Khó khăn lắm mới đuổi được mẹ Hắc Bì và những người đến xem chuyện thì Tô Mạn lại bị người nhà ông Tô vây quanh. 

Vẻ mặt Lý Xuân Hoa đau khổ vô cùng: "Con nên giữ lại con gái à." 

"Lần này em mất trí thật rồi em gái." Tô Nhị Trụ không vui nổi. 

Tô Tam Trụ thở dài: "Em nói thử anh nghe xem, mắc gì đồ tốt đến tay rồi mà còn đẩy ra?" 

Tô Mạn cũng hiểu cho quan điểm của bọn họ, làm việc tốt mà sao không nhận lại được gì: "Không, làm việc thiện không cầu lợi ích. Một khi nhận lợi ích thì mọi thứ sẽ biến chất. Con chỉ muốn làm việc tốt, chưa từng mong được người ta trả ơn. Mọi người không hiểu được tâm trạng của con đâu." 

Người nhà ông Tô: "..."

Chị dâu cả Lâm Tuyết Cúc lầm bầm: "Không phải chị có ý gì đâu, nhưng em nhìn mình xem, mặc tới mặc lui hai bộ quần áo. Chị giặt đến mức tả tơi rồi, nếu em nhận mảnh vải đó thì đã có thể may thêm bộ quần áo." 

Chất liệu tốt như thế có thể may được hai chiếc áo ngắn. 

Lâm Tuyết Cúc càng nghĩ càng tiếc. 

Hai mắt Tô Mạn sáng lên, cô nhìn Lâm Tuyết Cúc và nói: "Chị cả, cảm ơn vì đã nhắc em, em đúng là thiếu vài bộ quần áo thật. Ít nhiều gì giờ em cũng phải để ý thể diện nên may thêm hai bộ quần áo." Cô quay sang nhìn Lý Xuân Hoa còn đang đau sót vì không lấy được mảnh vải: "Mẹ ơi, mẹ nói xem có phải con nên may thêm hai bộ quần áo nữa không? Mẹ còn phiếu vải không?" 

Lý Xuân Hoa: "..."

Phiếu vải thì còn, nhưng có sẵn thì cô không lấy, giờ lại đòi hỏi phiếu vải của mẹ hả? 

Lý Xuân Hoa mếu máo, chợt cảm thấy ức chế. Sao bà ta lại sinh ra một đứa con ngu ngốc như vậy chứ? 

Trước đây còn thấy có tương lai, nhưng giờ nhìn lại có vẻ như cô chưa đủ sáng suốt, vẫn chưa thừa hưởng được trí óc của bà ta. 

Bà ta còn đang đau khổ, nhưng con gái đã hỏi rồi thì phải đành đưa phiếu cho cô. 

Mà người nhà họ Tô cũng không có nhiều quần áo lắm. Nhà nghèo, cả năm có thêm quần áo thì cùng lắm cũng chỉ có sáu bộ. Có vài bộ khâu khâu vá vá tới lui vài mảnh, không dễ gì để may quần áo mới. Có duy nhất một ngoại lệ là Tô Thu Nguyệt, vì được học trung học đàng hoàng, là bộ mặt của cả nhà nên mới được ưu ái hơn. - Bản edit thuộc quyền sở hữu của 𝖙y𝖙novel chỉ đăng tải duy nhất tại ứng dụng T Y T -

Bây giờ Tô Mạn cũng tương tự nên cũng được may quần áo. 

Lý Xuân Hoa nói: "Đến hợp tác xã bên kia mua vải đi." 

Thấy mẹ chồng đồng ý như thế, Lâm Tuyết Cúc cũng hùa theo: "Mẹ, con cũng muốn may một bộ. Trước đây con đã lấy vải may cho Thạch Đầu với Tiểu Thảo hai bộ, con chưa có bộ nào mặc." 

Lý Xuân Hoa mặt lạnh căm: "Cô đã là mẹ của hai đứa nhỏ rồi, may áo đẹp mặc để làm gì?" 

Lâm Tuyết Cúc đỏ mặt tía tai, định xửng cổ lên cãi lại thì Lý Xuân Hoa kiêu căng nói: "Nếu cô cũng có triển vọng như con gái tôi thì tôi sẽ may quần áo mới cho cô." 

Lâm Tuyết Cúc: "..." 

Mặc dù người nhà ông Tô thấy đầu óc của Tô Mạn ngu dốt mà được ưu ái ra mặt thế khiến họ thấy khó chịu không thôi, nhưng giờ có khó chịu cũng vô ích. Sau khi bình tĩnh lại, họ thấy dù sao Tô Mạn cũng đã cứu người. 

