Thấy Nhan Quân Tề cứ muốn hỏi cho ra nhẽ, Lư Hủ vội nói: "Để anh kể chuyện khác cho cậu nghe!"
Nhưng hắn nghĩ tới nghĩ lui...
Thủy Hử? Thời xưa nó là sách cấm đó!
Hồng Lâu Mộng? Hắn có hiểu cái moẹ gì đâu mà kể.
Tam Quốc Diễn Nghĩa? Liệu có vấn đề gì không nhỉ? Lư Hủ gãi đầu, chọn phương án an toàn nhất: Tiểu thuyết huyền huyễn tu tiên!
Đừng khinh thiếu niên nghèo, ba mươi năm Hà Đông ba mươi năm Hà Tây, mệnh ta do ta chẳng do trời. Nghe thôi đã thấy máu lửa rồi!
Nhưng Nhan Quân Tề vẫn thấy khó hiểu, cậu nói: "Chưa nói đến việc thần linh có thật hay không. Theo thần thoại kể rằng, từ thuở thiên địa sơ khai, chư thần ra đời, tiên thần quản lý vạn vật, các ngài cùng tồn tại với trời đất. Người thường không thể thấy các ngài, chỉ có quan Thái sử thông qua xem sao bói toán và tế lễ mới có thể thấy được. Sao có thể tu luyện mà thành tiên? Hơn nữa triều đại nào cũng cấm chế tạo vũ khí, người không có cánh, sao có thể ngự kiếm bay được? Mà “khí” là thứ gì?"
Lư Hủ vẫn không biết nói gì: "..."
Chẳng lẽ, Nhan Quân Tề là người theo phái vô thần?
Hắn do dự hỏi: "Cậu không tin có quỷ thần sao?"
Rồi Nhan Quân Tề tỏ vẻ ngập ngừng, lắc đầu nghiêm túc trả lời: "Em chưa thấy bao giờ, không tin lắm."
Ánh mắt cậu ấy tối sầm hẳn: "Nếu thần linh thật sự tồn tại thì triều đình, dân chúng, đời nào cũng cúng bái không dám lơ là… Sao thiên tai vẫn liên miên? Nếu thiên tai là sự trừng phạt, dân đã khổ lắm rồi, sao thần linh cứ mãi giáng họa, chẳng có chút lòng thương nào sao?"
Nghe vậy Lư Hủ chỉ biết thở dài: "Hầy..."
Hắn cảm thấy rất bất lực. Chẳng lẽ, hắn phải giảng giải cho Nhan Quân Tề về việc Trái Đất có thể tự quay, vỏ Trái Đất luôn thay đổi và biến đổi khí hậu hả?
Rồi khi trông thấy hắn buồn bã, cậu ấy vội nói: "Nhưng hai câu chuyện này rất hay! Nếu anh viết thành tiểu thuyết chương hồi, em chắc chắn sẽ được nhiều người yêu thích."
Nghe thế Lư Hủ mới tự an ủi mình, có lẽ người như Nhan Quân Tề không nhiều. Hắn cố lấy lại tinh thần hỏi: "Nếu anh muốn viết truyện bán kiếm tiền, cậu thấy ổn không? Anh nghĩ ra cốt truyện, cậu trau chuốt câu chữ, kiếm được tiền thì chia đôi."
Nhưng Nhan Quân Tề cảm thấy có chút khó xử: "Tiểu thuyết chương hồi thường có vài quyển, e là một ngày em không viết được mấy trang."
Vậy nhưng Lư Hủ vẫn nói: "Không sao. Anh viết được một quyển thì tìm người in một quyển."
Rồi gom đủ thành một tập để bán, ế thì đổi truyện khác.
Vừa nãy hắn thấy, sách Nhan Quân Tề đọc có chép tay có in ấn. Thật không ngờ thời này đã có kỹ thuật in rồi! Nếu truyện được yêu thích thì hắn sẽ đi khắc một lần rồi in vô số lần. Dù bán một quyển chỉ lãi một đồng cũng chẳng sao, tích tiểu thành đại mà!
"Trên huyện có hiệu sách không nhỉ? Mình hợp tác với họ, mình viết truyện, họ in ấn, giấy mực khắc bản họ lo. Mình chỉ lấy lãi ít, bán một quyển một đồng, sau này có tiền rồi tự in!" Lư Hủ vừa nói vừa nghĩ ngợi, hắn càng nghĩ càng thấy phấn khích. Gần như trước mắt hắn đã hiện lên núi vàng núi bạc! Đợi đến khi chúng chất đầy bao tải là có thể mua được ruộng!
