Thục Lệ muốn viết thư cho em trai út.
Trong chợ chiều ở khu dân cư cũ thuộc Đài Bắc này có một tiệm văn phòng phẩm cổ lỗ sĩ, đèn huỳnh quang trong tiệm thoắt mờ thoắt tỏ, buôn bán ế ẩm, rất nhiều văn phòng phẩm bày mấy năm trời cũng không bán được, bút bi khô mực, lọ mực cạn queo, bao lì xì đỏ bị nắng chiếu trắng bợt, mấy năm trước gặp bão, cả khu dân cư này bị lụt, giấy viết thư ngâm nước lũ, khô rồi vẫn bày lên giá bán. Chủ tiệm là ông bác đến từ Chương Hóa, mười mấy tuổi đã lên Đài Bắc học nghề, hơn năm mươi năm không về quê, người nhà họ hàng chết cả rồi, chẳng có gì hết, một thân một mình chỉ còn lại căn tiệm xập xệ này, ăn ở tại đây luôn, buôn bán kém thì thôi, dù sao cũng không nhập hàng nữa, chờ bán hết toàn bộ tồn kho, ông sẽ bán căn tiệm, về quê làm ruộng. Thục Lệ hay đến đây mua giấy viết thư cho em trai út, giấy viết thư cũ nhăn nheo, kiểu viết dọc, nền trắng ngả vàng sọc đỏ, không có hoa văn, hết sức đơn giản, phơi nắng hè đến giòn tan, thường bị ngòi bút rạch rách. Ông chủ nói với cô, lô hàng này bán hết sẽ về quê. Tuy cô đã mua cả xấp dày giấy viết thư, nhưng trông lượng hàng tích trữ trong tiệm, có lẽ ông chủ cả đời này phải kẹt lại đây mất thôi. “Về nhà” nếu tỏ bày bằng lời nói, thì là một giấc mộng chẳng liên quan đến hiện thực. Người muốn về nhà tự nhiên sẽ về nhà, miệng không cần nói, đầu không cần nghĩ, đôi chân biết dẫn đường, đến nơi không cần tìm chìa khóa mở cửa, có người chờ, có ngọn đèn, có nước nóng, có giường ấm, trên bàn có bữa tối, cho dù cơm canh đã nguội, cái miệng cằn nhằn là lò vi sóng, bếp lạnh thoắt chốc đỏ lửa. Cô hiểu, bản thân cô cũng thường nói với chồng con: “Ngày mai mẹ về Chương Hóa hai hôm.” Song thật ra cô đến trọ khách sạn giá rẻ ở Đài Bắc, mọi người đều nói trước khi vào phòng khách sạn phải gõ cửa, thế thì ma trong phòng mới tránh đi, cô cũng gõ gõ, khẽ nói: “Tôi về rồi đây.” Trọ hai đêm trong khách sạn âm u, nằm trên giường xem phim người lớn, ngâm bồn thật lâu, gọt lê bóc chuối, đọc cuốn sách dày cộp, viết thư gửi sang Đức, thỉnh thoảng gửi tin nhắn cho chồng: “Chương Hóa nắng chang chang, em đoán Đài Bắc vẫn đang mưa nhỉ.” Nửa đêm vào giấc, cô nghe mưa Đài Bắc ngoài cửa sổ, trong phòng ẩm thấp, cô tưởng tượng có ma nằm trên giường, cùng mất ngủ với cô. Gõ cửa không phải đuổi ma, gõ cửa là mời gọi, đến đi ma.
Những sạp hàng ở chợ chiều không nhớ mặt cô, nhưng ông chủ tiệm văn phòng phẩm biết cô cũng là người Chương Hóa, luôn nhớ mặt cô. Cô không biết rằng, ông chủ nhớ mặt cô, vì cô là khách hàng duy nhất đến đó tiêu dùng. Ông chủ mở miệng thường là: “Chào cô Trần! Chào đồng hương Vĩnh Tĩnh! Tôi lại thấy tin tức về nhà họ Vương trên thời sự ti vi, niềm vinh quang của Vĩnh Tĩnh đấy, Quỹ Vương Tân, tài thật chứ! Bán bánh quy đến tầm như vậy. Cô có quen họ không?” Cô lắc đầu, ngập ngừng vài giây, lại gật đầu nói: “Hàng xóm.” Kết quả dẫn đến tràng truy hỏi của ông chủ tiệm: “Ồ! Hàng xóm à, vậy nhà cô cũng là thế gia vọng tộc rồi! Tôi xem ti vi thấy họ xây một tòa Bạch Cung, ánh vàng lấp lánh, nóc nhà cũng màu vàng, còn Bạch Cung hơn cả Bạch Cung nước Mỹ, cô quen nhà họ chứ? Còn giữ liên lạc không? Đã vào Bạch Cung chưa? Nhà cô cũng rất giàu có nhỉ? Không biết Bạch Cung nhà họ Vương có mở cửa cho tham quan không? Lần sau tôi về Chương Hóa phải đi xem thử mới được.” Mỗi một câu hỏi, cô đều có câu trả lời, song cô không lên tiếng, lẳng lặng chọn giấy viết thư, tìm loại ít nhăn một chút.
