau khi ra khỏi đấu, đêm đầu tiên thả lỏng, nhất định sẽ xuất hiện tình trạng phân chia không đều. Khi đó nghi kị, tham lam, giết người, việc gì cũng sẽ xảy ra.
Lúc nhỏ tôi còn rất hiếu kỳ, liền hỏi ông nội: “Tại sao phải như vậy, chia chác công bằng hơn là được rồi mà.”
Khi đó ông nội nói một câu khiến tôi đến giờ vẫn cảm thấy đáng buồn.
“Lòng người là thứ không bao giờ công bằng.”
Vì thế đám người Lão Bệnh đã lập ra một kế hoạch mà hiện tại xem ra là hoàn toàn sai lầm, lấy rừng cây làm trọng tâm, vẽ một vòng tròn bán kính một ngày đường trên thảo nguyên. Rồi tiến hành lục soát kiểu trải thảm đợt đầu trong vòng tròn đó.
Đương nhiên bọn họ chẳng tìm được gì, nhưng cũng không phải hoàn toàn không có thu hoạch, trong khu vực này, bọn họ đã phát hiện ra rất nhiều rất nhiều “sắt trời”.
Sắt trời là một thứ vô cùng thần kỳ, nghe nói khi vạn dặm không mây, thỉnh thoảng sẽ có đồ sắt từ trên trời rơi xuống, khi bạn ngẩng đầu lên nhìn, vừa không có gió, cũng không có bóng râm nào, không biết từ đâu rơi xuống.
Rất nhiều người nói đó chính là thiên thạch, không thể phủ nhận có một vài khối sắt trời đúng là thiên thạch, nhưng cũng có rất nhiều khối sắt trời, vừa nhìn đã biết đó là hàng mỹ nghệ vẫn chưa hoàn thành, thậm chí còn có hoa văn rõ ràng.
Cho nên thời cổ có một truyền thuyết, đây là hàng loại hai chưa hoàn thành của thợ thủ công trên trời, không cần nữa bèn vứt xuống thảo nguyên. Dân du mục nhặt được, thì xâu chung với mã não và ngọc lam của mình, biến thành trang sức.
Sắt trời còn có một đặc tính vô cùng thú vị, chính là rất nhiều khối được đào ra từ trong hố sét đánh, một nơi nào đó bị sét đánh trên thảo nguyên, đến đó đào từ một đến hai mét, căn bản sẽ đào ra được sắt trời, có lúc là một tấm sắt, có lúc là một đoạn sắt cỡ bằng ngón tay, còn có những hình thù kỳ quái hơn, đại loại như móng ngựa, hay chiếc nhẫn. Cho nên có một thời gian trong giới sưu tầm, các bà chủ quan hệ vợ chồng không hòa thuận thịnh hành tặng sắt trời cho chồng rồi mua bảo hiểm, sau đó để ông nhà đến Nội Mông giải khuây một mình.
Đương nhiên sắt trời không nhất thiết đều là sắt, thời cổ bất kỳ thứ kim loại nào cũng được gọi là “sắt”, tiếng Tạng gọi là “thác giáp”, người Mông Cổ thì kêu là “lạt”, có một thời gian sắt trời được bán vô cùng đắc trong giới nghệ thuật Himalaya, nhưng ở Mông Cổ thứ này lại chẳng đáng giá, người Mông Cổ cho rằng đây chỉ là đầu tên và mảnh vỡ áo giáp của binh lính thời cổ đại. Sắt trời mà đám Lão Bệnh tìm thấy, được phát hiện qua máy dò tìm kim loại, số lượng quá mức đáng sợ, khiến bọn họ chú ý. Số kim loại này phân bố vô cùng kỳ quái, giống như một dòng sông chảy bên dưới thảo nguyên. Đám Lão Bệnh tìm kiếm dọc theo khu vực phân bố sắt trời, phát hiện số sắt trời này dường như đánh dấu một con đường trên thảo nguyên.
Con đường này ra khỏi vòng tròn bọn họ vạch ra, dẫn vào sâu trong thảo nguyên. Bọn họ đi theo con đường, ròng rã suốt mười ba ngày, rời xa khu rừng nhỏ, đến một lòng chảo gọi là Châu Lạp Đạt Lai.
