Việc đưa Triệu cô nương và Bàn Nhi vào cung đã tạo nên những cơn sóng gió cho Trần gia, nhất là gần đây, tam phu nhân và tứ phu nhân đã gây sự với đại phu nhân mấy lần. Chuyện tam phu nhân với tứ phu nhân bực tức vì bị đại phu nhân cướp công nổi tiếng đến nỗi ai cũng biết, khiến các hạ nhân trong nhà liên tục bàn ra tán vào.
Lợi dụng tình hình này, Bàn Nhi sai Hương Bồ cùng Thanh Đại lan tin nhị phu nhân cũng bị đại phu nhân ép phải đồng ý cho điệt nữ của đại phu nhân nhập cung.
Vốn dĩ nhị phu nhân muốn đứng ngoài cuộc rồi xúi giục tam phu nhân cùng tứ phu nhân đối đầu với đại phu nhân thôi. Nghe mọi người đồn thổi như thế, bà ta cũng thấy đám nô tài dưới trướng làm được việc nên đã ban thưởng cho rất nhiều người. Điều này làm một số hạ nhân của Trần gia tin rằng đã làm đúng ý của chủ tử nên ra sức lan truyền tin đồn khiến cả phủ ngày càng ồn ào hơn.
Tất nhiên chuyện này cũng đến tai đại phu nhân. Dù bề ngoài không thể hiện gì, nhưng trong lòng đại phu nhân rất bực bội và luôn âm thầm nhắm vào nhị phu nhân. Lúc gặp nhau, hai người họ hừng hực khí thế chiến đấu như hai võ sĩ đang chuẩn bị đánh nhau trên võ đài.
Thời tiết đang ấm dần lên, các chủ tử và hạ nhân của Trần phủ đã trút bỏ những chiếc áo khoác dài hai lớp để khoác lên mình y phục mùa xuân.
Bùi Vĩnh Xương rất hào phóng, hắn ta muốn mua y phục, đồ dùng hàng ngày và nữ trang cho Bàn Nhi, nhưng nàng đều từ chối. Dù đã đạt được thoả thuận riêng với Bùi Vĩnh Xương, nhưng dẫu sao bây giờ đang ở Trần gia, cho nên bớt được chuyện ầm ĩ nào hay chuyện đó. Nếu để nhị phu nhân nhìn thấy, không chỉ mình Bàn Nhi gặp nguy hiểm mà ngay cả nữ tế như Bùi Vĩnh Xương cũng có thể gặp xui.
Dù sao đi nữa Bùi Vĩnh Xương cũng là một nam nhân nên đâu thể nào hiểu được những âm mưu xấu xa chốn nội trạch được. Càng nghe lời phân tích của Bàn Nhi, hắn ta càng cảm thấy khi đó mua Bàn Nhi về quả là lựa chọn sáng suốt. Trong lòng hắn ta rất coi trọng Bàn Nhi, tuy bề ngoài tỏ vẻ không biết làm gì để tránh hiềm nghi, nhưng Bùi Vĩnh Xương đã nhiều lần lén đưa bạc cho nàng mua ngân phiếu để nàng sử dụng thoải mái, thứ khác thì không nhiều chứ bạc thì hắn ta có nhiều.
Tạm gác những chuyện vặt vãnh này sang một bên, nhị phu nhân đã lệnh cho Bàn Nhi đến Vân Hà viện vào hôm nay.
Bàn Nhi nghi ngờ và cảm thấy rất khó hiểu bởi nàng biết nhị phu nhân không thích nàng chứ đừng nói đến muốn gặp nàng. Nàng vào trong phòng thay y phục, trang điểm và ra lệnh cho Tình cô cô nói vài lời với nha đầu đến truyền lời của nhị phu nhân.
Tình cô cô nhét một hào bạc vào tay nha đầu kia, đối phương lập tức tiết lộ tình hình thực tế. Thì ra nha đầu Đan Nhi này không biết nhị phu nhân gọi Bàn Nhi đến để làm gì, chỉ biết bà ta cũng gọi Triệu cô nương, điệt nữ của đại thái thái, sang.
Chẳng bao lâu sau, Bàn Nhi bước ra. Nàng mặc một chiếc áo bằng lụa Hàng Châu màu xanh nhạt trơn cùng chiếc váy xếp ly màu xanh hạt đậu, tóc được búi cao đơn giản và cài một cây trâm bằng bạc trông không còn gì có thể giản đơn hơn. Y phục nửa mới nửa cũ tuy trông khó coi và bần hàn nhưng vô cùng phù hợp với thân phận của Bàn Nhi.
