Cậu xuyên không rồi.
Phải mất vài ngày dưỡng thương ở nhà Tôn thẩm, Dư Hòa mới có thể tiếp nhận được sự thật này.
Vốn dĩ một người bị ném xuống vực thẳm đã tan xương nát thịt, làm sao tin được rằng bản thân còn có thể sống lại, còn là ở trong thân thể một người khác. Hơn nữa hoàn cảnh sống ở nơi này lại khác xa so với nơi mà cậu từng sống, giống như là cách hàng ngàn năm vậy.
Thật quá vô lý, quá hoang đường. Đến mức mà cậu đã tự nhéo tím tay mình, vỗ rát hai bên má, hay là thử ngưng hơi thở để xem bản thân có bị nghẹn hay không.
Thế nhưng ký ức của nguyên chủ dần kéo về, mỗi lúc một nhiều. Cho đến hôm nay, khối ký ức ấy cũng đã hoàn toàn hiện diện trong tâm trí. Nó khiến cho cậu rốt cuộc cũng phải xác nhận, cậu thật sự xuyên không rồi.
Kỳ thực Dư Hòa nguyên chủ sau khi trượt chân ngã núi đã chết. Hiện tại chính là bản thân cậu, Dư Hòa của một thời không khác.
Cậu bước tới trước chiếc gương đồng đã cũ trong nhà Nhạc Tôn, tỉ mỉ nhìn rõ gương mặt hiện tại của mình trong đó. Xanh xao gầy gò và xạm đi vì nắng gió.
Cậu hiểu ra được vì sao bản thân lại xuyên vào thân thể này. Không chỉ giống nhau về họ tên, hoàn cảnh, mà đến ngay cả nét mặt cũng có vài điểm tương đông. Điểm khác biệt lớn nhất đó là ngay giữa ấn đường của cậu có một nốt chu sa đỏ rực.
Dư Hòa đưa tay lên, khẽ chạm vào nốt chu sa ấy. Đây chính là đặc điểm nhận dạng và phân biệt giữa hán tử và ca nhi.
Ở thời không này, con người cũng được phân ra thành nam tử và nữ tử. Nhưng nam tử lại được chia làm hai là hán tử và ca nhi.
Hán tử là những người nam tử khỏe mạnh, cao lớn, có khả năng gieo giống. Cũng chỉ có hán tử mới được thừa kế Gia tộc, tham gia thi cử và nhận quan tước.
Ca nhi mặc dù cũng mang những đặc điểm ngoại hình của nam tử, nhưng cơ thể họ nhỏ bé và yếu ớt hơn nhiều so với hán tử. Đặc biệt là ca nhi không có khả năng gieo giống mà lại có khả năng mang thai, sinh nở. Bọn họ từ khi sinh ra đã có một nốt chu sa giữa trán, thoạt nhìn cũng có nhiều nét mềm mại hơn hán tử. Cũng vì đặc điểm này, ca nhi chỉ có thể được gả đi chứ không thể cưới vợ nạp thê.
Số lượng ca nhi cực kỳ ít, ước tính trong cả ngàn nam tử chỉ có không quá mười ca nhi. Tuy là hiếm hoi như vậy nhưng bọn họ lại không được coi trọng.
Lý do là bởi đa số hán tử đều bị thu hút bởi những điểm khác biệt của nữ tử hơn là một thân thể có nhiều tương đồng với mình. Quan trọng nhất là khả năng sinh nở của nữ tử vượt trội hơn nhiều so với ca nhi.
Ca nhi khó thụ thai, khó sinh nở, không giống như nữ tử có thể sinh hết tiểu oa này đến tiểu oa kia. Ca nhi cả một đời số lần có thể thụ thai thực chất cũng không nhiều lắm.
Thời không này lại vô cùng coi trọng việc nối dõi. Không sinh được hán tử chính là tội bất hiếu lớn nhất trong các tội bất hiếu.
Chính vì thế số lượng ca nhi được danh chính ngôn thuận gả đi, trở thành chính thê trong các gia tộc lớn gần như không có. Đa số là được cưới về làm tiểu phu nhi, tức là giống như tiểu thiếp nếu là nữ tử. Hoặc làm phu nhi của hán tử đã mất vợ, có sẵn con riêng nối dõi trước đó.
Trong việc gả đi cũng bị phân biệt rõ ràng. Nếu nhà có nữ tử gả đi sẽ được nhận sính lễ, hán tử mang tới phải gọi là dâng sính để xin cưới.
Còn nếu nhà có ca nhi gả đi, không những có thể sẽ không nhận được sính lễ, mà khi nhà hán tử tới chỉ cần hạ bái thiệp liền có thể đưa đi. Đã vậy một số nhà hán tử còn đòi hồi môn không ít mới chịu cưới qua cửa.
Vì thế những nhà có ca nhi đến tuổi gả đi đều rất lo lắng, thông thường mười bốn mười lăm đã vội vã đi tìm bà mai, mong muốn con mình sớm có nơi nương tựa.
Thế nhưng đó chỉ là chuyện của nhà khác, không phải là của Chu Gia. Nói khó nghe chính là chỉ có nhà khác mới lo lắng cho ca nhi của họ, còn Chu Gia thì không.
Theo ký ức của nguyên chủ, trong thôn Thị An có tất cả ba ca nhi đang độ tuổi muốn gả, tức là từ mười lăm cho tới hai mươi hai.
Trong đó ba người kia đều đã có nơi chốn cho mình, duy nhất chỉ có một mình Dư Hòa là chưa có hôn ước, đã vậy còn là người lớn tuổi nhất.
Nguyên chủ lớn hơn Dư Hòa ba tuổi, ở độ tuổi này ca nhi đã bị coi là ế, là quá lứa lỡ thì, vì càng lớn tuổi cơ hội sinh được tiểu oa lại càng ít đi.
Đã thế Dư Hòa lại vất vả từ nhỏ, chân tay có không biết bao nhiêu vết chai sạn, sẹo mờ quần áo lam lũ vá từng miếng lớn nhỏ. Ăn uống kham khổ quá độ càng khiến cho gương mặt cậu hóp lại, nhìn vô cùng kém sắc. Rõ là với diện mạo và tuổi tác này, không một hán tử nào muốn nhìn tới chứ đừng nói là muốn thú thê.
Dư Hòa nguyên chủ cũng vì thế mà thu mình, hiếm khi ra đến đường chính, có đi cũng là cúi đầu mà đi.
Thật ra khi còn ở độ tuổi đẹp nhất, dù có khổ cực nhưng vì tư sắc cũng có vài phần không giấu đi được. Dư Hòa nguyên chủ cũng từng có đôi ba mối ở thôn bên không rõ tình cảnh của cậu, tìm tới dạm hỏi. Tuy rằng không tính là quá tốt, nhưng trong đó cũng có một hai nơi được gọi là khá.
Nếu như là nhà khác thì đã sớm định hôn cho cậu rồi. Nhưng Phẩm Vân nào có chịu? Gả cậu đi chẳng những không được một đồng sính lễ, lại còn mất đi chút ít hồi môn. Quan trọng nhất là mất đi một kẻ người làm không công.
Bà ta kiếm hết cớ này đến cớ khác đuổi khéo mai mối, lần nữa mãi rốt cuộc lại qua mất tuổi đẹp nhất của đời ca nhi.
Nghĩ đến đây, Dư Hòa cảm thấy cả cõi lòng đều đắng nghẹn. Bởi vì hoàn cảnh của hai kẻ thuộc hai thời không khác biệt hoàn toàn, lại giống nhau đến mức giật mình không tưởng.
Dư Hòa nguyên chủ không phải là con của Thẩm Vân.
Chu Ninh là cha, thú Thẩm Vân là chính thê. Nhị ca của Thẩm Vân không những biết chữ mà còn làm trong nha môn Tịnh Sơn Trấn. Dù người đó chỉ là một chân ghi chép bình thường, nhưng đối với thôn hộ mà nói đây đã là thế lực cực kỳ lớn. Không ai dám chọc vào bà ta, ngay cả Lý Chính quản lý Thị An thôn cũng phải nể bà ta vài phần.
Chu Ninh ngày trước để thú được Thẩm Vân cũng là đi đến mòn gót chân. Chính vì thế Thẩm Vân vô cùng cao ngạo, ở trong Chu Gia thường không coi ai ra gì.
Thế nhưng cưới về nhiều năm, bà ta đến một mụn con cũng không sinh được. Vẻ tự đắc cũng dần mất đi. Phải nhắc lại rằng, nối dõi ở thời kỳ này việc không sinh được con chính là đại bất hiếu.
Chiếu theo tục định của thôn làng, hán tử chỉ được cưới một thê tử hoặc một phu nhi. Nhưng nếu sau ba năm kẻ ấy không sinh được mụn con nào, hoặc sau năm năm không sinh được nhi tử nối dõi, thì hán tử ấy được danh chính ngôn thuận nạp thêm tiểu thiếp. Chính thê không được phép phản đối.
Dựa vào điều này, Chu Gia gây sức ép buộc Thẩm Vân phải đồng ý để Chu Ninh nạp tiểu thiếp.
Người được chọn là Tú Phường một nữ tử ở thôn bên cạnh, cũng chính là thân nương sinh ra nguyên chủ Dư Hòa.
Tú Phường khi mới về còn có chút khép nép nể nang Thẩm Vân, gọi một tiếng đại tỷ. Thế nhưng khi vừa biết mình hoài thai, liền khiến cho mặt mũi Thẩm Vân mất hết, thường xuyên mát mẻ Thẩm Vân là một con gà mái không biết đẻ trứng.