Nghe nói là nhảy thẳng xuống nước để cứu. Nhưng mà em gái họ học bơi từ khi nào vậy? Đã thế còn biết sơ cứu được người. 

Lúc đó Hắc Bì đã xém chết, nhưng em gái chỉ cần đến chạm vài cái là đã cứu được rồi. 

Kinh ngạc quá đi. 

Kỳ diệu như khi em gái kể chuyện xưa vậy. 

Tô Mạn trợn trắng mắt: "Mọi người bắt đầu quan tâm đến em từ khi nào vậy? Trước đây không ai quan tâm đến em, em đành tự đi học bơi còn phải nói cho mọi người biết hả?" 

Người nhà ông Tô nghe thế cũng không biết phản bác như nào cho phải. 

Dù sao họ cũng bận rộn tới lui cả một ngày, chẳng ai có thể cứ chăm chăm vào một đứa trẻ được. Cô học từ lúc nào họ cũng chẳng biết. 

"Vậy em cứu Hắc Bì kiểu gì vậy?" Tô Tam Trụ hỏi. 

Tô Mạn nói: "Cái này dễ lắm. Đọc nhiều sách hơn đi anh. Có rất nhiều sách hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và các phương pháp sơ cứu. Em không nhớ mình đã đọc khi nào. Có lẽ là những quyển sách chăm sóc sức khỏe do trường phát." 

Tô Đại Trụ kinh ngạc: "Em biết nhiều thế." 

Tô Tam Trụ gật đầu: "Đúng thật, đứa nhóc này cứ âm thầm học nhiều vậy mà chúng ta chẳng hay biết gì cả."

Tô Nhị Trụ nói: "Cũng không cần thiết, phải nhìn lại coi đó là em gái của ai chứ. Trong thôn này, tôi là người bơi giỏi nhất."

Lý Xuân Hoa bùi ngùi: "Bảo sao người ta hay nói chó cắn là chó không sủa..." 

Tô Mạn nhìn bà ta với vẻ mặt chết lặng. 

"Khụ khụ, ý mẹ là con gái yêu của mẹ giỏi lắm. Đúng rồi, hôm nay con thi thế nào rồi? Không phải con nói đến hợp tác xã thi à?" 

Lý Xuân Hoa nhanh chóng đổi chủ đề.

Tô Mạn nói: "Nắm chắc rồi."

Nhà họ Tô có hơi không tin, dù sao trước đây chị gái cô là Tô Thu Nguyệt học hai năm mới học được nhiều như vậy, mà hầu hết đều nhờ được đi học ở trường. 

Còn em gái chỉ tự học thì sao mà đáng tin được? 

Nhưng chẳng ai nói ra, nói mất công mất hứng, ngay cả Lâm Tuyết Cúc bất hòa với Tô Mạn nhất cũng im lặng. 

Lo nghĩ một hồi, Tô Mạn thấy tâm trạng không tốt nên kiếm cớ để không kể chuyện xưa. 

Mấy nay chẳng có ai kể chuyện nên họ đã cuống cuồng lắm rồi. 

Là người nghe, họ cần thức ăn tinh thần để thỏa mãn cơn đói kinh hoàng. 

Chuyện Tô Mạn cứu người là việc lớn, trong đội của họ đang nháo nhào cả lên. 

Bình thường tuy Tô Mạn rất hay giúp đỡ mọi người, nhưng đó cũng chỉ là chuyện nhỏ, không mấy ai để tâm quá nhiều. Dù sao thì chỉ cần cảm ơn vì đã giúp đỡ, rồi lại có cái nhìn khác về cô mà thôi. 

Nhưng lần này thì khác, cứu người là việc lớn.

Thời buổi này, người chết như ngả rạ, nhiều trẻ nhỏ chết đi vì bệnh tật, một vài nơi còn chết vì cơn đói. 

Mọi người không vì cái chết mà coi thường mạng sống, mà ngược lại, họ càng quý trọng nó hơn. 

Trước đây một sinh mạng mất đi là một sự mất mát và bất lực, không cách nào ngăn cản được. Nhưng giờ một người đứng trước cửa tử lại được cứu về... Theo lời của xã hội cũ thì có nghĩa là kéo người trở về từ tay Diêm Vương.

Một sinh mạng không phải chuyện nhỏ.

Đã thế sau khi cứu người, Tô Mạn còn chẳng mong nhận lại được điều gì. 