Trước khi bước ra, Hương Bồ còn nghĩ y phục của Bàn Nhi quá xuề xòa, không bắt mắt và sáng chói như của Triệu cô nương. Mấy ngày nay, không cần phải ra ngoài thì Bàn Nhi sẽ không bước ra khỏi cửa, nhưng Hương Bồ lại thầm quan sát Triệu cô nương nên biết nàng ta vô cùng giàu sang, hơn nữa dung mạo lại đẹp tuyệt trần, Hương Bồ sợ rằng Bàn Nhi sẽ bị người ta đem ra so sánh. Nhưng vì quá hiểu tâm tư của Bàn Nhi nên nàng ấy chỉ cười mà không nói lời nào.
Bàn Nhi dẫn Thanh Đại đi theo Đan Nhi trên một con hẻm nhỏ dẫn thẳng đến Vân Hà viện. Khi đi được nửa đường, họ gặp hai người. Một nam nhân gần trung niên có khuôn mặt trắng ngần, đôi lông mày dài cùng cặp mắt anh tuấn. Trên người hắn mặc áo cà sa màu chàm cùng miếng ngọc bội Dương Chi Bạch Ngọc giắt ngay thắt lưng, tổng thể trông vô cùng nho nhã. Nam nhân còn lại ăn mặc như tuỳ tùng theo sau. Hiển nhiên có thể thấy nam nhân trung niên kia là một vị chủ tử nào đó của Trần gia.
Dường như không nghĩ sẽ gặp người khác ở đây, nam nhân trung niên kia ngẩng đầu lên quan sát xung quanh rồi nhìn vào Bàn Nhi.
Đan Nhi kéo chủ tớ Bàn Nhi tránh sang một bên rồi nhún người xuống hành lễ: “Nhị lão gia.”
Bàn Nhi đưa mắt liếc sang. Dù chỉ nhìn thoáng qua, nhưng thấy ánh mắt của người đối diện đang nhìn thẳng vào mình, nàng vội vàng cúi đầu xuống.
Trần Bình Vũ không nhìn nàng nữa và hỏi: “Các ngươi đang đi đâu?”
Mặc dù hơi nghi ngờ, không hiểu vì sao nhị lão gia hỏi những chuyện cỏn con như thế, nhưng Đan Nhi vẫn trả lời thành thật rằng nhị phu nhân cho gọi Bàn Nhi sang nói chuyện.
Trần Bình Vũ cũng biết vài chuyện trong gia tộc, mấy hôm nay Trần nhị phu nhân cũng không ít lần rót những lời chua ngoa vào tai ông ta, nào là đại phu nhân như thế này, Thái tử phi như thế kia.
Với Trần Bình Vũ, tình hình trong cung rất phức tạp, một mình Thái tử phi không thể đối phó với mọi tình huống nguy khốn được, mà gia tộc không thể đưa thêm nữ nhi vào cung được nữa. Nhưng nương gia của đại phu nhân là gia tộc Triệu thị ở Hà Nam, trưởng tử của đại phòng Trần Thanh Hoa đã lấy nữ nhi của Triệu gia, vậy sau này Triệu Hi Nguyệt, người sắp được đưa vào Đông Cung làm thiếp, sẽ là thê muội của Trần Thanh Hoa.
Loại quan hệ này cực kỳ thân cận, khó tránh sự nghi ngờ của Hoàng thượng, chỉ riêng nhị phu nhân ở hậu trạch ấu trĩ không hiểu chuyện luôn nghĩ đại phu nhân cố tình ngáng chân bà ta. Trần Bình Vũ sẽ không bàn kĩ chuyện này với nhị phu nhân vì dù sao bà ta cũng không nghe lời.
Về thân phận của Bàn Nhi, không cần nói hắn cũng biết rất rõ, chỉ có điều tướng mạo của nàng…
Dù nhị lão gia đã đi qua, nhưng Bàn Nhi vẫn cảm thấy có ánh mắt đang nhìn thẳng vào lưng mình. Nàng bước về phía trước với cái lưng cứng đờ và vấn đề đọng lại trong lòng nàng bấy lâu nay đang dần sáng tỏ.
Nàng không ngờ rằng chỉ trong nháy mắt đã đến Vân Hà viện, cùng lúc ấy nàng đã nhìn thấy Triệu Hi Nguyệt, là Triệu cô nương đã nổi danh từ lâu.