Tú Phường mắt lại thấy của cải Chu Gia lớn mạnh, trong tay có đến mười hai mẫu ruộng tốt, tính là hộ giàu có trong thôn. Vì thế càng quyết tâm tranh đấu.
Dù sao thì việc tiểu thiếp tâm cơ đấu đá, ép cho chính thê phải cắn răng viết giấy hòa ly nhường lại danh phận, cũng không phải chuyện hiếm lạ gì.
Này thì nói rằng không có Chu Ninh bồi bên người sẽ liền không ngủ được. Chín tháng mang thai không ngày nào không bắt Chu Ninh ở lại gian phòng tiểu thiếp, để Thẩm Vân phải cô quạnh một mình.
Này thì thấy mùi nước hương trên người Thẩm Vân quá nồng không muốn cho ngồi chung bàn ăn cơm, nếu không sẽ buồn nôn không nuốt nổi.
Thẩm Vân bị o ép, tức đến run rẩy, cáo trạng lên mẫu thân của Chu Ninh lại bị gạt ngang. Vì đối với Chu Gia mà nói, số hồi môn Thẩm Vân mang theo dù có lớn thật, nhưng cũng không đáng giá bằng có được hán tử nối dõi.
Thẩm Vân cứ như vậy ngậm đắng nuốt cay ngày qua ngày, tích thành thù hận.
Rốt cuộc cho đến cái ngày Tú Phường chuyển dạ, lại sinh ra được một ca nhi.
Khỏi phải nói, Thẩm Vân hả hê đến chừng nào!
Tú Phường lại giống như rơi xuống địa ngục. Nếu đã không sinh được hán tử, vậy thì thà rằng sinh ra được nữ tử còn có chút sính lễ khi gả đi. Đằng này lại sinh ra một ca nhi.
Chu Gia quá sức thất vọng, bao nhiêu sủng ái cũng đều bay đi hết. Tú Phường khi ấy dù chán ghét Dư Hòa, nhưng dù sao thì vẫn còn hi vọng bản thân có thể sinh thêm tiểu oa khác. Vì thế lại cắn răng nhẫn nhịn chịu đựng, mong chờ vào lần hoài thai tiếp theo.
Hai năm sau, Chu Gia quả nhiên lại được đón tin mừng, thế nhưng lần này kẻ may mắn lại không phải là Tú Phường.
Thẩm Vân sinh được một hán tử nối dõi cho Chu Gia, đặt tên Chu Nhất Đình.
Cán cân lúc này không cần phải nói cũng biết nghiêng rõ về ai. Một kẻ vừa có được đại bảo bối trong tay, lại vừa có tiền có thế, Tú Phường rõ ràng là không so sánh được!
Chu Ninh sau đó không qua lại bên gian phòng tiểu thiếp nữa. Cũng dĩ nhiên Tú Phường không có cơ hội hoài thai. Điều này là do ai, không cần nói tất cả cũng đều rõ.
Ngược lại, Thẩm Vân sinh xong giống như được thay máu, liên tiếp sinh thêm được một hán tử và hai nữ tử nữa. Song song đó là vị trí của mẹ con Tú Phường càng ngày càng thấp kém.
Thẩm Vân dễ lòng nào bỏ qua ân oán cũ? Bao nhiêu việc nặng trong nhà đều dồn đổ lên vai Tú Phường.
Sau bảy năm, Tú Phường rốt cuộc không chịu đựng được cuộc sống cơ cực nhục nhã tại Chu Gia, lại cũng không có cách nào gần gũi với Chu Ninh để hoài thai hán tử mà nhờ cậy, liền muốn hòa ly.
Nhưng thời không này chỉ có hán tử mới có quyền viết giấy hòa ly hoặc hưu thư. Mà Thẩm Vân cương quyết không cho Chu Ninh làm vậy. Ép buộc Tú Phường ở lại, mục đích là làm kẻ hầu người hạ mặc cho mình chà đạp.
Tú Phường cũng không phải là loại người cam chịu. Trong một đêm thôn làng có lễ hội, cả Chu Gia đều kéo nhau tham dự. Tú Phường dựa vào việc đã để ý quan sát từ trước, liền nhanh chóng gom toàn bộ tiền bạc sẵn có trong nhà trốn đi.
________________
Một số cách gọi, danh xưng:
-Hòa ly: ly hôn trong hòa bình, lý do chủ yếu đưa ra là cả 2 không muốn sống chung với nhau nữa. Những nữ tử/ca nhi sau khi hòa ly vẫn được đối xử bình đẳng.
-Hưu thư: bỏ vợ, thường là do người vợ đã mắc một lỗi lầm nghiêm trọng nào đó (như không đứng đắn, vi phạm tục lệ thôn làng...) Những nữ tử/ ca nhi sau khi bị hưu thư sẽ bị thôn dân khinh thường.
*Địa danh xếp từ nhỏ tới lớn: Thôn-Trấn - Thành.