Dư Hòa nói ra điều này, trong mắt Nhạc Tôn chính là một ván cược liều lĩnh, trăm bề đều sợ thiệt. Nếu là Dư Hòa của trước đây, có lẽ cũng chính là tâm tư ấy. Có đẩy cậu lên bàn cược, tự thân cũng sợ hãi mà bước xuống.
Nhưng với cậu bây giờ, ván cược này lại là cơ hội vô cùng lớn, tuyệt đối không thể bỏ qua.
Theo luật tục, ca nhi nếu đã danh chính ngôn thuận gả đi, tức đã là người của phu lang bọn họ. Thân cha nương sẽ trở thành ngoại gia, không còn quản được nữa. Trách nhiệm báo hiếu cha nương ngoại gia cũng không bắt buộc. Kể cả có một đi không trở về cũng chỉ là bị đàm tiếu ngoài tai, không bị gia tộc kết tội bất hiếu.
Thậm chí sau khi hòa ly, Lý Chính hay Trưởng Tộc cũng không có quyền ép người mang về ngoại gia.
"Xuất giá tòng phu" ở thời không này chính là như thế. Xem ra thì có vẻ khắc nghiệt, nhưng đặt vào tình huống như cậu lại chính là ánh sáng cuối đường hầm.
Còn làm sao tự quyết gả đi, Du Hòa lại không hề lo lắng.
Thời không này đất còn rộng người còn thưa. Nói là cả một thôn Thị An rộng như vậy, dân chúng cũng không đến một nghìn người. Đã vậy điều kiện cuộc sống eo hẹp nên tuổi thọ cũng không được cao, trung bình chỉ 50-60 đã là thọ. Vì thế triều đình rất khuyến khích việc sớm thành gia lập thất, khai chi tán diệp.
Hán tử có thể thú thê từ khi tròn 16, đến năm 25 tuổi nếu vẫn chưa thú được thê, sẽ để lại bái thiệp ở chỗ Lý Chính. Từ thời điểm đó, bất luận là khi nào có được đối tượng phù hợp sẽ báo lên. Cho dù điều kiện hoàn cảnh hai bên như thế nào, chỉ cần hán tử và ca nhi/nữ tử đó thuận tình cùng nhau điểm chỉ ký tên, liền sẽ được ban hôn phối, chuyển hộ tịch.Trực tiếp miễn đi mai mối, cũng có thể miễn luôn cả việc cưới xin.
Cũng như vậy, ca nhi nữ tử có thể gả đi từ khi tròn 15, đến năm 22 tuổi nếu vẫn chưa có hôn ước thì có thể lên báo danh.
Đây cũng là vì ở thời không này, ngay cả luật pháp cũng nhận định hán tử ngoài 25 và ca nhi nữ tử ngoài 22 đã bị liệt vào độ tuổi khó còn có thể cưới gả đi được nữa.
Mặc dù có quy định như vậy, nhưng nhiều năm qua cả năm thôn trong trấn cũng không có mấy người để lại bái thiệp. Hay nói cách khác, nếu không phải hoàn cảnh quá đặc biệt, quá ngặt nghèo, người ta đều đã sớm muốn cưới gả đi cả. Mấy ai còn để đến tận cái tuổi ấy nữa?
Kể cả có là những người tái giá hoặc nạp thêm thê thiếp cũng sẽ đến tìm bà mai, không mấy người lại đem hôn phối trông chờ vào luật lệ. Như thế vừa làm mất mặt gia tộc, vừa khiến cho thôn dân tha hồ bàn tán.
Người ta tránh còn không kịp, Dư Hòa cậu lại vì điểm ấy mà vui mừng. Dựa theo bát tự sinh thần, hiện tại cậu đã quá 22 tuổi được sáu tháng. Như thế chỉ cần tìm được hán tử chịu thú cậu vào cửa, cả hai bên đồng tình điểm chỉ ký tên, thì dù cho Chu Gia có muốn phá cũng không cách nào phá được. Bọn họ chắc chắn sẽ quyết liệt phản đối vì không muốn mất đi một kẻ hầu không công. Nhưng tộc quy vĩnh viễn không bao giờ lớn hơn pháp luật của triều đình.
