Tôn Nhạc bước vào, nhìn thấy cậu đứng ngẩn ở giữa nhà, trên tay còn cầm một "củ cải" có hình dáng kì dị, liền vừa thương vừa mắng:
-Đứa nhỏ này, còn chưa có khỏi thương đâu, đã đi đào củ cải.
Dư Hòa cố gắng lấy lại vẻ tự nhiên:
-Vâng, Tôn thẩm đã về!
-Còn đứng ngấn ở đó làm gì? Nào, mau lại đây ăn tối thôi.
Nhạc Tôn vừa nói vừa bận rộn tay bầy biện đồ ăn lên chiếc bàn gỗ cũ, vui vẻ:
-Mấy hôm nay đều ăn cháo, chắc là ngán lắm rồi đúng không? Hôm nay tiện lên trấn bán trứng gà, thẩm mua cho ngươi bánh bao nhân đậu xanh hẳn hoi. Còn có năm viên đường. Cơ thể ngươi yếu, cần ăn cho tốt.
Nói rồi Nhạc Tôn đẩy về phía cậu hai chiếc bánh bao và một gói giấy bọc mấy viên đường bên trong. Chính mình thì lại chỉ ăn màn thầu.
Chút chua xót dâng ngập trong lòng Dư Hòa. Cậu lập tức đổi lại hai chiếc bát:
-Ta ăn màn thầu là được rồi. Thẩm ăn bánh bao đi.
-Đứa nhỏ này! Ta cũng không ốm bệnh, cần ăn bánh bao làm gì chứ?
-Vậy mấy khối đường này…
-Không không, ta già rồi, ăn nhiều lại khó ngủ. Vẫn là ngươi giữ lấy, mỗi khi uống thuốc đắng quá thì dùng mà ngậm.
Hai chiếc bánh bao, vài viên đường nhỏ, có bao nhiêu đâu mà mất ngủ?
Chẳng qua là tình thương mà người ấy dành cho cậu quá nhiều mà thôi.
Một đêm này, Dư Hòa không sao ngủ nổi. Nghĩ về những ngày qua ở lại đây ăn nhờ ở đậu, lại được Nhạc Tôn chăm sóc hết lòng. Bà tỉ mỉ sắc thuốc, nấu cháo, còn vì cậu mà xuống tiền mua bánh bao cùng đường khối. Đối với hoàn cảnh của Nhạc Tôn mà nói, số tiền ấy thật sự rất quý giá.
Dư Hòa cảm động đến cắn môi nức nở. Dẫu có là thân nương của cậu cũng chưa từng đối xử với cậu tốt đến thế. Càng chẳng nói gì đến người của Chu Gia.
Cậu ngã núi đáng lý là chết rồi, vậy mà bọn họ ngay cả một lời thăm hỏi cũng không có. Nếu thật không có Nhạc Tôn đưa cậu về đây, mà bị trả về Chu Gia. Trong tình huống thân thể chưa thật sự khỏe lại như thế này, có khi nào cậu lại chết thêm một lần nữa hay không?
Nhạc Tôn vốn cũng đã lập gia đình, đầm ấm bên phu quân của mình. Thế nhưng một cơn đại dịch đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, trong đó có người quan trọng nhất của bà.
Từ đó Nhạc Tôn trở thành quả phụ, đáng lý bà vẫn có thể tái giá. Nhưng lại nghĩ đến cha nương chồng chỉ có duy nhất một nhi tử lại đã mất, bà không đành lòng. Liền ở lại thay phu quân mình hiếu thuận cha nương chồng. Đến khi hai lão nhân gia mất đi, Nhạc Tôn cứ như thế liền sống đời góa bụa.
Vốn bà cũng không tính chú ý đến Dư Hòa. Nhưng bởi vì bản thân cô quạnh nhiều năm, thèm có được một nhi tử cũng chỉ là nằm mộng mới có. Ấy vậy mà lại thấy Dư Hòa chỉ là một đứa nhỏ lại bị đối xử tàn tệ, vì thế nảy ra lòng thương.
Một đôi lần thì cõng hộ cậu gánh lúa nặng, lâu lâu lại dúi vào tay cậu lúc thì củ khoai, lúc thì cái bánh màn thầu. Tình cảm cứ như thế năm này qua năm khác bồi đắp dày lên, dần dần thương lại càng thương.
Dư Hòa nguyên chủ bởi vì hoàn cảnh sinh ra như vậy, lúc nào cũng tự thu mình, không dám nhận tình thương ấy. Nên có đối với bà trân trọng cùng quý mến đều sẽ không biểu lộ ra. Cũng không chủ động đến nương nhờ bao giờ.
