Mẹ của Nhan Quân Tề cuộn chiếu lại, buộc chặt, giúp cậu vác nó lên lưng.

Thế là cậu thư sinh mới mười lăm tuổi tức thì bị đè xuống, lùn đi một khúc.

Bà xót con, mắt đỏ hoe mà cố kìm nén: "Rẻ một chút cũng không sao, bán được là tốt rồi. Lúc về thì mua một cân muối, số tiền còn lại con mua bút mực. Nếu con và anh Hủ giữa trưa có đói thì nhớ mua chút gì ăn nhé."

Nghe vậy Nhan Quân Tề gật đầu đáp: "Con biết rồi mẹ."

Còn Lư Hủ đeo một cái gùi, trong đó có hũ ốc xào. Ngoài ra, từ lúc sáng sớm Nguyên Mạn Nương đã đến bờ sông hái những chiếc lá dong to nhất cho hắn làm túi đựng.

Mỗi cái gùi không cũng đã nặng rồi. Khi Lư Hủ nhấc thử nó lên, hắn cảm thấy rất nhớ nhung những cái túi ni lông vừa nhẹ vừa bền.

Hắn chỉ biết im lặng thở dài, bước ra khỏi nhà.

Thấy hắn đi, Nguyên Mạn Nương vội chạy theo dặn dò: "Nếu bán rẻ được thì cứ bán, không bán được thì mang về cũng không sao. Con giữ tiền cẩn thận, đi đường chú ý chút, đừng bán quá muộn, nhớ phải về trước khi trời tối đấy."

  

"Con biết rồi ạ." Nắm chặt sợi dây gai trên vai, Lư Hủ suy nghĩ miên man, xem có cách nào để vác gùi nhẹ hơn không. Nhưng vừa ra khỏi cửa hắn đã trông thấy Nhan Quân Tề, tức thì nói không nên lời.

Đến việc đứng còn khó khăn như vậy… Sao mà Nhan Quân Tề đi nổi?!

Hắn định hỏi mẹ Nhan rằng, có phải bà ấy coi con trai mình như súc vật không. Thế nhưng khi thấy đôi mắt đỏ hoe của bà, hắn bèn nuốt xuống lời muốn hỏi. Lư Hủ lần nữa siết chặt nắm tay rồi buông ra. Hắn biết một điều. Đó là Nhan Quân Tề cũng giống như hắn, bọn họ đều là trụ cột trong nhà rồi.

Khi mẹ Nhan thấy hắn đi ra, bà ấy không quên dặn hắn chăm sóc Nhan Quân Tề.

Dĩ nhiên Lư Hủ đồng ý.

  

Trước kia “Lư Hủ” từng đến huyện, và cũng hay xuống ruộng làm việc. Nhưng Nhan Quân Tề từ nhỏ đã đi học, nào từng làm việc nặng bao giờ.

Mãi đến khi hai người đi tới cửa thôn, họ đã không còn thấy mẹ Nhan và Nguyên Mạn Nương đâu nữa. Rồi đột nhiên Lư Hủ hỏi người bên cạnh: "Có được không? Hay hai ta đổi cho nhau đi?"

Nhưng Nhan Quân Tề lắc đầu.

Tuy vậy hắn vẫn nói: "Cậu cứ thế này là mệt ốm đó! Đi khám bệnh còn tốn tiền hơn nữa."

Dù bọn họ mới chỉ đi đến đầu làng, nhưng mặt Nhan Quân Tề đã đổ đầy mồ hôi. Ấy vậy cậu vẫn mỉm cười nhẹ nhàng: "Chiếc chiếu này nhìn thì to, nhưng thực ra khá nhẹ. Nếu em không vác nổi nữa, chẳng phải sẽ làm phiền đến anh sao."

Hết cách, Lư Hủ bất đắc dĩ nói: "Được thôi."

Tuy thấy cậu đi khó khăn, nhưng chính hắn cũng không tiện nói thêm gì. Vì trước kia “Lư Hủ” và Nhan Quân Tề không thật sự thân thiết, chắc cậu có mệt đến mấy cũng ngại làm phiền hắn.

