Đêm dài vắng người, Cố Diệu nằm bên cạnh Từ Yến Chu, trong lòng tính toán tìm cách kiếm tiền, không có tiền thì đi nửa bước cũng khó.
Thuốc của Từ Yến Chu tốt nhất nên có thêm nhân sâm. Trên người nàng bây giờ chỉ còn lại bảy lượng bạc, ngoài ra còn có chỉ vàng trên quần áo Trần Hải tháo ra.
Cố Diệu sợ có người đuổi theo nên không dám bán ngọc bội, phải kiếm tiền bằng cách nào đây?
Nàng còn hy vọng mỗi ngày đều được ăn thịt chung với bánh, nàng vẫn chưa được nếm hương vị của cơm, có một xíu hạt mễ đều đã đem đi nấu cháo.
Cố Diệu suy nghĩ một lúc rồi ngủ thiếp đi.
Nằm bên cạnh, Từ Yến Chu lại khó ngủ, chàng đã hôn mê trong thời gian dài, bây giờ không hề cảm thấy buồn ngủ. Chàng quay đầu sang muốn ngắm Cố Diệu chút, nhưng bóng đêm quá dày, giống như đêm hôm đó Cố Diệu cõng chàng đi trấn trên cầu y khám bệnh, cái gì cũng không nhìn thấy.
Tuy vậy chàng vẫn có thể thoáng hình dung được dáng vẻ ngủ say của Cố Diệu, vóc người nhỏ bé, khóe miệng nhếch lên mỉm cười ngọt ngào, sợ đụng phải vết thương trên người chàng nên nép vào mép giường mà ngủ.
Từ Yến Chu dịch nàng vào bên trong một chút, rồi nằm xuống lần nữa.
Sang ngày hôm sau, Từ Yến Chu chưa tỉnh lại.
Nàng nói với Lư Thị, tối hôm qua có tỉnh lại một lần, nét mặt bà hiện lên tia mừng rỡ: “Thật sao! Vậy thì quá tốt rồi!”
Từ Yến Chu tỉnh lại, mỗi ngày càng thêm hy vọng.
Lư thị mỗi ngày đều lo lắng sợ hãi, sợ Từ Yến Chu gặp chuyện bất trắc, thậm chí ngày hôm qua chàng tỉnh lại bà vẫn lo lắng đó là hồi quang phản chiếu.
Tỉnh lại thì tốt rồi.
Cố Diệu cười cười: “Sau này thời gian tỉnh chắc chắn sẽ càng dài hơn, mẫu thân, hôm nay con lên núi đi vòng vòng nhặt ít củi, nhìn xem có thể bắt được con thỏ, hay con gà nào không.”
Trong nhà không còn nhiều bột gạo, Cố Diệu nhờ Triệu Nghiễm Minh xuống núi mua một ít mang về.
Lòng Lư thị chua xót, việc trong nhà hết thảy đều cần trông cậy vào Cố Diệu, nàng mới chỉ là một tiểu cô nương mà thôi: “Để ta đi với con.”
Cố Diệu: “Nếu mẫu thân muốn nhặt củi thì nhặt ở quanh đây là được, con đi vòng trong rừng, hễ đụng được thì bắt, không bắt được sẽ về ngay.”
Lư thị ừ một tiếng: “Sợ là trên núi có dã thú, A Diệu con nhất định phải cẩn thận.”
Cố Diệu lên tiếng, nàng về phòng lấy chủy thủ mang theo, lại tìm mượn một cái sọt để rau, trước khi đi nàng nhìn thấy Từ Yến Chu đã tỉnh.
Từ Yến Chu gian nan ngồi dậy: “Nàng muốn đi ra ngoài?”
Cố Diệu gật gật đầu: “Ta đi lên núi xem có bắt được con thỏ nào không.”
Đến lúc đó bán thỏ lấy tiền mua thuốc cho Từ Yến Chu.
Cố Diệu: “Ta đi đây, để Yến Nam vào với huynh.”
Từ Yến Chu: “Cố Diệu!”
Chàng muốn đi cùng, nhưng lại không thể động đậy: “Trước kia ta từng đến Ngọc Khê Sơn, có lẽ ta có thể giúp nàng.”
Cố Diệu kinh ngạc: “Huynh từng đến Ngọc Khê Sơn?”
Từ Yến Chu: “Từng đến, tiêu diệt thổ phỉ.”
Bọn thổ phỉ thường xuyên quấy nhiễu dân chúng ở Vân Thành, chàng không đành lòng để dân chúng chịu khổ, cho nên đã lên núi tiêu diệt hết đám thổ phỉ.
