Mùa xuân sắp đến, bà nội Phương ngồi ở hành lang nhìn ra ngỏ mãi. Cô hai của Phương chiều đi làm về ghé đón hai đứa con trai tan học, lúc chạy vào nhà thấy vậy thì thở dài:

- Con Phương nó lớn rồi mẹ, nó còn phải lo bên nhà chồng nó nữa. Vài bữa nữa nó về chứ gì mà trông! Mẹ ăn cơm chiều chưa?

Bà cụ cười rồi đi vào nhà, chân bên trái vẫn đau, đi có hơi chậm và khó khăn. 

- Mẹ ăn rồi, chiều chồng con có mua cháo lòng, mẹ trộn cơm ăn, nó có nấu canh với thịt chiên để phần ba mẹ con con đó, nãy nó nói với mẹ là nó đi đá banh với bạn nó, con rãnh thì đưa hai đứa nhỏ ra đó chơi chung. 

Sau khi nhà thờ tổ bán cho người ta, bà nội của Phương- một người rất thương đứa con trai út của mình, lại là người đã ra ủy ban xã tố cáo con bà sử dụng ma túy, bà nghĩ chắc hẳn con mình chơi với bạn xấu tới đề đóm thì hút chích cũng không tránh khỏi. Nhưng kết quả cho thấy ba của Phương không có nghiện. Thời gian đó Phương thi chuyển cấp lên lớp 10, trong nhà có quá nhiều chuyện xảy ra. Phương đã nhìn thấy người ta đến xem nhà, cảm giác của cô bé rất khó nói thành lời, nơi mình từ bé lớn lên, nơi mình dùng để chui ra chui vào ngày mưa ngày nắng, nơi mà đám tiệc thì bà con, họ hàng sum vầy bên nhau, bây giờ có một người xa lạ đến nhìn ngó nó, đánh giá nó, và mua nó. Phương nhìn thấy bà nội khóc khi người ta và ba Phương kí tên vào một tờ giấy. Cô bé cũng thấy bà nội và ba mình không nói chuyện nhiều nữa, cảm xúc với nhau cũng trở nên mông lung, yếu ớt. Cô hai về nghe tin cũng chỉ nói thêm vài câu trò chuyện chứ không nhắc đến nhà nữa. Bác ba của Phương thì giận em mình, nên cũng không nói lời nào với ba của Phương. Một cô bé mười bốn, mười lăm tuổi đôi khi lại thấy hổ thẹn vì ba mình đã làm mất đi đất tổ cho người ngoài. Năm Phương lên lớp mười bà nội cô bé bệnh nhiều, nhà cũng không còn, cô hai cũng không dám tin tưởng đưa mẹ cho em út nuôi nữa, vậy là bà nội của Phương chuyển đến sống chung vợ chồng của con gái lớn, còn Phương không muốn làm gánh nặng nên đã chuyển đến sống cùng ông bà ngoại, ba của Phương cũng không dám nhìn mặt mẹ nên đi lên thành phố làm bốc vác cho bác tư của Phương. 

Mùng hai, Phương cùng Bảo Phương rời biệt thự nhà chồng để về bên cô, mẹ chồng Phương cho vào tay cô rất nhiều đồ ăn, mứt nho, mứt chà là, bánh tét, lạp xưởng:

- Về nói với bà nội, ông bà ngoại con cho ba mẹ gửi lời hỏi thăm sức khỏe nha! Nhớ nói chồng con có nhậu thì uống ít thôi.

- Dạ mẹ! Thưa ba mẹ con đi!

Mẹ chồng cô gật đầu cười, Phương theo gót chồng đi ra xe. Nhớ mấy hôm trước đi làm về muộn, ngang qua phòng ba mẹ chồng Phương nghe tiếng mẹ chồng nói với ba chồng với giọng rất mỉa mai:

- Con Phương nó hay đi về trễ quá, công ty mình làm gì bắt nhân viên tăng ca, ép chỉ tiêu đâu mà nó bận vậy? 

Lúc đó cô mặc kệ câu của bà ấy, giờ cũng không để tâm. Nhưng cô gái ấy thừa nhận mình không muốn vờ thân thiết với người mẹ chồng này nữa, bà ta không muốn thừa nhận cô từ lúc ông Lĩnh nói sẽ cưới vợ cho Bảo Phương rồi. 

....

Đến đoạn gần nhà, Phương nói với chồng:

- Anh vào nhà chào bà nội em một tiếng rồi hẵng đi, tết này em muốn chơi tết bảy ngày, mùng sáu anh ghé rước hay em tự ra ngã tư đợi anh?

- Ừ, bảy ngày cũng được, chỗ gặp thì... để lát anh chuyển khoản qua rồi em tự kêu xe đi cho đỡ tốn thời gian cả hai. 

- Dạ!

Hai vợ chồng Phương cưới nhau bốn năm, bốn năm này Bảo Phương không những không trở nên quen thuộc với vợ mà càng ngày, Xuân Phương càng cảm thấy mình đang thành một đứa ở không, bên nhà chồng không nhờ vả cô được cái gì.  

Hai vợ chồng trẻ bước vào căn nhà gạch bông cấp bốn trông không sa hoa nhưng có đôi nét kiêu hãnh. Bà nội Phương đang ngồi ăn mứt, nói chuyện với mấy người bà con vừa ghé, thấy cháu gái trở về, mấy người bà con quay lại nhìn, Phương và chồng khoanh tay gật đầu thưa:

- Thưa bà năm, bà sáu, ông chín mới qua!

Mấy ông bà cười gật đầu, ông chín lấy trong túi ra hai bao lì xì đỏ đưa cho Phương:

- Tết nay ông bà chín trúng lúa, lì xì hai đứa chút đỉnh, ha ha!

Phương cười tít mắt ôm cổ ông:

- Dạ vợ chồng con cám ơn ông chín! Chúc ông chín năm mới sức khỏe dồi dào, tiền vô như nước ạ!

- Ha ha, con bé này vẫn không khác gì hồi nhỏ, bà thấy nó nịnh ngọt xớt không bà sáu? 

Bà nội Phương cười ha ha, nói vợ chồng cô mới về thì đi rửa mặt trước đã. Phương cùng chồng đi ra sau nhà, múc nước mưa trong lu ra rửa mặt, rửa tay. 

Sau đó Phương đưa chồng ra tới xe, chào tạm biệt rồi lên nhà xem phim, cắn hạt dưa nói chuyện cùng mấy anh chị em họ đi cùng ông chín, bà năm, bà sáu. 

.....

Mùa xuân bầu trời thật đẹp, tối ba mươi bà nội, vợ chồng cô hai, hai đứa anh họ nhỏ hơn tuổi của Phương cùng cô xem bắn pháo bông trên một cánh đồng gần nhà, sau đó lại cùng nhau xem hài kịch, chờ giao thừa đến. Lúc mọi người đang cười rộ vì trò trên tivi, bất chợt Phương nhìn thấy hình thờ mẹ cô nằm trên bàn thờ, mẹ rất trẻ, hồi cô cưới chồng mấy bà con đều nói cô giống hệt mẹ cô hồi ấy, nhưng dẫu sao mẹ cô cũng là cưới người mẹ yêu, ba cô cũng yêu mẹ cô nhiều, dù ba không mua cho mẹ được chiếc nhẫn vàng, còn cô thì ngược lại- Phương ước giá như tết này cô có thể đón tết cùng mẹ, không biết cô lớn lên tính cách và gương mặt giống mẹ nhiều ít nhỉ?


Mùng một, năm nay bà nội nhờ chú Tư hàng xóm sang xông đất, lấy hên đầu năm vì năm nay năm con Gà, chồng cô hai làm chủ nhà có tuổi Sửu, để chú Tư tuổi Tị làm người vô nhà đầu năm thì cả năm mọi chuyện suôn sẻ. Phương ngồi trên ván nhìn chú Tư chúc tết bà nội, lúc gặp cô, chú cười hỏi:

- Nhỏ này phải con thằng út không chị Sáu? 

Bà nội cô cười nói:

- Nó đó chú tư, nay nó hăm bảy rồi!

- Ha hả, hồi nhỏ nó lanh lắm nè, sao lớn rồi điềm tĩnh hả con? Hồi nhỏ chú nhậu với ba mày có rủ ổng gả mày mà ổng không chịu, nói con tao xấu, bà cái thằng!

Chú Tư nói xong ai cũng cười rộ lên, Phương không biết tuổi có quyết định năm nay gia đình làm ăn khắm khá không, nhưng đầu năm cười như này thì cả năm giàu chắc rồi. 

Chốc sau, ngoài cổng có tiếng xe máy chạy vào, một chàng trai trẻ đội mũ kín đang đậu xe, lúc Phương ngó ra xem thì nhận ra, cô cười tươi chạy ra cửa hô:

- Ê Bợm! Ông là Bợm thiệt hả?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play