Rồi bỗng Lư Hủ bước chậm lại, từ phía sau đỡ lấy cuộn chiếu của cậu, tức thì vai cậu nhẹ bẫng. Khi quay đầu lại, cậu bắt gặp khuôn mặt thiếu kiên nhẫn của hắn.

Chỉ thấy hắn ngang ngược ngẩng mặt, không cho phép từ chối, nói: "Đi!"

Nhan Quân Tề đành gật đầu bảo: "Cảm ơn anh ạ."

Thế là với con đường bình thường chỉ mất vài chục phút, bọn họ phải đi mất gần hai tiếng đồng hồ mới đến chợ, và hiển nhiên những vị trí tốt đã bị người ta chiếm gần hết. Nếu chỉ có Lư Hủ, hắn sẽ tìm đại một khe hở giữa hai quầy hàng để chen vào. Đằng này, chiếu của Nhan Quân Tề cần phải trải ra cho mọi người lựa chọn, do đó họ phải tìm một khoảng đất trống bằng phẳng mới được.

Nhìn xung quanh, Nhan Quân Tề nói với hắn: "Anh Hủ, để em tự đi tìm chỗ."

Nhưng hắn lại nói: "Cùng đi đi.”

Hắn phải là một người trọng tình nghĩa. Sao có thể vì chút khó khăn mà để cậu tự đi tìm chỗ được? Hơn nữa đứa nhỏ này da mặt mỏng, chắc chắn không biết trả giá. Nếu hắn không dòm chừng, chẳng phải cậu sẽ bị người ta lừa à? 

Thế là Lư Hủ nói với Nhan Quân Tề: "Chúng ta đã cùng nhau đến chợ, dĩ nhiên cũng phải cùng nhau buôn bán."

Và rồi hắn dẫn cậu tìm trái tìm phải, cuối cùng họ bày hàng trước một tiệm thuốc.

Ngay lập tức, ông chủ tiệm thuốc đứng sau quầy ngẩng đầu lên nhìn: "Ê, ê, đừng chắn cửa!"

Lư Hủ chỉ đáp lại một tiếng: "Không đâu ạ, ông cứ yên tâm." 

Giúp Nhan Quân Tề cởi dây buộc, bày chiếu ra rồi hắn mới đặt gùi xuống. Sau đấy hắn múc nửa bát ốc xào từ trong vại đưa cho ông chủ tiệm thuốc: "Món nhắm nhà cháu làm, ông nếm thử xem ạ."

Thấy vậy ông chủ tiệm thuốc bật cười, nghĩ thầm, thằng nhóc này cũng biết cách lấy lòng người khác. 

Ông cúi đầu, nhìn thấy đó là ốc đồng. Tuy đây không phải thứ gì quý giá, nhưng ông vẫn gọi người làm ra sau lấy một cái bát để đựng. Rồi ông quay sang hỏi hắn: "Cậu là người làng nào, hình như trước đây ta chưa gặp cậu."

"Thôn Lư gia ạ! Đây cũng là lần đầu tiên cháu đến bán, mong được ông bảo ban ạ."

Ông chủ gật đầu, nhón một con ốc lên nếm thử, vẻ mặt sững lại. Ông ấy lại nhón thêm một con nữa, nếm lại và bảo: "Trong này cậu có bỏ ớt khô."

"Vâng."

"Vị ớt khô này của cậu làm thế nào vậy?"

  

Bỗng thấy Lư Hủ cười nói: "Đây là bí quyết gia truyền của nhà cháu ạ. Cách làm ớt này, cả huyện chỉ có nhà cháu làm thôi. Cháu cũng không giấu gì ông, nhà cháu chỉ trông cậy vào cái này để kiếm chút tiền, hay là, ông mua thêm chút nữa đi?"

Ông chủ vừa cười vừa nghĩ rằng, một món ốc xào thôi mà cũng có thể thành của hiếm lạ: "Sao cậu không nói cả nước Đại Kỳ chỉ có mình cậu làm luôn đi?"