Cô đi vào tiệm văn phòng phẩm, ông chủ đang thu dọn đồ cúng rằm tháng Bảy, không bất ngờ, bánh quy của nhà họ Vương là đồ cúng chính. Tiệm văn phòng phẩm đã mấy ngày không có khách ghé, ông chủ thấy cô, nói như xả lũ: “Cô xem, mấy tiệm kia đều cúng bừa bãi cả, rằm tháng Bảy sao có thể lấy lê cúng chứ, lớp trẻ Đài Bắc này ấy à, chả hiểu gì sất, năm ngoái tôi còn thấy nhà bên cạnh lấy khổ qua ra cúng, người lớn không dạy dỗ tử tế, tôi thấy sau này sẽ chẳng còn ai cúng kiếng đâu.” Cô biết cúng cô hồn kiêng kỵ lê, hồi nhỏ ở tam hợp viện, rằm tháng Bảy mẹ mua lê, còn chưa bày lên bàn cúng đã bị bà nội bạt tai. Lời lẽ sắc như dao bắn ra từ miệng bà nội, mắng mẹ không hiểu chuyện lại không chịu học, gả vào nhà họ Trần chỉ tổ làm mất mặt, quả trong tiếng Đài nghe giống như gọi ma đến, vậy mà không biết không thể cúng cô hồn. Quả lê xinh xắn rơi xuống đất, Thục Lệ vội nhặt, còn chưa chạm tới quả lê, gò má đã va phải lòng bàn tay bà nội, không được nhặt không được đụng không được ăn. Lòng bàn tay bà nội chi chít vết chai cứng, cọ qua khuôn mặt nhỏ nhắn của cô, đến giờ cô vẫn nhớ cảm giác quệt vào những vết chai ấy. Cô khẽ đọc đi đọc lại “quả lê” bằng tiếng Đài, quả lê quả lê quả lê quả lê, “lê” nghe có vẻ giống “đến”, nhưng chuẩn bị cả bàn đồ cúng thịnh soạn, chẳng phải là bày tiệc mời ma đến ăn sao? Thế nên quả lê không phải chính là lời mời sao? Khi vừa dọn đến chung cư nhỏ ở Đài Bắc, rằm tháng Bảy cô cố ý mua lê cúng, chủ sạp hoa quả dặn cô, lê không thể cúng đâu nhé, cô mỉm cười gật đầu, về nhà bày lê ngay chính giữa mâm cúng, thầm niệm: “Đến đây đến đây đến đây nào, bọn mi đến cả đi.”
Tiệm văn phòng phẩm này bày bán rất nhiều văn phòng phẩm lỗi thời quá hạn, thật sự rất giống hiệu sách hồi cô còn nhỏ. Hồi đó, Vĩnh Tĩnh có ba hiệu sách: Vĩnh Xương thư cục, Vĩnh Nam thư cục, Minh Nhật thư cục. Vĩnh Xương thư cục nằm bên ruộng rau muống do chồng cô giáo âm nhạc cấp hai của cô mở, chủ yếu bán sách tham khảo, văn phòng phẩm không nhiều lựa chọn, sau đó vợ chồng cô giáo âm nhạc đột nhiên biến mất, nghe nói họ cho rằng Đài Loan sắp sụp đổ nên cả nhà di dân sang Argentina. Sau khi phất lên, nhà Vương về Vĩnh Tĩnh muốn xây dinh thự, mua tất cả đất đai gần ruộng rau muống, dỡ bỏ mấy căn nhà cũ ven ruộng, quyền sở hữu nơi từng là Vĩnh Xương thư cục không rõ ràng, khó bề truy nguyên, nhà họ Vương quyết định dỡ trước tính sau. Máy xúc dễ dàng bổ Vĩnh Xương thư cục ra, bên trong còn chất đầy sách vở và sách tham khảo của thập niên 70, nhà họ Vương ra lệnh châm một mồi lửa, đốt hết số sách cũ đó.