_______________
Dư Hòa khéo léo giải thích thêm vài điểm, Nhạc Tôn dù đã hiểu nhưng vẫn còn khó xử:
-Cho dù là như thế, muốn đánh cược gả đi thì cũng phải có hán tử muốn hạ sính với ngươi mới được.
-Chính vì vậy ta muốn nhờ thẩm đến hỏi thử Lý Chính vài thôn, xem thử có ai để lại bái thiệp hay không
-Nhưng.... Ta nói này, trước nay những kẻ để lại bái thiệp, kẻ nào cũng đều có vấn đề cả. Không phải là già cả hay bệnh tật sắp chết thì cũng là quá nghèo. Ngươi đây không phải thoát ra được bụi rậm này, thì lại đi đâm đầu vào bụi rậm khác hay sao?
Dư Hòa kiên quyết:
-Chỉ cần có bái thiệp, bất luận như thế nào ta cũng muốn xem thử.
Dư Hòa không nghĩ đến việc mình sẽ cùng đối phương thật sự kết thành phu phu, sống đến bạc đầu giai lão gì đó. Việc cấp bách trước mắt đối với cậu chính là đường hoàng thoát ra khỏi một nhà Chu Gia ác độc ấy.
Còn đối với người tìm được, cậu tự khắc sẽ có cách đối phó. Nếu là già cả hoặc bệnh nặng, cậu đồng ý chăm sóc họ một thời gian nhất định. Nếu không qua khỏi, cậu cũng sẽ chôn cất đàng hoàng.
Nếu quá đỗi nghèo khổ, ấy lại càng dễ dàng xử lý hơn. Tuy rằng cậu sẽ không lạm dụng kho không gian, nhưng việc này liên quan mật thiết đến cuộc đời của cậu, đánh đổi một ít đồ vật cũng là đáng giá.
Trước tiên cậu sẽ cùng trao đổi rõ ràng rồi mới ký khế ước, sau đó một thời gian sẽ thuận tình hòa ly. Như vậy dù là trường hợp nào, tin tưởng chỉ cần là nghe hiểu, bọn họ tuyệt đối sẽ không từ chối.
Nhạc Tôn thật sự đau lòng đứa bé này, rốt cuộc gật đầu:
-Vậy được, nghe lời ngươi, để ta đi trong ngoài thôn nghe ngóng một phen.
Dư Hòa mừng rỡ:
- Đa tạ Tôn thẩm!
-Nhưng ta sợ bên Chu Gia sẽ không để ngươi ở lại đây lâu đâu. Phỏng chừng chỉ một hai hôm nữa bà ta sẽ tìm đến, thấy ngươi vừa khỏe sẽ lôi về ngay.
-Cái này thẩm không cần lo lắng, ta có cách kéo dài thời gian.
_____________
Đúng như dự liệu, Thẩm Vân chỉ một ngày sau đã tìm tới tận cổng nhà Nhạc Tôn.
Chu Gia trước có mười hai mẫu ruộng tốt, sau vì chuyện làm ăn thua lỗ đã bán mất ba mẫu ruộng, vẫn còn lại chín mẫu. So với các thôn dân khác vẫn được tính là giàu có, chăm chỉ làm ăn thì chắc phần dư dả. Thế nhưng dù sao cũng chỉ là nông hộ, làm gì có thừa tiền mà mua tiểu tư tì nữ hầu hạ trong nhà?
Phải biết cả thôn cũng chỉ có đúng một nhà đại phú đại quý Dương Gia - có sản nghiệp lớn trên trấn mua được hai tiểu tư mà thôi.
Thế nhưng bởi vì từ trước tới nay có Dư Hòa sẵn đó tùy ý sai bảo, vậy nên toàn gia đều đã quen thói lười nhác việc nhà. Từ giặt dũ quét dọn cơm nước, một nhà già trẻ trên dưới mười người cũng không một kẻ nào muốn mó tay vào. Đến ngay cả quần áo dơ bẩn trong kỳ nguyệt sự của nữ tử trong nhà cũng đều dám ép Dư Hòa phải giặt. Không một chút cấm kỵ nào rằng ca nhi dù sao cũng là thân nam tử.
Nay Dư Hòa ốm bệnh đã vài ngày, quần áo đã chất thành từng chậu lớn, bát ăn xong dồn lại cơ hồ cũng đã mốc meo, Thẩm Vân không đến lôi cậu về hầu dọn mới là lạ!
Vì đã tính toán từ trước, Nhạc Tôn vừa nhìn thấy Thẩm Vân đi tới đã lập tức giả bộ thất sắc kêu to. Vừa là để Thẩm Vân hoang mang, vừa là để Dư Hòa ở trong nhà nghe thấy sẽ có sự chuẩn bị:
-Trời ơi! Sao bây giờ ngươi mới tới! Mấy ngày nay ta chạy đông chạy tây lo kiếm thuốc cho nhi tử nhà ngươi mà không xong. Còn đang định gọi người đem cáng khiêng nó trả về Chu Gia lo liệu.
Thẩm Vân nhăn mặt:
-Cái gì mà không xong? Cái gì mà lo liệu?
Nhạc Tôn giống như nhảy lên một cái, vỗ hai tay vào với nhau:
-Ngươi còn hỏi?! Chính là việc ngã núi chứ sao! Là ngươi, chính là ngươi không chịu đem nó lên trấn chẩn trị, nên vết thương mới mỗi ngày lở loét, máu chảy không ngừng!
Thẩm Vân vừa nghe liên giật mình kinh hãi. Thế nhưng nghĩ rằng từ trước tới nay Nhạc Tôn vốn dĩ luôn bênh vực Dư Hòa, liền cố trấn tĩnh lại, cao giọng:
-Chứ không phải là ham ăn lười làm, muốn trốn việc nhà nên giả bệnh? Hừ, không dễ vậy đâu!
Dứt lời, Thẩm Vân lập tức bước qua người Nhạc Tôn tiến vào trong nhà. Nhạc Tôn cũng nhanh chóng bước theo sau, vừa đi vừa kêu:
-Không chừng còn thối cả thịt ra rồi!
Thẩm Vân vừa bước vào trong mùi máu tanh đã xộc lên mũi. Vì gian nhà rất nhỏ, nên cũng ngay lập tức đập vào mắt một thân hình bất động ở trên giường.
Nhìn tới, cả người Dư Hòa toàn đốm máu loang lổ, mặt mũi tái nhợt, đã thế trong phòng còn có mùi cực kỳ khó ngửi, khiến cho Thẩm Vân suýt nữa thì nôn ra.
Bà ta vội vàng ôm lấy ngực, chạy ngược ra ngoài, thông khí:
-Trời ơi! Cái thứ kinh tởm gì vậy?
Nhạc Tôn vội vã:
-Ngươi xem, nó như vậy chắc cũng không qua được dăm bữa mười ngày, mau mau kêu người bên Chu Gia đến đưa nó đi.
Thẩm Vân vừa nghe thấy thế đã quắc mắt:
-Là do bà! Ả góa phụ nghèo kiết này! Không phải bà tự tiện đem nó về đây, nó sẽ ra như thế sao? Rõ ràng là khi ở chỗ Phó Trình đại phu vẫn còn tốt, là ngươi đã hại nó.
Nhạc Tôn cứng họng:
-Thẩm Vân! Ngươi đừng có ngậm máu phun người! Là do ngươi…
Thẩm Vân cắt lời:
-Ta là đại nương của nó, ta sẽ hại nó sao? Nếu ta gọi Lý Chính tới đây, người ta sẽ xem ai mới là thân gia của nó!
-Ngươi! Không nói lý!
Thẩm Vân giả lả:
-Thôi được rồi, dù sao người cũng đang ở đây, đem đi đem lại không tiện. Chỉ cần Nhạc Tôn ngươi chăm nó thêm ít hôm, khỏe rồi thì đưa về Chu Gia ta, vậy ta liền không tính toán với ngươi nữa.
Nhạc Tôn ngoài mặt thì kêu trời trách đất, trong lòng thì thật đúng ý vui mừng.
____________
Một lát sau, Dư Hòa đã rửa sạch những vết máu trên người, liên không chút do dự lấy củ nhân sâm ra, thái nhỏ bỏ vào nồi gà mà Nhạc Tôn đang bắc trên bếp:
-Tôn thẩm, xin lỗi người.
Nhạc Tôn cười:
-Không sao, miễn cho việc thành là tốt rồi. Tạm thời bà ta chắc chắn sẽ không tìm tới đây nữa đâu. Chuyện này mà lớn ra, nội việc bà ta không đưa ngươi lên trấn chẩn trị cũng đủ cho gia trạch đó khó ăn khó nói.
-Nhưng…
-Đừng có làm cái vẻ mặt ấy nữa. Gà cũng đã giết thịt, tốt hơn hết là chúng ta cùng nhau ăn một bữa thật ngon. Mà ngươi đào củ cải này ở đâu thế? Sao nhìn hình thù của nó lại lạ như vậy? Mùi vị cũng không giống?
Dư Hòa chống chế vài câu cho qua, ánh mắt lại vẫn không giấu được chút buồn khổ.
Nguyên do là vì để diễn ra một màn này, tính toán tới lui cũng không có thứ gì thay cho máu giả được. Đành phải giết thịt con gà duy nhất của Nhạc Tôn ở trong chuồng, lấy tiết gà chấm lên người cậu.
Đối với hoàn cảnh này của Nhạc Tôn , con gà mái ấy là tài sản rất lớn. Bình thường đến trứng nó đẻ ra còn không dám ăn, phải dành dụm mang lên trấn bán. Vậy mà…
Nhìn bát thịt gà bốc khói thơm hơi trước mặt, Dư Hòa cắn răng phát thệ. Sau này cậu nhất định sẽ trả lại cho Nhạc Tôn gấp bội, không chỉ về tiền bạc mà còn cả về tình nghĩa.
________________
Thời gian dù vậy cũng không có quá nhiều. Hiện đã là đầu tháng 5, chỉ còn khoảng hai mươi ngày nữa là đến mùa vụ cần xuống giống, nông gia đều sẽ rất bận rộn. Khi đó chỉ cần Dư Hòa còn sống, chắc chắn Thẩm Vân sẽ lại tìm đến. Diễn một lần hai lần còn được, nếu như không may bà ta đưa hẳn đại phu tới đây, chân tướng sẽ lộ ra hết.
Chính vì thế, Nhạc Tôn không để lỡ chút thời gian nào, nhanh chóng đi tìm đối tượng cho Du Hòa.
Dư Hòa vì trong miệng người trong thôn là một thân sắp chết, cũng khó lòng đi ra khỏi nhà Nhạc Tôn. Đành dùng thời gian hiếm hoi này tiến vào kho không gian. Một mặt là để tỉ mỉ kiểm tra đồ vật trong ấy, mặt nữa chính là để điều dưỡng thân thể.
Mặc dù không phải nguy cấp gì, nhưng thật sự cơ thể này cũng còn khá yếu ớt, đứng lâu cũng muốn lung lay. Với tình trạng này, để xử lý ổn thỏa mọi việc trước mắt, sợ rằng sẽ không đủ sức.
________________
Một số cách gọi, danh xưng trong truyện:
*Vụ Mùa Bắc bộ thường canh tác từ cuối tháng 5 đến tháng 11 ( tháng 10 âm lịch).
*Tiểu tư: người hầu nam
*Tì nữ: người hầu nữ.