Phần nữa cũng bởi cậu biết rõ gia cảnh Nhạc Tôn. Một mình bà khi giáp hạt còn bữa đói bữa no, làm sao cậu nỡ để bà phải lo thêm lương thực cho một miệng ăn nữa đây?
Mấy mối mai thời mà Dư Hòa còn trong xuân sắc cũng đều là do bà lặn lội sang các thôn khác đánh tiếng giùm.
Người dưng vậy mà đôi khi lại còn tốt hơn ruột thịt nhiều như thế! Thật sự là khiến người ta chạnh lòng.
Tôn thẩm, nếu ta có thể nhận người làm dưỡng nương thì thật tốt.
Chẳng qua ở thời không này, một kẻ không phải mồ côi như cậu, tuyệt đối không được phép nhận dưỡng phụ dưỡng nương. Như thế là sỉ nhục gia tộc, cũng là đem mặt mũi của thân cha nương ném đi hết.
Sự ràng buộc của tập tục nơi này đối với mối liên hệ giữa phụ mẫu và nhi tử quá sức cổ hủ cùng khắt khe. Nếu bây giờ cố tình phá, hoặc tự tiện chạy khỏi nhà Chu Ninh, sẽ bị gánh tội bất hiếu.
Đây là tội cực kỳ nặng, nó không chỉ bị phạt trượng đau đến thân xác, mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng khó lòng gột sạch. Một khi đã mang tội danh này, đến ngay cả ngẩng mặt làm người còn khó khăn, chưa nói đến việc có thể phát triển được thứ gì tốt.
Bốn từ “phụ mẫu chi lệnh” giống như một sợi dây xích siết chặt chân tay cậu. Mặc định rằng cậu không thể nào thoát khỏi bàn tay của gia trạch ấy được. Thẩm Vân cũng chính là dùng cái mũ bất hiếu sẵn sàng chụp lên đầu cậu, ép Dư Hòa nguyên chủ phải cúi mình khuất phục bấy nhiêu năm.
Dư Hòa nhìn lên khe hẹp của cửa sổ đang hắt vào từng luồng sáng nhẹ của ánh trăng, ánh mắt sắc như dao cứa.
Còn bây giờ ư? Cậu đã không còn là Dư Hòa của trước đây nữa rồi! Một Dư Hòa yếu ớt, bi lụy, khờ dại và hi vọng vào sự ban ơn của thứ được gọi là ruột thịt.
Cậu tuyệt đối sẽ không ở lại đó!
Càng không thể cho bọn họ chà đạp cậu thêm nữa.
Hơn nữa hiện tại cậu còn có kho không gian chứa đầy lương thực cùng vật phẩm. Đặt ở thời không này, nó chính là báu vật vô cùng quý giá. Nếu một ngày cậu còn ở lại, thì nghiễm nhiên những gì cậu có cũng đồng dạng là của bọn họ, do bọn họ quyết định.
Mười hai năm vất vả khổ sở ở thời không trước, lại thêm ký ức khốn cùng của nguyên chủ đã là quá đủ rồi. Dư Hòa cậu kiên quyết dù là một hạt thóc cũng không muốn chia cho bọn họ!
Nhưng cậu cũng không tính toán đến việc nhục nhã trốn chạy, mang tội trên người. Mà cậu phải ngẩng đầu mà sống, sống thật tốt, còn phải kiếm thật nhiều tiền tài, sinh ý, gây dựng được cơ ngơi lớn mạnh. Khiến cho bọn họ căng mắt mà nhìn, tốt nhất là tiếc đến xanh ruột, buồn đến nẫu người!
________________
Dư Hòa nghĩ thấu đáo, sáng ngày hôm sau khi vừa ăn sáng xong, liền cùng với Nhạc Tôn thận trọng mở lời:
-Tôn thẩm, ta muốn cùng gia trạch phân gia.
"Phân gia" hiểu đơn giản là chia nhà, không sống chung với nhau nữa. Còn mối liên hệ, tài sản... giữa người đã phân gia và gia đình sẽ là do hai bên cùng bàn bạc thống nhất. Sau đó dưới sự chứng kiến của Lý Chính và Trưởng Tộc cùng nhau ký khế ước. Một khi khế ước đã định, sau này xảy ra bất luận việc gì cũng đều dựa vào nội dung trên khế ước để phân giải.
Nhạc Tôn đang uống nước, nghe thấy lời này liền đặt chiếc bát xuống bàn, cười khổ:
-Ngươi nói đùa gì vậy? Ngươi là ca nhi, làm sao có thể phân gia?
Dư Hòa biết, chỉ có hán tử mới được phép phân gia. Hơn nữa để phân gia thành công, nhất thiết phải có sự đồng ý của cha nương và những người làm chứng quan trọng.
Như thế cho dù Dư Hòa có xuyên vào thân xác một hán tử, nội xét điểm thứ hai đã là không thể nào giãy ra cho nổi. Còn Thẩm Vân ở đó, việc phân gia này đúng là nghĩ cũng đừng mong nghĩ tới. Thế nhưng chính vì cậu là ca nhi, lại mở ra cho cậu một con đường.
Cậu hít một hơi, sửa lại lời nói:
-Ý của ta, là ta muốn gả đi.
Đến lúc này, ngay cả nụ cười khó xử của Nhạc Tôn cũng không nở ra được nữa.
Bà dùng ánh mắt đầy thương cảm nhìn về phía cậu, còn cho rằng cậu ngã núi xong không còn tỉnh táo nữa:
-Dư Hòa, thẩm biết ngươi chịu khổ, nóng lòng muốn rời khỏi nơi ấy. Nhưng ngươi cũng xem xem, trước đây mấy mối mai ta dẫn tới đều bị đại nương của ngươi nói đến vuốt mặt không kịp. Nào là một đồng hồi môn cũng không đưa, nào là chê bôi ngươi ham ăn lười làm. Còn đem chuyện thân nương của ngươi bị hưu, mang cả cáo trạng truy bắt đã cũ nát bao nhiêu năm bày ra cho họ xem. Dẫu là không phải gánh nợ đó cho thân nương ngươi, thì cũng đã bị dọa đến sợ xanh mặt. Chưa nói, khi đó ngươi còn vài phần tư sắc, hiện tại ngươi đã 22 tuổi... E là…
Lời phía sau Nhạc Tôn ngưng lại không nói nữa, nhưng Dư Hòa cũng tự biết. Chính là đã 22 tuổi có dư, ế đến mức không ai muốn nhìn! Ngay cả chút tư sắc gì đó cũng không còn thấy nữa. Diện mạo của cậu bây giờ có khác gì một cành củi khô khoác trên người mấy tấm vá cũ nát đâu.
Lớn tuổi, không nhan sắc, không của hồi môn, còn là ca nhi khó sinh nở. Đã vậy thân nương bị hưu lại mang trọng tội trên đầu.
Điểm một thứ đã muốn ế đến không gả đi được, lại còn tập hợp tất cả những điều ấy trên người cậu, quả nhiên là thảm hơn cả chữ thảm.
Nguyên chủ cũng vì thế mà hết hoàn toàn hi vọng với việc được tự do của riêng mình.
Nhưng Dư Hòa cậu thì không.
Ngoài dự đoán của Nhạc Tôn, rằng Dư Hòa sẽ cúi gằm mặt với ánh mắt buồn rầu. Cậu lại ngẩng cao đầu, quả quyết:
-Ta thật sự không thể sống ở đó được nữa. Năm vừa rồi mùa màng mới chỉ kém đi một chút, bọn họ liền bắt ta nhịn đói thường xuyên. Còn ở đó, ta không sớm chết vì đói khổ cũng sẽ tự sinh ra bệnh mà chết.
Dư Hòa vén tay áo mình lên:
-Tôn thẩm người xem, một ca nhi như ta mà cả người không biết bao nhiêu là sẹo cùng vết thương. Thay vì cứ ngồi chờ chết, chi bằng ta đánh cược một phen. Nếu như gặp được phu lang tốt liền có thể thuận lợi ở bên nhau. Nếu như là không tốt dẫn đến hòa ly hoặc hưu thư, ta lại có cớ rằng bản thân đã gả đi, không còn mặt mũi quay về, liền tìm một nơi khác sinh sống tách biệt. Như thế cũng không kẻ nào dám phán ta tội bất hiếu.
Không khí một mảnh chìm xuống.
________________
Một số cách gọi, danh xưng trong truyện:
*Thân nương/ thân phụ: mẹ ruột, cha ruột. Thân đệ thân huynh thân muội cũng tương tự.
*Dưỡng nương/ dưỡng phụ: mẹ nuôi, cha nuôi…
*Bánh màn thầu: bánh bao không nhân thì gọi là bánh màn thầu.