Chẳng rõ Nhan Quân Tề đang kinh ngạc vì ý tưởng kỳ lạ của câu chuyện, hay kế hoạch kiếm tiền còn kỳ lạ hơn của hắn. Cậu ấy dần lấy lại bình tĩnh, bất đắc dĩ nhắc nhở: "Triều đình đã có lệnh dân gian không được in lậu. Nếu anh muốn in sách thì phải xin phép châu phủ, để họ báo lên triều đình, đợi được phê duyệt mới điều thợ in vào đúng mùa thu. Nếu sách hơn mười quyển, châu phủ phải xin phép Lễ bộ, Công bộ sắp xếp thợ khắc bản in. Dù sách mỏng dưới ba mươi trang cũng phải xin phép châu phủ, mới được phép tìm hiệu sách thuê người chép tay bán."
Lư Hủ: "..."
Trời đất! Chỗ này cũng có "số ISBN"*sao, mà còn phiền phức hơn nữa!?
*Mã số ISBN:
( truyện đăng trên app TᎽT )
Nhan Quân Tề thấy hắn ngẩn người, tốt bụng giải thích: "Khắc bản khó lắm, trừ sách thánh hiền, thường chỉ in luật lệ triều đình. Mà tiểu thuyết chương hồi đều do hiệu sách thuê người chép tay bán. Giấy phép in khó xin, hiệu sách huyện mình e là không được đâu, anh muốn bán truyện phải tìm thư cục ở châu phủ."
Châu phủ á? Thôi đi, từ làng ra huyện còn khó khăn, huống chi là châu.
Thế là Lư Hủ dẹp luôn ý định bán sách.
Đắng lòng quá mà! Có cả núi vàng mà chẳng thể đào!
Hắn chán nản chống cằm: "Vậy mình còn có thể làm gì để kiếm tiền?"
Nghe xong, Nhan Quân Tề vô thức nhìn xuống cái bát chỉ còn một con ốc xào...
"Anh Hủ, hay là anh bán ốc đi?"
"?" Tức thì Lư Hủ hết nghiêng đầu lại cúi đầu, mặt mũi ngơ ngác, rồi hắn chợt bừng tỉnh, trưng ra vẻ mặt không thể tin được hỏi cậu ấy: “Cậu thấy ngon à?"
"Ngon."
"Bán được tiền không?"
"Chắc là được."
Nhất thời Lư Hủ ngơ ngẩn.
Ông nội hắn trước kia từng là đầu bếp nấu cỗ ở trong thôn, bác cả là bếp trưởng khách sạn, ba mẹ khởi nghiệp cũng bằng việc mở quán ăn. Nhưng hắn chưa từng nghĩ là mình sẽ nối nghiệp gia đình!
Hắn buồn bực nghĩ, nếu theo nghề này thì hơn mười năm đèn sách chẳng phải uổng phí sao?
Hắn cầm con ốc cuối cùng, cho vào miệng, nhai kỹ.
Hồi trưa hắn không ăn uống tử tế, giờ mới thấy món này có chỗ để cải thiện. Sau khi chấn chỉnh lại tinh thần, hắn cảm giác bản thân đã nghĩ ra cách cải tiến món ăn rồi…
Thực hiện: Clitus x T Y T
Thế là Lư Hủ buồn bã bưng bát đi: "Thôi được rồi, để anh thử xem sao."
Nhưng Lư Hủ suy nghĩ cả buổi chiều, đến tận tối mà hắn vẫn chưa nghĩ ra lối đi mới. Ngược lại, vào giờ cơm tối hắn đã suy nghĩ thông suốt con đường mà bản thân muốn đi - làm đầu bếp. Dẫu sao thì mẹ kế nấu ăn dở ẹc hà!
Dù gì hắn vẫn phải tự mình nấu ăn. Nếu hắn làm đầu bếp, như vậy vừa có thể thỏa mãn dạ dày, vừa kiếm được tiền nuôi gia đình. Quả là trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ!
Buông bát cơm xuống, Lư Hủ nói ra ý nghĩ của mình: "Mẹ, con muốn thử bán ốc xào."
Nhưng Nguyên Mạn Nương mới nghe tiếng "mẹ" đã sợ đến mức làm rơi cả đũa, Lư Chu cũng nhìn chằm chằm hắn như nhìn thấy quỷ.
Lư Hủ cạn lời với họ luôn.
Có gì mà phải làm quá lên vậy? Hắn đâu thể gọi nàng là chị gái được. Vả lại, cuộc sống đã khó khăn đến mức này rồi. Sao mà hắn có thể sống theo kiểu phớt lờ của “Lư Hủ” trước đây nữa?
Lườm em trai xong, hắn quay qua tiếp tục nói chuyện với Nguyên Mạn Nương: "Nhà mình ruộng ít nên luôn phải nghĩ cách khác để kiếm sống. Vậy con sẽ thử xem, nếu được thì bán, nếu không được thì cũng không ảnh hưởng đến vụ hè. Ý mẹ thế nào?"