Trong lòng mọi người, hình tượng của cô đột nhiên trở nên vĩ đại. Lúc ai về nhà nấy đã nhanh chóng kể lại mọi chuyện cho người nhà, tuy họ không tận mắt nhìn thấy cảnh cô cứu người nhưng lúc kể cũng không ngại thêm mắm dặm muối. 

Đã được nghe qua vô vàn mẩu chuyện xưa nên chuyện bịa ra cũng chẳng khó với họ. 

Vì thế chuyện Tô Mạn cứu người ngày càng được dựng lên một cách nguy nan và bí ẩn hơn cả sự thật. 

Ngay cả khi Lý Xuân Hoa và con trai ôm nồi đi lấy cơm thì dì Quách, người phụ trách nấu cơm tối, còn múc cho Lý Xuân Hoa nửa thìa: "Cho cô Tô ăn thêm nhiều chút." 

Những người khác cũng không có ý kiến gì với hành động này. 

Lý Xuân Hoa ôm nồi, chợt thấy tự hào. 

Ở tuổi của bà ta, chưa bao giờ được nhận sự ưu ái như thế. Trước đây bà ta cứ phải sốc sức lăn lộn để dành giật sự ưu ái, bây giờ người khác lại chủ động đưa cho bà ta, cảm giác rất khác. 

Trên đường trở về, Lý Xuân Hoa hưởng thụ cảm giác được ngàn ánh mắt chú ý, sau đó thẳng lưng ôm nồi cơm đi về. 

Về đến nhà, bà ta đỏ mặt, tim đập mạnh, rồi kể lại chuyện cho mọi người nghe. 

Sau cùng còn liên tục nhấn mạnh: "Mẹ còn chưa làm ầm ĩ gì mà đã chủ động múc cho nửa thìa lớn. Nói để Nhị Nha ăn nhiều hơn chút." 

Như thể chiếm được nửa món hời. 

Tuy Tô Mạn không quá xem trọng nửa thìa cơm đó, nhưng vẫn thấy xúc động. 

Không ngờ việc cô cứu người, ngoài mẹ Hắc Bì ra thì những người khác cũng xem trọng. 

Tô Mạn không hề biết rằng, không chỉ những người khác mà là cả đoàn đội đều xem trọng. 

Thật ra, chuyện cứu người không phải hiếm thấy. Nhưng lần này, người được cứu là một đứa trẻ, còn người cứu lại là một cô gái chưa lớn. 

Một cô gái yếu đuối đã nhảy xuống nước cứu một đứa trẻ yếu ớt khỏi chết đuối. Khi đứa trẻ gần như tắt thở lại hô hấp cứu sống nó.

Điều này khiến các cán bộ trong đội cảm thấy mình đã tìm được điểm để tuyên truyền.

Dù không phải là một nhà báo nhưng con mắt nắm bắt điểm nhấn của họ vẫn rất chính xác.

Vì nạn đói nên người dân trong xã không có đủ cơm ăn, khắp nơi tiêu điều xơ xác, ai cũng chán nản như xác sống. 

Giờ họ rất cần một nguồn năng lượng tích cực để nâng cao tinh thần của mọi người. Làm sôi động bầu không khí. Nhân tiện cũng để tuyên truyền hình ảnh của đội sản xuất Đại Kiều Loan. 

Vì thế, dưới sự cảm kích vô vàn của mẹ Hắc Bì, vợ Đại Lượng, tên đầy đủ là đồng chí Lý Hỉ Mai. Đoàn đội quyết định tặng thưởng cho đồng chí Tô Mạn một bằng khen - người hùng dũng cảm cứu người. 

Sau khi Tô Mạn kết thúc bài giảng vào buổi chiều hôm sau, đội trưởng Quách đã đến phòng họp tìm Tô Mạn và báo tin vui cho cô. 

"Cũng không cần chuẩn bị gì, chỉ đến nói một chút, vì sao cháu lại cứu người, lúc sau khi cứu xong thì có suy nghĩ như nào là được." 

Tô Mạn chỉ muốn nói một câu, lười. 

Không có lý do để cứu người, nếu lúc cứu có thời gian để lo lắng như thế thì người kia đã chết luôn rồi. 

Còn về việc sau khi cứu người, cô cũng không có cảm xúc gì cả. 

Chẳng lẽ sau khi cứu ai đó còn phải lãng phí thời gian nhớ lại tình huống trước khi cứu mình đã nghĩ gì, rồi bày tỏ cảm xúc của mình hả? Cô phải chán ngắt lắm mới làm chuyện ngu ngốc như vậy. 