Ai dè hắn mặt dày nói luôn: "Có khi đúng là vậy thật ạ! Nhưng ông ơi, cháu phải biết khiêm tốn."

Còn khiêm tốn! Ông chủ khẽ chuyển động đầu lưỡi. Ông đại khái có thể nếm ra trong này có những gia vị gì, nhưng những gia vị này lại có thêm một hương vị mà bình thường không có. Giống như dầu chín, thế nhưng dầu chín sao có thể hòa quyện được mùi thơm của ớt và tương được. Nhất thời ông không hiểu ra, không biết nhà thằng nhóc này làm thế nào: "Một bát bao nhiêu tiền vậy?"

Rồi hắn trả lời dứt khoát: "Năm đồng, ông giúp cháu mở hàng, cháu tặng ông thêm nửa bát."

Cái bát nhỏ xíu như vậy, chậc, ông chủ trầm ngâm một tiếng: "Cho ba bát đi."

Vậy là Lư Hủ mở hàng thành công.

Nhưng sau đó mọi chuyện không suôn sẻ như thế nữa.

Trong lúc hắn bán một phần ốc xào, những chỗ trống gần tiệm thuốc cũng đã bị lấp đầy, vừa hay đó là những người bán rau, bán gạo, bán củi... đều là những người kiếm tiền vất vả. Vì vậy năm đồng tiền một bát ốc nhỏ, ai cũng không nỡ ăn.

Bây giờ cái gì cũng tăng giá, một bó củi chỉ bán ba mươi đồng, một nắm rau đã nhặt sạch sẽ cũng chỉ bán có năm đồng tiền.

  

"Gạo lứt một cân mới mười đồng, mua cân bột thô xay sẵn cũng chỉ mười lăm đồng. Thế ốc của cậu dùng vàng nấu hay gì mà dám bán đắt thế?"

"Người ta bán cá ở bến tàu, cá tạp lớn hai đồng một con, nhỏ thì một đồng một con, còn có loại một đồng hai con. Nấu chúng lên dù sao cũng có thịt, ốc của cậu có thịt đâu."

Nhưng Lư Hủ chỉ biết cười: "Không giống nhau ạ! Ốc của cháu có bỏ nguyên liệu quý vào nấu. Đó là bí quyết nhà cháu, mấy chỗ khác mọi người không ăn được đâu."

Thực hiện: Clitus x T Y T

Người khác không nghe hắn nói, vừa mở miệng liền phản bác: "Người ta bán bánh bao thịt ở bến tàu, một cái chỉ năm đồng."

Lư Hủ đồng nói: "Ngài mua năm đồng tiền ốc, thịt chắc chắn nhiều hơn trong bánh bao."

"Của người ta là thịt lợn!"

"Đúng thế. Nhưng ở ngoài sông có nhiều ốc hơn, lại còn miễn phí!"

Lư Hủ mỉm cười lắng nghe họ nói nhảm, không hề tức giận.

Hắn đến đây vốn để tìm hiểu tình hình. Nếu họ muốn nói chuyện thì hắn sẵn sàng lắng nghe. Dù sao chưa đến giờ cơm trưa, hắn không vội, còn vui vẻ giúp Nhan Quân Tề bán chiếu.

"Bác gái, con của bác còn nhỏ, da mềm, để cháu chọn cho bác một chiếc chiếu mềm nhé. Bác xem, không có chút gai nào, trải giường là thích hợp nhất."

"Phơi thóc hả? Vậy chọn cái dày, chắc chắn vào, cái này được không?"

"Làm lều thì mua loại dày, phủ rơm lên trên chống mưa."

  

Nhan Quân Tề nhìn mà ngẩn người. Đó toàn là chiếu bố mình đan, sao cậu lại không biết còn có phân biệt mềm cứng, dày mỏng, thưa dày nữa?

Mà Lư Hủ nói vậy cũng đúng. Bác gái mua chiếu chọn kỹ lắm, phải xem từng tấm, chọn cái chặt nhất.

Nhan Quân Tề: "..."

  

Thấy bác gái mua chiếu vui vẻ cầm chiếu đi, Nhan Quân Tề hẵng còn ngơ ngác.