Dĩ nhiên nàng không có ý kiến gì. Theo thói quen nàng nhìn về phía ghế chủ tọa, nhưng khi thấy chỗ ghế trống không đó, trong lòng lại dâng lên một nỗi buồn. Nàng suy nghĩ một lúc, vẫn không nghĩ ra được điều gì hay ho bèn nói: "Bố con không còn nữa, giờ trong nhà con là người làm chủ. Con muốn thử cái gì mẹ cũng đều ủng hộ."
Lạp Nguyệt cũng thèm món ốc đồng lúc trưa, nói theo: "Con cũng ủng hộ ạ."
Mà Lư Chu nhìn trái nhìn phải, lại suy nghĩ một lúc rồi mới nói: "Con cũng..."
Thấy mọi người như vậy, Lư Hủ quyết định bảo: "Được. Vậy quyết định thế nhé. Lạp Nguyệt ăn xong chưa, anh cả dẫn em đi bắt ốc đồng."
Lư Chu: "..." Cậu còn chưa nói xong mà, thôi, bỏ đi.
Cậu bé bưng bát tiếp tục ăn một cách chậm rãi, sau đó giúp Nguyên Mạn Nương dọn bát đũa, rồi lại thái rau cho gà và lợn ăn. Dọn dẹp xong nhà cửa, Lư Chu mới xách giỏ mây ra suối.
Lúc ấy Lư Hủ đã dẫn Lạp Nguyệt bắt được một mớ ốc lớn. Ngoài ra còn có Tiểu Hạ, Tiểu Vũ, Hàn Lộ và Tiểu Mãn nhà chú ba, chú tư cũng đang giúp đỡ. Điều kỳ lạ nhất là người em họ* Lư Văn cũng chạy đến giúp.
Lư Văn vốn là một đứa lười biếng và ham chơi nhất nhà đó!
Không những vậy, Lư Văn còn bỏ một ít ốc đồng vào giỏ của Lư Hủ, giở giọng nịnh nọt: "Anh cả, anh nấu xong em đến nhà anh ăn được không?"
Biết ngay mà! Lư Chu bĩu môi đi đổi giỏ với Lạp Nguyệt.
Hai chị họ bắt được ốc đều bỏ vào giỏ của Lạp Nguyệt, Lạp Nguyệt sắp xách không nổi nữa rồi.
Tiểu Hạ mắng Lư Văn: "Đồ tham ăn! Anh cả đã nói là để bán lấy tiền mà."
Nhưng Lư Văn chẳng sợ chị gái, lè lưỡi trêu chọc Lư Hủ: "Anh cả, được không ạ?"
Ai ngờ Lư Hủ lại lắc lắc cái giỏ, nói: "Nếu em bắt được đầy giỏ này, anh sẽ đổi cho em một bát, được không?"
Lư Văn lắc đầu đáp: "Nhiều quá."
Lư Hủ nói tiếp: "Em cứ bắt từ từ, bắt được đem về nhà thả vào chậu nuôi, đủ rồi thì đến tìm anh đổi."
Lư Văn suy nghĩ một chút: "Được ạ."
Bạn bè của nhóc nhiều, có thể nhờ chúng nó giúp.
Đột nhiên Tiểu Hạ đẩy Lư Văn ra: "Đổi gì mà đổi, ngày nào em chẳng ra suối chơi, bắt vài con ốc có tốn sức gì đâu."
Đuổi Lư Văn đi rồi, Tiểu Hạ hỏi Lư Hủ: "Bán cái này có kiếm được tiền không anh?"
____ Truyện được edit và đăng tải miễn phí tại T Y T____
Cô đã nếm thử ốc xào, phải cho khá nhiều gia vị, mà bây giờ cái gì cũng tăng giá. Ốc đồng cũng chẳng phải thứ gì hiếm lạ, bán đắt thì không được, bán rẻ thì sợ Lư Hủ lỗ vốn.
Nhưng Lư Hủ lại thản nhiên nói: "Kiếm được bao nhiêu thì chưa biết, anh tính toán rồi bán, chắc chắn không lỗ đâu."
Hàn Lộ rất ủng hộ hắn. Cô thích ăn cay, thấy ốc xào vừa cay vừa thơm, đó là hương vị cô chưa từng nếm thử. Chưa nói đến ăn, cô còn chưa từng ngửi thấy mùi thơm này. Cô nói: "Chắc chắn kiếm được tiền! Anh cả, em bắt cho anh, nếu bán còn thừa thì bán rẻ cho em một ít nhé."
Lư Hủ nghe mà buồn cười. Hắn còn chưa bắt đầu bán mà đã có hai người muốn mua rẻ rồi. Vậy chứng tỏ điều gì? Đấy là ốc xào của hắn ngon!
Thế là Lư Hủ xào thêm một nồi nữa, để liu riu trong nồi. Mà hắn bắt đầu ngồi xổm xuống đất tính toán chi phí.
Dầu, gia vị, ốc đồng, cả nồi nữa.
Cứ xào thế này thì nồi nhà hắn sớm muộn gì cũng hỏng.
Tính công cho hắn như chú ba bốc vác ở bến cảng, một ngày ba mươi đồng.
Trừ đi phần cho mấy đứa nhỏ ăn vặt thay tiền công.
"Đúng rồi! Còn Nhan Quân Tề nữa." Lư Hủ bỗng cười khẩy. Nhóc thư sinh kia có vẻ cũng thích ăn lắm.
Rồi Lư Hủ tiếp tục tính toán, hắn lấy cái bát nhỏ nhất trong nhà, múc ốc từ nồi sang vại, tính xem một nồi được bao nhiêu bát. Hắn sẽ bán theo bát nhỏ, một bát năm đồng, thế là hắn lãi hai đồng.
Tính xong, hắn còn phải đi khảo sát giá cả nữa.
Từ thôn Lư gia đi về hướng đông, người lớn đi bộ khoảng bốn mươi phút là đến trấn Ẩm Mã gần nhất. Tương truyền rằng, vào đời trước trong trấn có vị tướng quân từng cho ngựa uống nước và chiêu mộ binh lính ở bờ sông. Sau khi ông thành đạt, tên trấn cũng được đổi từ Hà Âm thành Ẩm Mã.
Trấn này là một trấn nhỏ, họp chợ năm ngày một lần. Vì các thôn làng tập trung gần đây, đi lại cũng không mất nhiều thời gian nên người dân ở các thôn làng lân cận đều thích đến đây họp chợ, mua dầu muối tương dấm, đổi nông sản đặc sản hay mua vài miếng đậu phụ.
Do đó, người trong trấn chủ yếu là nông dân từ các làng lân cận đến họp chợ.
Ngoài ra, trấn có một bến tàu, vì mỗi phiên chợ đều có người từ huyện chở hàng theo mùa đến bán lẻ, như kẹo, bánh ngọt, vải hoa. Mùa xuân bán dụng cụ dệt, nông cụ. Mùa hè bán thuốc chống côn trùng, chống nắng, trị tiêu chảy. Mùa thu bán bông, đồ rừng, các loại trái cây hiếm thấy ở đây...
Dù bán đắt hơn ở huyện, nhưng đi thuyền từ trấn lên huyện mất hai mươi đồng, đi đường mất cả ngày. Cho nên dân làng tính đi tính lại vẫn thấy mua lẻ thế này có lợi hơn. Chỉ có mùa sắm Tết, dân làng mới rủ nhau lên huyện một chuyến.
Mà ngoài việc bán, họ cũng thu mua đồ nữa.
Thuê một cái lán bên bến tàu, kê bàn ghế, mua lương thực, củi khô, rau củ, chiếu, giỏ, vải thô, rau củ sấy...
Tuy giá trị hàng hóa bị ép thấp, nhưng số lượng lại lớn.
Nhà Nhan Quân Tề có đan chiếu. Mùa thu đông cắt lau sậy, về nhà sẽ chẻ thành từng thanh rồi đan thành chiếu, giỏ, rổ để đem ra chợ bán. Nếu bán không hết thì bán rẻ cho thương lái ở bến tàu. Nhưng nếu bán lúc gần tối thì giá cả còn bị ép thấp hơn. Sau khi nhà cậu ấy thu được tiền, trừ đi chi tiêu trong nhà, còn lại sẽ mua giấy mực rẻ tiền ở hiệu sách duy nhất trong trấn. Trước đây đều là bố cậu mang chiếu tới bán, nhưng giờ ông ấy mất rồi. Thế nên mấy tháng trôi qua, trong nhà vẫn còn khá nhiều chiếu.
Vì vậy lần này Lư Hủ đi chợ, Nhan Quân Tề cũng vác chiếu đi cùng.
Nhà cậu cũng hết tiền rồi.
—
Chú thích:
Theo gia phả dòng tộc nhà Lư Hủ, vai vế bố Lư Hủ cao nhất, đáng lý Lư Chu gọi Lư Văn (em họ Lư Hủ) là em họ theo gia phả. Nhưng ở đây tác giả để Lư Chu gọi Lư Văn là anh họ, vì Văn lớn tuổi hơn Chu, không bó buộc như cách xưng hô ở miền Bắc Việt Nam, mà giống trong Nam mình hơn.