Tiền kiếp của nàng không có Triệu Hi Nguyệt, Bàn Nhi cũng không biết có phải vì kiếp trước không lôi kéo Bùi Vĩnh Xương phá rối tình hình, nên nữ nhân này mới không xuất hiện. Nhưng hiện tại hai người họ xuất hiện cùng một lúc, không biết sau này nhập cung sẽ như thế nào, nhưng hôm nay nhị phu nhân cho gọi cả nàng và Triệu Hi Nguyệt cùng đến thì đây rõ ràng không phải là chuyện trùng hợp.
Phỉ Thúy nói nhị phu nhân đang ngủ trưa chưa dậy, nên bảo họ sang phòng nghỉ ngơi chờ, rồi bảo vài nha hoàn dâng trà và trái cây lên.
Khi các nha hoàn lui xuống hết, trong phòng nghỉ chỉ còn lại hai người. Triệu Hi Nguyệt mặc một chiếc áo choàng lụa với hoạ tiết hoa sen màu xanh có con bướm đang đậu trên hoa, cùng chiếc váy thêu tay màu xanh ngọc bích. Mái tóc đen dài của nàng ta búi theo kiểu Tuỳ Vân Kế, trên đầu cài chiếc trâm bằng vàng có đính đá hồng ngọc cùng ngọc trai, làn da trắng như tuyết, dung mạo đẹp như hoa hải đường, tổng thể trông nàng ta kiều diễm vô cùng. So với nàng ta, thì Bàn Nhi trông nhếch nhác và kém nổi bật hơn nhiều.
Triệu Hi Nguyệt chỉ liếc nhìn Bàn Nhi một lúc rồi thôi. Từ lâu nàng ta đã nghe tin tuỳ tùng của nhị phòng tìm thấy một ca kĩ gầy còm ốm yếu ở Giang Nam định gửi vào cung để củng cố vị trí của Thái tử phi.
Trong suy nghĩ của nàng ta, người như thế này chỉ đáng làm trò đùa của người khác, dù dung nhan có đẹp đến đâu, nhưng xưa nay Thái tử luôn căm ghét kỹ nữ và những hạng má phấn môi son xướng ca vô loài như Bàn Nhi, nên chắc chắn hắn ta sẽ không thích loại nữ nhân này. Thế nên nàng ta không cần phải sợ!
Bàn Nhi nhìn qua chỉ thấy ánh sáng từ khóe mắt của Triệu Hi Nguyệt cũng đủ để biết nàng ta nghĩ thế nào về mình. Có điều nàng đã quen với điều này, không, là “Bàn Nhi” đã quen rồi mới đúng.
Thậm chí ở tiền kiếp, khi Thái tử lên ngôi Hoàng Đế, nàng vì là người cũ ở Đông Cung nên được phong làm Quý nhân, sau đó lên Lệ phi. Vì nàng là nô tỳ của Thái tử phi, nên dù sau khi trở thành Hoàng hậu, nàng ta vẫn ra sức đàn áp nàng. Rõ ràng có thể phân cho nàng sống ở một cung điện khác, nhưng Trần hoàng hậu nói rằng không nỡ để nàng đi nên cuối cùng ép buộc gông cùm nàng ở lại Khôn Ninh Cung. Rõ ràng nàng là một chủ tử nhưng sống lại chẳng bằng nô tài của kẻ khác. Bất kì ai trong cung cũng biết xuất thân thấp hèn của nàng nên luôn chê cười và khinh thường nàng.
Mãi cho đến khi nào? Cho đến khi Việt Nhi trưởng thành, hoàng hậu vẫn không chịu buông tha nàng, không chỉ muốn cả đời nàng làm nô tỳ cho mình mà còn muốn để nhi tử của nàng làm nô tài cho Thái tử. Từ lúc ấy nàng mới trở nên tàn nhẫn hơn, dám đối đầu với Hoàng hậu và cố gắng giành được sự sủng ái của Hoàng thượng bằng mọi cách.
Nàng tuy mới chạm ngưỡng trung niên nhưng đã ở bên Hoàng thượng hơn hai mươi năm và việc kề cận bên hắn ta cũng không phải là giả. Hoa trong cung nở rồi lại tàn, tàn rồi lại nở, những người cũ khi xưa còn sống để có thể ở cạnh Hoàng thượng đến tận bấy giờ đã chẳng còn mấy người. Lúc trước, nàng luôn trốn tránh, nhượng bộ vì một lòng một dạ muốn bảo vệ bản thân và nhi tử của nàng. Nhưng khi bị dồn đến đường cùng, nàng buộc phải vùng lên để sống sót.