Châu Lạp Đạt Lai thậm chí còn không phải địa danh, mà là tên chung của khu vực mấy trăm kilomet vuông quanh đây, như kiểu sa mạc Taklamakan, tên gọi mang tính khu vực cực rộng lớn. Cái tên Châu Lạp Đạt Lai có nghĩa là Hắc Đăng Hải, nghe nói có nguồn gốc từ thời Đột Quyết, nghĩa cụ thể thì không rõ nữa.
Nói đến đây, thực ra đã có thể thấy được mức độ tường tận trong lời kể của Thẩm Thiên Giác, nhưng trên thực tế lúc cô ấy tường thuật rất có trật tự, tốc độ nói cực nhanh, cho nên tôi nghe cũng không mấy khó khăn.
Sau khi đến Châu Lạp Đạt Lai, thì đi thêm ba ngày nữa theo con đường sắt trời. Ba ngày này mới là “ba ngày vô cùng đáng sợ, đặc biệt là khi đêm đến” mà Thẩm Thiên Giác đã nói trước đó.
Theo lời Thẩm Thiên Giác, sau khi vào nơi đó, sẽ lập tức cảm thấy khác thường, đặc biệt là vào đêm.
Vì không có thời gian giải thích chi tiết ba ngày đó đã xảy ra những gì, cho nên Thẩm Thiên Giác trực tiếp bắt đầu kể từ đêm thứ ba. Khi ấy bọn họ theo đội ngũ của Lão Bệnh vào đây, hoàng hôn ngày thứ ba đến một vùng đồi núi, trên đồi núi có rừng cây khá um tùm. Trên đường đến đây không chỉ có một chỗ đồi núi thế này, hai đội người trước sau tiến vào. Hai cô gái cũng không quá bận tâm, vẫn theo quy định cũ, nửa đêm lẻn đi nghe trộm.
Nhưng lần này còn chưa đến được doanh trại của Lão Bệnh, bọn họ đã cảm thấy không ổn. Đầu tiên là nhìn từ xa, thì phát hiện cả đám Lão Bệnh đều ngước lên nhìn trời, sau đó buổi tối nơi đây giá rét lạ thường, cảm giác như chuyển mùa, bắt đầu thở ra khói trắng. Bọn họ ngước lên thì biết nguy rồi. Từ khe hở của tán cây, bọn họ nhìn thấy trên bầu trời có đến ba Bắc Đẩu.
Tôi nghe đến đây thì giật bắn mình.
Địa sư (1) nhất đẳng xem tinh đẩu, địa sư nhị đẳng tìm thủy khẩu, địa sư tam đẳng đi khắp núi, quan tinh vọng đấu là môn học vấn hết sức huyền diệu, bởi vì Bắc Đẩu trên trời không thể che đi được, cho nên dù là hình thế dãy núi ngầm, cũng không thể giấu được đôi mắt của thầy phong thủy lợi hại nhất. Nhưng tôi từng nghe ông nội nói, có một loại huyệt, vì địa khí đặc biệt, sẽ ảnh hưởng đến thiên tượng, khiến các vì sao sinh ra khúc xạ. Loại khúc xạ này tạo thành hiện tượng “song Bắc Đẩu”, khoa trương nhất là sinh ra ba Bắc Đẩu, đến lúc ấy thì mọi phép quan tinh vọng đẩu đều mất tác dụng.
Nhưng trường hợp này cũng không có nghĩa là đại huyệt phong thủy, ngược lại tượng trưng cho nguy hiểm tột độ, chính là loại huyệt “song Đẩu giấu hung thi” được viết trong sách phong thủy, loại huyệt vị này thông thường vẫn sẽ hạ táng người cực kỳ hiển hách để trấn áp địa khí, nhưng tuyệt đối không phải là đế vương.
Bên dưới vùng đồi này sẽ không phải là thiên hạ đệ nhị lăng, vậy bên dưới có mộ không, nếu có thì là của ai, có quan hệ gì với thiên hạ đệ nhị lăng?
Đoàn Lão Bệnh bắt đầu đào bới thâu đêm dưới ba Bắc Đẩu này, chẳng mấy chốc đã phát hiện, bên dưới là một địa cung mộ cổ khổng lồ hình hoa sen. Bọn họ đào đạo động trong đêm, mà lúc này, Thẩm Thiên Giác và cộng sự lại bắt đầu sinh ra mâu thuẫn vì chuyện có tiếp tục theo đuôi vào địa cung không.
Chú thích
(1) Địa sư: tôn xưng thời xưa dành cho thầy phong thủy.