Cố Diệu gật đầu, nếu là nguyên nhân này thì Từ Yến Chu đến đây cũng không có gì lạ: “Vậy trên núi có thứ gì tốt không? Ví như bọn sơn tặc sẽ giấu một thùng kho báu, hoàng kim, bạc, châu báu trong hang động ấy!.”
Từ Yến Chu ngớ ra, thật ra bọn thổ phỉ rất nghèo, ăn không đủ no mặc không đủ ấm, bị áp giải về Vân Thành nhập tịch làm dân chúng bình thường. Nhưng chàng vẫn nói: “Không có kho báu.”
Không có à.
Cố Diệu hơi thất vọng: “Vậy gần đây có hồ nước không?”
Từ Yến Chu cẩn thận nhớ lại: “Cách hai ngọn núi có một cái hồ nước màu bích lục, trông rất đẹp.”
Đẹp hay không không quan trọng, quan trọng là trong hồ sẽ có cá tôm nha, biết đâu còn có cua nhỉ? Hiện tại sắp đến tháng mười rồi, là thời điểm cua mập nhất.
Cố Diệu liếm liếm môi dưới: “Ta đến nhìn một chút, tiện bắt hai con cá về cải thiện bữa ăn!”
Thỏ, gà đem đi bán lấy tiền, có thể bắt cá về nấu canh, canh cá là món cực kỳ bổ dưỡng.
Từ Yến Chu: “Cái hồ kia chỉ để nhìn cho đẹp mắt, không hề có cá, huống chi lại xa như vậy nàng không nên đi.”
Vài năm trước Từ Yến Chu đến nơi này, biên cảnh còn gian khổ nếu có cá ăn tất nhiên rất tốt, nhưng khổ nỗi hồ này không hề có con cá nào.
Không có cá? Tại sao lại không có cá? Trong hồ Dương Trừng còn có cua lông cơ mà*.
Không lẽ là hồ nước mặn?
*Cua lông hồ Dương Trừng, đặc sản của thành phố Tô Châu , tỉnh Giang Tô , là sản phẩm của Chỉ dẫn Địa lý Quốc gia Trung Quốc.
Cua lông hồ Dương Trừng còn được gọi là cua càng vàng. Sản xuất tại Dương Thành Hồ, Tô Châu. Thân cua không dính bùn, thường được gọi là cua lông nước trong, to béo, vỏ xanh và bụng trắng, càng vàng càng có lông vàng, thịt béo ngậy. Ghẹ cái tháng 9 và ghẹ đực tháng 10 có tuyến sinh dục phát triển tốt nhất. Khi đun sôi và cô đặc lại, con cái có màu vàng vàng, còn con đực giống màu trắng ngọc bích, ăn rất ngon.
Ngày 9 tháng 5 năm 2005, Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trước đây đã phê duyệt việc thực hiện bảo hộ xuất xứ sản phẩm “cua lông hồ Dương Trừng”. Có tin vào ngày 25 tháng 9 năm 2018 rằng cua ngoại thành được vận chuyển đến hồ Dương Trừng, và giá dán nhãn cao gấp mười lần.
…
Cố Diệu đã từng nghe nói trong hồ nước mặn sẽ không có cá: “Từ Yến Chu, bên cạnh hồ nước có cây cỏ gì không?”
Từ Yến Chu lắc đầu: “Không có, không có gì cả, đường rất xa, không cho đi.”
Càng nghe càng giống hồ nước mặn, Cố Diệu rất muốn đi, nhưng nàng lại nói: “Được được được, ta không đi, không đi.”
Từ Yến Chu rất hận bản thân vô dụng, vạn nhất Cố Diệu đi đến nơi đó nhất định phải băng qua hai ngọn núi, chưa biết sẽ gặp phải chuyện ngoài ý muốn gì: “Trong hồ thật sự không có gì cả, ta nhớ rõ ngọn núi phía trước có một cây đại thụ ăn được quả.”
Vậy thì đến hồ nước xong nhiên tiện hái trái cây, nàng vẫn liên tục cam đoan với chàng tuyệt đối không đến hồ bên kia: “Huynh yên tâm, ta tuyệt đối không đi đâu.”
Vẻ mặt chàng nghiêm túc: “Không cho đi.”
Cố Diệu gật đầu liên tục: “Không đi! Huynh cố gắng dưỡng thương, ta gọi Yến Nam vào nói chuyện với huynh.”
Nàng vừa ra ngoài đã đi đến nơi mà Từ Yến Chu nhắc đến, qua hai ngọn núi, nàng đi rất nhanh nên chỉ hơn một canh giờ đã đến.