Cũng may trong lòng Hoàng thượng vẫn luôn có nàng, cộng thêm nàng một lòng một dạ lôi kéo, nên sự sủng ái của Hoàng thượng dành cho nàng càng một nhiều hơn. Khi Lệ phi được phong làm Nguyệt Hoàng Quý phi thống lĩnh hậu cung, những ánh mắt khinh thường nàng mới biến mất. Cho tới lúc nàng trở thành Hoàng thái hậu, tất cả những ai từng coi thường nàng đều phải cúi rạp trước mặt nàng.
Chỉ trong nháy mắt, những thăng trầm của cuộc đời lướt qua tâm trí Bàn Nhi, khi nàng ngẩng đầu lên lần nữa, Triệu Hi Nguyệt đang bưng chén trà lên uống.
Đó là trà hảo hạng được ướp bằng hoa nhài, Bàn Nhi chỉ cần ngửi mùi cũng biết rõ về nó, nhưng trong loại trà này còn cho thêm một thứ gì khác nữa.
Nàng không biết nhiều về dược lý mà chỉ học được một ít từ Tình cô cô, sở dĩ nàng biết trong trà được thêm vị khác là vì nàng đã quá quen thuộc với loại trà ướp hoa này.
Thấy Triệu Hi Nguyệt vì sốt ruột mà nhấp liên tục từng ngụm trà, Bàn Nhi cầm chén trà lên, nhấp một hớp, sau đó lau miệng bằng khăn nhân tiện nhổ ngụm trà vào đó.
Chiếc khăn của nàng không phải bằng lụa. Quý tộc đương thời chuộng dùng khăn lụa bởi bề mặt của khăn trơn bóng và mềm mại, trông sang trọng và không dễ bị bẩn. Bàn Nhi thích dùng khăn bông hơn bởi nó được chế thành từ vải bông nên thấm nước tốt, trông không bắt mắt nhưng rất dễ sử dụng. Kiếp trước không biết cái khăn bông này đã cứu nàng bao nhiêu lần.
Nàng lau sạch khóe miệng, đặt chén trà xuống rồi nhẹ nhàng nói: “Ta nghĩ phu nhân sắp đến rồi, Triệu cô nương nên uống ít trà hơn phòng những chuyện không sạch sẽ xảy ra để rồi phải lau dọn phòng.”
Triệu Hi Nguyệt không ngờ Bàn Nhi sẽ nói chuyện với mình, nàng ta liếc nhìn đối phương, không nói gì rồi uống thêm trà. Nàng ta không những không nghe lời Bàn Nhi mà còn trách đối phương phiền phức. Bàn Nhi thầm thở dài, thôi bỏ đi, quan tâm giúp đỡ hết lòng là được.
Nàng cảm thấy vì nàng để Bùi Vĩnh Xương xáo trộn mọi thứ nên Triệu Hi Nguyệt mới xuất hiện, nàng muốn nhắc nhở đối phương một hai câu, nhưng vì đối phương nghe không lọt tai nên không thể trách nàng được.
Lúc này, rèm châu trên cái lồng hoa vang lên, Phỉ Thúy bước vào trước, sau đó xoay người đỡ tấm rèm lên. Thấy vậy, cả hai vội vàng đứng dậy. Không lâu sau, nhị phu nhân cùng Lưu ma ma bước vào, nhị phu nhân mặc một cái áo choàng dài với hoạ tiết hoa mẫu đơn lớn màu đỏ và vàng.
Nhị phu nhân ngồi xuống chiếc giường La Hán được làm từ gỗ hoa tử đàn chạm khắc với hoa văn chữ vạn màu mơ chín. Bàn Nhi và Triệu Hi Nguyệt đều cúi đầu hành lễ và ngồi xuống chỗ nhị phu nhân đã ra hiệu. nghe truyện tốt hơn trên app TYT -
“Đã lâu ngày không gặp, nay Hi Nguyệt có vẻ xinh đẹp hơn trước rất nhiều.”
“Đa tạ lời khen ngợi của nhị thúc mẫu. Hi Nguyệt cảm thấy dung nhan và phong thái của nhị thúc mẫu ngày một rạng rỡ hơn.”