Nhưng vì đây là đại hội khen thưởng, ở một mặt khác cũng có thể coi như mạ vàng cho cô nên dù có không thích vẫn phải làm.

Thôi thì cứ coi như cô đang kể chuyện là được: "Được, đảm bảo mọi người sẽ hài lòng với những gì cháu nói." 

Tô Mạn về nói chuyện này cho người nhà ông Tô vào ban tối. 

Nhà họ lại vui vẻ thêm lần nữa. 

Nhà họ Tô còn có thể được tuyên dương!

Tô Thiết Sơn bình thường không buồn hé răng, thế mà giờ đôi mắt cũng mịt mờ: "Nhà họ Tô chúng ta mà cũng có được thời điểm huy hoàng như thế. Con gái của cha, con đã đem lại thể diện cho cả nhà chúng ta rồi."

Lý Xuân Hoa lo lắng nói: "À, ngày mai mẹ nên mặc gì? Có cần trang điểm không?"

Lâm Tuyết Cúc: "Mẹ, con cũng cần trang điểm phải không?" 

Những người đàn ông trong nhà họ Tô đều tỏ ra lo lắng. Mọi người vẫn chưa chuẩn bị gì hết. Ngày mai họ nên cư xử thế nào?

Con dâu thứ Tống Ngọc Hoa rụt rè hỏi: "Cái này, không phải là em gái được khen thưởng sao? Tại sao chúng ta phải chuẩn bị?"

“……”

"Con vợ lắm lời này!" Tô Nhị Trụ tức giận mắng. 

Tô Mạn nhướng mày nhìn anh ta: "Anh thứ, chú ý lời nói, mai em được khen thưởng nên không muốn nhà mình làm ra chuyện khiến người ta chê cười đâu." 

Lý Xuân Hoa nhanh chóng nói: "Đúng đúng, đừng để Nhị Nha mất mặt. Nếu ai làm mất mặt là tôi quăng ra đường hết đấy."

Tô Nhị Trụ cọc tính, nhưng lại chỉ cọc tính với mỗi vợ mình. Còn với những người còn lại trong nhà thì vẫn biết kiềm chế hơn chút. Nhất là với cô em gái có triển vọng vời vợi như này thì càng phải kiềm chế nhiều hơn, thế là anh ta đành trừng mắt xụ mặt nhìn vợ, nhưng không còn nổi đóa nữa. 

Tống Ngọc Hoa nhìn em chồng bằng ánh mắt biết ơn. 

Tô Mạn làm bộ như không thấy, cô không muốn chị dâu thứ này nghĩ là cô đang giúp cô ấy rồi lại cảm thấy như có người để dựa vào.

Cô không có ý dính líu đến chuyện vợ chồng người ta, cô chỉ muốn đồng chí Tống Ngọc Hoa biết rằng chồng mình không phải loại người vô song, gì cũng làm được. 

Bị mẹ và em gái nói vài câu là đã bẹp dí rồi.

Ngày hôm sau, mọi người trong đội được thông báo rằng trưa nay sẽ diễn ra đại hội. 

Vì thời tiết nóng bức nên thời gian nghỉ trưa dài, rất lý tưởng để tổ chức đại hội mà không làm chậm trễ công việc. Cũng không làm trễ nải thời gian xóa nạn mù chữ vào ban tối. 

Đã lâu rồi đội sản xuất không tổ chức đại hội khen thưởng. Sau khi biết tin, không khí trong toàn đội chợt trở nên sôi nổi hẳn.

Buổi sáng còn tan làm sớm một tiếng để chuẩn bị sân khấu. 

Sau khi Tô Mạn kết thúc lớp dạy mấy đứa nhỏ, thì quảng trường đã có sẵn sân khấu.

Một biểu ngữ với nhiều chữ thư pháp lớn viết trên giấy đỏ được treo lên: “Buổi biểu dương người anh hùng cứu nạn dũng cảm, đồng chí Tô Mạn”.

Từng người cuốc đất, chạy tới lui dưới cái nắng chói chang nhưng khuôn mặt vẫn luôn phấn khởi nhiệt tình. 

Người nhà họ Tô được thơm lây nên được đứng trước, ai cũng kiêu ngạo hào hứng. 