(1 canh giờ bằng 2 tiếng)
Chiếc hồ màu bích lục mênh mông vô tận, xung quanh hồ không hề có cỏ dại, bề mặt cát lại có rất nhiều khối đá trong suốt. Xa hơn một chút, cuối đường chân trời là những dãy núi xanh thẫm uốn lượn.
Cố Diệu không thể định nghĩa được tâm tình của bản thân hiện giờ là gì, nàng muốn thỏi vàng thỏi bạc nào, có một cái hồ như vậy chẳng phải đã đủ rồi sao.
Cố Diệu đi đến cạnh hồ, nâng tay vục một ít nước uống thử, có vị mặn.
Quả nhiên là hồ nước mặn.
Có rất nhiều muối thạch trên bờ cát, nàng hận không thể chuyển những thứ này đem về hết. Một đường lưu đày như vậy, chỉ có thể gặm mấy miếng bánh khô cằn, mãi đến khi đặt chân lên Ngọc Khê Sơn các nàng mới được ăn muối.
Muối là gia vị chính, giống như món thỏ om nếu không có muối sẽ không được gọi là thỏ om.
Hơn nữa, có muối sẽ kiếm được tiền, một hồ nước lớn như thế này, màu xanh bích lục tựa như phỉ thúy, thế nhưng trong mắt Cố Diệu nó lấp lánh như ánh vàng.
Nàng đã xuyên đến nơi này được hơn một tháng, cũng hiểu một chút về Đại Sở. Ở Đại Sở cấm không cho tư nhân buôn bán muối, hầu hết các ruộng muối đều nằm ở bờ biển tỉnh Giang Nam, việc vận chuyển không có nhiều thay đổi đẩy giá muối lên rất cao.
Một đấu muối bốn trăm tiền, một đấu gạo hai trăm tiền.
Muối còn đắt hơn cả gạo.
Muốn ăn muối phải đóng thuế, dân thường không ăn nổi chỉ có thể mua muối lậu, mà muối lậu cũng không hề rẻ chút nào.
Tuy rằng Cố Diệu sẽ không mở ruộng muối nhưng nàng có thể nấu muối nha, nhiều muối thạch thế này sẽ nấu ra không ít muối.
Trước kia Từ Yến Chu đi qua hồ nước này thấy trong hồ không có cá nên không dám uống, cũng may mắn chàng không uống để Cố Diệu phát hiện ra đây là hồ nước mặn.
Cố Diệu khom lưng nhặt muối thạch.
Từng miếng muối thạch sáng ngời trong suốt, có hình dạng khác nhau, Cố Diệu cảm thấy so với trân bảo nó còn dễ nhìn hơn. Nhặt đầy sọt, tuy không muốn nhưng chỉ đành rời đi, tương lai vẫn còn dài, dùng hết lại đến nhặt cũng không sao.
Đường núi không dễ đi chút nào, trên lưng lại phải gùi mấy chục cân muối thạch, Cố Diệu đi chậm hơn rất nhiều, nàng lại nhớ ra Từ Yến Chu đã nhắc đến quả dại.
Tháng mười, trái cây nhất định đã chính mọng, chua chua ngọt ngọt nha.
Lúc ở mạt thế, đừng nói là hoa quả đến quả khô cũng không có lấy một trái.
Đã nhiều năm rồi Cố Diệu không được ăn, trên gùi của nàng còn trống một chỗ, hái quả mang về cho Từ Yến Chu và những người khác ăn.
Trên núi toàn là bụi cây rậm rạp, mà Từ Yến Chu chỉ nói qua cho nên nàng phải tìm rất lâu, nhìn trái nhìn phải cũng không phát hiện ra. Cố Diệu dừng lại lau mồ hồi, uống mấy ngụm nước nghỉ ngơi một lúc, nàng mới tiếp tục tìm kiếm khắp ngọn núi.
Ông trời không phụ lòng người, trên một con dốc thoai thoải phía xa, nàng nhìn thấy một vài cây ăn trái, những quả màu vàng trên nhánh cây lá đỏ, trông giống hệt như chiếc đèn lồng nhỏ.
Đứng ở xa nàng đã ngửi được mùi thơm quả chín. Táo dại ở trên núi không lớn, nhưng các trái đều đã chín mọng, rất đáng yêu.
Cố Diệu hái liên tục bảy tám trái đổ đầy giỏ, trên tay cầm theo một quả, đang định rời đi nàng lại phát hiện được một tổ ong trên con dốc kia. Tổ ong rất lớn, có thể thấy được mật vàng óng ánh bên trong. Nàng nghĩ thầm, nếu ăn được một miếng mật ong ngọt lịm thì thật sướng.