Lư Hủ còn nói với cậu: "Chiếu to thế này mà chỉ có tám mươi đồng. Giờ tám mươi đồng mua được gì, còn chẳng mua nổi hai cân muối. Đổi thành chú của anh bán, phải thêm năm đồng không cho chọn, em trai anh thì lại thật thà không biết nói thách, bán giá rẻ, không mặc cả, còn cho chọn thoải mái!"

  

Bố cậu cũng nghĩ chiếu ông đan đều như nhau, có gì mà chọn?

Nghe Lư Hủ ba hoa một hồi, người mua chiếu càng ngày càng đông, người này nhìn người kia chọn. Ai cũng sợ bị người khác mua mất chiếu tốt. Chưa tới trưa, hắn đã bán được sáu tấm!

Tới giờ ăn, chủ tiệm thuốc vào trong ăn cơm, sai người ra mua thêm hai bát ốc của Lư Hủ. Người bán hàng gần đó thấy vậy cũng tò mò, ngon thật à? Đã mua tới năm bát rồi.

Nhác thấy thời gian cũng đến rồi, Lư Hủ đeo gùi lên trước ngực, dặn dò Nhan Quân Tề: "Anh ra bến tàu bán, Quân Tề ở đây bán nhé, cứ bán giá lúc nãy, không mặc cả đâu đấy."

Nhan Quân Tề gật đầu, nghe theo lời hắn. Bấy giờ đầu óc cậu ong ong, toàn là mấy lời ba hoa của hắn.

Hai tay nâng đáy gùi, hắn vừa tới bến tàu đã rao hàng: "Ốc xào gia truyền, mặn ngọt cay thơm, ngon cơm, nhậu lại càng ngon! Ốc xào gia truyền đây!"

  

Hắn thong thả tiến về phía tiệm bánh bao, thấy ai mua bánh bao thì đưa hai con ốc: "Ngài nếm thử xem ạ, không ngon không mua không mất tiền."

Người mua ngẩn ra, theo phản xạ nhận lấy.

Rồi Lư Hủ nói: "Đưa lên miệng mút một cái là thịt ra ngay."

Người kia nghi ngờ đưa lên miệng thử, bị cay ho sặc sụa: "Cay thật! Ốc này bán thế nào?"

Lư Hủ trả lời: "Gia vị bí truyền, chỗ khác không có đâu. Cháu bán năm đồng một bát, ngài lấy mấy bát?"

Người kia suy nghĩ một chút: "Cho một bát trước đi."

  

Thế là Lư Hủ dùng lá sậy gói lại cho ông ta.

Mọi người thấy vậy cũng tò mò, Lư Hủ lại đi phát cho mỗi người hai con ốc nếm thử. Cuối cùng hắn bán được hơn chục bát ngay cạnh tiệm bánh bao.

Ông chủ tiệm bánh bao: "..."

Chỉ thấy Lư Hủ cười hì hì nói: "Cho cháu hai bánh bao chay, một bánh bao thịt."

Hắn thấy bánh bao ở đây khá to, nhìn mềm xốp, chắc chắn ngon hơn bánh mẹ kế làm nhiều!

Ông chủ thấy vậy mới nguôi ngoai.

Mua xong bánh bao, Lư Hủ thấy những người bán hàng thuê sạp như mọi khi hôm nay đều chen chúc ở mép khu sạp, dưới hai sạp lớn nhất hình như đang thu mua hàng.

Lư Hủ vừa ăn bánh bao vừa hỏi ông chủ: "Chú ơi, bên đó đang thu mua gì vậy?"

Ông chủ đáp: "Thu mua lương thực."

Lư Hủ ngạc nhiên hô lên: "Lúc này mà thu mua lương thực á?" 

Vào lúc giáp hạt* thế này, nhà nào cũng như nhà nấy chẳng dư dả gì. Ai lại đi bán lương thực chứ?

(*)Thời kì giáp hạt/thời kì giáp vụ/tháng ba ngày tám: trái cây, hạt lúa còn xanh, chưa chín đồng, dễ đói kém.