Đại đội trưởng Quách phát biểu khai mạc: "Hôm nay là một ngày đặc biệt. Chỉ hai ngày trước, đồng chí Tô Mạn của chúng ta đã anh dũng cứu đứa trẻ bị đuối nước, là Hắc Bì của nhà Đại Lượng. Sau đó, đồng chí Tô Mạn còn kiên quyết từ chối món quà cảm ơn từ vợ của Đại Lượng, đây là đức tính cao thượng dũng cảm cứu người, hy sinh bản thân vì người khác, không mong nhận lại điều gì. Vì vậy, đội sản xuất Đại Kiều Loan của chúng ta quyết định khen thưởng đồng chí Tô Mạn. Bây giờ xin mời đồng chí Tô Mạn lên sân khấu phát biểu.”

Ngay khi Tô Mạn chuẩn bị lên sân khấu thì bị một người trong đoàn chặn lại, người này buộc một bông hoa lớn màu đỏ lên người cô, giống như loại mà chú rể ngày xưa hay đeo.

Tô Mạn: "..." 

Lúc này, Tô Thu Nguyệt đang đứng ở đầu thôn, mồ hôi đầm đìa. 

Cái nắng làm cô ta thấy chóng mặt, chỉ muốn về nhà thật sớm. 

Nghĩ đến việc lúc về còn phải làm việc đồng áng kiếm công điểm khiến lòng cô ta rỉ máu, liên tục suy nghĩ cách trốn tránh. 

Đột nhiên, cô ta nhận ra từ khi vào thôn đến giờ vẫn chưa thấy bóng dáng ai. 

Đến khi về nhà thì thấy cửa đóng kín mít. 

Cô ta gọi hai tiếng nhưng cũng chẳng ai đáp lời. 

Nhưng có giọng nói từ nhà cách vách vang lên, đó là một bà già bị liệt trên giường: “Nghe giống như giọng của cô cả nhà họ Tô, trong nhà không có ai đâu. Hôm nay đội tổ chức một buổi đại hội khen thưởng con thứ của nhà cô ở quảng trường đấy.”

Đôi mắt Tô Thu Nguyệt mở to. 

Cô ta không nghe lầm chứ? Khen thưởng Nhị Nha á? 

Bên phía quảng trường, dưới sự vỗ tay nồng nhiệt của mọi người, Tô Mạn dũng cảm bước lên sân khấu và nở nụ cười điềm tĩnh: “Trước hết, tôi muốn cảm ơn sự khẳng định và động viên của toàn đội. Sau đó, tôi cũng muốn cảm ơn mọi người đã đồng hành cùng tôi và tham gia buổi đại hội khen thưởng trong một ngày nóng nực này."

Những lời này khiến mọi người đều cảm thấy thoải mái.

Thời tiết nóng nực thật, nhưng cô Tô vẫn rất ân cần.

Đội trưởng Quách xen vào: "Đồng chí Tô Mạn, hãy cho biết đồng chí đã nghĩ gì và cảm thấy như thế nào khi cứu người."

Tô Mạn bắt đầu bài diễn thuyết của mình: "Hai ngày trước, tôi trở về từ hợp tác xã, vừa vào thôn chợt nghe tiếng một đứa bé rơi xuống nước. Chỉ trong vài giây mà trong đầu tôi đã nảy ra rất nhiều ý tưởng. Dưới sự giáo dục của xã hội mới, chúng ta luôn được dạy rằng mình phải có tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ người khác, mỗi khi thấy ai đó cần giúp đỡ, chúng ta nên dang tay ra... Cứu người, cứu người, cứu người. Trái tim tôi liên tục kêu gào, bản năng thôi thúc tôi phải cứu người thật nhanh. Cứu người như cứu hỏa. Lúc đó, tôi không chút do dự nhảy xuống nước, đáy nước đen thăm thẳm, điều mà tôi nghĩ đến không phải chính bản thân mình mà là không biết đứa trẻ phải khó chịu và sợ hãi biết bao. Tôi cứ nghĩ mình phải nhanh chóng tìm được đứa trẻ và đưa nó lên mặt nước, cho dù không thể nổi lên cũng phải đưa đứa trẻ về bờ, dùng đôi bàn tay gầy gò để cứu lấy một sinh mệnh, dù cho hai tay tôi có không gánh nổi một mạng sống... Tuy làm thế rất nguy hiểm, nhưng nếu cho tôi chọn lại thì tôi vẫn chọn quên mình mà nhảy xuống nước cứu người. Vì lương tâm không cho phép tôi thấy chết mà không cứu." 

Hắc Bì và mẹ của cậu bé rơi nước mắt. 

Cảm động quá. 

Tô Thu Nguyện, người vừa chen vào từ đám đông, tình cờ nghe được vài câu sau. Cô ta ngẩng đầu nhìn Tô Mạn đứng trên sân khấu, sau đó xoa hai cánh tay của mình vì nổi da gà. 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play