Mật nhiều như vậy có thể cho Từ Yến Chu uống mỗi ngày một chén nước mật ong, vết thương sẽ càng nhanh bình phục hơn.
Nàng cực kỳ muốn lấy.
Hóa ra mùi thơm ngọt vừa rồi không phải hương trái cây mà là hương mật ong. Có mật ong sẽ không cần phải mua đường nữa.
Hiềm nỗi Cố Diệu chỉ có một cái gùi, nàng tiếc không muốn bỏ muối thạch, cũng tiếc trái cây. Có điều, tổ ong này cũng không chạy được, ngày mai nàng sẽ đến lấy.
Cố Diệu khắc sâu hình dáng của tổ ong vào trong đầu, nhanh chân đi về căn nhà tranh, về đến nơi đã xế chiều. Lư thị chờ đến lòng như lửa đốt, cũng không biết Cố Diệu đã đi đâu, nhìn thấy nàng trái tim của bà mới quay về đúng vị trí: “Sao mang nhiều đồ trên lưng như vậy, có mệt lắm không?”
Cố Diệu vén sợi tóc đen rơi xuống, tháo gùi: “Không mệt, không nặng chút nào.”
Lư thị nhấc thử, cái giỏ không dịch chuyển được một li: “Thế này còn nói không nặng, con mau vào phòng nghỉ một lát, ta đi hâm nóng cơm.”
Khí lực nàng rất lớn, cõng thêm một gùi trên lưng còn được, Cố Diệu uống một ngụm nước: “Yến Chu tỉnh chưa?”
Lư thị: “Tỉnh rồi.”
Cố Diệu rửa một ít quả dại: “Con đi xem huynh ấy một chút.”
Nàng hái ít quả dại, Từ Yến Chu nhất định rất vui.
Từ Yến Chu đang dựa vào vách tường, trên người mặc trung y màu trắng, sắc mặt tái nhợt vì bị thương, toàn thân lộ ra vẻ lạnh lùng xa cách.
Cố Diệu trộm nghĩ, một người như Từ Yến Chu hẳn phải sống trong ngôi nhà tường trắng ngói xanh, đọc sách hoặc đánh đàn. Hoặc chăng là ở trên chiến trường Tây Bắc khói lửa thuốc súng, tay cầm trường kiếm đánh kẻ địch lui về ngàn dặm. Chứ không phải ở trong phòng cỏ tranh này, lao đao vì thương tật.
Cố Diệu hít sâu một hơi: “Từ Yến Chu, huynh khá hơn chút nào không, nhìn xem ta hái trái cây mang về này.”
Trái cây không lớn, nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay Cố Diệu, chín mọng đỏ rực.
Từ Yến Chu liếc mấy quả dại một chút, lại nhìn về phía Cố Diệu: “Sao nàng về muộn vậy?”
Cố Diệu: “Ta tìm không thấy nên phải đi khắp nơi, rốt cuộc cũng tìm được, đây chắc là quả dại mà huynh nói, nếm thử xem ngon không.”
Từ Yến Chu: “Nàng chưa ăn à?”
Cố Diệu: “Ta về nhà ăn cũng giống nhau mà.”
Nàng rửa hai trái, một trái cho Từ Yến Chu, một trái khác tự mình cắn một miếng: “Từ Yến Chu, rất ngọt đó, ngon nữa.”
Cắn một miếng, nước táo ngập tràn trong miệng, giòn giòn, chua chua ngọt ngọt. Cố Diệu cắn thêm một miếng thỏa mãn híp đôi mắt lại, ngon quá.
Nàng nhìn Từ Yến Chu, chàng vẫn không động: “Huynh ăn đi, rất ngon đó.”
Từ Yến Chu ăn không vào, thật sự nuốt không vào, chàng nghĩ đến việc Cố Diệu một mình trèo đèo lội suối, chỉ vì hái mấy quả dại liền thấy khó chịu, trái tim như bị dao cắt.
Chàng liếc thấy vết thương trên tay Cố Diệu: “Bị thương?”
Có lẽ lúc hái quả dại không cẩn thận cắt phải, Cố Diệu cũng không để ý: “Huynh mau ăn đi.”
Nàng trực tiếp đem quả táo nhỏ đưa tới miệng Từ Yến Chu: “Huynh nếm thử đi, nhất định sẽ thích.”
Từ Yến Chu cắn một miếng: “Ngọt.”
Cố Diệu mỉm cười: “Có mặn không, ta ở trên núi nhặt được rất nhiều muối thạch, có thể nấu ra muối lén đi bán lấy tiền, về sau trong nhà cũng không lo thiếu muối nữa.”