Hơn nữa, sắp đến vụ hè thu rồi. Đó mới là mùa thu mua lương thực thật sự. Ai lại sốt ruột thế không biết?

Vì vậy Lư Hủ thắc mắc hỏi ông ấy: "Chỗ nào bị thiên tai à ông?"

Ông chủ lắc đầu: "Không có nghe nói."

  

Với chút kiến thức ít ỏi về thời trung đại và ký ức của “Lư Hủ”, hắn chỉ có thể nghĩ ra một lời giải thích duy nhất - chiến tranh sắp nổ ra!

Ông chủ tiệm bánh bao nhào bột với vẻ mặt lo lắng, không nói thêm lời nào.

Lư Hủ ôm gùi, đến gần chỗ đó xem. Hắn vừa đến bên sạp đã nghe thấy tiếng gọi: "Người bán ốc đâu, mau lại đây."

Bưng gùi tới, hắn thấy trên bàn có nửa túi ốc rồi lại thấy người vừa mua ốc của hắn đang ngồi chia. Đó là vị chưởng quầy mặc vải mịn mua năm bát.

Nghe thấy tiếng động, người ở sạp thu mua lương thực phái người đến gọi Lư Hủ. 

Thấy họ ai nấy đều cao lớn, nói giọng khác lạ, Lư Hủ càng thêm chắc chắn về suy đoán của mình.

Vị thủ lĩnh nếm thử ốc, mua gần hết cả hũ của Lư Hủ. Họ không để Lư Hủ đong theo bát, mà đưa luôn nửa lạng bạc.

Trúng mánh rồi! Lư Hủ âm thầm thở phào, xem ra họ cũng văn minh đấy chứ, vừa nãy hắn còn sợ họ ăn xong không trả tiền.

Thế là Lư Hủ đánh bạo hỏi: "Lần sau ngài còn thu mua ở đây nữa không?"

Thủ lĩnh bảo người chia ốc: "Không. Nhà cậu có dư lương thực không, bảo người mang đến bán, một thạch* năm ngàn đồng."

Lời nói ấy khiến Lư Hủ giật hết cả mình.

(*) Đơn vị đo lường thể tích, khối lượng thời xưa

  

Một cân gạo ngon bây giờ chỉ có năm mươi đồng. Mà ở đây chủ yếu trồng lúa mì, dù năm nay giá đã tăng liên tục, nhưng cao nhất cũng chỉ bốn ngàn đồng một thạch!

Nhìn bọn họ, Lư Hủ lắc đầu nói: "Nhà cháu chỉ có hai mẫu ruộng, không có lương thực dự trữ. Các ngài có thu mua đậu không?"

Nhà hắn tuy không có lương thực, nhưng nhà chú ba chú tư thì có đấy! Đặc biệt là các loại đậu.

____ Truyện được edit và đăng tải miễn phí tại T Y T____

Đối phương trầm ngâm một lát, hỏi hắn: "Mua! Cậu ở làng nào?"

Lư Hủ đáp ngay tắp lự: "Thôn Lư gia ạ."

Thấy đối phương gật đầu bảo: "Ngày mai ta ở lại thêm một ngày nữa, bảo người trong làng muốn bán lương thực thì đến đây tìm ta."

Lư Hủ trả lời: "Vâng."

  

Sau đó hắn rao bán ở bến tàu thêm một lúc. Thấy vẫn còn một hàng hũ dưới đáy, hắn bèn bưng gùi đến hỏi những người khuân vác xem họ có muốn mua không.

Làm khuân vác ở bến tàu một ngày mới kiếm được ba mươi đồng tiền công. Nên phải là người chịu chi lắm thì mới dám mua một cái bánh bao chay, và đa số ai nấy cũng đều tự mang theo bánh bột ngô để ăn trưa, càng không nỡ bỏ tiền ra mua món ốc xào này.

Sức mua của người bình thường trong trấn chỉ có vậy. Ngay cả ông chủ tiệm thuốc cũng chỉ mua thử cho biết, chứ lâu dần ông ấy cũng sẽ không mua một lúc năm bát.

Suy nghĩ một chút, Lư Hủ gấp lá sậy thành một cái túi nhỏ, đề nghị: "Một bát không đựng được ba túi, một túi hai đồng, các anh có mua không?"

Vài người thấy động lòng: "Có thể nếm thử không?"

"Được chứ." Lư Hủ bốc cho mỗi người hai con.

  

Ăn mỗi bánh bao thô thì khô cứng khó nuốt quá! Mà khi họ nếm thử thấy ốc ngon bèn móc tiền ra mua cả túi, có người nhờ Lư Hủ gói một bát mang về cho con.

Thế rồi Lư Hủ cũng bán gần hết ốc, chỉ còn sót vài con. Hắn vác gùi về tiệm thuốc, chia số còn lại cho Nhan Quân Tề cùng ăn.

Do buổi trưa vắng khách nên cậu chỉ bán được một tấm chiếu.

Lư Hủ lấy ra hai cái bánh bao gói trong lá sen đưa cho cậu. Hắn tách đôi bánh bao thịt, mỗi người một nửa, cái bánh bao chay còn lại cũng đưa cho cậu ấy: "Bánh bao của anh ăn rồi, cái này cho cậu đấy."

Nhan Quân Tề muốn đưa tiền nhưng hắn không lấy. 

Cậu ấy suy nghĩ một lát, cậu bẻ nửa cái bánh bao chay đưa cho Lư Hủ. Hắn cũng không từ chối, nhận lấy, gặm hai ba miếng là hết.

Thực ra hắn mua bánh bao chỉ là muốn thử xem bánh bao thịt năm đồng và bánh bao chay hai đồng có ngon hay không. Nói thật thì bánh bao này còn thua xa bánh bao do bà nội hắn làm. So với bánh bao này, Lư Hủ lại thấy bán một bát ốc giá năm đồng tiền thật sự là lỗ vốn.

Buổi chiều Nhan Quân Tề bán thêm được một tấm chiếu, còn hai tấm không định bán nữa. Còn Lư Hủ chạy đến tiệm thuốc mua ít hoa hồi, thảo quả các loại. Ở đây có người hầm thịt làm tương cũng hay cho hương liệu thuốc bắc, chủ tiệm cũng không thấy lạ.

Hai tấm chiếu còn lại họ vác ra bến tàu bán được năm mươi đồng một tấm, hai người nhẹ nhõm đi mua dầu muối.

  

Giá muối tăng từ năm mươi lên sáu mươi đồng, dầu từ một trăm lên một trăm hai mươi đồng. Lư Hủ cắn răng mua hai cân muối một cân dầu, lại mua thêm một cân rượu rẻ nhất hai mươi đồng, một hũ giấm mười lăm đồng, hai cân xì dầu ba mươi đồng. Tiền vừa mới kiếm được đã ồ ạt chảy đi, hắn càng thấy bán ốc quá lỗ vốn.

Nhan Quân Tề mua muối xong, lại mua cho em trai một gói kẹo mạch nha, rồi cùng Lư Hủ đến hiệu sách mua giấy mực.

  

Giấy loại tệ nhất, mỏng dày không đều, có chỗ còn thủng lỗ, một xấp đã hai trăm đồng. Mực tệ nhất, một cục ba trăm đồng. Loại giấy đều hơn chút thì một xấp năm trăm đồng, mực tốt hơn một bậc thì lên một lượng. Mực có mùi thơm thì mười mấy lượng bạc một cục!

Lư Hủ thẫn thờ tính toán, bao nhiêu ốc mới bằng một cục mực? Hèn gì Nhan Quân Tề suốt ngày lấy cành cây viết chữ trong sân.

Trên đường về ghé qua bến tàu, Lư Hủ đến quầy cá mặc cả một hồi, cuối cùng hắn bỏ ra hai mươi đồng mua được nửa chậu cá có lớn có nhỏ. Dù con lớn nhất chưa đến nửa thước, nhưng dù sao cũng là thịt, mang về hầm nhừ xương, làm thức ăn mặn đổi bữa!

 

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play