Đây chỉ là một lời nói khách sáo, nghe trưởng bối khen ngợi hậu bối, hậu bối đương nhiên cũng phải đáp lại, nhưng trong mắt của nhị phu nhân, lời khen ấy không khỏi nhắc bà ta nhớ đến sự thúc ép của đại phòng. Hơn nữa, thấy Triệu Hi Nguyệt xinh đẹp ngời ngời, ăn mặc lộng lẫy đến loá mắt, trong lòng bà ta càng ghét nàng ta hơn.
Bà ta liếc nhìn lượng trà hoa nhài trong chén trà của nàng ta đã vơi đi kha khá, rồi nhìn sang nơi khác, sau đó bà ta mỉm cười và khen Triệu Hi Nguyệt khéo ăn khéo nói.
Vì không có ai chú ý tới Bàn Nhi nên nàng quan sát được nhiều hơn và không bỏ qua nhất cử nhất động của nhị phu nhân.
Nói bóng nói gió cũng đã làm, việc dạy dỗ quy củ cũng đã xong, lần này nhị phu nhân gọi Bàn Nhi và Triệu Hi Nguyệt đến không phải để dạy, mà xem ra chỉ đến để “uống trà”.
Quả nhiên, sau khi nói xong những câu chuyện thường ngày với họ, thì khuyên bảo tỷ muội thì phải cùng chung chí hướng. Lời này cũng là đang nói cho Triệu Hi Nguyệt nghe, sau đó cho hai người họ rời đi.
Từ khi bước ra khỏi cổng chính của Vân Hạ viện, Triệu Hi Nguyệt luôn cười khẩy. Trong suy nghĩ của nàng ta, nhị phu nhân như con chuột bị dồn đến bước đường cùng đang cố tìm cách để trút bỏ ân oán trong lòng mà thôi, dù sao nửa tháng nữa nàng ta sẽ vào cung, nên chẳng cần chịu đựng bà ta lâu nữa.
“Triệu tỷ tỷ.” Bàn Nhi gật đầu với Triệu Hi Nguyệt rồi chào tạm biệt.
Triệu Hi Nguyệt liếc nhìn nàng với ánh mắt khinh bỉ: “Ai là tỷ tỷ của ngươi, ta không có cái loại muội muội như ngươi!” Nàng ta cố ý nhấn mạnh từ “cái loại”. Nói xong, nàng ta lạnh lùng hừ một tiếng rồi bỏ đi cùng nha hoàn thân cận.
Thanh Đại định nói gì đó rồi lại thôi, Bàn Nhi vỗ nhẹ vào tay nàng ấy để động viên, mỉm cười dẫn nàng ấy đi về khách viện.
Trong phòng tiệc, nhị phu nhân đang nói chuyện với Phỉ Thúy. Nghe theo lời căn dặn của Lưu ma ma, Phỉ Thúy bước tới và mở hai chén trà ra xem.
“Một người sợ uống quá nhiều trà sẽ khiến căn phòng sạch sẽ trở nên bẩn thỉu trước mặt phu nhân, một người lại vì quá thèm khát loại trà hảo hạng này mà uống không chừa một giọt.” Kẻ tham lam ấy tất nhiên là ám chỉ Triệu Hi Nguyệt.
Nghe Phỉ Thúy nói thế, nhị phu nhân mỉm cười đắc thắng: “Không sợ nàng ta lúc này giở thói hung hăng ngang ngược, bởi sớm muộn gì ta cũng sẽ cho nàng ta thấy uy quyền của ta.”
Bà ta cầm khăn lau khóe miệng rồi nói tiếp: “Dù sao bây giờ họ nghĩ ta đang tức nước vỡ bờ, nghĩ ta vì bị dồn đến đường cùng đến nỗi buộc phải phản kháng. Mấy ngày tới hôm nào cũng gọi họ tới uống trà.”
Lưu ma ma và Phỉ Thúy đều im lặng.
Nhị phu nhân hỏi thêm về mối quan hệ giữa Triệu Hi Nguyệt và Bàn Nhi.
Phỉ Thúy trả lời: “Nô tỳ nghe Nghiên Nhi nói, Triệu cô nương có vẻ coi thường Bàn Nhi cô nương.”
Nhị phu nhân càng cười đắc ý, nói: “Xem thường mới tốt cho ta, để Lý Vinh Gia châm thêm nhiều thứ vào đầu nàng ta khiến hai nha đầu đó vật nhau đến một mất một còn, thì Nghiên Nhi của ta mới có thể ngư ông đắc lợi ngồi không cũng hưởng được.”
App TYT & Wisteria team
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT