Có những lúc, anh luôn thầm nghĩ
Vì sao một mùa lại thay bằng mùa khác?
Anh cũng không biết rằng
Ngoài thế giới này còn một thế giới khác
Thất Nguyệt Hắc Tử
Đó chẳng qua chỉ là trò đùa của mấy cô nữ sinh.
Lần đầu tiên Hà Dập Phong nghe thấy những lời này, tâm trạng anh vừa như sóng lớn vỗ bờ, vừa như nước chảy qua cầu, hoang mang không biết chảy về đâu. Một gam màu pha lẫn với một gam màu khác, đương nhiên là lẫn lộn không phân biệt nổi rồi.
Cuộc gọi đến của Họa Trần vào buổi trưa. Anh là sinh viên Y khoa đang học tiếp lên thạc sĩ, chương trình học đã nặng lại cộng thêm công việc ở bệnh viện và phòng thí nghiệm, khiến anh bận đến nỗi đầu óc muốn nổ tung. Anh nghe điện thoại trong phòng thí nghiệm với tâm trạng chẳng vui vẻ gì. Mấy bình vi khuẩn nuôi cấy vài ngày trước, đáng lẽ phải phát triển khỏe mạnh thì không hiểu sao lại bị chết dần. Anh đang ở đây để tìm hiểu nguyên nhân, buổi tối còn phải làm nốt một báo cáo quan trọng nữa.
“Lúc nào tan học anh tới đón em được không?” Giọng Họa Trần vui vẻ ríu rít như chim sẻ, hoàn toàn trái ngược với tâm trạng của anh bây giờ.
“Anh không có thời gian.” Anh cũng chẳng hỏi cô có chuyện gì đã từ chối thẳng thừng. Hôm đó mới là thứ Năm, một học sinh lớp Mười một như cô, ngoan ngoãn học ở trên lớp, buổi tối về nhà tự học là nhiệm vụ đương nhiên.
Họa Trần “ồ” lên một tiếng, không giận dỗi cũng không hụt hẫng, giọng vẫn hào hứng như trước: “Anh có thấy bây giờ đang là mùa đẹp nhất trong năm không?”
Trong mắt sinh viên Y khoa chỉ có việc học, không có bốn mùa.
“Mặt trời ấm áp, gió hiu hiu thổi, không khí khô ráo, lá khô như muốn nói lời cảm ơn với tất cả các loài thực vật nên mới rơi rụng lả tả. Vệt nắng cuối chiều làm tâm hồn ta thấy yên bình. Có thể tự do trải lòng, suy ngẫm về bản thân và hòa mình vào thiên nhiên. Nếu được chọn mùa để chết, em sẽ không chọn mùa thu đâu, vì không nỡ chút nào.” Cô bé nói với tình cảm dạt dào.
“Anh không có hứng thú với mấy loại tập làm văn này.” Cô nhóc Nguyễn Họa Trần này, không biết ăn gì để lớn mà lúc thì thông minh, lúc lại ngốc nghếch, lúc thì tư lự suy tư, lúc lại hồn nhiên quá đỗi. Hay là tuổi dậy thì của thiếu nữ đều như vậy?
“Ừm, vậy anh làm việc tiếp đi! Em chỉ muốn nói với anh mấy lời đó thôi. Tạm biệt!”
Cô nàng nói ra một tràng rồi biến đi nhanh như mấy cuối trời. Hà Dập Phong đứng ngây người, điện thoại cầm trong tay nóng ran, sau đó thấy trong mắt như có lửa nóng, nhìn mấy bình lọ trong phòng thí nghiệm chỉ muốn đập tan tành.
Cuối cùng, trước khi tan học nửa tiếng, anh dẹp thí nghiệm và báo cáo sang một bên, đến đứng ở bậc thềm đối diện với cổng trường trung học Ninh Thành, sừng sững như cột điện. Lúc nào cũng thế, anh sợ đến muộn, sợ không tìm thấy cô. Anh nghĩ chắc chắn thần kinh của mình có vấn đề.
Hà Dập Phong không có hứng thú làm gia sư, vì anh không thiếu tiền, cũng không có thời gian. Nhưng anh có một đàn anh học cùng cấp ba, sau đó học Đại học Sư phạm Ninh Thành, tốt nghiệp xong được phân về dạy môn tiếng Anh ở trường Trung học phổ thông Ninh Thành. Hai người tình cờ gặp nhau trên đường nên trò chuyện vài câu. Mấy ngày sau, anh ta tới tìm anh, nhờ anh phụ đạo môn Toán, Lý, Hóa cho một nữ sinh, hai buổi một tuần, vào chiều thứ Bảy và chiều Chủ nhật.
“Cô bé rất ngoan ngoãn, tính cách khá hướng nội nhưng không ngốc đâu nhé. Bố mẹ em ấy đã giúp đỡ anh rất nhiều, bây giờ anh lại là chủ nhiệm lớp của em ấy. Tìm người khác dạy thay thì anh không yên tâm, nghĩ tới nghĩ lui, đành phải nhờ em vậy.” Đàn anh nhìn anh với vẻ khẩn cầu.
Hà Dập Phong thật khó từ chối, đành phải chấp nhận lời làm gia sư.
Ngày đầu tiên đi dạy, anh được đàn anh dẫn đi. Đó là một khu tập thể bình thường, còn khá mới, xung quanh trồng nhiều cây xanh, rất gần trường trung học. Người ra vào tấp nập, đa số là những gương mặt non choẹt mặc đồng phục học sinh.
Nhà cô ở tầng ba, không có thang máy, cầu thang được quét dọn rất sạch sẽ. Mở cửa cho họ là một người phụ nữ trung niên, tự giới thiệu là bác của nữ sinh đó.
Nghe thấy tiếng mở cửa, cô nữ sinh từ trong phòng bước ra. Cô nhóc có cái đầu nhỏ như bị suy dinh dưỡng, khuôn mặt chỉ to bằng bàn tay, đôi mắt to và lông mày thanh tú. Cô kính cẩn chào thầy giáo và gia sư.
Anh thấy yên tâm, thầm nghĩ, làm gia sư cũng không đến nỗi khó lắm.
Sau khi đàn anh ra về, anh xem vở bài tập của cô, thấy ngoài bìa ghi tên “Nguyễn Họa Trần” với nét chữ rất thanh tú.
Bố mẹ cô hình như không sống ở Ninh Thành, nhà đang ở là đi thuê, người bác ở cùng để tiện chăm sóc cho cô. Tình trạng này rất hay gặp ở những học sinh cấp ba.
Để hiểu rõ lực học của cô, hôm đầu anh không giảng bài mà giao bài tập cho cô làm. Cô ngồi yên lặng, không nói lời nào. Giữa buổi, bác cô mang cho anh chén trà và một đĩa hoa quả. Cô làm bài rất chậm, hiểu khá mơ hồ về các khái niệm, không biết vận dụng các công thức, nhưng anh nhắc đến là cô đều nhớ.
Buổi dạy thứ hai, anh bắt đầu phụ đạo cho cô những kiến thức còn yếu. Cô chăm chú lắng nghe. Hết buổi dạy, cô còn lịch sự tiễn anh đến tận chân cầu thang.
Buổi dạy thứ ba, ở nhà chỉ có mình cô. Cô nói bác mình đang chơi mạt chược ở nhà hàng xóm, có việc gì thì gọi bác một tiếng. Hôm đó, cô không tập trung chút nào, thỉnh thoảng còn ngẩng đầu nhìn anh.
“Có chuyện gì à?” Anh nhíu mày, hỏi.
“Anh thích địa điểm hẹn hò lần đầu tiên ở đâu? Nụ hôn đầu ở đâu? Kết hôn xong thì đi hưởng tuần trăng mật ở đâu? Ngày kỷ niệm kết hôn anh muốn đi đâu du lịch? Sau khi chết muốn được an táng ở chỗ nào?” Ánh mắt cô rất nghiêm túc, ấn đường nhíu lại, không có vẻ là đang đùa cợt.
Anh nghĩ một lát rồi kiên nhẫn trả lời: “Có một số việc không thể do bản thân tự quyết định, đến lúc đó nó sẽ diễn ra tự nhiên, như vậy mới thấy bất ngờ.”
Cô ngẩng đầu lên, chớp chớp mắt, ánh nhìn mông lung, nói: “Em mong muốn lần hẹn hò đầu tiên của mình ở ngoại ô, vào mùa hè, một bên là dòng sông, một bên là đồng cỏ. Anh ấy đạp xe đạp, còn em ngồi phía sau. Con đường khá nhấp nhô, sẽ có ổ gà làm xóc nảy, bọn em cùng nhau bật cười. Khi hoàng hôn buông xuống, đom đóm bay ra từ bụi cỏ, bọn em sẽ nắm tay nhau thật chặt. Nếu hôn nhau thì sẽ ở một thị trấn cổ. Đó là nụ hôn dưới mái hiên của ngôi nhà cổ, cho dù là mùa hè, cũng sẽ mát mẻ. Không khí thoang thoảng hương sen. Khi kết hôn, bọn em sẽ đến sa mạc mênh mông hút tầm mắt, chẳng có phong cảnh gì ở đó cả. Thật ra, không có phong cảnh mới là phong cảnh duy nhất. Ở đó mới dễ nhớ đến chuyện ngày xưa. Sau này, để kỷ niệm ngày kết hôn, bọn em sẽ đến Greal Rift Valley(*). Đó là vết nứt lớn được hình thành khi vỏ Trái đất còn yếu. Khi đặt chân đến đó sẽ tự nhiên thấy quý trọng mỗi ngày đang sống. Sau khi chết. em muốn được chôn ở thảo nguyên rộng lớn của Kenya(**), nghe người ta bảo đó là thiên đường cuối cùng của thế giới.”
(*) Thung lũng Tách giãn lớn: là một địa hình dạng máng kéo dài kiên tục khoảng 6.000 km2 từ phía tây bắc Syria, tây nam châu Á, đến trung tâm Mozambique, Đông Phi.
(**) Là quốc gia rộng lớn tại miền Đông châu Phi.
Một cô gái mười lăm tuổi có nhiều mơ mộng ngọt ngào với tình yêu là điều bình thường, nhưng mà mơ cụ thể đến như thế thì có phần hơi khác người. Hà Dập Phong thừa nhận, vào giây phút ấy trong lòng anh dâng lên một cảm giác lạc lối. Không phải con đường mình sẽ đi mà lại cảm thấy mất phương hướng, điều đó thật lạ lùng.
Nhưng chỉ Họa Trần mới có thể ngốc nghếch như thế thôi, còn anh đã học đại học năm thứ tư, đã hai mươi mốt tuổi rồi, đối với anh, tình yêu và hôn nhân không tồn tại sự lãng mạn mà chỉ là những đề mục rõ ràng cho kế hoạch trong cuộc đời.
“Bây giờ chúng ta bắt đầu học được chưa?” Anh nghiêm nét mặt rồi mở sách giáo khoa ra.
Nguyễn Họa Trần cụp mắt xuống, bật ra tiếng thở dài.
Một tháng sau, Dập Phong tới nhà Họa Trần dạy học. Bước vào cửa, bác của cô nhóc nhìn anh tươi cười rồi nhét một chiếc phong bì vào túi anh. Anh cố gắng hít một hơi thật sâu, biết rõ đó là tiền công gia sư.
Trời mùa đông tối rất nhanh, lúc tan học thì bên ngoài đã đen như mực. Màn đêm có thể che đậy tất cả những điều xấu xí, dưới ánh sáng của ngọn đèn, mọi thứ hiện lên đẹp đẽ, huyền ảo. Anh vừa bước ra khỏi cầu thang, dựng thẳng cổ áo thì nghe thấy tiếng bước chân chạy bình bịch phía sau.
Anh quay lại. Họa Trần đứng trước mặt anh thở hổn hển, chỉ tay về phái trước. “Cuối đường có cửa hàng bánh của Ý, bánh Tiramisu cực ngon.”
“Thì sao?” Anh hỏi.
“Chúng ta cùng đi ăn nhé!” Cô nhóc vẫn còn mặc áo đồng phục ở trường. Bộ đồng phục quá rộng khiến cô trông như đang khoác áo choàng.
“Ai trả tiền?”
Cô chỉ vào anh.
“Tại sao lại là anh?”
“Em thấy bác đưa phong bì cho anh rồi.”
“Đó là công sức lao động của anh đấy.”
Cô trừng to mắt nhìn anh. “Nếu như môn Toán, Lý, Hóa của em không kém, anh sẽ không có đối tượng lao động. Cho nên số tiền đó phải chia cho em một nửa mới đúng.”
“Lấy cái lý lẽ đó ở đâu ra thế?” Hà Dập Phong bật cười nhưng cũng không muốn bắt bẻ. Anh cùng cô đi qua đường đến cửa hàng bánh Ý, mua một phần Tiramisu.
“Anh có muốn nếm thử không?” Cô xúc một thìa rất tự nhiên đưa lên miệng anh.
Anh biết mấy cô nữ sinh thường thích ăn tranh đồ của nhau, rõ ràng là mua hai phần, thế mà vẫn cậu ăn của mình, mình ăn của cậu. Anh nhìn phần bánh trong thìa khoảng năm giây, sau đó lắc đầu.
Cô ăn rất ngon, vừa anh vừa kể cho anh nghe một câu chuyện.
Hồi chiến tranh thế giới thứ hai, một người vợ Ý định làm lương khô cho chồng chuẩn bị lên đường ra trận, nhưng vì nghèo túng nên cô đem tất cả bánh bích quy và bánh mì còn ăn được làm thành một chiếc bánh ngọt, cái bánh ngọt đó chính là Tiramisu. Tiramisu trong tiếng Ý có nghĩa là “Mang em theo với”, nó không chỉ là một món ăn ngon, mà còn là tình yêu và hạnh phúc.
Ngoại trừ Toán, Lý, Hóa học không tốt lắm, những kiến thức khác của Họa Trần rất phong phú, nếu ai đó thử hỏi cô mấy thứ trên trời dưới biển như kể tên hai mươi tư tiết khí, cô có thể đọc ra làu làu ngay. Thậm chí, cô có thể ngồi yên lặng cả ngày để vẽ một tấm bản đồ thế giới.
Lục địa, hải dương, hòn đảo, núi rừng, cao nguyên, tất cả các thành phố lớn nhỏ,… Cô ngẩng mặt lên, chóp mũi đầy mồ hôi, ngón tay dính đầy chì. “Sao vậy nhỉ?” Đôi mắt ấy nhìn anh thuần khiết mà tinh nghịch, lại long lanh ươn ướt.
Đầu óc anh bỗng đơ ra như bị chết máy. Sau khi đã diệt hết virus, khởi động lại bình thường, Hà Dập Phong một lần nữa khẳng định, Họa Trần đúng là khác người.
Đó là lần đầu tiên. Về sau cứ đúng vào ngày nhận được tiền công, anh đều dẫn cô ra ngoài ăn cái gì đó. Yêu cầu của Họa Trần cũng không cao, có lúc là cái bánh trứng ven đường, có khi chỉ là một bắp ngô.
Cách khu tập thể không xa la một khu phố ẩm thực, ngày nào cũng tấp nập như ngày Tết. Bánh chưng, bánh Trung Thu, bánh trôi là những món ăn đặc trung cho ngày lễ tết, vậy mà ở đây lúc nào cũng có. Đây cũng là nơi Họa Trần thích đến nhất và cô lần lượt ăn từng quán. Bác sĩ thường mắc bệnh sạch sẽ, nên anh không có cảm tình với các quán ăn ven đường, nhưng nhìn Họa Trần ăn với vẻ mặt ngập tràn hạnh phúc, Hà Dập Phong không nói câu nào, chỉ trả tiền thật nhanh. Có lúc gặp nhiều món ngon, tâm trạng cô rất mâu thuẫn, món gì cô cũng muốn ăn, nhưng bụng lại không đủ sức chứa. Thế là cô đành mua mỗi món một ít rồi chia làm đôi, anh một nửa, cô một nửa.
Quán hạt dẻ rang ở đầu xa nhất của khu phố, phải đi một đoạn đường khá dài mới đến nơi. Từ xa đã nghe tiếng hạt dẻ rang nổ lách tách, lớp vỏ hạt từ từ tách ra như mặt trời mùa đông ló rạng sau chân trời, nóng hổi, thơm bùi. Khi gió rát thổi qua, nhìn cô nhóc ăn say sưa, anh thấy mùa đông cũng không đến nỗi lạnh lắm.
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó đã là học kỳ hai của lớp Mười một. Môn Toán, Lý, Hóa của Họa Trần cũng có chút tiến bộ. Đàn anh nói với Hà Dập Phong là bố mẹ Họa Trần hy vọng anh có thể phụ đạo cho cô đến khi tốt nghiệp trung học.
Hà Dập Phong không nói gì, thực ra đâu chỉ có mỗi việc gia sư. Bác của Họa Trần thấy anh học rộng, hiểu biết nhiều, tính cách tốt nên rất tin tưởng anh, chuyện gì của Họa Trần cũng đẩy sang cho anh. Người bác đó nói mình chỉ bà nội trợ, chẳng học hành nhiều nên chỉ có thể lo cho Họa Trần chuyện ăn mặc, còn những thứ khác đều không biết.
Họp phụ huynh là Hà Dập Phong tới họp.
Họa Trần tham gia biểu diễn văn nghệ, Hà Dập Phong ngồi dưới khán đài xem.
Họa Trần tham gia trại hè, Hà Dập Phong đến trường ký tên cam kết.
Tối thứ Sáu phải đi học múa ba lê, Hà Dập Phong phụ trách đưa đón.
Có lần, Họa Trần đang học thì bị sốt cao, người đầu tiên mà thầy giáo chủ nhiệm gọi điện tới chính là anh. Anh nghiến răng nghiến lợi bảo: “Chuyện này anh phải thông báo cho bác của em ấy trước tiên chứ!” Thầy giáo chủ nhiệm thở dài, nói: “Cậu không phải là bác sĩ à? Gọi cho bác ấy rồi vẫn phải tìm cậu.” Cục tức nghẹn ú ở cuống họng, Hà Dập Phong chỉ biết câm nín than trời.
Mặc dù lần nào sắc mặt anh cũng vô cùng khó coi, như thể viết “Tôi không muốn” lên đó, nhưng rồi anh vẫn tới. Giống như hôm nay chẳng hạn.
Tiếng chuông tan học cuối cùng cũng vang lên, Hà Dập Phong cảm giác như đã qua vài thế kỷ. Họa Trần không để anh đợi lâu, đeo cặp đi về phía anh, gương mặt ánh lên ý cười.
Mấy cô nữ sinh khoác vai bá cổ nhau đi qua anh, miệng cười vụng trộm.
“Là chồng của Nguyễn Họa Trần đấy.”
“Thật à? Chắc là sinh viên!”
“Ừ, nghe nói đã yêu nhau hai năm rồi.”
“Oa! Nhìn chín chắn thật đấy!”
Tiếng cười khúc khích vang xa, mặt của Hà Dập Phong thoắt đen sì.
Ở đại học cũng vậy, bây giờ nam nữ yêu nhau không nói đây là bạn trai tớ, đây là bạn gái tớ, mà rất tự hào giới thiệu đây là chồng mình, đó là vợ mình. Dường như nói thế sẽ cảm thấy chân thực hơn vậy.
Đó chỉ là những lời trêu đùa, nhưng khi lọt vào tai Hà Dập Phong thì lại trở thành châm chọc. Anh giận điên người, không thèm đợi Họa Trần nữa mà quay người bỏ đi.
Họa Trần không hiểu nguyên do, thấy anh bỏ đi thì đuổi theo cười hì hì rồi đưa cặp sách cho anh.
“Em nói với mọi người là em với anh đang hẹn hò à?” Anh giận đùng đùng hỏi cô.
Họa Trần không nén được cười. “Đâu có, các bạn ấy đoán mò đấy ạ.”
“Sao em không giải thích?”
“Không muốn phí thời gian vô ích. Hôm nay, chúng ta đến Đông Giao, anh nhé! Chỗ đó có rừng cây ngân hạnh, lá nhuộm vàng rồi, đẹp cực kỳ luôn! Buổi tối trong thị trấn còn chiếu phim ngoài trời nữa. Em chưa xem chiếu phim ngoài trời bao giờ.”
“Không đi.” Anh hất mạnh tay, bước về phía trước, nhưng góc áo lại bị tóm chặt. Anh đứng im như tượng, không buồn quay đầu lại.
“Được rồi, không đi nữa, vậy chúng ta đi dạo phố, được không?” Họa Trần từ sau lưng anh ló đầu ra, chớp chớp mắt tỏ vẻ năn nỉ một cách vô cùng tủi thân.
Anh nghiến răng cầm lấy cặp sách của cô.
Hai người đến chợ nông sản, Họa Trần rẽ vào một quán ăn ven đường thay đồng phục. Đứng trước sập bán rau quả, cô sờ nắn cà chua, dưa chuột, rồi chép miệng. “Ôi, sao giá cả hàng hóa lại tăng nhanh như vậy nhỉ, chồng ơi, sau này chắc rau quả cũng không mua nổi, làm thế nào bây giờ?”
Gương mặt tuấn tú của ai đó nhăn nhó khổ sở. Anh ra lệnh cho bản thân thà nhớ đến những con vi khuẩn chết khô trong bình ở phòng thí nghiệm, còn hơn là nhìn vẻ mặt giả vờ đau khổ của cô.
Cô bán rau nhìn bọn họ với vẻ kinh ngạc, ngần ngừ hỏi: “Các cháu kết hôn rồi à?”
“Vâng ạ, đã được hai năm rồi ạ. Hôm nay là kỷ niệm ngày cưới.”
“Nhìn cháu còn rất trẻ, cô cứ nghĩ là cháu còn đang đi học.”
Họa Trần che miệng cười khúc khích, sau đó mua một giỏ trứng gà, cùng anh ra khỏi chợ.
“Thôi được rồi, nhìn bản mặt nhăn nhó của anh kìa, đúng là chẳng biết đùa gì cả. Em biết anh không thích em, em sẽ không bắt ép đâu mà lo. Chúng ta đang chơi trò gia đình thôi.” Cô không trêu anh nữa, chỉ cố nhịn cười.
Nghe câu đó, anh càng thấy ghét, lúc mới lẫm chẫm bước đi, anh đã ghét chơi cái trò ấu trĩ giả dạng gia đình thế này rồi.
“Đúng là ông cụ non.” Cô lè lưỡi rồi nhảy chân sáo về phía trước.
Làm sao không hoang mang cơ chứ, anh lần lượt kiểm điểm trong đầu xem hành vi của mình có chỗ nào chưa đúng. Dù sao cô ấy vẫn còn là học sinh, lại là vị thành niên nữa…
Về đến nhà thì bác của Họa Trần lại không ở nhà. Cô bắt anh ngồi xuống ghế, bảo là nấu cơm cho anh ăn để tạ lỗi. Ai thèm so đo với một cô nhóc làm gì, thế là anh dần lấy lại bình tĩnh.
Cô có biết nấu cơm đâu, chỉ là lấy mấy quả trứng gà vừa mua ra rửa sạch rồi bỏ vào nồi, đổ một ít nước lạnh rồi bắc lên bếp luộc chín. Cô lấy xì dầu cho vào đĩa, hai người ngồi hai đầu nồi, chấm xì dầu ăn hết mấy quả trứng gà. Đúng là mùi vị rất ngon.
Sau đó cô nấu mì tôm và làm sủi cảo cho anh ăn.
“Em là người vợ đạt tiêu chuẩn, đúng không?” Cô cầm tay anh, lắc lắc trêu trọc.
Anh bực bội gạt tay ra, gầm lên: “Em làm xong bài tập chưa đấy?”
Cô mặt dày mày dạn mỉm cười khiến anh chẳng biết phải làm sao.
Năm lớp Mười hai này của Họa Trần cũng chính là học kỳ cuối cùng của Hà Dập Phong. Anh có hai lựa chọn, một là ở lại trường làm giảng viên, hai là ra nước ngoài để học chuyên sâu. Anh chọn gì cũng được, nhưng trước hết phải đảm bảo Họa Trần thi đại học được thuận lợi. Anh cố gắng viết luận văn trong thời gian thực tập để có nhiều thời gian hơn cho Họa Trần. Không ngờ, khai giảng được gần một tháng mà anh vẫn không nhận được điện thoại của bác Họa Trần. Anh đến căn nhà thuê của Họa Trần nhưng nhà đã đổi khách trọ.
Anh gọi điện cho đàn anh kia, anh ta ngạc nhiên nói: “Em không biết Họa Trần bây giờ ở trong ký túc rồi à? Là em ấy muốn thế, bảo là muốn tập trung học thật tốt cho năm học này.”
Ồ, cuối cùng thì anh cũng được giải thoát.
Để mừng sự giải thoát này, anh tự thưởng cho mình một chai rượu, uống đến say mèm rồi ngủ trong ký túc xá hai ngày hai đêm. Sau đó, anh đến nói với thầy hướng dẫn làm luận văn của mình là anh quyết định sẽ giành học bổng, ra nước ngoài học tiếp lên tiến sĩ.
Từ đó về sau, cuộc sống của anh vô cùng yên tĩnh. Không nóng nảy, không thức giận, không bực bội, đương nhiên cũng không có sự kiện gì giật gân. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cứ trôi đi bình lặng như thế.
Hà Dập Phong nhún vai một cách hờ hững với cô gái đang đứng dưới bức tranh sa mạc Sahara. Anh không khẳng đinh, cũng chẳng phủ định. Một câu nói đùa từ nhiều năm trước thì chẳng cần giải thích rõ ràng làm gì, cứ bỏ qua là xong.
Cuộc sống lúc nào chẳng có vài tình tiết kịch, chỉ như dệt hoa trên gấm, điểm xuyết vài nét để ngày tháng có thêm sắc màu phong phú mà thôi. Nhưng dù sao, cuộc sống vẫn nên giản dị thì hơn.
“Thật xin lỗi!” Anh đi lướt qua cô gái.
Không khí bên ngoài thật dễ chịu, từng bông tuyết vẫn lất phất rơi, hờ hững biết bao, lạnh lẽo biết bao, nhưng lại đem đến sự dịu dàng bất tận.
Có những lúc, khi ta muốn quên điều gì đó thì quả là có thể quên được.
Họa Trần ngủ rất ngon, không hề mộng mị. Trời nắng đẹp, lại không có mây, cái lạnh lan tràn khắp nơi. Tuyết chất thành đống mỏng ven đường, những cây thường xanh vẫn xanh tốt suốt bốn mùa, chẳng hề bị héo úa tàn tạ vì thời tiết giá lạnh.
Cô đi làm bằng xe buýt.
Họa Trần biết lái xe, cô cũng có xe riêng, là một chiếc Wrangler đỏ. Hễ cô lái chiếc xe này ra đường, ít nhất có tám mươi phần trăm người đi đường sẽ ngoái đầu nhìn. Chiếc xe lướt trên đường cao tốc giống như ngọn lửa màu đỏ rực. Tay lái của cô rất tốt, là hội viên của câu lạc bộ xe Wrangler. Cô đã từng cùng các thành viên khác tổ chức chuyến đi đường trường vượt qua Tề Lỗ, tự mình lái xe đi mấy nghìn cây số. Sau đó, câu lạc bộ còn tổ chức chuyến đi qua Tân Cương tới Tây Tạng, cô bảo mẹ là muốn tham gia. Mẹ cô chẳng ngăn cấm, chỉ nói cứ đi đi, nhưng hễ xe của cô lăn bánh là bà sẽ tưới một thùng xăng rồi châm lửa.
Họa Trần vuốt mũi, không dám nhắc tới chuyện này lần nào nữa. Mẹ cô đã nói là làm, không phải dọa suông, mà là cảnh cáo. Người thông minh đều hiểu, lùi một bước đường rộng thênh thang.
Cô làm ở ngân hàng Vinh Phát cũng là ý của mẹ. Họa Trần học đại học chuyên ngành tiếng Trung. Vừa tốt nghiệp, sinh viên ở các ngành khác đều tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành của mình, chỉ có ngành tiếng Trung là không được như thế. Có người làm giảng viên, có người làm chính trị, có người kinh doanh buôn bán, có người đi du học. Còn cô bước chân vào ngân hàng, một nơi đầy hơi tiền.
Họa Trần nơm nớp lo sợ khi bước vào cánh cửa của ngân hàng Vinh Phát. Giấy không gói được lửa, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, chưa đến một tuần, cô đã lộ ra bộ mặt thật của kẻ ngoại đạo.
Họa Trần nói mình là bình hoa sứ thô kệch của tầng hai mươi bảy, Hứa Ngôn tưởng cô tự giễu, nhưng thật ra, là do đồng nghiệp cùng phòng, Tuân Niệm Ngọc, gắn mác biệt hiệu đó cho cô.
Tuân Niệm Ngọc và Nhậm Kinh đều là trợ lý đặc biệt của giám đốc. Họ có bằng kế toán viên cao cấp, bằng kiểm toán viên, bằng tiếng Anh cấp tám và nói lưu loát tiếng Quảng Đông. Trước khi Họa Trần đến, hai người họ dùng chung một phòng làm việc. Vì năng lực tương đương nhau nên họ luôn ngấm ngầm cạnh tranh để phân cao thấp. Sau khi Họa Trần vào làm, không thể cho một cô thư ký bé nhỏ sử dụng cả một phòng riêng, nên họ chuyển bàn làm việc của Họa Trần vào phòng của trợ lý đặc biệt.
Vì không biết rõ về Họa Trần, cô lại ít nói, nên hai ngày đầu, Tuân Niệm Ngọc và Nhậm Kinh đối xử với cô rất lịch sự, khách sáo. Giám đốc cũng chưa giao việc gì cho cô, muốn để cô dần dần quen với môi trường làm việc. Thấy Tuân Niệm Ngọc và Nhậm Kinh đều bận rộn túi bụi, Họa Trần chỉ biết giúp họ nghe điện thoại.
“Trợ lý Tuân, phòng kinh doanh tầng dưới nói thư xác nhận trên hóa đơn… gì đó xảy ra vấn đề.” Họa Trần cầm ống nghe, mặt mày nhăn nhó.
Lần đầu tiên, Tuân Niệm Ngọc và Nhậm Kinh lặng lẽ liếc nhìn nhau. “Thư ký Nguyễn, cô biết thư xác nhận của ngân hàng là gì không?” Tuân Niệm Ngọc điềm tĩnh hỏi.
Họa Trần thật thà lắc đầu.
“Chuyển khoản và hối đoái có gì khác nhau?”
Họa Trần gần như nhín thở. “Không phải đều rút tiền từ ngân hàng ra sao, có gì khác nhau ạ?”
“Thế nào gọi là tiền tệ?”(*)
(*) Từ “tiền tệ” trong tiếng Hán vì còn có nghĩa đồng âm khác nên Họa Trần hiểu nhầm thành “tóc ngắn”.
“Tóc rất ngắn là sao ạ?”
Nhậm Kinh nghe thấy thế bật cười ha hả, còn Tuân Niệm Ngọc thì “hừ” lạnh một tiếng. Cô ta rất muốn nói Họa Trần là nỗi sỉ nhục của tầng hai mươi bảy, nhưng cuối cùng lại chọn một câu hàm súc hơn: Bình hoa sứ thô kệch. Đương nhiên, ý mỉa mai, châm chọc trong câu đó vô cùng rõ ràng.
Họa Trần mỉm cười, không để bụng. Tiếng Mân Nam ở Phúc Kiến có câu ngạn ngữ “Măng tốt sinh tre xấu”. Người dân Tân Giang thì hay nói “Cha mẹ tài giỏi quá, con cái sẽ không làm nên trò trống gì.” Do đó, Họa Trần không hề có cảm giác xấu hổ, đều tại mẹ cô quá tài giỏi mà thôi.
Xe buýt dừng lại, trước mặt là tòa cao ốc sừng sững chọc trời của ngân hàng Vinh Phát, đang phản chiếu ánh nắng chói lóa trong mùa đông giá rét. Tầng một là đại sảnh tiếp khách, nhân viên làm việc ở trên tầng đều đến phòng bảo vệ cạnh để quẹt thẻ.
Sắp bước vào cửa thang máy, bỗng có ai đó vỗ nhẹ vào vai cô. Họa Trần ngoảnh đầu lại, là tài xế Tiểu Trịnh. Hai mắt anh ta thâm quầng, ngáp lên ngáp xuống. “Tối qua anh đi nhậu với bạn à?”
Tiểu Trịnh lại ngáp một cái nữa. “Tôi ngồi chờ trong xe đến tận ba giờ sáng, suýt thì bị chết cóng.”
Cửa thang máy mở ra, Tiểu Trịnh lên phòng hậu cần trên tầng năm, anh giúp Họa Trần ấn vào tầng hai mươi bảy. “Ai lại quá đáng như vậy? Đêm Giáng sinh còn dùng xe công đi đâu?” Họa Trần bất mãn lên tiếng.
Tiểu Trịnh thấy thế vội giải thích: “Phó Giám đốc Hình cũng đâu còn cách nào khác, chỉ có “vị hoàng đế” đời thứ hai của Dực Tường mới có quyền hành hạ người như vậy thôi. Anh ta là khách hàng lớn nên Phó Giám đốc Hình phải nể mặt. Tối qua, anh ấy uống cũng không ít, lúc lên xe mà chân nam đá chân chiêu.”
Họa Trần biết Ấn Học Văn lúc nào cũng đeo đồng hồ Rolex, giày phải là hàng hiệu đắt tiền, com lê thẳng thớm, may bằng chất liệu cao cấp. Người này hiểu rõ bản thân mình, biết rằng chỉ cần lơ là sẽ bị người khác coi thường nên luôn cố gắng hết sức “đóng gói” cho bản thân thật chau chuốt. Họa Trần cũng từng cùng Hình Trình đến công ty Dực Tường khảo sát hạng mục cho vay, nên cô nói cho Tiểu Trịnh biết những nhận xét của mình về Ấn Học Văn.
“Có điều, tối qua mấy cô tiếp viên hàng không ấy rất xinh đẹp, Phó Giám đốc Hình cũng không thiệt thòi lắm.” Tiểu Trịnh thốt lên ngưỡng mộ.
Họa Trần khẽ nắm chặt túi xách, cúi đầu nhìn chằm chằm vào mũi giày, môi mím chặt.
Tầng hai mươi bảy rất yên tĩnh, tối qua, sau khi dự lễ ký kết, Tống Tư Viễn đã bay về Hồng Kông ngay để cùng gia đình đón Giáng sinh. Phòng làm việc của hai vị phó giám đốc đều mở cửa, không nghe thấy tiếng động nào. Tuân Niệm Ngọc đang phân tích giá ngoại hối ngày hôm qua, Nhậm Kinh thì nghiên cứu cổ phiếu A và tình hình của những kỳ hạn giao hàng lớn. Lúc Họa Trần bước vào, hai người đều không ngẩng đầu lên.
Vừa ngồi xuống thì điện thoại nội bộ trên bàn reo vang, Phó Giám đốc Phùng cho gọi Họa Trần.
Phó Giám đốc Phùng là người chú ý đến từng chi tiết, cẩn thận, tỉ mỉ, không cho phép xảy ra sai sót, luôn nghiêm khắc với bản thân và với mọi người. Nhân viên Vinh Phát từ trên xuống dưới đều xa cách anh ta.
Họa Trần cầm sổ ghi chép bước vào phòng Phó Giám đốc Phùng, thấy vẻ mặt nghiêm trọng của anh ta, liếc mắt nhìn, cô thấy tờ Nhật báo Tân Giang trên mặt bàn.
“Thế này là thế nào?” Phó Giám đốc Phùng vơ lấy tờ báo rồi ném mạnh xuống.
Họa Trần rầu rĩ, chẳng lẽ trang nhất không đăng tin cho vay ư?
Tuy trang nhất có đăng, nhưng lại chơi trò “bình cũ rượu mới”. Bản tin đó là do Lâm Tuyết Phi viết. Anh ta đứng ở góc độ của người thứ ba, viết một cách rất khách quan về sự kiện sân bay Tân Giang được nâng cấp, công ty Dực Tường tăng thêm chuyến bay quốc tế, ngân hàng Vinh Phát cho vay một tỷ hai. Bài viết đó rất chính đáng, rất khách quan. Không phải là bài của Họa Trần đưa ngày hôm qua. “Chiều hôm nay, cuộc họp của Ban giám đốc ngân hàng Vinh Phát đã được thông qua, sau khi tiến hành điều tra nghiên cứu tình trạng kinh tế và tần suất chuyến bay của hãng hàng không Dực Tường, ngân hàng Vinh Phát đã quyết định cho vay một tỷ hai…”
“Rõ ràng bên chúng ta tích cực chủ động, vậy mà cuối cùng lại chỉ viết có vài câu hời hợt như thế này thôi sao? Bài báo của cô đâu?” Tự nhiên ngân hàng trở thành thế bị động, Phó Giám đốc Phùng đương nhiên rất tức giận.
Chắc chắn Hà Dập Phong đã ném bài báo ấy vào sọt rác rồi, vậy thì mấy tấm ảnh chụp trong usb chắc cũng không dùng đến.
Bị quát nạt ầm lên như thế, vậy mà Họa Trần lại chẳng giải thích một câu, cũng không tỏ ra áy náy hay lo lắng, cứ đứng yên ở đó khiến Phó Giám đốc Phùng càng bực. “Nguyễn Họa Trần, cô làm ở Vinh Phát được một năm rồi, cô đã học được những gì, rốt cuộc cô có thể làm được những gì?”
Nói ra những lời như vậy khiến Phó Giám đốc Phùng cảm thấy thật mất phong độ. “Cô không thấy…” hai chữ “xấu hổ” đã kề bên miệng, nhưng anh ta kịp thời kìm lại. Người có thể bước qua cánh cửa của ngân hàng đầu tư nước ngoài, vào được Vinh Phát, chắc chắn phải có quan hệ rất rộng. Nguyễn Họa Trần chỉ là sinh viên khoa tiếng Trung, nếu không phải có quan hệ dây cà dây muống với Tống Tư Viễn thì làm sao có thể bước chân vào đây. Muốn vuốt mặt cũng phải nể mũi, anh ta đành giữ thể diện cho Tống Tư Viễn, nếu không thì đã đuổi việc cô từ lâu rồi. Có điều, công ty nào mà chẳng nuôi những kẻ nhàn rỗi. Có lẽ, chẳng nên mong chờ Họa Trần làm được việc.
Cơn giận bị dập tắt một cách lặng lẽ, anh ta chán nản xua tay. “Cô đi làm việc của mình đi!” Cô giống như cục bột, ném xuống thì không giống bánh dày, cầm lên lại chẳng giống bánh tro, nhìn thấy là bực mình. Cô lại còn hơi tí là xin nghỉ phép, mỗi lần nghỉ tận dăm bữa nửa tháng, như anh ta đây, hai năm rồi đã được nghỉ phép đâu.
Họa Trần hỏi thêm một câu theo đúng phận sự: “Phó Giám đốc Phùng còn việc gì cần dặn dò nữa không ạ?”
“Không, không còn gì nữa!” Mắt không thấy thì tâm sẽ không phiền.
Họa Trần suýt nữa va vào Hình Trình ở cửa. Hình Trình nháy mắt với cô, thấp giọng nói: “Ý của anh ta là em đến là được rồi, còn mấy việc kia không sao đâu.” Rõ ràng tiếng quát tháo của Phó Giám độc Phùng, anh đã nghe thấy hết.
“Em biết rồi.” Họa Trần cũng nháy mắt, cười tươi như hoa. “Phó Giám đốc Hình, Giáng sinh vui vẻ!” Hình Trình vẫn mặc bộ com lê màu đen phối với chiếc cà vạt màu lam ngọc có họa tiết chìm, trông anh rất đẹp trai, lịch sự, lại không mất đi phong cách chuyên nghiệp, không để lại dấu vết nào của việc say rượu đêm qua.
Hình Trình trợn tròn mắt, rồi vỗ vào đầu mình. “À, Giáng sinh rồi, anh là nông dân, chưa bao giờ đón ngay lễ này.”
“Vậy Tết Dương lịch thì sao?”
“Sao cơ? Em có ý tưởng gì à?”
“Nếu như em bảo là có, anh sẽ nghe em sao?” Gương mặt Họa Trần sáng bừng như đang mơ giấc mơ đẹp.
Hình Trình bật cười. “Cô gái này cả ngày chỉ nghĩ đến chuyện chơi thôi, ai thèm lấy cơ chứ. Anh vào gặp Phó Giám đốc Phùng có công chuyện đây.” Anh nhìn cô chăm chú, thấy có sợi tóc bay bay liền tiện tay vén sang bên.
Hai má Họa Trần bỗng nhiên đỏ bừng.
Hôm nay, giám đốc Ngân hàng Nhân dân mở tiệc đầy năm cho cháu trai. Ông ta đặt vài bàn tiệc ở khách sạn Hoa Hưng, nói rằng chỉ mời bàn bè người thân, nhưng các ngân hàng lớn làm sao có thể bỏ qua cơ hội giao lưu này. “Giám đốc Tống gọi điện tới dặn, quà tặng nhất định phải vừa đẹp vừa lịch sự.” Hình Trình nói.
Phó Giám đốc Phùng vuốt vuốt tóc nói. “Tổ chức đầy năm đúng vào lễ Giáng sinh, đúng là ngày tốt, muốn quên cũng không quên được. Nếu Giám đốc Tống đã gọi điện dặn cậu thì cậu nên thay mặt ban giám đốc tham dự.”
“Làm gì có chuyện đó! Anh là đàn anh, anh đi sẽ hợp tình hợp lý hơn.” Hình Trình khiêm tốn nói. Anh và Phó Giám đốc Phùng từng làm ở ngân hàng nhà nước, cả hai mới chuyển về ngân hàng Vinh Phát làm việc. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Phùng lại lớn hơn anh mười tuổi, nên anh ta vẫn có chút không hài lòng vì phải ngang cấp với anh. Họ nói chuyện lịch sự khách sao, nhưng thực ra hai người rất xa cách, những ngày lễ, ngày tết, ngay cả tin nhắn chúc mừng cũng không có.
“Phó Giám đốc Hình muốn nhắc tôi đã già sao?” Phó Giám đốc Phùng thích trêu đùa, nhưng giọng nói lại rất gượng gạo.
Hình Trình mỉm cười. “Thế cũng được, vậy tôi sẽ thay mặt Giám đốc Tống và Phó Giám đốc Phùng đi chúc mừng họ. Haizz, tối hôm qua bị công tử Ấn ép uống không ít, không biết tối nay có chống đỡ được không nữa.”
“Phó Giám đốc Hình thật bận rộn mà!”
“Chẳng còn cách nào khác, đó là số mệnh.” Hình Trình nói xong liền rời đi khiến Phó Giám đốc Phùng mãi không nuốt trôi cục tức. Phải nói thật là, có nhiều việc Tống Tư Viễn tín nhiệm Hình Trình hơn anh ta. Ví dụ như chuyện cho công ty Dực Tường vay tiền rất dễ thành công. Khi đã đạt được thành công thì có khả năng nhận chức giám đốc chi nhánh, có thể đó là chi nhánh ở Hồng Kông, không chỉ tiền lương sẽ tăng gấp đôi, mà còn có một vị trí rất chắc chắn.
“Haizz! Không già đi có phải tốt hơn không?” Phó Giám đốc Phùng lẩm bẩm.
Trên bàn làm việc của Họa Trần có hai chậu xương rồng cảnh. Loài thực vật này sống rất khỏe, trồng ở đâu cũng phát triển, lại có thể thanh lọc không khí. Họa Trần trồng trong hai cái chậu hoa màu xanh biếc và đặt ở hai bên máy tính. Sáng nào đến cô cũng lau chậu hoa, sau đó rót cho mình một cốc trà. Cô không uống cà phê như Tuân Niệm Ngọc và Nhậm Kinh mà uống trà ướp hoa. Loài trà này nhập khẩu từ Anh, lúc uống không cảm thấy ngọt mà có chút đắng chát, nhưng uống quen rồi sẽ cảm thấy rất nhẹ nhõm.
Tuân Niệm Ngọc và Nhậm Kinh đang ngồi trước máy vi tính, đầu cũng chẳng ngẩng lên, hoàn toàn coi cô như không khí. Thật ra, bọn họ đều rất bận rộn.
Công việc của Họa Trần nhẹ nhàng hơn, vì cô không có kiến thức chuyên ngành nên được phân công ghi chép biên bản cuộc họp, nghe điện thoại, in tài liệu, gửi thông báo cho các bộ phận. Lúc cô đang lên mạng đọc tin tức thì nhận được điện thoại của chị Hứa Ngôn.
Hứa Ngôn xin lỗi về chuyện bài báo, chị nói rằng không ngờ Giám đốc Hà lại làm như vậy. Lúc đó đã rất muộn, nghe biên tập sắp chữ nói Giám đốc Hà đã phê duyệt, chị không nghĩ nhiều, cũng không xem lại. Sáng sớm cầm tờ báo lên xem mới sững sờ cả người.
“Em có bị mắng không?”
“Bị mắng sẽ mạnh mẽ hơn.” Họa Trần nói với vẻ thản nhiên.
“Thật ra, Giám đốc Hà làm như vậy cũng có lý do, sau này, công việc của cậu ấy mới có thể mở rộng.” Hứa Ngôn đúng là nhân viên gương mẫu, đến lúc này mà còn bảo về Hà Dập Phong.
Họa Trần gật đầu như mổ thóc.
“Hôm nào phải bảo cậu ấy mời em ăn cơm mới được, cậy ấy nợ em rồi.”
Nói đến ăn thì Hà Dập Phong không nợ gì cô cả. Nhưng cô cũng cần bỏ chút thời gian đến tìm anh để lấy lại usb.
Lúc tan làm, Họa Trần nhận được một cuộc điện thoại. Nhìn dãy số hiển thị trên màn hình, cô bấm nghe mà trong lòng đầy băn khoăn. Đó là bạn cấp ba của cô, Giản Phỉ Nhiên. Hai người từng ngồi cùng bàn, cũng từng là bạn của nhau. Sau khi vào đại học thì không liên lạc nữa.
Lần gặp gỡ gần đây nhất là ở công ty Dực Tường. Họa Trần bĩu môi, không nghĩ thì thôi, cứ nghĩ là thấy dạo này có quá nhiều chuyện liên quan tới công ty Dực Tường. Giản Phỉ Nhiên là tiếp viên trưởng của hãng hàng không Dực Tường, giờ là người hướng dẫn tiếp viên mới thực tập cho những chuyến bay quốc tế mới mở.
Họa Trần ngẩn người. Giản Phỉ Nhiên xinh đẹp, điều này thì rõ như ban ngày. Hồi còn đi học, cô ta luôn đứng trong tốp mười của lớp. Trong các hoạt động lớn nhỏ, nếu cô ta không là người dẫn chương trình thì cũng đảm nhận vai diễn nào đó. Giản Phỉ Nhiên thi đại học cũng thuận lợi, đỗ ngành tài chính quốc tế của Đại học Ninh Hạ. Vậy tại sao cô ấy lại không đi làm theo ngành đã được học nhỉ?
Giản Phỉ Nhiên thì không nghĩ như vậy, công việc chính là kế sinh nhai, nếu có thể phát huy khả năng của mình ở phương diện khác thì chẳng cần dốc lòng dốc sức theo đuổi đúng chuyên ngành làm gì cho mệt.
Giản Phỉ Nhiên hẹn Họa Trần đi ăn tối khiến cô cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và băn khoăn.
Trong sách, sư thái Diệc Thư có viết như sau: Khi nam nữ chia tay, đàn ông thường hỏi: “Sau này chúng ta sẽ là bạn chứ?” Phụ nữ thường cười chua xót đáp lại: “Là bạn sao còn muốn chia tay?”
Đúng vậy, nếu như thật sự là bạn, cho dù đắng cay hay ngọt bùi thì tình bạn theo năm tháng sẽ giống như bình rượu ngon, hương vị sẽ càng nồng đậm. Cô và Giản Phỉ Nhiên rõ ràng không phải là bạn bè thật sự.
Giản Phỉ Nhiên là học sinh giỏi mà trường Trung học Ninh Thành vinh dự chào đón, còn Họa Trần lại phải mất tiền để xin vào học. Giản Phỉ Nhiên luôn là người chủ động tiếp cận Họa Trần. Cô ta đối với Họa Trần có vẻ nhiệt tình hơi thái quá, làm gì cũng cùng nhau, ngay cả đi vệ sinh, hai người cũng như hình với bóng. Lên lớp Mười một, có lần Họa Trần đau bụng kinh xin nghỉ về nhà. Đến cổng trường, cô mới nhớ ra hôm nay bác mình có việc đã về quê, ở nhà không có ai nên cô đến phòng y tế, uống mấy viên thuốc giảm đau, nằm trên giường mà đầu óc mơ mơ màng màng. Tiết thứ tư sáng hôm đó là tiết thể dục, lúc chạy tám trăm mét, có bạn nữ bị ngã sõng soài trên đường chạy, chân tay đều bị trầy xước. Giản Phỉ Nhiên và mấy cô bạn cùng đưa bạn nữ đó đến phòng y thế. Sau khi bôi thuốc xong, mấy người đó ngồi nói chuyện phiếm, chẳng hiểu sao lại nhắc đến Họa Trần.