Ông chủ Vĩnh Nam thư cục rất hung dữ, ai thử viết bút bi mà không mua chắc chắn sẽ ăn chửi, nhưng buôn bán vẫn tốt, vì các nam sinh đều biết rằng, tấm rèm đằng sau hiệu sách mở ra, có một gian phòng tối, bên trong chỉ có một ngọn đèn nhỏ, trên giá có sách bảo người lớn. Đó là cấm địa trong lời lũ trẻ, có lần cô thấy Vĩnh Nam thư cục chẳng có một ai, bèn đánh bạo vén rèm đi vào, nào ngờ gặp phải thầy chủ nhiệm cấp hai đang lật sách, thầy quay đầu trông thấy cô, hấp tấp vén rèm xông ra ngoài, bất cẩn va đổ giá sách, sách báo người lớn ập về phía Thục Lệ. Cô nhớ cô gái trên những trang sách in màu đó giang chân rất rộng, cô không lại dìu thầy chủ nhiệm bị té kêu đau, vì cả người ngã chúi nhủi vào đôi chân giạng ra trên trang sách kia. Ông chủ Vĩnh Nam thư cục đỡ thầy dậy, cô mới hoàn hồn, vừa quay đầu đã nhìn thấy mông thầy. Vào thời buổi chưa có giáo dục giới tính đó, ở Vĩnh Nam thư cục, cô đồng thời nhìn thấy bộ phận bí ẩn của cả nam và nữ, cuối cùng cô cũng đã hiểu câu thành ngữ “Một hòn sỏi trúng hai con chim”. Hôm sau đi học, thầy chủ nhiệm chống gậy vào lớp, tuyên bố phải đổi chỗ ngồi, cô bị đổi đến góc rìa cách bục giảng xa nhất, một bạn nam đồ con ngồi chắn phía trước. Nhiều năm sau, cô chủ nhiệm cấp hai của em trai út đến nhà mắng vốn, bắt em chuyển trường, chồng của cô chủ nhiệm chính là thầy chủ nhiệm ngã trong hiệu sách năm xưa. Cô chủ nhiệm chửi oang oang, cha mẹ xin lỗi rối rít, nhưng chồng cô ta vừa nhìn thấy Thục Lệ đã lập tức chạy ra ngoài. Bấy giờ cô chỉ lo lắng, chạy nhanh như thế, lỡ lại ngã, lại phải chống gậy thì làm sao?
Nơi cô thường đi nhất là Minh Nhật thư cục. Hai ông chủ Minh Nhật thư cục rất thích Nhật Bản, trong tiệm có bút bi, cục tẩy, compa, tạp chí của Nhật, cô đều không mua nổi. Lúc đó chị cả rời nhà đi Sa Lộc làm công nhân may, cô thường đến đây mua giấy viết thư nền trắng sọc đỏ, viết thư cho chị cả. Hai ông chủ một béo một gầy, tên ông chủ béo có chữ “Minh”, tên ông chủ gầy có chữ “Nhật”, ghép lại đặt tên cho hiệu sách. Ông chủ béo ông chủ gầy cùng ngồi sau quầy học tiếng Nhật theo băng cát xét, ăn gà giòn lắc muối, yêu thích sách văn học, nguyên giá sách đều là tiểu thuyết văn học và tản văn, trên quầy có bánh quy nhỏ thết đãi khách miễn phí, do ông chủ gầy tự tay nướng. Cô đứng trước giá sách đọc cả ngày, không có tiền mua sách, ông chủ béo vẫn cười cười hỏi cô: “Có thích cuốn sách đọc hôm nay không?” Cô và chị em cố gắng gom tiền để mua sách, mọi người luân phiên đọc, bấy giờ mua xong sách cứ như trong tay cầm vàng vậy, về nhà trước tiên ký tên lên trang đầu, ghi ngày tháng: “Thục Lệ mua ở Minh Nhật thư cục, Vĩnh Tĩnh”. Có lần, cô liếc trộm thấy ông chủ gầy nắm chặt tay ông chủ béo ở sau quầy thanh toán. Có khách vào, họ lập tức buông tay.
........(Còn tiếp ...)
Vui lòng đọc tiếp đầy đủ trên ứng dụng truyện TYT (iOS, Android).
Trải nghiệm nghe truyện audio, tải truyện đọc offline, đặc biệt hoàn toàn miễn phí.